Sử Tình hình nhà Đường, nước ta (Âu Lạc cũ) trước khởi nghĩa họ Khúc (cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X)

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Lời người viết: bài này được tác giả trích lược từ bài viết của một sinh viên ngành sử, trường ĐH KHXHNV viết về vấn đề này. Nguồn bài viết sẽ để ở cuối bài này.

1. Tình hình Trung Quốc cuối thời Đường
Tính đến thời điểm kết thúc loạn An Sử (763), nhà Đường đã trải qua thời kỳ Sơ Đường (618 - 741) và đang trong thời kỳ Trung Đường (742 - 829). Thời kỳ này đã chứng kiến sự trượt dài của nhà Đường từ chỗ cường thịnh xuống suy yếu, biểu hiện là các bộ tộc thiểu số như Hồi Hột, Thổ Phồn, Nam Chiếu, các phiên trấn đã nổi lên chống lại triều đình.
Bước sang thời kỳ Hậu Đường (829 - 907), triều đình nhà Đường đã hết sức đổ nát, các vua Đường như Hiến Tông, Mục Tông, Kính Tông, Văn Tông,… tin dùng hoạn quan, với văn thần võ tướng có nhiều công lao đều lần lượt bị đối xử một cách lạnh nhạt. Cuốn Sử Trung Quốc của tác giả Nguyễn Hiến Lê có đoạn đề cập đến nỗi lòng của vua Đường Văn Tông trước cảnh bị hoạn quan bức hiếp như sau: “Ta không bằng Noản Vương nhà Chu, Hiến đế nhà Hán, các ông ấy bị cường thần áp bức, ta bị gia nô áp bức”.
Đặc biệt, sau khi dẹp được khởi nghĩa nông dân và nạn hoạn quan tham chính thì một số tướng lĩnh trở nên chuyên quyền, bức hiếp cả hoàng đế như trường hợp của Lý Khắc Dụng - vốn là tù trưởng của người Sa Đà (cư ngụ ở vùng phía Bắc Trung Quốc) kiêm giữ chức Đại Đồng Tiết độ sứ sau khi đem quân về kinh đô đánh lui đội quân của Hoàng Sào giúp vua Đường Hy Tông thì ông ta trở nên lộng hành và bức hiếp cả vua và Chu Toàn Trung - vốn là tướng cũ của Hoàng Sào nhưng phản bội về với triều đình và quay lại đánh giết những người theo Hoàng Sào nên được phong là Tiết độ sứ. Chu Toàn Trung đã mau chóng đánh bại Lý Khắc Dụng. Sau đó, dẫn đại quân về kinh đô, tiêu diệt tất cả hoạn quan từng làm cho triều đình bao phen nghiêng ngửa nhưng lại ỷ thế đó để lộng quyền nên Đường Chiêu Tông phải phong ông tước Lương vương. Năm 904, Chu Toàn Trung giết vua Đường Chiêu Tông, đưa Lý Chúc lên ngôi (tức vua Đường Ai Đế).
Còn một vấn đề nữa là nạn cát cứ ngày càng tăng với tính chất ác liệt kéo theo sự ra đời của các phiên trấn đã làm suy giảm quyền lực của chính quyền trung ương.
Trong cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, tác giả Đào Duy Anh đã khái quát tình hình chính trị cuối thế kỷ IX ở Trung nguyên như sau: “Chính sự nhà Đường bấy giờ đã suy yếu. Triều quan đối lập với hoạn quan, và kết giao với các phiên trấn (bọn tiết độ sứ nhân Triều đình yếu sức, tự hùng ở địa phương xa) để đối phó với bọn hoạn quan chuyên chính. Nhân thế các phiên trấn càng ngày càng mạnh, công nhiên đối lập với Trung ương gây thành cuộc diện phiên trấn cát cứ, làm cho chính quyền Trung ương, hơn nửa thế kỷ, càng ngày càng suy cho đến diệt vong”.
Trong lúc chính sự triều đình hết sức rối ren thì nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổi lên, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào (874 - 884) đã giáng một đòn nặng nề vào chính quyền thối nát của nhà Đường. Mặc dù đã khiến vua Đường chạy ra khỏi kinh đô Trường An và vào năm 880, Hoàng Sào lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Tề nhưng cuối cùng, cuộc khởi nghĩa cũng bị dập tắt vào năm 884.
Như vậy, đến cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, triều đình nhà Đường đã xuất hiện một số vấn đề nguy cấp khiến cho sự sụp đổ của vương triều này ngày một tiến nhanh, đó là nạn hoạn quan tham chính, quyền thần bức hiếp hoàng đế và tình trạng cát cứ của các phiên trấn. Bên cạnh đó, nhà Đường còn phải đối phó với tình hình xã hội không mấy khả quan hơn: đó là những cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra với quy mô lớn vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, nổi bật là khởi nghĩa Hoàng Sào kéo dài 10 năm.

2. Tình hình Âu Lạc cũ (nước ta) cuối thời Đường
Cuối năm 862 đầu năm 863, Nam Chiếu - chỉ chiếu Mông Xá (là 1 trong 6 chiếu của các bộ lạc người Thái gồm Mông Huề, Việt Thác, Lãng Khung, Đằng Đạm, Thi Lãng và Mông Xá) ớ phía Nam - đã huy động 5 vạn quân đánh thẳng vào phủ thành Tống Bình. Quan quân nhà Đường chống đỡ không nổi phải bỏ thành Tống Bình, bỏ An Nam đô hộ phủ để lui về giữ Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây). Mãi 3 năm sau, vào cuối năm 865, Cao Biền tập trung lực lượng đánh bại quân Nam Chiếu, khôi phục lại chính quyền đô hộ của nhà Đường ở An Nam. Nhưng những cố gắng của Cao Biền dường như cũng không cứu vãn nổi nguy cơ sụp đổ nền đô hộ của nhà Đường. Việt sử lược đã viết về sự kiện này như sau: “Trong niên hiệu Hàm Thông đời Ý Tông, Nam Chiếu thống suất rợ Man tới cướp…Năm thứ 4 (hiệu Hàm Thông) (863), mùa xuân, tháng giêng, Nam Chiếu lại đem 5 vạn quân Man tới đánh, hạ được phủ thành. Viện binh khôn đến, Tập (chỉ Sái Tập) và tả hữu đều đi chân, cố hết sức đánh…Vua Ý Tông triệu các đạo quân về, bỏ An Nam đô hộ phủ, đặt Hành Giao Châu ở Hải Môn trấn…Năm thứ 5 (hiệu Hàm Thông) (864), nhà Đường lấy chức Kinh lược sứ Dung Quản là Trương Nhân đảm đương việc quân phủ ở An Nam. Nhân dùng dằng không tiến. Hạ hầu (Ti) tiến cử Cao Biền thay Nhân…Tháng 9, Biền tới phía Nam Phong Châu…Biền tới đánh, đại phá được, bèn tấn công Nam Chiếu, lại phá được,…Nhà Đường bèn bỏ Đô hộ phủ, đặt Tĩnh Hải quân, cho Biền làm Tiết độ sứ” (theo Việt sử lược).
Đến năm 868, Cao Biền được vua Đường Ý Tông phong làm Hữu Kim ngô đại tướng quân, gia thêm Kiểm hiệu Thượng thư hữu bộc xạ và dời khỏi Tĩnh Hải quân đến Thiên Bình làm Tiết độ sứ ở làm Tiết độ sứ [2].
Sau khi Cao Biền dời khỏi Tĩnh Hải quân, Cao Tầm - cháu họ ông sang thay. Đến đời vua Đường Hy Tông, Tăng Cổn được cử sang.
Với quyền lực trong tay, Chu Toàn Trung đã ép vua Đường phải phong cho anh trai là Chu Toàn Dục chức Tĩnh Hải Tiết độ sứ thay cho Tăng Cổn. Tuy nhiên, Chu Toàn Dục vốn là một kẻ bất tài nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, chính Chu Toàn Trung đã phải xin vua Đường bãi chức anh mình. Sự kiện này được Đại Việt Sử ký Toàn thư chép như sau: “Ất Sửu, [905], (Đường Ái Đế Chúc, Thiên Hựu năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, ngày Mậu Tuất, Chu Toàn Trung nhà Đường thấy Giao Châu Tiết độ sứ đồng bình chương sự Chu Toàn Dục là người ngu đần chất phác, không có tài năng gì, tự xin bãi đi. Toàn Dục là anh Toàn Trung” .
Năm 905, vua Đường Ai Đế đã phong Độc Cô Tổn làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ sang thay Chu Toàn Dục vừa bị bãi chức. Sách Tư trị Thông giám - Quyển 265 có đề cập tới sự kiện này như sau: “...Thiên Hựu năm thứ 2 (Ất Sửu, năm 905 công nguyên). Mậu Dần, lấy môn hạ thị lang, đồng bình chương sự Độc Cô Tổn làm đồng bình chương sự, sung Tĩnh Hải Tiết độ sứ”. Việt sử lược cũng cho biết thêm: “Độc Cô Tổn làm Tể tướng ở đời Chiêu Tông (889 - 904)…Người trong châu đặt cho hiệu là Ngục Thượng thư (Thương thư ác)”.
Tuy nhiên, Độc Cô Tổn giữ chức Tiết độ sứ chưa được bao lâu thì bị giáng chức [6]. Theo Tư trị Thông giám - Quyển 265, Độc Cô Tổn sau khi bị giáng chức đã lần lượt giữ các chức quan như Thứ sử Đệ/ Lệ Châu, Ty hộ Quỳnh Châu và cuối cùng bị đưa đến tập trung tại Bạch Mã dịch và phải tự sát tại đây [9].
Như vậy, tình hình chính trị ở Tĩnh Hải quân sau khi Tiết độ sứ Cao Biền dời khỏi hết sức biến động với việc thay đổi liên tục nhiều người giữ chức Tiết độ sứ. Khi đề cập đến tình hình này, cuốn Lịch sử Việt Nam tập 2 do Hội đồng Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn có đoạn như sau: “Từ thời Tăng Cổn làm Tiết độ sứ, chính quyền đô hộ bắt đầu đi vào con đường suy sụp…”.

80904087_1205471416310678_6856974708936540160_n.jpg

Nguồn hình: Lịch sử Việt Nam bằng tranh tập 10: Họ Khúc dựng nền tự chủ.

Tài liệu trích kèm theo:
  1. Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê (chủ biên - 2003), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Đà Nẵng.
  2. Chế độ phiên trấn thời Đường: Sau khi vua Đường Đại Tông băng hà vào năm 779, Hoàng thái tử Lý Quát lên ngôi (tức vua Đường Đức Tông) đã tiến hành thay đổi chế độ phiên trấn, kết quả là dẫn tới việc nổi loạn chống lại triều đình của các phiên trấn vào năm 782, mãi đến năm 784 thì mới chấm dứt.
  3. Tiết độ sứ: là chức quan quân chính địa phương được bắt đầu thiết lập từ đời Đường (618 - 907). Khi trao chức, triều đình ban cho đôi cờ tiết (hoặc là Phù tiết) của nhà vua để làm tin, cho nên mới có tên gọi này. Từ “Tiết độ” (節度), xuất hiện rất sớm, ý nghĩa là hạn chế điều độ. Vua Đường Duệ Tông (684) bắt đầu đặt chức Tiết độ sứ, trong khoảng các năm Khai Nguyên (713 - 741), Thiên Bảo (742 - 755) thời vua Đường Huyền Tông (712 - 755) thì trở thành chế độ quy định. Tiết độ sứ có quân đội riêng, mỗi người cai trị một phương, không nghe theo mệnh lệnh của triều đình trung ương, cha truyền con nối, hoặc truyền chức cho bộ hạ thân cận, tự xưng là Phiên trấn 藩鎮. Dẫn theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Sử học, PGS. TS. Nguyễn Minh Tường (2015), Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  4. Đào Duy Anh (2016), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội
  5. Nguyễn Hiến Lê (2013), Sử Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.
  6. Tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV (Trần Quốc Vương - phiên dịch và chú giải, 2005), Việt sử lược, Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế.
  7. Bản in Nội các quan bản - Mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697) - Lời giới thiệu: Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn; Khảo cứu về tác giả, văn bản, tác phẩm: Giáo sư Phan Huy Lê; Dịch và chú thích: Ngô Đức Thọ; Hiệu đính: Giáo sư Hà Văn Tấn (1998), Đại Việt Sử ký Toàn thư tập I, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội
  8. Hội đồng Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh - Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (2007), Lịch sử Việt Nam tập 2 (Từ đầu đến năm 938), Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn bài và ảnh: LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ - NATIONAL HISTORY CLUB
 
Top Bottom