Văn 10 Phân tích đoạn trích "Trao Duyên"

Hàn Thủy Nguyệt

Học sinh
Thành viên
14 Tháng mười hai 2019
23
27
21
20
An Giang
THPT CHÂU PHÚ
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Mọi người đọc giúp em bài văn và nhận xét với ạ. Thứ năm em kiểm tra rồi. Em chân thành cảm ơn.
Đề: Phân tích tâm trạng Thúy Kiều qua 18 dòng đầu đoạn trích "Trao Duyên" (Truyện Kiều- Nguyễn Du).

............
“Tình” - một tiếng giản đơn mà mang nặng nhiều xúc cảm, gói gọn bao hỉ nộ ái ố của một con người. Sống trong thời đại mà xã hội phong kiến có nhiều biến động, đại thi hào Nguyễn Du nổi bật so với các nhà nho khác khi dùng chữ “tình” đó để thể hiện niềm thương cảm với thân phận những người thấp cổ bé họng trong xã hội phong kiến, đặc biệt là người phụ nữ, qua đó hướng đến công bằng xã hội. Nổi bật nhất trong số đó là Truyện Kiều (có tên khác là “Đoạn trường tân thanh”), được sáng tác sau khi ông đi sứ Trung Quốc, có cốt truyện dựa trên cơ sở của tiểu thuyết “Kim, Vân, Kiều truyện” (Thanh Tâm Tài Nhân). Phân tích đoạn trích “Trao duyên”, ta sẽ thấy rõ tâm trạng của Thúy Kiều khi phải đem chữ “tình” của mình trao cho Thúy Vân.

Đoạn trích “Trao duyên”, gồm câu 723 đến 756, thuộc phần một của Truyện Kiều (Gặp gỡ và đính ước). Trước ngày Mã Giám Sinh đến rước Kiều đi, nàng thức trắng đêm suy nghĩ về cuộc đời bất hạnh và tình yêu lỡ làng của mình với Kim Trọng. Nàng quyết định nhờ em gái là Thúy Vân thay mình se duyên với chàng Kim. Đoạn trích “Trao duyên” là tâm sự của Kiều với Thúy Vân, thể hiện tâm trạng của nàng khiến người đọc không khỏi xót thương.

Mở đầu đoạn trích là một không khí trang trọng khác thường mà chính Thúy Kiều đã tạo ra:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Tại sao lại là “cậy” mà không phải nhờ? Với âm điệu nặng nề, trang trọng, chữ “cậy” không những mang nghĩa nhờ vả mà còn là lời gửi gắm với lòng tin sâu nặng. Thúy Kiều thể hiện sự tin tưởng dành cho Thúy Vân, đem hết tình yêu của mình gửi gắm cho em. Vậy còn chữ “chịu” thì sao? Kiều vừa nhờ cậy, van nài, vừa có ý đưa Vân vào thế bị bắt buộc. Nếu “nhận” mang sắc thái nhẹ hơn, có ý tự nguyện thì “chịu” là sự ép buộc khó có thể chối từ. Tiếp đến, Thúy Kiều thể hiện thái độ kính cẩn vốn chỉ đối với người bề trên: “lạy” rồi “thưa”. Rõ ràng, nàng đã mở đầu những mong muốn của mình bằng thái độ nghiêm túc, trang trọng, thể hiện sự kính cẩn và lòng hàm ơn sâu sắc của mình với người em gái, khiến Thúy Vân không thể nào không đồng ý được. Thế nhưng, là người thay thế Kiều, dành cuộc đời cho người mình chẳng yêu và người ấy chỉ mang trong lòng hình bóng của chị mình, Vân rõ ràng cũng đâu được hạnh phúc. Nhưng cái thiệt thòi của Vân so với Kiều có là gì? Dẫu sao, Vân vẫn được hưởng một cuộc sống êm đềm ở nhà họ Vương, còn Kiều từ nay phải luân lạc, đánh đổi cuộc đời mình để cứu giúp cha và em. Kiều là người trọng tình nghĩa và biết nghĩ cho người khác, tất nhiên sẽ nghĩ đến điều đó. Có lẽ vì biết yêu cầu của mình quá khó đối với Vân, nàng mới tạo ra không khí khác thường này để tỏ lòng thành khẩn và biết ơn hết mực đối với em. Phải chăng nàng đã quá đau khổ, quá ray rứt vì chưa trọn nghĩa tình với chàng Kim mà chọn cách để Vân hi sinh tuổi xuân của mình cho mối tình dang dở của nàng?

“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”
Sau khi nhún mình cúi xin em, Kiều nói ra ý nguyện của mình nhanh và ngắn gọn, muốn Vân thay mình cùng Kim Trọng làm trọn nghĩa tình. Tình yêu đầu đời của Kim và Kiều không chỉ là những rung động lứa đôi, mà còn là gánh nặng, là nghĩa vụ với lời thề “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Ta thấy Tố Như đã gửi gắm vào đó cách sống trọng nghĩa tình của người xưa. Đó cũng chính là lí do mà Kiều lại ray rứt đến thế khi không thể đáp trả nghĩa tình của chàng. Mối tình đẹp như mơ ấy vì biến cố gia đình mà “đứt gánh”, giờ đây chỉ còn là mối duyên thừa. Bao nhiêu tương tư giờ chỉ còn là dĩ vãng xót xa. Nhưng Kiều còn có Vân, nàng muốn hai người nên duyên, chắp vá mảnh tình tan vỡ cũ bằng “keo loan” - thứ keo từ huyết chim loan kết dính mọi vật không rời, ý chỉ tình cảm vợ chồng bền chặt. Tiếng “mặc” ở đây cũng là lời phó thác đầy tin tưởng của chị cho em gái - người duy nhất có thể thay chị làm trọn lời thề.

“Kể từ khi gặp chàng Kim
........
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?”
Ở câu thơ thứ 5 đến thứ 8, Thúy Kiều kể cho Vân nghe mối tình của mình với Kim Trọng để em hiểu nỗi lòng rối bời của mình hiện tại. “Quạt ước, chén thề” – đó là một tình yêu đẹp đẽ, sâu nặng. Kiều như hồi tưởng lại quá khứ êm thắm cùng chàng Kim, khi cùng nhau thề hẹn trăm năm, uống chén rượu nguyện lòng chung thủy. Mà giờ đây, nàng sắp bán mình cho người ta, khác nào kẻ phụ bạc lời thề. Nhưng sóng gió ập đến gia đình mình, nàng cũng chẳng thể vì tình yêu mà không làm tròn chữ “hiếu”. Đạo lí cơ bản của đạo Nho xưa nay luôn đặt đấng sinh thành làm đầu. Ta nghe trong lời Kiều nói có cái gì đó khó xử, dằn vặt và tiếc nuối. Khó mà vẹn cả đôi đường, Kiều quyết làm trọn đạo làm con, nhờ Vân thay mình trả chữ “tình” cho Kim Trọng.

“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ chịu lời nước non”
Thúy Kiều tiếp tục thuyết phục Vân bằng lời lẽ sắc sảo, khôn ngoan, thấu tình đạt lí. Nàng cho rằng Vân còn trẻ còn cả một quãng đời dài phía trước để chung sống cùng Kim Trọng. Còn Kiều, nàng cũng đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, nhưng nàng chẳng biết tương lai của mình sẽ ra sao, liệu có ngày trở về hay không. Mà cho dù có ngày đoàn viên, cuộc đời nàng cũng chẳng còn “xuân” nữa. Phải chăng khi nói câu ấy, nàng cũng tự nhìn thấy cuộc đời mù mịt phía trước? Chính vì thế, để Vân hiểu và chấp nhận hoàn cảnh của mình, Thúy Kiều đã ràng buộc em bằng tình máu mủ. Rõ ràng, người ta đâu thể từ chối lời khẩn xin của người thân ruột thịt. Kiều khéo léo dùng chữ “xót” để đề cao sự hi sinh cao đẹp của Vân.

“Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”
Thuý Kiều tiếp tục ràng buộc em bằng cách đề cập đến cái chết qua các thành ngữ “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”. Là nữ nhi liễu yếu đào tơ phải bán mình cho người nơi chân trời góc bể bơ vơ, nàng biết phận mình sẽ như cánh bèo trôi vô định, chẳng rõ ngày mai sống chết ra sao. Vì vậy, Kiều xem như kể từ ngày mai, mình không còn sống trong gia đình nhà họ Vương. Cũng phải thôi, cho dù tấm thân còn nương nhờ được nơi xứ người đi chăng nữa, thì tâm nàng cũng chết khi phải xa gia đình, chia cắt mối tình sâu nặng với Kim Trọng. Lòng Kiều lúc này nặng trĩu nỗi lo sầu cho tương lai, đến mức nàng tưởng tượng đến quyên sinh. Nhưng dẫu sao, nàng sẽ được an ủi và dù có ra đi vẫn sẽ được thanh thản nếu mối duyên tình dở dang ấy được Vân chắp nối. Đó cũng là cách mà Kiều dùng cái chết để nài ép em chấp nhận nguyện ý của mình, bởi lẽ có ai từ chối được lời trăng trối của người sắp đi về thế giới bên kia? Có ai đành lòng quay lưng với ước nguyện duy nhất giúp người chị ruột của mình than thản?

“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung”
Sau khi dùng mọi lời lẽ thuyết phục Thúy Vân, Kiều đem trao cho em những kỉ vật định tình giữa nàng và tình lang. Đó là đôi vòng xuyến và tờ mây thảo lời thề nguyện, hoặc có thể là thư từ giữa hai người. Với người ngoài, chúng hoàn toàn chẳng có giá trị vật chất gì, nhưng với Kiều, những kỉ vật ấy là minh chứng cho tình cảm thiêng liêng của mình. Nhưng tình yêu trong lòng nàng có đem gửi vào chiếc vành với bức tờ mây không? Không hề! Kiều trao kỉ vật cho Vân, nhưng nàng muốn giữ lại biết bao thương nhớ nàng dành cho Kim Trọng. Vì thế nên những vật đó là “của chung” - của ba người Kiều, Vân và Kim. Rõ ràng, Kiều không thể dứt tình được với chàng. Ở đây, ta thấy sự mâu thuẫn, do dự trong lòng nàng. Lí trí nàng bảo nàng phải trao duyên cho em gái, nhưng trái tim nàng lại không nỡ. Âu cũng là lẽ thường tình! Có nữ nhân nào lại không đau lòng khi phải chia lìa cách biệt người mình yêu thương? Có nữ nhân nào mà vui vẻ được khi chứng kiến tình nhân ở bên người khác, dẫu có là em gái mình? Huống hồ chi Thúy Kiều lại là người tình sâu nghĩa nặng. Nội tâm Kiều lúc này giằng xé vô cùng đau khổ. Tình cảm vấn vương trong trái tim mà nàng không thể trao cho ai sẽ là mối tâm tư đè nặng lòng nàng, khiến nàng chẳng thể nào thanh thản được đến mãi về sau.

“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
......... hương nguyền ngày xưa”.
Trong bốn câu thơ trên, Kiều vẽ ra hai khung cảnh đối lập: cuộc sống vợ chồng hạnh phúc của Thúy Vân cùng Kim Trọng và linh hồn cô độc của mình. Nàng tiếp tục đề cập đến cái chết qua những từ “mệnh bạc”, “mất người”. Nàng tự biết phận mình “mệnh bạc”, mỏng manh như sợi tơ, bất hạnh khôn cùng, số phận đã không cho nàng có được hạnh phúc. Lúc này, ta nghe trong các câu thơ nỗi đau đớn , tuyệt vọng của Thúy Kiều, dự cảm về một tương lai tăm tối. Từ giây phút trao duyên cho Thúy Vân, dường như nàng chẳng còn chút lẽ sống nào nữa. Bởi như bao nữ tử khác, tình yêu là lẽ sống của nàng, nay trao tay kẻ khác, thì đời nàng còn ý nghĩa gì đâu! Vậy nên, người con gái tội nghiệp ấy chỉ mong được Vân và chàng Kim dù yên bề gia thất cũng sẽ còn nhớ đến mình. Dù nàng có ở dưới hoàng tuyền, thì “của tin” - vật gợi nhớ đến nàng vẫn còn đó: mảnh hương đốt và cây đàn nguyệt mà Kiều từng gảy cho Kim Trọng nghe.

Nhìn chung, mười tám dòng đầu của đoạn trích “TD” đưa người đọc đi theo từng cung bậc cảm xúc của Thúy Kiều khi trao duyên cho Thúy Vân. Qua diễn biến nội tâm Kiều, ta thấy nàng là một con người trọng tình trọng nghĩa, hi sinh tình cảm cá nhân để báo hiếu, nhưng cũng không quên trả nghĩa cho tình nhân. Để khắc họa thành công hình ảnh Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Kể chuyện bằng thể thơ lục bát ngắn gọn, vậy mà mỗi từ mỗi chữ trong câu thơ ông đều có hồn, khéo léo thể hiện rõ cảm xúc, thái độ của nhân vật (cậy, chịu, lạy, thưa, mặc, xót,...). Đó chính là nghệ thuật dùng từ tài tình của ông, giúp “Truyện Kiều” có thể đứng riêng với “Kim, Vân, Kiều truyện”. Cùng với đó, những chi tiết ước lệ, ẩn dụ dùng điển tích điển cố (keo loan, quạt ước, chén thề, chín suối,...) đã tái hiện nội tâm của người thiếu nữ mà không bức tranh nào có thể vẽ lại được, không ngôn ngữ nào khác có thể lột tả hết được.

Dưới ngòi bút tài tình của Nguyễn Du, diễn biến tâm trạng rối bời của Thúy Kiều trong đêm trao duyên cho Vân đã được phác họa rõ nét. Qua đó, ta càng thương xót một số phận “hồng nhan đa truân”, cảm phục phẩm chất cao đẹp của một nàng Kiều trọng tình trọng nghĩa. Đoạn trích “TD” là một trong những minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của “TK” qua mọi thời đại.
 
Top Bottom