Sử Phan Bội Châu

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

kỉ niệm 152 năm ngày sinh cụ Phan Bội Châu (26/12/1867-26/12/2019), mình xin đăng bài mà nhóm mình đã cùng viết với nhau trong chuyến đi Thực tế chuyên môn ra Huế hè năm 2019. Bài viết có trích dẫn và Danh mục tài liệu tham khảo đàng hoàng, rất mong mang lại cho các cậu một góc nhìn mới về cụ Phan Bội Châu.

PHAN BỘI CHÂU VÀ PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỈ XX (1904-1925)
1. Tác động của tình hình Trung Quốc cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX đến Phan Bội Châu
Cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX, dưới sự xâu xé của các cường quốc tư bản như: Anh, Pháp, Mĩ, Đức, Nhật Bản,…,Trung Quốc từ một nước độc lập trở thành một nước nửa thuộc địa. Đối nội thì đàn áp, đối ngoại thì nhu nhược. Tình cảnh Trung Quốc nửa đầu thế kỉ XX đã được Phan Bội Châu nhận định rất đúng rằng:
“Mãn Triều Trung Quốc và Nguyễn Triều Việt Nam cùng một phường chó chết như nhau mà thôi”[1, tr.52].
Sau chiến tranh Trung-Nhật (1894), uy tín của chính quyền Mãn Thanh càng sút kém. Tinh thần cách mạng của nhân dân Trung Quốc lên cao. Khuynh hướng cải lương phát triển mạnh mẽ, nhất là trong nội bộ giới trí thức xuất thân sĩ phu phong kiến hay giai cấp tư sản mới hình thành. Chịu ảnh hưởng những tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây thâm nhập vào Trung Quốc qua sách báo, họ sáng lập các học hội, học đường, hiệu sách, ra báo khắp nơi. Các nhân vật có tiếng nhất trong cuộc vận động duy tân là Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Đương Thâm Tú.
Tuy thật bại nhưng chính cuộc vận động duy tân của các sĩ phu yêu nước trên đã tạo điều kiện khách quan thuận lợi cho phong trào Duy Tân ở nước ta đầu thế kỉ XX. Qua các tác phẩm của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu như: “Trung Đông chiến kỉ”, “Phổ-Pháp chiến kỉ”, “Doanh hoàn chí lược”,…tư tưởng dân chủ tư sản, triết học ánh sáng của Rútxô, Môngtekiơ được giới thiệu với sĩ phu yêu nước Việt Nam. Trong đó người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và cũng là người khởi xướng cho phong trào duy tân ở nước ta chính là Phan Bội Châu.
2. Vài nét về thân thế và “sự khởi đầu” quá trình hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu (1882-1904)
Phan Bội Châu sinh ngày 26-12-1867 ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, hiệu Sào Nam, tự Hải Thụ. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lại là nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp mạnh mẽ nên ngay từ lúc còn là thanh niên, ông đã sục sôi trong mình nhiệt huyết cứu nước, cứu dân.
Năm 1882, lúc chỉ mới 15 tuổi đầu, khi thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần thứ hai, lúc nửa đêm, ông đã viết bài hịch “Bình Tây Thu Bắc” rồi đem dán ở thân cây to bên đường để cổ động nhân dân chống Pháp. Năm 18 tuổi, hưởng ứng lời kêu gọi chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (13-7-1885), ông đã tổ chức đội thiếu sinh quân hơn 60 người nhưng chưa kịp hành động thì bị thực dân Pháp giải tán.
Tiếp đến, ông có khoảng thời gian 10 năm ở nhà dạy học, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, giáo dục tầng lớp thanh niên Việt Nam tiến bộ sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc khi cần thiết. Trong giai đoạn này, Phan Bội Châu có quan hệ mật thiết với những chí sĩ từng tham gia khởi nghĩa Hương Khê như Ngô Quãng, Đội Quyên, Đội Quế, Nguyễn Quýnh, Lê Hạ,…Năm 1897, ông vào Huế, gặp được Nguyễn Thượng Hiền và được xem các Tân thư của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu như: “Phổ Pháp chiến kỉ”, “Trung Đông chiến kỉ”, “Doanh hoàn chí lược”,…Nhờ thế tư tưởng của ông được mở rộng hơn rất nhiều.
Năm 1901, Phan Bội Châu cùng một số đồng chí vạch ra ba kế hoạch: Một là liên kết với các chí sĩ Cần Vương còn lại và đồng bào yêu nước để tổ chức khởi nghĩa. Hai là tìm hậu duệ của vua để lập làm minh chủ, để “thu phục” nhân tâm. Ba là khi thời cơ đến sẽ cử người ra nước ngoài cầu viện. Ba kế hoạch này có lẽ là sự khởi đầu cho phương hướng hoạt động của Duy Tân hội sau này. Năm 1902, ông gặp Cả Trọng-con trai của Đề Thám, đại diện của phong trào nông dân Yên Thế đã giao hẹn với ông rằng khi Trung kì khởi nghĩa thì Yên Thế sẽ hưởng ứng. Năm 1903, Phan Bội Châu gặp Nguyễn Hàm ở Quảng Nam. Theo sự chỉ dẫn của Nguyễn Hàm, ông vào lại Huế để gặp Kì ngoại hầu Cường Để-hậu duệ Nguyễn Phúc Cảnh để liệu việc lập minh chủ. Cùng năm này, ông viết “Lưu Cầu Huyết lệ tân thư” để khơi dậy tinh thần yêu nước của quan lại triều Nguyễn, nhờ vậy ông kết giao thêm được với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,…đặc biệt là Phan Châu Trinh. Năm 1904, Phan Bội Châu vào Nam kì gặp nhà sư Trần Thị, rồi tới Sa Đéc gặp ông hội đồng Nguyễn Thành Hiến, hai người này về sau đều giúp sức đắc lực cho phong trào Đông Du.
3. Từ Duy Tân hội đến phong trào Đông Du (1904-1910)
3.1. Duy Tân hội và xuất dương cầu viện
Đầu năm 1904, Phan Bội Châu cùng Kì ngoại hầu Cường Để và hơn 20 đồng chí họp tại nhà riêng của Nguyễn Hàm cùng nhau thành lập một tổ chức bí mật có tên là Duy Tân hội, Cường Để được cử làm hội chủ. Mục dích chính của Hội là đánh Pháp, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Căn cứ vào việc tôn Cường Để làm Hội chủ, Duy Tân hội vẫn không ra ngoài chủ nghĩa quân chủ, nhưng là quân chủ lập hiến, vua chỉ có danh mà không có quyền. Cường Để được mời làm hội chủ chỉ để “thu phục nhân tâm”, tập hợp sĩ phu yêu nước, tranh thủ sự đồng tình và sự giúp đỡ của nhiều người trong nước mà thôi. Đây chính là sự tính toán ngay từ đầu của Phan Bội Châu, thật chất dù xuất thân là một sĩ phu phong kiến nhưng tới đây ông đã sớm đoạt tiệt hoàn toàn với chủ nghĩa quân chủ.
Hội nghị thành lập Hội đề ra ba nhiệm vụ trước mắt, trong đó xuất dương cầu viện là hết sức quan trọng và phải tuyệt đối giữ bí mật. Hội giao cho Nguyễn Hàm và Phan Bội Châu định liệu. Đó cũng chính là tiền đề của phong trào Đông Du sau này.
Ngày 23-2-1905, Phan Bội Châu dẫn đầu đoàn xuất dương đầu tiên gồm ba người (Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ) lên đường sang Nhật. Vừa đặt chân đến Yokohama, Phan Bội Châu đã tới gặp Lương Khải Siêu. Trong khi bút đàm, ông khuyên Phan Bội Châu nên thực sự chú trọng việc giáo dục và thức tỉnh nhân dân nước mình trước những tiến bộ của thế giới, khẳng định chỉ khi nào việc đó có kết quả thì ngoại viện mới có ý nghĩa. Ông khuyên không nên để cho quân đội Nhật vào Việt Nam, mà chỉ dừng ở mức có thể là nước lớn đầu tiên công nhận về mặt ngoại giao trong trường hợp giành được độc lập. Theo ông không nên tìm cách cầu ngoại viện để lấy lại độc lập, mà nên chuẩn bị cho nhân đân để mọi người đều sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ tốt.
Cũng trong lần đầu tới Nhật này, được thủ tướng Nhật Inukai Tsuyoshi giới thiệu, Phan Bội Châu đã hai lần tới gặp Tôn Trung Sơn. Trong khi đàm đạo, Tôn Trung Sơn kịch liệt công kích chủ trương quân chủ lập hiến của Duy Tân hội và tỏ ý muốn các nhà cách mạng Việt Nam tham gia đảng cách mạng Trung Quốc, sau khi cách mạng Trung Quốc thành công sẽ viện trợ cho các nước châu Á, trước hết giúp Việt Nam. Nhưng Phan Bội Châu lại muốn đảng cách mạng Trung Quốc giúp Việt Nam trước, khi Việt Nam khôi phục được độc lập thì sẽ cho cách mạng Trung Quốc mượn Việt Bắc làm căn cứ địa để tiến công khôi phục Trung Nguyên. Chính vì quan điểm có phần “khiêng cưỡng” này của ông nên việc gặp gỡ Tôn Trung Sơn không đạt được nhiều kết quả khả quan.
“Chuyến ra nước ngoài đầu tiên đã giúp Phan Bội Châu mở rộng tầm mắt, không còn bố hẹp trong hoạt động bạo động đơn thuần. Ông đã nhận thấy muốn mở rộng cuộc vận động cách mạng phải chấn hưng kinh tế, xuất bản sách báo, lập các đoàn thể để nâng cao lòng yêu nước căm thù giặc, trình độ văn hoá và chính trị trong nhân dân. Đồng thời, Phan cũng thấy cách mạng Việt Nam cần có sự đồng tình và ủng hệ của dư luận tiến bộ và phong trào cách mạng thế giới”[5, tr.141].
3.2. Phong trào Đông Du và “sự thật” về xu hướng bạo động của Phan Bội Châu
Tháng 8-1905, Phan Bội Châu về đến Hà Tĩnh. Trong các cuộc gặp gỡ bàn bạc với các đồng chí, ông đã đề ra kế hoạch đưa một số thanh niên thông minh, chịu được lao khổ, càng trẻ càng tốt đưa đi học ở Nhật.
1906-1907, phong trào Đông du phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp Bắc, Trung, Nam, việc học tập của lưu học sinh thu được những kết quả vô cùng khả quan. Trong giai đoạn này, khoảng 200 sinh viên nước ta đã xuất dương sang Nhật học tập, hầu hết những thanh niên này đều học tại Đồng Văn thư viện và trường Chấn Võ ở Tôkiô. Tại đây, họ được phiên chế vào các ban ngành chuyên môn. Buổi sáng học văn hoá, buổi chiều học các tri thức quân sự và luyện tập ở thao trường. Chương trình nhằm đào tạo những người có trình độ văn hoá và quân sự cần thiết cho công cuộc đánh Pháp cứu nước về sau.
Tháng 3-1906, trong lúc đang xúc tiến mạnh mẽ phong trào Đông du tại Nhật, Phan Bội Châu đã gặp Phan Châu Trinh. Sau này, trong tác phẩm “Niên biểu” của mình ông đã viết: “Cụ (Phan Châu Trinh) muốn đánh đổ nền quân chủ, cốt vun trồng nền tảng dân quyền, dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, nước mình độc lập rồi mới bàn đến việc khác. Vì thế mà đang lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ”[3, tr.116].
Như vậy mặc dù bị hạn chế bởi thời đại, còn chưa được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng Phan Bội Châu đã nhận thức được rằng phải tập hợp mọi lực lượng của các tầng lớp xã hội để giải phóng dân tộc sau đó mới giải quyết các vấn đề khác. Ông đã đặt nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu, điều mà sau này cũng đã được Nguyễn Ái Quốc nêu lên trong “Cương lĩnh chính trị đầu tiên” của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Điều này chứng tỏ quan điểm cách mạng của ông tương đối tiến bộ, mặc dù ông còn đặt nặng vấn đề bạo lực nhưng cũng đã biết đến việc tập hợp lực lượng trong mọi tầng lớp nhân dân, biết đến đâu mới là nhiệm vụ và kẻ thù của dân tộc. Việc ông chủ trương quân chủ lập hiến chỉ là sách lược nhất thời mà thôi, chính bản thân ông cũng đã nói:
“Dân không còn nữa, mà chủ với ai?”[2, tr.23].
Cũng trong giai đoạn 1906-1907, ông tham gia biên tập cho tờ “Vân Nam tạp chí”-một tờ báo của những người cách mạng Trung Quốc hoạt động tại Nhật Bản, nhờ vậy Phan Bội Châu càng gần hơn với chủ nghĩa dân chủ.
“Tôi được trao đổi nhiều với đảng viên cách mạng Trung Quốc nên càng ngày càng thấm nhuần được tư tưởng dân chủ: tuy bị kế hoạch cũ ngăn trở, lời lẽ chưa phát biểu được mạnh dạn, nhưng trong bụng đã chứa sẵn một động cơ thay đổi bắt đầu từ đó…” [5, tr.144].
Trước khi bị trục xuất khỏi Nhật, biết không thể trông cậy vào Nhật được, Phan Bội Châu đã nghĩ đến việc liên hiệp toàn châu Á, đoàn kết với các chí sỉ lưu vong Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Phi Luật Tân hiện sống ở Nhật Bản để cùng nhau trao đổi, bàn định kế hoạch cứu nước và họp nhau trong một tổ chức chính trị gọi là “Đông Á Đồng minh hội”. Nhưng Hội mới thành lập được 5 tháng thì đã bị chính phủ Nhật giải tán. Tiến theo ông thành lập “Hội Điền-Quế-Việt liên minh” nhằm thu hút sự tham gia của các học sinh người Vân Nam, Quế Châu và các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Hội có mục đích giúp đỡ nhau giải phóng đất nước khỏi ách thống trị và sự ràng buộc của đế quốc. Nhưng cũng chỉ hoạt động được 3 tháng, các chính phủ Mãn Thanh, Pháp và Nhật Bản đã câu kết với nhau để giải tán Hội.
“Những hoạt động trên chứng tỏ Phan Bội Châu đã nhận thức mối liên hệ khăng khít giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng ở châu Á, đầu mối của sự hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các chiến sĩ cách mạng Trung Quốc và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam sau này”[5, tr.145].
Đến 10-1908, do Pháp-Nhật bắt tay nhau phá hoại, trào Đông Du hoàn toàn tan rã. “Duy tân hội” gần như bị giải tán, Phan Bội Châu phải đưa những hội viên nòng cốt còn lại về Bạn Thẩm (Thái Lan) hoạt động chờ thời. Đến giữa năm 1912, “Duy tân hội” cũng chính thức bị giải tán.
4. Việt Nam Quang phục hội và những cố gắng cuối cùng của Phan Bội Châu (1912-1925)
4.1. Việt Nam Quang phục hội
Tháng 10-1911, Cách mạng Tân Hợi bùng nổ bằng một cuộc khỏi nghĩa vũ trang. Trong không đây 2 tháng, quân khởi nghĩa đã giải phóng hầu hết các tỉnh của Trung Quốc. Chính phủ Dân quốc lâm thời được thiết lập ở Nam Kinh, kết thúc chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc. Được tin đó, Phan Bội Châu và các đồng chí đang nương nấu ở Thái Lan hết sức vui mừng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chính việc này đã làm cho ông càng đi theo con đường nặng về bạo động để giải phóng dân tộc.
Tháng 5-1912, trong cuộc hội nghị tại nhà Lưu Vĩnh Phúc, có đông đủ đại biểu khắp ba kì đã quyết định thủ tiêu “Duy tân hội” và thành lập “Việt Nam Quang phục hội”. Vấn đề gay go nhất được nêu ra thảo luận là theo quân chủ hay dân chủ. Phan Bội Châu là người đầu tiên đề ra và cũng là người tranh luận hăng hái nhất để bảo vệ chủ nghĩa dân chủ, cuối cùng đã được đa số chấp thuận.
“Việt Nam Quang phục hội” chủ trương đánh đuổi quân Pháp bằng bạo lực quân sự nên có đội “Quang phục quân”. Thực sự mà nói trong suốt khoảng thời gian tồn tại của mình (1912-1925), “Việt Nam Quang phục hội” chỉ thực hiện được một số vụ ám sát lẻ tẻ như: vụ ám sát tuần phủ Thái Bình (13-4-1913), vụ ném tạt đạn tại khách sạn Hà Nội (26-4-1913),…và chỉ gây được tiếng vang nhất định trong nhân dân mà thôi. Trước những cuộc bạo động “non” này của “Việt Nam Quang phục hội”, thực dân Pháp ngày càng tăng cường khủng bố và đàn áp. Hàng trăm người bị bắt bớ tù đày, những người trực tiếp tham gia các cuộc bạo động đều bị xử tử như: Phạm Văn Tráng, Nguyễn Khắc Cầu,…Phan Bội Châu và Cường Để đều bị kết án tử hình vắng mặt. Sau Phan Bội Châu lần lượt các yếu nhân khác của “Việt Nam Quang phục hội” cũng rơi vào tay thực dân Pháp. Đến khi “Chiến tranh thế giới thứ nhất” diễn ra (1914-1918), “Việt Nam Quang phục hội” gần như tan rã.
Tuy nhiên, đường lối bạo động của Phan Bội Châu có ý nghĩa rất lớn. Mặc dù không giành được thắng lợi, nhưng vì đi đúng xu thế phát triển của lịch sử, đường lối đó đã phát động mạnh mẽ tinh thần yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Đó là những cống hiến lớn lao của Phan Bội Châu và “Việt Nam Quang phục hội” vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Còn về phía bản thân mình, chính ông cũng đã rút ra được những bài học cay đắng cho mình, những bài học mà có ý nghĩa rất lớn đối với đường lối kháng chiến “toàn dân-toàn diện-trường kì-tự lực cách sinh” của Đảng ta sau này:
“Sau nghĩ ra việc này (tức việc thành lập Việt Nam Quang phục hội - TG) cũng rất hoang đường, vì trong nước không có một kinh doanh, tổ chức gì, chỉ chủ trương thế lực bên ngoài, trăm nghìn việc đều nương dựa vào người khác thì từ xưa đến nay, từ Đông đến Tây, không bao giờ có một đảng cách mạng ăn nhờ như thế”[1, tr.139].
“Như thế mới biết không có lực lượng bên trong mà chỉ ỷ lại vào người ngoài thì thật là khó”[1, tr.146].
“Ỷ lại vào người thì không thể thành công được”[1, tr.164].
4.2. Những cố gắng cuối cùng của Phan Bội Châu
Năm 1920, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của Cách mạng tháng Mười Nga, Phan Bội Châu bắt đầu hướng đến một hệ tư tưởng mới – tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông đánh giá cao và có cảm tình lớn với Cách mạng tháng Mười. Ông viết:
“May thay! Đương lúc khói độc mây mù, thình lình có một trận gió xuân thổi tới. Đương giữa lúc trời khuya đất ngủ, thình lình có một tia thái dương mọc ra. Trận gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội”[4, tr.4].
Cuối năm này, Phan Bội Châu đã dịch ra chữ Hán cuốn “Điều tra chân tướng Nga-la-tư” của một tác giả người Nhật, rồi đưa đến giới thiệu với Đại sứ Nga ở Bắc Kinh. Trong cuộc tiếp xúc này, ông đã ngỏ ý muốn gửi người Việt Nam sang Nga du học.
Năm 1923, ở Trung Quốc diễn ra sự kiện Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản hợp tác. Trước tình hình đó Phan Bội Châu đã bàn bạc với các đồng chí của mình cải tổ “Việt Nam Quang phục hội” thành “Việt Nam Quốc dân đảng”, phỏng theo “Quốc dân đáng” của Tôn Trung Sơn.
Tháng 12 - 1924, được sự góp ý của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu quyết định sẽ cải tổ “Việt Nam Quốc dân đảng” thành một tổ chức yêu nước tiến bộ.
“Sự kiện này chứng tỏ Phan Bội Châu vẫn luôn luôn là một người yêu nước chân thành, thực sự cẩu thị, sẵn sàng thay đổi phương châm đường hướng, miễn là đạt được mục đích cuối cùng”[5, tr.250].
Nhưng tiếc thay, ý định tốt đẹp đó chưa kịp thực hiện thì Phan Bội Châu đã bị thực dân Pháp bắt vào tháng 6-1925 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Cuối năm đó, ông bị Pháp kết tù, rồi đưa về an trí (thật chất là giam lỏng) ở Huế. Từ đó trở đi, trong cuộc đời của một người tù giam lỏng, bị cách biệt với thực tế cuộc sống bên ngoài, Phan Bội Châu không thể vươn tới một tư tưởng mới, một trào lưu cách mạng mới nữa, tình cảm của ông đối với “Cách mạng tháng Mười” và Lênin vĩ đại chỉ còn được thể hiện qua việc treo ảnh của Lênin ở giữa nhà, hay viết sách “Xã hội chủ nghĩa”. Bản thân ông ruốt cuộc không tránh khỏi tâm trạng cô quạnh, u buồn, thất vọng của một con người đã bị thời đại vượt qua và cảm thấy mình bất lực, nhưng vẫn ngày đêm đau đáu nổi niềm yêu nước thương dân.
“Từ năm 1926 trở đi, Phan Bội Châu là người tù bị giam lỏng ở Bến Ngự. Đến đây, cuộc đời hoạt động cách mạng nguyện hiến dâng tất cả cho Tổ quốc của Phan Bội Châu phải bỏ dở. Phong trào cách mạng Việt Nam theo đà phát triển mới của lịch sử tiến như vũ bão. Mặc dù "Ông già Bến Ngự" phải sống cuộc đời "cá chậu chim lồng" nhưng cụ vẫn làm thơ văn để nói nỗi khổ nhục của người dân mất nước, trách nhiệm của người dân đối với nước...”[7].
5. Cần hiểu đúng về Phan Bội Châu
5.1. Về tư tưởng chính trị
Qua thực tiễn hoạt động cách mạng, tiếp thu những giá trị trong nền dân chủ Phương Tây, Phan Bội Châu sớm nhận ra rằng nhà nước phong kiến đã lỗi thời, lạc hậu không còn đủ sức để dẫn dắt nhân dân ta làm cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc được nữa. Bên cạnh đó việc chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi, tư tưởng dân chủ của Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn nên ông đã chuyển hẳn từ chủ nghĩa quân chủ lập hiến sang dân chủ tư sản, bằng chứng rõ ràng nhất là việc thủ tiêu “Duy tân Hội” và thành lập “Việc Nam quang phục hội”. Qua đây thể hiện sự thay đổi nhạy bén, thức thời và hợp thời của ông mặc dù rõ ràng rằng cả gia đình ông có truyền thống nho giáo. Sau này, khi tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin, Phan Bội Châu đã tin tưởng chủ nghĩa này và ông tiếp tục có sự chuyển biến từ dân chủ tư sản sang Xã hội chủ nghĩa.
5.2. Về phương hướng làm cách mạng
Hiện nay đa số nhiều người khi nói đến Phan Bội Châu đều ghép tên ông với từ “bạo động” và nói đường lối của ông là “đưa hổ cửa trước, rước beo của sau”. Tuy nhiên khi nhìn nhận kĩ lại vấn đề, thì phải thừa nhận rằng đối với ông “bạo động” không phải là bạo động thông thường và việc ông đưa người sang Nhật học càng không phải là ông không biết bản chất của đế quốc này thế nào. Ngay từ khi sang Nhật, được tiếp xúc với Lương Khải Siêu, và thủ tướng Nhật là Inukai Tsuyoshi ông đã hiểu được việc mình làm, hiểu được rằng chỉ có thể cầu học ở Nhật chứ không thể trông mong gì hơn.
Suốt trong giai đoạn 1905-1908, thông qua các cuộc gặp với hai nhân vật trên cũng như với Phan Châu Trinh rồi Hoàng Hoa Thám, việc tham gia công tác tại “Vân Nam tạp chí”, việc thành lập “Đông Á Đồng minh hội”, hội “Điền-Quế-Việt liên minh” có thể thấy ông đã biết liên kết với phong trào nông dân, tập hợp quần chúng nhân dân, có ý thức thức tĩnh nhân dân, mở rộng hoạt động cách mạng của mình ra tầm khu vực bằng cách tập hợp các dân tộc bị áp bức. Trong tư tưởng của ông, ông biết rằng chỉ có như thế mới có thể đánh bại một kẻ thù hùng mạnh như thực dân Pháp. Đặc biệt, trong cuộc gặp với Phan Châu Trinh vào tháng 2-1906 tại Nhật, ông đã khẳng định đường lối của ông là muốn giải quyết nhiệm vụ dân tộc trước rồi mới đến nhiệm vụ giai cấp sau. Ra đời sau đó 24 năm, “Cương lĩnh chính trị đầu tiên” của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo cũng đã nêu lên đường lối cách mạng này. Đến năm 1925, vẫn chưa có một dân tộc nào có thể thoát khỏi ách đô hộ của thực dân bằng một con đường nào khác ngoài khởi nghĩa vũ trang nên suy cho cùng, hai chữ bạo động của ông là hợp thời.
Trong suốt 15 năm cuối đời bị giam lõng ở Huế, qua những lần suy tư cùng thời cuộc, ông có nhiều nhận xét cay đắng, nhìn nhận thẳng thắng về sự thất bại của mình. Từ việc thành lập “Việt Nam quang phục hội”, ông cho người đời bài học phải tự lực cánh sinh là chính trong khi làm cách mạng, bởi vì giải phóng mình thì chỉ có mình mới làm được chứ không thể nhờ vã được. Nếu tính từ lúc ông qua đời ngày 29-10-1940, hơn 6 năm sau, đường lối kháng chiến, kiến quốc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã nêu rõ phải tự lực cánh sinh.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
SÁCH
1. Phan Bội Châu, Niên biểu, Nxb Văn-Sử-Địa, Hà Nội, 1957.
2. Phan Bội Châu, Toàn tập-tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990.
3. Phan Bội Châu, Toàn tập-tập 6, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990.
4. Phan Bội Châu, Xã hội chủ nghĩa, Nxb Sinh Minh, Vinh, 1946.
5. Đinh Xuân Lâm (2015), Đại cương lịch sử Việt Nam tập II 1858-1945, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
6. Chương Thâu (1982), Phan Bội Châu-con người và sự nghiệp cứu nước, Nxb Nghệ-Tĩnh, Nghệ-Tĩnh.
BÁO
7. Nhiều tác giả (2017), Phan Bội Châu-nhà yêu nước lớn đầu thế kỉ 20, Báo Nghệ An, Nghệ An, 8-12-2017 09:28.
(Bên dưới là ảnh của cụ và khu lưu niệm Phan Bội Châu tại số 119 đường Phan Bội Châu, phường Trường An, Tp.Huế).

inbound3599446271367900969.jpg inbound2474644043332662474.jpg

Nguồn: nhóm nghiên cứu lịch sử
 
Top Bottom