[Topic: Ôn tập học kỳ II môn Ngữ văn 11]

H

hocmai.nguvan

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Chào các em!
Hiện nay đang là thời điểm các em ôn tập và thi học kỳ. Để hỗ trợ các em trong quá trình ôn tập, chị lập topic này, hi vọng các em có thể chia sẻ những thắc mắc, những khó khăn trong quá trình ôn tập. Chúng ta sẽ giúp nhau giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết các đề bài khiến chúng ta phải đau đầu để chúng ta có thể ôn tập và thi tốt.
Nào, đừng ngại ngần,hãy share những vấn đề mà các em gặp phải!!!!


-----QUYẾT TÂM DÀNH ĐIỂM CAO!!!!!! -----
 
D

ductran95

Chị ơi, chị có thể làm rõ cho em tính cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối được không ạ?
Em cảm ơn chị nhiều!
 
H

hocmai.nguvan

[Ngữ văn 11] Ôn tập các bài thơ Mới trong chương trình Ngữ văn 11 học kỳ II

Thơ Mới được xem là giai đoạn thơ ca nở rộ và thành công của nền thơ ca Việt Nam nói chung là thơ ca những năm đầu thế kỉ 20 nói riêng. Không chỉ là một mảng văn học quan trọng trong chương trình Ngữ văn 11 mà còn giữ vai trò quan trọng trong chương trình ôn thi ĐH khối C, D.
Do vậy mục đích chị mở topic này ngoài việc giúp các em ôn tập Ngữ văn 11 thì còn với mục đích ôn tập cho các bạn thi ĐH khối C, D.
Các em hãy trình bày những thắc mắc, hay chia sẻ những thông tin về phần này để các bạn cùng học tốt nhé!
Thân ái!
 
T

tony_jony

Trong chươngtrình 11 thì có những bài nào có khả năng có trong nội dung thi đại học ạ
 
H

hocmai.nguvan

Chào em!
Các bài trong chương trình Ngữ văn 11 nằm trong giới hạn thi Đại học bao gồm các bài thơ Mới và một óố tác phẩm văn xuôi em nhé:
- Thơ Mới thì chị không nhắc lại nữa, còn các tác phẩm văn xuôi bao gồm:
+ Hai đứa trẻ
+ Hạnh phúc của một tang gia
+ Vĩnh biệt Cửu trùng đài
+ Chí Phèo
+ Đời thừa
+ Chữ người tử tù
 
T

tiemnguyen

Chị ơi, em đang ôn thi Đại học phần thơ Mới, chị có thể nói cho em biết phần thơ Mới cần ôn trọng điểm những phần nào trong bài nào không ạ?
EM cảm ơn chị!
 
T

tiemnguyen

Chị ơi nếu đề ra là sự chuyển biến trong phong cách của Nguyễn Tuân trước và sau Cách Mạng thì em cần phải làm những gì ạ?
Đề này cô em cho mà khó quá, em chưa làm được. hichic
Có bạn nào biết thì cũng giúp mình với nhé!
Cảm ơn cả nhà nhiều
 
D

dohuyen123

t nghĩ là trước CM thì Nguyễn Tuân đi tìm về những nét đẹp văn hoá xa xưa như các thú vui tao nhã của người xưa: chơi chữ, thưởng thức trà, thả thơ, đánh thơ.
Còn sau CM thì ông đi vào cái tài hoa, uyên bác của con người lao động trong đời sống hiện đại.
Giống nhau đó là: đều nói về cái tài hoa, uyên bác, cái đẹp của con người
Khác: đối tượng
 
Last edited by a moderator:
T

tiemnguyen

Cảm ơn cậu nhé, thế mình có phải lấy dẫn chứng minh hoạ không cậu?
Nếu phân tích qua Chữ người tử tù và Người lái đò sông Đà thì làm tn vậy?
 
H

huyhieuhd

giúp em trả lời câu này những yếu tố lịch sử tác động vào phong trào thơ mới? :))))))))))
 
D

dohuyen123

Phân tích bài thơ Tràng giang đây bạn duyhieuhd nhé:
Đây bạn nhé: Cảm nhận về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Cảm nhận thơ trữ tình xét cho cùng là cảm nhận "cái tình" trong thơ và tâm trạng của nhân vật trữ tình trước thiên nhiên, vũ trụ, đất trời. Đến với thơ ca lãng mạn Việt Nam, giai đoạn 1932 -1945 "ta thoát lên trên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu" (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam). Đúng thế, bạn đọc đương thời và hôm nay yêu thơ của Hàn Mặc Từ bởi chất "điên cuồng" của nó. Chính "chất điên" ấy đã làm nên phong cách nghệ thuật độc đáo, riêng biệt, mới mẻ của Hàn Mặc Tử. "Chất điên" trong thơ ông chính là sự thay đổi của tâm trạng khó lường trước được. Nét phong cách đặc sắc ấy đã hội tụ và phát sáng trong cả bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của nhà thơ rất tài hoa và cũng rất đỗi bất hạnh này. "Đây thôn Vĩ Dạ" trích từ tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử.

Với lời trách cứ nhẹ nhàng dịu ngọt vừa như một lời mời, Hàn Mặc Tử trở về với thôn Vĩ Dạ trong mộng tưởng:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cây nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Cảnh vật ở thôn Vĩ Dạ - một làng kề sát thành phố Huế bên bờ Hương Giang với những vườn cây trái, hoa lá sum suê hiện lên thật nên thơ, tươi mát làm sao. Đó là một hàng cau thẳng tắp đang tắm mình dưới ánh “nắng mới lên” trong lành. Chưa hết, rất xa là hình ảnh “nắng hàng cau nắng mới lên” còn rất gần lại là “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. “Mướt quá” gợi cả cây nhung non tràn trề sức sống xanh tốt. Màu “mướt quá” làm cho lòng người như trẻ hơn và vui tươi hơn. Lời thơ khen cây cối xanh tốt nhưng lại nhu huyền ảo, lấp lánh mới thấy hết cẻ đẹp của “vườn ai”. Trong không gian ấy hiện lên khuôn “mặt chữ điền” phúc hậu, hiền lành vừa quen vừa lạ, vừa gần, vừa xa, vừa thực vừa ảo bởi “lá trúc che ngang”. Câu thơ đẹp vì sự hài hòa giữa cảnh vật và con người. “Trúc xinh” và “ai xinh” bên nhau làm tôn lên vẻ đẹp của con người. Như vậy tâm trạng của nhân vật trữ tình ở đoạn thơ này là niềm vui, vui đến say mê như lạc vào cõi tiên, cõi mộng khi được trở về với cảnh và người thôn Vĩ.

Thế nhưng cũng cùng không gian là thôn Vĩ Dạ nhưng thời gian có sự biến đổi từ “nắng mới lên” sang chiều tà. Tâm trạng của nhân vật trữ tình cũng có sự biến đổi lớn. Trong mắt thi nhân, bầu trời hiện lên “Gió theo lối gió mây đường mây” trong cảnh chia li, uất hận. Biện pháp nhân hóa cho chúng ta thấy điều đó. “Gió theo lối gió” theo không gian riêng của mình và mây cũng thế. Câu thơ tách thành hai vế đối nhau; mở đầu vế thứ nhất là hình ảnh “gió”, khép lại cũng bằng gió; mở đầu vế thứ hai là “mây”, kết thúc cũng là “mây”. Từ đó cho ta thấy “mây” và “gió” như những kẻ xa lạ, quay lưng đối với nhau. Đây thực sự là một điều nghịch lí bởi lẽ có gió thổi thì mây mới bay theo, thế mà lại nói “gió theo lối gió, mây đường mây”. Thế nhưng trong văn chương chấp nhận cách nói phi lí ấy. Tại sao tâm trạng của nhân vật trữ tình vốn rất vui sướng khi về với thôn Vĩ Dạ trong buổi ban mai đột nhiên lại thay đổi đột biến và trở nên buồn như vậy?

Trong mộng tưởng, Hàn Mặc Tử đã trở về với thôn Vĩ nhưng lòng lại buồn chắc có lẽ bởi mối tình đơn phương và những kỉ niệm đẹp với cảnh và người con gái xứ Huế mộng mơ làm nên tâm trạng ấy. Quả thật “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên cảnh vật xứ Huế vốn thơ mộng, trữ tình lại bị nhà thơ miêu tả vô tình, xa lạ đến như vậy. Bầu trời buồn, mặt đất cũng chẳng vui gì hơn khi “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.

Dòng Hương Giang vốn đẹp, thơ mộng đã bao đời đi vào thơ ca Việt nam thế mà bây giờ lại “buồn thiu” – một nỗi buồn sâm thẳm, không nói nên lời. Mặt nước buồn hay chính là con sóng lòng "buồn thiu” của thi nhân đang dâng lên không sao giấu nổi. Lòng sông buồn, bãi bờ của nó còn sầu hơn. “Hoa bắp lay” gợi tả những hoa bắp xám khô héo, úa tàn đang “lay” rất khẽ trong gió. Cảnh vật trong thơ buồn đến thế là cùng. Thế nhưng đêm xuống, trăng lên, tâm trạng của nhân vật trữ tình lại thay đổi:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”

Sông Hương “buồn thiu” lúc chiều dưới ánh trăng đã trở thành “sông trăng” thơ mộng. Cắm xào đậu bên trên con sông đó là “thuyền ai đậu bến”, là bức tranh càng trữ tình, lãng mạn. Hình ảnh “thuyền” và “sông trăng” đẹp, hài hòa biết bao. Khách đến thôn Vĩ cất tiếng hỏi xa xăm “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Liệu “thuyền ai” đó có chở trăng về kịp nơi bến hẹn, bến đợi hay không? Câu hỏi tu từ vang lên như một nỗi lòng khắc khoải, chờ đợi, ngóng trông được gặp gương mặt sáng như “trăng’ của người thôn Vĩ trong lòng thi nhân. Như thế mới biết nỗi lòng của nhà thơ giành cho cô em gái xứ Huế tha thiết biết nhường nào. Tình cảm ấy quả thật là tình cảm của “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm nào dễ mấy ai quên” (Thế Lữ).

Đến đây ta hiểu thêm về lòng “buồn thiu” của nhân vật trữ tình trong buổi chiều. Như vậy diễn biến tâm lí của thi nhân hết sức phức tạp, khó lường trước được. Chất “điên” của một tâm trạng vui với cảnh, buồn với cảnh, trông ngoáng, chờ đợi vẫn được thể hiện ở khổ thơ kết thúc bài thơ này:

“Mơ khách đường xa khách dường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Vẫn là một tâm trạng vui sướng được đón “khách đường xa” - người thôn Vĩ đến với mình, tâm trạng nhân vật trữ tình lại khép lại trong một nỗi đau đớn, hoài nghi “Ai biết tình ai có đậm đà?”. “Ai” ở đây vừa chỉ người thôn Vĩ vừa chỉ chính tác giả. Chẳng biết người thôn Vĩ có còn nặng tình với mình không? Và chẳng biết chính mình còn mặn mà với “áo em trắng quá” hay không? Nỗi đau đớn trong tình yêu chính là sự hoài nghi, không tin tưởng về nhau. Nhân vật trữ tình rơi vào tình trạng ấy và đã bộc bạch lòng mình để mọi người hiểu và thông cảm. Cái mới của thơ ca lãng mạn giai đoạn 1932 - 1945 cũng ở đó.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử để lại trong lòng người đọc những tình cảm sâu lắng . Tác phẩm giúp ta hiểu thêm tâm tư của một nhà thơ sắp phải giã từ cuộc đời. Lời thơ vì thế trầm buồn, sâu lắng, đầy suy tư. Bạn đọc đương thời yêu thơ của Hàn Mặc Tử bởi thi nhân đã nói hộ họ những tình cảm sâu lắng nhất, thầm kín nhất của mình trong thời đại cái “tôi”, cái bản ngã đang tự đấu tranh để khẳng định. Tình cảm trong thơ Hàn Mặc tử là tình cảm thực do đó nó sẽ ở mãi trong trái tim bạn đọc. Ấn tượng về một nhà thơ của đất Quảng Bình đầy nắng và gió sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người Việt Nam.

( Sưu tầm )
 
D

dohuyen123

tiemnguyen: tất nhiên là có chứ. Bạn nên lấy luôn 2 tác phẩm đó làm minh hoạ hoặc có thể lấy thêm các tác phẩm khác trc Cm như chén trà sương, Chém treo ngành, Đánh thơ...
với p/c trước CM qua Chữ người tử tù: tài hoa, uyên bác thể hiện qua việc yêu cái đẹp và gìn giữ cái đẹp (thiên lương)
Với p/c sau CM qua Người lái đò...: vẻ đẹp của người lao động: tài hoa, uyên bác nhưng rắn rỏi, khoẻ khoắn
 
T

tiemnguyen

Cảm ơn bạn dohuyen123 nhiều nhé!
duyhieuhd: bạn có thể tham khảo bài viết sau về ảnh hưởng của lịch sử tới thơ Mới nhé:
THƠ MỚI - MỘT SẢM PHẨM CỦA LỊCH SỬ
(Kỷ niệm 80 năm phong trào Thơ mới 1932 - 2012)
PGS.TS Phan Trọng Thưởng
Thơ mới (1932-1945) được xem là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn học dân tộc không chỉ vì nó là một trào lưu bao gồm tên tuổi của nhiều nhà thơ lớn với tài năng kiệt xuất, phong cách độc đáo, nổi tiếng ngay từ khi mới xuất hiện như: Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Anh Thơ, v.v… mà còn ở sứ mệnh cách tân và số phận thăng trầm của nó trong lịch sử văn học hiện đại. Năm 2012 sẽ là năm Thơ mới tròn 80 tuổi. ở tuổi đó, khó có thể nói Thơ mới đang còn giữ được độ thanh xuân. Trái lại, hình như cái cơ thể già nua đó đang trở thành đối tượng cho những đổi mới, cách tân không chút e dè diễn ra trong thơ những năm gần đây. Mặc dù vậy, những ý nghĩa lớn lao mà Thơ mới mang lại cho lịch sử văn học Việt Nam hiện đại vẫn cần được nhắc lại, được làm mới trong một bối cảnh mới.
Nói đến Thơ mới, lâu nay không ít người lầm tưởng đó là hiện tượng chỉ có ở văn học Việt Nam. Thực ra, Thơ mới là một hiện tượng có tính khu vực, lần lượt xuất hiện ở hầu hết các nước châu Á vào những năm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

ở Nhật Bản, một nước có quá trình tiếp xúc với phương Tây sớm, Thơ mới (Tân Thể thi) được khai sinh năm 1882 với tập thơ dịch Tân Thể thi sao do các giáo sư của Đại học Tokyo phóng tác theo tác phẩm của các nhà thơ Anh, Mỹ và Pháp nhằm tạo ra một thể Thơ mới (shintaishi) để diễn đạt trạng thái tinh thần của thời đại. Chỉ sau đó ít năm, vào năm 1897, tập thơ Cỏ non của tác giả Shimazaki Toson ra đời. Có thể xem đó là tập Thơ mới đầu tiên do người Nhật sáng tác, mở đầu cho phong trào Minh Trị lãng mạn chủ nghĩa.

ở Trung Quốc, người có vai trò giống như Phan Khôi (tác giả bài thơ Tình già) đối với Thơ mới ở Việt Nam là Hồ Thích với Thường thí tập (1920). Có thể xem đây là tiếng còi khai cuộc cho Thơ mới ở Trung Quốc. Nhưng phải đến năm sau, khi tập thơ Nữ thần (1921) của Quách Mạt Nhược được phát hành thì Thơ mới mới chính thức được khai màn, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc.
Cũng trong khoảng thời gian này, ở Hàn Quốc, ánh sáng duy tân từ Nhật Bản đã rọi tới. Sự xuất hiện tập thơ Niềm im lặng của tình yêu (1926) của tác giả Han Young-un được xem là thành tựu đầu tiên của Thơ mới tại đây([1]).
ở ấn Độ, với vai trò của Tagore, Thơ mới không chỉ xuất hiện và đạt thành tựu đỉnh cao ở quốc gia này mà còn có ảnh hưởng rộng rãi, chi phối văn học ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Còn ở Việt Nam, như chúng ta đã biết, từ khi “một lối Thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, những người không ngớt cổ súy cho nó như Phan Khôi, Nguyễn Thị Kiêm, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều,… đã được đáp lại bằng cả một phong trào rộng lớn để chỉ ít lâu sau đó, đến năm 1932, với sự xuất hiện của Thế Lữ, Thơ mới đã nhanh chóng giành được “toàn thắng” (chữ dùng của Hoài Thanh) khiến cho “trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan rã”.
Như vậy, Thơ mới đâu phải là hiện tượng cá biệt ở một nền văn học nào, mà là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nền văn học thuộc các quốc gia châu Á. Tuy thời điểm xuất hiện có thể sớm hoặc muộn hơn một chút tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở mỗi nước, nhưng nhìn chung đó là sản phẩm của lịch sử châu Á những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Dưới ánh sáng loại hình học và lý thuyết văn học so sánh, có thể dễ dàng nhận thấy những điểm tương đồng và dị biệt giữa các nền văn học trong khu vực mà Thơ mới là một hiện tượng đáng chú ý. Tuy ở những thời điểm khác nhau nhưng Thơ mới ở các nước cùng có chung những đặc điểm tạo nên những dấu hiệu loại hình khá tiêu biểu. Những tương đồng loại hình được tạo nên từ Thơ mới cho thấy sự tác động của những quy luật khách quan đến tiến trình văn học. Có thể xem đó là một hiện tượng văn học nảy sinh trong những điều kiện lịch sử xã hội và thẩm mỹ tương đồng mà các quốc gia châu á cùng trải qua.
 
T

tiemnguyen

tiếp nữa nè:
Từ thực tiễn lịch sử văn học các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, có thể xem Thơ mới, về một phương diện nào đó, là kết quả của quá trình tiếp xúc, giao lưu, ảnh hưởng phương Tây, tiếp thu phương Tây để cách tân, đổi mới và phát triển văn học. Nhưng đồng thời, ở phương diện khác, sự hình thành và phát triển của Thơ mới cũng được xem là sự tự ý thức, sự chủ động tiếp thu và tiếp biến các giá trị văn học tiến bộ để các nước châu á hiện đại hóa văn học, gia nhập tiến trình chung của văn học thế giới.
Trở lại với Thơ mới ở Việt Nam, có thể nói đây là hiện tượng đã từng ngốn không ít giấy mực của giới lý luận phê bình và công chúng yêu thích văn học Việt Nam suốt 80 năm qua. Như trên đã nói, Thơ mới có ở nhiều nước trong khu vực, nhưng hình như không ở đâu nó có số phận thăng trầm gống như ở nước ta. Ngay lúc mới ra đời, Thơ mới giống như đứa trẻ được o bế, cưng chiều, được đón nhận vồ vập. Chỉ trong 10 năm, nó đã qui tụ thành một phong trào rộng lớn với những tên tuổi và tài năng lừng lẫy, đưa thi đàn dân tộc lên đỉnh cao chưa từng thấy. Vào năm 1941, khi tổng kết phong trào Thơ mới, Hoài Thanh đã xem đó là Một thời đại trong thi ca. Sự xuất hiện và thắng thế của Thơ mới đã “làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch” của thơ cũ vốn bị gò bó bởi các qui phạm, điển phạm, các phép tắc, niêm luật, vần điệu, sáo ngữ,… từng ngự trị suốt 10 thế kỷ. Cùng với Thơ mới, một quan niệm văn học mới, một ý thức mới về cái tôi cá nhân, một hình thức mới thể hiện thế giới cảm xúc của con người, một cảm quan mới về nhân sinh và vũ trụ,… đã được xác lập. Cũng giống như văn xuôi của các nhà văn trong Tự lực văn đoàn, Thơ mới với những phẩm chất cách tân của nó đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngôn ngữ tiếng Việt nói chung, ngôn ngữ thơ ca nói riêng. Từ góc độ văn hóa có thể nhận thấy ở Thơ mới những giá trị tiềm ẩn, những điểm dung hợp giữa truyền thống với hiện đại. Tuy lúc đầu, khi phong trào đang phát triển bồng bột, những người cổ súy cho Thơ mới có lúc đã chĩa mũi nhọn tấn công vào thơ cũ (thơ truyền thống), nhưng khi giành toàn thắng, chính những đại diện của Thơ mới đã cung kính nhận lại những giá trị đích thực của truyền thống thi ca mà vào giai đoạn cuối không ít người đã có xu hướng quay trở lại.
Nhìn lại lịch sử văn học hiện đại, có lẽ chưa có một trào lưu, khuynh hướng thơ ca nào có nhiều tác giả tài năng kiệt xuất và nổi tiếng sớm (phần lớn là ở tuổi 19, 20) như phong trào Thơ mới. Khi cách mạng tháng Tám nổ ra, phần lớn những thành viên của Thơ mới lại đầu quân lại vào văn học cách mạng, trở thành những nhà thơ trụ cột, mang tài năng của mình ra phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Nhưng, do những ấu trĩ nhất thời, lịch sử văn học cũng đã có lúc thành kiến với Thơ mới khiến cho những giá trị đích thực và tự thân của nó có lúc bị lu mờ. Ngay cả một số tên tuổi cự phách của Thơ mới, trong một hoàn cảnh nào đó cũng từng ghẻ lạnh với cả những đứa con tinh thần tuấn tú của mình. Cũng may là chính lịch sử sau 40 năm, đến thời kỳ đổi mới (1986), dưới ánh sáng của tư duy mới, của tinh thần dân chủ mới, nhiều giá trị văn học từng bị bỏ sót hoặc đánh giá chưa thỏa đáng đã được nhận thức lại, trong đó có Thơ mới. Có thể nói sau sự bừng tỉnh của lý trí, Thơ mới lại được đón nhận với một thái độ tất hữu. Tầm vóc của hiện tượng thi ca có ý nghĩa khu vực và quốc tế này đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước xác quyết, minh định. Đó là một hiện tượng thơ ca có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc.
Kỷ niệm 80 năm Thơ mới (1932 - 2012) là dịp để khẳng định lại một lần nữa ý nghĩa cách tân to lớn của phong trào Thơ mới đối với lịch sử văn học hiện đại; khẳng định lại tài năng, tâm huyết và cống hiến xuất sắc của các nhà Thơ mới cho nền văn học nước nhà.
Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế đang diễn ra trên thế giới như một xu hướng không thể đảo ngược hiện nay, ôn lại những bài học từ Thơ mới thiết tưởng có thể mang lại cho chúng ta những suy nghĩ bổ ích, những kinh nghiệm lý thú, đặc biệt là về quá trình giao lưu như một qui luật phổ biến và tất yếu của sự phát triển văn học. Dưới tác động của qui luật đó, sự tìm tòi, thể nghiệm, cách tân vừa trở thành nhu cầu chủ quan, vừa trở thành nhu cầu khách quan của sự phát triển văn học. Nhưng cách tân theo hướng nào và như thế nào để thực sự tạo ra những bước phát triển đột biến làm cơ sở cho những sáng tạo nghệ thuật đích thực, làm sinh động, phong phú thêm cho nền văn học nói chung, cho thơ ca nói riêng, lại là vấn đề không đơn giản. Trước hết, cần một động cơ sáng tạo trung thực và sau đó là một tài năng, một vốn liếng tri thức văn hóa và văn học đủ để đảm bảo cho những tìm kiếm đúng hướng và có hiệu quả, có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Kinh nghiệm từ quá trình vận động và phát triển của Thơ mới cho thấy mọi kiếm tìm nếu chỉ dừng lại ở hình thức, chạy theo hình thức đơn thuần sẽ dẫn nhà thơ đến ngõ cụt. Một khi thơ đã bị tước đi yếu tố cảm xúc và giá trị nhân văn thì mọi nỗ lực gia công về kỹ thuật cùng lắm cũng chỉ biến thi ca thành trò chơi ngôn ngữ như các nhà cấu trúc đã làm mà thôi.
Trong khi công chúng đang tỏ ra thờ ơ đối với thơ thì đích đến của mọi cách tân bất kể là nội dung hay hình thức không thể là nơi không có công chúng. Nếu có một thống kê đầy đủ và tin cậy về số lượng công chúng của Thơ mới trong suốt 80 năm qua thì chắc chắn đó sẽ là con số có ý nghĩa, đáng để chúng ta suy ngẫm.


Nguồn: Văn nghệ
 
D

dohuyen123

Chào bạn
theo mình thơ Mới phần tác gia bạn phải ôn Xuân Diệu này, tác phẩm thì chú ý đến hoàn cảnh sáng tác, học thuộc thơ và các nội dung, nghệ thuật của từng bài, chú ý đến cảm xúc trữ tình trong từng bài thơ.
Mình nghĩ đây là những vấn đề trọng tâm đấy!
 
D

ductran95

Giúp e bình giảng đoạn thơ :"Ta muốn ôm cả sự sống..... hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi"nhé ^^ e cảm ơn
 
D

ductran95

Vẻ đẹp của thôn Vĩ trong bài thơ Đây thôn VĨ DẠ có đặc điểm j nổi bật ạ????
 
Top Bottom