CLB lịch sử TẠI SAO KHÔNG CÓ CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở CÁC NƯỚC TƯ BẢN TIÊN TIẾN ? (TRƯỜNG HỢP NƯỚC ANH)

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Văn hóa chính trị ở Anh nói riêng và văn hóa chính trị của các nước châu Âu nói chung cung cấp cho chúng ta những kiến thức học thuật rất thú vị về sự phát triển của nền dân chủ tự do cũng như sự thắng thế, cải tiến để tồn tại của chủ nghĩa tư bản, và trong nhiều trường hợp, những tư tưởng nền tảng của chủ nghĩa Marx cũng thâm nhập vào và góp một phần quan trọng trong việc tạo nên những xã hội ổn định và tiến bộ ở châu Âu.
Trong các tác phẩm của mình, khi khảo sát sự vận động và phát triển của Chủ nghĩa Tư bản ở Anh, ông luôn cho rằng sự bùng nổ của các cuộc cách mạng kinh tế - xã hội ở Anh tất sẽ dẫn đến thắng lợi cuối cùng của giai cấp vô sản.
Tuy nhiên, nền chính trị Anh quốc và cách mà nền dân chủ tự do của đất nước này đi theo đã phát triển qua nhiều thế kỷ, hơn 200 năm trôi qua không chỉ chứng minh những dự đoán của Marx là sai mà còn đưa nước Anh trở thành một trong những quốc gia ổn định nhất về mặt chính trị và gắn kết xã hội trong thế giới ngày nay.
Chúng ta sẽ xem xét bản chất của nền chính trị và hệ thống chính trị Anh quốc, cũng như cách thức mà đất nước này vận hành các hoạt động chính trị, đồng thời, lý giải nguyên nhân vì sao một cuộc cách mạng xã hội mà Marx dự đoán là số phận không thể tránh khỏi của một xã hội như Anh chưa bao giờ xảy ra.
.
Marx tiên đoán rằng một cuộc cách mạng trước tiên sẽ nổ ra ở Anh, do sự phát triển quá nhanh của Chủ nghĩa Tư bản cũng như quy mô và sự giác ngộ về ý thức chính trị của lực lượng công nhân ở đất nước này.
Xét cho cùng, Phong trào Hiến chương ở Anh (1837 – 1848) là cuộc đấu tranh chính trị mang tính chất quần chúng rộng rãi đầu tiên trên thế giới của giai cấp công nhân và cũng từ đó mà phong trào công đoàn cũng được thành lập. Tại sao không có một cuộc cách mạng xã hội nào ở Anh đặt ra một câu hỏi lớn hơn? Tại sao không có cách mạng Xã hội Chủ nghĩa ở bất kỳ quốc gia tư bản tiên tiến nào?
Đây là một câu hỏi riêng biệt; có lẽ tốt hơn là ta nên hỏi, tại sao các tầng lớp lao động ở Anh (chỉ xét người Anh) lại thụ động trong quan điểm chính trị và hành động của họ? Ở đây, chúng ta sẽ chú ý tới một số yếu tố cấu thành xã hội và trên hết là các yếu tố lịch sử giúp giải thích cả sự thụ động tương đối của giai cấp công nhân và bản chất ổn định cao của nền dân chủ tư sản ở Vương quốc Anh ngày nay:
.
+ Thứ nhất, sự phát triển ban đầu của một chế độ nghị viện và cách thức mà giai cấp công nhân được đưa vào hệ thống chính trị hiện có từ giữa thế kỷ XIX sau sự thất bại của Phong trào Hiến chương là yếu tố quyết định. Từ khi có sự chuyển giao quyền lực và những thỏa hiệp đầu tiên vào năm 1867, sau đó, các bộ phận của giai cấp công nhân bị lôi kéo vào hệ thống chính trị hiện hành, các phong trào công nhân mang tính chất triệt để hơn dần dần đứng bên lề các sinh hoạt chính trị, càng về sau càng mất đi vị thế.
.
+ Thứ hai, ngay cả trước năm 1867 và ít nhất là vào năm 1850, những nền móng của Chủ nghĩa Tư bản ở Anh đã được củng cố một cách vô cùng vững chắc. Đặc biệt là các giá trị Dân chủ Tư sản được một bộ phận “công nhân lành nghề” (công nhân quý tộc) tiếp thu và đánh giá cao, chẳng hạn như tinh thần tự lực tự cường, sự tôn trọng các giá trị tiến bộ, … những điều tưởng chừng như giản đơn đó đã giúp thiết lập một sự ổn định chính trị dài lâu.
.
+ Thứ ba, Công Đảng được thành lập vào cuối năm 1900, trong nhiều khía cạnh đó vừa là chính đảng đại diện cho Chủ nghĩa Tự do nhưng cũng vừa gắn liền với chế độ Đại nghị. Ralph Miliband (nhà xã hội học người Anh, người được đánh giá là “một trong những người đi theo học thuyết Marx nổi tiếng nhất trong thế hệ của mình”) đã lập luận rằng:
"Trong tất cả các đảng chính trị tuyên bố Chủ nghĩa Xã hội là mục đích cuối cùng của họ, Công Đảng luôn là tổ chức “giáo điều” nhất”.
Kì thực, đó đâu phải là Chủ nghĩa Xã hội, mà là một sự giấu mặt trá hình của chế độ Đại nghị Cộng hòa. Công Đảng, trong hầu hết các hoạt động của nó suốt chiều dài lịch sử, tỏ ra cải lương, rụt rè và dường như không thực sự là đại diện chung cho đa số công nhân và nhân dân lao động.
.
+ Thứ tư, phong trào công đoàn cũng tương tự, trong khi vị thế là một trong những phong trào xã hội mạnh mẽ và có tiếng nói nhất của thế kỷ XX, các tổ chức công đoàn vẫn tỏ ra bị động, luôn ở trong thế phòng thủ trước các quyết sách của giai cấp cầm quyền, và cuối cùng ngày càng suy yếu do sự chia rẻ từ các lực lượng đối lập được xây dựng từ trong nội bộ phong trào. Sự suy sụp của phong trào công đoàn tại Anh đã tạo cho Công Đảng một chỗ đứng vững chắc, đồng thời, làm thay đổi quan điểm của đảng này sang các vấn đề công nghiệp. Điều này đã tác động sâu sắc đến nhận thức chính trị của giai cấp công nhân Anh.
.
+ Thứ năm, văn hóa chính trị của Anh gắn liền với các thể chế chính trị đã định hình nên nó - Hệ thống bầu cử Westminster, là hệ thống “người dẫn đầu giành ghế” (“first past the post” – tức tại mỗi đơn vị bầu cử, các cử tri chỉ được bầu cho một người duy nhất trong danh sách các ứng viên, và ứng viên nào nhận được nhiều phiếu nhất sẽ là người chiến thắng, không quan trọng số phiếu đó chiếm tỉ lệ bao nhiêu) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc gạt bỏ các đảng chính trị cánh tả, buộc hầu hết các đảng chính trị cánh tả phải gia nhập Công Đảng hoặc liên minh với đảng này, nơi đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiềm chế các lực lượng này. Chủ nghĩa Cộng sản là một ví dụ điển hình, nó tồn tại rất yếu ở Anh chứ không muốn khẳng định rằng chủ nghĩa này không có “đất sống” ở Anh, bởi sự chia rẻ và bè phái. Bản thân nhà nước ở Anh có nhiều khía cạnh chống dân chủ: quân chủ, bí mật và không có hiến pháp bằng văn bản đã giúp duy trì một nền văn hóa chính trị khá bảo thủ.
.
Tất cả các lí do trên đây là minh chứng (một phần) cho việc giải thích những luận điểm của Marx không thể thành hiện thực dưới góc độ nghiên cứu văn hoá chính trị ở nước Anh, một nền văn hoá chính trị khá bảo thủ khi lưu giữ những giá trị của vương quyền và quý tộc, của quy tắc đa số trong chế độ bầu cử, của Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Thực dụng.
Chưa kể, đó còn là nền văn hoá chính trị bảo lưu quyền lực tối cao của nghị viện và niềm tin vào những giá trị của nền Dân chủ đại diện mang lại.
Xuất phát từ nguyên nhân địa lí (vị trí của một quốc đảo), tôn giáo (truyền thống Kito và các cuộc xung đột tôn giáo dai dẳng trong lịch sử) và xã hội (sự chuyển đổi sớm hơn các nước khác từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và đô thị).
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Tên bài viết do người dịch đặt.
Hiệu đính và thực hiện: Admin K+
Nguồn: Sử học già

FB_IMG_1570834960157.jpg
 
Top Bottom