Văn 9 ôn thi vào 10

Vi Thị Khánh Hà

Học sinh chăm học
Thành viên
1 Tháng năm 2017
358
446
96
19
xã Cam Thành Bắc huyện Cam Lâm
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

ÔN TẬP VỀ VĂN NGHỊ LUẬN
I. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI:
1. Em có suy nghĩ gì về ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thế hệ trẻ Việt Nam.

Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một tư tưởng luôn được đề cao trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sôi động hiện nay, đây lại càng là vấn đề quan trọng, ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thế hệ trẻ hiện nay, một lực lượng đông đảo và hùng hậu đang là điều được quan tâm đặc biệt của xã hội.
Vậy chúng ta cùng nhau tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là? Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại.
Hiện nay,chúng ta đều thấy, thanh niên, thiếu niên là những đối tượng bén nhạy nhất với các yếu tố văn hoá. Thế hệ trẻ bây giờ nhanh nhạy hơn, năng động hơn, hiện đại hơn, đó là dấu hiệu đáng mừng, bởi nó chứng tỏ tuổi trẻ Việt Nam luôn nắm bắt và theo kịp những yêu cầu của thời đại. Thế nhưng, hãy quan sát kĩ một chút, chúng ta sẽ thấy trong cái năng động, hiện đại đó còn có rất nhiều điều đáng để suy ngẫm. Đầu tiên là từ những cái dễ thấy nhất như đi đứng, nói năng, ăn mặc, phục trang. Xu hướng chung của giới trẻ là bắt chước, học theo phim nước ngoài, theo các diễn viên, các ca sĩ nổi tiếng. Những mái tóc nhuộm nhiều màu, những bộ quần áo cộc cỡn, lạ mắt, những cử chỉ đầy kiểu cách, những câu nói lẫn lộn Tiếng Anh, Tiếng Việt... đó là biểu hiện của một thứ văn hoá đua đòi, phù phiếm. Sự chân phương, giản dị mà lịch lãm, trang nhã vốn là biểu hiện truyền thống của người Việt Nam đã không được nhiều bạn trẻ quan tâm, để ý. Chạy theo những hình thức như vậy cũng là biểu hiện của việc quay lưng lại với bản sắc văn hoá dân tộc. Ở một chiều sâu khó thấy hơn là quan niệm, cách nghĩ, lối sống. Rất nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam không nắm được lịch sử dân tộc dù đã được học rất nhiều, trong khi đó lại thuộc lòng vanh vách tiểu sử, đời tư của các diễn viên, ca sĩ ; không biết, không hiểu và không quan tâm tới các lễ hội dân gian vốn là sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời của nhân dân trong khi rất sành về "chat", về ca nhạc, cà phê. Ngày lễ, tết họ đến nhà thờ hoặc vào chùa hái lộc nhưng không biết bàn thờ gia tiên đã có những gì. Họ coi sự cần cù, chăm chỉ là biểu hiện của sự cũ kĩ, lạc hậu... Tất cả đều là biểu hiện của một sự thiếu ý thức trong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Tiếp xúc với nhiều công dân trẻ tuổi, người ta thấy dấu ấn của bản sắc văn hoá Việt Nam là rất mờ nhạt, mà đậm nét lại là một thứ văn hoá ngoại lai hỗn tạp. Đó là một thực trạng đang khá phổ biến hiện nay.
Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn đến việc giới trẻ hiện nay không còn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc? Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên : nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Về phía nguyên nhân khách quan, đó chính là tác động của môi trường sống, của bối cảnh thời đại. Thời đại đất nước mở cửa giao lưu, hội nhập với thế giới cho nền văn hoá bên ngoài tràn vào Việt Nam. Đâu đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một thứ văn hoá mới, hiện đại và đầy quyến rũ. Trong một không gian chung như vậy, những nét văn hoá cổ truyền của người Việt dường như đang có nguy cơ trở nên yếu thế và bị mờ nhạt. Về phía nguyên nhân chủ quan, thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm để ý đến vấn đề bản sắc văn hoá. Họ thiếu ý thức giữ gìn, bởi thực chất là họ không hiểu được bản sắc văn hoá dân tộc là gì và cũng không cần hiểu.
Những công dân trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam nhưng lại không giống một người dân nước Việt. Họ có bề rộng nhưng thiếu chiều sâu, chiều sâu của một tâm hồn Việt, một tính cách Việt. Văn hoá dân tộc là cội rễ bền vững của tâm hồn mỗi con người, không lớn lên và bám chắc vào cội rễ đó, mỗi con người chỉ còn là một cá nhân lạc loài giữa cộng đồng của mình. Đó là hậu quả đầu tiên dành cho chính mỗi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Và hãy tưởng tượng, nếu thế hệ hôm nay quên đi bản sắc văn hoá dân tộc mình thì trong một tương lai không xa chúng ta sẽ còn lại gì ? Và những thế hệ tiếp nối sau này sẽ ra sao ? Bản sắc văn hoá là linh hồn, là gương mặt riêng của mỗi dân tộc, là yếu tố quan trọng để khẳng định vị thế của dân tộc đó ở giữa cộng đồng thế giới. Đánh mất bản sắc riêng trong nền văn hoá của mình là đánh mất quá khứ, mất lịch sử, mất cội nguồn và chúng ta chỉ còn là một con số không ở giữa nhân loại. Thế hệ trẻ là những người nắm giữ tương lai của đất nước, bởi vậy, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một điều vô cùng cần thiết.
Vậy thì cần làm gì để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc? Trước hết, là phải từ sự tự giác ý thức của mỗi người. Mỗi thanh niên, thiếu niên phải thực sự thấy được giá trị của văn hoá dân tộc - những giá trị được chắt lọc và đúc kết từ ngàn đời, được gìn giữ, kế thừa qua bao thăng trầm của lịch sử, đã và đang ăn sâu trong máu thịt của mỗi người dân để dù có đi đâu, sống ở nơi nào, con người đó vẫn luôn là người dân nước Việt. Gia đình, cộng đồng xã hội cũng phải chung sức, chung lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hoá đó trong sự trà trộn phức tạp của những luồng văn hoá khác nhau ở Việt Nam. Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, giữ gìn ở đây không có nghĩa là khư khư ôm lấy cái đã có. Cần phải kế thừa phát huy nhưng đồng thời cũng phải phát triển nó lên bằng cách kết hợp có lựa chọn với những yếu tố văn hoá mới tích cực. Từ đó hình thành một nền văn hoá Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại, đa dạng, vừa thống nhất, đảm bảo được yêu cầu "hoà nhập nhưng không hoà tan" trong một thời đại mới. Thực hiện điều này là trọng trách, là nghĩa vụ của mỗi công dân, của mỗi thanh, thiếu niên hôm nay.
Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là đóng góp có ý nghĩa đầu tiên cho đất nước mà mỗi thanh thiếu niên có thể làm và hãy làm bắt đầu từ việc điều chỉnh, uốn nắn chính những hành vi, ý thức của bản thân mình. Hơn nữa, chúng ta là những học sinh - những mầm non tương lai của đất nước, vì vậy chúng ta cần phải học tập thật tốt, rèn luyện bản thân và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời cũng cần phải học hỏi và tiếp thu những nền văn hóa tốt đẹp của các đất nước trên thế giới để đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Bác Hồ.
2. Có rất nhiều bạn nhỏ bằng tuổi em nhưng phải rời nhà ra kiếm sống ở các thành phố. Suy nghĩ của em về vấn đề này ?
Trẻ em là mầm non tương lai của thế giới. Trẻ em sinh ra phải được chăm sóc, nuôi dưỡng, được yêu thương, bảo vệ và học tập đầy đủ. Đó là quyền mà bất kì đứa trẻ nào cũng được hưởng. Thế nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Có rất nhiều bạn nhỏ khi lớn lên đã phải sớm rời bỏ mái nhà thân thương để tự kiếm sống cho bản thân ở những thành phố, những khu đô thị xa lạ. Hiện tượng này không còn là cá biệt mà đã trở thành một tình trạng phổ biến, một vấn đề của cả xã hội.
Đặt chân đến bất kì thành phố, khu đô thị lớn, bé nào, người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ lang thang đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Đó là những cô bé, cậu bé tuổi còn rất nhỏ, tâm hồn còn rất ngây thơ, non nớt. Các em đáng lẽ phải đang ở nhà và cắp sách đến trường như bao bạn nhỏ cùng trang lứa khác. Nhưng giờ đây, các em lại phải một thân một mình bươn chải kiếm sống. Các em tìm đến các thành phố với mục đích lớn nhất là để kiếm tiền nuôi sống bản thân và giúp đỡ cho gia đình. Mỗi em tự tìm cho mình một công việc : em thì đánh giày, em thì bán báo, em thì đi làm người giúp việc trong các gia đình, các quán ăn... Bất cứ việc gì có thể kiếm ra đồng tiền và có người cần các em thì các em đều có thể làm. Việc ít, người nhiều, nhiều khi phải tranh cướp, giành giật mới kiếm được miếng ăn ít ỏi.
Một mình giữa nơi đông đúc, không có người thân bên cạnh, các em phải tự lo cho mình mọi chuyện, từ ăn uống đến chỗ ngủ qua đêm, rồi khi ốm đau, bệnh tật. Cuộc sống của các em rất bấp bênh và khổ cực, có biết bao nhiêu cay đắng, rủi ro đang rình rập theo mỗi bước chân của những đứa trẻ này. Nhìn khuôn mặt của các em, người ta có thể thấy rõ sự mệt mỏi, cái già dặn trước tuổi bên cạnh chút hồn nhiên, non nớt của tuổi thơ còn sót lại. Đấy là điều khiến chúng ta, bạn và tôi, những đứa trẻ may mắn đang được che chở dưới mái ấm gia đình và đang ngày ngày cắp sách đến trường, không thể không suy nghĩ.
Đứa trẻ nào cũng muốn được yêu thương, được chăm sóc, được sống giữa vòng tay gia đình và bạn bè. Thế nhưng, tại sao vẫn có nhiều bạn nhỏ phải tự bước vào đời kiếm sống sớm đến vậy ? Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này vẫn là do cái nghèo. Nơi các bạn nhỏ này bước chân ra đi đều là những vùng nông thôn xa xôi. Gia đình có mỗi một nghề làm ruộng, đất thì ít, anh chị em thì đông, đến ngày mùa
đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn. Không có tiền đi học, các bạn nhỏ ở nhà, rồi rời nhà đi kiếm sống để bớt gánh nặng cho gia đình. Cũng có khi là do cảnh cha mẹ không hoà hợp, suốt ngày cãi cọ, không để ý đến con cái, các em cũng tự bỏ nhà lên phố... rồi cha mẹ li thân, li dị, hay do mất cha, mất mẹ khiến các em không còn chỗ dựa. Nói chung, có trăm nghìn lí do đẩy các bạn nhỏ vào cảnh tha phương. Đằng sau tất cả những lí do đó vẫn phải khẳng định một điều đó là sự thiếu quan tâm của người lớn. Nếu các bậc làm cha, làm mẹ biết nghĩ cho các em nhiều hơn thì chắc chắn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng sẽ không để cho con em mình vào đời bươn chải vật lộn với miếng ăn khi còn quá nhỏ dại như vậy. Sống trong cảnh thiếu thốn, cảnh không yên ổn của gia đình đã là một thiệt thòi, giờ phải rời mái nhà đang che chở cho các em, một thân một mình mưa nắng chốn xa lạ, đó là lời cảnh báo cho cả xã hội về vấn đề đảm bảo những quyền lợi chính đáng cho tất cả mọi đứa trẻ.
Tình trạng trẻ em từ nông thôn ra thành phố kiếm sống đã và đang để lại rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng. Sống trong một môi trường đua chen phức tạp, tiếp xúc với đồng tiền, với cơ chế thị trường quá sớm khiến nhận thức, nhân cách, tâm hồn của các em phát triển một cách lệch lạc, không tự nhiên và thiếu lành mạnh. Thật khó mà dám khẳng định là tất cả những đứa trẻ đó sẽ có một tương lai bình thường và và tốt đẹp. Bị ép phải già trước tuổi, phải từ giã tuổi thơ khi còn quá nhỏ, phải sống trong cô đơn ghẻ lạnh, không có một bàn tay vỗ về chăm sóc, không có người chỉ đường dẫn lối... ai dám đảm bảo rằng, tất cả những em nhỏ đó sẽ đều trở thành những công dân lương thiện và có ích. Thực tế cho thấy nhiều đứa trẻ trong số đó đã trở thành tội phạm trước khi trở thành một công dân trưởng thành. Chúng móc túi, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, sa vào các tệ nạn xã hội và trở thành gánh nặng của cộng đồng. Đa phần các em nhỏ khi mới rời nhà đi đều là những đứa trẻ hiền lành, ngây thơ, chỉ sau một thời gian đã trở thành những đứa trẻ hoàn toàn khác. Lối sống nơi đô thị đã làm mất đi ở các em bản tính trong sáng, hồn nhiên, vô tư. Đó là những di chứng tinh thần rất có hại cho các em khi đến tuổi trưởng thành.
Như vậy, tình trạng trẻ em rời nhà đến kiếm sống ở các thành phố sẽ tạo nên những hậu quả khôn lường đối với chính những đứa trẻ và với toàn xã hội. Cần phải làm gì để xoá bỏ tình trạng này để trẻ em tất cả mọi vùng miền đều được hưởng những quyền chính đáng mà các em có. Đây là trách nhiệm không của riêng ai. Sự quan tâm là điều đầu tiên cần phải có. Và trước hết phải là từ gia đình, cha mẹ và những người thân của các em. Hãy tạo dựng cho các em một mái ấm bình yên, cho các em một môi trường trong lành để các em được lớn lên, được trưởng thành một cách tự nhiên, lành mạnh là điều các bậc làm cha, làm mẹ phải làm. Mỗi địa phương cũng cần có những biện pháp cụ thể để giúp những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt giải quyết những khó khăn vướng mắc. Ví dụ như giúp các em có việc làm ngay trên quê hương mình, hỗ trợ để các em có đủ điều kiện đến trường và rộng hơn là cả xã hội, dành cho các em một cái nhìn độ lượng, nhân ái, một cử chỉ quan tâm dù là rất nhỏ bé nhưng mỗi người đã và đang góp phần đem đến cho mỗi số phận tội nghiệp đó những giá trị rất lớn lao. Nhà nước đã có nhiều hành động cụ thể để giải quyết vấn đề này. Như giao cho các tỉnh, các địa phương đưa các em trở về, tạo công ăn việc làm, giúp các em ổn định cuộc sống tại quê nhà, được học tập, vui chơi như mọi đứa trẻ khác. Việc làm này bước đầu đã tạo nên những biến đổi rất tích cực, rất nhiều bạn nhỏ đã yên tâm trở về, lao động và sinh hoạt trên quê hương mình, tìm thấy niềm vui mới. Sự quan tâm của Nhà nước là rất kịp thời và thiết thực. Tuy nhiên, để chấm dứt hẳn tình trạng này thì cần có thời gian và sự quan tâm hơn nữa của tất cả mọi người trong cộng đồng và xã hội.
Một xã hội không thể coi là văn minh, là công bằng và tiến bộ khi mà ở đâu đó vẫn có nhiều đứa trẻ bị đẩy ra đường kiếm những đồng tiền ít ỏi thay cho việc đến trường đi học. Cho các em một quá khứ êm đềm, một hiện tại bình yên hạnh phúc và một tương lai được đảm bảo, đó cũng là cách để tạo dựng một thế giới tốt đẹp cho tất cả mọi người.
3. Nghị luận về hiện tượng nghiện game online:
Hiện nay, xã hội đang ngày càng phát triển, nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người ngày càng cao, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật và công nghệ thông tin. Khi công nghệ thông tin phát triển, ra đời mạng điện tử, có những nhà sáng chế, lập trình viên đã sáng tạo ra những trò chơi điện tử với mục đích ban đầu là giúp người chơi thư giãn sau những phút giây căng thẳng của công việc. Tuy nhiên, khi các trò điện tử ngày càng phổ biến, đã diễn ra các hiện tượng nghiện game rộng khắp không chỉ ở một nước mà trên nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt thường xảy ra nhất là ở đối tượng học sinh là những người bị nghiện game nhiều nhất. Vì vậy, hiện tượng nghiện game online ở giới trẻ đã và đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong toàn xã hội.
Vậy chúng ta cùng nhau tìm hiểu game online là gì? Game online thực chất là những trò chơi qua mạng Internet, với nhiều loại hình khác nhau, giúp cho đầu óc thư giãn và thoải mái sau những giờ học tập và làm việc căng thằng. Nếu chỉ chơi để giải trí thì nó không ảnh hưởng, nhưng nếu như mê mẩn quá thì sẽ dẫn đến nhiều điều tai hại, đó là nghiện game. Nghiện game được định nghĩa chính là sa vào trò chơi đó mà không thể thoát ra được, chìm đắm trong thế giới game, sao nhãng việc học tập cũng như khiến cho tinh thần không còn minh mẫn nữa.Nghiện game là hiện tượng đang phổ biến rộng khắp thế giới . Nó còn được cảnh báo nguy hiểm như nghiện thuốc phiện, khiến cho người chơi mê muội vào nó, không còn để ý xung quanh.
Vậy thực trạng của hiện tượng nghiện game online đang xảy ra như thế nào? Hiện nay tình trạng nghiện game online đang diễn ra rất nhiều, đặc biệt ở học sinh, sinh viên. Vì đây là lứa tuổi dễ bị sa vào những trò chơi vô bổ, chưa phải lo nghĩ nhiều đến tương lai, hoặc bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo cùng chơi. Game online nếu chơi không khoa học sẽ bị nghiện, chất nghiện nằm ở trong những trò chơi. Tại Việt Nam, hiện trạng học sinh nghiện game vô cùng phổ biến, ta có thể bắt gặp ở những quán nét đầy những thanh thiếu niên còn đang mặc bộ đồng phục trắng ngồi trong các quán nét chơi hàng giờ liền, có nhiều người chơi qua ngày, hay chúng ta có thể bắt gặp những clip trên mạng quay lại cảnh những quán net đầy những học sinh, hay cảnh bố mẹ cầm roi, quát mắng mà vẫn cố chơi cho nốt. Ngoài ra, hiện nay, những quán điện tử xuất hiện với tần số nhiều hơn, được trang bị nhiều máy tính công nghệ cao hơn, phục vụ cho “nhu cầu” của học sinh. Không chỉ như vậy, Các công ty giải trí vẫn không ngừng cung cấp cho cư dân mạng nhiều trò chơi mới mà đã dính vào thì khó có thể bỏ qua.
Nguyên nhân mà giới trẻ nghiện game xuất phát từ nhiều phía. Đầu tiên là do chính bản thân của học sinh ý thức còn kém trong việc quản lý thời gian chơi của mình, không thể ngừng chơi, không thể làm chủ bản thân mình. Ngoài ra, còn từ phía ba mẹ không chăm lo quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái khiến trẻ bị cô đơn, chán nản, nhiều tâm sự không biết bày tỏ cùng ai, nên con cái sẽ tìm đến một thế giới khác để giải tỏ tâm lý. Nhiều bậc phụ huynh mải mê với công việc mà quên mất quan tâm đến con khiến nhiều học sinh vì cô đơn mà tìm đến trò chơi điện tử. Nhiều bạn trẻ rời nhà lên thành phố học đại học, ba mẹ không quản được, bạn bè lôi kéo nên ngày đêm chìm ngập trong thế giới đó. Mặt khác, để phục vụ theo thị yếu của người chơi, những người tạo ra nó không ngừng sáng tạo những trò điện tử đầy màu sắc, đầy hấp dẫn. Trò chơi đa dạng nhiều thể loại : trí tuệ, hành động,… Tính đa dạng, mới mẻ của game thu hút, hấp dẫn với lứa tuổi học sinh thích tìm hiểu điều mới. Nhiều bậc phụ huynh mải mê với công việc mà quên mất quan tâm đến con khiến nhiều học sinh vì cô đơn mà tìm đến trò chơi điện tử.
Nghiện game giống như nghiện các loại ma tuý vậy, nó có rất nhiều tác hại khôn lường. Trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vấn đề của sức khoẻ, tâm lý học sinh. Học sinh dễ bị cận thị, loạn thị vì sử dụng máy tính tần số cao. Nghiện game cũng gây ảnh hưởng tới xương cột sống, đến não bộ,… Hơn vậy, nhiều học sinh vì nghiện game mà mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm,… Nghiện game còn tốn tiền bạc, thời gian. Chơi game tốn rất nhiều thời gian, và như thế học sinh lấy đâu thời gian để học và tham gia các hoạt động khác. Học sinh chưa thể kiếm ra tiền, số tiền bố mẹ cho tiêu vặt hàng tháng cũng không thể đủ cho ham mê trò chơi được, điều này dẫn đến nói dối, lấy cắp tiền,… sinh ra rất nhiều thói hư tật xấu mà một người học sinh không thể có. Đối với học sinh, nghiện game là con đường ngắn nhất dẫn tới học hành sa sút, điểm số kém dần, lượng kiến thức thiều hụt bởi đầu óc tâm trí để vào các trò chơi điện tử.
Vậy làm thế nào để kéo những người nghiện game thoát khỏi thế giới ảo đó?
Thực ra rất khó để đưa họ ra khỏi thế giới đó, nhưng có thể ngăn ngừa, hạn chế được thói hư này. Động viên, khuyến khích các bạn tham gia những câu lạc bộ tình nguyện để làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Đó cũng là một biện pháp bổ ích và thú vị.
Xã hội ngày một phát triển, con người có nhiều cách để giải trí khác nhau. Vậy tại sao ta không tham gia những hoạt động giải trí lành mạnh mà lại để hiện tượng game ngày một phổ biến như vậy? Điều này chúng ta thật cần quan tâm và loại bỏ.
4. Nghị luận về vấn đề bạo lực học đường:
Trường học là môi trường giáo dục nhân cách con người, là nơi mà ai cũng trải qua một thời gian gắn bó, là nơi có bạn bè để ta học hỏi, có thầy cô dìu dắt nhân cách chúng ta. Nhưng thật đáng buồn nếu như môi trường ấy ngày càng trở nên tha hóa bởi vấn đề bạo lực học đường. Vấn đề bạo lực học đường trong thời gian gần đang là vấn đề đáng lo ngại của phụ huynh nhà trường nói riêng và của xã hội nói chung.
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.
Vấn đề bạo lực học đường trong thời gian gần đây thực sự đang trở thành một mối lo lắng và quan tâm lớn của toàn xã hội. Thông thường khi nới tới hai từ “bạo lực” chúng ta chỉ nghĩ tới các bạn học sinh nam sinh đánh nhau, những người dễ dàng dùng sức mạnh cơ bắp với người khác. Nhưng trên thực tế hiện nay, những hành vi bạo lực này không chỉ xảy ra ở các bạn nam mà còn ở không ít ở các bạn nữ, và thậm chí càng phổ biến hơn nhiều. Trong một vài năm trở lại đây, nổi cộm lên vấn đề nữ sinh thường xuyên giật tóc, đánh nhau bị quay clip đăng lên mạng xã hội. Phụ huynh học sinh, thầy cô không có ai có thể không bàng hoàng cũng như bức xúc và tức giận trước những clip cả hội đồng nhào vô đánh một bạn nữ, thậm chí cắt tóc, cởi đồ quay clip đưa lên mạng xã hội. Mà những đoạn video đó cũng chỉ là một góc rất nhỏ trong tình trạng bạo lực học đường hiện nay , ngoài xã hội thực chất vẫn còn vô vàn các vụ bạo lực mà có thể còn chưa được công khai. Đối tượng trong các clip đánh nhau đó chính là những bạn học sinh trung học cơ sở hay trung học phổ thông, là lứa tuổi mà học sinh có những biến đổi về tâm sinh lý, suy nghĩ bồng bột và thích thể hiện bản thân. Ngày nay, bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở hình thức đơn gian như chửi nhau, đánh nhau trên lớp nữa mà đáng lo ngại hơn đó là việc đánh nhau nghiêm trọng có thể nguy hại đến tính mạng và tâm lí của người bị đánh. Có những sự việc cả chục nữ sinh xúm vào giật tóc, cầm giày dép đánh một bạn, thậm chí còn quay clip bêu rếu trên mạng xã hội, và thậm chí còn dùng dao rạch vào mặt bạn. Những người hứng chịu việc bạo lực học đường đó chắc chắn không chỉ chịu nỗi đau về thân xác mà còn chịu tổn thương về tinh thần.
Nguyên nhân của vấn đề bạo lực học đường trong thời gian gần đây có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến bạo lực học đường là do chính học sinh. Khi các em có ý thức về cái tôi cá nhân quá lớn, muốn thể hiện mình, muốn cho mọi người thấy mình đã lớn và có thể hành xử theo suy nghĩ của bản thân. Sự bức xúc của cá nhân khi không nhận được điều mà cá nhân muốn và những điều mà cá nhân kỳ vọng nhưng không đạt được; sự ghanh ghét đố kị về những điều mà người khác có được; những cử chỉ và nhận xét mang nội dung hạ nhục. Đặc biệt là đối với học sinh THCS với sự thay đổi nhanh mạnh về mặt thể chất và tâm sinh lý nhưng không cân đối do đó trong tâm lí có những nét bất ổn, đôi lúc là bốc đồng và không kiểm soát được hành vi bản thân. Hơn hết đó còn do sự giáo dục của các bậc phụ huynh cũng như của nhà trường chưa được nghiêm minh, chưa đủ sức răn dạy học sinh. Khi học sinh đã xử lý nhau bằng hình thức bạo lực, chắc chắn sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến thể xác và cả tinh thần.Thứ hai là tác động của văn hóa: truyền thông đại chúng (phim ảnh bạo lực, những clip đánh nhau, những hình ảnh mang tính bạo lực …), game hành động. Đây là một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng tương đối sâu sắc tới hành vi bạo lực của học sinh trung học cơ sở. Do hành vi lây lan của học sinh, vì học sinh lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông rất quan trọng tình bạn và quan hệ bạn bè chi phối rất nhiều tới sự phát triển nhân cách ở lứa tuổi này. Do đó khi trẻ chơi với nhóm bạn có hành vi bạo lực thì trẻ cũng có hành vi bạo lực theo và đôi khi hành vi bạo lực đó được trẻ coi là hành vi tốt để bảo vệ bạn bè. Nói như thế có nghĩa là đôi khi trẻ không nhận thức được hoặc có nhận thức sai lệch về động cơ của hành động dẫn tới những hành vi sai lệch trong môi trường học tập.
Bạo lực học đường ảnh hưởng đến môi trường học tập của các học sinh, ảnh hưởng thành tích học tập, sự nỗ lực cố gắng và cả tương lai phía trước. Nếu đánh nhau, lỡ như xảy ra hậu quả gì ngoài ý muốn thì chính các học sinh ấy phải ăn năn, hối hận cả đời cũng không bao giờ hết. Không chỉ như vậy, bạo lực học đường còn gây tổn hại về thể chất nghiêm trọng cho những bạn chịu những trận đòn đó. Bên cạnh đó là nỗi ám ảnh về tinh thần. Khi trường học không còn là nơi giáo dục nhân cách con người mà là nơi chỉ có những trận đòn roi đáng sợ thì ai ai cũng sợ phải đến trường. Khi trường học không còn là nơi ngập tràn kỉ niệm bạn bè nữa mà là nơi chi có sự thù ghét nhau thì đó chính là tổn thương sâu sắc đố với người học sinh.
Có rất nhiều giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn bạo lực học đường hiện nay. Đầu tiên là tuyên truyền, giáo dục học sinh để tác động đến ý thức của học sinh về truyền thống dân tộc, nhân cách, lối sống và ý thức chấp hành luật pháp. Trong từng gia đình, người lớn phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình. Tiếp đến là xây dựng và hoàn thiện các chính sách pháp luật đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Xây dựng củng cố các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan chức năng có liên quan. Việc xử lý học sinh vi phạm pháp luật, bạo lực học đường chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh sửa chữa sai lầm trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, đối với những học sinh vi phạm pháp luật, có hành vi xấu cần được xử lý ngay tại cộng đồng để phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, tổ dân phố, gia đình, nhà trường… Việc tách các học sinh ra khỏi môi trường xã hội, gia đình đưa vào trường giáo dưỡng, trại giam chỉ là biện pháp cuối cùng.
Vậy đấy, bạo lực học đường đang chiếm một phần trăm đáng kể trong bảng thống kê về những vấn đề bức thiết trong xã hội. Đừng để cho bạo lực học đường diễn ra nữa, chính nó đang đe dọa đến sự ổn định xã hội mà chúng ta đang sinh sống đấy. Không có gì là tự nhiên mà có, chúng ta phải hành động, phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, biết nhận thức được cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào cần phải loại bỏ và cái nào nên tích cực phát huy. Đừng nghĩ đến bạo lực học đường dù là trong suy nghĩ bạn nhé!
5. Điện thoại là một phương tiện thông tin liên lạc hữu ích với con người hiện nay. Thế nhưng một bộ phận học sinh lại sử dụng nó chưa đúng cách, với mục đích chưa tốt. Trình hãy suy nghĩ của em về hiện tượng trên.
Sự phát triển của công nghệ kĩ thuật đem đến cho con người rất nhiều điều bổ ích. Và điện thoại di động chính là một trong những vật dụng không thể thiếu đối với bất cứ ai. Tuy nhiên, việc những bạn học sinh lạm dung điện thoại quá nhiều, hay sử dụng điện thoại sai mục đích đang mang đến cho bố mẹ, thầy cô nhiều điều trăn trở và lo lắng.
Điện thoại là thiết bị viễn thông dùng để trao đổi thông tin, thông dụng nhất là truyền giọng nói từ xa giữa hai hay nhiều người.
Điện thoại di động là một trong những tiến bộ kĩ thuật vượt bậc mà nhân loại ta được thừa hưởng. Hầu như hiện nay, mỗi người đều có tối thiểu một chiếc điện thoại để phục vụ mục đích liên lạc cá nhân và trao đổi công việc. Ngoài những chiếc điện thoại “cục gạch” với chức năng nghe gọi, hiện còn có nhiều hãng điện thoại với chức năng cao như quay phim, chụp ảnh, kết nối internet.... Giá của mỗi chiếc điện thoại này cũng vô cùng rẻ chỉ khoảng 2-3 triệu đồng. Vì thế, dù gia đình có điều kiện hay không thì cũng cố sắm cho con cái họ một chiếc điện thoại thông minh. Thế nhưng bên cạnh những điều tích cực nó mang lại cho con người vẫn còn đó rất nhiều hệ lụy.
Nếu được hỏi dùng điện thoại để làm gì? Thì các em sẽ chẳng nghĩ ngợi mà trả lời để phục vụ học tập, liên lạc với thầy cô, bạn bè, bố mẹ, Thế nhưng thực tế thì lại không như thế. Cùng với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật, những chiếc điện thoại thông minh đang ngày càng “hủy hoại” con người. Mỗi ngày các em có 8 giờ học trên lớp thế nhưng thay vì tiếp thu bài học của thầy cô các bạn học sinh lại dùng nó để giải trí. Việc không tập trung vào bài học dẫn đến các em sẽ bị hổng kiến thức. Chưa kể việc phải dừng lại nhắc nhở học trò phải tắt điện thoại cũng khiến các thầy cô bị cắt mạch cảm xúc, các bạn phân tán sự chú ý. Nhiều trường hợp học trò còn vô tư dùng điện thoại để xem phim, lên mạng xã hội thỏa sức “chém gió” với bạn bè khắp nơi. Điện thoại thông minh với chức năng chụp ảnh quay phim còn khiến các em cho ra đời nhiều bức ảnh tục tĩu, hở hang làm trò câu view, câu like gây nên nhiều hậu quả nặng nề, bóng ma tâm lí cho các bạn thậm chí còn không muốn đến trường vì xấu hổ....
Việc dùng điện thoại thông minh có hai mặt của nó. Bên cạnh những tích cực nó mang đến thì còn đó là những hậu quả nặng nề khiến cho xã hội phải nhức nhối. Những chiếc điện thoại thông minh thường được kết nối internet, nên các em học sinh thay vì nhiệm vụ học hành sẽ dùng thời gian để lên mạng chat chit tình cảm, chơi game online thậm chí là truy cập các hình ảnh bạo lực đồi trụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa học đường. Khi các học sinh chỉ suốt ngày chăm chú vào những việc ấy thì sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân, phát triển theo hướng không lành mạnh. Hơn nữa, sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lí của học sinh có thể dẫn đến trầm cảm hay tự kỉ.
Vậy phải làm gì để hạn chế tình trạng này? Hiện nay, nhà trường cũng đưa ra một số biện pháp răn đe như cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Tuy nhiên thực tế đây là việc vô cùng khó khăn. Thay vì cấm đoán nhà trường thầy cô nên tìm cách để hướng dẫn các em cách sử dụng điện thoại di động sao đúng và hợp lí nhất. Tuyệt đối không dùng với mục đích nhạo báng và xúc phạm nhau bằng những clip nóng, những hình ảnh bạo lực đồi trụy.... Bản thân của các em học sinh cũng cần phải ý thức được việc học tập là quan trọng với mình, sử dụng điện thoại với mục đích phục vụ học tập là chính. Đối với các phụ huynh cần quy định số tuổi để con dùng điện thoại, kiểm soát thời gian cũng như hành vi của con cái khi dùng điện thoại để kịp thời ngăn chặn những hành động đi quá xa.
Điện thoại di động là một phương tiện liên lạc vô cùng hữu ích. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển mà nó còn có khả năng kết nối người với người. Thế nhưng làm cách nào để nó không sai mục đích và ảnh hưởng đế thế hệ trẻ là điều vô cùng nan giải. Vì vậy nó cần nhà trường cùng các bậc phụ huynh phải có biện pháp cứng rắn ngăn chặn hành vi sử dụng điện thoại quá sớm ở học sinh. Bởi có như thế mới có thể giúp các em thực hiện tốt vai trò và sự phát triển tự nhiên của mình.
 
Last edited by a moderator:

Phạm Đình Tài

Cựu Mod Văn
Thành viên
8 Tháng năm 2019
1,998
4,049
461
19
Đà Nẵng
THPT Thái Phiên - TP Đà Nẵng
Nếu có bài tập, câu hỏi ôn tập nghị luận xã hội, bạn tiếp tục đăng phía dưới bình luận nhé
 
Top Bottom