Mình có bài báo này .
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Về từ "tồn tại"
Lao Động Cuối tuần số 19 Ngày 20/05/2007
Lâu nay, trên báo chí hoặc trong nhiều văn bản, báo cáo ở các hội nghị, hội thảo và trong giao tiếp hằng ngày, nhiều người dùng từ "tồn tại" rất tuỳ tiện, ngẫu hứng, không đúng nghĩa!
Theo cách nói (viết) của những người này, "tồn tại" tức là khuyết điểm, thiếu sót, hạn chế, yếu kém chưa được giải quyết. Ở rất nhiều văn bản, báo cáo, phần trên viết: "Những thành tích đã đạt được", nhưng phần dưới lại có tiêu đề: "Những việc tồn tại". Nói và viết như vậy, chẳng những dùng sai nghĩa của từ "tồn tại", mà còn thể hiện sự cẩu thả, dễ dãi, ít hiểu biết về ngôn ngữ.
"Tồn tại" là một từ Hán-Việt. Trong nhiều cuốn từ điển của Trung Quốc và Việt Nam đều có từ "tồn tại", nhưng không thấy cuốn nào giải nghĩa "tồn tại" là hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm cả. "Tồn tại" gồm hai từ tố (yếu tố cấu tạo từ): "tồn" và "tại". "Tồn" là còn. Ngoài ra, "tồn" còn có hai nghĩa là: xét tới, cất giữ lại (bảo tồn, tồn trữ). "Tại": là ở, là còn.
Cuốn "Từ điển Hán-Việt" của Đào Duy Anh (NXB TP.Hồ Chí Minh, 1999), trang 307, (quyển hạ) giải nghĩa "tồn tại" là: "hiện còn ở đó (exister)". Cuốn "Từ điển tiếng Việt" (NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 1997), trang 977, giải nghĩa "tồn tại" là: "Ở trạng thái có thật, con người có thể nhận biết bằng giác quan, không phải do con người tưởng tượng ra"; ngoài ra, còn có một nghĩa (dùng hạn chế) là: "Còn lại, chưa mất đi, chưa được giải quyết".
Như vậy, theo tôi, nếu muốn nói về những thiếu sót, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm cần phải giải quyết, thì phải nói rõ: "Những yếu kém tồn tại chưa được giải quyết", hoặc "Những yếu kém tồn tại", chứ không nên nói cộc lốc (nói tắt (!) là "Những vấn đề tồn tại".
"Tồn tại" còn là một khái niệm triết học, nói về cái tự nhiên, cái hiện có, như: Vật chất, thế giới bên ngoài, thực tại khách quan, để phân biệt với ý thức, tư tưởng, cảm giác (Xem "Từ điển triết học" của M.Rodental và P.Yudin (chủ biên), NXB Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr.858). Nhà triết học người Pháp R.Décarte (1596-1650) có câu nói nổi tiếng: "Tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại".
Tóm lại, "tồn tại" có nghĩa đúng và thông dụng, là: Cái hiện có, cái có thật. Thành tích, thắng lợi, thành tựu, kết quả đạt được, cũng như những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót, yếu kém, cho đến cả cái bàn, cái ghế, quyển sách, tờ báo, v.v... có thật, hoặc hiện có trong đời sống, đều là những cái "tồn tại".
Thí dụ, có thể viết về thắng lợi và những mặt còn thiếu sót trong thời kỳ đổi mới của ta, bằng đoạn văn sau: "Hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, một tồn tại khách quan không thể phủ nhận là những thành tựu to lớn về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá và đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện...". Đấy là một cách dùng đúng từ "tồn tại".
Về việc lạm dụng từ gốc Hán (và các từ ngữ nước ngoài khác), Bác Hồ đã dạy: "Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng lung tung, nhiều khi không đúng... Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà ta có thì phải dùng tiếng ta" (Hồ Chí Minh - Về vấn đề giáo dục", NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr.118-119).
Đào Ngọc Đệ (Hải Phòng)