Địa Ôn tập HKII môn Địa lí lớp 10

HuyHuy__BFF

Banned
Banned
23 Tháng mười hai 2017
778
1,294
214
Hà Tĩnh
HOCMAI Forum
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP
A. PHẦN LÍ THUYẾT

CHƯƠNG VIII: ĐỊA LÍ CÔNG NGHIỆP
1. Kiến thức

1.1. Trình bày được vai trò và đặc điểm của sản xuất công nghiệp

* Vai trò và đặc điểm của sản xuất công nghiệp:
- Có vai trò chủ đao trong nền kinh tế.
- Thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác và củng cố an ninh quốc phòng.
- Tạo điều kiện khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm thay đổi sự phân công lao động và giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng lãnh thổ.
- Sản xuất ra các sản phẩm mới, tạo khả năng mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường lao động và tăng thu nhập.

* Đặc điểm của sản xuất công nghiệp:
- Bao gồm 2 giai đoạn.
- Có tính chất tập trung cao độ.
- Bao gồm nhiều ngành phức tạp, được phân công tỉ mỉ và có sự phối hợp chặt chẽ để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

1.2. Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp
Vị trí địa lí :

- Hoạt động sản xuất công nghiệp thường lựa chọn vị trí thuận lợi để xây dựng các nhà máy, các khu công nghiệp.
Tự nhiên : là nhân tố quan trọng cho sự phát triển và phân bố công nghiệp.
- Khoáng sản : trữ lượng, chất lượng và sự phân bố các loại khoáng sản sẽ chi phối quy mô, cơ cấu và tổ chức của xí nghiệp công nghiệp.
- Nguồn nước : là điều kiện quan trọng cho sự phân bố các xí nghiệp của các ngành công nghiệp như luyện kim, hóa chất, dệt, nhuộm, giấy, chế biến thực phẩm.
- Đặc điểm khí hậu : là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Kinh tế - xã hội : ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và phân bố công nghiệp, trong đó đường lối chính sách có vai trò quan trọng hàng đầu.
- Dân cư và nguồn lao động : là lực lượng sản xuất chủ yếu, đồng thời là nguồn tiêu thụ sản phẩm công nghiệp.
Nơi có nguồn lao động dồi dào cho phép phát triển và phân bố các ngành cần nhiều lao động như dệt - may, giày - da, thực phẩm ...
Nơi có đội ngũ lao động kĩ thuật cao, công nhân lành nghề cho phép phát triển và phân bố các ngành công nghiệp hiện đại như kĩ thuật điện, điện tử, tin học, cơ khí chính xác...
- Tiến bộ KHKT : làm thay đổi việc khai thác, sử dụng tài nguyên và phân bố hợp lí các ngành công nghiệp. Quyết định quy trình công nghệ, mức độ ô nhiễm và sử dụng nguồn năng lượng mới.
- Thị trường : tác động mạnh mẽ tới quá trình lựa chọn vị trí của xí nghiệp, hướng chuyên môn hóa sản xuất. Phát triển công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập vào thị trường thế giới.
- Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật : tác động đến sự phát triển và phân bố công nghiệp. Ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
- Đường lối chính sách : đường lối công nghiệp hóa quyết định cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ.


1.3. Trình bày và giải thích được vai trò, đặc điểm và sự phân bố một số ngành công nghiệp chủ yếu trên thế giới

Vai trò, đặc điểm và sự phân bố một số ngành công nghiệp chủ yếu trên thế giới:
- Công nghiệp năng lượng: Công nghiệp khai thác than, khai thác dầu khí và công nghiệp điện lực.
- Công nghiệp điện tử - tin học.
- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: công nghiệp dệt – may.
- Công nghiệp thực phẩm.

1.4. Phân biệt được một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp: điểm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung, trung tâm công nghiệp, vùng công nghiệp
* Điểm công nghiệp:
- Đồng nhất với một điểm dân cư.
- Gồm 1 đến 2 xí nghiệp nằm gần nguồn nguyên – nhiên liệu cộng nghiệp hoặc vùng nguyên liệu nông sản.
- Không có mối liên hệ giữa các xí nghiệp.

* Khu công nghiệp tập trung:
- Khu vực có ranh giới rõ ràng, có vị trí thuận lợi.
- Tập trung tương đối nhiều các xí nghiệp với khả năng hợp tác sản xuất cao.
- Sản xuất các sản phẩm vừa để tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu.
- Có các xí nghiệp dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp.

* Trung tâm công nghiệp:
- Gắn với đô thị vừa và lớn, có vị trí địa lí thuận lợi.
- Bao gồm khu công nghiệp, điểm công nghiệp và nhiều xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ về sản xuất, kĩ thuật, công nghệ.
- Có các xí nghiệp nòng cốt (hay hạt nhân).
- Có các xí nghiệp bổ trợ và phục vụ.

* Vùng công nghiệp:
- Vùng lãnh thổ rộng lớn.
- Bao gồm nhiều điểm, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp có mối liên hệ về sản xuất và có những nét tương đồng trong quá trình hình thành công nghiệp.
- Có một vài ngành công nghiệp chủ yếu tạo nên hướng chuyên môn hoá.
- Có các ngành phục vụ và bổ trợ.

CHƯƠNG IX: ĐỊA LÍ DỊCH VỤ
1. Kiến thức

1.1. Trình bày được vai trò, cơ cấu và các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ

* Vai trò: có tác dụng thúc đẩy các ngành sản xuất vật chất, sử dụng tốt hơn nguồn lao động trong nước, tạo thêm việc làm cho người dân, cho phép khai thác tốt hơn các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại để phục vụ con người.
* Cơ cấu: cơ cấu ngành dịch vụ hết sức phức tạp. Ở nhiều nước, người ta chia các ngành dịch vụ ra thành 3 nhóm: dịch vụ kinh doanh, dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ công cộng.
* Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ:
- Trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước và năng suất lao động xã hội.
- Số dân, kết cấu tuổi, giới tính, sự gia tăng dân số và sức mua của dân cư.
- Phân bố dân cư và mạng lưới quần cư.
- Mức sống và thu nhập thực tế.
- Truyền thống văn hoá, phong tục tập quán của dân cư.
- Sự phân bố các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử, cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành các điểm du lịch.

1.2. Trình bày được vai trò, đặc điểm của ngành giao thông vận tải. Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải
* Vai trò
- Tham gia vào việc cung ứng vật tư kĩ thuật, nguyên liệu, nhiên liệu cho các cơ sở sản xuất và đưa sản phẩm đến thị trường tiêu thụ. Phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
- Giúp cho việc thực hiện các mối liên hệ kinh tế, xã hội giữa các địa phương.
- Góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa ở những vùng sâu, vùng xa, tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước và tạo mối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các nước trên thế giới.

* Đặc điểm
- Sản phẩm của ngành là sự chuyên chở người và hàng hoá.
- Để đánh giá khối lượng dịch vụ của hoạt động vận tải, thường căn cứ vào các tiêu chí: khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển trung bình.

* Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải
- Nhân tố tự nhiên:
+ Quy định sự có mặt và vai trò của một số loại hình vận tải.
+ Ảnh hưởng đến công tác thiết kế và khai thác các công trình giao thông vận tải.
- Nhân tố kinh tế - xã hội:
+ Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế quốc dân có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển, phân bố và hoạt động của ngành giao thông vận tải.
+ Phân bố dân cư, đặc biệt là sự phân bố các thành phố lớn và các chùm đô thị có ảnh hưởng sâu sắc tới vận tải hành khách, nhất là vận tải bằng ô tô.

* Các ngành giao thông vận tải cụ thể
Ưu, nhược điểm và sự phân bố của các ngành: đường sắt, đường ô tô, đường ống, đường sông hồ, đường biển, đường hàng không.
1.3. Trình bày được vai trò, tình hình phát triển của ngành thông tin liên lạc
* Vai trò
- Đảm nhận vận chuyển các tin tức một cách nhanh chóng và kịp thời, góp phần thực hiện các mối giao lưu kinh tế giữa các địa phương và các nước, là thước đo của nền văn minh.
- Góp phần quan trọng vào việc thay đổi cách tổ chức kinh tế trên tế giới, nhờ đó nhiều hình thức tổ chức lãnh thổ mới có thể tồn tại và phát triển, thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá.

* Tình hình phát triển ngành thông tin liên lạc
- Vào thời kì sơ khai, con người chuyển thông tin bằng nhiều cách: dùng ám hiệu, sử dụng phương tiện vận tải thông thường…
- Ngày nay, với tiến bộ khoa học – kĩ thuật, thông tin liên lạc trên khoảng cách xa được tiến hành bằng nhiều phương tiện và phương thức khác nhau: điện thoại, fax, Internet…

1.4. Trình bày được vai trò của ngành thương mại. hiểu và trình bày được một số khái niệm (thị trường, cán cân xuất nhập khẩu), đặc điểm của thị trường thế giới và một số tổ chức thương mại thế giới
* Vai trò của ngành thương mại: Thương mại là khâu nối giữa sản xuất và tiêu dùng.
- Đối với nhà sản xuất, hoạt động thương mại có tác động từ việc cung ứng nguyên liệu, vật tư máy móc đến việc tiêu thụ sản phẩm.
- Đối với người tiêu dùng, hoạt động thương mại không những đáp nhu cầu tiêu dùng của họ mà còn có tác dụng tạo ra thị hiếu mới, nhu cầu mới.
* Khái niệm thị trường: Thị trường được hiểu là nơi gặp gỡ giữa người bán và người mua. Thị trường hoạt động được là nhờ sự trao đổi giữa người bán và người mua về những sản phẩm hàng há và dịch vụ nào đó. Để đo giá trị của hàng hóa và dịch vụ, cần có vật ngang giá. Vật ngang giá hiện nay là tiền, vàng.
* Khái niệm cán cân xuất nhập khẩu: là hiệu số giữa giá trị xuất khẩu (còn gọi là kim ngạch xuất khẩu) và giá trị nhập khẩu (còn gọi là kim ngạch nhập khẩu). Nếu giá trị hàng xuất khẩu lớn hơn giá trị hàng nhập khẩu thì gọi là xuất siêu, ngược lại là nhập siêu.

* Đặc điểm của thị trường thế giới
- Thị trường thế giới hiện nay là một hệ thống toàn cầu. Trong những năm qua thị trường thế giới có nhiều biến động.
- Hoạt động buôn bán trên thị trường thế giới tập trung vào các nước tư bản chủ nghĩa phát triển.
- Các cường quốc về xuất, nhập khẩu chi phối mạnh mẽ nền kinh tế thế giới và đồng tiền của những quốc gia này là những ngoại tệ mạnh trong hệ thống tiền tệ thế giới.
- Trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu trên thế giới, chiếm tỉ trọng ngày càng cao là các sản phẩm công nghiệp chế biến, các mặt hàng nông sản có xu hướng giảm tỉ trọng.
* Các tổ chức thương mại trên thế giới: WTO là tổ chức thương mại lớn nhất thế giới, ngày càng kết nạp thêm nhiều thành viên. Các tổ chức thương mại khác: ASEAN, OPEC, NAFTA, EU…

2. Kĩ năng
- Phân tích các bảng số liệu về một số ngành dịch vụ: giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch.
- Phân tích các lược đồ/bản đồ giao thông vận tải, bình quân số máy điện thoại trên 1000 dân của thế giới.
- Vẽ biểu đồ kết hợp giữa biểu đồ cột và biểu đồ đường.
- Dựa vào bản đồ và tư liệu đã cho, viết báo cáo ngắn về một ngành dịch vụ.

MÔI TRƯỜNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
1. Kiến thức

1.1. Hiểu và trình bày được các khái niệm: môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững

* Khái niệm môi trường
- Môi trường địa lí: là không gian bao quanh Trái Đất, có quan hệ trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
- Môi trường sống của con người: là tất cả hoàn cảnh bao quanh con người, có ảnh hưởng đến sự sống và phát triển của con người (như là một sinh vật và như là một thực thể xã hội), đến chất lượng cuộc sống của con người.

* Khái niệm tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên thiên nhiên là các thành phần của tự nhiên mà ở trình độ nhất định của sự phát triển lực lượng sản xuất chúng được sử dụng hoặc có thể được sử dụng làm phương tiện sản xuất và đối tượng tiêu dùng.
* Khái niệm phát triển bền vững
Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm thiệt hại đến khả năng của các thế hệ tương lai được thỏa mãn nhu cầu của chính họ.
1.2. Trình bày được một số vấn đề về môi trường và phát triển bền vững ở các nhóm nước
* Vấn đề về môi trường và phát triển bền vững ở các nước phát triển:
- Vấn đề về môi trường và phát triển bền vững ở các nước phát triển chủ yếu gắn với những tác động môi trường của sự phát triển công nghiệp và những vấn đề đô thị.
- Các nước công nghiệp phát triển chính là những nước phát thải các chất khí (CO2, SO2…) nhiều nhất thế giới do việc sử dụng nhiều năng lượng, do sản xuất công nghiệp…dẫn tới hiện tượng thủng tầng ôdôn, hiệu ứng nhà kinh, mưa axít…Các trung tâm phát thải khí lớn của thế giới là các nuớc EU, Nhật Bản, Hoa Kì.
- Ở các nước phát triển, vấn đề ô nhiễm nguồn nước vẫn còn tồn tại, chủ yếu do hoạt động công nghiệp và khai thác mỏ.

* Vấn đề về môi trường và phát triển bền vững ở các nước đang phát triển:
- Môi trường ở các nước đang phát triển bị hủy hoại nghiêm trọng do trình độ chậm phát triển, thiếu vốn, thiếu công nghệ, gánh nặng nợ nước ngoài, hậu quả của chiến tranh và xung đột triền miên, sức ép dân số, nạn đói…
- Các nước đang phát triển chiếm hơn ½ diện tích lục địa, đây là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, đất trồng. Những vấn đề môi trường ở khu vực này là sự suy giảm tài nguyên khoáng sản, thu hẹp tài nguyên rừng, tình trạng khan hiếm nước và tranh chấp nguồn nước.
- Việc khai thác và chế biến khoáng sản có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế của các nước đang phát triển đã làm cho nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng suy giảm, một số loại khoáng sản có nguy cơ cạn kiệt. Việc khai thác các mỏ lớn mà không chú trọng đến các biện pháp bảo vệ môi trường đã làm cho các nguồn nuớc, đất, không khí, sinh vật…bị ô nhiễm.
- Việc đốn rừng với quy mô lớn để lấy gỗ, củi, đốt nương làm rẫy, phá rừng để lấy đất canh tác đã làm suy giảm diện tích rừng và thay vào đó là đất trống, dồi núi trọc; việc phát rừng làm đồng cỏ và việc chăn thả gia súc quá mức, nhất là ở các vùng khí hậu nhiệt đới khô hạn đã thúc đẩy quá trình hoang mạc hóa.
 
Top Bottom