Rất cám ơn các bạn đã bày tỏ những suy nghĩ, đánh giá của mình. Nhưng đọc bài viết của các bạn, tôi không khỏi tự đặt cho mình những câu hỏi:
1. Nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của lão Hạc có phải do "hoàn cảnh xã hội", do sự tàn ác, bất nhân của "xã hội thực dân phong kiến" hay không ?
Đọc kĩ văn bản truyện ta sẽ thấy, cái gọi là "sự tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến" thực sự khá mờ nhạt, chỉ được thể hiện qua chi tiết thằng con trai lão Hạc phải đi phu đồn điền. Những người sống xung quanh lão, trong đó có ông giáo và vợ ông cùng bà con làng xóm, đều là những người tốt. Họ không / chưa biết quan tâm và yêu thương những người khổ cực vì họ cũng là những người cực khổ để vật lộn mưu sinh. Có bạn đã viết, bi kịch của lão Hạc hoàn toàn có thể xảy ra ở những năm đầu thế kỉ XXI này, dù xã hội không còn là thời kì "thực dân phong kiến nữa" - đó chỉ là một giả thiết nhưng không phải là không hợp lí.
Vậy có thể khẳng định, cái lí do hoàn cảnh "xã hội thực dân phong kiến" không phải là nguyên nhân chủ yếu đẩy lão Hạc tới cái chết (và theo tôi, việc tố cáo xã hội thực dân phong kiến cũng chưa hẳn đã là dụng ý nghệ thuật mà nhà văn muốn gửi gắm).
2. Có phải lão Hạc không còn con đường nào khác, buộc phải lựa chọn cái chết?
Thực ra không phải. Để tiếp tục duy trì sự tồn tại của mình, tức là tiếp tục "ăn để sống", lão Hạc có ít nhất hai con đường khác (mà tác giả đã "vẽ ra" trong tác phẩm)
- Bán mảnh vườn lấy tiền sinh sống.
- Làm những việc bất lương (như đánh bả chó chẳng hạn)
Phải khẳng định lão Hạc ham sống và muốn sống. Nhưng cái cao cả của lão là lão không bám lấy cuộc sống bằng mọi giá. Tuổi già, sức yếu, cô độc, nhà nghèo, gặp thời buổi khó khăn .... lão bị đặt trước những sự lựa chọn khó khăn. Để sống (tồn tại), lão phải từ bỏ danh dự, sự lương thiện. Và việc lựa chọn Danh dự, nhân phẩm bằng cách tự chấm dứt sự tồn tại của mình, với lão, chắc cũng không phải là việc dễ dàng (cứ quan sát cách chết và việc Nam Cao miêu tả cái chết của lão thì đủ thấy - nó vật vã, đau đớn, thảm thiết thế nào).
Chính ở điểm này, tài năng và tư tưởng nhân đạo của Nam Cao được thể hiện rõ nét và sâu sắc. Lão Hạc là người chủ động chọn cái chết, cách chết, thời điểm chết. Tất nhiên không thể không nhắc đến tác động của hoàn cảnh nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều (có lẽ là điều quan trọng mà đa phần các bạn chưa đề cập đến), việc lựa chọn cái chết của lão Hạc là : CHỦ ĐỘNG, TỰ NGUYỆN và CÓ Ý THỨC. Sự sâu sắc và giá trị nhân đạo của tác phẩm, theo tôi, chính được thể hiện ở việc Nam Cao đã để cho nhân vật của mình không chịu khuất phục hoàn cảnh, khuất phục những nhu cầu tồn tại vật chất của mình mà chủ động, quyết liệt đấu tranh để giữ lại được danh dự, nhân cách trong sạch và lương thiện của mình, dù cho phải lựa chọn cái chết.
Đó là một vài suy nghĩ của tôi về chủ đề này. Mong các bạn tiếp tục thảo luận và nêu quan điểm của mình.
p/s: tôi đặc biệt ấn tượng với cách lí giải của bạn Cracking_tp: "Lão Hạc chết là để đầu thai vào một kiếp sống khác, nơi có vợ lão, con lão, có cậu Vàng".