Văn phân tích

Hiểu Lam

Học sinh tiến bộ
Thành viên
24 Tháng tư 2017
1,167
1,857
259
21
Trái Đất
Một trong những tình cảm thiêng liêng, thắm thiết, sâu lắng nhất của tình con người chính là tình mẫu tử. Vẻ đẹp của tình mẫu tử thắm thiết mà bình dị, sâu sắc mà thiêng liêng từng được nhiều nhà thơ, nhà văn thể hiện trong tác phẩm hay và giàu ý nghĩa. Cùng chung mạch cảm hứng đó nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn có những hướng đi, khám phá riêng, với nỗ lực khơi những nguồn chưa ai khơi, viết những gì chưa ai viết, tất cả điều đó được bộc lộ rõ trong bài thơ “Những khúc hát ru lớn lên trên lưng mẹ”.
“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.”
Mở đầu bài thơ là hình ảnh của người mẹ Tà ôi, lời ru của tác giả. Những câu thơ của tác giả rất giàu sức gợi hình “Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.” Ta hình dung được dáng vẻ của người mẹ khi giã gạo, lúc thì nghiêng về phía trước, lúc ngả về phía sau. Sử dụng điệp từ “em”, “lưng mẹ” để thấy rõ được sự nhọc nhằn, vất vả thiếu thốn của người mẹ vừa phải địu con trên lưng, vừa phải làm những công việc trong gia đình.
Các cấu trúc lặp từ, điệp từ, trong toàn bộ bài thơ có sự lặp đi lặp lại điệp khúc:
“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Em ngủ cho ngoan đừng làm mẹ mỏi”
Điệp khúc này được lặp lại 3 lần trong bài thơ. Trên lưng mẹ em bé vẫn ngủ ngon. Giấc ngủ của em bé hòa vào công việc lao động của mẹ, bởi vì phải làm việc cực nhọc nhưng mẹ vẫn hát ru con từ sâu thẳm tâm hồn.
Còn đến khi mẹ tỉa bắp tác giả viết:
“Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka–lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.”
Nhà thơ sử dụng biện pháp đối lập, lưng núi thì to mà lưng mẹ lại nhỏ, lưng núi chắc chắn là rất rộng lớn, núi rừng thì trùng điệp mà mẹ thì lại bé nhỏ lại làm việc một mình trên cái không gian địa lý rộng lớn ấy thì mẹ lại càng trở nên đơn côi và bé bỏng. Với cách tư duy bằng hình ảnh cụ thể, chân thực của người miền núi để giúp người đọc hiểu rõ được sự vất vả, đơn côi của mẹ khi vừa phải lao động sản xuất vừa phải chăm sóc con thơ, tác giả như muốn chia sẻ sự khó khăn, vất vả đấy cùng mẹ bằng việc nêu lên hình ảnh đứa con nằm ngoan trên lưng mẹ, để mẹ không phải mỏi. Đây chính là niềm cảm thương đồng thời cũng là lòng biết ơn sâu sắc về những người mẹ vừa là hậu phương tham gia sản xuất cho tiền tuyến đánh giặc, vừa chăm con ngoan cho bộ đội yên tâm chiến đấu.
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.”
Đây có thể xem là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. Tác giả sử dụng nghệ thuật sóng đôi, “mặt trời” thứ nhất là mặt trời tự nhiên, mặt trời ấy tỏa ánh nắng ấm áp mang nguồn sống cho cây trái phát triển, đâm chồi nảy lộc, còn “mặt trời “ thứ 2 là em bé, em bé chính là mặt trời, là nguồn sống của mẹ, là động lực giúp mẹ vượt qua mọi khó khăn.
Nếu 2 khổ thơ trước mẹ giã gạo, mẹ tỉa bắp, mẹ gián tiếp phục vụ kháng chiến thì những câu thơ tiếp theo mẹ đã trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ và gian lao của đất nước:
“Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ địu em đi để dành trận cuối.”
Những hình ảnh cụ thể để nêu bật lên được công việc mà mẹ tham gia vào cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Mẹ “chuyển lán”, “đạp rừng”, em vẫn được mẹ địu trên lưng. Câu thơ khái quát sức mạnh của cả dân tộc ta. Đó là sức mạnh để dân tộc ta giành chiến thắng.
Nhà văn Vũ Quần Phương đã từng bình về câu thơ trên như sau: “nếu tách hai câu thơ xa nhau, sẽ không thấy được tính quy luật tất yếu của cách mạng. từ cuộc đời của một em bé cụ thể, tác giả đã bao quát được số phận của cả đất nước, khái quát hình tượng từ tới cách mạng của nhân dân ta. Đặt hai câu thơ nối nhau thành một hệ luận, có sức cộng hưởng sang nhau tạo thành một khối vừa sâu sắc về ý vừa đẹp về hình ảnh”
Bên cạnh đó là những lời tâm tình của người mẹ dành cho đứa con bé bỏng của mình:
“Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội”
“Mẹ thương a kay, mẹ thương làng đói.”
Mẹ thương a kay, mẹ thương đất nước.”
Đây là ba câu thơ có cấu trúc đối xứng, nhà thơ đã cắt câu thơ thành 2 vế và cắt nhau một cách chặt chẽ, 1 vế thì mẹ biểu lộ tình thương đối với con, còn vế kia mẹ lại bày tỏ tình thương đối với bộ đội, dân làng, đất nước. Tình yêu con đã hòa vào tình yêu của buôn làng, nhân dân, từ tình cảm gia đình riêng tư đã hòa vào tình cảm chung rộng lớn của cả dân tộc. Thê hiện sự trưởng thành sâu sắc trong suy nghĩ của người mẹ.
“Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,”
“Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”
“Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ,
Ý thơ lặp lại nhưng theo sự tăng tiến, để thể hiện ước mơ của mẹ, mẹ ước con của mẹ lớn khôn, mạnh mẽ, giỏi giang, mơ ước được thấy đất nước độc lập, thông nhất, được thấy Bác Hồ, được làm một người tự do. Cái tình cảm của mẹ ngày càng phát triển, chan hòa vào cuộc chiến đấu của dân tộc, tình yêu thương của mẹ dành cho con gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước.
Bài thơ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thể hiện qua chính nhan đề của bài như Vũ Quần Phương nhận xét rằng: nhan đề là câu thơ hay nhất của bài thơ. Những em bé lớn trên lưng mẹ. người mẹ trở nên vĩ đại như trái đất, còn đứa con thì thần kỳ như Phù Đổng. hình ảnh phi lý nhưng đã thâu tóm thấu lý nhất của bài thơ”.
Trong gian lao, vất vả nơi chiến khu, người mẹ càng dành cho con tình yêu thương lớn lao, càng mong con mau lớn khôn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do. Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu thương con gắn liền với tình yêu thương đất nước.
 
Top Bottom