Văn mẫu 12 Phát biểu ý kiến về “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

BÀI LÀM
Là một tổ chức về giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc, UNESCO luôn đề cao vai trò của giáo dục: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Khẳng định về tầm quan trọng của học tập, của giáo dục trong thời đại mới, UNESCO đã đưa ra mục đích học tập đúng đắn ấy nhằm đề cao giá trị của học vấn, đề cao giá trị con người trên chặng đường học tập đầy gian truân.

Học là quá trình lĩnh hội kiến thức, văn hóa xã hội của cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, để có thể bước lên con đường học vấn, để có thể trở thành một con người xuất chúng trong xã hội thì cần phải đầu tư vào bản thân. Nhưng để có thể tiến lên con đường gian truân ấy thì chúng ta cần phải xác định mục đích học tập đúng đắn chứ không phải là học qua loa lấy lệ, không phải học vì bị ép buộc mà học để vận dụng chúng vào thực tế cuộc sống. Học để biết những gì chưa biết, để không lạc hậu với những cá nhân khác trong thời hiện đại. Học để làm những gì chưa làm, để có thể mưu sinh, kiếm tìm một con đường, một sự nghiệp dành riêng cho bản thân. Học để chung sống với những con người cùng một trình độ, hòa nhập với thế giới này và để ngăn lại sự xa cách, sự đào thải của xã hội. Và cuối cùng, học để khẳng định mình, khẳng định cái tôi cá nhân, khẳng định vị thế của bản thân trong thời đại mới.

Việc xác định mục tiêu học tập thì con người mới có động lực chuẩn xác để học tập, để có động cơ để kiếm tìm phương pháp học tập mang lại hiệu quả tốt nhất. Vậy phương pháp học tập đúng đắn nhất là gì? Là học đi đôi với hành, là ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, là việc hiểu biết tri thức để làm những điều muốn làm và nên làm. Con người trải qua hàng trăm ngàn năm, từ cuộc sống nguyên thủy, ăn lông ở lỗ mà chuyển thành cuộc sống văn minh hiện đại ngày nay. Tất cả là dựa vào kho tàng tri thức được tích lũy phong phú đó. Bởi vậy cho nên chúng ta cần phải học đều bắt kịp với tri thức hiện đại và hòa nhịp với phong cách sống đang chuyển biến gắt gao ấy. Học để không thụt lùi, không lạc hậu với bạn bè đồng trang lứa, để mở ra chân trời bí ẩn, để cảm nhận thế giới muôn màu muôn vẻ. Chúng ta biết càng nhiều qua sách vở, phong phú thêm vốn hiểu biết của bản thân là cách để đặt nền móng cho tương lai vững chắc. Nhưng việc “thượng thông thiên văn, hạ tường địa lý” ấy sẽ chỉ khiến chúng ta trở thành con mọt sách nếu chúng ta chỉ dựa, chỉ xoay quanh tri thức được ghi chép lại hoặc sẽ chỉ nhớ một lúc rồi để chúng chìm vào quên lãng nếu chúng ta không ứng dụng chúng vào thực tế, không bắt tay vào thực nghiệm. Học để làm, để biến mớ kiến thức khô khan thành kinh nghiệm thực tế phong phú, để biến lý thuyết suông thành thực tiễn, biến những thứ vô tri trở thành vốn sống, thành thứ hữu ích cho đời sống con người. Việc học để biết sẽ bổ trợ cho học để làm, kinh nghiệm thực tiễn sẽ bổ toàn, sẽ hỗ trợ hoàn thiện những lý thuyết ban đầu, biến chúng trở thành tri thức của riêng chúng ta.

Song hành với phương pháp học đúng đắn học đi đôi với hành, hiểu biết để làm việc là gieo hạt thì học để chung sống và học để khẳng định mình là quả ngọt. Khi chúng ta học để nhận biết một thứ gì đó, học để làm thành thục một thứ gì đó thì chúng ta sẽ gặt hái được thành quả, được công nhận, trở thành một viên trong cộng đồng, hòa nhập với thế giới, điều hòa các mối quan hệ trong cuộc sống thường ngày. Những gì chúng ta đóng góp cho xã hội, cống hiến cho cộng đồng sẽ khiến chúng ta khẳng định vị thế của bản thân trên chặng đường đời gian truân, đầy cạm bẫy. Biết và làm giúp chúng ta đột phá được rào cản tri thức, vượt qua giới hạn để vươn đến thành công, vươn đến thế giới dành cho riêng mình, dành cho những người có cộng đồng sở thích với mình.

Học tập là một quá trình dài lâu nhưng đồng thời cũng là một quá trình không ngừng hoàn thiện bản thân. Học đâu chỉ là làm phong phú vốn hiểu biết của bản thân, cống hiến cho xã hội, thể hiện bản lĩnh mà còn là để khẳng định chính mình trong thời đại công nghệ số này. Việc xác định mục đích học tập đúng đắn là cách để chúng ta xác định tương lai, tích lũy vốn sống và trở thành một công dân ưu tú trong xã hội.

Tác giả: @baochau1112
 
  • Like
Reactions: Bùi Nhi

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

BÀI LÀM

“Rừng thư biển thánh khôn dò
Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra
Sẵn sàng áo mẹ cơm cha
Có văn có sách mới ra con người”​

Trong kho tàng ca dao tục ngữ của dân tộc thì có biết bao nhiêu những lời khuyên nhủ mà ông cha ta để lại nhằm răn dạy đời sau phải dốc sức học tập. Tuy nhiên, học không là là nhất thời mà là cả quá trình, là cả một đời người đắm chìm trong sự học, trong sự nghiệp học vấn. Bởi vậy cho nên ngay từ ban đầu, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải xác định mục đích của học tập. Như UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Là một tổ chức lớn về khoa học, về văn hóa và cả giáo dục thì UNESCO được xem như là tổ chức tiên phong, đi đầu trong việc khuyến khích, cổ động các thế hệ học sinh, sinh viên học tập, hướng tới việc lập ra nền tảng học vấn cho các học sinh. Vậy nền tảng học vấn bắt nguồn từ đâu? Nó phải bắt nguồn từ mục đích học tập đúng đắn.

Mục đích học tập có rất nhiều. Chẳng hạn như là để làm cha mẹ vui lòng, để được thầy cô khen ngợi, để được bạn bè kính trọng hay chỉ đơn giản mà biết để làm bài kiểm tra, làm đề thi. Tuy nhiên, những mục đích đó chỉ là những mục đích đơn thuần phát xuất từ góc nhìn đơn giản, hạn chế. Để khái quát về nó thì UNESCO đã đưa ra bốn trụ cột về học tập là để biết, để làm, để chung sống và để tự khẳng định mình.

Đầu tiên là học để biết. Biết rất quan trọng bởi nó có thể thay đổi vận mệnh con người. Biết cũng là khâu tiếp thu tri thức, tiếp nhận những bài học từ kinh tế đến y học, từ kỹ thuật đến nghệ thuật, từ đạo đức đến triết lý để làm giàu vốn hiểu biết của mình, để vững vàng đặt nền móng tự tin mà bước chân vào đời. Ở bất kỳ thời điểm nào hay bất kỳ hoàn cảnh nào, tri thức chính là chìa khóa để con người tự tin, kiêu hãnh tiến vào cánh cửa mở ra thế giới mới.

Tiếp theo là học để làm. Làm việc là một quá trình ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, là khâu thực hiện những gì đã biết, biến những tri thức vô hình thành vật chất hữu hình. Học chỉ là mớ kiến thức khô khan, khó hiểu nếu không có hành sánh bước. Hành chính là việc thực hành, vận dụng tri thức vốn có, tương hỗ với học, biến những thứ trừu tượng, những mơ tưởng của con người không nằm ngơ ngẩn, lẻ loi trên kệ sách mà thành những công trình, những nghiên cứu mang giá trị thực tiễn.

Tiếp theo nữa là học để chung sống. Học tập không đơn thuần là để hiểu biết tri thức, để làm việc mưu sinh mà còn để hòa nhập với mọi người, với cộng đồng. Sống chung ở đây có nghĩa là nắm được những kĩ năng thiết thực, dùng những kĩ năng ấy để chung sống, hòa mình với thời đại. Bởi lẽ nếu không có tri thức và kĩ năng thì con người dễ dàng bị xã hội đào thải, bị thế giới này ruồng bỏ.

Cuối cùng là học để khẳng định mình. Mục đích học tập này là mục đích thuần túy thỏa mãn tâm thái muốn chìm đắm trong hào quang của tất cả chúng ta. Đơn giản chỉ là việc được khen ngợi, được tán dương, được khen thưởng bởi mọi người. Thành tích học tập tốt được người người ca ngợi, ngưỡng mộ và dần dần bước lên đỉnh cao nhân sinh, trở thành một người sở hữu vị thế cao trên đấu trường quốc tế.

Học tập không chỉ đem lại cho chúng ta tri thức mà còn giúp chúng ta có cơ hội thay đổi vận mệnh, trở thành một con người ưu tú được người người công nhận. Học vấn là nền tảng căn bản giúp chúng ta hoàn thiện hành trang tri thức, kỹ năng nghiệp vụ, tu dưỡng nhân cách để sống sung sướng và kiến tạo đất nước, xây dựng thế giới một cách tốt đẹp hơn.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

BÀI LÀM
Mandela đã từng phát biểu: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Câu nói của ông đã trở thành một đề tài nóng hổi mỗi khi người ta bàn về giáo dục. Tán thành về ý kiến cũng như dẫn dắt các thế hệ loài người hướng đến học vấn thì UNESCO đã phát biểu: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Mục đích học tập mà UNESCO nhắc đến không dừng lại ở việc giáo dục sẽ đem đến cho ta tri thức và tri thức có thể thay đổi vận mệnh mà còn nhắc đến học tập giúp ta hòa nhập vào xã hội và khẳng định vị thế của bản thân trên đường đời. Tất cả chúng ta đều biết thế giới này tồn tại những quy luật vận động của tự nhiên, tồn tại những quy tắc vận hành của kinh tế, tồn tại những giáo lý chuẩn mực xã hội. Để có thể sống sung sướng và trở thành một viên trong mênh mông biển người ấy, việc tiếp thu kiến thức là hành động tất yếu, thiết thực và căn bản nhất.

Tri thức là cầu nối đưa con người rời xa cuộc sống nguyên thủy, ăn lông ở lỗ và tiến đến cuộc sống văn minh ăn sung mặc sướng. Tri thức bao gồm những bài học từ khoa học đến văn hóa, từ lịch sử đến địa lý, từ đạo đức đến phong cách sống. Tất cả những bài học ấy dù ít dù nhiều đều sẽ tác động đến cuộc sống của chúng ta, đều sẽ đem đến sự thay đổi nhất định của chúng dưới lăng kính đa chiều, đa màu. Là con người, chúng ta thường tiếp nhận hệ thống giáo dục như một cách để chuyển tải tri thức đến với nhau và đây cũng là khởi nguồn sơ khai nhất để đưa chúng ta đến với tân thế giới – tri thức. Hiểu biết sâu rộng những bài học ấy là bàn đạp để chúng ta tiến xa hơn, là cầu thang để chúng ta tiến về phía trước.

Học cần phải song hành với hành. Biết là một chuyện nhưng làm là một chuyện khác. Hiểu biết vẫn chỉ là lý thuyết suông nếu không gắn liền với thực tiễn. Thử hỏi bạn đọc thông viết thạo ngoại ngữ nhưng lại không thể giao tiếp được với người nước ngoài thì có tốt hay không? Thử hỏi bạn làm bài kiểm tra toán với số điểm thật cao nhưng lại vụng về khi thanh toán tiền mua hàng ở chợ thì có ổn hay không? Thử hỏi bạn viết văn thật hay nhưng lại không thể diễn thuyết, không thể bày tỏ được suy nghĩ của mình với người khác thì sẽ như thế nào? Học và hành có một mối liên kết mật thiết với nhau. Để có thể nắm vững được kiến thức từ quá trình học mang lại thì chúng ta cần phải thực hành đều đặn, nghiêm túc trong từng cử chỉ sinh hoạt hàng ngày và trong từng trạm dừng của ga tàu trí tuệ.

Mục đích hay tầm quan trọng của học vấn không dừng lại ở kho tàng kiến thức uyên bác, đồ sộ của nhân loại hay ở những công trình kiến trúc, những tác phẩm nghệ thuật, những lối sống khoa học mà còn ở chính việc chúng ta chung sống ra sao và khẳng định bản thân như thế nào. Học tập là cách để chúng ta lắng nghe người khác, đánh giá những gì người khác đã và đang làm, cảm nhận nhịp đập tâm hồn để có thể chung sống với nhau, để có thể hòa nhập với cộng đồng xã hội. Học tập là cách giao lưu với người khác, là phương thức hữu hiệu nhất để tiếp cận, để dung hòa với lối sống văn minh hiện đại ngày nay. Ngoài ra, học tập là cách để tâm hồn trở nên rộng mở hơn, giúp chúng ta hiểu được niềm vui, nỗi buồn của người khác rồi chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ họ tìm về bản ngã.

Cuối cùng là mục đích học tập nhằm khẳng định bản thân. Học tập không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của mỗi một người sống trên thế giới này. Bằng cấp, công danh là cái nhãn thực dụng nhất để chúng ta tiến vào đường đời. Hơn thế, học tập giúp chúng ta phát huy được tài năng, bản lĩnh và sức sáng tạo để đưa chính mình đi xa hơn trên chặng đường nghiên cứu và phát triển xã hội. Nhờ đó mà kiến tạo vị thế, khẳng định chỗ đứng của bản thân trước cộng đồng trong từng lĩnh vực khác nhau.

Mục đích học tập mà UNESCO đưa ra là hoàn toàn đúng đắn. Việc xác định những mục đích học tập trên giúp chúng ta có được động lực, tìm thấy cánh cửa chính xác, thu xếp hành trang chỉnh chu để tự tin, ngẩng cao đầu mà tiến về phía trước, tọa lạc trên đỉnh cao nhân sinh. Hãy nhớ rằng đích đến của học tập là để hoàn thiện bản thân và làm đẹp con người.

Tác giả: @baochau1112
 
Top Bottom