- 29 Tháng mười 2018
- 3,304
- 4,365
- 561
- TP Hồ Chí Minh
- THCS Nguyễn Hiền
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
A. Nhà Tần (221 - 206 TCN)
a. Tần Thủy Hoàng đế (221 - 210 TCN)
Năm 221 TCN, Tần vương Chính thống nhất Trung Quốc sau nhiều thế kỷ loạn lạc. Ông chính thức xưng là Hoàng đế ("Hoàng đế" ghép từ hai danh hiệu "Tam hoàng" và "Ngũ đế" thời cổ đại), hiệu là Thủy Hoàng đế, thành lập triều Tần và đóng đô ở Hàm Dương
Lãnh thổ Trung Quốc dưới thời Đế chế Tần
Tần Thủy Hoàng đế - Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, cai trị Đế chế Tần
Một góc kinh đô Hàm Dương
Sau khi chính thức xưng là Hoàng đế; Thủy Hoàng đặt ra danh xưng là "trẫm" và mệnh lệnh do Hoàng đế ban ra gọi là "chế", "chiếu". Ở triều đình trung ương, giúp việc cho Hoàng đế là Thừa tướng (Lý Tư làm Thừa tướng Đế chế Tần) và Thái úy, Ngự sử đại phu. Thừa tướng coi việc hành chính; Đô úy coi việc quân sự; Ngự sử đại phu phụ trách văn thư và giám sát quan lại. Ngoài ra còn có các chức quan coi giữ binh mã, tài chính, lương thực, vật tư...
Ở địa phương, Thủy Hoàng bãi bỏ chế độ phân phong thời Tây Chu mà chia đất nước thành 36 quân, do quận thú cai quản. Dưới quận là các huyện, do huyện lệnh cai quản. Dưới huyện là hương, đình, lý. Riêng viên quan Giám ngự sử sẽ phụ trách quản lý chung các quận, mật báo tình hình cho Hoàng đế
Quân đội của Đế chế Tần
Hoàng đế Tần xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh để đàn áp khởi nghĩa của nhân dân và phản loạn của quý tộc, gây chiến tranh xâm lược bên ngoài
Thi hành đường lối của phái Pháp gia của Hàn Phi Tử, Tần Thủy Hoàng đặt ra pháp luật rất khắc nghiệt. Phàm đàn ông ở rể, bản thân mình đã từng đi buôn hay trước đây có đi buôn, có gia đình buôn bán đều bị phạt lưu đày ra biên cương. Ngoài ra, pháp luật thời Đế chế Tần quy định nếu ai được huy động đi làm gì đó mà đến nơi không đúng kỳ hạn sẽ bị xử tử. Mặc khác, những người nào phê phán pháp luật thời Tần sẽ bị quân Tần bắt xử tử (vụ quân Tần chôn sống 460 nho sinh vì họ phê phán chính sách của Đế chế Tần)
Về kinh tế, Tần Thủy Hoàng sở hữu ruộng đất tối cao. Ông ta quy định nông dân cày ruộng phải nộp thuế cho nhà vua, trừ các quý tộc và những người làm nghề tôn giáo không phải nộp thuế; thừa nhận tư hữu ruộng đất của quý tộc và không thu thuế ruộng tư. Đế chế Tần cho khai mở nhiều sông ngòi, đắp nhiều con đê. Điểm tích cực là Thủy Hoàng thi hành chế độ đo lường và tiền tệ, thuế khóa thống nhất.
+ Hoàng đế quy định đơn vị đo lường thống nhất gồm: mỗi thăng vuông = 202,15 mililit; mỗi cân đồng = 258 gam; mỗi xích = 23,2 cm (ghi theo Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ)
+ Ông ban hành một đơn vị tiền tệ chung là "tệ" (thượng tệ bằng vàng, hạ tệ bằng đồng). Ông quy định một "dật" (thượng tệ) = 20 lạng; một hạ tệ - 1/2 lạng (bằng 12 thù). Tiền đồng thời Tần là loại hình tròn có lỗ vuông, mặt trước đúc hai chữ "bán lượng" (nửa lạng).
+ Thủy Hoàng cũng ban bố chế độ thuế khóa chung thống nhất, bằng cách ra lệnh cho nhân dân khai báo số ruộng đất chiếm hữu của mình để đánh thuế. Thuế khóa thời Tần chủ yếu là thuế ruộng, thuế lương thực, gia súc. Hoàng đế cũng quy định đàn ông từ 17 đến 60 tuổi phải đi làm lao dịch cho nhà nước. Hoàng đế đặt ra chức quan Thiếu phủ thu thuế rừng núi, ao hồ; chức quan Trị túc nội sử quản lý thuế khóa, chi tiêu và phu dịch.
Về xã hội, Tần Thủy Hoàng gọi nhân dân là "đầu đen" và biên chế theo hộ, ghi trên thẻ tre gọi là "hộ tịch". Dựa trên hộ tịch, nhà nước thu tô ruộng (bằng thóc lúa) và thuế đinh (thuế nhân khẩu), trưng binh và lực dịch. Đề phòng các quý tộc của sáu nước thời Chiến quốc cũ có thể nổi dậy, Hoàng đế Tần ra lệnh dời 12 vạn quý tộc về Hàm Dương và phân tán vào Ba Thục (Tứ Xuyên); tịch thu binh khí của nhân dân để đúc thành 12 pho tượng đồng, mỗi pho tượng nặng 24 vạn cân (mỗi cân = 0,5kg)
Vạn Lý Trường Thành
Về đối ngoại, Hoàng đế Tần cho điều động 2 triệu người đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành dài 5.000 dặm (trên 3.000 km), kéo dài từ Lâm Thao (huyện Mân, Cam Túc) ra tận Liêu Đông. Dưa vào Trường Thành, vào các năm 215 - 214 TCN thì nhà vua phái tướng Mông Điềm đem 30 vạn quân đánh tan quân Hung Nô (thuộc chủng tộc Mông Cổ) và giành lại dược vùng Hà Sáo
Sau đó vào năm 214 TCN, Hoàng đế lại phát 30 vạn quân Tần đi xâm lược các tộc Việt. Quân Tần đánh chiếm một vùng rộng lớn phía nam Trường Giang; lập ra bốn quận là Mân Trung (Phúc Kiến), Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (bắc Quảng Tây) và Tượng (tây Quảng Tây, bắc Quỳ Châu). Nhưng khi tiến sâu vào rừng núi nam Trung Quốc, quân Tần liền bị các tộc Tây Âu - Lạc Việt liên minh với nhau, Thục Phán chỉ huy chung đã đánh bại nhiều trận. Quân Tần thất bại, hàng chục vạn quân bị tiêu diệt, kể cả chủ tướng Đồ Thư.
cung A Phòng
lăng Ly Sơn
Để đề cao uy quyền của mình, Thủy Hoàng ra lệnh cho 70 vạn dân đi xây cung A Phòng và lăng Ly Sơn (trích Sử ký Tư Mã Thiên). Theo sách xưa ghi lại, điện trước của cung A Phòng dài khoảng 750 mét, rộng trên 150 mét và có sức chứa đến 1 vạn người. Trước cửa cung có đắp đường lớn chạy đến núi Nam Sơn; phía sau cung có con đường chạy đến Hàm Dương. Lăng Ly Sơn là nơi chôn cất vua Tần, được dựng ở chân núi Ly Sơn ở phía tây Hàm Dương. Toàn bộ khu lăng có diện tích 66,25 m2, cao trên 150 mét; trên lăng có khắc hình các vì sao, dưới lăng thì khắc hình sông biển. Khu lăng có lắp nhiều máy bắn tên để tiêu diệt những kẻ trộm mộ. Để xây dựng hai công trình đồ sộ trên, vua Tần "đánh thuế đến 2/3 thu hoạch; huy động người dân phu dịch liên tục, kể cả phụ nữ cũng phu dịch hết; vét hết của cải cung ứng cho nhà vua" (trích theo Hán thư - Thực hóa chí)
Tháng 9/210 TCN, Tần Thủy Hoàng trong khi đi xem xét ở nhiều nơi thuộc Trường Giang, ông bất ngờ qua đời trên đường về, tại Sa Khâu (Hà Bắc). Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao âm mưu giả di chiếu của nhà vua để ám hại thái tử Phù Tô và tướng Mông Điềm; đưa em trai là Doanh Hồ Hợi lên ngôi lúc 20 tuổi, hiệu là Tần Nhị thế. Tần Thủy Hoàng để lại hơn 40 người con, Hồ Hợi là con thứ 18 của Hoàng đế
b. Tần Nhị thế (210 - 207 TCN)
Sau khi lên ngôi, Nhị thế tiếp tục chính sách của cha. Khi mai táng Tần Thủy Hoàng, ông ta ra lệnh chôn theo khoảng 100 cung phi chưa có con, rồi bịt kín lăng mộ lại.
Nghe theo lời của Triệu Cao, Tần Nhị thế làm nhiều việc tàn bạo: ông ta tiếp tục xây cung A Phòng, nuôi nhiều động vật và buộc cung cấp nhiều thức ăn, giết oan nhiều đại thần và anh em. Cụ thể, ông ta cho giết chết các quan tam lang, 6 vị công tử đều bị giết ở đất Đỗ. Nghe tin khởi nghĩa ở Sơn Đông năm 209 TCN, vua Tần giết hết những người báo tin
Năm 208 TCN, Nhị thế không nghe lời khuyên can nên bớt binh dịch mà lập tức cho giết hại Khứ Tật, Lý Tư, Phùng Kiếp; sau đó ông ta lại cho sát hại tiếp các anh em của mình: Mười hai vị công tử bị xử tử giữa chợ Hàm Dương. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, 10 vị công chúa của nhà Tần đã phải chịu cái chết đau đớn khủng khiếp với kết cục bị phân thây. Họ bị chặt đứt chân tay và sau cùng bị kẻ hành quyết cắt đứt cổ họng.
Triệu Cao (tượng phục chế, ảnh: baidu)
Tháng 8/207 TCN, Thừa tướng Triệu Cao âm mưu làm phản, nên bày trò dâng Nhị Thế một con hươu và bảo rằng đó là con ngựa, Nhị Thế cười nói:
Thừa tướng lầm đấy chứ! Sao lại gọi con hươu là con ngựa?
Nhị Thế hỏi các quan xung quanh. Những người xung quanh im lặng, có người nói là "ngựa" để vừa lòng Triệu Cao, cũng có người nói là "hươu". Nhị Thế thấy vậy cả kinh, tự cho là mình loạn óc, bèn cho giết những người gọi hươu là hươu và cho gọi quan thái bốc sai bói xem. Lấy cớ vua Tần đang trai giới để giải hạn, Triệu Cao sai con rể là Diêm Nhạc đến và bức Tần Nhị thế phải tự tử
c. Tần Tử Anh (207 TCN)
Nhị thế băng hà, người chú của ông là Doanh Tử Anh lên ngôi vào tháng 8/207 TCN. Ít lâu sau, ông dùng mưu giết được Triệu Cao khi biết tướng Tần là Chương Hàm đã đầu hàng Hạng Vũ.
Thời Tử Anh, quân Tần liên tiếp bị quân khởi nghĩa đánh bại nhiều nơi. Quân của Lưu Bang tiến vào Quan Trung, buộc vua Tần đầu hàng sau 46 ngày trị vì (tháng 10/207 TCN). Tháng 11/207 TCN, quân Hạng Vũ tiến vào và cho giết vua Tần Tử Anh đã đầu hàng, cùng các công tử của Tần. Đế chế Tần diệt vong.
d. Khởi nghĩa nông dân cuối thời Tần (209 TCN)
Tháng 6/209 TCN, Trần Thắng (còn gọi là Trần Thiệp), nguyên là tá điền; cùng với Ngô Quảng là người nước Sở, làm đội trưởng trong đoàn 900 người bình dân các làng được đưa đi đồn thú ở Ngư Dương (Bắc Kinh). Khi đến Đại Trạch (huyện Kỳ, An Huy ngày nay) thì gặp mưa lớn và không đến đúng hẹn được. Mọi người rơi vào lo âu và căm tức.
Trần Thắng bàn riêng với Ngô Quảng: “Ở đây còn cách Ngư Dương mấy ngàn dặm, không có cách gì đến đúng kỳ hạn được, chẳng lẽ chúng ta đành đến chịu chết sao?”
Ngô Quảng nói: “Như thế sao được. Hay chúng ta bỏ trốn đi”.
Trần Thắng nói: “Trốn mà bị bắt lại cũng chết. Vùng lên chống lại cũng chết. Đằng nào cũng chết nhưng chống lại mà chết còn vẻ vang hơn. Dân chúng đã khổ vì triều Tần nhiều lắm rồi. Nghe nói Nhị Thế là một thằng trẻ con vốn không đến lượt làm hoàng đế. Làm hoàng đế đáng ra phải là Phù Tô, vốn được mọi người yêu mến. Còn Hạng Yên là một đại tướng của nước Sở, từng lặp công lớn, mọi người đều biết ông ta là một trang hảo hán, hiện nay không biết còn sống hay đã chết. Nếu chúng ta lấy danh nghĩa Phù Tô và Hạng Yên để hiệu triệu thiên hạ, thì người nước Sở nhất định sẽ hưởng ứng chúng ta”.
Ngô Quảng tán thành chủ trương của Trần Thắng. Nửa đêm, hai người dùng mưu giết được 2 tên quan coi phu, sau đó dựng cờ khởi nghĩa ở Đại Trạch
Trần Thắng phất cờ khởi nghĩa
900 quân khởi nghĩa đánh chiếm Đại Trạch. Trần Thắng kéo quân ra huyện Trần (Hoài Dương, Hà Nam) với hơn 1.000 kỵ binh và vài vạn bộ binh, gần 700 cỗ chiến xa. Trần Thắng ngay sau đó tự lập làm vua, hiệu là Trương Sở (khôi phục nước Sở). Sau khi lập nước, Trần Thắng chia quân thành 2 cánh: một cánh quân thì đi hàng phục các chư hầu, cánh còn lại thì tiến đánh quân Tần
Nhưng khi triển khai lực lượng, khởi nghĩa lại bộc lộ nhược điểm là các tướng lĩnh nông dân không đoàn kết mà lại phá hoại lẫn nhau:
+ Ở cánh quân tiến đánh quân Tần (3 cánh quân) thì cánh nghĩa quân của Chu Văn mạnh nhất, gồm 1.000 cỗ xe và mấy chục vạn quân. Chu Văn tiến quân chuẩn bị tiến đến Hàm Cốc quan, uy hiếp Hàm Dương. Tần Nhị thế hoảng sợ, vội cho tha những người bị tù tội và giao cho Chương Hàm chỉ huy đạo quân này. Khi quân khởi nghĩa vừa qua Hàm Cốc, quân Tần phản công mạnh mẽ; khiến quân khởi nghĩa thất bại và Chu Văn đã phải đâm cổ tự vẫn.
+ Ở cánh quân đi chiêu hàng chư hầu, các tướng lĩnh của cánh quân này bị bọn quý tộc cũ của sáu nước thời Chiến quốc xúi giục tự lập làm vua chư hầu như Vũ Thần làm Triệu vương, Ngụy Cữu làm Ngụy vương, Điền Đam làm Tề vương; vì thế lực lượng của Trần Thắng bị phân tán
Sau khi đánh tan Chu Văn, quân Tần của Chương Hàm đánh hạ thành Huỳnh Dương (Hà Nam ngày nay), thủ lĩnh nghĩa quân là Ngô Quảng bị thuộc tướng Điền Tang giết hại. Sau khi đánh bại Ngô Quảng, quân Tần tiến đánh đất Trần. Trần Thắng bị thua phải bỏ chạy và bị người đánh xe phản bội giết chết (Trần Thắng làm vua mới 6 tháng). Quân Tần sau đó cũng đánh tan luôn cánh quân của Tống Lưu, bắt giữ Tống Lưu rồi cho xe xé xác.
Nguyên nhân thất bại:
- Nội bộ quân khởi nghĩa không thống nhất, các thủ lĩnh không đoàn kết lẫn nhau và thậm chí sát hại lẫn nhau
- Trần Thắng giao cho người thân tín giám sát nghĩa quân, nhưng những người này làm việc tàn bạo nên bị nghĩa quân xa lánh
- Quân khởi nghĩa ít kinh nghiệm chiến đấu; tướng lĩnh nghĩa quân không có kinh nghiệm chỉ huy
=> Ý nghĩa quan trọng nhất: làm Đế chế Tần diệt vong
e. Chiến tranh Sở - Hán và sự thành lập triều Hán (209 - 202 TCN)
Tháng 8/209 TCN, hai chú cháu là Hạng Lương, Hạng Vũ phất cờ khởi nghĩa ở đất Ngô Trung (huyện Ngô, Giang Tô), giết quận thú Cối Kê và tập hợp được 1.000 quân tinh nhuệ. Viên đình trưởng ấp Bái (huyện Bái, Giang Tô) là Lưu Bang nổi dậy giết hại viên huyên lệnh Bái và tự lập Bái công với 3.000 nghĩa quân tham gia, theo Hạng Lương
Hạng Lương phất cờ khởi nghĩa
Sau khi phất cờ khởi nghĩa, nghĩa quân của Hạng Lương theo kế của quân sư Phạm Tăng đã lập một người thuộc dòng dõi vua Sở Hoài vương (chết ở Tần năm 296 TCN) là Hùng Tâm đang chăn dê, lập làm vua và lấy hiệu là Sở Hoài vương (tháng 8/207 TCN). Về phần Hạng Lương thì sau hai lần đánh bại quân Tần, ông ta bắt đầu sinh kiêu ngạo nên bị quân Tần đánh bại và giết chết ở Định Đào (huyện Định Đào, Sơn Đông), Hạng Vũ thay ông lãnh đạo quân khởi nghĩa chống Tần.
Nghĩa quân của Hạng Vũ chuẩn bị tiến đánh trận Cự Lộc; Hạng Vũ đang chỉ huy trận đánh
Tháng 10/207 TCN, quân Tần tiến đánh thành Cự Lộc (Hà Bắc) của vua Triệu vương Yết. Hạng Vũ chia quân thành hai cánh tấn công (cho Lưu Bang đánh đất Tần), kết quả quân quân Hạng Vũ đánh tan nát quân Tần ở Cự Lộc; chôn sống hơn 20 vạn quân Tần đầu hàng
Lưu Bang lợi dụng lúc Hạng Vũ đang đánh nhau với quân chủ lực Tần ở Cự Lộc, kéo quân vào Hàm Dương. Ông ta được nhân dân Tần đón tiếp, cho niêm phong cung thất vua Tần và cho bắt giữ vua Tần Tử Anh mới đầu hàng. Hạng Vũ vào sau nên sai quân làm cỏ Hàm Dương, giết vua Tần đã đầu hàng. Ông ta cho đốt cháy cung vua Tần (lửa cháy 3 tháng không tắt), thu hết châu báu và đưa khoảng 3 vạn cung nhân về phía đông. Hạng vũ xưng là Tây Sở bá vương, đứng đầu các chư
Hạng vương chia đất cho các tướng tá; trong đó Lưu Bang được phong làm Hán vương cai quản đất Ba Thục và Hán Trung (vùng Tứ Xuyên ngày nay). Về phần mình, Lưu Bang giả vờ trở về đất phong và đi luôn (theo kế của mưu sĩ Trương Lương).
Trong khi đó, Hạng Vũ dùng mưu giết chết vua Sở Hoài vương trên sông Trường Giang (năm 205 TCN). Cùng năm 205 TCN, Hạng Vũ liên tiếp đánh bại bốn nước chư hầu của Điền Vinh (Tề vương), Chương Hàm, Tư Mã Hân và Đổng Ế; sát nhập toàn bộ vùng Quan Trung vào đất của mình. Lưu Bang thấy thế, bèn đánh vào kinh đô của Sở Bá vương Hạng Vũ => chiến tranh Sở - Hán bùng nổ (206 - 202 TCN):
- Lúc đầu, quân Hán thất bại liên tiếp: cuối năm 205 TCN, quân Sở đến đất Bái để bắt cha và vợ của Lưu Bang làm con tin. Năm 204 TCN, Hạng Vũ vây ngặt quân Hán ở Huỳnh Dương; Hán vương phải cho Kỷ Tín giả làm Lưu Bang mới thoát chết. Sau đó, quân Hạng Vũ đánh tan nát các tướng Bành Việt, Hàn Tín ở hai trận liên tiếp. Tại trận Huỳnh Dương, quân Hán bị Sở đánh cho đại bại, Hàn Tín bị Hạng Vũ bắt giam
- Sau thất bại ở Huỳnh Dương, Hán vương cử Hàn Tín đánh lấy nước Tề. Ít lâu sau, hai vạn quân Hán của Lư Quán và Lưu Giả tiến đánh đất Lương, hạ trên 10 thành. Hạng vương đem quân tiến đánh Hàn Tín, Bành Việt. Tại trận sông Tụ Thủy, quân Hán khiêu chiến mắng nhiếc 6 ngày và quân Sở ra đánh. Quân Sở thua to, Tào Cữu, Tư Mã Hân và Đổng Ế đều tự đâm cổ chết trên sông Tự Thủy. Hạng Vũ sau đó cử mưu sĩ Vũ Thiệp đến thuyết phục Tín phản Hán nhưng Tín không nghe.
- Năm 203 TCN, nhận thấy lực lượng của mình đang suy yếu và chư hầu phản bội ngày càng nhiều, Hạng Vũ giảng hòa với Lưu Bang và lấy Hồng Câu (Hà Nam) làm ranh giới; đồng thời Vũ thả cha và vợ của Lưu Bang về
- Năm 202 TCN, quân Hán huyết chiến ở trận Cai Hạ (huyện Linh Bích, An Huy). Hạng Vũ thua to, chạy đến sông Ô Giang thì tự sát. Chiến tranh kết thúc
Hai bên đang chiến đấu
Hạng Vũ
B. Triều Tây Hán (202 TCN - 8 CN)
1. Tình hình chính trị
a. Thời Hán Cao tổ (202 - 195 TCN)
Năm 202 TCN, sau khi đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang chính thức xưng làm Hoàng đế, thiết lập vương triều mới với miếu hiệu là Hán Cao tổ (202 - 195 TCN). Về kinh đô, lúc đầu Cao tổ đóng ở thành Lạc Dương (sau khi nghe ý kiến của Trương Lương, Hoàng đế quyết định dời đô ra Trường An). Do triều đình Hán của Lưu Bang đóng kinh đô ở phía tây, nên tên vương triều mới là Tây Hán
chân dung vua Hán Cao tổ (còn gọi là Hán Cao đế)
kinh đô Trường An
Trong thời gian đầu sau khi cai trị Trung Hoa, chủ trương tập trung quyền lực vào trung ương của các Hoàng đế đầu thời Tây Hán chưa rõ rệt. Để ghi công những người có công lao trong việc kiến lập vương triều mới, tạo sự trung thành một cách chắc chắn của các công thần với Hoàng đế, vua Hán Cao tổ phân phong các công thần làm chư hầu như sau:
Ảnh minh họa vua Hán Cao tổ và vợ mình, Lã hậu
b. Thời Hán Huệ đế (195 - 188 TCN)
Tháng 6/195 TCN, Cao tổ băng hà; con thứ là Lưu Doanh lên ngôi, hiệu lá Hán Huệ đế. Tuy ông lên ngôi thiên tử, nhưng việc điều hành triều đình do mẹ là Lã thái hậu quyết định. Huệ đế thực chất không có quyền hành gì. Thời Huệ đế cầm quyền, Lã thái hậu ép nhà vua lấy con gái của người chị là Lỗ Nguyên công chúa làm hoàng hậu (Trương hoàng hậu)
chân dung Hán Huệ đế
Vốn rất ghét mẹ con Thích phu nhân và Triệu vương Như Ý, Thái hậu sai giam Thích phu nhân và cho người sát hại Triệu vương bằng thuốc độc. Sau khi Triệu vương mất, Lã thái hậu giết Thích phu nhân bằng cực hình vô cùng tàn bạo: bà ta bèn sai chặt chân tay Thích phu nhân, móc mắt, đốt tai, cho uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu gọi đó là Nhân trư (人彘), nghĩa là con người lợn. Sau đó, bà cho mời Hoàng đế đến xem
Năm 193 TCN, những người trong tộc là Sở vương Lưu Giao, Tề vương Lưu Phì đến chầu. Hoàng đế mời anh em cùng uống rượu trước mặt Thái hậu. Vì ông cho rằng Lưu Phì là anh nên để ngồi ghế trên theo lễ những người trong nhà. Thái hậu tức giận, định dùng rượu độc sát hại Tề vương, nhưng bất thành. Tề vương hoảng sợ; ông nghe theo lời khuyên của quân sư nên dâng quận Thành Dương, tôn công chúa Lỗ Nguyên làm Vương thái hậu. Lúc đó Lã thái hậu bằng lòng, cho Tề vương ra về
Cuối thời Huệ đế, nhà vua thi hành chính sách giảm bớt thuế má, cất nhắc Tào Tham làm Thừa Tướng, làm xã hội dần ổn định. Theo sử liệu, Huệ đế tu sửa lại thành Trường An. Ông giảm thuế má, khuyến khích phát triển dân số và cho phép tôn sùng đạo Lão. Năm 188 TCN, Hán Huệ đế băng hà lúc mới 19 tuổi; chôn ở An Lăng.
c. Thời Cao hậu (188 - 180 TCN)
Sau khi Huệ đế giá băng, các quan lại bèn tôn Lưu Cung (con trai khác của Hán Cao tổ) lên ngôi Hoàng đế bù nhìn, hiệu là Hán Tiền Thiếu đế. Dưới bức bình phong là vua Hán Tiền Thiếu đế, Lã thái hậu chính thức xưng chế, gọi là "Lâm triều xưng chế" (tức Hán Cao hậu), tự mình ra cầm quyền không kiêng dè ai cả
Chân dung Hán Cao hậu
Để củng cố quyền lực, Hán Cao hậu muốn phong vương cho con cháu họ Lã. Được sự "đồng tình" của Trần Bình và Chu Bột, Hán Cao hậu phong cháu cả Lã Đài làm Lã vương (呂王), đứng đầu các Vương hầu họ Lã. Kế thứ là Lã Lộc làm Triệu vương (趙王), Lã Thông làm Yên vương (燕王). Bà ta cũng cho con gái Lã Lộc lấy Thành Dương Cảnh vương Lưu Chương, cùng một số con em họ Lã khác. Ngoài ra, bà còn cất nhắc tình nhân Thẩm Tự Cơ từng theo hầu hạ bà trước kia lên làm Tả thừa tướng (Tự Cơ về sau lũng đoạn triều Hán, buộc các quan phải nhờ cậy hắn thì mới xong). Năm thứ 4 (184 TCN), em gái bà là Lã Tu được phong Lâm Quang hầu (臨光侯), là phụ nữ đầu tiên được thụ phong tước vị dành cho nam giới. Cùng năm ấy, một cháu trai khác của Thái hậu là Lã Tha (呂他) được thụ phong Du hầu (俞侯), Lã Canh Thủy (呂更始) làm Chuế Kỳ hầu (贅其侯), Lã Phẫn (呂忿) làm Lã Thành hầu (呂城侯); năm đó thụ phong rất nhiều người trong các nhánh nhỏ gia tộc họ Lã, vị chi hơn 10 người đều thụ phong.
Trong năm 184 TCN, Cao hậu bèn sát hại vua Hán Tiền Thiếu đế (khi ông này biết Lã hậu ra tay sát hại mẹ mình), lập Lưu Hồng làm vua Hán Hậu Thiếu đế. Năm 181 TCN, Cao hậu cho bắt và bỏ đói đến chết Hoài Dương vương Lưu Hữu vì ông này từ chối không lấy cháu gái của Cao hậu là Lã thị. Sau khi Lưu Hữu mất, Cao hậu bèn ép Lương vương Lưu Khôi phải cưới con gái Lã Sản, đồng thời giết luôn sủng phi của ông; Lưu Khôi uất ức bèn tự sát.
Năm 180 TCN, Hán Cao hậu bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, bà phong cháu Lã Lộc làm Thượng tướng quân thống lĩnh Bắc quân, cho Lã vương Sản làm Tướng quốc thống lĩnh Nam quân, khống chế lực lượng hộ vệ trong hoàng cung; đồng thời trăn trối những điều sau cùng. Tháng 8/180 TCN, Hán Cao hậu băng hà, thọ 61 tuổi
Sau khi Cao hậu vừa chết, Trần Bình và Chu Bột làm chính biến thành công giết hết các tướng họ Lã mà Lã Thái hậu dựng lên để lấy lại thiên hạ cho họ Lưu. Vì không muốn hình ảnh Lã Thái hậu tiếp tục tồn tại, các giai cấp thống trị họ Lưu đồng lòng cho rằng Hậu Hán Thiếu Đế, cùng hai con thứ xuất của Hán Huệ Đế Lưu Doanh đều là giả mạo, bèn tiến hành phế bỏ và giết hại. Sau khi tiến hành tàn sát Hoàng đế do Lã Thái hậu lập nên, các thế lực họ Lưu kiên quyết lập hoàng tử Lưu Hằng được làm người kế vị, tức là Hán Văn Đế.
d. Văn - Cảnh chi trị
* Hán Văn đế (180 - 157 TCN):
Chân dung Hán Văn đế thiết triều quần thần
Đại vương Lưu Hằng lên ngôi Hoàng đế lúc 23 tuổi, hiệu là Hán Văn đế. Vừa lên ngôi, Văn đế lập tức tìm cách hạn chế sức mạnh của các chư hầu. Ít lâu khi lên tức vị, nhà vua lệnh cho các vua chư hầu trở về đất phong của họ. Tất nhiên không người nào nghe nhà vua truyền đạt mệnh lệnh đó. Ngay lập tức, Văn đế cho giáng chức Thừa tướng Chu Bột và buộc ông ta về đất phong; các vua chư hầu sợ hãi phải làm theo. Về sau, Văn đế nghi ngờ Chu Bột tạo phản nên sai quân bắt giam ông này lại (cậu của nhà vua phải nhờ vả Bạc thái hậu xin vua thì Chu Bột mới được phóng thích)
Thấy một số chư hầu chuẩn bị nổi dậy chống chính quyền, Văn đế ra ngay đàn áp. Năm 177 TCN, Hoàng đế điều quân đội đánh bại cuộc phản loạn của Tế Bắc vương Lưu Hưng Cư, buộc ông ta phải tự sát. Năm 174 TCN, nhà vua phế Hoài Nam vương Lưu Trường vì ông này âm mưu liên kết với Hung Nô chống chính quyền trung ương.
Trước vấn đề chư hầu, nhà vua theo đề xuất của Giả Nghị đã quyết định chia nhỏ các nước ra. Năm 164 TCN, nhân lúc Tề Văn vương (cháu đích tôn Hán Cao Đế) mất không có ai nối, ông chia nhỏ nước Tề làm 6 nước: Tề, Tế Bắc, Tế Nam, Giao Tây, Giao Đông, Tri Xuyên phong cho những người trong họ, còn quận Lang Nha thì lấy về triều đình. Nhà vua cũng quyết định chia luôn đất Hoài Nam làm 3: Hoài Nam, Hành Sơn, Lư Giang. Riêng với các chư hầu lớn như Ngô và Sở, Văn đế ngại động chạm và gây mâu thuẫn nên không chấp thuận chia cắt
Hán Văn đế thi hành chính sách tiết kiệm. Trong suốt thời gian ông làm vua, số lượng chó và ngựa trong vườn và người hầu trong cung không hề tăng thêm. Ông từng dự tính xây dựng toà lộ đài (đài hứng sương) trong cung, nhưng khi gọi thợ vào tính toán, được biết sẽ tốn khoảng trăm cân vàng nên nhà vua không gọi nữa.
Ngoài ra, nhà vua giảm nhẹ hình phạt như bỏ nhục hình (cắt thân thể), lấy lao dịch hoặc si hình (đánh roi) để thay. Có người lẽ ra bị cắt ngón chân, ngón tay nhưng vì xử si hình, phải đánh 300 roi hoặc 500 roi nên không chịu nổi và chết. Vì vậy Hán Thư cho rằng: "Những tưởng giảm nhẹ hình phạt nhưng thực chất là giết người!". Các nhà sử học Trung Quốc cho rằng bản chất ý định của Văn đế là tốt và có nhiều người ủng hộ; việc ban hành luật và người thực hiện có khoảng cách nhất định. Ngoài việc đề ra luật, Hán Văn đế cũng là người biết tuân thủ pháp luật.
Năm 157 TCN, Hán Văn đế qua đời. Con là Lưu Khải lên ngôi, hiệu là Cảnh đế
* Hán Cảnh đế (157 - 140 TCN):
Lưu Khải lên ngôi mới 32 tuổi, hiệu lá Hán Cảnh đế. Ông tiếp tục các chính sách của cha.
- Vấn đề các nước chư hầu cũng được Cảnh đế quan tâm. Thấy các vua chư hầu khinh miệt chính quyền trung ương Trường An, ngạo mạn và luôn sẵn có ý đồ ly khai, Cảnh đế vẫn duy trì chính sách mềm dẻo để duy trì đất nước ổn định. Nhưng nhà vua vẫn lo cho sự phản loạn của các chư hầu khi nghe cảnh báo từ quan Ngự sử đại phu Tiều Thố: nên cắt bớt đất đai của các chư hầu - đặc biệt là nước Ngô của Lưu Tỵ (cháu của vua Hán Cao tổ) rất mạnh; Lưu Tỵ lại có tư thù với nhà vua khi Lưu Khải còn là thái tử, đã đập chết con trai của Ngô vương khi hai người còn chơi cờ ở Trường An.
Theo lời khuyên của Tiều Thố, Hán Cảnh đế bắt đầu tước dần đất đai của các chư hầu: Năm 154 TCN, Lưu Khải mượn cớ bắt đầu tịch thu một phần đất phong của các phiên hầu Sở Vương, Triệu Vương, Giao Đông Vương nhưng vẫn không dám động đến Ngô Vương Lưu Tỵ nên gây ra nhiều tranh chấp. Lưu Khải lại hạ lệnh tịch thu 2 quận Cối Kê và Dự Chương của Ngô Vương Lưu Tỵ khiến Lưu Tỵ rất tức giận bèn lập tức huy động quân đội của bảy nước Sở, Triệu, Giao Tây, Giao Đông, Truy Xuyên, Tế Nam tiến về Trường An để nhằm lật đổ ngôi vua Hán.
Bản đồ minh họa loạn 7 nước thời Hán Cảnh đế
Thế quân của bảy nước rất lớn. Trong chính quyền Trường An, nội bộ bất hòa: Viên Áng nghe theo âm mưu của Ngô vương bèn cho hại chết Tiều Thố. Áng về sau làm sứ giả qua Ngô xin bãi binh, nhưng bất thành. Vua Hán ân hận vì đã hại chết Tiều Thố, bèn cho con của Chu Bột là Chu Á Phu làm đại tướng, mang 36 tướng ra trận.
Tượng bộ binh của quân Hán thời Hán Cảnh đế
Theo kế hoạch, quân triều đình không đánh trực diện quân Ngô vương mà cho chặn lương thực. Á Phu lại đem quân cắt đứt liên lạc giữa Ngô, Sở với các nước phía đông; không cứu nước Lương mà cố ý để cho quân Ngô hút vào chiến tranh với Lương cho chúng tốn sức lực đi. Sau khi quân Ngô và Sở cạn lương, Chu Á Phu xuất quân ra đánh bất ngờ khiến đối phương đại bại, Ngô vương bỏ chạy thì bị người Đông Việt giết chết; còn Sở vương Lưu Mậu phải tự sát
Chu Á Phu chia quân ra: một cánh thì cứu quân Tề, cánh khác thì lại chia ra để vây đánh các nước còn lại là Giao Đông, Giao Tây, Tế Nam và Tri Xuyên. Bốn nước biết không chống lại quân Hán bèn tự lui; quân Hán truy tới cùng, bức bách 4 chư hầu vương tự sát. Cùng lúc, Lệ tướng quân vây đánh nước Triệu, hạ được thành. Triệu vương Toại cũng tự sát nốt.
- Dẹp xong loạn 7 nước, Hán Cảnh Đế ra lệnh xóa bỏ nước phong của các chư hầu này, đồng thời điều chỉnh địa giới của các chư hầu nhằm đưa đất đai về dưới quyền quản lý trực tiếp của hoàng đế. Lúc này, nhà vua cử tiếp 13 hoàng tử làm vua của các nước chư hầu. Lương Hiếu vương Lưu Vũ là em út của Hoàng đế, cậy công dẹp loạn bảy nước để nhờ mẹ mình khiến cho Hoàng đế chọn làm người kế vị. Trong triều đình, Viên Áng không đồng ý việc Lương vương làm người kế vị nên bị Lương vương sai người hại chết. Nhà vua sau đó vì nể Thái hậu nên không truy cứu thủ phạm nữa.
Năm 144 TCN, Lương vương mất; Cảnh đế nhân đó chia nhỏ nước Lương làm 5 phần. Sau đó ông lại lần lượt phong cho 3 người con mình làm vương chư hầu, khiến số lượng chư hầu nhà Tây Hán lên tới 25 nước, nhiều nhất kể từ khi nhà Hán thành lập. Hầu hết đất đai chư hầu từ đó chỉ có 1 quận, thế lực yếu hơn nhiều so với trước đó
e. Thời Hán Vũ đế
Chân dung Hán Vũ đế
Năm 140 TCN, Giao Đông vương Lưu Triệt lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Hán Vũ đế. Dưới thời ông, Tây Hán bước vào thời kỳ hùng mạnh nhất
- Về tư tưởng, vua Hán độc tôn Nho giáo. Vốn là từ thời Văn - Cảnh chi trị, các vua bắt đầu sùng bái Nho giáo; đặc biệt cha ông là Cảnh đế đã mới nhiều nhà Nho làm bác sĩ, tham gia chính quyền Trường An. Năm 136 TCN, Vũ đế tán thành ý kiến của Đổng Trọng Thư đã cho "bãi truất bách gia, độc tôn Nho học".
- Về vấn đề chư hầu, Vũ đế kế thừa chính sách của ông và cha mình trong việc giảm thế lực của các chư hầu. Khi Vũ đế lên ngôi, cả nước có 54 quận, nhưng triều đình thực tế chỉ quản lý được 15 quận, còn các quận còn lại do các vương cùng họ khống chế. Năm 128 TCN (Nguyên Sóc thứ hai đời Vũ đế), nhà vua áp dụng đề nghị của Chủ phụ Yển, ban Thôi ân lệnh. Theo lệnh này, khi một chư hầu vương chết đi thì người con trai trưởng sẽ được thế tập tước vương, còn những người con trai khác cũng được phong tước hầu ở ngay trong lãnh thổ của chư hầu đó. Từ đời này sang đời khác, đất đai của chư hầu vì thế cũng sẽ ngày một giảm đi, đến nỗi chư hầu vương nhiều lắm chỉ có mười thành, tiểu hầu quốc chỉ được chừng 10 dặm. Bởi vậy các cuộc nổi dậy của chư hầu không còn đáng ngại như trước nữa, điển hình như cuộc nổi dậy của Hoài Nam vương Lưu An năm 112 TCN nhanh chóng bị dập tắt.
- Ngoài ra, vua Hán tăng cường quản lý các địa phương. Khi Vũ đế mới lên cầm quyền, đơn vị hành chính địa phương lúc này là quận do Quận thú đứng đầu. Năm 106 TCN, Hán Vũ đế chia cả nước thành 13 châu là Ký, Duyễn, Dự, Thanh, Từ, U, Tịnh, Lương, Kinh, Dương, Ích, Sóc Phương, Giao Chỉ và sai 13 người đến trấn nhận chức thứ sử (về sau đổi thành Châu mục) ở đấy
Cương vực của nước Hán dưới thời Hán Vũ đế
Sau khi ổn định tình hình trong nước, Vũ đế sai quân mở mang bờ cõi (sẽ nói rõ ở phần dưới đây)
g. Từ thời Hán Chiêu đế về sau
Năm 86 TCN, Hán Vũ đế qua đời, con thứ là Phất Lăng lên ngôi và hiệu là Chiêu đế; Hoắc Quang nhiếp chính. Vừa tức vị chưa được bao lâu, Chiêu đế dẹp tan cuộc phản loạn do hai tướng họ Lưu cầm đầu; diệt luôn gia đình Thượng Quan vì Thượng Quan có tư thù với vị nhiếp chính Hoắc Quang và mưu phản chống triều đình. Sau khi dẹp xong phản loạn, Hán Chiêu đế chăm lo phát triển kinh tế nên đất nước vẫn thái bình.
Hán Chiêu đế
Nhiếp chính Hoắc Quang
Được nhà vua ưu ái, Hoắc Quang với vai trò nhiếp chính càng chuyên quyền, khiến nhiều người không hài lòng. Hán Tuyên đế (Lưu Tuân) lên kế vị Chiêu đế quyết đình giảm bớt quyền lực của họ Hoắc. Nhân sự việc họ Hoắc âm mưu sát hại hoàng hậu của vua là Hứa Bình Quân, Tuyên đế bèn tìm cách tước dần binh quyền của họ Hoắc. Năm 66 TCN, họ Hoắc bày mưu lật đổ ngôi vua. Kế hoạch bị lộ, cả nhà họ Hoắc gồm khoảng 1.000 người bị triều đình giết sạch
Hán Tuyên đế
Năm 48 TCN, Hán Nguyên đế lên ngôi. Vừa lên ngôi, ông đã phải giải quyết mâu thuẫn giữa hai phái trong Nho gia: một phái duy trì chính sách thời Chu, phái còn lại duy trì chính sách thời Hán. Hai phái này đấu tranh liên tục không phân thắng bại, khiến vương triều Tây Hán dần lâm vào suy yếu. Lợi dụng sự suy yếu của triều đình, thế lực quý tộc họ Vương, anh em bà con với hoàng hậu Vương Chính Quân, vợ của Hán Nguyên đế nắm giữ nhiều chức quan trong triều và lớn mạnh dần lên
Năm 33 TCN, Hán Thành đế lên ngôi. Là ông vua bất tài, ông ta giao hết quyền hành trong triều cho các cậu họ Vương bên mẹ: Vương Phượng làm Đại Tư mã, Đại tướng quân kiêm Thượng thư lệnh, đồng thời phong 5 người thân thích bên mẹ khác gồm Vương Đàm, Vương Thương, Vương Lập, Vương Căn, Vương Phùng lên tước Hầu, họ Vương từ đấy lũng đoạn chính sự. Khởi nghĩa nổ ra liên miên khiến vương triều Trường An ngày càng suy yếu. Chán chính sự, Hoàng đế lui về hậu cung và hưởng lạc với hai chị em họ Triệu. Hai chị em Triệu Hợp Đức ra tay sát hại nhiều cung nữ, khiến Thành đế không có người nối dõi. Cuối cùng, ông cho truyền ngôi cho cháu trai là Lưu Hân.
Cương giới nhà Hán vào năm 2, thời Hán Bình đế
Từ thời Ai đế (6 - 1 TCN) về sau, chính quyền Trường An ngày càng suy yếu trầm trọng, quyền lực rơi cả vào tay Tư mã Vương Mãng. Bình đế (1 - 5) mới 9 tuổi được lập làm vua; Nguyên hậu chính thức ra nắm quyền; đến năm 4 thì Vương Mãng gả con gái cho Bình đế. Năm 5, Bình đế bị Vương Mãng đầu độc chết; ông ta đưa Hán Nhụ tử (Lưu Anh) mới 2 tuổi lên ngôi. Năm 8 CN, Hán Nhụ tử bị Vương Mãng phế bỏ. Triều Tây Hán kết thúc
Hán Bình đế
Hán Nhụ tử - vua Tây Hán cuối cùng
2. Tình hình kinh tế và xã hội thời Tây Hán
a. Kinh tế:
* Nông nghiệp: rút kinh nghiệm cách cai trị của nhà Tần, các vua thời Tây Hán thi hành các chính sách tích cực thúc đây nông nghiệp phát triển:
- Nhà vua đình chỉ việc xây dựng các công trình tốn kém, giảm mức thuế ruộng từ 1/15 xuống 1/30 số thu hoạch
- Công cụ lao động bằng sắt được dùng phổ biến. Nhân dân Tây Hán tích lũy các kinh nghiệm trồng trọt như chú trọng dẫy cỏ kỹ hơn, vun đất trước khi cây lúa mới nhú, gieo hạt thẳng hàng
- Đời vua Vũ đế, Đô úy thu thóc là Triệu Quá phát minh ra phép "đại điền". Phép này quy định mỗi năm chia ruộng thành ba phần, luân phiên cày cấy. Triệu Quá cũng chế tạo ra cày đôi dùng hai trâu kéo, ba người đẩy để dạy cho nhân dân quanh kinh đô
- Công cuộc trị thủy cũng được các vua chú ý. Đầu thời Tây Hán, sông Hoàng Hà hai lần vỡ đê lớn. Năm 109 TCN, Hán Vũ đế bắt mấy vạn người đi đắp các chỗ đê vỡ; cho các quan chặt thêm cây và trúc để lấp chỗ vỡ. Ngoài ra, triều đình Trường An ra lệnh đào thêm 6 mương tưới nước ở vùng Quan Trung - lớn nhất là kênh Bạch Cừ, tưới nước cho bốn đến năm trăm khoảnh ruộng
* Thủ công nghiệp: phát triển rất mạnh. Quy mô của các xưởng thủ công do nhà nước, các quý tộc quản lý rất lớn. Ở các quận có nhiều mỏ sắt và đồng; chính quyền đặt chức Thiết quan để cho viên quan này sử dụng hàng chục vạn nhân công khai mỏ, luyện sắt. Vua Văn đế bãi bỏ thu thuế muối và sắt, khiến nghề luyện sắt và đúc đồng của thương nhân phát triển mạnh. Vũ đế lên ngôi bèn độc quyền muối và sắt. Nghề dệt vải trong dân gian phát triển mạnh, xuất ra nhiều tấm vải với số lượng lớn: có năm Vũ đế trưng thu đến 5 vạn tầm lụa. Hoàng đế Tây Hán ban cho quần thần nhiều vải vóc, làm tặng phẩm cho vua Hung Nô và các nước Tây Vực.
* Thương nghiệp phát triển cực thịnh trong thời gian này. Ngoài kinh đô ra, các thành thị Lạc Dương, Thành Đô, Lâm Truy, Hàm Đan, Dương Địch hoạt động tấp nập; quanh năm suốt tháng có nhiều phương tiện chở hàng đến để buôn bán. Sau cuộc đi sứ của Trương Khiên sang các nước Tây Vực vào các năm 138 TCN và 121 TCN; quân Tây Hán đánh đuổi thành công Hung Nô sang bên kia Vạn Lý Trường Thành thì triều Tây Hán chính thức khai mở "con đường tơ lụa" (dài khoảng gần 6.000 km; từ Trường An chạy sang Tây Vực, tiến ra tận châu Âu). Trên con đường nổi tiếng này, thương nhân Tây Hán nhập về hồ tiêu, hành tỏi tây, nho, lạc đà, ngựa "hãn huyết" của Mông Cổ; đồng thời bán sang nước ngoài tơ lụa, đồ sắt cùng nhiều sản phẩm khác. Nhưng ngoại thương thời Tây Hán cũng còn hạn chế; chỉ hoạt động mạnh ở thành thị mà ở nông thôn ít hoạt động
Con đường tơ lụa
Thương nhân di chuyển trên con đường tơ lụa huyền thoại
b. Xã hội: kinh tế phát triển nên nhà nước tích lũy nhiều của cải và tiền bạc ("trong kho tiền của nhà nước, tiền đồng chồng chất mấy năm chưa đụng tới, dây xỏ tiền bị mục nát" - trích Sử ký Tư Mã Thiên, Bình chuẩn thử); đồng thời bọn địa chủ cũng có rất nhiều của cải, nên đời sống nhân dân dễ chịu phần nào. Thợ thủ công đảm bảo được công ăn việc làm
* Nông dân: thời kỳ đầu Tây Hán, nông dân được giảm tới 1/30 mức thu hoạch cho nhà nước, nhưng họ vẫn phải đóng 1/2 mức thu hoạch cho địa chủ. Nhà nước quy định, mức thuế đinh mà nông dân phải đóng là 120 tiền, phải đi lính hai năm và mỗi năm đi sưu một tháng và đi làm lính thú ba ngày. Bọn địa chủ biết nông dân còn ít ruộng tư, nên lợi dụng mất mùa, ốm đau nên cướp dần đất của nông dân. Nông dân mất ruộng bị địa chủ lừa không khai hộ tịch, trở thành dân lưu tán. Sợ dân lưu tán nổi loạn, chính quyền Trường An đã phải giảm thuế. Đến thời Vũ đế, nông dân bị bắt đi lính rất nhiều nên tình trạng nông dân mất ruộng ngày càng đông. Đời sống cực khổ của nông dân thời Tây Hán được thể hiện trong bản sớ của Tiều Thố gửi vua Tây Hán Vũ đế (trích lại trong Hán thư - Thực hóa chí): "Nay một gia đình nông dân có năm người, trong số đó ít nhất phải có hai người đi phu dịch, số còn lại canh tác không quá 100 mẫu, 100 mẫu thu hoạch được hơn 100 thạch thóc. Mùa xuân thì cày cấy, mùa hạ thì làm cỏ, mùa thu thì gặt và mùa đông thì cất thóc vào kho. Lên rừng đốn củi về để sửa sang các dinh quan, làm các công việc lao động tạp dịch. Mùa xuân thì giải phong trần, mùa hạ phải phơi nóng bỏng, mùa thu phải gội mưa dầm, mùa đông phải đón gió lạnh, bốn mùa dằng dặc không chút nghỉ ngơi. Lại còn phải lúc nào cũng tiễn đón bạn bè, ma tang người chết, thăm hỏi người ốm... Cuộc sống đã thế còn bị hạn hán, thủy tai, chính quyền khắc nghiệt, thuế má nặng nề: buổi sớm ra lệnh mà buổi chiều đã thay đổi lệnh rồi. Người có đồ vật đem bán cũng chỉ được có nửa giá, người không có đồ vật mà bán thì chịu lãi gấp hai. Cho nên có người phải bán nhà cửa ruộng nương, bán cả con cái để trả nợ".
* Nô tì: đời Tây Hán nô tì rất đông. Nguồn gốc của nô tì đa dạng, gồm người phạm tội nhà nước, người thiếu nợ, người phải bán mình, người bị cướp bắt... Tù binh là nô tì thứ yếu, không còn là chủ yếu như ở thời cổ đại nữa. Nô tì chủ yếu làm việc cho nhà quan, thương nhân; lao động ở các công xưởng của nhà nước. Giá của nô tì khá cao, thường là một vạn rưỡi đến hai vạn tiền (tương đương với bốn con bò hay ngựa; hoặc tương đương đến 2 khoảnh ruộng). Nô tì phải nộp thuế đinh gấp hai lần nông dân. Nô tì được nhà nước bảo vệ tính mạng, ngay cả quý tộc quan lại cũng không được tự ý giết nô tì
* Thương nhân: bị pháp luật Tây Hán kìm hãm nặng nề. Cao tổ vừa lên ngôi đã buộc thương nhân nộp thuế đinh và thuế sản vật rất nặng. Năm 114 TCN, Vũ đế ban hành chính sách thuế mới với thương nhân: thương nhân phải khai báo số sản phẩm để chính quyền thu thuế. Cứ 2.000 tiền vốn thì thu 1 toán (tức 120 tiền). Thương nhân kinh doanh nghề thủ công thì cứ 4.000 tiền thì thu 1 toán. Xe ngựa thu hai toán; thuyền dài 5 trượng thu một toán. Thương nhân không được sở hữu nô tì, nếu có sẽ bị phạt nặng (Vũ đế sai tịch thu rất nhiều, tới hàng triệu tiền, hàng nghìn vạn nô tì, vài trăm khoảnh ruộng ở quận huyện). Tuy vậy, nhưng nhờ quốc gia thống nhất và thị trường ổn định nên thương nhân vẫn rất giàu có, có thế lực lớn
3. Chính sách đối ngoại của các vua Tây Hán
a. Với Hung Nô:
Đầu thời Tây Hán, lợi dụng Trung Quốc còn loạn lạc thì tộc Hung Nô ở phía Bắc tràn xuống xâm lược. Người Hung Nô dưới sự thống nhất của thiền vu Mặc Đốn đã tiến hành đột kích biên giới của Tây Hán. Năm 201 TCN, Hung Nô tấn công nhà Hán, Hàn vương Tín đầu hàng.
Biết tin Hàn vương đầu hàng, Hán Cao tổ lập tức dẫn 7 vạn quân Hán đi đánh Hung Nô. Thiền vu Hung Nô sau khi biết tin Hán đế đang tiến quân liền đổi chiến thuật, cho quân lính già ra đánh để nhử quân Hán vào sâu trong trận địa. Mùa đông năm 200 TCN, quân Hán tiến sang đất Hung Nô khi trời rất lạnh, nhiều người chết rét. Quân Hung Nô tiến đánh đều giả thua, dụ quân Hán tiến đến. Vua Hán hỏi Lưu Kính thì ông bèn trả lời: "Thần thấy người ngựa của Hung Nô đúng là đều già yếu. Nhưng thần cho rằng Mặc Đốn nhất định đã cho quân tinh nhuệ mai phục. Xin bệ hạ chớ nên mắc lừa chúng".
Hán Cao tổ không nghe lời Lưu Kính, vẫn tiếp tục tiến quân. Vừa tới Bình Thành (Sơn Tây), quân Hán bị Hung Nô bất ngờ vây bốn mặt; phải rút lui về núi Bạch Đăng. Quân Hung Nô (40 vạn người) đuổi theo và vây chặt quân Hán ở Bạch Đăng tới một tuần, không có tiếp viện nào. Để phá vây, mưu sĩ Trần Bình đã đem vàng bạc đút lót cho Yên chi của Thiền vu, nhờ bà nói hộ với Thiền vu cho quân Hán rút lui. Thiền vu nghe theo, bèn cho quân Hung Nô rút lui để quân Hán trở về nước.
Sau trận Bạch Đăng, Hung Nô tiếp tục quấy rối biên cương Tây Hán. Ông hỏi Lưu Kính nên làm thế nào. Lưu Kính nói: "Tốt nhất là nên áp dụng chính sách hòa thân, tức hai bên giảng hòa, đem con gái gả cho Thiền vu, kết làm thân thích, cùng sống hòa bình với nhau". Hoàng đế cử Lưu Kính sang giảng hòa với Hung Nô; đồng thời chọn một cô gái do cung nữ sinh ra, xưng là công chúa, mang gả cho Mặc Đốn. Mặc Đốn lập nàng làm Yên chi. Từ đó, triều Hán áp dụng chính sách hòa thân, tạm thời hòa hoãn quan hệ với Hung Nô.
Sử ký còn ghi lại trong những năm từ 192 TCN đến 176 TCN, Mặc Đốn đã được nhà Hán gả cho ba vị công chúa, sang thời con ông ta là Lão Thượng (176 TCN - 162 TCN) thì con số này là hai và đến thời thiền vu Quân Thần thì tiếp tục lấy được 5 vị công chúa nhà Hán.
Đến năm 177 TCN, quân Hung Nô sang xâm phạm biên giới, Hán Văn đế ra lệnh cho thừa tướng Quán Anh mang 85.000 quân đánh dẹp, tiến vào lãnh thổ Cáo Nô, đánh bại và buộc quân Hung Nô rút về
Biên giới Hán - Hung Nô
Sau một thời gian ổn định và phát triển vừng mạnh, vua Tây Hán Vũ đế quyết định tấn công Hung Nô. Ông phái Lý Quảng trấn giữ quận Yêu Tái, củng cố phòng bị ở phía bắc. Ngoài ra, việc kết giao với Tây Vực cũng là một bước quan trọng trong việc tìm liên minh cùng chống Hung Nô. Sang năm 138 TCN, Vũ đế cử Trương Khiên sang Tây Vực kết giao cùng nước Đại Nguyệt để cùng chống Hung Nô. Quá trình chuẩn bị của nhà Hán đã hoàn thành
Quân Hung Nô đánh Hán ở Trung Quốc
Người Hung Nô
Cũng trong năm 138 TCN, Thiền vu Hung Nô quyết định hòa thân; vua Hán theo lời khuyên của Hàn An Quốc đã chấp nhận đề nghị này.
Năm 133 TCN, quân Hán dùng mưu dụ đối phương ra Mã Ấp để đánh. Thiền vu Hung Nô sau nhiều chần chừ và nghi hoặc, quyết định không cho quân ra đánh
Năm 129 TCN, Hung Nô xâm lấn Thượng Cốc. Hán Vũ đế cho 4 vạn quân Hán do Vệ Thanh, Lý Quảng và Công Tôn Ngao chỉ huy, chia thành 3 cánh tấn công. Cánh quân của Vệ Thanh đại thắng, giết 700 quân Hung Nô; ba cánh còn lại thì thất bại: Công Tôn Hạ về tay không, Lý Quảng trốn thoát được trong khi Công Tôn Ngao bị quân địch bắt. Tổng cộng trong trận chiến này, quân Hán bị mất 17.000 người.
Mùa thu năm 128 TCN, một lần nữa Vệ Thanh dẫn ba vạn kị binh chiến đấu với Hung Nô, xuất kích vào Nhạn Môn Quan, giết hơn 1.000 quân Hung Nô.
Năm 127 TCN, quân Hán đánh bại được quân Hung Nô, giành lại được vùng Hà Sáo, trừ được mối đe dọa của Hung Nô với Trường Thành. Tại vùng Hà Sáo, nhà Hán cho thiết lập quận Sóc Phương. Năm sau, nhà vua lại sai Tô Kiến đem theo 100.000 người tu bổ Trường Thành để ngăn chặn Hung Nô.
Năm 126 và 124 TCN, Thiền vu Hung Nô mở hai cuộc phản công và chiếm mất Hà Sáo. Vua Hán lại cử Vệ Thanh dẫn 10 vạn quân ra đánh. Kết quả, 15.000 quân và mười mấy quý tộc Hung Nô bị quân Hán bắt sống, Hữu Hiền Vương bỏ chạy.
Mùa hè năm 123 TCN, quân Hán lại một lần nữa tấn công Hung Nô, đẩy họ ra tận sa mạc Gobi.
Năm 121 TCN, vua Hán cử tướng Hoắc Khứ Bệnh đem 1 vạn phiêu kỵ binh qua sa mạc Gobi, giết 9.000 quân Hung Nô và bắt được hơn 1.000 người. Mùa hè cùng năm, quân Hán tiến lên núi giao tranh với Hung Nô. Quân Hán nhanh chóng nắm ưu thế, tiêu diệt hơn 30.000 quân Hung Nô, nhưng cũng bị tổn thất 2.800 người. Thiền vu Y Trĩ Tà buộc phải đầu hàng Hoàng đế Hán.
Sang mùa xuân năm 119 TCN, vua Hán lại cử Vệ Thanh cùng Hoắc Khứ Bệnh mỗi người dẫn 5 vạn kị quân thành hai đường đánh Hung Nô, lại cho hơn 14 vạn ngựa chiến và 50 vạn bộ tốt và hậu cần tiến về sa mạc Gobi. Đại quân Hán tiến nhanh, đánh bại chủ lực Hung Nô khiến Thiền vu phải bỏ chạy. Tổng cộng trong trận chiến này, quân Hung Nô bị thiệt hại nặng nề, mất khoảng 8-9 vạn quân, trong khi số thương vong của quân Hán chỉ bằng 1/3. Về phía cánh quân của Hoắc Khứ Bệnh cũng đã giành được chiến thắng, bắt giết 70.000 người Hung Nô, trong đó có Tả Hiền vương và 86 quý tộc Hung Nô.
Năm 111 TCN, Hán Vũ đế cử 18 vạn quân đến gây sức ép với Hung Nô
Năm 99 TCN, tướng quân Lý Quảng Lợi được lệnh đem 300000 quân lên phía bắc, giao chiến với Hữu hiền vương của Hung Nô ở Kỳ Liên Sơn. Một tướng khác là Lý Lăng đem quân bộ cùng năm nghìn người thiện xạ qua phía Bắc Cư Duyên chừng hơn nghìn dặm. Quân Hung Nô bao vây Lý Lăng đến tuyệt lương, buộc Lăng phải đầu hàng. Vũ đế nghe tin, bèn cho giết mẹ và vợ của Lý Lăng
Năm 90 TCN, Lý Quảng Lợi chinh phạt vùng Ngũ Nguyên. Trong lúc ông đang đánh giặc, vua Hán nghi ngờ ông ta mưu phản nên bắt giam vợ của Lý Quảng Lợi. Lý Quảng Lợi mất tinh thần, nên không thể địch lại Hung Nô. Quân Hán thiệt hại nặng, thương vong hơn 10000 người. Tự trị thông giám cũng lên tiếng chê trách việc làm này của vua Hán.
Tuy nhiên chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Năm 80 TCN, quân Hung Nô mở cuộc tiến công vào nước Ô Tôn. Ô Tôn cử sứ sang nhà Hán cầu cứu. Năm 72 TCN, Hán Tuyên đế cử quân liên kết với Ô Tôn tiến công Hung Nô, bắt giết 40.000 người và nhiều quý tộc.
Những năm tiếp theo, do sự tấn công mãnh liệt từ quân Hán và các nước khác, Hung Nô bước vào giai đoạn suy yếu. Đến năm 53 TCN, thiền vu Hô Hàn Tà phải dâng biểu xin triều phục và cống nộp cho nhà Hán, gửi con trai sang làm con tin. Năm 33 TCN, Hô Hàn Tà lấy Vương Chiêu Quân, quan hệ với Hán tốt. Địa vị chính trị của Hung Nô trong trật tự thế giới của người Hán đã bị hạ từ "quốc gia anh em" xuống thành "ngoại thần".
Tranh của họa sĩ Nhật vẽ Chiêu Quân trước khi xuất giá lấy Thiền vu Hung Nô
Vương Chiêu Quân, yên chi của Thiền vu Hung Nô
Tranh vẽ Chiêu Quân rời khỏi Trung nguyên, sang Hung Nô
b. Với các quốc gia lân bang
Ngoài chiến tranh với Hung Nô, quân Hán chinh phục nước Nam Việt (tức nước Âu Lạc cũ) của con cháu Triệu Đà năm 111 TCN. Năm 108 TCN, quân Tây Hán đánh bại họ Vệ, diệt nước Cổ Triều Tiên để mở đường thông thương sang Nhật bản
C. Triều Tân (8 - 23)
1. Khởi nghĩa nông dân và sự thành lập triều Tân
Cuối thời Tây Hán, tình trạng nông dân mất ruộng ngày càng tăng và dân lưu tán diễn ra rất nghiêm trọng. Ở đồng bằng Hoa Bắc, có năm tại nơi này có tới 2 triệu dân phải lưu tán khắp nơi. Cũng tại Hoa Bắc thì dân chết đói rất nhiều, thây nằm đầy đường mà không có người chôn cất. Cuối thế kỷ I TCN, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra ở Hà Nam, Tứ Xuyên và Sơn Đông. Quân khởi nghĩa tiến đánh và phá hoại huyện đường, cướp thóc gạo chia cho nông dân; cuối cùng đều bị dập tắt. Một số quý tộc Hán thức thời, muốn cải cách đất nước - điển hình là Vương Mãng
Vương Mãng sinh năm 45 TCN, cháu gọi Vương Thái hậu bằng cô. Lợi dụng triều đình Trường An quá suy yếu, Vương Mãng quyết định phế truất vua cuối cùng là Hán Nhụ tử và cướp ngôi Hoàng đế, đổi quốc hiệu là Tân. Ông ta lập con trai là Vương Lâm làm Thái tử.
Tân đế Vương Mãng
2. Cải cách Vương Mãng
Với mục đích xoa dịu tình hình và củng cố quyền thống trị của mình, vào năm 9 thì Vương Mãng tiến hành chính sách cải cách, gồm các nội dung sau:
- Tuyên bố tất cả ruộng đất trên cả nước đều thuộc quyền sở hữu của vua, gọi là "vương điền"; nô tì thì gọi là "tư thuộc". Nhà nước cấm không mua bán ruộng đất và nô tì. Gia đình có 8 người đàn ông thì không được sở hữu trên 900 mẫu thì phải đem ruộng chia cho họ hàng và làng xóm. Những người không có ruộng đất, mỗi đinh nam nhận 100 mẫu. Chủ trương chia ruộng này của ông lập tức bị bọn địa chủ phản đối, tình hình tư hữu vẫn như cũ. Cải cách của ông về nô tì không giải quyết được tình cảnh nô tì, khiến số lượng nô tì lúc này còn tăng lên tới mấy vạn người
- Vương Mãng độc quyền muối và rượu, tiền tệ. Ông cấm nhân dân không được dùng tiền riêng mà phải dùng tiền đúc của nhà nước, bãi bỏ tiền ngũ thù. Ông xuống chiếu thi hành "Ngũ quân lục quản", tại những thành lớn như Trường An, Lạc Dương, Hàm Đan, Lâm Tri, Uyển thành, Thành Đô… có một tổ chức gọi là Ngũ quân ty thị sư để quản lý thị trường. Vào giữa mỗi quý sẽ có quan Ty thị vật giá đi bình xét ở địa phương, gọi là "thị bình". Nếu vật giá cao hơn "thị bình" quan Ty thị sẽ bán ra theo giá thị bình; nếu vật giá thấp hơn thị bình thì dân chúng được phép mua bán tự do. Những mặt hàng nhu yếu phẩm như ngũ cốc, vải vóc nếu bị ế ẩm thì Ty thị sẽ mua theo giá vốn.
- Thuế thu nhập thu theo công thức "thập nhất" (1/10) đối với người tự do kiếm sống như kinh doanh công thương, kiếm bắt hái lượm trong rừng, săn bắt cá, bói toán, chữa bệnh, chăn tằm… Ai cố ý giấu giếm không khai báo sản phẩm kiếm được sẽ bị phạt làm lao động khổ sai 1 năm. Đối với ruộng đất chưa khai phá, chưa có sản phẩm thì cứ 3 người phải đóng thuế 1 người.
- Thay đổi chế độ quan lại, đặt lại tên đất. Theo đó, ông cho đổi tên địa phương theo ý thích, ra lệnh điều chỉnh khu vực hành chính và chức năng quyền hạn của các đơn vị hành chính. Mặc dù mỗi lần thay đổi là tạo ra nhiều rắc rối, nhưng Vương Mãng vẫn tiếp tục thay đổi nhiều lần. Có quận trong vòng 1 năm đổi tên tới 5 lần, cuối cùng lại dùng tên cũ ban đầu
* Về đối ngoại, Vương Mãng gây chiến tranh với các nước láng giềng. Ông ta gây oán với Câu Ninh vương ở Tây nam, tiến đánh đất Ba Thục, tại những nơi có khí hậu khắc nghiệt quân sĩ 10 phần bị bệnh dịch chết đến 6 phần.
Với người Khương phía tây, Vương Mãng hạ chức vương của hơn 30 nước, uy hiếp bắt họ phải hiến nộp vùng đất quanh hồ Thanh Hải để lập quận mới và di dân đến đó. Vì sự thành lập quận Tây Hải, Vương Mãng đã gây ra sự bất mãn của những người phải đến đó. Vua nước Câu Dĩnh bị giáng chức bất mãn liền mang quân đánh nhà Tân, các tộc xung quanh hùa theo, đều phản Tân.
Đối với các dân tộc phía đông bắc, Vương Mãng bắt nước Cao Câu Ly đánh các tộc khác ở Liêu Tây nhưng bị từ chối. Ông ta sai người sang lừa giết vua Cao Câu Ly là Yuri (19 TCN - 18), đổi tên nước là Hạ Câu Ly
Với người Hung Nô chưa gây chiến với triều đại mới, Vương Mãng tự ý đổi danh hiệu Thiền vu và chia Hung Nô thành 15 nước, đem vàng bạc để gọi hậu duệ của Hồ Hàn Gia ra cướp ngôi vua Hung Nô. Vương Mãng cho quân tướng ra đánh, nhưng quân đội không muốn đánh mà lại cướp bóc của dân => điều này khiến nhân dân căm phẫn
Bản đồ Trung Hoa thời nhà Tân (vùng gạch chéo là nơi của khởi nghĩa nông dân)
3. Khởi nghĩa nông dân và triều Tân bị lật đổ (22 - 27)
Cải cách của Vương Mãng thất bại, khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Năm 15 diễn ra khởi nghĩa của Lã mẫu và Qua Điền
Vương Khuông phát động nghĩa quân Lục Lâm khởi nghĩa (17 - 25)
Năm 17, miền trung Hồ Bắc bị hạn hán, nhân dân bèn kéo nhau đi tới núi Lục Lâm chuẩn bị khởi nghĩa; lãnh đạo là Vương Khuông và Vương Phượng. Về sau, bọn địa chủ Hán thất thế là Lưu Diễn, Lưu Tú cùng Lưu Huyền tập hợp mấy nghìn người gia nhập nghĩa quân Lục Lâm với mưu đồ lợi dụng quân khởi nghĩa để cướp lại chính quyền. Tháng 6/23, quân Lục Lâm đại thắng trận Côn Dương, sau đó chia quân đánh chiếm được thành Lạc Dương, phong Lưu Huyền làm Hoàng đế với hiệu là Hán Canh Thủy đế (23 - 25). Đến tháng 9/23, quân khởi nghĩa Lục Lâm tấn công mạnh vào thành Trường An. Cùng lúc đó, quân của Quỳ Ngao tiến công thành này ở phía tây. Đến đầu tháng 10/23, nhân dân Trường An nổi dậy khởi nghĩa và phối hợp với nghĩa quân Lục Lâm bao vây Trường An. Trong lúc lộn xộn ở Trường An, Vương Mãng bị giết chết (6/10/23). Sau đó, nội bộ quân Lục Lâm bất hòa, đánh nhau.
Tranh minh họa đại chiến Côn Dương
4. Khởi nghĩa Lục Lâm - Xích Mi và sự hình thành triều Đông Hán
Trong khi nghĩa quân Lục Lâm đang tấn công quân Vương Mãng ở Trường An thì ở Sơn Đông, Phàn Sùng lãnh đạo quân khởi nghĩa ở Thái Sơn (Sơn Đông). Nghĩa quân bôi lông mày đỏ làm hiệu, nên gọi là quân Xích Mi (lông mày đỏ). Nghĩa quân Xích Mi kỷ luật nghiêm và hô khẩu hiệu "giết người phải đền mạng, làm bị thương phải bồi thường". Sau khi đánh bại hơn 10 vạn quân Vương Mãng ở Sơn Đông, nghĩa quân Xích Mi tiến đến Hà Nam. Khi nghe tin Lục Lâm chiếm được Trường An, quân Xích Mi thấy không cần đánh nhau nữa. Phàn Sùng phải thuyết phục mãi nên họ đồng ý tiến vào Trường An. Gần tới Trường An, những tướng lĩnh Xích Mi được nghĩa quân Lục Lâm đón vào thành. Vua Canh Thủy đế ở Trường An sau đó đã phong hầu cho các tướng lĩnh nghĩa quân Xích Mi. Năm 23, Canh Thủy đế cử Lưu Tú ra Hà Bắc để phát triển lực lượng
Hán Canh Thủy đế (23 - 25), cháu 6 đời của Hán Vũ đế
Năm 25, lực lượng nghĩa quân Xích Mi phát triển đến 35 vạn. Sau khi lật đổ vua Canh Thủy đế, họ dùng phương pháp bốc thăm để đưa Lưu Bồn Tử lên ngôi, hiệu là Hán Kiến Thế đế (25 - 27). Trong cùng năm 25, Kiến Thế đế tiếp quản Trường An. Nhưng nghĩa quân nông dân không có kinh nghiệm quản lý Trường An, liên tục bị quân của địa chủ Hán chống phá nên buộc phải rút khỏi Trường An
Nghĩa quân Xích Mi đánh vào Trường An, lật đổ Canh Thủy đế
Sau khi nghĩa quân Xích Mi rút khởi Trường An năm 25, lực lượng của Lưu Tú đã phong ông ta là Hoàng đế - hiệu Quang Vũ đế rồi tiến nhanh xuống và nhanh chóng hạ thành Lạc Dương. Nghe tin quân Xích Mi tiến sang phía đông, Quang Vũ đế đem 20 vạn quân, rồi cử vài quân lính làm quân Xích Mi để nhử nghĩa quân vào trận địa ở Hoa Am. Bị bao vây, quân Xích Mi đã phải hạ vũ khí. Năm 27, nghĩa quân Xích Mi trên đường tiến sang phía đông đã bị quân của Quang Vũ đế bao vây ở Nghi Dương. Lưu Tú cho triệu tập các thủ lĩnh đến, nói rằng: “Trẫm không ép các ngươi phải đầu hàng. Ai không phục thì lĩnh quân quyết chiến với trẫm một trận nữa”. Các thủ lĩnh đều dập đầu thuận lòng quy phục. Quang Vũ đế cho hàng, tha tất cả không giết. Kiến Thế đế được tha, làm lang trung của anh vua Hán, rồi ít lâu sau thì qua đời
Hán Kiến Thế đế (Lưu Bồn Tử), cháu 11 đời của Hán Cao tổ
D. Triều Đông Hán (25 - 220)
Năm 25 TCN, Lưu Tú chính thức lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Hán Quang Vũ đế. Ông đóng đô ở Lạc Dương (phía đông thành Trường An) nên tên triều đại là Đông Hán.
1. Tình hình chính trị
a. Quang Vũ trung hưng (25 - 57)
Hán Quang Vũ đế (tranh vẽ)
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, ông tập trung lực lương tiến đánh 11 nước chư hầu không chịu thần phục Lạc Dương. Năm 26, quân Đông Hán đánh bại Lưu Vĩnh, sau đó dùng mưu giết hại phản tướng Bành Sủng ở nước Yên. Ở mặt trận phía đông, Hoàng đế sai tướng tấn công Lưu Hu và Đổng Hiến. Lưu Hu bị giết, Đổng Hiến về sau bị đánh bại và chết trên đường chạy trốn. Năm 28 - 29, quân Đông Hán tiến về phía nam, liên tiếp đánh tan quân của Lý Hiến, Tần Phong và Điền Nhung, buộc Đậu Dung phải ra hàng. Do địa bàn của Lư Phương khá xa, quân Đông Hán đánh dẹp được Quỳ Ngao (năm 30) và Công Tôn Thuật (năm 35). Lư Phương bị quân Đông Hán vây ép nên phải bỏ trốn sang Hung Nô.
Vừa thống nhất quốc gia, Quang Vũ đế sai tướng Mã Viện đem quân đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở đất Âu Lạc cũ. Sang năm 43, sau nhiều trận thắng, Mã Viện dẹp được phong trào khởi nghĩa tại đây. Sau khi chị em Trưng Vương hi sinh, tới cuối năm 43 thì các lực lượng nghĩa quân Hai Bà Trưng bị dẹp hẳn.Tuy nhiên quân Hán khi về nước chỉ còn khoảng 1 vạn so với 2 vạn lúc xuất phát.
Năm 26, Quang Vũ đế tiến hành cải cách bộ máy chính quyền. Ông thành lập Thượng thư đài gồm 6 người phụ trách đại sự quốc gia để làm suy yếu hơn nữa quyền hạn của tam công, tức Thái úy, Tư đồ và Tư không. Trong tam công, Tư mã coi toàn bộ quân đội, thường lấn áp hai vị tư kia.
Lưu Tú đề xướng việc "tiết kiệm, giảm quan, bớt chức", bãi bỏ quân vũ trang địa phương cho về quê làm ruộng. Ông còn giảm bớt chức quận đô uý, tăng trách nhiệm cho thái thú. Ông thu gọn bộ máy chính quyền từ huyện, ấp, đạo, chỉ giữ lại 1/4 trong số đó. Vì vậy số quan lại hưởng lương chỉ bằng 1/10 thời Tây Hán. Binh lính tại các quận, huyện cũng được cho giải tán bớt về quê để bớt khẩu phần ăn theo; các vùng biên ải cũng không tuyển thêm quân.
Nhà nước phế bỏ quan nô những chủ nô lệ nếu cố chấp không chịu phóng thích nô tỳ sẽ bị trừng trị theo luật mại nhân pháp và lược nhân pháp của Tây Hán, ban bố 3 sắc lệnh quy định trong thiên hạ người là quý nhất giết nô tỳ phải chịu tội chết, người tra tấn nô tỳ sẽ bị xử phạt theo pháp luật, miễn cho người đang bị tội chết làm thứ dân; sáp nhập huyện để bớt quan lại, hệ thống quan lại hành chính cũng được tổ chức lại, chỉ có những ai đã học thái học (trường quốc học) mới được bổ nhiệm làm quan, bộ máy chính quyền thu gọn lại 1/4, số quan lại lương chỉ bằng 1/10 của Tây Hán.
Quang Vũ đế hạ chiếu phong cho công thần, người có công lớn được phong đất tới 4 huyện. Riêng Lý Thông và Cổ Hạ được phong đất tới 6 huyện. Việc phong thần được tiến hành 3 lần vào năm 26, năm 37 và cuối đời Quang Vũ. Số người được phong hầu trong vương thất là 125 người, trong các công thần là 365 người. Các công thần được phong tước hưởng lộc ở các huyện, các quan lại ăn lương từ 600 – 2000 thạch đều do Thượng thư đài xem xét. Lưu Tú cho rằng nếu để các công thần tham gia triều chính, sẽ vừa ảnh hưởng đến chính sách cai trị thiên hạ bằng nhu đạo của ông, vừa ảnh hưởng đến hình luật quốc gia. Ông cũng luôn nhắc các công thần phải luôn tuân thủ luật pháp, giữ mình như ngày đầu để bảo vệ công danh của mình
b. Minh - Chương chi trị
Nhà Đông Hán dưới Triều đại của Hán Minh Đế (57 - 75), Hán Chương Đế (75 - 88) tiếp tục đạt tới thời kỳ thịnh vượng, thời kỳ này được gọi là Minh Chương chi trị (明章之治).
Thời Minh đế lên cầm quyền, ông tìm cách hạn chế quyền lực của quý tộc và ngoại thích. Sau khi Lưu Trang kế vị, xây dựng Vân Đài nhị thập bát tướng, mà không đem cha vợ là Mã Viện đưa vào danh sách tranh vẽ. Đối với các đại thần mà nói, điều này chứng tỏ Lưu Trang muốn phát tín hiệu, tiếp tục kiềm chế ngoại thích. Nhà vua cũng ra sức đại xá thiên hạ, lôi kéo các lão thần và anh em ủng hộ mình. Với những kẻ âm mưu thoán ngôi, nhà vua đàn áp: biết được Quảng Lăng vương Kinh âm mưu cướp ngôi, vua bắt đi đày. Về sau Quảng Lăng vương không chịu tế tự nên bị quan lại Hán bức phải tự sát. Nghi ngờ Sở vương Lưu Anh làm phản, vua Hán bắt đi đày làm Sở vương phải tự vẫn. Trong cung, người cháu của mẹ mình là Âm Phong mưu phản, bị Minh đế xử tử.
Chương đế Lưu Đát tiếp tục chính sách cai trị của cha, nên thế nước càng cường thịnh. Cuối thời Chương đế, vợ của ông là Đậu hoàng hậu ra sức tăng cường thế lực dòng họ Đậu (竇), áp chế các quyền thần trong triều.
c. Hậu cung và ngoại thích chuyên quyền
Hán Hoa đế Lưu Triệu lên ngôi (88 - 105). Đậu hoàng hậu trở thành Đậu thái hậu, nắm quyền nhiếp chính trong nhiều năm. Anh trai của bà ta là Đậu Hiến nhiều lần đánh thắng Hung Nô nên sinh kiêu ngạo và coi thường Hoàng đế. Năm 92, Hán Hòa Đế dựa vào hoạn quan ra tay dẹp bỏ ngoại thích họ Đậu, giết chết Đậu Hiến, giam lỏng Đậu Thái hậu.
Trong cung, Hòa đế sủng ái quý nhân Đặng Tuy và lập bà làm Hoàng hậu. Vì quá thương yêu bà, ông cho bà can thiệp triều chính. Đặng hoàng hậu là người uyên bác, hiểu lễ nghĩa, không can thiệp quá sâu như Đậu hoàng hậu lúc trước. Hòa đế qua đời, bà lập liên tiếp hai vua Đông Hán là Thương đế và An đế; cho anh mình là Đặng Chất làm tướng quân. Do quá lạm quyền, Đặng thái hậu bị vua Hán phế bỏ, cả dòng họ Đặng bị tuyệt diệt.
Năm 125, An đế mất; vợ ông là Diêm hoàng hậu làm binh biến mưu lật đổ quyền lực của hoạn quan, nhưng thất bại. Nhưng đến năm 132, Hán Thuận đế lấy vợ là Lương hoàng hậu, tạo điều kiện cho họ Lương lũng đoạn triều chính. Khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp, vua cho cháu của vợ mình là Lương Ký làm tướng quân đánh dẹp.
Về sau, Lương Ký lộng quyền, tự ý phế lập Hoàng đế Đông Hán để nắm toàn quyền trong triều đình. Ông ta lập Hán Xung đế, rồi Hán Chất đế. Biết vua mới là Chất đế rất thông minh và không vừa lòng mình, Lương Ký sai người giết Hoàng đế bằng thuốc độc. Lương Ký về sau ngày càng có thế lực lớn, nhà có nhiều nô tì.
Năm 159, Lương thái hậu chết. Hán Hoàn đế dựa vào hoạn quan nổi lên diệt trừ phe cánh của họ Lương. Từ đó hoạn quan được vua ban nhiều ruộng đất và phong tước hầu, dần tạo ra thế lực rất lớn. Cuối thời Hoàn đế, hoạn quan phát động hai đợt thanh trừng lớn, giết hại nhiều viên quan không cùng phe cánh. Lịch sử gọi sự kiện này là Họa đảng cố (黨锢之祸). Triều đình Đông Hán thời kỳ này trở nên vô cùng hủ bại, việc mua quan bán tước được định giá công khai
Năm 168, Hoàn đế băng hà; Trường Lạc thái hậu bèn đưa một đứa trẻ 12 tuổi ở nông thôn tên là Lưu Hoằng con của Giải độc đình hầu Lưu Trường, chút của Hán Chương Đế, lên ngôi hiệu là Hán Linh đế. Thời Linh đế, triều đình vì thiếu tiền nên cho buôn bán quan tước công khai: tước "hai nghìn thạch" là 20 triệu tiền, tước "công" giá 10 triệu tiền, tước "khanh" giá 5 triệu tiền. Thế lực hoạn quan dần lớn mạnh, đấu tranh kịch liệt với các nho sinh Khổng giáo - gây ra vụ "vạ đảng tranh", kéo dài đến hết thời Đông Hán
Hán Linh đế
Năm 184, nông dân đứng lên khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa chít khăn vàng nên gọi là "Hoàng cân quân". Chính quyền Linh đế sau đó huy động quân đội và các thế lực quân phiệt nhanh chóng đánh bại nghĩa quân (sẽ nói kỹ ở phần sau). Tình hình loạn lạc khiến Hán Linh đế quyết định cho lập chức Châu mục vào năm 188. Các châu mục mau chóng có quyền hạn lớn, lực lượng độc lập, triều đình cũng nhanh chóng mất đi quyền chỉ huy khống chế các địa phương, tình trạng quần hùng cát cứ đã manh nha xuất hiện.
quân khởi nghĩa Khăn vàng (tranh vẽ)
Năm 189, Hán Linh đế qua đời. Con trai của Hà hoàng hậu là Lưu Biện lên kế vị, tức Hán Thiếu Đế; Hà hoàng hậu lên nhiếp chính, hiệu là Hà thái hậu. Anh trai của Hà thái hậu là Hà Tiến mưu tính diệt hoạn quan, nhưng việc chưa thành thì bị hoạn quan giết chết. Thủ hạ của Hà Tiến là Viên Thiệu vào cung diệt hết các hoạn quan; về sau ông này bị Đổng Trác đánh đuổi đi. Đổng Trác phế bỏ Thiếu đế; lập Hán Hiến đế lên ngôi năm 189. Năm 192, Đổng Trác bị Lữ Bố sát hại, triều Đông Hán chính thức rơi vào hỗn loạn giữa các thế lực quân phiệt: Tào Tháo (曹操) ở Duyện Châu; Viên Thiệu ở Hà Bắc; Viên Thuật (袁術) ở Hoài Nam; Tôn Sách (孙策) ở Giang Đông; Lưu Biểu (孫策) ở Kinh Châu và Lưu Yên (劉焉) ở Ích Châu. Trong số này, Tào Tháo mạnh nhất lần lượt khống chế các thế lực quân phiệt khác - đánh tan nát Viên Thiệu ở Quan Độ (200), dần được vua Hiến đế phong là Thừa tướng
Tào Tháo tiến đánh Giang Đông, bị bị liên minh Lưu - Tôn của Lưu Bị (劉備) và Tôn Quyền (孫權) đánh bại ở trận Xích Bích nên phải rút về bắc. Năm 220, Tào Tháo qua đời, con của ông là Tào Phi (曹丕) đã phế bỏ Hán Hiến Đế, hơn 400 năm cai trị của nhà Hán chấm dứt.
2. Kinh tế và xã hội thời Đông Hán
* Kinh tế:
- Nông nghiệp: đầu thời Đông Hán, chiến tranh loạn lạc làm ruộng bỏ hoang rất nhiều. Vì vậy, các vua đầu thời Đông Hán cho phép quân sĩ và dân nghèo đi khai hoang; giảm tô thuế. Các Hoàng đế cũng ban chiếu chỉ phân phát ruộng đất cho dân nghèo. Được sự khuyến khích về nông nghiệp của nhà nước, nông dân thời Đông Hán bắt đầu dùng phổ biến các kỹ thuật nông nghiệp: phân biệt chất đất, sử dụng phổ biến trâu bò trong cày cấy. Công tác thủy lợi được tiến hành rất tích cực: đào kênh Tán Cừ thông với Hoàng Hà và đắp con đê sông Hoàng Hà dài 1.000 dặm (khoảng 500km); đào kinh Hồ ở Cối Kê dài 300 dặm (khoảng 150km) tưới cho hơn 9.000 khoảnh ruộng (trên 5 vạn ha). Nhưng đến cuối thời Đông Hán, thủy lợi không sửa sang nên mất mùa trong nhiều năm
- Thủ công nghiệp có tiến bộ mới. Người dân biết dùng quạt thổi lửa chạy bằng sức nước để luyện sắt (ở Sơn Dương), dùng bếp lửa để nấu muối (ở Tứ Xuyên), nghề kéo sợi dệt vải ngày càng tinh xảo. Năm 105, hoạn quan Thái Luân phát minh ra giấy viết; từ đó giấy được phổ biến rộng rãi
- Thương nghiệp phát triển thịnh vượng. Kinh đô Lạc Dương trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa lớn. Ngoài các thành thị cũ thời Tây Hán, chính quyền Lạc Dương mở một số cảng thị ở miền nam Trung Quốc như Phiên Ngung, Nam Hải, Từ Văn và Hợp Phố. Thương nhân Đông Hán nhờ mua ruộng và cho vay nặng lãi nên ngày càng giàu có
* Xã hội:
- Bọn địa chủ chiếm nhiều ruộng đất với tốc độ chóng mặt. Ngoại thích Lương Ký chiếm hơn 1.000 dặm ở tây Hà Nam để nuôi cầm thú, bắt mấy nghìn người dân làm tùy thuộc cho hắn; khi hắn thất thế thì tài sản của Ký mà triều đình thu về lên tới 4 tỷ tiền, tức bằng một nửa số tiền thuế của nhân dân toàn quốc nộp cho chính quyền Lạc Dương trong một năm. Hoạn quan Hầu Lãm chiếm 118 khoảnh ruộng của dân, cùng 318 ngôi nhà trong một quận; anh của Hầu Lãm vơ vét của cải đến nỗi chở đầy đến 300 xe. Cậu của vua Quang Vũ đế là Phàn Trọng chiếm trên 300 khoảnh ruộng và một cái đầm dài 10 dặm, rộng 5 dặm ở Nam Dương.... Trên số ruộng đất rất lớn vừa chiếm được, đại địa chủ lập ra các điền trang ở Hà Bắc, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Hà Nam, Hồ Bắc. Kinh tế trong điền trang là tự túc; các nông dân mất ruộng trở thành lực lượng lao động chính trong điền trang. Ngoài ra, có nô tì làm việc ở các xưởng thủ công và làm trong nhà. Sản phẩm của điền trang thì dùng tại chỗ một phần, một phần thì bán ra ngoài. Trong điền trang, bọn địa chủ lập đội quân để bảo vệ. Chủ điền trang có thể khai man ruộng đất để trốn thuế, có khi dùng vũ lực chống lại quan lại của chính quyền đi kiểm tra.
- Nông dân ngày càng nghèo khổ do bị địa chủ cướp đoạt ruộng đất ngày càng nhiều, phần thì phải đóng góp cho chiến tranh giữa Đông Hán với Tây Khương. Từ đời An đế đến hết thời Linh đế, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra, nhưng tất cả đều bị dập tắt. Năm 184, các cuộc khởi nghĩa nông dân tụ chung thành cuộc đấu tranh lớn - khởi nghĩa Hoàng cân quân (khăn vàng)
3. Khởi nghĩa Khăn vàng và sự kết thúc vương triều Đông Hán
a. Nguyên nhân bùng nổ:
- Cuối thời Đông Hán, vua Linh đế buông lỏng kỷ cương. Nghe lời các hoạn quan, Linh đế tăng thuế khóa thêm 10 đồng trên mỗi mẫu ruộng khiến nhân dân phải đóng góp thêm nặng nề, nhằm có thêm tiền xây cất cung điện.
- Hoàng tộc và quan lại ăn chơi xa xỉ. Hán Linh đế ăn tiêu hoang phí, cho áp dụng chính sách mua bán quan chức: chức Tam công bán 10 triệu, tước hầu bán 5 triệu. Những người sau khi bỏ nhiều tiền ra mua chức tước lại càng vơ vét của dân làm giàu
b. Thủ lĩnh nghĩa quân
Trương Giác
Trương Giác là người huyện Cự Lộc, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, đã từng đỗ tú tài. Trương Giác cùng hai người em là Trương Bảo và Trương Lương dùng phương thức ma thuật hoặc thuật thôi miên, vẽ bùa niệm chú chữa bệnh cứu người, lấy được lòng tin của nhiều người trong thiên hạ. Sau hơn 10 năm hoạt động, đạo Thái Bình (tên gọi khác của Đạo giáo) phát triển mạnh mẽ, số tín đồ lên đến 36 vạn người. Hồi đó bệnh dịch hoành hành, Trương Giác vừa truyền đạo vừa làm khẩu hiệu: «Trời Xanh [tức nhà Hán] đã chết, Trời Vàng phải lập, vào năm Giáp Tý, thiên hạ thái bình.» (Thương Thiên dĩ tử, Hoàng Thiên đương lập, tuế tại Giáp Tý, thiên hạ thái bình. Sau đó ông sai đệ tử dùng đất sét trắng viết chữ Giáp Tý trên các cổng thành, trên tường vách khắp các phủ, huyện, quận, châu. Trương Giác chọn ngày 5 tháng 3 năm Giáp Tý (năm 184) để khởi nghĩa.
Nhưng khi Trương Giác chưa kịp khởi sự thì một đệ tử là Đường Chu phản lại ông, bí mật tố giác với triều đình nhà Hán. Nhờ sự tố cáo của Đường Chu, Đại tướng quân Hà Tiến sai quân bắt người phụ trách các đệ tử của Trương Giác tại Lạc Dương là Mã Nguyên Nghĩa mang xé xác. Hoạn quan Phong Tư và Từ Phụng cũng lập tức bị bắt bỏ ngục. Đồng thời, hơn 1000 đệ tử của Trương Giác ở kinh thành bị bắt giam và giết chết
c. Diễn biến khởi nghĩa
Tháng 2/184, cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Trương Giác tự xưng là Thiên công tướng quân, Trương Bảo tự xưng là Địa công tướng quân, Trương Lương tự xưng là Nhân công tướng quân. Tất cả các giáo chúng đều chít khăn vàng trên đầu, vì vậy lực lượng này được gọi là quân Khăn Vàng. Quân Khăn Vàng đồng loạt nổi lên tấn công vào các thôn trang, gặp nha môn là đốt phá. Chỉ trong không đầy 10 ngày, người trong thiên hạ hưởng ứng rất nhiều, kinh đô Lạc Dương chấn động.
Chính phủ Đông Hán hoảng hốt, cử 3 tướng là Lư Thực, Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn đi đánh dẹp Trương Giác. Lúc đầu quân triều đình bối rối, về sau chúng liên hiệp với lực lượng của đại địa chủ cùng tấn công nghĩa quân. Riêng Hoàng Phủ Tung đã giết hơn 20 vạn nông dân; ở trận Hạ Khúc Dương (huyện Tấn, Hà Bắc), hắn giết hơn 10 vạn nông dân. Giữa lúc cuộc chiến không cân sức, Trương Giác bất ngờ qua đời và em là Trương Lương lên thay quyền lãnh đạo. Bị quân triều đình phản công mạnh mẽ, hai em của Trương Giác đều hi sinh và quân Khăn vàng thiệt hại nặng nề. Tháng 11/184, chủ lực quân Khăn vàng bị đánh bại hoàn toàn. Ở các nơi khác như Sơn Đông, Hà Nam, Tứ Xuyên... nghĩa quân tiến tục kháng chiến, cho đến khi Đông Hán diệt vong
d. Triều Đông Hán sụp đổ
Mặc dù đàn áp được khởi nghĩa Khăn vàng, nhưng triều đình không thể thống trị nhân dân được nữa. Vua Hiến đế của Đông Hán được các thế lực quân phiệt miền Bắc duy trì để làm công cụ thống trị nhân dân thêm vài chục năm nữa. Lợi dụng tình hình này, bọn quan lại và chủ điền trang tập hợp lực lượng đánh lẫn nhau. Lực lượng của Tào Tháo mạnh nhất và khống chế hoàn toàn Lạc Dương. Sau khi Tào Tháo mất, con trai ông ta là Tào Phi buộc vua Hán Hiến đế "thiên nhượng" cho mình. Triều Đông Hán diệt vong
Hướng tiến công của quân khởi nghĩa Khăn vàng
Trương Giác lãnh đạo quân khởi nghĩa
Trương Giác phất cờ khởi nghĩa
Quân Khăn vàng hành quân tiến đánh quân triều đình Lạc Dương.
Quân Khăn vàng tiến vào cổng thành Lạc Dương
Quân Khăn vàng chiến đấu chống quân Đông Hán
Hán Hiến đế
tướng Hoàng Phủ Tung
3. Đối ngoại: giống như triều Tây Hán và Tân, Đông Hán ra sức mở rộng bờ cõi ra bên ngoài.
* Với Hung Nô: sau các cuộc chiến tranh với quân Tây Hán, Hung Nô dần dần suy yếu. Giữa thế kỷ I, Hung Nô gặp thiên tai và nội bộ giai cấp thống trị tranh chấp lẫn nhau nên bị chia thành Bắc Hung Nô và Nam Hung Nô. Nam Hung Nô suy yếu hơn nên sớm đầu hàng Đông Hán; lúc này các vua Đông Hán dồn sức đánh quân Bắc Hung Nô. Năm 73, quân Đông Hán của tướng Đậu Cổ nhanh chóng đánh tan Bắc Hung Nô ở tây bắc. Năm 89 và 91, tướng Đậu Hiến của Đông Hán hai lần đánh bại Hung Nô. Từ đó, Bắc Hung Nô di cư sang Trung Á và châu Âu
* Với Tây Vực: sau khi lên cầm quyền, các vua Đông Hán phải Ban Siêu sang các nước Tây Vực để lôi kéo các nước này chống Bắc Hung Nô. Năm 73, Ban Siêu đi sứ sang Tây Vực. Ông giúp các nước Tây Vực ổn định nội trị, đồng thời giúp các nước thoát khỏi sự khống chế của Hung Nô, nên được các nước này tin cậy. Trong gần 30 năm hoạt động, Ban Siêu làm cho hơn 50 nước ở Tây Vực có quan hệ mật thiết với Đông Hán.
Ban Siêu
Ban Siêu quẳng bút, quyết chí đi sứ Tây Vực\
Ban Siêu thâm nhập vào các nước Tây Vực.
* Với các vùng đất phía nam, giai cấp thống trị Đông Hán thẳng tay cướp bóc tàn bạo. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân và các dân tộc bị trị diễn ra chống lại bọn thống trị Đông Hán. Ở Giao Chỉ, mùa xuân năm 40 Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh. Trong một thời gian ngắn, nghĩa quân Hai Bà lấy lại được 4 quận ở Giao Chỉ là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố. Hai Bà Trưng nắm quyền được ba năm thì quân đội Đông Hán kéo sang chinh phục lại bốn quận này, buộc Âu Lạc cũ nội thuộc Đông Hán. Năm 107, người Khương ở Thanh Hải và Cam Túc phất cờ khởi nghĩa. Họ liên kết với các tộc người Khương khác đánh vào nội địa Trung Quốc. Chính phủ Đông Hán đem quân đàn áp, mất hơn 60 năm mới xong. Ngoài ra, người Dao ở Quý Châu và tây Hồ Nam cũng nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa chống lại Đông Hán
4. Tư tưởng và khoa học kỹ thuật
a. Tư tưởng
* Học thuyết Nho gia thời Hán: Sau khi được Hán Vũ đế độc tôn thành tư tưởng chính thống, Nho gia được phát triển thêm một bước mới. Ông đề ra thuyết "thiên nhân cảm ứng" - thuyết này cho rằng Trời là thủy tổ của muôn vật, con người là muôn vật cao quý nhất. Ông cũng khẳng định nếu vua làm nhiều việc tốt và nhân dân cầu khẩn thì trời sẽ cảm động mà thay đổi quyết định. Về đạo đức, Đổng Trọng Thư nhắc lại Tam cương (vua - tôi, cha - con, chồng - vợ), Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) và Lục kỉ (quan hệ ngang với cha, mẹ, anh em, họ hàng, thầy giáo, bạn bè). Đổng Trọng Thư ra biện pháp hạn chế sự phân biệt quá mức giàu - nghèo, hạn chế tư hữu và đề cao giáo dục
* Đạo giáo: trước thời Tây Hán có cúng tế quỷ thần, đồng bóng, bói toàn và nhất là tin tưởng vào thần tiên. Tương truyền ở ngoài biển khơi có ba ngọn núi tiên; ai đến đó gặp được tiên để xin thuốc trường sinh bất tử. Những hình thức mê tín, kết hợp học thuyết Đạo gia đã hình thành Đạo giáo sau này. Đạo sĩ Vu Cát sống vào thời Hán Thuận đế có viết sách Thái bình kinh (chủ yếu nói về phù phép, đồng bóng, ma quỷ. Đạo giáo phân thành hai phái:
+ Đạo Thái Bình. Người lãnh đạo là Trương Giác ở Hà Bắc. Đạo này một mặt tuyên truyền trường sinh bất tử; mặt khác tuyên truyền chủ nghĩa bình quân (ai cũng được làm, có làm thì mới có ăn). Chủ trương này phù hợp với nguyện vọng của dân nghèo, nên nhân dân hưởng ứng đông. Sau khởi nghĩa Khăn vàng thất bại, đạo này tan rã
Trương Đạo Lăng, người sáng lập ra đạo Năm đấu gao
+ Đạo Năm đấu gạo: Đạo này do Trương Đạo Lăng ở Tứ Xuyên thành lập vào năm 142. Đạo này có hai tên là đạo Năm đấu gạo (người tham gia phải nộp 5 đấu gạo), đạo Thiên sư (do người lãnh đạo được tôn làm Thiên sư); lấy sách của Lão Tử làm kinh điển. Đạo này thành lập chính quyền Trương Lỗ tồn tại 30 năm, về sau bị Tào Tháo đánh tan.
* Phật giáo thời Hán: Thế kỷ I TCN, Phật giáo được truyền vào Trung Quốc qua sự kiện sứ giả nước Đại Nhục chi là Y Tốn truyền miệng kinh Phật cho bác sĩ Tần Cảnh Hiến vào năm 2 TCN. Năm 67, vua Hán Minh đế cử phái đoàn do Thái Hâm dẫn đầu sang Tây Vực thỉnh kinh Phật. Trên đường đi, họ gặp hai nhà sư là Ca Diếp Ma Đằng, Trúc Pháp Lan thì bèn mời hai nhà sư về nước. Hoàng đế Đông Hán lệnh dựng chùa để hai sư dịch kinh Phật. Tín đồ Phật giáo đầu tiên là Sở vương Lưu Anh. Nhưng về sau, chính quyền cấm người dân xuất gia.
b. Khoa học kỹ thuật:
- Sử học: đầu tiên là bộ Sử ký Tư Mã Thiên; khái quát về mọi mặt của Trung Quốc từ thời Hoàng Đế đến Hán Vũ đế (sách đã có bản dịch). Tiếp theo là Tiền Hán thư của Ban Cố (kể từ Hán Cao tổ đến cuối thời Vương Mãng), Hậu Hán thư của Phạm Diệp (thế kỷ V)
Tư Mã Thiên đang biên soạn Sử ký
Ban Cố
sách Tiền Hán thư
Phạm Diệp dâng sách Hậu Hán thư cho Hoàng đế Lưu Tống (Nam triều) là Tống Văn đế
- Toán học: thời Tây Hán có bộ sách Chu bễ toán kinh; sách này ghi chép về lịch, thiên văn, hình học, số học (phân số, bình phương), sách này cũng nói quan hệ giữa ba cạnh trong tam giác vuông giống định lý Pythagore. Thời Đông Hán, tác phẩm Cửu chương toàn thuật gồm 9 chương (bốn phép tính; cách khai căn bậc 2 và bậc 3; phương trình bậc 1; số âm và số dương; tính diện tích các hình; thể tích hình khối; diện tích xung quanh và thể tích của hình cầu; quan hệ giữa ba cạnh trong tam giác vuông...)
sách Cửu chương toán thuật.
- Thiên văn học: sách Tiền Hán thư chép rằng vào tháng 3 năm 28 TCN, "Mặt trời hiện ra màu vàng, có điểm đen lớn như cục sắt hiện ra giữa Mặt Trời" (phát hiện mới nhất về điểm đen của Mặt Trời). Năm 132, nhà khoa học Trương Hành (78 - 139) chế tạo ra máy đo động đất (địa động nghi) để đo chính xác động đất. Trương Hành phát hiện ra hiện tượng ngày đêm khi biết Trái Đất là khối cầu nên ông chế ra hỗn thiên nghi để xem thiên văn (khi mô hình này chuyển động thì các vì sao trên đó cũng di chuyển như tình hình thực tế ở bầu trời). Ông viết sách tên Linh hiến, sách này khẳng định vũ trụ là vô hạn; đồng thời khẳng định sự vận hành của Trái đất nhanh hay chậm là do cự li cách Trái Đất gần hay xa.
Trương Hành
Máy đo động đất của Trương Hành
Hỗn thiên nghi
Bản đồ của Trương Hành
- Lịch pháp: Năm 104 TCN, Hán Vũ đế ban hành lịch Thái Sơ. Lịch này quy định tháng giêng âm lịch sẽ là tháng đầu năm mới. Lịch Thái Sơ chia một năm thành 24 tiết khí là: Lập xuân (4 tháng 2), Vũ thủy (19 tháng 2), Kinh trập (5 tháng 3), Xuân phân (21 tháng 3), Thanh minh (5 tháng 4), Cốc vũ (20 tháng 4), Lập hạ (6 tháng 5), Tiểu mãn (21 tháng 5), Mang chủng (6 tháng 6), Hạ chí (21 tháng 6), Tiểu thử (7 tháng 7), Đại thử (23 tháng 7), Lập thu (7 tháng 8), Xử thử (23 tháng 8), Bạch lộ (8 tháng 9), Thu phân (23 tháng 9), Hàn lộ (8 tháng 10), Sương giáng (23 tháng 10), Lập đông (7 tháng 11), Tiểu tuyết (22 tháng 11), Đại tuyết (7 tháng 12), Đông chí (22 tháng 12), Tiểu hàn (6 tháng 1), Đại hàn (21 tháng 1). Trong 24 tiết khí này lại có 12 tiết trung khí (Vũ thủy, Xuân phân, Cốc vũ, Hạ chí, Tiểu mãn, Đại thử, Xử thử, Thu phân, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đông chí, Đại hàn), còn là 12 tiết khí. Thường thì mỗi tháng có một trung khí, tháng nào không có trung khí thì thành tháng nhuận.
- Y học: có Hoa Đà cuối thời Đông Hán (145 - 208). Ông giỏi khoa nội, khoa ngoại, phụ, nhi và châm cứu. Hoa Đà phát minh ra phương pháp dùng rượu gây mê. Ông chủ trương soạn ra Ngũ Cầm Hí (五禽戲), tập luyện dựa theo động tác của năm loài vật: hổ, hươu, gấu, khỉ và chim
Thần y Hoa Đà
Hoa Đà tập Ngũ cầm hí
- Phát minh ra giấy viết. Năm 105, hoạn quan Thái Luân chế tạo ra giấy. Sách Hậu Hán thư chép: "Từ xưa người ta đã dùng thanh tre để viết, được cột lại với nhau. Cũng có một loại giấy làm từ phế phẩm của tơ lụa. Nhưng tơ lụa quá đắt còn các thanh tre thì quá nặng nên không sử dụng thích hợp. Vì thế Thái Luân (蔡倫) nghĩ ra kế làm giấy từ các vỏ thân cây, sợi thân cây, từ cây gai dầu cũng như từ vải và lưới đánh cá cũ. Năm Nguyên Hưng thứ nhất (105) ông tâu lên Hoàng thượng và được ngài khen thưởng cho tài năng của ông. Từ đấy giấy trở nên thông dụng và trong cả vương quốc mọi người đều gọi đó là giấy của quý nhân Thái".
Thái Luân
Cách sáng chế ra giấy của Thái Luân
a. Tần Thủy Hoàng đế (221 - 210 TCN)
Năm 221 TCN, Tần vương Chính thống nhất Trung Quốc sau nhiều thế kỷ loạn lạc. Ông chính thức xưng là Hoàng đế ("Hoàng đế" ghép từ hai danh hiệu "Tam hoàng" và "Ngũ đế" thời cổ đại), hiệu là Thủy Hoàng đế, thành lập triều Tần và đóng đô ở Hàm Dương
Lãnh thổ Trung Quốc dưới thời Đế chế Tần
Tần Thủy Hoàng đế - Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, cai trị Đế chế Tần
Sau khi chính thức xưng là Hoàng đế; Thủy Hoàng đặt ra danh xưng là "trẫm" và mệnh lệnh do Hoàng đế ban ra gọi là "chế", "chiếu". Ở triều đình trung ương, giúp việc cho Hoàng đế là Thừa tướng (Lý Tư làm Thừa tướng Đế chế Tần) và Thái úy, Ngự sử đại phu. Thừa tướng coi việc hành chính; Đô úy coi việc quân sự; Ngự sử đại phu phụ trách văn thư và giám sát quan lại. Ngoài ra còn có các chức quan coi giữ binh mã, tài chính, lương thực, vật tư...
Ở địa phương, Thủy Hoàng bãi bỏ chế độ phân phong thời Tây Chu mà chia đất nước thành 36 quân, do quận thú cai quản. Dưới quận là các huyện, do huyện lệnh cai quản. Dưới huyện là hương, đình, lý. Riêng viên quan Giám ngự sử sẽ phụ trách quản lý chung các quận, mật báo tình hình cho Hoàng đế
Quân đội của Đế chế Tần
Hoàng đế Tần xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh để đàn áp khởi nghĩa của nhân dân và phản loạn của quý tộc, gây chiến tranh xâm lược bên ngoài
Thi hành đường lối của phái Pháp gia của Hàn Phi Tử, Tần Thủy Hoàng đặt ra pháp luật rất khắc nghiệt. Phàm đàn ông ở rể, bản thân mình đã từng đi buôn hay trước đây có đi buôn, có gia đình buôn bán đều bị phạt lưu đày ra biên cương. Ngoài ra, pháp luật thời Đế chế Tần quy định nếu ai được huy động đi làm gì đó mà đến nơi không đúng kỳ hạn sẽ bị xử tử. Mặc khác, những người nào phê phán pháp luật thời Tần sẽ bị quân Tần bắt xử tử (vụ quân Tần chôn sống 460 nho sinh vì họ phê phán chính sách của Đế chế Tần)
Về kinh tế, Tần Thủy Hoàng sở hữu ruộng đất tối cao. Ông ta quy định nông dân cày ruộng phải nộp thuế cho nhà vua, trừ các quý tộc và những người làm nghề tôn giáo không phải nộp thuế; thừa nhận tư hữu ruộng đất của quý tộc và không thu thuế ruộng tư. Đế chế Tần cho khai mở nhiều sông ngòi, đắp nhiều con đê. Điểm tích cực là Thủy Hoàng thi hành chế độ đo lường và tiền tệ, thuế khóa thống nhất.
+ Hoàng đế quy định đơn vị đo lường thống nhất gồm: mỗi thăng vuông = 202,15 mililit; mỗi cân đồng = 258 gam; mỗi xích = 23,2 cm (ghi theo Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ)
+ Ông ban hành một đơn vị tiền tệ chung là "tệ" (thượng tệ bằng vàng, hạ tệ bằng đồng). Ông quy định một "dật" (thượng tệ) = 20 lạng; một hạ tệ - 1/2 lạng (bằng 12 thù). Tiền đồng thời Tần là loại hình tròn có lỗ vuông, mặt trước đúc hai chữ "bán lượng" (nửa lạng).
+ Thủy Hoàng cũng ban bố chế độ thuế khóa chung thống nhất, bằng cách ra lệnh cho nhân dân khai báo số ruộng đất chiếm hữu của mình để đánh thuế. Thuế khóa thời Tần chủ yếu là thuế ruộng, thuế lương thực, gia súc. Hoàng đế cũng quy định đàn ông từ 17 đến 60 tuổi phải đi làm lao dịch cho nhà nước. Hoàng đế đặt ra chức quan Thiếu phủ thu thuế rừng núi, ao hồ; chức quan Trị túc nội sử quản lý thuế khóa, chi tiêu và phu dịch.
Về xã hội, Tần Thủy Hoàng gọi nhân dân là "đầu đen" và biên chế theo hộ, ghi trên thẻ tre gọi là "hộ tịch". Dựa trên hộ tịch, nhà nước thu tô ruộng (bằng thóc lúa) và thuế đinh (thuế nhân khẩu), trưng binh và lực dịch. Đề phòng các quý tộc của sáu nước thời Chiến quốc cũ có thể nổi dậy, Hoàng đế Tần ra lệnh dời 12 vạn quý tộc về Hàm Dương và phân tán vào Ba Thục (Tứ Xuyên); tịch thu binh khí của nhân dân để đúc thành 12 pho tượng đồng, mỗi pho tượng nặng 24 vạn cân (mỗi cân = 0,5kg)
Vạn Lý Trường Thành
Về đối ngoại, Hoàng đế Tần cho điều động 2 triệu người đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành dài 5.000 dặm (trên 3.000 km), kéo dài từ Lâm Thao (huyện Mân, Cam Túc) ra tận Liêu Đông. Dưa vào Trường Thành, vào các năm 215 - 214 TCN thì nhà vua phái tướng Mông Điềm đem 30 vạn quân đánh tan quân Hung Nô (thuộc chủng tộc Mông Cổ) và giành lại dược vùng Hà Sáo
Sau đó vào năm 214 TCN, Hoàng đế lại phát 30 vạn quân Tần đi xâm lược các tộc Việt. Quân Tần đánh chiếm một vùng rộng lớn phía nam Trường Giang; lập ra bốn quận là Mân Trung (Phúc Kiến), Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (bắc Quảng Tây) và Tượng (tây Quảng Tây, bắc Quỳ Châu). Nhưng khi tiến sâu vào rừng núi nam Trung Quốc, quân Tần liền bị các tộc Tây Âu - Lạc Việt liên minh với nhau, Thục Phán chỉ huy chung đã đánh bại nhiều trận. Quân Tần thất bại, hàng chục vạn quân bị tiêu diệt, kể cả chủ tướng Đồ Thư.
cung A Phòng
lăng Ly Sơn
Để đề cao uy quyền của mình, Thủy Hoàng ra lệnh cho 70 vạn dân đi xây cung A Phòng và lăng Ly Sơn (trích Sử ký Tư Mã Thiên). Theo sách xưa ghi lại, điện trước của cung A Phòng dài khoảng 750 mét, rộng trên 150 mét và có sức chứa đến 1 vạn người. Trước cửa cung có đắp đường lớn chạy đến núi Nam Sơn; phía sau cung có con đường chạy đến Hàm Dương. Lăng Ly Sơn là nơi chôn cất vua Tần, được dựng ở chân núi Ly Sơn ở phía tây Hàm Dương. Toàn bộ khu lăng có diện tích 66,25 m2, cao trên 150 mét; trên lăng có khắc hình các vì sao, dưới lăng thì khắc hình sông biển. Khu lăng có lắp nhiều máy bắn tên để tiêu diệt những kẻ trộm mộ. Để xây dựng hai công trình đồ sộ trên, vua Tần "đánh thuế đến 2/3 thu hoạch; huy động người dân phu dịch liên tục, kể cả phụ nữ cũng phu dịch hết; vét hết của cải cung ứng cho nhà vua" (trích theo Hán thư - Thực hóa chí)
Tháng 9/210 TCN, Tần Thủy Hoàng trong khi đi xem xét ở nhiều nơi thuộc Trường Giang, ông bất ngờ qua đời trên đường về, tại Sa Khâu (Hà Bắc). Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao âm mưu giả di chiếu của nhà vua để ám hại thái tử Phù Tô và tướng Mông Điềm; đưa em trai là Doanh Hồ Hợi lên ngôi lúc 20 tuổi, hiệu là Tần Nhị thế. Tần Thủy Hoàng để lại hơn 40 người con, Hồ Hợi là con thứ 18 của Hoàng đế
b. Tần Nhị thế (210 - 207 TCN)
Sau khi lên ngôi, Nhị thế tiếp tục chính sách của cha. Khi mai táng Tần Thủy Hoàng, ông ta ra lệnh chôn theo khoảng 100 cung phi chưa có con, rồi bịt kín lăng mộ lại.
Nghe theo lời của Triệu Cao, Tần Nhị thế làm nhiều việc tàn bạo: ông ta tiếp tục xây cung A Phòng, nuôi nhiều động vật và buộc cung cấp nhiều thức ăn, giết oan nhiều đại thần và anh em. Cụ thể, ông ta cho giết chết các quan tam lang, 6 vị công tử đều bị giết ở đất Đỗ. Nghe tin khởi nghĩa ở Sơn Đông năm 209 TCN, vua Tần giết hết những người báo tin
Năm 208 TCN, Nhị thế không nghe lời khuyên can nên bớt binh dịch mà lập tức cho giết hại Khứ Tật, Lý Tư, Phùng Kiếp; sau đó ông ta lại cho sát hại tiếp các anh em của mình: Mười hai vị công tử bị xử tử giữa chợ Hàm Dương. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, 10 vị công chúa của nhà Tần đã phải chịu cái chết đau đớn khủng khiếp với kết cục bị phân thây. Họ bị chặt đứt chân tay và sau cùng bị kẻ hành quyết cắt đứt cổ họng.
Triệu Cao (tượng phục chế, ảnh: baidu)
Tháng 8/207 TCN, Thừa tướng Triệu Cao âm mưu làm phản, nên bày trò dâng Nhị Thế một con hươu và bảo rằng đó là con ngựa, Nhị Thế cười nói:
Thừa tướng lầm đấy chứ! Sao lại gọi con hươu là con ngựa?
Nhị Thế hỏi các quan xung quanh. Những người xung quanh im lặng, có người nói là "ngựa" để vừa lòng Triệu Cao, cũng có người nói là "hươu". Nhị Thế thấy vậy cả kinh, tự cho là mình loạn óc, bèn cho giết những người gọi hươu là hươu và cho gọi quan thái bốc sai bói xem. Lấy cớ vua Tần đang trai giới để giải hạn, Triệu Cao sai con rể là Diêm Nhạc đến và bức Tần Nhị thế phải tự tử
c. Tần Tử Anh (207 TCN)
Nhị thế băng hà, người chú của ông là Doanh Tử Anh lên ngôi vào tháng 8/207 TCN. Ít lâu sau, ông dùng mưu giết được Triệu Cao khi biết tướng Tần là Chương Hàm đã đầu hàng Hạng Vũ.
Thời Tử Anh, quân Tần liên tiếp bị quân khởi nghĩa đánh bại nhiều nơi. Quân của Lưu Bang tiến vào Quan Trung, buộc vua Tần đầu hàng sau 46 ngày trị vì (tháng 10/207 TCN). Tháng 11/207 TCN, quân Hạng Vũ tiến vào và cho giết vua Tần Tử Anh đã đầu hàng, cùng các công tử của Tần. Đế chế Tần diệt vong.
d. Khởi nghĩa nông dân cuối thời Tần (209 TCN)
Tháng 6/209 TCN, Trần Thắng (còn gọi là Trần Thiệp), nguyên là tá điền; cùng với Ngô Quảng là người nước Sở, làm đội trưởng trong đoàn 900 người bình dân các làng được đưa đi đồn thú ở Ngư Dương (Bắc Kinh). Khi đến Đại Trạch (huyện Kỳ, An Huy ngày nay) thì gặp mưa lớn và không đến đúng hẹn được. Mọi người rơi vào lo âu và căm tức.
Trần Thắng bàn riêng với Ngô Quảng: “Ở đây còn cách Ngư Dương mấy ngàn dặm, không có cách gì đến đúng kỳ hạn được, chẳng lẽ chúng ta đành đến chịu chết sao?”
Ngô Quảng nói: “Như thế sao được. Hay chúng ta bỏ trốn đi”.
Trần Thắng nói: “Trốn mà bị bắt lại cũng chết. Vùng lên chống lại cũng chết. Đằng nào cũng chết nhưng chống lại mà chết còn vẻ vang hơn. Dân chúng đã khổ vì triều Tần nhiều lắm rồi. Nghe nói Nhị Thế là một thằng trẻ con vốn không đến lượt làm hoàng đế. Làm hoàng đế đáng ra phải là Phù Tô, vốn được mọi người yêu mến. Còn Hạng Yên là một đại tướng của nước Sở, từng lặp công lớn, mọi người đều biết ông ta là một trang hảo hán, hiện nay không biết còn sống hay đã chết. Nếu chúng ta lấy danh nghĩa Phù Tô và Hạng Yên để hiệu triệu thiên hạ, thì người nước Sở nhất định sẽ hưởng ứng chúng ta”.
Ngô Quảng tán thành chủ trương của Trần Thắng. Nửa đêm, hai người dùng mưu giết được 2 tên quan coi phu, sau đó dựng cờ khởi nghĩa ở Đại Trạch
Trần Thắng phất cờ khởi nghĩa
900 quân khởi nghĩa đánh chiếm Đại Trạch. Trần Thắng kéo quân ra huyện Trần (Hoài Dương, Hà Nam) với hơn 1.000 kỵ binh và vài vạn bộ binh, gần 700 cỗ chiến xa. Trần Thắng ngay sau đó tự lập làm vua, hiệu là Trương Sở (khôi phục nước Sở). Sau khi lập nước, Trần Thắng chia quân thành 2 cánh: một cánh quân thì đi hàng phục các chư hầu, cánh còn lại thì tiến đánh quân Tần
Nhưng khi triển khai lực lượng, khởi nghĩa lại bộc lộ nhược điểm là các tướng lĩnh nông dân không đoàn kết mà lại phá hoại lẫn nhau:
+ Ở cánh quân tiến đánh quân Tần (3 cánh quân) thì cánh nghĩa quân của Chu Văn mạnh nhất, gồm 1.000 cỗ xe và mấy chục vạn quân. Chu Văn tiến quân chuẩn bị tiến đến Hàm Cốc quan, uy hiếp Hàm Dương. Tần Nhị thế hoảng sợ, vội cho tha những người bị tù tội và giao cho Chương Hàm chỉ huy đạo quân này. Khi quân khởi nghĩa vừa qua Hàm Cốc, quân Tần phản công mạnh mẽ; khiến quân khởi nghĩa thất bại và Chu Văn đã phải đâm cổ tự vẫn.
+ Ở cánh quân đi chiêu hàng chư hầu, các tướng lĩnh của cánh quân này bị bọn quý tộc cũ của sáu nước thời Chiến quốc xúi giục tự lập làm vua chư hầu như Vũ Thần làm Triệu vương, Ngụy Cữu làm Ngụy vương, Điền Đam làm Tề vương; vì thế lực lượng của Trần Thắng bị phân tán
Sau khi đánh tan Chu Văn, quân Tần của Chương Hàm đánh hạ thành Huỳnh Dương (Hà Nam ngày nay), thủ lĩnh nghĩa quân là Ngô Quảng bị thuộc tướng Điền Tang giết hại. Sau khi đánh bại Ngô Quảng, quân Tần tiến đánh đất Trần. Trần Thắng bị thua phải bỏ chạy và bị người đánh xe phản bội giết chết (Trần Thắng làm vua mới 6 tháng). Quân Tần sau đó cũng đánh tan luôn cánh quân của Tống Lưu, bắt giữ Tống Lưu rồi cho xe xé xác.
Nguyên nhân thất bại:
- Nội bộ quân khởi nghĩa không thống nhất, các thủ lĩnh không đoàn kết lẫn nhau và thậm chí sát hại lẫn nhau
- Trần Thắng giao cho người thân tín giám sát nghĩa quân, nhưng những người này làm việc tàn bạo nên bị nghĩa quân xa lánh
- Quân khởi nghĩa ít kinh nghiệm chiến đấu; tướng lĩnh nghĩa quân không có kinh nghiệm chỉ huy
=> Ý nghĩa quan trọng nhất: làm Đế chế Tần diệt vong
e. Chiến tranh Sở - Hán và sự thành lập triều Hán (209 - 202 TCN)
Tháng 8/209 TCN, hai chú cháu là Hạng Lương, Hạng Vũ phất cờ khởi nghĩa ở đất Ngô Trung (huyện Ngô, Giang Tô), giết quận thú Cối Kê và tập hợp được 1.000 quân tinh nhuệ. Viên đình trưởng ấp Bái (huyện Bái, Giang Tô) là Lưu Bang nổi dậy giết hại viên huyên lệnh Bái và tự lập Bái công với 3.000 nghĩa quân tham gia, theo Hạng Lương
Hạng Lương phất cờ khởi nghĩa
Sau khi phất cờ khởi nghĩa, nghĩa quân của Hạng Lương theo kế của quân sư Phạm Tăng đã lập một người thuộc dòng dõi vua Sở Hoài vương (chết ở Tần năm 296 TCN) là Hùng Tâm đang chăn dê, lập làm vua và lấy hiệu là Sở Hoài vương (tháng 8/207 TCN). Về phần Hạng Lương thì sau hai lần đánh bại quân Tần, ông ta bắt đầu sinh kiêu ngạo nên bị quân Tần đánh bại và giết chết ở Định Đào (huyện Định Đào, Sơn Đông), Hạng Vũ thay ông lãnh đạo quân khởi nghĩa chống Tần.
Nghĩa quân của Hạng Vũ chuẩn bị tiến đánh trận Cự Lộc; Hạng Vũ đang chỉ huy trận đánh
Tháng 10/207 TCN, quân Tần tiến đánh thành Cự Lộc (Hà Bắc) của vua Triệu vương Yết. Hạng Vũ chia quân thành hai cánh tấn công (cho Lưu Bang đánh đất Tần), kết quả quân quân Hạng Vũ đánh tan nát quân Tần ở Cự Lộc; chôn sống hơn 20 vạn quân Tần đầu hàng
Lưu Bang lợi dụng lúc Hạng Vũ đang đánh nhau với quân chủ lực Tần ở Cự Lộc, kéo quân vào Hàm Dương. Ông ta được nhân dân Tần đón tiếp, cho niêm phong cung thất vua Tần và cho bắt giữ vua Tần Tử Anh mới đầu hàng. Hạng Vũ vào sau nên sai quân làm cỏ Hàm Dương, giết vua Tần đã đầu hàng. Ông ta cho đốt cháy cung vua Tần (lửa cháy 3 tháng không tắt), thu hết châu báu và đưa khoảng 3 vạn cung nhân về phía đông. Hạng vũ xưng là Tây Sở bá vương, đứng đầu các chư
Hạng vương chia đất cho các tướng tá; trong đó Lưu Bang được phong làm Hán vương cai quản đất Ba Thục và Hán Trung (vùng Tứ Xuyên ngày nay). Về phần mình, Lưu Bang giả vờ trở về đất phong và đi luôn (theo kế của mưu sĩ Trương Lương).
Trong khi đó, Hạng Vũ dùng mưu giết chết vua Sở Hoài vương trên sông Trường Giang (năm 205 TCN). Cùng năm 205 TCN, Hạng Vũ liên tiếp đánh bại bốn nước chư hầu của Điền Vinh (Tề vương), Chương Hàm, Tư Mã Hân và Đổng Ế; sát nhập toàn bộ vùng Quan Trung vào đất của mình. Lưu Bang thấy thế, bèn đánh vào kinh đô của Sở Bá vương Hạng Vũ => chiến tranh Sở - Hán bùng nổ (206 - 202 TCN):
- Lúc đầu, quân Hán thất bại liên tiếp: cuối năm 205 TCN, quân Sở đến đất Bái để bắt cha và vợ của Lưu Bang làm con tin. Năm 204 TCN, Hạng Vũ vây ngặt quân Hán ở Huỳnh Dương; Hán vương phải cho Kỷ Tín giả làm Lưu Bang mới thoát chết. Sau đó, quân Hạng Vũ đánh tan nát các tướng Bành Việt, Hàn Tín ở hai trận liên tiếp. Tại trận Huỳnh Dương, quân Hán bị Sở đánh cho đại bại, Hàn Tín bị Hạng Vũ bắt giam
- Sau thất bại ở Huỳnh Dương, Hán vương cử Hàn Tín đánh lấy nước Tề. Ít lâu sau, hai vạn quân Hán của Lư Quán và Lưu Giả tiến đánh đất Lương, hạ trên 10 thành. Hạng vương đem quân tiến đánh Hàn Tín, Bành Việt. Tại trận sông Tụ Thủy, quân Hán khiêu chiến mắng nhiếc 6 ngày và quân Sở ra đánh. Quân Sở thua to, Tào Cữu, Tư Mã Hân và Đổng Ế đều tự đâm cổ chết trên sông Tự Thủy. Hạng Vũ sau đó cử mưu sĩ Vũ Thiệp đến thuyết phục Tín phản Hán nhưng Tín không nghe.
- Năm 203 TCN, nhận thấy lực lượng của mình đang suy yếu và chư hầu phản bội ngày càng nhiều, Hạng Vũ giảng hòa với Lưu Bang và lấy Hồng Câu (Hà Nam) làm ranh giới; đồng thời Vũ thả cha và vợ của Lưu Bang về
- Năm 202 TCN, quân Hán huyết chiến ở trận Cai Hạ (huyện Linh Bích, An Huy). Hạng Vũ thua to, chạy đến sông Ô Giang thì tự sát. Chiến tranh kết thúc
Hạng Vũ
B. Triều Tây Hán (202 TCN - 8 CN)
1. Tình hình chính trị
a. Thời Hán Cao tổ (202 - 195 TCN)
Năm 202 TCN, sau khi đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang chính thức xưng làm Hoàng đế, thiết lập vương triều mới với miếu hiệu là Hán Cao tổ (202 - 195 TCN). Về kinh đô, lúc đầu Cao tổ đóng ở thành Lạc Dương (sau khi nghe ý kiến của Trương Lương, Hoàng đế quyết định dời đô ra Trường An). Do triều đình Hán của Lưu Bang đóng kinh đô ở phía tây, nên tên vương triều mới là Tây Hán
kinh đô Trường An
Trong thời gian đầu sau khi cai trị Trung Hoa, chủ trương tập trung quyền lực vào trung ương của các Hoàng đế đầu thời Tây Hán chưa rõ rệt. Để ghi công những người có công lao trong việc kiến lập vương triều mới, tạo sự trung thành một cách chắc chắn của các công thần với Hoàng đế, vua Hán Cao tổ phân phong các công thần làm chư hầu như sau:
- Cải Tề vương Hàn Tín làm Sở vương, đóng đô ở Hạ Bì.
- Lập Kiến Thành hầu Bành Việt làm Lương Vương, đóng đô ở Định Đào
- Lập vua Hàn trước là Tín làm Hàn vương, đóng đô ở Dương Địch.
- Dời Hành Sơn vương Ngô Nhuế làm Trường Sa vương, đóng đô ở Lâm Tương.
- Hoài Nam vương Anh Bố, Yên Vương Tạng Đồ, Triệu vương Trương Ngao, Lâm Giang vương đều như cũ.
Ảnh minh họa vua Hán Cao tổ và vợ mình, Lã hậu
b. Thời Hán Huệ đế (195 - 188 TCN)
Tháng 6/195 TCN, Cao tổ băng hà; con thứ là Lưu Doanh lên ngôi, hiệu lá Hán Huệ đế. Tuy ông lên ngôi thiên tử, nhưng việc điều hành triều đình do mẹ là Lã thái hậu quyết định. Huệ đế thực chất không có quyền hành gì. Thời Huệ đế cầm quyền, Lã thái hậu ép nhà vua lấy con gái của người chị là Lỗ Nguyên công chúa làm hoàng hậu (Trương hoàng hậu)
Vốn rất ghét mẹ con Thích phu nhân và Triệu vương Như Ý, Thái hậu sai giam Thích phu nhân và cho người sát hại Triệu vương bằng thuốc độc. Sau khi Triệu vương mất, Lã thái hậu giết Thích phu nhân bằng cực hình vô cùng tàn bạo: bà ta bèn sai chặt chân tay Thích phu nhân, móc mắt, đốt tai, cho uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu gọi đó là Nhân trư (人彘), nghĩa là con người lợn. Sau đó, bà cho mời Hoàng đế đến xem
Năm 193 TCN, những người trong tộc là Sở vương Lưu Giao, Tề vương Lưu Phì đến chầu. Hoàng đế mời anh em cùng uống rượu trước mặt Thái hậu. Vì ông cho rằng Lưu Phì là anh nên để ngồi ghế trên theo lễ những người trong nhà. Thái hậu tức giận, định dùng rượu độc sát hại Tề vương, nhưng bất thành. Tề vương hoảng sợ; ông nghe theo lời khuyên của quân sư nên dâng quận Thành Dương, tôn công chúa Lỗ Nguyên làm Vương thái hậu. Lúc đó Lã thái hậu bằng lòng, cho Tề vương ra về
Cuối thời Huệ đế, nhà vua thi hành chính sách giảm bớt thuế má, cất nhắc Tào Tham làm Thừa Tướng, làm xã hội dần ổn định. Theo sử liệu, Huệ đế tu sửa lại thành Trường An. Ông giảm thuế má, khuyến khích phát triển dân số và cho phép tôn sùng đạo Lão. Năm 188 TCN, Hán Huệ đế băng hà lúc mới 19 tuổi; chôn ở An Lăng.
c. Thời Cao hậu (188 - 180 TCN)
Sau khi Huệ đế giá băng, các quan lại bèn tôn Lưu Cung (con trai khác của Hán Cao tổ) lên ngôi Hoàng đế bù nhìn, hiệu là Hán Tiền Thiếu đế. Dưới bức bình phong là vua Hán Tiền Thiếu đế, Lã thái hậu chính thức xưng chế, gọi là "Lâm triều xưng chế" (tức Hán Cao hậu), tự mình ra cầm quyền không kiêng dè ai cả
Chân dung Hán Cao hậu
Để củng cố quyền lực, Hán Cao hậu muốn phong vương cho con cháu họ Lã. Được sự "đồng tình" của Trần Bình và Chu Bột, Hán Cao hậu phong cháu cả Lã Đài làm Lã vương (呂王), đứng đầu các Vương hầu họ Lã. Kế thứ là Lã Lộc làm Triệu vương (趙王), Lã Thông làm Yên vương (燕王). Bà ta cũng cho con gái Lã Lộc lấy Thành Dương Cảnh vương Lưu Chương, cùng một số con em họ Lã khác. Ngoài ra, bà còn cất nhắc tình nhân Thẩm Tự Cơ từng theo hầu hạ bà trước kia lên làm Tả thừa tướng (Tự Cơ về sau lũng đoạn triều Hán, buộc các quan phải nhờ cậy hắn thì mới xong). Năm thứ 4 (184 TCN), em gái bà là Lã Tu được phong Lâm Quang hầu (臨光侯), là phụ nữ đầu tiên được thụ phong tước vị dành cho nam giới. Cùng năm ấy, một cháu trai khác của Thái hậu là Lã Tha (呂他) được thụ phong Du hầu (俞侯), Lã Canh Thủy (呂更始) làm Chuế Kỳ hầu (贅其侯), Lã Phẫn (呂忿) làm Lã Thành hầu (呂城侯); năm đó thụ phong rất nhiều người trong các nhánh nhỏ gia tộc họ Lã, vị chi hơn 10 người đều thụ phong.
Trong năm 184 TCN, Cao hậu bèn sát hại vua Hán Tiền Thiếu đế (khi ông này biết Lã hậu ra tay sát hại mẹ mình), lập Lưu Hồng làm vua Hán Hậu Thiếu đế. Năm 181 TCN, Cao hậu cho bắt và bỏ đói đến chết Hoài Dương vương Lưu Hữu vì ông này từ chối không lấy cháu gái của Cao hậu là Lã thị. Sau khi Lưu Hữu mất, Cao hậu bèn ép Lương vương Lưu Khôi phải cưới con gái Lã Sản, đồng thời giết luôn sủng phi của ông; Lưu Khôi uất ức bèn tự sát.
Năm 180 TCN, Hán Cao hậu bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, bà phong cháu Lã Lộc làm Thượng tướng quân thống lĩnh Bắc quân, cho Lã vương Sản làm Tướng quốc thống lĩnh Nam quân, khống chế lực lượng hộ vệ trong hoàng cung; đồng thời trăn trối những điều sau cùng. Tháng 8/180 TCN, Hán Cao hậu băng hà, thọ 61 tuổi
Sau khi Cao hậu vừa chết, Trần Bình và Chu Bột làm chính biến thành công giết hết các tướng họ Lã mà Lã Thái hậu dựng lên để lấy lại thiên hạ cho họ Lưu. Vì không muốn hình ảnh Lã Thái hậu tiếp tục tồn tại, các giai cấp thống trị họ Lưu đồng lòng cho rằng Hậu Hán Thiếu Đế, cùng hai con thứ xuất của Hán Huệ Đế Lưu Doanh đều là giả mạo, bèn tiến hành phế bỏ và giết hại. Sau khi tiến hành tàn sát Hoàng đế do Lã Thái hậu lập nên, các thế lực họ Lưu kiên quyết lập hoàng tử Lưu Hằng được làm người kế vị, tức là Hán Văn Đế.
d. Văn - Cảnh chi trị
* Hán Văn đế (180 - 157 TCN):
Đại vương Lưu Hằng lên ngôi Hoàng đế lúc 23 tuổi, hiệu là Hán Văn đế. Vừa lên ngôi, Văn đế lập tức tìm cách hạn chế sức mạnh của các chư hầu. Ít lâu khi lên tức vị, nhà vua lệnh cho các vua chư hầu trở về đất phong của họ. Tất nhiên không người nào nghe nhà vua truyền đạt mệnh lệnh đó. Ngay lập tức, Văn đế cho giáng chức Thừa tướng Chu Bột và buộc ông ta về đất phong; các vua chư hầu sợ hãi phải làm theo. Về sau, Văn đế nghi ngờ Chu Bột tạo phản nên sai quân bắt giam ông này lại (cậu của nhà vua phải nhờ vả Bạc thái hậu xin vua thì Chu Bột mới được phóng thích)
Thấy một số chư hầu chuẩn bị nổi dậy chống chính quyền, Văn đế ra ngay đàn áp. Năm 177 TCN, Hoàng đế điều quân đội đánh bại cuộc phản loạn của Tế Bắc vương Lưu Hưng Cư, buộc ông ta phải tự sát. Năm 174 TCN, nhà vua phế Hoài Nam vương Lưu Trường vì ông này âm mưu liên kết với Hung Nô chống chính quyền trung ương.
Trước vấn đề chư hầu, nhà vua theo đề xuất của Giả Nghị đã quyết định chia nhỏ các nước ra. Năm 164 TCN, nhân lúc Tề Văn vương (cháu đích tôn Hán Cao Đế) mất không có ai nối, ông chia nhỏ nước Tề làm 6 nước: Tề, Tế Bắc, Tế Nam, Giao Tây, Giao Đông, Tri Xuyên phong cho những người trong họ, còn quận Lang Nha thì lấy về triều đình. Nhà vua cũng quyết định chia luôn đất Hoài Nam làm 3: Hoài Nam, Hành Sơn, Lư Giang. Riêng với các chư hầu lớn như Ngô và Sở, Văn đế ngại động chạm và gây mâu thuẫn nên không chấp thuận chia cắt
Hán Văn đế thi hành chính sách tiết kiệm. Trong suốt thời gian ông làm vua, số lượng chó và ngựa trong vườn và người hầu trong cung không hề tăng thêm. Ông từng dự tính xây dựng toà lộ đài (đài hứng sương) trong cung, nhưng khi gọi thợ vào tính toán, được biết sẽ tốn khoảng trăm cân vàng nên nhà vua không gọi nữa.
Ngoài ra, nhà vua giảm nhẹ hình phạt như bỏ nhục hình (cắt thân thể), lấy lao dịch hoặc si hình (đánh roi) để thay. Có người lẽ ra bị cắt ngón chân, ngón tay nhưng vì xử si hình, phải đánh 300 roi hoặc 500 roi nên không chịu nổi và chết. Vì vậy Hán Thư cho rằng: "Những tưởng giảm nhẹ hình phạt nhưng thực chất là giết người!". Các nhà sử học Trung Quốc cho rằng bản chất ý định của Văn đế là tốt và có nhiều người ủng hộ; việc ban hành luật và người thực hiện có khoảng cách nhất định. Ngoài việc đề ra luật, Hán Văn đế cũng là người biết tuân thủ pháp luật.
Năm 157 TCN, Hán Văn đế qua đời. Con là Lưu Khải lên ngôi, hiệu là Cảnh đế
* Hán Cảnh đế (157 - 140 TCN):
Lưu Khải lên ngôi mới 32 tuổi, hiệu lá Hán Cảnh đế. Ông tiếp tục các chính sách của cha.
- Vấn đề các nước chư hầu cũng được Cảnh đế quan tâm. Thấy các vua chư hầu khinh miệt chính quyền trung ương Trường An, ngạo mạn và luôn sẵn có ý đồ ly khai, Cảnh đế vẫn duy trì chính sách mềm dẻo để duy trì đất nước ổn định. Nhưng nhà vua vẫn lo cho sự phản loạn của các chư hầu khi nghe cảnh báo từ quan Ngự sử đại phu Tiều Thố: nên cắt bớt đất đai của các chư hầu - đặc biệt là nước Ngô của Lưu Tỵ (cháu của vua Hán Cao tổ) rất mạnh; Lưu Tỵ lại có tư thù với nhà vua khi Lưu Khải còn là thái tử, đã đập chết con trai của Ngô vương khi hai người còn chơi cờ ở Trường An.
Theo lời khuyên của Tiều Thố, Hán Cảnh đế bắt đầu tước dần đất đai của các chư hầu: Năm 154 TCN, Lưu Khải mượn cớ bắt đầu tịch thu một phần đất phong của các phiên hầu Sở Vương, Triệu Vương, Giao Đông Vương nhưng vẫn không dám động đến Ngô Vương Lưu Tỵ nên gây ra nhiều tranh chấp. Lưu Khải lại hạ lệnh tịch thu 2 quận Cối Kê và Dự Chương của Ngô Vương Lưu Tỵ khiến Lưu Tỵ rất tức giận bèn lập tức huy động quân đội của bảy nước Sở, Triệu, Giao Tây, Giao Đông, Truy Xuyên, Tế Nam tiến về Trường An để nhằm lật đổ ngôi vua Hán.
Bản đồ minh họa loạn 7 nước thời Hán Cảnh đế
Thế quân của bảy nước rất lớn. Trong chính quyền Trường An, nội bộ bất hòa: Viên Áng nghe theo âm mưu của Ngô vương bèn cho hại chết Tiều Thố. Áng về sau làm sứ giả qua Ngô xin bãi binh, nhưng bất thành. Vua Hán ân hận vì đã hại chết Tiều Thố, bèn cho con của Chu Bột là Chu Á Phu làm đại tướng, mang 36 tướng ra trận.
Tượng bộ binh của quân Hán thời Hán Cảnh đế
Theo kế hoạch, quân triều đình không đánh trực diện quân Ngô vương mà cho chặn lương thực. Á Phu lại đem quân cắt đứt liên lạc giữa Ngô, Sở với các nước phía đông; không cứu nước Lương mà cố ý để cho quân Ngô hút vào chiến tranh với Lương cho chúng tốn sức lực đi. Sau khi quân Ngô và Sở cạn lương, Chu Á Phu xuất quân ra đánh bất ngờ khiến đối phương đại bại, Ngô vương bỏ chạy thì bị người Đông Việt giết chết; còn Sở vương Lưu Mậu phải tự sát
Chu Á Phu chia quân ra: một cánh thì cứu quân Tề, cánh khác thì lại chia ra để vây đánh các nước còn lại là Giao Đông, Giao Tây, Tế Nam và Tri Xuyên. Bốn nước biết không chống lại quân Hán bèn tự lui; quân Hán truy tới cùng, bức bách 4 chư hầu vương tự sát. Cùng lúc, Lệ tướng quân vây đánh nước Triệu, hạ được thành. Triệu vương Toại cũng tự sát nốt.
- Dẹp xong loạn 7 nước, Hán Cảnh Đế ra lệnh xóa bỏ nước phong của các chư hầu này, đồng thời điều chỉnh địa giới của các chư hầu nhằm đưa đất đai về dưới quyền quản lý trực tiếp của hoàng đế. Lúc này, nhà vua cử tiếp 13 hoàng tử làm vua của các nước chư hầu. Lương Hiếu vương Lưu Vũ là em út của Hoàng đế, cậy công dẹp loạn bảy nước để nhờ mẹ mình khiến cho Hoàng đế chọn làm người kế vị. Trong triều đình, Viên Áng không đồng ý việc Lương vương làm người kế vị nên bị Lương vương sai người hại chết. Nhà vua sau đó vì nể Thái hậu nên không truy cứu thủ phạm nữa.
Năm 144 TCN, Lương vương mất; Cảnh đế nhân đó chia nhỏ nước Lương làm 5 phần. Sau đó ông lại lần lượt phong cho 3 người con mình làm vương chư hầu, khiến số lượng chư hầu nhà Tây Hán lên tới 25 nước, nhiều nhất kể từ khi nhà Hán thành lập. Hầu hết đất đai chư hầu từ đó chỉ có 1 quận, thế lực yếu hơn nhiều so với trước đó
e. Thời Hán Vũ đế
Năm 140 TCN, Giao Đông vương Lưu Triệt lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Hán Vũ đế. Dưới thời ông, Tây Hán bước vào thời kỳ hùng mạnh nhất
- Về tư tưởng, vua Hán độc tôn Nho giáo. Vốn là từ thời Văn - Cảnh chi trị, các vua bắt đầu sùng bái Nho giáo; đặc biệt cha ông là Cảnh đế đã mới nhiều nhà Nho làm bác sĩ, tham gia chính quyền Trường An. Năm 136 TCN, Vũ đế tán thành ý kiến của Đổng Trọng Thư đã cho "bãi truất bách gia, độc tôn Nho học".
- Về vấn đề chư hầu, Vũ đế kế thừa chính sách của ông và cha mình trong việc giảm thế lực của các chư hầu. Khi Vũ đế lên ngôi, cả nước có 54 quận, nhưng triều đình thực tế chỉ quản lý được 15 quận, còn các quận còn lại do các vương cùng họ khống chế. Năm 128 TCN (Nguyên Sóc thứ hai đời Vũ đế), nhà vua áp dụng đề nghị của Chủ phụ Yển, ban Thôi ân lệnh. Theo lệnh này, khi một chư hầu vương chết đi thì người con trai trưởng sẽ được thế tập tước vương, còn những người con trai khác cũng được phong tước hầu ở ngay trong lãnh thổ của chư hầu đó. Từ đời này sang đời khác, đất đai của chư hầu vì thế cũng sẽ ngày một giảm đi, đến nỗi chư hầu vương nhiều lắm chỉ có mười thành, tiểu hầu quốc chỉ được chừng 10 dặm. Bởi vậy các cuộc nổi dậy của chư hầu không còn đáng ngại như trước nữa, điển hình như cuộc nổi dậy của Hoài Nam vương Lưu An năm 112 TCN nhanh chóng bị dập tắt.
- Ngoài ra, vua Hán tăng cường quản lý các địa phương. Khi Vũ đế mới lên cầm quyền, đơn vị hành chính địa phương lúc này là quận do Quận thú đứng đầu. Năm 106 TCN, Hán Vũ đế chia cả nước thành 13 châu là Ký, Duyễn, Dự, Thanh, Từ, U, Tịnh, Lương, Kinh, Dương, Ích, Sóc Phương, Giao Chỉ và sai 13 người đến trấn nhận chức thứ sử (về sau đổi thành Châu mục) ở đấy
Cương vực của nước Hán dưới thời Hán Vũ đế
Sau khi ổn định tình hình trong nước, Vũ đế sai quân mở mang bờ cõi (sẽ nói rõ ở phần dưới đây)
g. Từ thời Hán Chiêu đế về sau
Năm 86 TCN, Hán Vũ đế qua đời, con thứ là Phất Lăng lên ngôi và hiệu là Chiêu đế; Hoắc Quang nhiếp chính. Vừa tức vị chưa được bao lâu, Chiêu đế dẹp tan cuộc phản loạn do hai tướng họ Lưu cầm đầu; diệt luôn gia đình Thượng Quan vì Thượng Quan có tư thù với vị nhiếp chính Hoắc Quang và mưu phản chống triều đình. Sau khi dẹp xong phản loạn, Hán Chiêu đế chăm lo phát triển kinh tế nên đất nước vẫn thái bình.
Hán Chiêu đế
Nhiếp chính Hoắc Quang
Được nhà vua ưu ái, Hoắc Quang với vai trò nhiếp chính càng chuyên quyền, khiến nhiều người không hài lòng. Hán Tuyên đế (Lưu Tuân) lên kế vị Chiêu đế quyết đình giảm bớt quyền lực của họ Hoắc. Nhân sự việc họ Hoắc âm mưu sát hại hoàng hậu của vua là Hứa Bình Quân, Tuyên đế bèn tìm cách tước dần binh quyền của họ Hoắc. Năm 66 TCN, họ Hoắc bày mưu lật đổ ngôi vua. Kế hoạch bị lộ, cả nhà họ Hoắc gồm khoảng 1.000 người bị triều đình giết sạch
Hán Tuyên đế
Năm 48 TCN, Hán Nguyên đế lên ngôi. Vừa lên ngôi, ông đã phải giải quyết mâu thuẫn giữa hai phái trong Nho gia: một phái duy trì chính sách thời Chu, phái còn lại duy trì chính sách thời Hán. Hai phái này đấu tranh liên tục không phân thắng bại, khiến vương triều Tây Hán dần lâm vào suy yếu. Lợi dụng sự suy yếu của triều đình, thế lực quý tộc họ Vương, anh em bà con với hoàng hậu Vương Chính Quân, vợ của Hán Nguyên đế nắm giữ nhiều chức quan trong triều và lớn mạnh dần lên
Năm 33 TCN, Hán Thành đế lên ngôi. Là ông vua bất tài, ông ta giao hết quyền hành trong triều cho các cậu họ Vương bên mẹ: Vương Phượng làm Đại Tư mã, Đại tướng quân kiêm Thượng thư lệnh, đồng thời phong 5 người thân thích bên mẹ khác gồm Vương Đàm, Vương Thương, Vương Lập, Vương Căn, Vương Phùng lên tước Hầu, họ Vương từ đấy lũng đoạn chính sự. Khởi nghĩa nổ ra liên miên khiến vương triều Trường An ngày càng suy yếu. Chán chính sự, Hoàng đế lui về hậu cung và hưởng lạc với hai chị em họ Triệu. Hai chị em Triệu Hợp Đức ra tay sát hại nhiều cung nữ, khiến Thành đế không có người nối dõi. Cuối cùng, ông cho truyền ngôi cho cháu trai là Lưu Hân.
Cương giới nhà Hán vào năm 2, thời Hán Bình đế
Từ thời Ai đế (6 - 1 TCN) về sau, chính quyền Trường An ngày càng suy yếu trầm trọng, quyền lực rơi cả vào tay Tư mã Vương Mãng. Bình đế (1 - 5) mới 9 tuổi được lập làm vua; Nguyên hậu chính thức ra nắm quyền; đến năm 4 thì Vương Mãng gả con gái cho Bình đế. Năm 5, Bình đế bị Vương Mãng đầu độc chết; ông ta đưa Hán Nhụ tử (Lưu Anh) mới 2 tuổi lên ngôi. Năm 8 CN, Hán Nhụ tử bị Vương Mãng phế bỏ. Triều Tây Hán kết thúc
2. Tình hình kinh tế và xã hội thời Tây Hán
a. Kinh tế:
* Nông nghiệp: rút kinh nghiệm cách cai trị của nhà Tần, các vua thời Tây Hán thi hành các chính sách tích cực thúc đây nông nghiệp phát triển:
- Nhà vua đình chỉ việc xây dựng các công trình tốn kém, giảm mức thuế ruộng từ 1/15 xuống 1/30 số thu hoạch
- Công cụ lao động bằng sắt được dùng phổ biến. Nhân dân Tây Hán tích lũy các kinh nghiệm trồng trọt như chú trọng dẫy cỏ kỹ hơn, vun đất trước khi cây lúa mới nhú, gieo hạt thẳng hàng
- Đời vua Vũ đế, Đô úy thu thóc là Triệu Quá phát minh ra phép "đại điền". Phép này quy định mỗi năm chia ruộng thành ba phần, luân phiên cày cấy. Triệu Quá cũng chế tạo ra cày đôi dùng hai trâu kéo, ba người đẩy để dạy cho nhân dân quanh kinh đô
- Công cuộc trị thủy cũng được các vua chú ý. Đầu thời Tây Hán, sông Hoàng Hà hai lần vỡ đê lớn. Năm 109 TCN, Hán Vũ đế bắt mấy vạn người đi đắp các chỗ đê vỡ; cho các quan chặt thêm cây và trúc để lấp chỗ vỡ. Ngoài ra, triều đình Trường An ra lệnh đào thêm 6 mương tưới nước ở vùng Quan Trung - lớn nhất là kênh Bạch Cừ, tưới nước cho bốn đến năm trăm khoảnh ruộng
* Thủ công nghiệp: phát triển rất mạnh. Quy mô của các xưởng thủ công do nhà nước, các quý tộc quản lý rất lớn. Ở các quận có nhiều mỏ sắt và đồng; chính quyền đặt chức Thiết quan để cho viên quan này sử dụng hàng chục vạn nhân công khai mỏ, luyện sắt. Vua Văn đế bãi bỏ thu thuế muối và sắt, khiến nghề luyện sắt và đúc đồng của thương nhân phát triển mạnh. Vũ đế lên ngôi bèn độc quyền muối và sắt. Nghề dệt vải trong dân gian phát triển mạnh, xuất ra nhiều tấm vải với số lượng lớn: có năm Vũ đế trưng thu đến 5 vạn tầm lụa. Hoàng đế Tây Hán ban cho quần thần nhiều vải vóc, làm tặng phẩm cho vua Hung Nô và các nước Tây Vực.
* Thương nghiệp phát triển cực thịnh trong thời gian này. Ngoài kinh đô ra, các thành thị Lạc Dương, Thành Đô, Lâm Truy, Hàm Đan, Dương Địch hoạt động tấp nập; quanh năm suốt tháng có nhiều phương tiện chở hàng đến để buôn bán. Sau cuộc đi sứ của Trương Khiên sang các nước Tây Vực vào các năm 138 TCN và 121 TCN; quân Tây Hán đánh đuổi thành công Hung Nô sang bên kia Vạn Lý Trường Thành thì triều Tây Hán chính thức khai mở "con đường tơ lụa" (dài khoảng gần 6.000 km; từ Trường An chạy sang Tây Vực, tiến ra tận châu Âu). Trên con đường nổi tiếng này, thương nhân Tây Hán nhập về hồ tiêu, hành tỏi tây, nho, lạc đà, ngựa "hãn huyết" của Mông Cổ; đồng thời bán sang nước ngoài tơ lụa, đồ sắt cùng nhiều sản phẩm khác. Nhưng ngoại thương thời Tây Hán cũng còn hạn chế; chỉ hoạt động mạnh ở thành thị mà ở nông thôn ít hoạt động
Con đường tơ lụa
Thương nhân di chuyển trên con đường tơ lụa huyền thoại
b. Xã hội: kinh tế phát triển nên nhà nước tích lũy nhiều của cải và tiền bạc ("trong kho tiền của nhà nước, tiền đồng chồng chất mấy năm chưa đụng tới, dây xỏ tiền bị mục nát" - trích Sử ký Tư Mã Thiên, Bình chuẩn thử); đồng thời bọn địa chủ cũng có rất nhiều của cải, nên đời sống nhân dân dễ chịu phần nào. Thợ thủ công đảm bảo được công ăn việc làm
* Nông dân: thời kỳ đầu Tây Hán, nông dân được giảm tới 1/30 mức thu hoạch cho nhà nước, nhưng họ vẫn phải đóng 1/2 mức thu hoạch cho địa chủ. Nhà nước quy định, mức thuế đinh mà nông dân phải đóng là 120 tiền, phải đi lính hai năm và mỗi năm đi sưu một tháng và đi làm lính thú ba ngày. Bọn địa chủ biết nông dân còn ít ruộng tư, nên lợi dụng mất mùa, ốm đau nên cướp dần đất của nông dân. Nông dân mất ruộng bị địa chủ lừa không khai hộ tịch, trở thành dân lưu tán. Sợ dân lưu tán nổi loạn, chính quyền Trường An đã phải giảm thuế. Đến thời Vũ đế, nông dân bị bắt đi lính rất nhiều nên tình trạng nông dân mất ruộng ngày càng đông. Đời sống cực khổ của nông dân thời Tây Hán được thể hiện trong bản sớ của Tiều Thố gửi vua Tây Hán Vũ đế (trích lại trong Hán thư - Thực hóa chí): "Nay một gia đình nông dân có năm người, trong số đó ít nhất phải có hai người đi phu dịch, số còn lại canh tác không quá 100 mẫu, 100 mẫu thu hoạch được hơn 100 thạch thóc. Mùa xuân thì cày cấy, mùa hạ thì làm cỏ, mùa thu thì gặt và mùa đông thì cất thóc vào kho. Lên rừng đốn củi về để sửa sang các dinh quan, làm các công việc lao động tạp dịch. Mùa xuân thì giải phong trần, mùa hạ phải phơi nóng bỏng, mùa thu phải gội mưa dầm, mùa đông phải đón gió lạnh, bốn mùa dằng dặc không chút nghỉ ngơi. Lại còn phải lúc nào cũng tiễn đón bạn bè, ma tang người chết, thăm hỏi người ốm... Cuộc sống đã thế còn bị hạn hán, thủy tai, chính quyền khắc nghiệt, thuế má nặng nề: buổi sớm ra lệnh mà buổi chiều đã thay đổi lệnh rồi. Người có đồ vật đem bán cũng chỉ được có nửa giá, người không có đồ vật mà bán thì chịu lãi gấp hai. Cho nên có người phải bán nhà cửa ruộng nương, bán cả con cái để trả nợ".
* Nô tì: đời Tây Hán nô tì rất đông. Nguồn gốc của nô tì đa dạng, gồm người phạm tội nhà nước, người thiếu nợ, người phải bán mình, người bị cướp bắt... Tù binh là nô tì thứ yếu, không còn là chủ yếu như ở thời cổ đại nữa. Nô tì chủ yếu làm việc cho nhà quan, thương nhân; lao động ở các công xưởng của nhà nước. Giá của nô tì khá cao, thường là một vạn rưỡi đến hai vạn tiền (tương đương với bốn con bò hay ngựa; hoặc tương đương đến 2 khoảnh ruộng). Nô tì phải nộp thuế đinh gấp hai lần nông dân. Nô tì được nhà nước bảo vệ tính mạng, ngay cả quý tộc quan lại cũng không được tự ý giết nô tì
* Thương nhân: bị pháp luật Tây Hán kìm hãm nặng nề. Cao tổ vừa lên ngôi đã buộc thương nhân nộp thuế đinh và thuế sản vật rất nặng. Năm 114 TCN, Vũ đế ban hành chính sách thuế mới với thương nhân: thương nhân phải khai báo số sản phẩm để chính quyền thu thuế. Cứ 2.000 tiền vốn thì thu 1 toán (tức 120 tiền). Thương nhân kinh doanh nghề thủ công thì cứ 4.000 tiền thì thu 1 toán. Xe ngựa thu hai toán; thuyền dài 5 trượng thu một toán. Thương nhân không được sở hữu nô tì, nếu có sẽ bị phạt nặng (Vũ đế sai tịch thu rất nhiều, tới hàng triệu tiền, hàng nghìn vạn nô tì, vài trăm khoảnh ruộng ở quận huyện). Tuy vậy, nhưng nhờ quốc gia thống nhất và thị trường ổn định nên thương nhân vẫn rất giàu có, có thế lực lớn
3. Chính sách đối ngoại của các vua Tây Hán
a. Với Hung Nô:
Đầu thời Tây Hán, lợi dụng Trung Quốc còn loạn lạc thì tộc Hung Nô ở phía Bắc tràn xuống xâm lược. Người Hung Nô dưới sự thống nhất của thiền vu Mặc Đốn đã tiến hành đột kích biên giới của Tây Hán. Năm 201 TCN, Hung Nô tấn công nhà Hán, Hàn vương Tín đầu hàng.
Biết tin Hàn vương đầu hàng, Hán Cao tổ lập tức dẫn 7 vạn quân Hán đi đánh Hung Nô. Thiền vu Hung Nô sau khi biết tin Hán đế đang tiến quân liền đổi chiến thuật, cho quân lính già ra đánh để nhử quân Hán vào sâu trong trận địa. Mùa đông năm 200 TCN, quân Hán tiến sang đất Hung Nô khi trời rất lạnh, nhiều người chết rét. Quân Hung Nô tiến đánh đều giả thua, dụ quân Hán tiến đến. Vua Hán hỏi Lưu Kính thì ông bèn trả lời: "Thần thấy người ngựa của Hung Nô đúng là đều già yếu. Nhưng thần cho rằng Mặc Đốn nhất định đã cho quân tinh nhuệ mai phục. Xin bệ hạ chớ nên mắc lừa chúng".
Hán Cao tổ không nghe lời Lưu Kính, vẫn tiếp tục tiến quân. Vừa tới Bình Thành (Sơn Tây), quân Hán bị Hung Nô bất ngờ vây bốn mặt; phải rút lui về núi Bạch Đăng. Quân Hung Nô (40 vạn người) đuổi theo và vây chặt quân Hán ở Bạch Đăng tới một tuần, không có tiếp viện nào. Để phá vây, mưu sĩ Trần Bình đã đem vàng bạc đút lót cho Yên chi của Thiền vu, nhờ bà nói hộ với Thiền vu cho quân Hán rút lui. Thiền vu nghe theo, bèn cho quân Hung Nô rút lui để quân Hán trở về nước.
Sau trận Bạch Đăng, Hung Nô tiếp tục quấy rối biên cương Tây Hán. Ông hỏi Lưu Kính nên làm thế nào. Lưu Kính nói: "Tốt nhất là nên áp dụng chính sách hòa thân, tức hai bên giảng hòa, đem con gái gả cho Thiền vu, kết làm thân thích, cùng sống hòa bình với nhau". Hoàng đế cử Lưu Kính sang giảng hòa với Hung Nô; đồng thời chọn một cô gái do cung nữ sinh ra, xưng là công chúa, mang gả cho Mặc Đốn. Mặc Đốn lập nàng làm Yên chi. Từ đó, triều Hán áp dụng chính sách hòa thân, tạm thời hòa hoãn quan hệ với Hung Nô.
Sử ký còn ghi lại trong những năm từ 192 TCN đến 176 TCN, Mặc Đốn đã được nhà Hán gả cho ba vị công chúa, sang thời con ông ta là Lão Thượng (176 TCN - 162 TCN) thì con số này là hai và đến thời thiền vu Quân Thần thì tiếp tục lấy được 5 vị công chúa nhà Hán.
Đến năm 177 TCN, quân Hung Nô sang xâm phạm biên giới, Hán Văn đế ra lệnh cho thừa tướng Quán Anh mang 85.000 quân đánh dẹp, tiến vào lãnh thổ Cáo Nô, đánh bại và buộc quân Hung Nô rút về
Biên giới Hán - Hung Nô
Sau một thời gian ổn định và phát triển vừng mạnh, vua Tây Hán Vũ đế quyết định tấn công Hung Nô. Ông phái Lý Quảng trấn giữ quận Yêu Tái, củng cố phòng bị ở phía bắc. Ngoài ra, việc kết giao với Tây Vực cũng là một bước quan trọng trong việc tìm liên minh cùng chống Hung Nô. Sang năm 138 TCN, Vũ đế cử Trương Khiên sang Tây Vực kết giao cùng nước Đại Nguyệt để cùng chống Hung Nô. Quá trình chuẩn bị của nhà Hán đã hoàn thành
Quân Hung Nô đánh Hán ở Trung Quốc
Người Hung Nô
Cũng trong năm 138 TCN, Thiền vu Hung Nô quyết định hòa thân; vua Hán theo lời khuyên của Hàn An Quốc đã chấp nhận đề nghị này.
Năm 133 TCN, quân Hán dùng mưu dụ đối phương ra Mã Ấp để đánh. Thiền vu Hung Nô sau nhiều chần chừ và nghi hoặc, quyết định không cho quân ra đánh
Năm 129 TCN, Hung Nô xâm lấn Thượng Cốc. Hán Vũ đế cho 4 vạn quân Hán do Vệ Thanh, Lý Quảng và Công Tôn Ngao chỉ huy, chia thành 3 cánh tấn công. Cánh quân của Vệ Thanh đại thắng, giết 700 quân Hung Nô; ba cánh còn lại thì thất bại: Công Tôn Hạ về tay không, Lý Quảng trốn thoát được trong khi Công Tôn Ngao bị quân địch bắt. Tổng cộng trong trận chiến này, quân Hán bị mất 17.000 người.
Mùa thu năm 128 TCN, một lần nữa Vệ Thanh dẫn ba vạn kị binh chiến đấu với Hung Nô, xuất kích vào Nhạn Môn Quan, giết hơn 1.000 quân Hung Nô.
Năm 127 TCN, quân Hán đánh bại được quân Hung Nô, giành lại được vùng Hà Sáo, trừ được mối đe dọa của Hung Nô với Trường Thành. Tại vùng Hà Sáo, nhà Hán cho thiết lập quận Sóc Phương. Năm sau, nhà vua lại sai Tô Kiến đem theo 100.000 người tu bổ Trường Thành để ngăn chặn Hung Nô.
Năm 126 và 124 TCN, Thiền vu Hung Nô mở hai cuộc phản công và chiếm mất Hà Sáo. Vua Hán lại cử Vệ Thanh dẫn 10 vạn quân ra đánh. Kết quả, 15.000 quân và mười mấy quý tộc Hung Nô bị quân Hán bắt sống, Hữu Hiền Vương bỏ chạy.
Mùa hè năm 123 TCN, quân Hán lại một lần nữa tấn công Hung Nô, đẩy họ ra tận sa mạc Gobi.
Năm 121 TCN, vua Hán cử tướng Hoắc Khứ Bệnh đem 1 vạn phiêu kỵ binh qua sa mạc Gobi, giết 9.000 quân Hung Nô và bắt được hơn 1.000 người. Mùa hè cùng năm, quân Hán tiến lên núi giao tranh với Hung Nô. Quân Hán nhanh chóng nắm ưu thế, tiêu diệt hơn 30.000 quân Hung Nô, nhưng cũng bị tổn thất 2.800 người. Thiền vu Y Trĩ Tà buộc phải đầu hàng Hoàng đế Hán.
Sang mùa xuân năm 119 TCN, vua Hán lại cử Vệ Thanh cùng Hoắc Khứ Bệnh mỗi người dẫn 5 vạn kị quân thành hai đường đánh Hung Nô, lại cho hơn 14 vạn ngựa chiến và 50 vạn bộ tốt và hậu cần tiến về sa mạc Gobi. Đại quân Hán tiến nhanh, đánh bại chủ lực Hung Nô khiến Thiền vu phải bỏ chạy. Tổng cộng trong trận chiến này, quân Hung Nô bị thiệt hại nặng nề, mất khoảng 8-9 vạn quân, trong khi số thương vong của quân Hán chỉ bằng 1/3. Về phía cánh quân của Hoắc Khứ Bệnh cũng đã giành được chiến thắng, bắt giết 70.000 người Hung Nô, trong đó có Tả Hiền vương và 86 quý tộc Hung Nô.
Năm 111 TCN, Hán Vũ đế cử 18 vạn quân đến gây sức ép với Hung Nô
Năm 99 TCN, tướng quân Lý Quảng Lợi được lệnh đem 300000 quân lên phía bắc, giao chiến với Hữu hiền vương của Hung Nô ở Kỳ Liên Sơn. Một tướng khác là Lý Lăng đem quân bộ cùng năm nghìn người thiện xạ qua phía Bắc Cư Duyên chừng hơn nghìn dặm. Quân Hung Nô bao vây Lý Lăng đến tuyệt lương, buộc Lăng phải đầu hàng. Vũ đế nghe tin, bèn cho giết mẹ và vợ của Lý Lăng
Năm 90 TCN, Lý Quảng Lợi chinh phạt vùng Ngũ Nguyên. Trong lúc ông đang đánh giặc, vua Hán nghi ngờ ông ta mưu phản nên bắt giam vợ của Lý Quảng Lợi. Lý Quảng Lợi mất tinh thần, nên không thể địch lại Hung Nô. Quân Hán thiệt hại nặng, thương vong hơn 10000 người. Tự trị thông giám cũng lên tiếng chê trách việc làm này của vua Hán.
Tuy nhiên chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Năm 80 TCN, quân Hung Nô mở cuộc tiến công vào nước Ô Tôn. Ô Tôn cử sứ sang nhà Hán cầu cứu. Năm 72 TCN, Hán Tuyên đế cử quân liên kết với Ô Tôn tiến công Hung Nô, bắt giết 40.000 người và nhiều quý tộc.
Những năm tiếp theo, do sự tấn công mãnh liệt từ quân Hán và các nước khác, Hung Nô bước vào giai đoạn suy yếu. Đến năm 53 TCN, thiền vu Hô Hàn Tà phải dâng biểu xin triều phục và cống nộp cho nhà Hán, gửi con trai sang làm con tin. Năm 33 TCN, Hô Hàn Tà lấy Vương Chiêu Quân, quan hệ với Hán tốt. Địa vị chính trị của Hung Nô trong trật tự thế giới của người Hán đã bị hạ từ "quốc gia anh em" xuống thành "ngoại thần".
Tranh của họa sĩ Nhật vẽ Chiêu Quân trước khi xuất giá lấy Thiền vu Hung Nô
Vương Chiêu Quân, yên chi của Thiền vu Hung Nô
Tranh vẽ Chiêu Quân rời khỏi Trung nguyên, sang Hung Nô
b. Với các quốc gia lân bang
Ngoài chiến tranh với Hung Nô, quân Hán chinh phục nước Nam Việt (tức nước Âu Lạc cũ) của con cháu Triệu Đà năm 111 TCN. Năm 108 TCN, quân Tây Hán đánh bại họ Vệ, diệt nước Cổ Triều Tiên để mở đường thông thương sang Nhật bản
C. Triều Tân (8 - 23)
1. Khởi nghĩa nông dân và sự thành lập triều Tân
Cuối thời Tây Hán, tình trạng nông dân mất ruộng ngày càng tăng và dân lưu tán diễn ra rất nghiêm trọng. Ở đồng bằng Hoa Bắc, có năm tại nơi này có tới 2 triệu dân phải lưu tán khắp nơi. Cũng tại Hoa Bắc thì dân chết đói rất nhiều, thây nằm đầy đường mà không có người chôn cất. Cuối thế kỷ I TCN, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra ở Hà Nam, Tứ Xuyên và Sơn Đông. Quân khởi nghĩa tiến đánh và phá hoại huyện đường, cướp thóc gạo chia cho nông dân; cuối cùng đều bị dập tắt. Một số quý tộc Hán thức thời, muốn cải cách đất nước - điển hình là Vương Mãng
Vương Mãng sinh năm 45 TCN, cháu gọi Vương Thái hậu bằng cô. Lợi dụng triều đình Trường An quá suy yếu, Vương Mãng quyết định phế truất vua cuối cùng là Hán Nhụ tử và cướp ngôi Hoàng đế, đổi quốc hiệu là Tân. Ông ta lập con trai là Vương Lâm làm Thái tử.
2. Cải cách Vương Mãng
Với mục đích xoa dịu tình hình và củng cố quyền thống trị của mình, vào năm 9 thì Vương Mãng tiến hành chính sách cải cách, gồm các nội dung sau:
- Tuyên bố tất cả ruộng đất trên cả nước đều thuộc quyền sở hữu của vua, gọi là "vương điền"; nô tì thì gọi là "tư thuộc". Nhà nước cấm không mua bán ruộng đất và nô tì. Gia đình có 8 người đàn ông thì không được sở hữu trên 900 mẫu thì phải đem ruộng chia cho họ hàng và làng xóm. Những người không có ruộng đất, mỗi đinh nam nhận 100 mẫu. Chủ trương chia ruộng này của ông lập tức bị bọn địa chủ phản đối, tình hình tư hữu vẫn như cũ. Cải cách của ông về nô tì không giải quyết được tình cảnh nô tì, khiến số lượng nô tì lúc này còn tăng lên tới mấy vạn người
- Vương Mãng độc quyền muối và rượu, tiền tệ. Ông cấm nhân dân không được dùng tiền riêng mà phải dùng tiền đúc của nhà nước, bãi bỏ tiền ngũ thù. Ông xuống chiếu thi hành "Ngũ quân lục quản", tại những thành lớn như Trường An, Lạc Dương, Hàm Đan, Lâm Tri, Uyển thành, Thành Đô… có một tổ chức gọi là Ngũ quân ty thị sư để quản lý thị trường. Vào giữa mỗi quý sẽ có quan Ty thị vật giá đi bình xét ở địa phương, gọi là "thị bình". Nếu vật giá cao hơn "thị bình" quan Ty thị sẽ bán ra theo giá thị bình; nếu vật giá thấp hơn thị bình thì dân chúng được phép mua bán tự do. Những mặt hàng nhu yếu phẩm như ngũ cốc, vải vóc nếu bị ế ẩm thì Ty thị sẽ mua theo giá vốn.
- Thuế thu nhập thu theo công thức "thập nhất" (1/10) đối với người tự do kiếm sống như kinh doanh công thương, kiếm bắt hái lượm trong rừng, săn bắt cá, bói toán, chữa bệnh, chăn tằm… Ai cố ý giấu giếm không khai báo sản phẩm kiếm được sẽ bị phạt làm lao động khổ sai 1 năm. Đối với ruộng đất chưa khai phá, chưa có sản phẩm thì cứ 3 người phải đóng thuế 1 người.
- Thay đổi chế độ quan lại, đặt lại tên đất. Theo đó, ông cho đổi tên địa phương theo ý thích, ra lệnh điều chỉnh khu vực hành chính và chức năng quyền hạn của các đơn vị hành chính. Mặc dù mỗi lần thay đổi là tạo ra nhiều rắc rối, nhưng Vương Mãng vẫn tiếp tục thay đổi nhiều lần. Có quận trong vòng 1 năm đổi tên tới 5 lần, cuối cùng lại dùng tên cũ ban đầu
* Về đối ngoại, Vương Mãng gây chiến tranh với các nước láng giềng. Ông ta gây oán với Câu Ninh vương ở Tây nam, tiến đánh đất Ba Thục, tại những nơi có khí hậu khắc nghiệt quân sĩ 10 phần bị bệnh dịch chết đến 6 phần.
Với người Khương phía tây, Vương Mãng hạ chức vương của hơn 30 nước, uy hiếp bắt họ phải hiến nộp vùng đất quanh hồ Thanh Hải để lập quận mới và di dân đến đó. Vì sự thành lập quận Tây Hải, Vương Mãng đã gây ra sự bất mãn của những người phải đến đó. Vua nước Câu Dĩnh bị giáng chức bất mãn liền mang quân đánh nhà Tân, các tộc xung quanh hùa theo, đều phản Tân.
Đối với các dân tộc phía đông bắc, Vương Mãng bắt nước Cao Câu Ly đánh các tộc khác ở Liêu Tây nhưng bị từ chối. Ông ta sai người sang lừa giết vua Cao Câu Ly là Yuri (19 TCN - 18), đổi tên nước là Hạ Câu Ly
Với người Hung Nô chưa gây chiến với triều đại mới, Vương Mãng tự ý đổi danh hiệu Thiền vu và chia Hung Nô thành 15 nước, đem vàng bạc để gọi hậu duệ của Hồ Hàn Gia ra cướp ngôi vua Hung Nô. Vương Mãng cho quân tướng ra đánh, nhưng quân đội không muốn đánh mà lại cướp bóc của dân => điều này khiến nhân dân căm phẫn
Bản đồ Trung Hoa thời nhà Tân (vùng gạch chéo là nơi của khởi nghĩa nông dân)
3. Khởi nghĩa nông dân và triều Tân bị lật đổ (22 - 27)
Cải cách của Vương Mãng thất bại, khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Năm 15 diễn ra khởi nghĩa của Lã mẫu và Qua Điền
Năm 17, miền trung Hồ Bắc bị hạn hán, nhân dân bèn kéo nhau đi tới núi Lục Lâm chuẩn bị khởi nghĩa; lãnh đạo là Vương Khuông và Vương Phượng. Về sau, bọn địa chủ Hán thất thế là Lưu Diễn, Lưu Tú cùng Lưu Huyền tập hợp mấy nghìn người gia nhập nghĩa quân Lục Lâm với mưu đồ lợi dụng quân khởi nghĩa để cướp lại chính quyền. Tháng 6/23, quân Lục Lâm đại thắng trận Côn Dương, sau đó chia quân đánh chiếm được thành Lạc Dương, phong Lưu Huyền làm Hoàng đế với hiệu là Hán Canh Thủy đế (23 - 25). Đến tháng 9/23, quân khởi nghĩa Lục Lâm tấn công mạnh vào thành Trường An. Cùng lúc đó, quân của Quỳ Ngao tiến công thành này ở phía tây. Đến đầu tháng 10/23, nhân dân Trường An nổi dậy khởi nghĩa và phối hợp với nghĩa quân Lục Lâm bao vây Trường An. Trong lúc lộn xộn ở Trường An, Vương Mãng bị giết chết (6/10/23). Sau đó, nội bộ quân Lục Lâm bất hòa, đánh nhau.
4. Khởi nghĩa Lục Lâm - Xích Mi và sự hình thành triều Đông Hán
Trong khi nghĩa quân Lục Lâm đang tấn công quân Vương Mãng ở Trường An thì ở Sơn Đông, Phàn Sùng lãnh đạo quân khởi nghĩa ở Thái Sơn (Sơn Đông). Nghĩa quân bôi lông mày đỏ làm hiệu, nên gọi là quân Xích Mi (lông mày đỏ). Nghĩa quân Xích Mi kỷ luật nghiêm và hô khẩu hiệu "giết người phải đền mạng, làm bị thương phải bồi thường". Sau khi đánh bại hơn 10 vạn quân Vương Mãng ở Sơn Đông, nghĩa quân Xích Mi tiến đến Hà Nam. Khi nghe tin Lục Lâm chiếm được Trường An, quân Xích Mi thấy không cần đánh nhau nữa. Phàn Sùng phải thuyết phục mãi nên họ đồng ý tiến vào Trường An. Gần tới Trường An, những tướng lĩnh Xích Mi được nghĩa quân Lục Lâm đón vào thành. Vua Canh Thủy đế ở Trường An sau đó đã phong hầu cho các tướng lĩnh nghĩa quân Xích Mi. Năm 23, Canh Thủy đế cử Lưu Tú ra Hà Bắc để phát triển lực lượng
Năm 25, lực lượng nghĩa quân Xích Mi phát triển đến 35 vạn. Sau khi lật đổ vua Canh Thủy đế, họ dùng phương pháp bốc thăm để đưa Lưu Bồn Tử lên ngôi, hiệu là Hán Kiến Thế đế (25 - 27). Trong cùng năm 25, Kiến Thế đế tiếp quản Trường An. Nhưng nghĩa quân nông dân không có kinh nghiệm quản lý Trường An, liên tục bị quân của địa chủ Hán chống phá nên buộc phải rút khỏi Trường An
Nghĩa quân Xích Mi đánh vào Trường An, lật đổ Canh Thủy đế
Sau khi nghĩa quân Xích Mi rút khởi Trường An năm 25, lực lượng của Lưu Tú đã phong ông ta là Hoàng đế - hiệu Quang Vũ đế rồi tiến nhanh xuống và nhanh chóng hạ thành Lạc Dương. Nghe tin quân Xích Mi tiến sang phía đông, Quang Vũ đế đem 20 vạn quân, rồi cử vài quân lính làm quân Xích Mi để nhử nghĩa quân vào trận địa ở Hoa Am. Bị bao vây, quân Xích Mi đã phải hạ vũ khí. Năm 27, nghĩa quân Xích Mi trên đường tiến sang phía đông đã bị quân của Quang Vũ đế bao vây ở Nghi Dương. Lưu Tú cho triệu tập các thủ lĩnh đến, nói rằng: “Trẫm không ép các ngươi phải đầu hàng. Ai không phục thì lĩnh quân quyết chiến với trẫm một trận nữa”. Các thủ lĩnh đều dập đầu thuận lòng quy phục. Quang Vũ đế cho hàng, tha tất cả không giết. Kiến Thế đế được tha, làm lang trung của anh vua Hán, rồi ít lâu sau thì qua đời
Hán Kiến Thế đế (Lưu Bồn Tử), cháu 11 đời của Hán Cao tổ
D. Triều Đông Hán (25 - 220)
Năm 25 TCN, Lưu Tú chính thức lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Hán Quang Vũ đế. Ông đóng đô ở Lạc Dương (phía đông thành Trường An) nên tên triều đại là Đông Hán.
1. Tình hình chính trị
a. Quang Vũ trung hưng (25 - 57)
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, ông tập trung lực lương tiến đánh 11 nước chư hầu không chịu thần phục Lạc Dương. Năm 26, quân Đông Hán đánh bại Lưu Vĩnh, sau đó dùng mưu giết hại phản tướng Bành Sủng ở nước Yên. Ở mặt trận phía đông, Hoàng đế sai tướng tấn công Lưu Hu và Đổng Hiến. Lưu Hu bị giết, Đổng Hiến về sau bị đánh bại và chết trên đường chạy trốn. Năm 28 - 29, quân Đông Hán tiến về phía nam, liên tiếp đánh tan quân của Lý Hiến, Tần Phong và Điền Nhung, buộc Đậu Dung phải ra hàng. Do địa bàn của Lư Phương khá xa, quân Đông Hán đánh dẹp được Quỳ Ngao (năm 30) và Công Tôn Thuật (năm 35). Lư Phương bị quân Đông Hán vây ép nên phải bỏ trốn sang Hung Nô.
Vừa thống nhất quốc gia, Quang Vũ đế sai tướng Mã Viện đem quân đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở đất Âu Lạc cũ. Sang năm 43, sau nhiều trận thắng, Mã Viện dẹp được phong trào khởi nghĩa tại đây. Sau khi chị em Trưng Vương hi sinh, tới cuối năm 43 thì các lực lượng nghĩa quân Hai Bà Trưng bị dẹp hẳn.Tuy nhiên quân Hán khi về nước chỉ còn khoảng 1 vạn so với 2 vạn lúc xuất phát.
Năm 26, Quang Vũ đế tiến hành cải cách bộ máy chính quyền. Ông thành lập Thượng thư đài gồm 6 người phụ trách đại sự quốc gia để làm suy yếu hơn nữa quyền hạn của tam công, tức Thái úy, Tư đồ và Tư không. Trong tam công, Tư mã coi toàn bộ quân đội, thường lấn áp hai vị tư kia.
Lưu Tú đề xướng việc "tiết kiệm, giảm quan, bớt chức", bãi bỏ quân vũ trang địa phương cho về quê làm ruộng. Ông còn giảm bớt chức quận đô uý, tăng trách nhiệm cho thái thú. Ông thu gọn bộ máy chính quyền từ huyện, ấp, đạo, chỉ giữ lại 1/4 trong số đó. Vì vậy số quan lại hưởng lương chỉ bằng 1/10 thời Tây Hán. Binh lính tại các quận, huyện cũng được cho giải tán bớt về quê để bớt khẩu phần ăn theo; các vùng biên ải cũng không tuyển thêm quân.
Nhà nước phế bỏ quan nô những chủ nô lệ nếu cố chấp không chịu phóng thích nô tỳ sẽ bị trừng trị theo luật mại nhân pháp và lược nhân pháp của Tây Hán, ban bố 3 sắc lệnh quy định trong thiên hạ người là quý nhất giết nô tỳ phải chịu tội chết, người tra tấn nô tỳ sẽ bị xử phạt theo pháp luật, miễn cho người đang bị tội chết làm thứ dân; sáp nhập huyện để bớt quan lại, hệ thống quan lại hành chính cũng được tổ chức lại, chỉ có những ai đã học thái học (trường quốc học) mới được bổ nhiệm làm quan, bộ máy chính quyền thu gọn lại 1/4, số quan lại lương chỉ bằng 1/10 của Tây Hán.
Quang Vũ đế hạ chiếu phong cho công thần, người có công lớn được phong đất tới 4 huyện. Riêng Lý Thông và Cổ Hạ được phong đất tới 6 huyện. Việc phong thần được tiến hành 3 lần vào năm 26, năm 37 và cuối đời Quang Vũ. Số người được phong hầu trong vương thất là 125 người, trong các công thần là 365 người. Các công thần được phong tước hưởng lộc ở các huyện, các quan lại ăn lương từ 600 – 2000 thạch đều do Thượng thư đài xem xét. Lưu Tú cho rằng nếu để các công thần tham gia triều chính, sẽ vừa ảnh hưởng đến chính sách cai trị thiên hạ bằng nhu đạo của ông, vừa ảnh hưởng đến hình luật quốc gia. Ông cũng luôn nhắc các công thần phải luôn tuân thủ luật pháp, giữ mình như ngày đầu để bảo vệ công danh của mình
b. Minh - Chương chi trị
Nhà Đông Hán dưới Triều đại của Hán Minh Đế (57 - 75), Hán Chương Đế (75 - 88) tiếp tục đạt tới thời kỳ thịnh vượng, thời kỳ này được gọi là Minh Chương chi trị (明章之治).
Thời Minh đế lên cầm quyền, ông tìm cách hạn chế quyền lực của quý tộc và ngoại thích. Sau khi Lưu Trang kế vị, xây dựng Vân Đài nhị thập bát tướng, mà không đem cha vợ là Mã Viện đưa vào danh sách tranh vẽ. Đối với các đại thần mà nói, điều này chứng tỏ Lưu Trang muốn phát tín hiệu, tiếp tục kiềm chế ngoại thích. Nhà vua cũng ra sức đại xá thiên hạ, lôi kéo các lão thần và anh em ủng hộ mình. Với những kẻ âm mưu thoán ngôi, nhà vua đàn áp: biết được Quảng Lăng vương Kinh âm mưu cướp ngôi, vua bắt đi đày. Về sau Quảng Lăng vương không chịu tế tự nên bị quan lại Hán bức phải tự sát. Nghi ngờ Sở vương Lưu Anh làm phản, vua Hán bắt đi đày làm Sở vương phải tự vẫn. Trong cung, người cháu của mẹ mình là Âm Phong mưu phản, bị Minh đế xử tử.
Chương đế Lưu Đát tiếp tục chính sách cai trị của cha, nên thế nước càng cường thịnh. Cuối thời Chương đế, vợ của ông là Đậu hoàng hậu ra sức tăng cường thế lực dòng họ Đậu (竇), áp chế các quyền thần trong triều.
c. Hậu cung và ngoại thích chuyên quyền
Hán Hoa đế Lưu Triệu lên ngôi (88 - 105). Đậu hoàng hậu trở thành Đậu thái hậu, nắm quyền nhiếp chính trong nhiều năm. Anh trai của bà ta là Đậu Hiến nhiều lần đánh thắng Hung Nô nên sinh kiêu ngạo và coi thường Hoàng đế. Năm 92, Hán Hòa Đế dựa vào hoạn quan ra tay dẹp bỏ ngoại thích họ Đậu, giết chết Đậu Hiến, giam lỏng Đậu Thái hậu.
Trong cung, Hòa đế sủng ái quý nhân Đặng Tuy và lập bà làm Hoàng hậu. Vì quá thương yêu bà, ông cho bà can thiệp triều chính. Đặng hoàng hậu là người uyên bác, hiểu lễ nghĩa, không can thiệp quá sâu như Đậu hoàng hậu lúc trước. Hòa đế qua đời, bà lập liên tiếp hai vua Đông Hán là Thương đế và An đế; cho anh mình là Đặng Chất làm tướng quân. Do quá lạm quyền, Đặng thái hậu bị vua Hán phế bỏ, cả dòng họ Đặng bị tuyệt diệt.
Năm 125, An đế mất; vợ ông là Diêm hoàng hậu làm binh biến mưu lật đổ quyền lực của hoạn quan, nhưng thất bại. Nhưng đến năm 132, Hán Thuận đế lấy vợ là Lương hoàng hậu, tạo điều kiện cho họ Lương lũng đoạn triều chính. Khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp, vua cho cháu của vợ mình là Lương Ký làm tướng quân đánh dẹp.
Về sau, Lương Ký lộng quyền, tự ý phế lập Hoàng đế Đông Hán để nắm toàn quyền trong triều đình. Ông ta lập Hán Xung đế, rồi Hán Chất đế. Biết vua mới là Chất đế rất thông minh và không vừa lòng mình, Lương Ký sai người giết Hoàng đế bằng thuốc độc. Lương Ký về sau ngày càng có thế lực lớn, nhà có nhiều nô tì.
Năm 159, Lương thái hậu chết. Hán Hoàn đế dựa vào hoạn quan nổi lên diệt trừ phe cánh của họ Lương. Từ đó hoạn quan được vua ban nhiều ruộng đất và phong tước hầu, dần tạo ra thế lực rất lớn. Cuối thời Hoàn đế, hoạn quan phát động hai đợt thanh trừng lớn, giết hại nhiều viên quan không cùng phe cánh. Lịch sử gọi sự kiện này là Họa đảng cố (黨锢之祸). Triều đình Đông Hán thời kỳ này trở nên vô cùng hủ bại, việc mua quan bán tước được định giá công khai
Năm 168, Hoàn đế băng hà; Trường Lạc thái hậu bèn đưa một đứa trẻ 12 tuổi ở nông thôn tên là Lưu Hoằng con của Giải độc đình hầu Lưu Trường, chút của Hán Chương Đế, lên ngôi hiệu là Hán Linh đế. Thời Linh đế, triều đình vì thiếu tiền nên cho buôn bán quan tước công khai: tước "hai nghìn thạch" là 20 triệu tiền, tước "công" giá 10 triệu tiền, tước "khanh" giá 5 triệu tiền. Thế lực hoạn quan dần lớn mạnh, đấu tranh kịch liệt với các nho sinh Khổng giáo - gây ra vụ "vạ đảng tranh", kéo dài đến hết thời Đông Hán
Năm 184, nông dân đứng lên khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa chít khăn vàng nên gọi là "Hoàng cân quân". Chính quyền Linh đế sau đó huy động quân đội và các thế lực quân phiệt nhanh chóng đánh bại nghĩa quân (sẽ nói kỹ ở phần sau). Tình hình loạn lạc khiến Hán Linh đế quyết định cho lập chức Châu mục vào năm 188. Các châu mục mau chóng có quyền hạn lớn, lực lượng độc lập, triều đình cũng nhanh chóng mất đi quyền chỉ huy khống chế các địa phương, tình trạng quần hùng cát cứ đã manh nha xuất hiện.
Năm 189, Hán Linh đế qua đời. Con trai của Hà hoàng hậu là Lưu Biện lên kế vị, tức Hán Thiếu Đế; Hà hoàng hậu lên nhiếp chính, hiệu là Hà thái hậu. Anh trai của Hà thái hậu là Hà Tiến mưu tính diệt hoạn quan, nhưng việc chưa thành thì bị hoạn quan giết chết. Thủ hạ của Hà Tiến là Viên Thiệu vào cung diệt hết các hoạn quan; về sau ông này bị Đổng Trác đánh đuổi đi. Đổng Trác phế bỏ Thiếu đế; lập Hán Hiến đế lên ngôi năm 189. Năm 192, Đổng Trác bị Lữ Bố sát hại, triều Đông Hán chính thức rơi vào hỗn loạn giữa các thế lực quân phiệt: Tào Tháo (曹操) ở Duyện Châu; Viên Thiệu ở Hà Bắc; Viên Thuật (袁術) ở Hoài Nam; Tôn Sách (孙策) ở Giang Đông; Lưu Biểu (孫策) ở Kinh Châu và Lưu Yên (劉焉) ở Ích Châu. Trong số này, Tào Tháo mạnh nhất lần lượt khống chế các thế lực quân phiệt khác - đánh tan nát Viên Thiệu ở Quan Độ (200), dần được vua Hiến đế phong là Thừa tướng
Tào Tháo tiến đánh Giang Đông, bị bị liên minh Lưu - Tôn của Lưu Bị (劉備) và Tôn Quyền (孫權) đánh bại ở trận Xích Bích nên phải rút về bắc. Năm 220, Tào Tháo qua đời, con của ông là Tào Phi (曹丕) đã phế bỏ Hán Hiến Đế, hơn 400 năm cai trị của nhà Hán chấm dứt.
2. Kinh tế và xã hội thời Đông Hán
* Kinh tế:
- Nông nghiệp: đầu thời Đông Hán, chiến tranh loạn lạc làm ruộng bỏ hoang rất nhiều. Vì vậy, các vua đầu thời Đông Hán cho phép quân sĩ và dân nghèo đi khai hoang; giảm tô thuế. Các Hoàng đế cũng ban chiếu chỉ phân phát ruộng đất cho dân nghèo. Được sự khuyến khích về nông nghiệp của nhà nước, nông dân thời Đông Hán bắt đầu dùng phổ biến các kỹ thuật nông nghiệp: phân biệt chất đất, sử dụng phổ biến trâu bò trong cày cấy. Công tác thủy lợi được tiến hành rất tích cực: đào kênh Tán Cừ thông với Hoàng Hà và đắp con đê sông Hoàng Hà dài 1.000 dặm (khoảng 500km); đào kinh Hồ ở Cối Kê dài 300 dặm (khoảng 150km) tưới cho hơn 9.000 khoảnh ruộng (trên 5 vạn ha). Nhưng đến cuối thời Đông Hán, thủy lợi không sửa sang nên mất mùa trong nhiều năm
- Thủ công nghiệp có tiến bộ mới. Người dân biết dùng quạt thổi lửa chạy bằng sức nước để luyện sắt (ở Sơn Dương), dùng bếp lửa để nấu muối (ở Tứ Xuyên), nghề kéo sợi dệt vải ngày càng tinh xảo. Năm 105, hoạn quan Thái Luân phát minh ra giấy viết; từ đó giấy được phổ biến rộng rãi
- Thương nghiệp phát triển thịnh vượng. Kinh đô Lạc Dương trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa lớn. Ngoài các thành thị cũ thời Tây Hán, chính quyền Lạc Dương mở một số cảng thị ở miền nam Trung Quốc như Phiên Ngung, Nam Hải, Từ Văn và Hợp Phố. Thương nhân Đông Hán nhờ mua ruộng và cho vay nặng lãi nên ngày càng giàu có
* Xã hội:
- Bọn địa chủ chiếm nhiều ruộng đất với tốc độ chóng mặt. Ngoại thích Lương Ký chiếm hơn 1.000 dặm ở tây Hà Nam để nuôi cầm thú, bắt mấy nghìn người dân làm tùy thuộc cho hắn; khi hắn thất thế thì tài sản của Ký mà triều đình thu về lên tới 4 tỷ tiền, tức bằng một nửa số tiền thuế của nhân dân toàn quốc nộp cho chính quyền Lạc Dương trong một năm. Hoạn quan Hầu Lãm chiếm 118 khoảnh ruộng của dân, cùng 318 ngôi nhà trong một quận; anh của Hầu Lãm vơ vét của cải đến nỗi chở đầy đến 300 xe. Cậu của vua Quang Vũ đế là Phàn Trọng chiếm trên 300 khoảnh ruộng và một cái đầm dài 10 dặm, rộng 5 dặm ở Nam Dương.... Trên số ruộng đất rất lớn vừa chiếm được, đại địa chủ lập ra các điền trang ở Hà Bắc, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Hà Nam, Hồ Bắc. Kinh tế trong điền trang là tự túc; các nông dân mất ruộng trở thành lực lượng lao động chính trong điền trang. Ngoài ra, có nô tì làm việc ở các xưởng thủ công và làm trong nhà. Sản phẩm của điền trang thì dùng tại chỗ một phần, một phần thì bán ra ngoài. Trong điền trang, bọn địa chủ lập đội quân để bảo vệ. Chủ điền trang có thể khai man ruộng đất để trốn thuế, có khi dùng vũ lực chống lại quan lại của chính quyền đi kiểm tra.
- Nông dân ngày càng nghèo khổ do bị địa chủ cướp đoạt ruộng đất ngày càng nhiều, phần thì phải đóng góp cho chiến tranh giữa Đông Hán với Tây Khương. Từ đời An đế đến hết thời Linh đế, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra, nhưng tất cả đều bị dập tắt. Năm 184, các cuộc khởi nghĩa nông dân tụ chung thành cuộc đấu tranh lớn - khởi nghĩa Hoàng cân quân (khăn vàng)
3. Khởi nghĩa Khăn vàng và sự kết thúc vương triều Đông Hán
a. Nguyên nhân bùng nổ:
- Cuối thời Đông Hán, vua Linh đế buông lỏng kỷ cương. Nghe lời các hoạn quan, Linh đế tăng thuế khóa thêm 10 đồng trên mỗi mẫu ruộng khiến nhân dân phải đóng góp thêm nặng nề, nhằm có thêm tiền xây cất cung điện.
- Hoàng tộc và quan lại ăn chơi xa xỉ. Hán Linh đế ăn tiêu hoang phí, cho áp dụng chính sách mua bán quan chức: chức Tam công bán 10 triệu, tước hầu bán 5 triệu. Những người sau khi bỏ nhiều tiền ra mua chức tước lại càng vơ vét của dân làm giàu
b. Thủ lĩnh nghĩa quân
Trương Giác là người huyện Cự Lộc, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, đã từng đỗ tú tài. Trương Giác cùng hai người em là Trương Bảo và Trương Lương dùng phương thức ma thuật hoặc thuật thôi miên, vẽ bùa niệm chú chữa bệnh cứu người, lấy được lòng tin của nhiều người trong thiên hạ. Sau hơn 10 năm hoạt động, đạo Thái Bình (tên gọi khác của Đạo giáo) phát triển mạnh mẽ, số tín đồ lên đến 36 vạn người. Hồi đó bệnh dịch hoành hành, Trương Giác vừa truyền đạo vừa làm khẩu hiệu: «Trời Xanh [tức nhà Hán] đã chết, Trời Vàng phải lập, vào năm Giáp Tý, thiên hạ thái bình.» (Thương Thiên dĩ tử, Hoàng Thiên đương lập, tuế tại Giáp Tý, thiên hạ thái bình. Sau đó ông sai đệ tử dùng đất sét trắng viết chữ Giáp Tý trên các cổng thành, trên tường vách khắp các phủ, huyện, quận, châu. Trương Giác chọn ngày 5 tháng 3 năm Giáp Tý (năm 184) để khởi nghĩa.
Nhưng khi Trương Giác chưa kịp khởi sự thì một đệ tử là Đường Chu phản lại ông, bí mật tố giác với triều đình nhà Hán. Nhờ sự tố cáo của Đường Chu, Đại tướng quân Hà Tiến sai quân bắt người phụ trách các đệ tử của Trương Giác tại Lạc Dương là Mã Nguyên Nghĩa mang xé xác. Hoạn quan Phong Tư và Từ Phụng cũng lập tức bị bắt bỏ ngục. Đồng thời, hơn 1000 đệ tử của Trương Giác ở kinh thành bị bắt giam và giết chết
c. Diễn biến khởi nghĩa
Tháng 2/184, cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Trương Giác tự xưng là Thiên công tướng quân, Trương Bảo tự xưng là Địa công tướng quân, Trương Lương tự xưng là Nhân công tướng quân. Tất cả các giáo chúng đều chít khăn vàng trên đầu, vì vậy lực lượng này được gọi là quân Khăn Vàng. Quân Khăn Vàng đồng loạt nổi lên tấn công vào các thôn trang, gặp nha môn là đốt phá. Chỉ trong không đầy 10 ngày, người trong thiên hạ hưởng ứng rất nhiều, kinh đô Lạc Dương chấn động.
Chính phủ Đông Hán hoảng hốt, cử 3 tướng là Lư Thực, Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn đi đánh dẹp Trương Giác. Lúc đầu quân triều đình bối rối, về sau chúng liên hiệp với lực lượng của đại địa chủ cùng tấn công nghĩa quân. Riêng Hoàng Phủ Tung đã giết hơn 20 vạn nông dân; ở trận Hạ Khúc Dương (huyện Tấn, Hà Bắc), hắn giết hơn 10 vạn nông dân. Giữa lúc cuộc chiến không cân sức, Trương Giác bất ngờ qua đời và em là Trương Lương lên thay quyền lãnh đạo. Bị quân triều đình phản công mạnh mẽ, hai em của Trương Giác đều hi sinh và quân Khăn vàng thiệt hại nặng nề. Tháng 11/184, chủ lực quân Khăn vàng bị đánh bại hoàn toàn. Ở các nơi khác như Sơn Đông, Hà Nam, Tứ Xuyên... nghĩa quân tiến tục kháng chiến, cho đến khi Đông Hán diệt vong
d. Triều Đông Hán sụp đổ
Mặc dù đàn áp được khởi nghĩa Khăn vàng, nhưng triều đình không thể thống trị nhân dân được nữa. Vua Hiến đế của Đông Hán được các thế lực quân phiệt miền Bắc duy trì để làm công cụ thống trị nhân dân thêm vài chục năm nữa. Lợi dụng tình hình này, bọn quan lại và chủ điền trang tập hợp lực lượng đánh lẫn nhau. Lực lượng của Tào Tháo mạnh nhất và khống chế hoàn toàn Lạc Dương. Sau khi Tào Tháo mất, con trai ông ta là Tào Phi buộc vua Hán Hiến đế "thiên nhượng" cho mình. Triều Đông Hán diệt vong
Hướng tiến công của quân khởi nghĩa Khăn vàng
Trương Giác lãnh đạo quân khởi nghĩa
Trương Giác phất cờ khởi nghĩa
Quân Khăn vàng hành quân tiến đánh quân triều đình Lạc Dương.
Quân Khăn vàng tiến vào cổng thành Lạc Dương
Quân Khăn vàng chiến đấu chống quân Đông Hán
3. Đối ngoại: giống như triều Tây Hán và Tân, Đông Hán ra sức mở rộng bờ cõi ra bên ngoài.
* Với Hung Nô: sau các cuộc chiến tranh với quân Tây Hán, Hung Nô dần dần suy yếu. Giữa thế kỷ I, Hung Nô gặp thiên tai và nội bộ giai cấp thống trị tranh chấp lẫn nhau nên bị chia thành Bắc Hung Nô và Nam Hung Nô. Nam Hung Nô suy yếu hơn nên sớm đầu hàng Đông Hán; lúc này các vua Đông Hán dồn sức đánh quân Bắc Hung Nô. Năm 73, quân Đông Hán của tướng Đậu Cổ nhanh chóng đánh tan Bắc Hung Nô ở tây bắc. Năm 89 và 91, tướng Đậu Hiến của Đông Hán hai lần đánh bại Hung Nô. Từ đó, Bắc Hung Nô di cư sang Trung Á và châu Âu
* Với Tây Vực: sau khi lên cầm quyền, các vua Đông Hán phải Ban Siêu sang các nước Tây Vực để lôi kéo các nước này chống Bắc Hung Nô. Năm 73, Ban Siêu đi sứ sang Tây Vực. Ông giúp các nước Tây Vực ổn định nội trị, đồng thời giúp các nước thoát khỏi sự khống chế của Hung Nô, nên được các nước này tin cậy. Trong gần 30 năm hoạt động, Ban Siêu làm cho hơn 50 nước ở Tây Vực có quan hệ mật thiết với Đông Hán.
Ban Siêu quẳng bút, quyết chí đi sứ Tây Vực\
Ban Siêu thâm nhập vào các nước Tây Vực.
* Với các vùng đất phía nam, giai cấp thống trị Đông Hán thẳng tay cướp bóc tàn bạo. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân và các dân tộc bị trị diễn ra chống lại bọn thống trị Đông Hán. Ở Giao Chỉ, mùa xuân năm 40 Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh. Trong một thời gian ngắn, nghĩa quân Hai Bà lấy lại được 4 quận ở Giao Chỉ là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố. Hai Bà Trưng nắm quyền được ba năm thì quân đội Đông Hán kéo sang chinh phục lại bốn quận này, buộc Âu Lạc cũ nội thuộc Đông Hán. Năm 107, người Khương ở Thanh Hải và Cam Túc phất cờ khởi nghĩa. Họ liên kết với các tộc người Khương khác đánh vào nội địa Trung Quốc. Chính phủ Đông Hán đem quân đàn áp, mất hơn 60 năm mới xong. Ngoài ra, người Dao ở Quý Châu và tây Hồ Nam cũng nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa chống lại Đông Hán
4. Tư tưởng và khoa học kỹ thuật
a. Tư tưởng
* Học thuyết Nho gia thời Hán: Sau khi được Hán Vũ đế độc tôn thành tư tưởng chính thống, Nho gia được phát triển thêm một bước mới. Ông đề ra thuyết "thiên nhân cảm ứng" - thuyết này cho rằng Trời là thủy tổ của muôn vật, con người là muôn vật cao quý nhất. Ông cũng khẳng định nếu vua làm nhiều việc tốt và nhân dân cầu khẩn thì trời sẽ cảm động mà thay đổi quyết định. Về đạo đức, Đổng Trọng Thư nhắc lại Tam cương (vua - tôi, cha - con, chồng - vợ), Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) và Lục kỉ (quan hệ ngang với cha, mẹ, anh em, họ hàng, thầy giáo, bạn bè). Đổng Trọng Thư ra biện pháp hạn chế sự phân biệt quá mức giàu - nghèo, hạn chế tư hữu và đề cao giáo dục
* Đạo giáo: trước thời Tây Hán có cúng tế quỷ thần, đồng bóng, bói toàn và nhất là tin tưởng vào thần tiên. Tương truyền ở ngoài biển khơi có ba ngọn núi tiên; ai đến đó gặp được tiên để xin thuốc trường sinh bất tử. Những hình thức mê tín, kết hợp học thuyết Đạo gia đã hình thành Đạo giáo sau này. Đạo sĩ Vu Cát sống vào thời Hán Thuận đế có viết sách Thái bình kinh (chủ yếu nói về phù phép, đồng bóng, ma quỷ. Đạo giáo phân thành hai phái:
+ Đạo Thái Bình. Người lãnh đạo là Trương Giác ở Hà Bắc. Đạo này một mặt tuyên truyền trường sinh bất tử; mặt khác tuyên truyền chủ nghĩa bình quân (ai cũng được làm, có làm thì mới có ăn). Chủ trương này phù hợp với nguyện vọng của dân nghèo, nên nhân dân hưởng ứng đông. Sau khởi nghĩa Khăn vàng thất bại, đạo này tan rã
Trương Đạo Lăng, người sáng lập ra đạo Năm đấu gao
+ Đạo Năm đấu gạo: Đạo này do Trương Đạo Lăng ở Tứ Xuyên thành lập vào năm 142. Đạo này có hai tên là đạo Năm đấu gạo (người tham gia phải nộp 5 đấu gạo), đạo Thiên sư (do người lãnh đạo được tôn làm Thiên sư); lấy sách của Lão Tử làm kinh điển. Đạo này thành lập chính quyền Trương Lỗ tồn tại 30 năm, về sau bị Tào Tháo đánh tan.
* Phật giáo thời Hán: Thế kỷ I TCN, Phật giáo được truyền vào Trung Quốc qua sự kiện sứ giả nước Đại Nhục chi là Y Tốn truyền miệng kinh Phật cho bác sĩ Tần Cảnh Hiến vào năm 2 TCN. Năm 67, vua Hán Minh đế cử phái đoàn do Thái Hâm dẫn đầu sang Tây Vực thỉnh kinh Phật. Trên đường đi, họ gặp hai nhà sư là Ca Diếp Ma Đằng, Trúc Pháp Lan thì bèn mời hai nhà sư về nước. Hoàng đế Đông Hán lệnh dựng chùa để hai sư dịch kinh Phật. Tín đồ Phật giáo đầu tiên là Sở vương Lưu Anh. Nhưng về sau, chính quyền cấm người dân xuất gia.
b. Khoa học kỹ thuật:
- Sử học: đầu tiên là bộ Sử ký Tư Mã Thiên; khái quát về mọi mặt của Trung Quốc từ thời Hoàng Đế đến Hán Vũ đế (sách đã có bản dịch). Tiếp theo là Tiền Hán thư của Ban Cố (kể từ Hán Cao tổ đến cuối thời Vương Mãng), Hậu Hán thư của Phạm Diệp (thế kỷ V)
Phạm Diệp dâng sách Hậu Hán thư cho Hoàng đế Lưu Tống (Nam triều) là Tống Văn đế
- Toán học: thời Tây Hán có bộ sách Chu bễ toán kinh; sách này ghi chép về lịch, thiên văn, hình học, số học (phân số, bình phương), sách này cũng nói quan hệ giữa ba cạnh trong tam giác vuông giống định lý Pythagore. Thời Đông Hán, tác phẩm Cửu chương toàn thuật gồm 9 chương (bốn phép tính; cách khai căn bậc 2 và bậc 3; phương trình bậc 1; số âm và số dương; tính diện tích các hình; thể tích hình khối; diện tích xung quanh và thể tích của hình cầu; quan hệ giữa ba cạnh trong tam giác vuông...)
- Thiên văn học: sách Tiền Hán thư chép rằng vào tháng 3 năm 28 TCN, "Mặt trời hiện ra màu vàng, có điểm đen lớn như cục sắt hiện ra giữa Mặt Trời" (phát hiện mới nhất về điểm đen của Mặt Trời). Năm 132, nhà khoa học Trương Hành (78 - 139) chế tạo ra máy đo động đất (địa động nghi) để đo chính xác động đất. Trương Hành phát hiện ra hiện tượng ngày đêm khi biết Trái Đất là khối cầu nên ông chế ra hỗn thiên nghi để xem thiên văn (khi mô hình này chuyển động thì các vì sao trên đó cũng di chuyển như tình hình thực tế ở bầu trời). Ông viết sách tên Linh hiến, sách này khẳng định vũ trụ là vô hạn; đồng thời khẳng định sự vận hành của Trái đất nhanh hay chậm là do cự li cách Trái Đất gần hay xa.
- Lịch pháp: Năm 104 TCN, Hán Vũ đế ban hành lịch Thái Sơ. Lịch này quy định tháng giêng âm lịch sẽ là tháng đầu năm mới. Lịch Thái Sơ chia một năm thành 24 tiết khí là: Lập xuân (4 tháng 2), Vũ thủy (19 tháng 2), Kinh trập (5 tháng 3), Xuân phân (21 tháng 3), Thanh minh (5 tháng 4), Cốc vũ (20 tháng 4), Lập hạ (6 tháng 5), Tiểu mãn (21 tháng 5), Mang chủng (6 tháng 6), Hạ chí (21 tháng 6), Tiểu thử (7 tháng 7), Đại thử (23 tháng 7), Lập thu (7 tháng 8), Xử thử (23 tháng 8), Bạch lộ (8 tháng 9), Thu phân (23 tháng 9), Hàn lộ (8 tháng 10), Sương giáng (23 tháng 10), Lập đông (7 tháng 11), Tiểu tuyết (22 tháng 11), Đại tuyết (7 tháng 12), Đông chí (22 tháng 12), Tiểu hàn (6 tháng 1), Đại hàn (21 tháng 1). Trong 24 tiết khí này lại có 12 tiết trung khí (Vũ thủy, Xuân phân, Cốc vũ, Hạ chí, Tiểu mãn, Đại thử, Xử thử, Thu phân, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đông chí, Đại hàn), còn là 12 tiết khí. Thường thì mỗi tháng có một trung khí, tháng nào không có trung khí thì thành tháng nhuận.
- Y học: có Hoa Đà cuối thời Đông Hán (145 - 208). Ông giỏi khoa nội, khoa ngoại, phụ, nhi và châm cứu. Hoa Đà phát minh ra phương pháp dùng rượu gây mê. Ông chủ trương soạn ra Ngũ Cầm Hí (五禽戲), tập luyện dựa theo động tác của năm loài vật: hổ, hươu, gấu, khỉ và chim
- Phát minh ra giấy viết. Năm 105, hoạn quan Thái Luân chế tạo ra giấy. Sách Hậu Hán thư chép: "Từ xưa người ta đã dùng thanh tre để viết, được cột lại với nhau. Cũng có một loại giấy làm từ phế phẩm của tơ lụa. Nhưng tơ lụa quá đắt còn các thanh tre thì quá nặng nên không sử dụng thích hợp. Vì thế Thái Luân (蔡倫) nghĩ ra kế làm giấy từ các vỏ thân cây, sợi thân cây, từ cây gai dầu cũng như từ vải và lưới đánh cá cũ. Năm Nguyên Hưng thứ nhất (105) ông tâu lên Hoàng thượng và được ngài khen thưởng cho tài năng của ông. Từ đấy giấy trở nên thông dụng và trong cả vương quốc mọi người đều gọi đó là giấy của quý nhân Thái".
Cách sáng chế ra giấy của Thái Luân
Last edited: