“Dòng sông nhỏ” thứ hai đi qua đời Trịnh Công Sơn là người con gái mà anh đã viết trong những dòng “Hồi ức” là: “ Một người con gái rất mong manh, di qua những hàng cây long não lá li ti xanh muối đổ đến trường”. Đó chính là Diễm – Diễm của “Diễm Xưa”.
Thời gian học ở trường Providence, chàng trai tài hoa Trịnh Công Sơn đã yêu con gái của người thầy dạy văn. Mối tình học trò đã kéo dài từ khi Trịnh Công Sơn còn ở Huế cho đến khi vào Sài Gòn trọ học. Tuy vậy, gia đình Diễm lại không muốn gửi con gái của mình cho một người lãng tử sống kiếp “túi thơ – bầu rượu”. Đây là quãng thời gian mà Trịnh Công Sơn đau khổ nhất: “ Tôi nén mọi sự khổ đau trong im lặng. Sự đau khổ và nhớ nhung dày vò tôi từng đêm, tôi viết “Diễm Xưa” để trút bỏ nỗi đau khổ trong lòng”. Những nỗi nhớ khắc khoải vẫn đeo đuổi Trịnh, rút lòng anh thành tình khúc “Diễm Xưa” nổi tiếng sau này. Anh gửi vào từng nốt nhạc những cảm xúc vừa như nhơ thương lại vừa như đớn đau, nhớ tiếc – vừa như mong mỏi lại vừa như nuối tiếc xót xa: “ Chiều nay còn mưa. Sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi, Làm sao có nhau…?” Trong thẳm sau trái tim người nghệ sỹ lãng du gọi lên một tiếng thở của “xướng ca vô loài”. “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” – Nó trở thành một lời tình bất hủ.
Sau này, trong một dịp trở lại Sài Gòn, Trịnh Công Sơn đã tìm đến nơi ở của Diễm, gửi tặng nàng bản nhạc làm kỷ niệm. Khi Trịnh vừa đi một quãng thì nghe tiếng Diễm gọi “Anh Sơn, Anh Sơn” nhưng anh không ngoái lại và tự nhủ phải quên “Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy chính là Diễm của những ngày xưa”. Những nỗi nhớ trong lòng một chút mong mannh như sương như khói và anh lắng lòng mình vào lẵng du:
“Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du”.
Sau Diễm của ngày xưa, tâm hồn Trịnh Công Sơn chưa có ý định dừng ở bất cứ nơi nào. Dường như anh yêu rất nhiều, yêu tất cả, yêu bằng tất cả rung động – nhưng anh là một người nghệ sỹ lãng du. Có một vài người bước vào cuộc đời Trịnh Công Sơn nhưng không ai dừng lại lâu. Có lẽ họ nhận ra anh không thuộc về mình họ, tình yêu của anh là tình yêu của tất cả tình yêu.
Vào năm 1983, một phụ nữ có tên là C.N.N sinh năm 1944 từ Paris về Việt Nam dự định tổ chức lễ cưới với Trịnh Công Sơn nhưng không thành. Rồi Á hậu báo Tiền Phong – Vân Anh – người con gái mà trong lần gặp gỡ đầu tiên Trịnh Công Sơn đã phải thốt lên “Đẹp quá”. Họ đã chuẩn bị cho hôn lễ - nhưng phút cuối cùng, Trịnh Công Sơn lại từ chối hạnh phúc của chính mình. Không một lời thanh minh, không một lời biện hộ, anh lặng lẽ - dường như anh còn do dự - do dự vì chưa hiểu hết chữ “Tình”. Trịnh Công Sơn đã cho tình yêu và đã yêu nhưng không nhận hạnh phúc cho mình – dường như anh hiểu rằng mình sinh ra là kiếp lãng tử “xướng ca vô loài”.
Trong đoạn cuối cuộc đời, niềm đam mê lớn nhất Trịnh Công Sơn dành hết cho ca sĩ Hồng Nhung, theo anh là “một người gần gũi quá, không biết gọi là ai!”. Hồng Nhung đến bên đời Trịnh, mang cho anh một sức sống mới, cảm hứng mới để anh viết lên những: “ Bống Bồng ơi”, “Thủa bống là người”… tặng riêng cho Bống của lòng mình. Ca sĩ Hồng Nhung kể: “Lần đầu tiên…người đàn ông nhỏ bé hồn nhiên bước qua cái cổng sắt lớn, bước vào đời tôi, anh đội chiếc mũ bạc màu…Vừa đi vừa đá nhẹ mấy hòn sỏi dưới chân”. Hồng Nhung đến mang cho đời Trịnh Công Sơn một ánh nắng vàng, một cơn mưa lạ từ cõi vu vơ:
“Nắng vàng em đi đâu mà vội
Mà vội,
Nắng vàng. Nắng vàng ơi…”
Chính những nốt nhạc đầy yêu thương của Trịnh Công Sơn đã “khai sinh” một Hồng Nhung hoàn toàn mới, một Hồng Nhung sâu lắng, dịu dàng và Bống của lòng người cũng mang đến một hơi thở mới cho nhạc Trịnh, một hơi thở thôi thúc – dư âm.
Huyền Thoại về “dòng sông nhỏ” cuối cùng.
Người viết bài này xin dành một phần riêng để nhắc nhớ một mối tình mà những người yêu Trịnh Công Sơn cho là huyền thoại. Huyền thoại không bởi vì nó là nơi mà Trịnh Công Sơn gửi nhiều tình cảm nhất, mà là vì đây được xem như là một tình yêu đích thực hướng đến Trịnh Công Sơn – một âm thanh trong trẻo mà người ta dám khẳng định. Trong khi không ít người vây quanh Trịnh Công Sơn tìm danh tiếng hay mong kiếm được một tấm giấy “thông hành” bước vào sân khấu âm nhạc thì tình cảm của người con gái ấy đáng quí biết bao và thật sự là chữ “tình” mà đời dành cho người nghệ sỹ lãng du, thực sự là “mưa qua miền đất rộng” để cho “người phiêu lãng quên mình lãng du”.
Cô gái sinh năm 1974 đã hiện diện trong đời sống người nhạc sỹ tài hoa có trước và sau khi Hồng Nhung đến. Đây là một cô gái trẻ và khá xinh đẹp, cô đến với Trịnh Công Sơn thực sự bằng tất cả tình yêu và đức hi sinh. Không vây quanh, không bộc lộ tình cảm một cách mạnh mẽ, trực tiếp như những người khác mà chỉ đứng từ xa lặng lẽ ngắm nhìn, ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn bằng cả trái tim. Trong những ngày Trịnh ốm đau, cô luôn là người ở bên chăm sóc anh. Không biết có phải hình ảnh người con gái lặng lẽ, dịu hiền ấy đã gợi nên những cảm xúc để cứ mỗi năm đến ngày 7/4 – sinh nhật cô là Trịnh Công Sơn lại vẽ lên lụa hình người con gái đẹp – mà buồn.
Ngày Trịnh Công Sơn giã biệt cõi trần, không ruột rà, máu mủ nhưng cô đã xin được quàng lên đầu một vành tang trắng và lặng lẽ đi bên linh cữu của anh. Khi đám tang kết thúc, cô ở lại sau cùng, rải hoa trắng lên mộ và một mình đứng lặng giờ lâu. Trong khi không ít người đã bày tỏ nỗi buồn của mình trước công chúng trong các Album ca nhạc, trong các chương trình tưởng niệm… thì cho đến bây giờ cũng không nhiều người biết về người con gái ấy – cô không muốn được nêu tên, chỉ lặng lẽ và không nguôi nhớ!