Xác nhận giùm mình cái
Cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã dẫn đến các kết quả chính trị và quân sự cho cả thời kỳ 1969-1971, cũng như tạo nên bước ngoặt chiến lược cho toàn cuộc chiến ở Việt Nam.
Trong 3 đợt của cuộc tấn công, quân Giải phóng đã gây cho Mỹ và đồng minh những thiệt hại lớn. Theo các thông cáo chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thì trong cả năm 1968 họ đã loại ra khỏi vòng chiến 630.000 quân đối phương cả Mỹ - Việt Nam Cộng hòa lẫn đồng minh, 13.000 xe cơ giới, 1.000 tàu chiến, 700 kho đạn, 15.000 đồn bót; trong đó riêng 2 tháng đợt 1 đã diệt được 147 ngàn quân đối phương. Tài liệu Hoa Kỳ xác nhận tổn thất trong đợt 1 là hơn 48.500 quân và 552 máy bay bị phá hủy, và năm 1968 trở thành năm đẫm máu nhất đối với quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam với 16.511 lính chết và 87.388 bị thương chưa kể mất tích. Đối với quân lực Việt Nam Cộng hòa thì đây là năm đẫm máu thứ 2 (chỉ sau năm 1972) với 28.800 thiệt mạng và 172.512 bị thương chưa kể mất tích[9]. Nhiều đơn vị tinh nhuệ của quân đội này phải mất 1 năm để tái huấn luyện bổ sung tổn thất. Như vậy tổng thương vong của quân đội Mỹ và đồng minh trong năm 1968 là khoảng 310 ngàn theo thống kê của chính họ, khiến năm 1968 trở thành năm có thương vong cao nhất cho Mỹ và đồng minh trong toàn cuộc chiến.
Tuy nhiên, để đạt kết quả trên, quân Giải phóng cũng chịu thương vong hơn 11 vạn người. Tuy về số học là nhỏ hơn đối phương, nhưng đối với họ, mức tổn thất này nghiêm trọng hơn. Bởi họ bị quân Mỹ và đồng minh vượt trội về quân số (1,2 triệu so với chưa đầy 300 ngàn), do đó tỷ lệ thương vong của họ lớn hơn (hơn 1/3 quân số so với 1/5 của đối phương). Về tổn thất vũ khí cũng tương tự, dù quân Mỹ có mất hàng trăm máy bay, xe tăng nhưng vẫn có thể được bổ sung nhanh chóng từ kho vũ khí khổng lồ của họ, trong khi quân Giải phóng chỉ trông chờ vào những chuyến hàng tiếp tế khó khăn từ miền Bắc, dù chỉ mất một khẩu súng cối cũng đã là khó bù đắp.
Sau tổng tiến công Mậu Thân, vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam bị thu hẹp. Quân Giải phóng bị đẩy ra xa và suy yếu trầm trọng: các đơn vị quân sự suy yếu, nhiều lực lượng chính trị bị lộ, thương vong cao hơn hẳn các năm trước, phải đến năm 1970 lực lượng của họ mới hồi phục lại được. Do các tổ chức chính trị ngầm chuyên vận động nhân dân đã bị lộ nên trong năm 1969, tại nhiều nơi trên chiến trường, quân Giải phóng bị mất nguồn tiếp tế từ nhân dân. Họ phải rút về miền nông thôn, rừng núi hoặc phải sang ẩn tránh tại các vùng bên kia biên giới Lào và Campuchia. Do khó khăn về tiếp tế, đã có ý kiến trong giới lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và ở Hà Nội đề nghị giải tán các đơn vị cỡ sư đoàn, quay về lối đánh cấp trung đoàn trở xuống.
Nhà báo Bùi Tín, nguyên phó Tổng biên tập báo QĐND (về sau sang Pháp tỵ nạn và trở thành nhân vật bất đồng chính kiến với nhà nước Việt Nam), cho biết quan điểm: “Mậu thân thì tôi đang công tác ở Hà Nội. Ý kiến của tôi như thế này: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của phía Mặt trận là thất bại nặng nề. Tất cả các đơn vị đều bị đánh ra khỏi các đô thị, vậy nên theo tôi đánh giá thì Bắc Việt đã thất bại do chủ quan, do không nổi dậy, dù có tập kích rộng rãi nhưng không giữ được, nên thiệt hại rất nặng đến 2, 3 năm sau. Các cơ sở lộ hết, nhất là ở đô thị cơ sở mất hết và ở nông thôn cũng mất từng mảng lớn và phải tạt qua tận Cam-bốt. Do đó mà tôi nói phía đồng minh đã thắng, nhưng đã không duy trì được chiến thắng, tình báo kém lại bị cái tuyên truyền phản chiến ở Mỹ thổi phồng chiến thắng của đối phương nên Quốc hội Mỹ tìm cách rút khỏi chiến tranh VN"
Chiến trường miền Nam trở nên yên tĩnh. Trong 2 năm sau Mậu Thân, từ 1969 đến đầu 1970, là thời gian quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa chủ động tiến công tìm diệt quân Giải phóng, đồng thời thực hiện chiến dịch Phượng Hoàng, nhằm bình định và triệt phá phong trào chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở nông thôn và thành thị. Vai trò đấu tranh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ nay suy giảm đi nhiều vì các hệ thống cơ sở chính trị của họ bị phá và với sự ác liệt của chiến tranh ở giai đoạn này không cho phép họ tụ tập dân chúng để đưa ra yêu sách chính trị. Từ đó trở đi vai trò của quân chủ lực chính quy mang tính chất quyết định, vai trò của quân du kích chỉ còn là thứ yếu.