phân tích bài Sóng của Xuân Quỳnh .

P

phamminhkhoi

Con sóng trong Xuan Quỳnh chính là ước vọng chân thành và thiết tha nhất của tình yêu: muốn vượt ra ngoài cái hữu hạn, cái chật hẹp, cái bó buộc của không gian và thời gian ngắn ngủi của cuộc đời để vươn tới một thế giới vĩnh hằng bát tử.

Bạn có thê phân tích theo hai hướng (đều sẽ được điểm). Ở đây tuỳ bạn chọn xem hướng nào hợp với mình:

1. Phân tích theo dòng cảm xúc chủ đạo, "bổ dọc" bài thơ theo mình đã nói ở trên:

_Khát vọng tình yêu vượt qua những bó buộc:

+ Thông qua hình tượng SÓng, Xuân Quỳnh đã bày tỏ ước vọng tha thiết muốn vượt qua cái tầm thường, chật hẹp của thế giới hiện thực để giương buồm xuôi theo ngọn sóng đi đến những hoaì vọng xa xôi. Dòng sông của tình yêu, dòng sông của cuộc dời không đủ ,mênh mang để chứa lấy trọn vẹn một hồin thơ đã rộng mở để chờ sẵn một tình yêu chân thực. Vì thế nên, nhà thơ dã thốt lên:

"Sông không hiểu nổi mình/ sóng tìm ra tận bể"

+ cái tài của Xuân Quỳnh chính là nói lên được những băn khoăn khó hiểu, cắt nghĩa được nó, mô tả nó, mà không có vẻ gắng gượng. Người thiếu nữ bồi hồi bên biển sóng với những ước mơ muốn được yêu và yeu, nhưng vẫn không hiểu nổi tình yêu, như ngọn sóng lên từ một nơi xa xăm vô định:

Em nghĩ về biển lớn/ Từ nơi nào sóng lên...

+ trong thế giới mong ước đó sẽ không chia ra phương hướng, thời gian, ở đó chỉ có "phương anh" và "phương em", như tình yêu luôn hướng về nhau trọn vẹn:

"Dãu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam...)

_ Khát vọng hiến dâng:

+ ước vọng cao đẹp của một tình yêu tha thiết, nồng nàn, vị tha, và giàu dức hi sinh, được tan ra thành trăm con sóng để lênh đênh, vỗ về trên biển cả tình yêu suốt vạn năm trần thế. ước mơ đó đã nảy nở trong một tình yeu, một hồn thơ luôn canh cánh noõi sợ thời gian sẽ cướp mất đi tình cảm, muốn được sống mãi trong một thế giới không thực, để mãi mãi hiến dâng.

(...)

_ Hình tượng sóng:

Hình tượng dữ dôi và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ chính là hai câu hay nhất nói được lên cái thất thường, cái khó hiểu của nỗi lòng người phụ nữ khi yêu. Soi vào sóng, nhà thơ đã bộc bách nỗi lòng mình, đã nói thay cho tâm trạng của những người đang, đã và sẽ còn yêu trên trái đất. Chính vì vậy, mà sau này, dù nhiều đổi thay, người ta vẫn sẽ còn đọc, còn yêu, và còn say mê với hình tượng Sóng trong Xuân Quỳnh. Cái dữ dội của con sóng và cái mênh mang của biển khơi đã là một nguồn cảm xúc thơ vô tận cho một tâm hồn luôn băn khoăn về cội nguồn của tình ái. Câu hỏi đó, như Xuân Diệu, Xuân Quỳnh và nhiều nàh thơ đi sau cũng đã từng gaỉi thích, nhưng không almf sao cắt nghĩa; cũng như những con sóng không biết từ đâu mà bắt đầu.

2. Bổ ngang bài thơ, phân tích theo bố cục:

Bài thơ có 3 phần: Phần 1 (Khổ 1,2): Hình tượng sóng - biểu tượng tình yêu của người
phụ nữ
-Phần 2 ( Khổ 3->8) : Những đặc điểm của tình yêu
-Phần 3 (còn lại): Ý nghĩa cao đẹp của tình yêu –Khát vọng tình yêu
vĩnh hằng

bạ phân tích theo thứ tự từ trên xuống dưới đẻ làm rõ bài thơ, có thể sử dụng những ý mình đã đưa ra ở trước
.
 
X

xungba_giangho

Phân tích bài thơ sóng của Xuân Quỳnh

Bài làm

“Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968 của nữ nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.

Sắc điệu trữ tình của bài thơ được gợi lên từ hình tượng sóng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển ngắm nhìn những con sóng vô hồi, bất tận. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, đó là sự hoá thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ, lúc thì hoà nhập, lúc sự phân thân của “em” - người con gái đang yêu một cách say đắm. Sóng đã khơi gợi một hồn thơ phong phú, hồn nhiên, sôi nổi. Thông qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay để diễn tả tâm trạng của người con gái.

Sóng biến hóa, sóng vỗ liên hồi, triền miên và bất tận:

“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”

Trạng thái của sóng cũng là tâm trạng khi yêu, là khát vọng to lớn, mạnh mẽ về một tình yêu chân thành. Hành trình của sóng từ sông ra đại dương:

“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

Nơi mênh mông dạt dào, có đến nơi biển rộng trời cao sóng mới được vẫy vùng, mới thực sự tìm thấy mình trong sức sống mạnh mẽ với những khát khao to lớn. Sóng được làm biểu tượng của tình yêu. Miêu tả sóng biến hóa là cũng để nói lên cái phức tạp, đa dạng, khó hiểu của tình yêu. Cũng giống như sóng biển, tình yêu là một hiện tượng kỳ diệu của con người. Con sóng “ngày xưa” và con sóng “ngày sau” vẫn thế - triền miên, bất tận. Cũng như tình yêu mãi mãi là khát vọng của tuổi trẻ, của đôi lứa, cuả anh và em:

“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”

Con sóng tìm đến biển, đến đại dương là để tự hiểu mình. Cũng như em “khát” được đến bên anh, đến với một tình yêu đẹp để hiểu rõ hơn về tâm hồn em về con người đích thực của em. Người con gái hỏi sóng hay đang tự hỏi chính mình:

“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”

Cái giây phút giao duyên của đôi lứa. “Khi nào ta yêu nhau” tìm được một câu trả lời thật khó, bởi tình yêu là một hiện tượng, một thứ tình cảm khó có thể cắt nghĩa được. Bởi vậy trong bài thơ tình số 21 của thi hào Tagor đã viết rằng:

“Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”

Câu thơ “khi nào ta yêu nhau” đã diễn tả đúng nỗi niềm điển hình của những trai gái đang sống trong tình yêu đẹp. Sóng vỗ “dữ dội - dịu êm” , “ồn ào - lặng lẽ”, sóng “dưói lòng sâu” “sóng” trên mặt nước”, sóng nhớ bờ, đó là biểu hiện của tình yêu và nỗi nhớ. Yêu chân thành tha thiết, nhớ bồi hồi triền miên. Nỗi nhớ ấy day dứt, dày vò, choán đầy cả không gian, thấm trong chiều sâu, bề rộng, trải trong chiều dài thời gian:

“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”

Thật tự nhiên và thơ mộng, con sóng nhớ bờ nên ngày đêm sóng vỗ, sóng thao thức với thời gian và đại dương. Cũng giống như bên đợi thuyền, thuyền nhớ bến, lúc nào lòng người con gái cũng bồi hồi nhớ thương:

“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”

“Còn thức” tức là lúc nào em cũng nhìn thấy rõ hình bóng anh, ánh mắt anh ... Một tình yêu cuồng nhiệt, say mê. Con sóng khao khát được đến bờ để được vỗ về, ve vuốt:

“Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”
(Xuân Diệu)

Cũng như “em” muốn được gần bên anh, được hòa nhịp vào trong tình yêu với anh. Tình yêu của người con gái thật mãnh liệt, nồng nàn. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trong hạnh phúc trọn vẹn của lứa đôi.

“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng nhỏ
Con nào cũng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”

Người con gái đã bày tỏ lòng mình một cách chân thành, say đắm, thắm thiết. Chân thật và thuỷ chung là đặc tính của tình yêu:

“Dẫu xuôi về phương Bắc ...
Hướng về anh một phương”

Sóng đã bày tỏ nỗi lòng của người con gái, khát vọng được sống hết mình trong một tình yêu đẹp, sắt son thuỷ chung. Người ta thường nói xuôi vào Nam, ngược ra Bắc; nhưng ở đây, trong nỗi nhớ chất đầy nhà thơ lại dùng ngược lại. Từ đó nhà thơ đã nói đến nỗi nhớ bất chấp vạn vật, khoảng cách, tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn.

Cuối cùng sóng đã nói hộ nhà thơ nỗi khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu. Tình yêu lứa đôi đẹp đẽ, nồng nàn như trăm ngàn con sóng nhỏ giữa đại dương mênh mông, muốn được hoà nhịp vào biển lớn của tình yêu cộng đồng:

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

Cả bài thơ, nếu kể đến nhan đề, thì tác giả đã mười một lần nhắc đến từ “sóng”. Sóng vỗ như tâm tình xôn xao. Sóng cho ta nhiều ấn tượng về âm điệu của sóng, cũng như giọng điệu tâm tình, nhịp điệu của bài thơ. Thơ hồn nhiên, liền mạch về cảm xúc, trong sáng trong cách diễn đạt của tác giả. Sóng vỗ trên đại dương mênh mông cũng chính là sóng vỗ trong lòng người con gái.

Từ hình tượng “sóng” Xuân Quỳnh cho ta thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Với tình yêu chân thành, thắm thiết, người phụ nữ muốn sống hết mình, sống trọn vẹn trong tình yêu đẹp. Yêu là nhớ ngày mong đêm, người phụ nữ khát khao được hoà nhập gần gũi trong tình yêu ấy. Họ yêu thật nồng nàn, say đắm, thủy chung !

Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu.

“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”

Đọc xong bài thơ “Sóng” ta càng ngưỡng mộ hơn những con người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thuỷ chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi, bà đã làm phong phú hơn cho nền thơ nước nhà.

Đoàn Văn Đăng
:khi (34)::khi (34)::khi (34)::M012::M012::M012:
 
Top Bottom