Văn 12 Thơ văn Nguyễn Trãi

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
805
1,015
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

CON NGƯỜI QUÂN TỬ ANH HÙNG TRONG THƠ VĂN NGUYỄN TRÃI

Người quân tử trong quan niệm của Nguyễn Trãi là người “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, nghĩa là con người có khí tiết thanh cao như hoa mai nở sớm, tùng bách rụng sau, con người không màng danh lợi, không làm điều bất nhân phi nghĩa, sống giản dị, đạm bạc để giữ tròn khí tiết:

“Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày,
Có thuốc trường sinh càng khỏe thay.
Hổ phách, phục linh nhìn mấy biết,
Dành còn để trợ dân này.”

(Tùng)
Tâm sự xuyên suốt bài thơ là niềm tin chắc vào việc mình sẽ được dùng vào việc lớn, không hôm nay thì mai sau. Chữ “tài đống lương” đây có ý nghĩa song quan, đồng một âm mà hai nghĩa, vừa chỉ tài năng làm rường cột cho nhà lớn, vừa chỉ tài năng làm rường cột cho đất nước. Câu thơ nghe như lời bác bỏ một dư luận của ai đó, bảo rằng tùng già chỉ còn làm khách chơi thôi, đồng thời là một niềm tin sắt đá vào sự nghiệp phụng sự việc lớn của đời mình.

Quan niệm về người quân tử như vậy, nên suốt đời Nguyễn Trãi tu dưỡng bản thân mình theo khuôn mẫu của người quân tử, sống vì dân, vì nước trọn đời, trước bọn quyền thần ông không khuất phục để vươn lên bảo vệ công lí, chính nghĩa. Trong chiến tranh lấy lòng quân tử để đối xử với bọn tiểu nhân , hiếu chiến, trong thời bình thì lấy lòng quân tử cảm hóa quân vương, quan lại và nhân dân. Tất cả những việc làm của Nguyễn Trãi trong chiến đấu cũng như lúc thái bình thịnh trị đều nêu cao nhân nghĩa, tài đức vẹn toàn.Nguyễn Trãi đã lồng con người ưu quốc, ái dân, anh hùng vào trong người quân tử, một con người dù sống trong hiểm nguy gian khổ vẫn không thay lòng đổi dạ, vẫn sắc son thủy chung nêu cao nghĩa khí chính trung, đấu tranh vì lẽ phải, chống gian tà hại dân, hại nước.

Tuy quyền cao chức trọng song ông không vì thế mà kiêu căng tự phụ, trái lại vẫn “khăn khắn” lo giữ đạo đức, cái đạo đức của một nho thần đọc sách, thờ vua, chăn dân.

Dù cho tiền bạc bao nhiêu vẫn không mua được hay sánh bằng bản chất thanh liêm và trong sáng của người:

“Phú quý lòng hơn phú quý danh
Thân hoa tự tại thú hòa thanh
Tiền sen tích để bao nhiêu thúng
Vàng cúc đem cho biết mấy bình”

(Tự thán 13)
Hoa sen là loại hoa mang tính chất của Phật giáo, sinh ra từ trong bùn lầy nhưng vẫn luôn giữ được sự trong sạch, tinh khiết. Hoa sen được Nguyễn Trãi ví như hình ảnh người quân tử dù ở trong hoàn cảnh xấu xa nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sạch:
“Lầm nhơ chẳng bén tốt hòa thanh
Quân tử kham khuôn được thửa danh.
Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh,
Trinh làm của có ai tranh”

(Liên hoa)
Nhiều bài trong Quốc âm thi tập có tính cách giáo huấn luân lý rõ rệt. Tất nhiên đây là nền luân lý Nho giáo trong xã hội phong kiến xưa với khung cảnh sinh hoạt gia đình, thôn dã hương đảng. Tác giả đưa ra những bài học ăn ở cho người ta. Người luôn mong anh em sỹ, nông, công, thương đều là người một nhà, là dân một nước và là tôi của vua:
“Bốn dân nghiệp có cao cùng thấp
Đều kết làm tôi thánh thượng hoàng’’

(Tức sự 4)
Người răn dạy sống ở đời lúc nào cũng phải biết ơn những người đã giúp ta có được êm ấm, hạnh phúc, làm điều gì thì chỉ nên vừa phải, không nên thái quá, đó chính là cái đạo “Trung dung”. Khi có những người bạn mới thì không nên quên đi những người bạn cũ đã từng kết giao bằng hữu với mình, khi nhà cửa êm ấm thì chớ nên phụ vợ tào khang của mình. Anh em ruột thịt đừng nên vì tham lợi mà sơ tình. Ra đến làng mạc, đối xử với đồng bào, hãy lấy chữ hòa chữ nhẫn làm tôn chỉ. Có thể ở đời sẽ gặp phải những kẻ gian tham, những điều bạc ác, song đừng nên đem sự bạc ác mà trả lại kẻ gian tham:
“Lòng thế bạc đen dầu nó biến
Ta gìn nhân nghĩa chớ loàn đan”

(Bảo kính cảnh giới bài 12)
Tóm lại cái lí tưởng đời sống luân lý ở đây là sống hiền hòa an ổn với mọi người, chớ tranh khỏe, tranh ngôn, chỉ nên vun xới thiện tâm làm điều nhân đức.
 
Last edited:

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
805
1,015
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
Quốc âm thi tập – sự bứt phá của dòng thơ Nôm Việt Nam

1. Hoàn cảnh sáng tác
Theo các tài liệu ghi chép để lại, Quốc âm thi tập không phải là tập thơ đầu tiên viết bằng chữ Nôm. Trước Nguyễn Trãi, vào thế kỷ XIII đã có Nguyễn Thuyên, Nguyên Sĩ Cố làm phú bằng thơ Nôm. Tuy nhiên những tác phẩm ấy vẫn còn ngượng nghịu, gượng ép, lúng túng trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh làm phương thức biểu đạt. Hơn nữa, những tác phẩm ấy hiện nay đều không còn. Quốc âm thi tập là tập thơ Nôm được công bố gần đây do hai ông Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm phiên âm, chú giải và xuất bản năm 1956. Bản văn này căn cứ vào một công trình sưu tập toàn bộ thi văn của Nguyễn Trãi do Dương Bá Cung, Nguyễn Định, Ngô Thế Vinh làm về đời Tự Đức và ấn hành vào năm 1868 dưới nhan đề Ức Trai di tập (Các nhà sưu tập trên hẳn đã phần lớn căn cứu vào bộ Ức Trai di tập đời Lê). Toàn bộ có 7 quyển, Quốc âm thi tập chép vào quyển thứ 7, gồm tất cả 253 bài chia làm 4 phần như sau:
- Vô đề: 192 bài
- Thời lệnh môn (Đề tài thời tiết, khí hậu, cảnh sắc bốn mùa): 21 bài.
- Hoa mộc môn (Đề tài về các loại hoa cỏ, thảo mộc): 33 bài.
- Cầm thú môn (Đề tài về các loại chim muông): 7 bài.
Những bài thơ này đều không có ghi chép về thời điểm sáng tác, song người ta nghĩ rằng đa số được làm ra trong thời kì Nguyễn Trãi về ở ẩn tại Côn Sơn. Tập thơ phản ánh những nét tươi đẹp của quê hương Việt Nam và những nếp sống khổ cực của người dân quê cũng được đề cập đến.

2. Nội dung
Với sự ra đời của tập thơ này, nó đã khẳng định dứt khoát sự tồn tại trong thực tế dòng văn học tiếng Việt. Từ đây dòng văn học chữ Nôm sẽ phát triển song song với dòng văn học chữ Hán, làm cho văn học dân tộc phát triển phong phú, toàn diện và mạnh mẽ hơn. Nhìn chung, bố cục tập thơ vẫn dựa theo công thức phổ biến thời bấy giờ nhưng đã được chỉnh lý, chọn lọc theo ý đồ riêng của tác giả. Trong đó quan trọng nhất là mục Vô đề gồm 13 chủng loại nhỏ: từ Ngôn chí, Mạn thuật, Trần tình … đến Huấn nam tử. Nói mục này quan trọng nhất vì nó chứa đựng đầy đủ nhất tâm tư, tình cảm và tấm lòng sắt son của Nguyễn Trãi với đất nước với nhân dân. Qua Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi muốn gửi gắm một triết lý tình thương bao la, một chủ nghĩa nhân đạo rộng lớn đến con người và cảnh vật. Qua Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi cũng muốn khẳng định vai trò to lớn của tập thơ – nhịp cầu nối giữa hai nền thơ ca của dân tộc. Đó là thơ ca dân gian và thơ ca bác học. Nhịp cầu ấy được thể hiện rõ nét thông qua những khám phá về nội dung và những phát minh về hình thức nghệ thuật.
Trong bài viết Thơ Quốc âm thi tập, tác giả Bùi Văn Nguyên cho rằng Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi không nói gì nhiều, chỉ nói đến đạo làm người trong trời đất được truyền lại từ thời Kinh Dương Vương- Hùng Vương. Tác giả nhận định: “Nguyễn Trãi trong đêm trường trung cổ, lại khác, chưa biết nhiều lý thuyết gì lắm, ngoài ba hệ ý thức: phật-lão-nho nhưng Nguyễn Trãi có ý thức về đạo làm người chân chính, giữ đúng vị trí “ vật linh trưởng” của muôn vật thương yêu chủng loại riêng mình đã đành, mà còn yêu cảnh vật thiên nhiên, cả muôn vật, coi trọng hạnh phúc chung, coi trọng cảnh chung”.
Ngoài ra, Quốc âm thi tập còn phản ánh lòng trung quân, ưu dân ái quốc, tình yêu thiên nhiên tha thiết. Thiên nhiên đối với nhà thơ có khi là “khách khứa”, “láng giềng”, “bầu bạn” cũng có khi là “nô bộc” của nhà thơ. Những hình ảnh mộc mạc, bình dị nơi thôn quê, làng cảnh Việt nam được ông nâng niu, trân trọng đưa vào thơ, chúng ngang nhiên được đứng cùng những Tùng, Cúc, Trúc, Mai. Qua Quốc âm thi tập, ta còn thấy hình ảnh con người ung dung, tự tại, thanh tao thoát tục dàn trải lòng mình trước thiên nhiên vạn vật. Nó ẩn chứa những bài học luân lý răn đời và ca ngợi cảnh nhàn, vui thú điền viên.

3. Sắc thái cảm hứng của cụ Nguyễn Trãi
Văn chương Nguyễn Trãi là văn chương thiết tha cuộc sống, văn chương lắng đọng tình người, văn chương lạc quan tươi vui. Là người suốt đời thiết tha xây đắp cuộc sống hạnh phúc cho dân, cho nước Nguyễn Trãi luôn luôn yêu cầu văn nghệ phải gắn bó mật thiết với cuộc sống. Tìm hiểu kho tàng thơ ca của Nguyễn Trãi để lại cho hậu thế, chúng ta có thể thấy nét đặc sắc trong từng bài thơ của ông, đặc biệt là những bài thơ viết về thiên nhiên.
Quốc âm thi tập là tập thơ Nôm mà trong đó có rất nhiều bài thơ nói về thiên nhiên: cây cỏ, chim muông, hoa lá, trăng nước… có thể thấy đây là lần đầu tiên trong lịch sử thơ Nôm Việt Nam xuất hiện những bài thơ Việt Nam ca tụng cảnh sắc thiên nhiên một cách chân thật và đậm đà tính dân tộc.Trong các đề tài vịnh thiên nhiên ta thấy số lượng hoa và cây xuất hiện rất nhiều trong Quốc âm thi tập của ông. Nguyễn Trãi đã dành riêng một đề mục Hoa mộc môn để nói về cỏ cây, hoa lá. Trong đề mục này, các hình tượng Tùng – Trúc – Cúc – Mai được Nguyễn Trãi tập trung chú ý và khắc họa rất đẹp. Cũng giống như thi pháp cổ phương Đông, Nguyễn Trãi đã khai thác các hình ảnh thiên nhiên trên để thể hiện phẩm chất thanh tao, cao nhã, trong sáng của người quân tử. Thiên nhiên ở những đề mục khác còn phảng phất phong vị Đường thi.
 
Top Bottom