Trái tính thích nhau?

H

hmh11ltkprc

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Tôi được biết nhiều người trong chúng ta tin rằng những người khác nhau về tính cách, ngoại hình, thậm chí là quan điểm thường bị thu hút lẫn nhau. Nhưng hãy thử tưởng tượng mối quan hệ giữa một chàng trai to béo, bừa bộn, thích hưởng thụ với một cô gái xinh đẹp, ngăn nắp và luôn hết mình cống hiến cho xã hội, bạn mong đợi kết cục nào trong mối quan hệ như thế này?


Nếu đó là cảnh trong phim, tôi đoán chừng nhiều người tin tưởng và hy vọng cặp đôi sẽ có một kết cục có hậu. Đơn giản là nếu không như thế, thì bộ phim chả có gì thú vị để xem. Hơn nữa, kết cục có hậu khiến nhiều người thỏa mãn. Họ tin tưởng vào cái gọi là “bổ sung”, “bù qua bù lại” tạo ra sự thu hút, lôi cuốn trong mối quan hệ giữa hai người trái tính nhau. Có thể nói đó là sự khao khát trong tự bản thân họ khi tìm kiếm “một nửa còn lại” của mình. Họ là những người tin tưởng vào thành ngữ “trái tính thích nhau”. Nhiều luận điểm được đưa ra bảo vệ thành ngữ này. Rất nhiều người nói rằng hai người giống tính nhau thường không kết hôn với nhau vì tính cách giống nhau thường mâu thuẫn và không hợp nhau. Thú thật, cách suy luận này khiến tôi hơi “rối”. Tuy nhiên cũng có người giải thích rõ ràng hơn, họ cho rằng chính nét đa dạng của sự khác nhau đã tạo ra nét thu hút ban đầu… và một số người cảm thấy sự khác nhau rất thú vị. Tiến sĩ triết học tên Harville Hendrix cũng đưa ra luận điểm của riêng mình “ Theo kinh nghiệm của tôi, thì chỉ có những người trái tính nhau mới hợp nhau vì đó là bản chất của thực tế. Ngộ nhận lớn nhất trong nền văn hóa của chúng ta là cho rằng sự tương đồng chính là nền tảng của một mối quan hệ. Thật ra sự tương đồng là nền tảng của sự tẻ nhạt”.

Đứng ở khía cạnh khoa học, không may cho vị tiến sĩ nói trên, điều mà ông bảo là ngộ nhận lại chính là sự thật. Tuy nhiên tôi sẽ không chứng minh điều đó bằng cách cố đưa ra các số liệu của các cuộc nghiên cứu rồi bắt buộc mọi người phải tin tưởng, dù cho các công trình nghiên cứu đó được chứng thực và kiểm nghiệm bởi các các tổ chức nghiên cứu khoa học uy tín. Thay vào đó, tôi sẽ dựa vào các kết quả nghiên cứu để đưa ra những luận điểm nhằm thuyết phục mọi người. Rõ ràng khi xét đến mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, sự khác biệt không phải là điều tạo ra sự thu hút. Nghĩa là sự đồng điệu, hòa hợp chứ không phải sự bổ sung là yếu tố quyết định của một mối quan hệ, khiến người ta đến với nhau. Thực tế, quy luật trên dễ nhận thấy nhất trong cách chúng ta kết bạn. Phải chăng chúng ta thích chơi với những người có cùng tính cách hơn là những người khác tính với mình?

Sự khác nhau về tính cách có lẽ chỉ tạo ra sự mới lạ, ấn tượng ban đầu chứ không phải tạo ra sự thu hút như nhiều người lầm tưởng. Và dĩ nhiên nó càng không phải là điều tạo nên cảm tình ban đầu của một mối quan hệ. Thay vào đó sự tương đồng về tính cách không những là yếu tố tạo được tình cảm ban đầu mà còn là dấu hiệu của một hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Quy luật “giống nhau thích giống nhau” không chỉ đúng ở khía cạnh tính cách mà còn đúng về mặt quan điểm và giá trị sống. Nghĩa là hai người giống nhau về quan điểm, giá trị sống thì cũng có mức độ thích nhau cao hơn hai người có sự khác nhau về các vấn đề đó. Tuy nhiên xét về mặt quan điểm, sự tương đồng không phải là yếu tố ảnh hưởng đến sự hòa hợp giữa hai người. Sự bất đồng mới là yếu tố chính đánh giá sự hòa hợp của một mối quan hệ. Ít ra xét về mặt quan điểm, những người bất đồng quan điểm không những không thích nhau mà còn mâu thuẫn với nhau. Mặc dù chưa có gì xác đáng hoặc có thể là sai lầm để nói tính cách của một người có thể định hình hoặc ảnh hưởng tới quan điểm, giá trị sống của người đó, tôi triển khai vấn đề ở mặt quan điểm, giá trị sống chỉ để phòng hờ cho những ai hiểu câu thành ngữ “khác tính thích nhau” theo nghĩa như thế hoặc cũng có thể chỉ là phần nói thêm để mọi người có thể hiểu hơn về luận điểm “giống nhau thì thích nhau”.

Vậy nếu như theo quan điểm khoa học, thành ngữ “trái tính thích nhau” mới thực sự là một ngộ nhận, vậy thì tại sao nó lại phổ biến đến mức người ta tưởng đó là sự thật? Chưa ai biết rõ nguồn gốc của ngộ nhận này tuy nhiên có một vài điều, chúng ta có thể xem xét. Thứ nhất chính là cốt truyện rất được yêu chuộng và quá phổ biến kể về mối quan hệ yêu đương của những cặp đôi trái tính, nhiều khúc cao trào như nước với lửa, như chó với mèo...chúng ta thường thấy trong phim ảnh, báo chí và sách truyện. Cốt truyện thú vị và lãng mạn như thế được nhiều người ủng hộ hơn là cốt truyện nói về các cặp đôi có tính cách giống nhau. Nghĩa là quan điểm “trái tính thích nhau” được phổ biến hơn quan điểm “giống nhau thích nhau”. Thứ hai chính là khao khát tìm sự trọn vẹn trong mỗi chúng ta. Ta thường muốn tìm những điều mình còn thiếu để bổ sung. Tuy nhiên đó chỉ là khao khát, còn khi đứng trước sự lựa chọn, chúng ta chọn những người có nhiều điểm chung nhất với mình. Và cuối cùng, giống như những sự ngộ nhận khác, nó cũng có trong nó một phần sự thật. Một vài sự khác biệt nho nhỏ sẽ khiến cho mối quan hệ của hai người thêm chút thú vị. Cuộc sống với một người lúc nào cũng đồng quan điểm, cũng nhìn nhận theo cách của ta thì rất hòa thuận, êm đềm nhưng cũng sẽ rất tẻ nhạt.Tuy nhiên đừng lo lắng, chúng ta nên mừng vì sự giống nhau mà chúng ta nói đến chỉ ở mức độ tương đối. Và cuối cùng lời khuyên dành cho anh chàng to béo, bừa bộn, thích hưởng thụ mà tôi đề cập ở đầu bài là nên tìm một cô gái giống mình, hoặc tốt hơn hết là hãy thay đổi bản thân theo hướng tốt hơn rồi mới nghĩ đến một mối quan hệ.


Sách tham khảo: 50 ngộ nhận phổ biến của Tâm lý học phổ thông (Scott O. Lilienfeld và Steven Jay Lynn – Nguyễn Hoàng Thanh Ly dịch)

Nguồn tapchienmong.blogspot.com
 
L

lililovely

tóm lại là cần có những phẩm chất tốt
nhưng trái sở thích mà thích nhau cũng được nhỉ
 
Top Bottom