Từ 2009, ĐH được tự chủ tuyển sinh

H

hienthutran

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Sáng nay, 9/11, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) Nguyễn An Ninh cho biết, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ được tổ chức từ năm 2009. Kết quả thi này sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ và TCCN.


Trong kỳ thi THPT quốc gia, trước mắt, trong 3 năm đầu, sẽ thi 8 môn như hiện nay (gồm Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý). Sau đó, có thể thêm các môn khác như Tin học, Giáo dục công dân...

Để được công nhân tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 5 môn. Trong đó có 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. 2 môn còn lại có thể được tự chọn, hoặc 1 môn do Bộ GD-ĐT quy định và 1 môn tự chọn trong số các môn còn lại của 8 môn.

Trước kỳ thi 1 năm, các trường ĐH, CĐ và TCCN phải quy định các môn thi trong số 8 môn của kỳ thi, môn được nhân hệ số và môn năng khiếu (nếu có)... Đồng thời, công bố chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành và các tiêu chí xét tuyển từng ngành.

Trong trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành đặc thù, Bộ GD-ĐT cho phép trường chọn số thí sinh dự tuyển trong số thí sinh đăng ký hợp lệ theo điểm từ cao xuống thấp của ngành học bằng khoảng 1,5 đến 2 lần chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành để tổ chức kiểm tra 1 lần nữa.


Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức năm 2009; trong đó đề thi có phần riêng cho học sinh chương trình Bổ túc THPT thi tốt nghiệp. Phần "tuyển sinh" ra chung cho cả 2 đối tượng dự thi. Năm 2009-2011 tổ chức thi đồng loạt, ở tất cả các đơn vị thi trên toàn quốc, cùng lịch thi và cùng đề thi.


Từ năm 2012 tổ chức thi theo các thời điểm khác nhau, ở các vùng, miền khác nhau với các đề thi khác nhau.

Theo dự thảo đề án tổng thể đổi mới công tác thi và tuyển sinh của Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, đề thi sẽ có cơ cấu 70% kiến thức, 30% nâng cao.

Các môn thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ ra đề theo hình thức trắc nghiệm. Riêng môn Ngữ văn thi 2 phần: phần tự luận 90 phút và phần trắc nghiệm 30 phút.


Mỗi môn thi đều ra theo chương trình THPT, không chỉ lớp 12 và không chỉ theo sách giáo khoa. Cụ thể, đề thi sẽ có 2 phần: Phần thứ nhất để công nhận tốt nghiệp, gồm khoảng 70% số câu hỏi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT. Phần thứ hai để xét tuyển sinh, gồm khoảng 30% số câu hỏi theo chương trình nâng cao ở cấp THPT.


Đề thi do Bộ GD-ĐT soạn thảo. Số phiên bản đề trắc nghiệm mỗi môn ít nhất bằng nửa số thí sinh trong phòng thi.



Ý kiến


Phó GĐ Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Hoàng Đức Nam:

Các giải pháp trong đề án đưa ra nặng về chuyên môn, chưa khả thi. Những vấn đề dự thảo đưa ra thực tế vẫn nhiều ý kiến chưa đồng thuận.


Thậm chí, hiệu trưởng một trường THPT chuyên ở Vĩnh Phúc không ủng hộ việc gộp 2 kỳ thi thành một".

Một vấn đề nữa là nguồn lực thực hiện, để sau khi đề án được thông qua thì ở địa phương phải có gì để "bám". Cụ thể là đội ngũ, kinh phí...

Tôi không ủng hộ việc thi 5 môn như dự thảo đề án, mà "nên giữ 6 môn thi như hiện nay để đảm bảo học toàn diện, không lệch". 6 môn gồm 3 môn bắt buộc + 1 môn do Bộ GD-ĐT quy định và 2 môn thí sinh tự chọn.



Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Đoàn Hoài Vĩnh: "Tôi ủng hộ phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia, thậm chí Bộ còn làm chậm. Hà Nội đã có một số năm kinh nghiệm thực hiện kỳ thi "hai trong một" để vừa xét tốt nghiệp THCS vừa xét tuyển vào lớp 10, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Việc tổ chức một kỳ thi sẽ giúp giảm bớt căng thẳng, tiết kiệm hơn cho cả HS và xã hội. Đặc biệt là phải có sự tuyên truyền rộng rãi, cụ thể với HS, phụ huynh và toàn xã hội phương thức thi, học phù hợp.

Do kết quả sẽ được sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên các trường cần phải cử cán bộ, giảng viên tham gia tổ chức, giám sát kỳ thi để khách quan, đáng tin cậy.


Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Thái Nguyên:


Trong dự thảo, có gợi mở: "Thí sinh tự do đăng ký dự thi tại bất cứ đơn vị thi nào". Tôi phản đối bởi, "quy định như vậy sẽ rất khó trong kiểm soát vì thí sinh chạy lung tung. Do vậy, Bộ nên quy định cụ thể trừ trường hợp đặc biệt để hạn chế tối đa những tiêu cực nảy sinh".

Tôi ủng hộ việc cải tiến thi theo hướng chỉ còn 1 kỳ thi. Hình thức thi không quan trọng bằng tuyên truyền để "đánh" vào ý thức tự giác của học sinh và giáo viên...

Môn Văn không cần thiết phải quy đinh 30% thi theo hình thức trắc nghiệm. Môn Toán càng không nhất thiết phải trắc nghiệm 100%...

Dự thảo chỉ quy định mức điểm "sàn" tốt nghiệp, còn tùy từng địa phương xác định điểm tốt nghiệp THPT căn cứ trên kết quả điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia... cũng có chỗ bất cập.

Nếu quy định như vậy sẽ có tỉnh điểm tốt nghiệp thấp, có tỉnh cao...dẫn đến không theo chuẩn mực chung.


(Kiều Oanh/ VietNamNet)
 
Top Bottom