1. Khái niệm lai khác thứ (khác giống)
Lai khác thứ là phép lai giữa 2 hay nhiều thứ, có nguồn gốc gen khác nhau, để tạo ra giống mới, thông thường có biểu hiện ưu thế lai.
2. Vai trò của lai khác thứ
Tập trung được các gen có lợi thuộc nhiều thứ vào trong cơ thể lai. Vì vậy giống mới phối hợp được các đặc tính tốt, các tiềm năng di truyền của các giống gốc, trong đó các gen tốt được tổ hợp lại, hình thành phẩm giống mới có giá trị cao.
3. Một số thành tựu về lai khác thứ, khác giống
a) Thành tựu lai khác giống ở động vật
Lai từ 2 giống gốc được gọi là lai khác dòng đơn. Cho lai giữa 2 cá thể thuộc 2 giống được con lai mang nửa máu. Chọn trong các con lai đời thứ nhất một số con đực và cái tốt nhất cho giao phối với nhau thu được giống lai đời 2. Cho con lai đời thứ 2 tự giao sẽ tạo ra giống mới.
Ví dụ, các giống lợn mới tạo ra ở Việt Nam theo phương pháp lai khác giống khắc phục được nhiều nhược điểm của lợn ỉ Việt Nam, về ngoại hình, mặt ít nhăn, lưng tương đối thẳng, bụng ít sệ, chân cao, hướng mỡ - nạc, tỉ lệ nạc tăng (lợn becsai - lợn ỉ 81). Chúng ta cũng đã tạo được giống gà lai rhođe – ri có sản lượng trứng cao hơn gà ri 27%, khối lượng trứng tăng 8,6% so với gà ri.
b) Thành tựu lai khác thứ để tạo giống cây trồng mới
- Các giống lai khác thứ bố mẹ chúng thuộc các quần thể di truyền khác nhau. Giống lai tạo ra sức sống cao, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường, có độ hữu thụ cao, năng suất, phẩm chất tốt hơn dạng bố mẹ. Ví dụ, các giống lúa được tạo ra ở Viện lúa quốc tế IRIR như giống IR5(giống lúa Inđônêxia x giống lúa Malaixia), giống lúa IR8 là kết quả lai giữa một thể đột biến tự nhiên ở Đài Loan với một giống Inđônêxia. Ở Việt Nam, các giống lúa lai thường được tạo ra bằng con đường lai giữa giống địa phương (trong nước) với giống cao sản nhập nội. Bằng phương pháp lai đơn, lai ba, lai phức hợp đã tạo được các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng khác nhau, ngắn ngày, có khả năng chống chịu với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của Việt Nam (khí hậu khô hạn, chua mặn, phèn, bệnh đạo ôn, bạc lá, rầy nâu…)
- Giống lúa xuân số 2 năng suất bình quân từ 6 – 7 tấn/ha. Nếu gặp điều kiện thuận lợi có thể đạt 12 tấn/ha. Giống lúa VX-83 ngắn ngày, năng suất cao, có khả năng kháng rầy nâu và chống bệnh bạc lá, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất trung bình 5,2 tấn/ha. Giống lúa xuân số 5 được chọn lọc từ tổ hợp lai xuân số 2 với 2765 kết hợp với đột biến hoá chất đời F1 gạo có phẩm chất tốt, ít gãy khi xay xát. Giống xuân số 6 được chọn lọc từ tổ hợp lai nông nghiệp 8 với xuân số 2 kết hợp với đột biến hoá chất đời F1. Chọn lọc theo phương pháp cải tiến nâng dần bậc thang để tăng độ thuần của giống chịu rét khá, chống được bệnh đạo ôn, năng suất cao, phẩm chất tốt.