- 29 Tháng mười 2018
- 3,304
- 4,365
- 561
- TP Hồ Chí Minh
- THCS Nguyễn Hiền
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
I- Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một trong số mười tài năng quân sự xuất sắc mọi thời đại.
Tháng 2-1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh sau khi nghiên cứu tiểu sử của 98 vị tướng tài năng trong lịch sử nhân loại (đến thời điểm đó) đã bình chọn ra 10 nhân tài quân sự xuất sắc nhất mọi thời đại. Chỉ có 8 quốc gia có vinh dự này:
1- Hy Lạp có Megas Alexandros (tiếng Hy Lạp: Μέγας Αλέξανδρος) (356TCN - 323TCN), thường gọi là Alexandr III của Macedonia hay phổ biến hơn là Alexandr Đại đế; người đã đánh bại Đế chế Ba Tư ở Tây Nam Á năm 331 TCN.
2- Tunisia có Hannibal Barcas (247TCN – 183TCN), vị tướng người Cartage từng đánh bại quân đội của Đế chế La Mã hùng mạnh trong trận Cannae nổi tiếng năm 216TCN.
3- Italia có Julius Caesar (100TCN – 44 TCN), nhà quân sự, nhà văn, nhà chính trị và là người lãnh đạo cuối cùng của nền Cộng hòa La Mã.
4- Mông Cổ có Thiết Mộc Chân (tiếng Mông Cổ: Чингис хаан) (1162-1227), phiên âm Hán-Việt là “Thiết Mộc Chân” nhưng thường được biết đến với tên gọi “Thành cát tư-Hãn”. Là nhà chính trị quân sự lớn của thế giời hồi đó, ông được suy tôn là Nguyên Thái Tổ, tức Hoàng đế đầu tiên của Đế quốc Mông Cổ (1206-1368), đế quốc lớn nhất thế giới mọi thời kỳ mà lãnh thổ của nó kéo dài từ Thái Bình Dương đến Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, từ Sibiria đến Trung Quốc và Tây Nam Á.
5- Vương Quốc Anh có Oliver Cromwell (1599 - 1658), nhà chính trị và nhà quân sự người Anh, người có công mở rộng lãnh thổ Anh sang các xứ Scotland và Bắc Irland, đóng vai trò quan trọng trong việc sáng lập chế độ lập hiến trên toàn lãnh thổ Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Irland ở thế kỷ XVII và là Tổng tài Anh quốc đầu tiên (như Thủ tướng).
6- Pháp có Napoléon Bonaparte (1769-1821), nhà chính trị, nhà quân sự, người đảo Corse (người Pháp gốc Ý), Hoàng đế Pháp (1804-1814) kiêm Vua của nước Ý (1805-1814) kiêm Hộ quốc công Liên bang Sông Rhine (1806-1813). Trong vòng 10 năm, Napoléon Bonaparte đã chinh phục hầu như toàn bộ lục địa Châu Âu (trừ Nga và Bán đảo Scandinavia). Trong tác phẩm “Về các vấn đề quân sự”, Friedrich Engels đánh giá: “Các cuộc chiến tranh của Napoléon Bonaparte đã làm lung lay tận gốc rế các chế độ phong kiến ở Châu Âu”. Còn thống chế-công tước Arthur Wellesley Wellington (Anh), người đã đánh bại Napoléon Bonaparte trong trận Waterlo (18-6-1815) đã phát biểu: “Trong thời đại này, trong những thời đại đã qua, cũng như trong bất kỳ thời đại nào, vị tướng vĩ đại nhất là Napoléon”.
* Nước Nga có 2 vị nguyên soái được bình chọn vào danh sách này:
7- Mikhail Illarionovich Kutuzov (1745-1813) (tiếng Nga: Михаил Илларионович Кутузов), Nguyên soái Tổng tư lệnh quân đội Đế quốc Nga, Công tước Smolensk, nhà quân sự, nhà chính trị và nhà ngoại giao Nga. Quân đội Nga do Mikhail Kutuzov chỉ huy dù có quân số chỉ bằng 1/2 đối phương đã đánh bại đạo quân xâm lược của Napoléon Bonaparte tại trận Borodino (26-8-1812), trận Malo Yaroslavets (12-10-1812, trận Berezina (15-11-1812). Trước đó, trong cuộc chiến với đế quốc Ottoman (1806-1811), Quân đội Nga do ông và các tướng Pyotr Bagration, Nikolai Kamensky chỉ huy đã đánh bại các đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ do các tướng Kör Yusuf Ziyaüddin Paşa, Keçiboynuzu İbrahim Hilmi và Laz Aziz Ahmed chỉ huy, buộc Đế quốc Ottoman phải ký Hòa ước Bucharest, trả lại cho Nga các lãnh thổ Kavkaz, Moldavia, bán đảo Crimea và mở cửa thông thương eo biển Dardanelle nói thông Biển Đen với Địa Trung Hải.
Mikhail Kutuzov có nhân cách khá giống với Trần Hưng Đạo ở tư tưởng nhân văn quân sự. Mặc dù tiến thân từ một gia đình quý tộc nhưng ông luôn coi nhân dân là chỗ dựa tin cậy của mình, kể cả khi bị thất sủng năm 1802 cũng như khi trở thành Nguyên soái-Tổng tư lệnh quân đội Nga năm 1805. Đối với ông, nhân dân Nga là trên hết và chỉ có nhân dân Nga mới là những anh hùng đích thực của cuộc chiến tranh giữ nước năm 1812. Do nhân cách do dân, vì dân và dựa vào nhân dân của ông, phần lớn các nhà sử học thế giới xem ông không chỉ là một thiên tài quân sự còn xuất sắc hơn cả kình địch Napoléon Bonaparte của ông mà còn xem ông như một nhà chính trị có tư tưởng vị nhân sinh.. Ông từng nói với Nga hoàng Alekasandr I trước khi qua đời rằng: “Người Nga không cần phải hy sinh cho người Đức, người Áo. Châu Âu có công việc của họ. Bệ hạ hãy giữ lấy nước Nga của mình là được rồi”.
Năm 1942, một phần thưởng cao quý của Nhà nước Liên Xô được thành lập mang tên “Huân chương Kutuzov”. Năm 1955, một tuần dương hạm hạng nặng mang tên lửa số hiệu 385 trong biên chế Hạm đội Biển Đen của Liên Xô được mang tên ông: “Tuần dương hạm Kutuzov”.
8- Georgy Konstantinovich Zhukov (tiếng Nga: Георгий Константинович Жуков), (1896-1974); Nguyên soái Liên Xô, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1955-1957), Phó Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô (1942-1945), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô (1954-1957). Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Georgy Zhukov đã chỉ huy Hồng quân Liên Xô đánh bại quân đội phát xít Nhật ở chiến trường Khalkhin Gol, Mông Cổ (1939). Mùa Đông 1941-1942, ông trực tiếp chỉ huy quân đội Liên Xô đánh bại đạo quân phát xít Đức xâm lược ở ngoại ô Moskva. Mùa Đông 1942-1943, ông cùng với nguyên soái Aleksandr Mikhailovich Vasilievsky chỉ huy quân đội Liên Xô đánh bại quân phát xít Đức trong trận Stalingrad nổi tiếng, làm xoay chuyển hoàn toàn cục diện cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Mùa hè năm 1943, ông chỉ huy các phương diện quân Trung Tâm, Voronezh và Thảo Nguyên đáng bại đạo quân xe tăng lớn nhất của phát xít Đức trong trận Kursk nổi tiếng, trận đấu tăng có một không hai trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Mùa hè năm 1944, các phương diện quân Liên xo do các nguyên soái G. K. Zukov và A. M. Vasilevsky chỉ huy đã đánh thắng quân đội phát xít Đức ở Byelorussia (Chiến dịch Bagration) và bắt đầu công cuộc giải phóng Châu Âu. Mùa Xuân năm 1945, quân đội Liên Xô do G. K. Zhukov chỉ huy đã công phá Berlin, đánh sập thành trì của chủ nghĩa phát xít ở Châu Âu và cắm lá cờ chiến thắng của Liên Xô lên nóc nhà Quốc hội Đức ngày 2-5-1045.
Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh thế giới thời hiện đại, G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng với quy mô lớn. Những chiến tích của ông đã trở thành những đóng góp rất lớn vào kho tàng di sản kiến thức quân sự nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới. Hầu hết các nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng thế giới cùng thời với ông như Thống chế Anh Bernard Law Montgomery, Thống tướng Hoa Kỳ Dwight David Eisenhower, Thống chế Pháp Jean de Lattre de Tassigny đều công nhận tên tuổi của Georgy Zhukov đã gắn liền với hầu hết các chiến thắng lớn trong cuộc chiến.
* Việt Nam có vinh dự lớn khi có hai nhà quân sự lỗi lạc được bình chọn vào danh sách 10 tài năng quân sự lớn nhất mọi thời đại:
9- Trần Quốc Tuấn (Không rõ năm sinh – mất năm 1300). Ông là tôn thất trực hệ nhà Trần, tước Hưng đạo vương, chức vụ Quốc công tiết chế, là nhà chính trị-quân sự lỗi lạc bậc nhất của Đại Việt. Ông là anh em con chú con bác (thực chất là anh em cùng mẹ khác cha) với Thượng hoàng Trần Quang Bính (tức Vua Trần Thánh Tông), Thượng tướng Thái sư (như tể tướng) Chiêu minh vương Trần Quang Khải và Đại tướng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Ngoài ra, ông còn là bố vợ của Vua Trần Nhân Tông (tức Trần Nhật Khâm) và là anh rể của Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Trong cuộc Kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất (1258), ông được Vua Trần Thái Tông giao trấn thủ biên giới vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, quân Nguyên-Mông do tướng Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai) lại tấn công từ hướng Tây Bắc (Vân Nam) theo sông Hồng xuống đánh vào Thăng Long. Tháng 1-1258, ông dẫn quân về tham gia trận phản công Đông Bộ Đầu, đánh đuổi quân Nguyên-Mông về nước.
Năm 1283, ông được phong chức vụ Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn bộ quân đội Đại Việt và viết bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng để khích lệ toàn quân sữn sàng đánh giặc xâm lăng. Trong cuộc Kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai (1285), ông chỉ huy quân dân Đại Việt dùng chiến thuật “vườn không nhà trống” và “chiến tranh du kích” chống giặc, tránh chỗ địch mạnh, đánh chỗ địch yếu, triệt nguồn lương thực của giặc. Tháng 5-1258, Trần Quốc Tuấn vạch kế hoạch tổng phản công và đích thân chỉ huy quân đội mở các trận đánh lớn tại cửa Hàm Tử (Ngã ba Lềnh, nơi sông Hồng thông với sông Luộc), Tây Kết (nơi sông Giẽ chảy ra sông Hồng), Bến đò Chương Dương (nay thuộc huyện Thường Tín) và căn cứ thủy quân Vạn Kiếp. Thái tử nhà Nguyên Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn. 50 vạn quân xâm lược bị tiêu diệt phần lớn, phải rút khỏi Đại Việt.
Năm 1287, Trần Quốc Tuấn tiếp tục chỉ huy quân dân nhà Trần chống trả cuộc xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên-Mông. Trận thủy chiến Bạch Đằng (tháng 3-1288) do ông trực tiếp vạch kế hoạch tác chiến và chỉ huy từ đầu đến cuối đã vĩnh viện chôn vùi mộng xâm lăng Đại Việt của triều đình nhà Nguyên, trở thành một trong các trận đánh kinh điển của lịch sử quân sự thế giới và còn được coi là “Trận Xích Bích” của Việt Nam.
Trần Quốc Tuấn để lại nhiều tác phẩm quý về chiến lược, chiến thuật quân sự cũng như về các vấn đề chính trị-quân sự. Ngoài bài “Hịch tướng sĩ” (tên đầy đủ là “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”), ông đã giành những năm cuối đời để soạn cuốn “Binh gia diệu lý yếu lược” (gọi tắt là binh thư yếu lược) gồm 4 quyển với chủ đề tóm lược những điểm cốt yếu của phép dùng binh. Ông cũng viết cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” (còn gọi là “Vạn Kiếp binh thư”) đề cập nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự, trong đó có nghệ thuật “Chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm”. Rất tiếc rằng cả hai tác phẩm quý giá ấy đều thất truyền, chỉ còn lại bài giới thiệu tóm tắt nội dung của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được ghi lại trong “Đại Việt sử ký toàn thu”
10- Võ Nguyên Giáp (1911-2013):
Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vốn là giáo viên sử học, ông là người duy nhất được phong cấp hàm Đại tướng - Tổng tư lệnh quân đội mà chưa hề được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp quân sự nào. Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã đánh bại quân đội viễn chinh Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ và 5 mặt trận khác trên chiến trường Đông Dương, buộc thực dân Pháp phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trận Điện Biên Phủ cũng là một trong các trận đánh kinh điển của lịch sử quân sự thế giới.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy quân đội trên các chiến trường và giành nhiều chiến thắng quan trọng trên mặt trận phòng thủ đường không đánh bại cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1964-1968), trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), trong các chiến dịch Tổng tấn công chiến lược (1972), trong Chiến dịch Phòng thủ đường không tại Hà Nội và Hải Phòng cuối năm 1972, bắn rơi nhiều máy bay ném bom chiến lược B-52, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, rút quân về nước và chấm dứt can thiệp vào Việt Nam (1973). Năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành thắng lợi Chiến dịch Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.
Đại tướng-Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người duy nhất trong số 10 danh tướng thế giới được bình chọn khi còn sống.
II- Nguồn gốc những lời chỉ dạy của Trần Hưng Đạo:
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn luôn đặt việc nước lên trên tình nhà. Mặc dù có hiềm khích lớn với các vua Trần do vợ của Trần Liễu (không phải mẹ ông) bị đem gả ngang cho Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông, em Trần Liễu) ông vẫn một lòng trung thành, hết lòng phò tá các vua Trần đánh ngoại xâm cứu nước. Vì ông có công lao rất lớn nên Vua Trần Nhân Tông đã phong cho ông tước Thượng quốc công và cho phép ông được quyền phong tước cho người khác từ Minh tự trở xuống, chỉ có tước Hầu thì có thể phong trước nhưng phải báo cáo sau. Nhưng Trần Hưng Đạo chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Đối với ông, tước vị không quan trọng bằng chức trách. Trần Hưng Đạo rết khéo tiến cử cho đất nước những người tài giỏi nhưng không xuất thân từ tầng lớp quý tộc, như Dã Tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Chế Nghĩa sau này trở thành những viên tướng giỏi, có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến. Ông cũng tiến cử những người nổi tiếng khác như Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực đều là những người học sâu, hiểu rộng, có năng lực vượt trội về chính trị và văn chương.
Mặc dù các tác phẩm lớn của ông (trừ Hịch tướng sĩ) đều đã thất truyền nhưng Trần Hưng Đạo đã để lại nhiều lời dạy quý báu cho hậu thế. Những lời dạy đó vẫn còn giá trị rất lớn cho ngày nay.
1- “Con chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường mà thôi !”
Câu nói này được sử sách ghi lại sau trận Ải Nội Bàng (Sơn Động, Bắc Giang) ngày 2-2-1285. Trong trận này, quân Nguyên Mông do tướng Bolqada (Bột La Đáp Nhí) chỉ huy với số lượng áp đảo 10:1 đã bao vây đạo quan chủ lực do Trần Hưng Đạo chỉ huy. Tướng Đoàn Thai bị giặc bắt. Tướng Trần Sâm hy sinh. Trần Hưng Đại và Dã Tượng cùng các toán quân sĩ còn lại phải rất vất vả mới rút được khỏi vòng vây. Trần Hưng Đại định theo đường núi về Vạ Kiếp. Tướng chỉ huy tượng binh (binh chủng sử dụng voi chiến) là Dã Tượng nói với ông:
“Yết Kiêu giữ thuyền ở Bến Tân (trên sông Lục Nam) chưa thấy Đại vương đến thì nhất định không dời thuyền đâu”.
Quả nhiên, khi đến Bến Tân, Trần Hưng Đạo thấy Yết Kiêu vẫn cắm thuyền chờ ở đó. Mọi người nhanh chóng xuống thuyền rút về Vạn Kiếp. Kỵ binh của quân Nguyên đuổi theo không kịp. Trên thuyền, Trần Hưng Đạo cảm than mà rằng:
“Con chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường mà thôi”.
Câu nói ấy là nói về sáu viên tướng giỏi mà chính Trần Hưng Đạo đã dày công dạy dỗ, huấn luyện và thử thách, gồm Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành, Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Chế Nghĩa và Lư Cao Mang, những người đó về sau lập được nhiều công tích lớn trong hai cuộc kháng chiến. Nhưng suy rộng ra, câu nói ấy cũng có nghĩa là một chỉ huy giỏi phải có những tướng sĩ dưới quyền giỏi và đặc biệt là phải trung thành, tận tụy thì mới có thể làm nên sự nghiệp.
2- “Binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa”:
Câu này có nghĩa là “Quân đội quý ở ở tinh nhuệ, không quý ở số lượng nhiều”.
Vào tháng 12-1287, để trả thù cho hai cuộc chiến xâm lược Đại Việt bị đánh bại nhục nhã trước đó, vua Nguyên Khubilai (Hốt Tất Liệt) đã tập trung hơn 30 vạn quân của 4 hành tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng và Vân Nam cùng với quân của 4 châu Ung, Khâm Liêm, Lê (Hải Nam), giao cho thái tử Thoát Hoan chỉ huy, sửa soạn xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Nhà Nguyên giao cho tướng Trương Văn Hổ vận chuyển 70 vạn thạch lương dùng thuyền lớn đi đường biển tiếp tế cho đạo quân này. Trước thế giặc mạnh, nhiều quan chức Đại Việt dâng tấu trình đề nghị động viên thêm tráng đinh bổ sung cho quân đội đông hơn để chống giặc. Vua Trần Nhân Tông khi đó đã lưỡng lự và hỏi ý kiến Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo về các đề nghị đó. Trần Hưng Đạo tâu lại:
“Muôn tâu quan gia ! Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến trăm vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm gì được đâu ạ !”
“Bồ Kiên” ở đây là “Phù Kiên” (có sách chép là “Phù Kiện”), tên chữ là “Kiến Nghiệp”, là người lập ra nhà Tiền Tần trong thời Ngũ Hồ thập lục quốc (loạn 16 nước) ở miền Bắc Trung Quốc cổ đại (304 SCN đến 439 SCN). Thời đó, nhà Tiền Tần ở phía Bắc đối địch với nhà Đông Tấn ở phía Nam sông Hoài. Mặc dù nắm trong tay hàng trăm vạn binh mã nhưng quân đội của Bồ Kiên là quân đội ô hợp. Nó bao gồm quân sĩ là hàng binh của 5 nước phía Bắc Trung Quốc mà Bồ Kiên đã chinh phục bằng sức mạnh. Với ưu thế số lượng áp đảo, Bồ Kiên tin tưởng sẽ đánh thắng quân đội nhà Đông Tấn có số lượng ít hơm 10 lần. Quân đội hai bên đã giáp chiến trong trận Phì Thủy nổi tiếng.
Trong trận Phì Thủy (tháng 8-383), dù mang theo tới gần một triệu quân Nam Tiến, quyết diệt Đông Tấn. Tuy nhiên, Bồ Kiên đã sai lầm cả về chiến lược và chiến thuật như quân đông nhưng lương không đủ; đánh trận đường xa nhưng không lo bảo vệ hậu cứ; chuyển quân qua sông Hoài không phòng vệ hai bên sườn; tiến đánh Đông Tấn nhưng chính danh không rõ ràng; quân đội ô hợp không hiệp đồng tác chiến. Gần trăm vạn quân của Bồ Kiên bị đánh tan chỉ bới hơn 10 vạn quân của Đông Tấn do Tạ An chỉ huy.
Đó là bài học về dụng binh của Trần Quốc Tuấn.
3- “Mình mẩy cáu bẩn, xin được tắm giùm” - Bài học về phê bình và tự phê bình.
Đó là lời đề nghị giản dị của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn với người an hem thúc bá của mình là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải vào một ngày mùa hè năm 1283, ngay sát trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai. Hôm đó, Trần Quang Khải mời Trần Quốc Tuấn đến soái thuyền của mình để chúc mừng ông được phong làm Quốc công tiết chế. Biết Trần Quang Khải ngại tắm gội, Trần Quốc Tuấn bèn nói: “Mình mẩy Thái sư cáu bẩn, tôi xin được tắm giúp”. Trần Quang Khải nhận lời. Trần Quốc Tuấn sai người đun nước lá thơm rồi tự tay ông tắm rửa, kỳ cọ cho Trần Quang Khải. Trần Quang Khải nói: "Hôm nay được Quốc công Tiết chế tắm cho, thật cảm kích". Từ đó, Trần Quốc Tuấn hầu như xóa tan được mối hiểm khích giữa chi trên và chi dưới của họ Trần mà lẽ ra, chi trên của ông phải đứng đầu thiên hạ.
Đối với ngày nay, câu nói trên trong một hoàn cảnh rộng lớn hơn còn có ý nghĩa như một lời trong cuốn “Sửa đối lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Đó là bài học về tự phê bình và phê bình. Trong cuốn sách ấy, Bác Hồ bảo: “Phê bình và tự phê bình là việc phải làm hàng ngày, giống như người ta sang nào cũng phải rửa mặt vậy”. Cao hơn nữa, đó còn là tình đồng chí đồng đọi, thấy sai trái phải bảo nhau sửa chữa, thấy lỗi lầm phải cùng nhau khắc phục. Phê bình là để giúp đỡ người ta tiến bộ chứ không phải để trù úm, vùi dập.
Một lời đề nghị và một hành động thành tâm, giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Qua đây, có thể thấy một triều đại mà vua tôi đồng chí, trên dưới đồng tâm, quân dân đồng lòng sẽ tạo nên một khối đại đoàn kết có sức mạnh cực kỳ to lớn.
4- “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra”.
Sự tể bắt đầu từ những rắc rối trong vấn đề hôn nhân của nhà Trần.
Ông Trần Thừa (được tôn là Trần Thái Tổ) là cha đẻ của An Sinh vương Trần Liễu (thân phụ Trần Hưng Đạo) và vua đầu đời nhà Trần là Trần Nhật Cảnh (Trần Thái Tông). Vì khi kết hôn với Nữ Hoàng nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng (tên thật là Lý Phật Kim, sau đổi thành Lý Thiên Hinh), Trần Thái Tông không có con nối dõi. Còn chị gái của Lý Chiêu Hoàng là Lý Thị Oanh đã kết hôn với Trần Liễu trước đó. Năm 1237, Trần Thủ Độ “đạo diễn” để Trần Liễu nhường vợ và Vua Trần Cảnh kết hôn với bà Lý Thị Oanh (khi đó đã có mang Thái tử Trần Hoảng, tức Trần Quang Bính được 3 tháng). Sau đó, ông Trần Liễu kết hôn với bà Trần Thị Nguyệt, thân mẫu của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Chính vì sự trớ trêu này mà trước khi mất, An sinh vương Trần Liễu đã di huấn lại cho Trần Hưng Đạo rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Trần Quốc Tuấn nhớ di huấn đó nhưng không cho rằng đó là việc phải đạo.
Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông năm 1288, mặc dù quyền lực hành chính của Trần Hưng Đạo thấp hơn Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải khi đó giữ chức vụ cao thứ ba trong triều (như tể tướng) chỉ sau Thượng hoàng và Quan gia (tức Vua Trần) nhưng Trần Hưng Đạo là Quốc công tiết chế (như Tổng tư lệnh quân đội), nắm toàn bộ binh quyền trong tay và có uy tín rất cao trong triều đình cũng như trong xã hội. Ông bèn đem lời di huấn của cha mình ra hỏi các tướng dưới quyền và các con trai.
Khi ông hỏi các tướng Yết Kiêu và Dã Tượng về việc đó, cả hai đều thưa rằng: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không trung hiếu”.
Kế tiếp, ông đem việc đó hỏi con trai cả là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn rằng: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”, Trần Quốc Nghiễn đáp: “Dẫu khác họ cũng không nên làm , huống chi là chúng ta lại cùng một họ !” Trần Hưng Đạo cho là phải.
Ông cũng đem việc đó ra hỏi con trai thứ ba là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Trần Quốc Tảng bèn nói: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, thế mà đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ. Sao mình không làm ?”. Tống Thái Tổ tức Triệu Khuông Dận, là hoàng đế khai triều nhà Tống ở Trung Quốc, thực ra thuộc dòng dõi quan lại chứ không phải nông dân.
Nghe xong, Trần Hưng Đạo đùng đùng nổi giận, tuốt kiếm chỉ thằng mặt Trần Quốc Tảng và quát mắng rằng: “Loạn thần tặc tử chính là từ đứa con bất hiếu này mà ra”. Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn chạy vào ôm lấy Trần Quốc Tảng và hết lời xin tha cho em và xin chịu tội thay, Trần Hưng Đạo mới tra gươm vào vỏ nhưng vẫn chưa nguôi giận. Ông bảo với Trần Quốc Nghiễn: “Sau khi ta chết, hãy đậy nắp quan tài lại đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.
Để giáo dục đứa con trai lầm lỗi, Trần Hưng Đạo tâu với vua Trần xin để Trần Quốc Tảng ra trông coi vùng biên viễn Hải Ninh - Vân Đồn (nay là Quảng Ninh). Thời đó, việc này được coi như một sự lưu đày. Sách “Trần triều hiển thánh Chính kinh tập biên” chép: “Quốc Tuấn công cho rằng, người con trai tính ưa cương dũng ấy (tức Trần Quốc Tảng), không theo đúng đạo làm con, bèn nổi giận lôi đình, đày ra cửa bể Suất ti tuần thuộc phủ Hải Ninh, lộ An Bang”.
Sau khi được giao nhiệm vụ mới, Trần Quốc Tảng đã ăn năn, hối lỗi, lập công chuộc tội. Ông đã dốc công xây dựng Hải Ninh – Vân Đồn thành một khu vực phòng thủ vững chắc, đồng thời là một cửa khẩu giao thương kinh tế sầm uất giữa Đại Việt với các nước lãng giềng. Đời sống người dân vùng đó khá giả hẳn lên. Sau khi Trần Quốc Tảng mất (năm 1313), ông được nhân dân lập đền thờ ở Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả),. Các đình làng ở thôn Trác Châu, xã An Châu, thành phố Hải Dương, thôn Phúc Xá A, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng và văn chỉ Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách thuộc tỉnh Hải Dương đều có bài vị thờ vọng ông.
Đây là bài học dạy con sâu sắc cho các bậc quan chức từ lớn đến bé. Nếu không được giáo dục đến nơi đến chốn về lòng trung thành, đức hiếu nghĩa và đạo gia phong, chúng có thể trở thành kẻ phản nghịch của dân tộc và trở thành tội đồ của dòng họ.
5- “Khoan thứ sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”
Nhiều tài liệu dịch chữ “thứ” thành chữ “thư” nhưng nghĩa vẫn không đổi. Lưu ý rằng dù là “thứ” hay “thư”thì hai chữ này vẫn được hiểu là “tha”, là “miễn” chữ không phải là “từ từ”, “thư thả”. Điều đó có nghĩa rằng triều đình không nên đốc xuất quá mức sự đóng góp của người dân, đặc biệt là địa tô và các loại thuế má khác. Đây chính là tư tưởng quốc gia là của dân, chế độ là do dân và nhà nước phải vì dân. Tư tưởng này đã được nhiều bậc hậu thế của Trần Hưng Đạo tuân thủ và vận dụng như Nguyễn Trãi, Quang Trung .v.v… và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong Di chúc của Người đã nói rõ) cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong kế sách giữ nước mà trước khi mất, Trần Hưng Đạo đã tâm sự với Trần Anh Tông Tông khi Vua Trần đến thăm ông lúc ông đang ốm nặng tại Vạn Kiếp, Chí Linh, Hải Dương. Trong lần gặp gỡ cuối cùng với Quan gia và tháng 6 năm Canh Tý (1330), Vua Trần Anh Tông có hỏi:
“Nếu có điều chẳng may (ý nói Trần Hưng Đạo mất đi), mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào ?”
Trần Hưng Đạo đã đáp:
“Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu. [Nước ta] trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền. Nhà Tống xâm phạm địa giới. [Triều đình] dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng nhanh, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy. Tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.
Trần Hưng Đạo được nhân dân Việt Nam tôn làm “Đức Thánh Trần” không chỉ vì tài thao lược quân sự của ông mà còn vì bản lĩnh chính trị suốt đời trung thành của ông, vì nhân cách suốt đời vì dân, vì nước của ông.
=========
*Ngoài lề một chút:
Ít ai biết rằng Trần Hưng Đạo có cùng tên cúng cơm với Lý Thường Kiệt. Trần Hưng Đạo có nguyên danh là Trần Quốc Tuấn. Còn Tể tướng Lý Thường Kiệt, quê ở phường Thái Hòa, phủ Thọ Xương, Kinh thành Thăng Long (nay là phường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội) có nguyên danh là Ngô Tuấn. Tên tự của ông là Thường Kiệt. Khi lập công đánh tan giặc Tống, ông được vua Lý Nhân Tông ban quốc tính (họ của hoàng tộc) nên được gọi là Lý Thường Kiệt.