Văn TỔNG HỢP ĐỀ ÔN TẬP KÌ THI ĐẦU VÀO LỚP 10

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
804
1,014
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

ĐỀ SỐ 1
Câu 1(2 điểm):

Nhĩ chợt nhớ ngày bố mẹ anh mới cưới Liên từ một làng bên kia sông về làm vợ anh Liên vẫn đang còn mặc áo nâu và chít khăn mỏ quạ. So với ngày ấy bây giờ Liên đã trở thành một người đàn bà thị thành. Tuy vậy, cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm... Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này.
(Nguyễn Minh Châu, Bến quê, SGK Ngữ văn 9 tập 2, NXB Giáo dục, 2005, trang 105,106)
Đoạn văn trên gợi cho em suy nghĩ gì về nhân vật Nhĩ ?
Câu 2(3 điểm): Suy nghĩ của em về nội dung mẩu chuyện sau:
Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.
- Chiếc xe này của bạn đấy à? - Cậu bé hỏi.
- Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy. - Tôi trả lời, không giấu vẻ tự hào và mãn nguyện.
- Ồ, ước gì tôi... - Cậu bé ngập ngừng.
Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có đựơc một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.
- Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! - Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:
- Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.
(Hạt giống tâm hồn, tập 4, nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006, trang 16, 17)
Câu 3(5 điểm):
Hoài niệm về tuổi thơ trong bài Bếp lửa của Bằng Việt

ĐỀ SỐ 2
Câu 1(1,5 điểm)

a. Từ “xuân” trong câu thơ dưới đây được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b. Xác định từ láy trong câu thơ sau:
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 2 (2,5 điểm)
a. Tóm tắt đoạn trích truyện ngắn Lặng lẽ sa Pa của Nguyễn Thành Long (SGK Ngữ Văn 9, tập 1.NXB Giáo dục, 2005) không quá 15 dòng.
b. Nêu ngắn gọn chủ đề của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.
Câu 3 (2.0 điểm)
Viết đoạn văn khoảng 10 đến 15 dòng trình bày suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa con cháu đối với ông bà
Câu 4 (4,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ dưới đây:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...
(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ,
SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáodục, 2005)
ĐỀ SỐ 3
Câu 1(1,5 điểm)

a. Từ “xuân” trong câu thơ dưới đây được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b. Xác định từ láy trong câu thơ sau:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 2 (2,5 điểm)
a. Tóm tắt đoạn trích truyện ngắn Nhwngx ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê (SGK Ngữ Văn 9, tập 2.NXB Giáo dục, 2005) không quá 15 dòng.
b. Nêu ngắn gọn chủ đề của truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.
Câu 3 (2.0 điểm)
Viết đoạn văn khoảng 10 đến 15 dòng trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của con cháu với tổ tiên.
Câu 4 (4,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ dưới đây:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
(Nguyễn Duy, Ánh trăng,
SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáodục, 2005)
ĐỀ SỐ 4
Câu 1(1,5 điểm)

a. Từ “xuân” trong câu thơ dưới đây được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b. Xác định từ láy trong câu thơ sau:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 2 (2,5 điểm)
a. Tóm tắt đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng (SGK Ngữ Văn 9, tập 1.NXB Giáo dục, 2005) không quá 15 dòng.
b. Nêu ngắn gọn chủ đề của truyện ngắn Chiếc lược ngà.
Câu 3 (2.0 điểm)
Viết đoạn văn khoảng 10 đến 15 dòng trình bày suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa anh em ruột thịt trong gia đình.
Câu 4 (4,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ dưới đây:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ,
SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáodục, 2005)
ĐỀ SỐ 5
Câu 1(1,5 điểm)

a. Từ “xuân” trong câu thơ dưới đây được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b. Xác định từ láy trong câu thơ sau:
Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 2 (2,5 điểm)
a. Tóm tắt đoạn trích truyện ngắn Làng của Kim Lân (SGK Ngữ Văn 9, tập 1.NXB Giáo dục, 2005) không quá 15 dòng.
b. Nêu ngắn gọn chủ đề của truyện ngắn làng.
Câu 3 (2.0 điểm)
Viết đoạn văn khoảng 10 đến 15 dòng trình bày suy nghĩ của em về đạo làm con với cha mẹ.
Câu 4 (4,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ dưới đây:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

(Hữu Thỉnh, Sang thu)
SGK Ngữ văn 9 tập 2, NXB Giáo dục, 2005)
ĐỀ KIỂM TRA THỬ
Câu 1: (1 điểm)

Chỉ ra từ ngữ là thành phần biệt lập trong các câu sau. Cho biết tên gọi của thành phần biệt lập đó?
Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đó thưa thớt - cái giống hoa ngay khi mới nở màu sắc đã nhợt nhạt. Hẳn có lẽ vỡ đó sắp hết mựa, hoa đó vón trên cành, cho nờn mấy bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn.
(Bến quê - Nguyễn Minh Châu).
Câu 2: (3 điểm)
Suy nghĩ của em về cõu tục ngữ: Có chí thì nên.
Câu 3: (6 điểm)
Đọc đoạn thơ sau:
… “Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.
(Theo Ngữ văn lớp 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2010)
a. Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Của ai?
b. Tại sao tác giả lại viết “Người đồng mình” mà không phải là “Người Tày mình”?
c. Xác định thành ngữ trong đoạn thơ trên? Em hiểu ý nghĩa của thành ngữ đó như thế nào?
d. Nét đặc sắc của đoạn thơ trên?
ĐỀ SỐ 6
Câu 1:
Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được trần thuật từ nhân vật nào ? Nêu tác dụng của việc chọn ngôi kể đó (1 điểm)
Câu 2: (1 điểm)
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
(Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ)
Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong đoạn thơ trên. Cho biết thành phần ấy được dùng để làm gì trong đoạn thơ?
Câu 3: (3 điểm)
Trong loạt bài trên báo Tuổi trẻ chủ nhật bàn về thế hệ gấu bông có đề cập hai hiện tượng:
1. Một cô bé mười lăm tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!”.
2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng, không trả lời được.
Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng trên qua một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi).
Câu 4: (5 điểm)
Hãy chọn và phân tích một hoặc hai khổ thơ trong các bài thơ của chương trình văn học Việt Nam hiện đại lớp 9 để nêu bật vẻ đẹp con người Việt Nam.
ĐỀ SỐ 7
Câu 1: (1,0 điểm)

Cho đoạn văn
Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc... (Trích Lão Hạc-Nam Cao) a) Các câu trong đoạn văn trên liên kết với nhau bằng phép liên kết nào là chủ yếu? Chỉ rõ từ ngữ được dùng để phép liên kết trong đoạn văn?
b) Những từ ngữ nào trong đoạn văn có cùng trường từ vựng. Đặt tên cho trường từ vựng đó?
Câu 2:(2,0 điểm)
Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh
(Chợ tết - Đoàn Văn Cừ)
Câu 3: (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 12 dòng) theo cấu trúc tổng-phân-hợp có nội dung nghị luận về việc học lệch, học tủ của học sinh hiện nay.
Câu 4: (5,0 điểm)
Trong bài thơ Một khúc ca, Tố Hữu viết:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Em hiểu đoạn thơ trên như thế nào? Hãy phân tích ba khổ thơ cuối bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải để thấy điểm gặp gỡ trong tư tưởng của hai nhà thơ.
 
  • Like
Reactions: Đình Hải

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
804
1,014
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
ĐỀ SỐ 1:
Câu 1. Nêu được các ý cơ bản sau:

Sự thức tỉnh ở Nhĩ về giá trị và vẻ đẹp trong những gì bình dị thân thiết của đời sống.
Đối với Nhĩ, gia đình và quê hương có ý nghĩa như là chỗ dựa tinh thần của con người.
Câu 2:
Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau song cần nều được các ý cơ bản sau:
+ Chuyện kể về một cậu bé mơ ước có được một chiếc xe lăn để tặng người em tật nguyền của mình; sự trăn trở và lòng quyết tâm của cậu bé để biến ước mơ đó thành hiện thực.
Ước mơ của cậu bé tuy giản dị mà nhân ái, cao đẹp. Không phải ước mơ được đón nhận mà là được chia sẻ, bù đắp, yêu thương.
+ Câu chuyện cảm động giàu ý nghĩa nhân văn, ngợi ca tình yêu, sự sẻ chia trong cuộc sống nhất là đối với những người mà ta yêu thương nhất
Tình yêu có thể bù đắp phần nào những thiệt thòi và đem lại niềm hạnh phúc cho những người có hoàn cảnh éo le, bị tật nguyền. Tình yêu góp phần an ủi con người, giúp con người nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, số phận và lạc quan, mạnh mẽ, tự tin hơn trong cuộc sống.
Câu chuyện cho ta cảm nhận được ý nghĩa cũng như niềm hạnh phúc của yêu thương. Biết yêu thương và chia sẻ cũng là một niềm hạnh phúc ta nhận được từ cuộc sống. Hạnh phúc đâu chỉ là đón nhận mà còn là cho đi và ước mơ đẹp nhất là ước mơ đem lại hạnh phúc cho những người mà ta yêu thương nhất.
Nỗ lực để biến ước mơ đó trở thành hiện thực khiến con người trở nên cao đẹp, tự hào.
Thiếu tình yêu, cuộc sống trở nên trống rỗng còn thờ ơ trước cảnh ngộ éo le là biểu hiện của thói vô cảm, kỳ thị với người thua thiệt, tật nguyền con người sẽ trở nên ích kỷ, tàn nhẫn.
Phê phán lối sống vô cảm, ích kỷ, thiếu tình thương.
Cuộc sống còn nhiều người bất hạnh luôn cần yêu thương chia sẻ. Hãy quan tâm chia sẻ, tạo cơ hội và những điều kiện tốt nhất để những người bất hạnh, tật nguyền được bình đẳng như tất cả mọi người, để họ tự tin và sống tích cực, lạc quan hơn.
Thái độ của bản thân: biết yêu thương, chia sẻ, bỗi dưỡng tâm hồn để sống bao dung nhân ái và thể hiện tình yêu thương của mình bằng những việc làm cụ thể.
Câu 3:
Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau song cần nêu được các ý cơ bản sau:
Bếp lửa là hoài niệm đầy cảm xúc, suy tư và ấn tượng sâu sắc về tuổi thơ. Nói cách khác trong Bếp lửa, kỷ niệm được gợi lên trong hồi tưởng gắn với ấn tượng, cảm xúc, tình cảm sâu sắc đối với tuổi thơ.
- Hoài niệm về bà và về tình bà cháu:
Hình ảnh và nét đẹp tầm hồn của bà:
Người phụ nữ tần tảo, đảm đang, nhẫn nại và giàu tình yêu thương: sớm chiều nhóm lửa, hết lòng chăm lo cho cháu, cùng chia ngọt, sẻ bùi, chẳng quản ngại nhọc nhằn, gian khó, tận bây giờ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm.
Người luôn ấp ủ, nuôi dưỡng niềm tin bền bỉ vào cuộc sống. Bà không chỉ là người nhóm lửa mà còn là người giữ lửa, truyền lửa.
Tuổi thơ của cháu là những tháng ngày lam lũ, cơ cực nhưng được sống trong tình yêu thương ấm áp của bà.
- Hoài niệm về bếp lửa: Bếp lửa là hình ảnh bình dị, gắn bó vô cùng thân thiết với tuổi thơ của cháu. Hình ảnh bà gắn với hình ảnh bếp lửa nên bếp lửa gợi hình ảnh bà nhẫn nại, đầy tình yêu thương, gợi sự cưu mang đùm bọc đầy chi chút của bà.
Bếp lửa, ngọn lửa thiêng liêng, kỳ lạ trở thành biểu tượng của sức sống, niềm tin thiêng liêng nâng bước cháu trên đường dài. - Hoài niệm về những gì bình dị, thân thuộc của gia đình, quê hương; (tiếng chim tu hú kêu hoài tha thiết trên những cánh đồng xa, túp lều tranh, khoai sắn ngọt bùi, nồi xôi gạo mới).
- Hoài niệm về tuổi thơ thể hiện tình yêu tha thiết với quê hương, tình yêu và biết ơn sâu sắc đối với bà; là sự thấu hiểu về bà, về sức sống và niềm tin từ nơi bà truyền cho cháu.
- Hình ảnh ngôn ngữ bình dị, giàu sức biểu cảm; câu thơ 8 chữ chất chứa tâm tình, cảm xúc; sự kết hợp nhuần nhị giữa tự sự, trữ tình và bình luận.
ĐỀ SỐ 2
Câu1 (1,5 điểm):

a. Từ “xuân” được dùng với nghĩa gốc. (0,5 điểm)
b. Các từ láy: “nao nao, nho nhỏ” (1,0 điểm)
Câu 2(2,5 điểm):
a, Tóm tắt: Bài viết cần nêu được những tình tiết của cốt truyện trong đoạn trích.
+ Trên chuyến xe đi qua Sa Pa, bác lái xe kể về anh thanh niên- một chàng trai 27 tuổi, sống một mình trên đỉnh yên Sơn cao 2600mét, làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Đó là người cô độc nhất thế gian và rất thèm người.
+ Anh thanh niên xuất hiện và rất vui mừng khi được gặp mọi người. ông họa sĩ, cô kĩ sư đã có dịp chứng kiến cuộc sống một mình của anh và được anh say sưa kể về công việc cũng như những suy nghĩ của mình. Ông họa sĩ có mong muốn được vẽ chân dung của anh nhưng anh đã từ chối.
+ Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, giây phút chia tay diễn ra với nhiều cảm xúc và để lại ấn t ượng sâu đậm ở mỗi người, đặc biệt là cô kĩ sư và ông họa sĩ già. (2.0 điểm)
b. Nêu chủ đề: Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng trong cuộc sống (0,5 điểm).
Câu 3(2,0 điểm):
Đảm bảo các yêu cầu.
- Hình thức: là một đoạn văn, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp (0,25 điểm)
- Nội dung: Ông bà là thế hệ sinh thành nuôi dưỡng, tạo dựng nền móng con cháu, là cội nguồn của gia đình. Con cháu phải có lòng biết ơn, kính trọng đối với ông bà, phải có trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng để tỏ lòng hiếu thảo...ông bà phải là tấm gương cho con cháu noi theo. Mở rộng vấn đề: hiện nay vẫn còn hiện tượng không tôn trọng ông bà, đối xử chưa tốt với ông bà, trái với đạo lí làm người của dân tộc Việt Nam.
trình bày được lòng biết ơn đối với công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Là con cái phải nghe lời cha mẹ, có trách nhiệm với cha mẹ. Hiểu được niềm vui của cha mẹ là con cái thành đạt, hạnh phúc. Mở rộng vấn đề: Hiện nay trong xã hội vẫn có hiện tượng con cái cãi lại cha mẹ, ngược đãi cha mẹ, ăn ở với trái với đạo lí... (1,75 điểm).
Câu 4(4,0 điểm)
a. Hình thức: là một bài văn hoàn chỉnh, bố cục rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp (0,25 điểm)
b. Nội dung: Đảm bảo một số ý sau:
- Tác giả, tác phẩm:
+ Thanh Hải 1930- 1980 quê ở Phong Điền- Thừa Thiên- Huế. Ông là một trong những cây bút có công XD nền VHCM ở miền nam từ những ngày đầu.
+ Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ viết 1980, lúc nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Hai khổ thơ đầu của bài thơ miêu tả bức tranh mùa xuân trong sáng, đầy sức sống và cảm xúc rạo rực niềm yêu mến thiết tha cuộc sống của tác giả.
- Phân tích:
+ Khổ 1: Bức tranh mùa xuân hiện lên với những nét vẽ có tính chất chấm phá. Không gian tươi sáng, hài hòa giữa màu sắc, đường nét, âm thanh: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, bầu trời cao rộng...Âm thanh trong trẻo vang vọng của tiếng chim chiền chiện khiíen mùa xuân trở nên rộn rã, tươi vui hơn, âm thanh đó như đọng lại thành từng giọt long lanh rơi... Hình ảnh từng giọt long lanh rơi là hình ảnh đặc sắc, gợi nhiều liên tưởng ở người đọc. Cảm xúc của tác giả được thể hiện ở cái nhìn trìu mến, say mê trước cảnh vật, đặc biệt là động tác đón nhận đầy trân trọng: tôi đưa tay tôi hứng...Phân tích giá trị nghệ thuật của các biện pháp tu từ: đảo ngữ, ẩn dụ(...1,5 điểm)
+ Khổ 2: Mùa xuân gắn liền với cuộc sống của con người, của đất nước. Xuân đến, xuân về, xuân được tạo dựng cùng công cuộc lao động, chiến đấu của nhân dân. Xuân đồng hành cùng người cầm súng, người ra đồng... Phân tích ý nghĩa của từ: lộc, hối hả, xôn xao, điệp khúc cuối đoạn tất cả như hối hả, tất cả như xôn xao... (1,5 điểm)
- Đánh giá nâng cao: Hai khổ thơ là những nốt nhạc thiết tha trong bản giao hưởng bất tận về mùa xuân. Mùa xuân đất trời hòa quện cùng mùa xuân đất nước tạo nên một bức tranh đầy sức sống, thể hiện niêmg tin yêu cuộc đời của tác giả. Thể thơ 5 tiếng, nhạc điệu trong sáng, tha thiết, hình ảnh đẹp, giản dị mà gợi cảm ...đã góp phần thể hiện vẻ đẹp của bức tranh xuân và cảm xúc của nhà thơ...0,25 điểm.

ĐỀ SỐ 3
Câu1 (1,5 điểm):

a. Từ “xuân” được dùng với nghĩa chuyển.
b. Các từ láy: “rầu rầu, xanh xanh”
Câu 2(2,5 điểm):
a, Tóm tắt: Bài viết cần nêu được những tình tiết của cốt truyện trong đoạn trích.
Những ngôi sao xa xôi kể về 3 cô gái TNXP ở một tổ trinh sát phá bom trên cao điểm. Đó là Phương Định, Thao và Nho. Công việc được giao của các cô là ngồi quan sát địch ném bom, khi có bom nổ thì chạy lên đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Tình đồng đội của họ hết sức cao đẹp. Cuộc sống chiến đấu của ba cô gái trẻ nơi trọng điểm giữa chiến trường dù là khắc nghệt và muôn vàn nguy hiểm song các cô vẫn vui tươi, hồn nhiên, lãng mạn, gắn bó với nhau dù mỗi người một tính cách. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Phương Định và Thao đã chăm sóc chu đáo, tận tình (2,0 điểm).
b. Nêu chủ đề: Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái TNXP trên tuyến đường Trường Sơn. Đó là những hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ (0,5 điểm).
Câu 3(2,0 điểm):
Đảm bảo các yêu cầu.
- Hình thức: là một đoạn văn, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp (0,25 điểm)
- Nội dung: trình bày được trách nhiệm của con cháu đối với tổ tiên. Đó là lòng biết ơn cội nguồn. Những biểu hiện cụ thể như vào dịp lễ tết tưởng nhớ đến những người đã khuất. Phát huy được truyền thống gia đình, dòng tộc. Mở rộng vấn đề: phê phán những hành động vô ơn với tổ tiên, trái với đạo lí... (1,75 điểm).
Câu 4(4,0 điểm)
a. Hình thức: là một bài văn hoàn chỉnh, bố cục rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp (0,25 điểm)
b. Nội dung: Đảm bảo một số ý sau:
- Tác giả, tác phẩm:
+ Nguyễn Duy sinh năm 1848, quê ở Thành phố Thanh Hóa. Ông là một nhà thơ tiêu biểu trong kháng chiễn chống Mĩ (0,25 điểm)
+ Bài thơ ánh trang in trong tập thơ cùng tên viết năm 1978. hai khổ cuối là niềm khát khao hướng thiện, sự tri ân với quá khứ. (0,25 điểm).
- Phân tích:
+ Khổ 4: Tình huống mất điện đối mặt với vầng trăng đã làm sống dậy bao cảm xúc trong lòng nhà thơ. Trang là thiên nhiên, là đồng, là bể, là ssông , là rừng; trăng còn là biểu tượng cho quá khứ vẹn nguyên, nghĩa tình. Đối mặt với trăng cũng là đối mặt với chính mình, với quá khứ đó. Các hình ảnh: như là ssồng là bể, như laf sông là rừng trong kết cấu đầu cuối tương ứng còn mang ý nghĩa nhấn mạnh niềm khát khao hướng thiện của con người (1.5 điểm).
+ Khổ 5: Phân tích các từ: cứ, vành vạnh, im, phăng phắc, giật mình. Vầng trăng hiền dịu bao dung, độ lượng mà nghiêm khắc đủ khiến con người phải giật mình dừng lại để suy nghĩ, để sám hối để ân hận. Đó cũng là bắt đầu của cuộc tự vấn lương tâm rất đáng trân trọng. (1.5 điểm).
Đánh giá nâng cao: Khổ thơ là sự tự nhận thức về mình và niềm khát khao hướng thiện của con người đừng bao giừo lãng quên quá khứ, luôn biết tri ân với quá khứ. Thành công nghệ thuật của đoạn thơ là những hình ảnh giàu tính biểu cảm, giọng điệu tâm tình, tự nhiên, gần gũi, mà chất chứ suy ngẫm triết lí... (0,25 điểm)
ĐỀ SỐ 4
Câu1 (1,5 điểm):

a. Từ “xuân” được dùng với nghĩa gốc. (0,5 điểm)
b. Các từ láy: “thấp thoáng, xa xa” (1,0 điểm)
Câu 2(2,5 điểm):
a, Tóm tắt: Bài viết cần nêu được những tình tiết của cốt truyện trong đoạn trích.
+ Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến lúc bé Thu mới chưa được đầy một tuổi. Bảy năm sau ông mới được về thăm nhà. Trong 3 ngày ở nhà, ông vui mừng muốn vỗ về ôm ấp con nhưng con không nhận là cha mà ăn nói cộc lốc, trống không, có thái độ và những hành động không chấp nhận ông Sáu là cha của mình. Nguyên nhân vì trên mặt ông Sáu có một vết thẹo không giống như trong ảnh. Bé Thu đã được ngoại giải thích, nó nhận ông Sau là cha trong niềm xúc động.
+ Ông Sáu phải trở lại đơn vị công tác. Ông đã dồn hết tình yêu thương, nỗi nhớ đứa con gái yêu vào việc làm một chiếc lược ngà để tặng con. Trong một trận càn, ông đã hi sinh. Trước lúc nhắm mắt, ông còn kịp trao cây lược ấy cho một người bạn. Cuối cùng, chiếc lược ấy đến được tay bé Thu thì cha con không bao giờ được hội ngộ nữa. (2,0 điểm)
b. Nêu chủ đề: Đoạn trích truyện Chiếc lược ngà ca ngợi tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. (0,5 điểm)
Câu 3 (2,0 điểm):
Đảm bảo các yêu cầu.
- Hình thức: là một đoạn văn, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp (0,25 điểm)
- Nội dung: Trình bày tình cảm anh em ruột thịt gắn bó như chân với tay, như cội với cành. Phải yêu thương nhau giúp nhau trong cuộc sống. Biết chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời. Mở rộng vấn đề: vẫn có hiện tượng anh em mất đoàn kết, không thông cảm dẫn đến xích mích, hiểu lầm nhau, sống không có tôn ti trật tự trái với đạo lí... (1,75 điểm).
Câu 4(4,0 điểm)
a. Hình thức: Là một bài văn hoàn chỉnh, bố cục rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp (0,25 điểm)
b. Nội dung: Đảm bảo một số ý sau:
- Tác giả, tác phẩm:
+ Thanh Hải 1930- 1980 quê ở Phong Điền- Thừa Thiên- Huế. Ông là một trong những cây bút có công XD nền VHCM ở Mnam từ những ngày đầu.
+ Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ viết 1980, lúc nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Hai khổ thơ 4,5 thể hiện ước vọng làm một mùa xuân nho nhỏ của tác giả. (0,25 điểm)
- Phân tích:
+ Khổ 4: Tập trung thể hiện, làm nỏi bật ước nguyện muốn dâng hiến mùa xuân nho nhỏ của mình cho mùa xuân của dân tộc, muốn hóa thân thành con chim hót, cành hoa, nốt trầm...để điểm tô cho mùa xuân đất nước. Phân tích các biện pháp điệp ngữ: ta làm để thấy được sự tha thiết, cháy bỏng, chân thành trong ước nguyện của nhà thơ (1,5 điểm)
+ Khổ 5: Phân tích làm nổi bật sự thầm lặng, khiêm nhường, giản dị trong ước nguyện của nàh thơ. Phân tích các hình ảnh hoán dụ: tuổi hai mươi, khi tóc bạc, điệp ngữ dù là...để thấy được khát khao cống hiến trọn vẹn mãi mãi của tác giả cho đất nước (1,5 điểm)
- Đánh giá, nâng cao: Hai khổ thơ là một điệp khúc của ước nguyện chân thành: cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Đó cũng là bức thông điệp mà tác giả muốn chuyển tới người đọc. Biện pháp tu từ: điệp ngữ, hoán dụ kết hợp với nhịp điệu thiết than, sâu lắng đã giúp tác giả chuyển tải thành công tư tưưỏng tình cảm của mình (0,25 điểm)
ĐỀ SỐ 5
Câu1 (1,5 điểm):

a. Từ “xuân” được dùng với nghĩa chuyển. (0,5 điểm)
b. Các từ láy: “tà tà, thơ thẩn” (1,0 điểm)
Câu 2(2,5 điểm):
a, Tóm tắt: Bài viết cần nêu được những tình tiết của cốt truyện trong đoạn trích.
+ Ông Hai rất yêu làng chợ Dầu. ở vùng tản cư, suốt ngày ông kể về làng, khoe về làng. (0, 5điểm)
+ Khi nhận được tin làng chợ Dầu theo Tây, ông rất đau khổ nằm lì trong nhà ba bốn ngày liền. (0,5 điểm)
+ Ông Hai nghe được tin cải chính: Làng chợ Dầu không phải là làng Việt gian, không theo Tây. Ông sung sướng đi khoe với mọi người. Mặ dù nhà bị đốt, nhưng ông Hai lại rất vui mừng vì làng ông vẫn là làng kháng chiến. (1,0 điểm).
b. Nêu chủ đề: Thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư (0,5 điểm).
Câu 3(2,0 điểm): Đảm bảo các yêu cầu.
- Hình thức: là một đoạn văn, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp (0,25 điểm)
- Nội dung: trình bày được lòng biết ơn đối với công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Là con cái phải nghe lời cha mẹ, có trách nhiệm với cha mẹ. Hiểu được niềm vui của cha mẹ là con cái thành đạt, hạnh phúc. Mở rộng vấn đề: Hiện nay trong xã hội vẫn có hiện tượng con cái cãi lại cha mẹ, ngược đãi cha mẹ, ăn ở với trái với đạo lí... (1,75 điểm).
Câu 4(4,0 điểm)
a. Hình thức: Là một bài văn hoàn chỉnh, bố cục rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp (0,25 điểm)
b. Nội dung: Đảm bảo một số ý sau:
- Tác giả, tác phẩm:
+ Hữu Thỉnh sinh năm 1842, quê ở Tạm Dương, Vĩnh Phúc. Ông là một nhà thơ tiêu biểu trong kháng chiễn chống Mĩ (0,25 điểm)
+ Bài thơ Sang thu viết năm 1977, in trong tập Từ chiến hào đến thành phố. Hai khổ đầu là cảm nhận tinh tế của tác giả về những biến chuyển của trời đất ở thời khắc giao mùa từ hạ sang thu, được thể hiện qua hình ảnh và ngôn từ giàu sức biểu cảm. (0,25 điểm).
- Phân tích:
+ Khổ 1: Nhà thơ cảm nhận sự chuyển biến của trời đất ở thời khắc sang thu qua hương vị: hương ổi, qua vận động của gió của sương: gió se, sương chùng chình. Hương ổi nồng nàn lan trong gió bắt đầu hơi se lạnh, sương thu chùng chình chậm lại...Mùa thu sang ngỡ ngàng được cảm nhận qua sự phán đoán. Phân tích các từ: bỗng, phải, chùng chình, hình như ... (1.5 điểm).
+ Khổ 2: Không gian mở rộng từ dòng sông đến bầu trời. Dòng sông mùa thu chảy chậm hơn, cánh chim bắt đầu vội vã như cảm nhận được cái se lạnh của tiết trời...Hình ảnh đám mây duyên dáng, mềm mại như một dải lụa nối hai mùa hạ và thu...Phân tích các từ: dềnh dàng, vội vã, ... (1.5 điểm).
- Đánh giá nâng cao: Bằng những hình ảnh, ngôn từ giàu sức gợi cảm, hai khổ thơ đã tái hiện một bức tranh sang thu đẹp, gợi cảm, nên thơ. Qua đó cho thấy sự quan sát và cảm nhận tinh tế của nhà thơ về khoảnh khắc giao mùa. ẩn trong đó là tình yêu tha thiết mà tác giả dành cho quê hương xứ sở của mình.... (0,25 điểm)
ĐỀ SỐ 6
Câu 1:

Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được trần thuật từ nhân vật Phương Định, cô thanh niên xung phong làm công tác trinh sát mặt đường trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ngôi kể nói trên có tác dụng làm cho giọng kể có tính chất tự nhiên, thoải mái, trẻ trung, phù hợp với đặc điểm của nhân vật. Ngoài ra, chọn ngôi kể như thế sẽ làm tăng tính chất thuyết phục của tác phẩm (câu chuyện được kể từ người trong cuộc) và thể hiện sống động tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn của những cô gái thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn trong thời chống Mỹ, nhất là của nhân vật chính: Phương Định.
Câu 2:
Thành phần biệt lập trong đoạn thơ trên thể hiện ở từ “Ôi”. Đây là thành phần cảm thán. Trong đoạn thơ nó được sử dụng để biểu hiện cảm xúc (lòng yêu mến) của nhà thơ đối với tiếng Việt.
Câu 3:
• Mở bài: Đặt vấn đề: Sự vô tâm của thế hệ gấu bông đã làm giật mình các bậc cha mẹ. Hai hiện tượng mà báo Tuổi trẻ Chủ nhật đã nêu là khá phổ biến. Đó cũng là thể hiện của sự suy tàn về chữ hiếu và vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người Á Đông. Hai hiện tượng trên như một lời cảnh tỉnh đối với bổn phận làm con của chúng ta.
• Thân bài:
+ Biểu hiện: Giải thích nội dung của hai hiện tượng trên nói lên sự vô tâm của thế hệ trẻ đối với những người thân yêu nhất, có công nuôi dưỡng và bảo bọc chúng ta từ khi mới sinh ra – đó là cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, ...Hình ảnh một em bé thờ ơ khi mẹ đi nhặt đồ và hồn nhiên nói: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!” cũng như hình ảnh một cậu học sinh rất rành về sở thích của ca sĩ cậu yêu thích mà chẳng biết gì về sở thích, nghề nghiệp, tâm trạng và niềm đau của bố mẹ mình. Điều đó đã tạo nên sự phản cảm mạnh mẽ trong tâm hồn người đọc.
+ Nguyên nhân:
_ Giới trẻ thường chỉ quan tâm tới cuộc sống và sở thích của mình, đó là một trong những biểu hiện của thói ích kỉ.
_ Bậc cha mẹ thiếu sâu sát, thiếu quan tâm đúng mực đến hành vi, sở thích và nhân cách của con.
_ Nhà trường và xã hội thiếu phương pháp giáo dục đúng mực, thiếu những hoạt động để rèn luyện nhân cách của học sinh và gắn kết con cái với cha mẹ.
_ Nhà trường và gia đình còn thờ ơ với việc giáo dục cẩn trọng về đạo đức làm người và những đức tính như: hiếu thảo, lòng biết ơn, lòng nhân ái, tính vị tha, khả năng chia sẻ với những người thân yêu, ...
+ Hậu quả:
_ Nếu không khắc phục được những hiện tượng này, xã hội càng ngày càng trở nên băng hoại về đạo đức và sự vô cảm càng ngày càng trở nên phổ biến.
_ Những hiện tượng trên là nhát dao cứa vào lương tâm của những người Việt Nam có đạo đức, là nỗi đau dai dẳng cho thế hệ cha anh.
_ Những hiện tượng trên là sự xói mòn về đạo đức, là sự chạy theo những nét đẹp phù phiếm và hư ảo, bỏ quên những nét đẹp chân thật và những tình cảm thiêng liêng.
+ Cách khắc phục:
_ Chủ quan: bản thân mỗi con người phải ý thức về trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội, rèn luyện lòng nhân ái, lòng vị tha từ những việc nhỏ nhặt nhất.
_ Khách quan: gia đình, nhà trường và xã hội nên chú trọng hơn về việc giáo dục nhân cách cho học sinh, dạy học sinh biết quan tâm tới những người thân yêu, gần gũi với mình, dạy học sinh biết cảm nhận vẻ đẹp cùa lòng vị tha, sự chia sẻ, đồng cảm và lối sống có trách nhiệm.
_ Lên án mạnh mẽ lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, ích kỉ.
• Kết bài: Hai hiện tượng trên đã đánh thức lương tâm của những người đã từng mắc vào những lỗi lầm tương tự. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh đối với thế hệ trẻ nói riêng và đối với tất cả những người Việt Nam.
Câu 4: Đây là một đề làm văn có tính chất tự do. Nó cho phép người làm bài được tự do lựa chọn đối tượng để phân tích. Tuy nhiên, người làm bài phải tôn trọng những giới hạn được quy định trong đề. Thứ nhất, người làm bài chỉ được phép chọn một hoặc hai khổ thơ (không được hơn hai khổ thơ hoặc cả bài). Một, hai khổ thơ đó phải ở trong các bài thơ thuộc chương trình văn học Việt Nam hiện đại lớp 9 (Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Bếp lửa, Ánh trăng, Đoàn thuyền đánh cá, Mùa xuân nho nhỏ, Viếng lăng Bác, Sang thu, Nói với con). Thứ hai, các khổ thơ được chọn phải có nội dung liên quan tới vẻ đẹp của con người Việt Nam. Thứ ba, khi phân tích, người làm bài phải có ý thức nêu bật được vẻ đẹp của con người Việt Nam trong một hoặc hai khổ thơ nói trên. Những vi phạm các yêu cầu nói trên sẽ làm cho bài viết rơi vào tình trạng xa đề, lan man hoặc lạc đề.
Để có được kết quả tốt, bài viết còn phải có bố cục rõ ràng. Bài viết không mắc các lỗi về hành văn. Đặc biệt, phải thực hiện tốt thao tác phân tích một đoạn thơ, phải phân tích những yếu tố nghệ thuật của thơ để làm rõ giá trị của nó.
Đây là một câu hỏi làm văn. Cho nên bài viết phải có đủ ba phần : mở bài, thân bài, kết bài. Trong phần mở bài, nên giới thiệu tác giả, bài thơ và đặc biệt là một hoặc hai khổ thơ được chọn để phân tích. Trong phần thân bài, cần giới thiệu vị trí của phần thơ được chọn trong bài thơ, giới thiệu đại ý của phần thơ được chọn. Sau đó, phân tích và làm rõ vẻ đẹp của con người Việt Nam trong phần thơ đó. Có thể, nhận xét và đánh giá ý nghĩa của phần thơ đối với cả bài, đối với đề tài. Cuối cùng, trong phần kết bài cần tổng kết khẳng định phần thơ thể hiện vẻ đẹp của con người Việt Nam.
Có thể hình dung vẻ đẹp của con người Việt Nam qua các bài thơ như sau :
- Đồng chí: vẻ đẹp của tình đồng chí ở những con người xuất thân từ đồng ruộng, gắn bó với nhau, lạc quan trong cuộc sống chiến đấu gian khổ.
- Bài thơ về tiểu đội xe không kính: vẻ đẹp của người bộ đội lái xe trên đường mòn Trường Sơn thời đánh Mỹ: ung dung, lạc quan, khí phách, hiên ngang coi thường khó khăn gian khổ, yêu thương đất nước và miền Nam ruột thịt.
- Đoàn thuyền đánh cá: vẻ đẹp của người lao động, của người ngư dân trong công cuộc lao động xây dựng đất nước (lạc quan, chủ động, tích cực, hào hùng, đầy ân tình).
- Bếp lửa: vẻ đẹp của tình bà cháu; vẻ đẹp của người bà, người phụ nữ Việt Nam giàu lòng yêu thương (gia đình, đất nước), tần tảo hy sinh, chịu thương chịu khó; tấm lòng biết ơn trân trọng của cháu đối với bà.
- Ánh trăng: vẻ đẹp của con người Việt Nam thể hiện trong sự gắn bó ân tình của con người với thiên nhiên, trong lời nhắc nhở phải biết thủy chung, uống nước nhớ nguồn.
- Mùa xuân nho nhỏ: vẻ đẹp của con người Việt Nam: yêu thiên nhiên; hăng hái tích cực trong lao động xây dựng đất nước và chiến đấu bảo vệ tổ quốc; vẻ đẹp của con người nguyện cống hiến cả đời cho đất nước, nguyện làm một “mùa xuân nho nhỏ” cho đời.
- Viếng lăng Bác: vẻ đẹp của Bác Hồ, “mặt trời trong lăng rất đỏ”; vẻ đẹp của tấm lòng trân trọng, kính yêu đối với Bác Hồ.
- Sang thu: vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm trước sự biến chuyển của thiên nhiên trong lúc giao mùa.
- Nói với con: vẻ đẹp của con người Việt Nam được thể hiện trong lời tâm tình, nhắn nhủ của người cha đối với con: phải biết yêu quý gắn bó với gia đình, với quê hương, với đất nước; phải biết tự hào về vẻ đẹp của truyền thống, của đất nước; phải sống xứng đáng với gia đình, với đất nước.
Đây là một số gợi ý chung của cả bài. Mỗi phần thơ được chọn sẽ có nội dung cụ thể. Người làm bài sẽ căn cứ vào phần thơ đó phân tích để làm rõ vẻ đẹp cụ thể được biểu hiện trong phần thơ.
ĐỀ SỐ 7
Câu 1: (1,0 điểm)

a. Đoạn văn chủ yếu liên kết cấu bằng phép lặp: từ “lão” xuất hiện ở các câu 1,3,4 (0,5 điểm)
b. Trong đoạn văn có các trường từ vựng: (0,5 điểm)
+ Chỉ bộ phận cơ thể: đầu, mặt, mắt, miệng.
+ Chỉ hoạt động: co rúm, xô lại, ép, ngoẹo, mếu, khóc.
Câu 2: (2,0 điểm)
- Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: so sánh, nhân hóa; kết hợp các động từ, tính từ. (1,0 điểm)
+ So sánh: Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa, sương trắng như giọt sữa của người mẹ thiên nhiên ban tặng cho đời.
+ Nhân hóa: tia nắng nháy, núi uốn mình - áo the, đồi thoa son-nằm, tạo cho cảnh vật thiên nhiên như mang hồn con người
+ Mật độ xuất hiện đậm đặc của các tính từ, động từ: trắng, xanh, son, rỏ, nháy, uốn, thoa, nằm...)
- Hiệu quả: tạo bức tranh sinh động, tươi tắn, có hồn và rực rỡ, đầy sức sống của cảnh trí thiên nhiên; gợi cuộc sống thanh bình, yên ả, tươi đẹp của đồng quê. (1,0 điểm)
Câu3: (2,0 điểm)
Về hình thức: (0,5 điểm) đoạn văn phải đúng cấu trúc T-P- H, khoảng 11 đến 13 dòng
Về nội dung: (1,5 điểm)
- Giải thích thế nào là học lệch, học tủ (0,5 điểm)
+ Học lệch: chỉ tập trung vào một môn theo năng khiếu và sở thích của mình.
+ Học tủ: chỉ tập trung vào một bài hoặc một vài bài nào đó do phán đóan sẽ được kiểm tra.
- Tác hại: (0,5 điểm)
+ Kiến thức nhớ không lâu, nắm kiến thức không được đầy đủ.
+ Không hiểu sâu kiến thức nên không vận dụng được vào cuộc sống.
+ Không thể có kiến thức tòan diện.
- Cần thay đổi quan niệm học tập để đạt kết quả cao hơn (0,5 điểm)
Câu 4: (5,0 điểm)
* Yêu cầu chung:
1. Phân tích, giải thích ý nghĩa đoạn thơ của Tố Hữu:
- Hai câu đầu mượn hình ảnh con chim, chiếc lá để thể hiện quy luật của thiên nhiên: con chim dâng tặng cho đời tiếng hót, chiếc lá dâng tặng cho đời màu xanh. Đó là những gì tinh túy nhất để làm cho cuộc sống thêm hương sắc và thêm sức sống.
- Hai câu thơ sau nói về quy luật của cuộc sống con người: Đó là quy luật vay-trả, nhận và cho. Suy rộng ra con người sống không phải là để hưởng thụ vật chất hay tinh thần của thiên nhiên, của cuộc sống và phải biết cống hiến, biết làm đẹp cho xã hội ngày càng phát triển. Đó là cách sống có ý nghĩa. Quan điểm đó xuất phát từ đạo lí truyền thống của dân tộc ta
- Cách lập luận: Phải...phải, lẽ nào... mà là lời khẳng định mang tính quy luật
2. Phân tích so sánh ba đoạn thơ của Thanh Hải trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
Về nội dung:
- Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, Thanh Hải bày tỏ khát vọng rất khiêm nhường của mình qua hình ảnh con chim, bông hoa để làm đẹp cho mùa xuân đất nước, (Có thể liên hệ khát vọng cống hiến của Thiền sư Mãn Giác qua bài Cáo tật thị chúng để bài viết có chiều sâu) (D/C và phân tích).
- Mỗi người dù ở lứa tuổi nào, nghề nghiệp gì cũng phải là một mùa xuân nho nhỏ để góp phần làm đẹp cho mùa xuân của dân tộc (D/C và phân tích).
- Bài thơ kết thúc bằng làn điệu dân ca xứ Huế ngọt ngào, hòa cùng khúc ca chung của dân tộc. Qua đó thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của tác giả (Dẫn chứng và phân tích).
Về nghệ thuật:
- Thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu, những hình ảnh tiêu biểu, các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ và giọng điệu giàu cảm xúc.
3. So sánh:
- Hai nhà thơ gặp nhau ở quan niệm về lẽ sống: Không sống hưởng thụ, ích kỉ, phải biết cống hiến, vị tha. Đây là quan điểm sống đẹp, cao thượng và đáng trân trọng.
- Họ đều lựa chọn những hình ảnh, những sự vật bình dị nhưng có ích để thể hiện khát vọng của mình.
- Họ đều là những con người sống có lí tưởng, có niềm tin vào tương lai đất nước.
- Lời thơ của cả hai tác giả đều thiết tha, cảm xúc chân thành.
-> Rút ra bài học cho bản thân hoặc lời đề nghị với mọi người: Phải chuẩn bị cho mình những phẩm chất, trí tuệ để xây dựng và phát triển đất nước.
 
  • Like
Reactions: Đình Hải
Top Bottom