Nhân đây mình cũng xin cung cấp một ít tư liệu về loại gấu nước luôn:
Sinh vật đầu tiên trên thế giới được xem là bất tử
Gấu nước, loài vật “dẻo dai” nhất trên Trái đất, vừa được các nhà khoa học phát hiện có thêm một khả năng khác - đó là có thể sống sót trong môi trường vũ trụ khắc nghiệt.
Gấu nước thuộc nhóm sinh vật không xương sống, di chuyển chậm như rùa và “bà con” với họ chân đốt. Loài vật nhỏ xíu này có hình thù kỳ lạ với 4 ngấn trên lưng, 8 chân mũm mỉm, móng bé tí và đầu luôn cúi xuống như thể đang tìm kiếm vật gì đó. Chúng sống dưới nước hoặc trong rong rêu, và có thể do có thân hình ủn ỉn như gấu nên còn được gọi là gấu nước. Một số người từng so sánh hình dạng của gấu nước với chuột chũi. Tuy nhiên, gấu nước được biết đến không phải vì ngoại hình “không giống ai” mà chính là khả năng gần như “bất khả tổn hại”. Chúng vẫn không chết ngay cả khi bị đun sôi, đông đá, nén lại trong áp suất cực cao hay thậm chí bị sấy khô. Chúng có thể tồn tại trong tình trạng khô cứng hoàn toàn trong nhiều năm liền và sau đó hồi sinh trở lại như thể chẳng có gì xảy ra cả.
Nay các nhà khoa học chứng minh gấu nước - thường dài không quá 1 mm - đủ khả năng chống chọi với môi trường khắc nghiệt của vũ trụ. Cách đây một năm, 3.000 con gấu nước được sấy khô và phóng vào không gian để xem liệu chúng có thể thích ứng với tia phóng xạ trong vũ trụ, môi trường chân không và cái lạnh băng giá. Sau 10 ngày, một số con không bị hề hấn gì, và gấu nước trở thành sinh vật đầu tiên sống sót trong môi trường vũ trụ mà không cần có thiết bị bảo vệ. Cuộc thử nghiệm do Tiến sĩ Ingemar Jonsson của Đại học Kristianstad (Thụy Điển) chủ trì với sự tài trợ của Cơ quan Không gian châu Âu. “Điều quan trọng chúng tôi phát hiện là môi trường chân không trong vũ trụ, vốn đòi hỏi sinh vật phải được khử nước triệt để, và tia phóng xạ vũ trụ không thể gây tổn hại cho gấu nước”, giáo sư Jonsson cho biết. Tuy nhiên, bằng cách nào loài vật này “bình an vô sự” hay như vậy vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải.
Gấu nước được đặt trong một khoang trên tàu vũ trụ FOTON-M3 bay quanh quỹ đạo ở độ cao cách Trái đất 270 km. Trong số 3.000 con gấu nước được du hành vũ trụ, một số được cho tiếp xúc với môi trường chân không và cái rét lạnh trong khi số khác thì tiếp xúc với tia bức xạ Mặt trời với cường độ mạnh hơn 1.000 lần so với tia bức xạ trên Trái đất. Thật kỳ lạ, không ít con trong số này đã hồi sinh trở lại trên đường trở về Trái đất, và tiếp tục sinh sản bình thường.
Theo Jonsson, bức xạ cực tím trong vũ trụ có thể gây tổn hại cho gấu nước mặc dù một số con có thể vượt qua được. Ông tin rằng thậm chí khi bị tổn hại ADN, sinh vật bé nhỏ này cũng có thể tự phục hồi. Thách thức đối với giáo sư Jonsson và đồng nghiệp là tìm hiểu khả năng chịu đựng phi thường của sinh vật này trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Nếu thành công, những gì đạt được có thể giúp các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu điều trị ung thư. “Một hạn chế của liệu pháp xạ trị ung thư ngày nay là các tế bào lành cũng bị tổn hại trước ảnh hưởng của tia phóng xạ. Nếu chúng ta tìm ra những phân tử đặc trưng tham gia vào quá trình phục hồi ADN ở các loài động vật đa bào như gấu nước, thì chúng ta có thể khắc phục hạn chế của liệu pháp xạ trị”, theo giáo sư Jonsson.
Gấu nước hiện diện gần như trong tất cả hệ sinh thái trên thế giới. Điểm độc đáo của sinh vật này là chúng có thể sống sót trong tình trạng thường xuyên khô héo và có thể mất gần như toàn bộ lượng nước trong cơ thể. Khi bị mất nước, chúng chuyển sang trạng thái ngủ, khi đó cơ thể teo lại và hoạt động trao đổi chất tạm dừng. Trong trạng thái ngủ như chết như vậy, gấu nước vẫn duy trì các cấu trúc trong tế bào cho đến khi có nước để “đánh thức” các tế bào.
Cách đây 10 năm, các nhà khoa học Nhật làm một thử nghiệm: đặt gấu nước trong môi trường áp suất lớn hơn 6.000 lần so với áp suất trong bầu khí quyển. Và chúng vẫn sống! Trong các thử nghiệm khác, sinh vật nhiều chân này cũng “vững vàng” trước tia X-quang và khi bị đông lạnh đến âm 273,15 độ C - nhiệt độ được cho là lạnh nhất. “Chưa từng có sinh vật nào sống sót được trong khoảng không vũ trụ. Thật tuyệt vời khi phát hiện có loài vật sống được nhiều ngày trong vũ trụ khi cơ thể mất hết nước và sau đó lại sinh sản bình thường”, nhà sinh vật học Bob Goldstein ở Đại học Bắc Carolina (Mỹ) nhận xét.
(ST)