Chào em thienthancute95!
Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình là 2 tác phẩm mang đậm tính sử thi. Cảm hứng lãng mạn có nhưng không phải là cảm hứng chủ đạo. Để giải quyết được đề bài trên của em, trước hết cần giải thích 2 khái niệm thế nào là chất sử thi và thế nào là cảm hứng lãng mạn?
Sau đó đối với từng khía cạnh em lại làm rõ hơn:
- Chất sử thi ở 2 tác phẩm
Giống là gì?
Khác là gì?
- Cảm hứng lãng mạn ở 2 tác phẩm
Giống là gì?
Khác là gì?
Chị có thể lấy ví dụ cho em 1 dàn ý so sánh chất sử thi của 2 tác phẩm dưới đây để em có thể dễ hình dung hơn:
Điểm giống:
+ Cả hai tác phẩm đều là những bản anh hùng ca hào hùng, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của những con người miền Nam"Kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ", miền Nam "anh dũng tuyệt vời", miền Nam "Trong lửa đạn sáng ngời" (Tố Hữu).Đó là những con người kiên cường, bất khuất, căm thù giặc ngùn ngụt và yêu quê hương tha thiết, giàu tình nghĩa, thủy chung son sắt với gia đình, với cách mạng và nguyện sống chết cho quê hương.
+ Hai tác phẩm đều là truyện ngắn rất thành công của mỗi tác giả, được viết ra khi tài năng của họ đã đạt đến độ chín muồi.
+ Bằng tài năng nghệ thuật đặc sắc, bằng vốn hiểu biết sâu rộng và tinh tế về con người Tây Nguyên, con người Nam bộ kiên cường mà giàu tình nghĩa, Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đã tạo dựng được những nhân vật điển hình, những anh hùng tiêu biểu cho con người miền Nam nói riêng, con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sôi nổi, quyết liệt, đầy gian khổ hy sinh mà rất đỗi vui tươi hào hùng.
Điểm khác:
- Rừng xà nu:
+ Giàu không khí Tây Nguyên và mang đậm chất sử thi hùng tráng, trang nghiêm
+ Các nhân vật được cấu tạo theo nhiều lớp, nhiều thế hệ
+ Các nhân vật được khắc hoạ không phải trên phương diện đời tư mà chủ yếu trên phương diện cộng đồng, dân tộc
+ Giọng điệu tác phẩm cũng mang đậm chất sử thi hùng tráng.Sự kết hợp giữa lời kể của nhân vật cụ Mết hài hoà với giọng điệu người kể chuyện, Rừng xà numang âm hưởng sử thi
- Những đứa con trong gia đình:
+ Giàu không khí Nam Bộ
+ Qua hệ thống hình tượng nhân vật của tác phẩm, Nguyễn Thi muốn nhằm giải thích về những phẩm chất anh hùng của những đứa con trong gia đình => khẳng định truyền thống gia đình
+ Các nhân vật trong Những đứa con trong gia đình được nhìn qua "một điểm nhìn trần thuật rất độc đáo". Đó là qua sự hồi tưởng và nhớ lại khi đứt, khi nối của Việt- một nhân vật chính của tác phẩm, khi bị thương nằm ngất đi giữa rừng. Khác với điểm nhìn trong Rừng xà nu , qua lời kể của cụ Mết, một già làng, người của hai thế hệ, trong Những đứa con trong gia đình, lại qua điểm nhìn trần thuật của Việt, một thành viên trong gia đình đã gợi nhắc được những kỷ niệm rất đỗi gần gũi thân quen rất đời thường.
+ Là nhà văn có biệt tài phân tích tâm lý, Nguyễn Thi quan tâm nhiều đến việc miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật với cái nhìn của cuộc sống đời thường.
+ Câu chuyện của Nguyễn Thi không dừng lại ở câu chuyện của một gia đình. Câu chuyện mà mỗi người sẽ viết một khúc đó, sẽ nối dài thành những dòng sông và trăm sông sẽ đổ ra biển cả. Do đó, từ những nhân vật cụ thể trong tác phẩm Nguyễn Thi đã khái quát được gương mặt cả một thế hệ trẻ miền Nam trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy bản lĩnh, giàu khát vọng niềm tin chiến thắng bởi sức mạnh lòng căm thù, tình yêu nước thiết tha và ý nghĩa thiêng liêng của cuộc kháng chiến thần thánh.
(Tài liệu sưu tầm chọn lọc, đã chỉnh sửa)