Tuy hơi dài nhưng nó có khá nhiều số liệu,bạn đọc rồi lọc ý bạn cần là được
Nước ta đang trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cùng với sự tăng thêm các cơ sở sản xuất với quy mô ngày càng lớn, các khu tập trung dân cư càng ngày nhiều, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm vật chất cũng ngày càng lớn. Tất cả những điều đó tạo điều kiện kích thích các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ được mở rộng và phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao mức sống chung của xã hội; mặt khác cũng tạo ra một số lượng lớn chất thải bao gồm: Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng, v.v…
Về chất thải rắn, theo báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam năm 2004 về chất thải rắn thì lượng chất rắn phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó khoảng hơn 150.000 tấn là chất thải nguy hại. Dự báo đến năm 2010 lượng chất thải rắn có thể tăng từ 24% đến 30%.
Trên thực tế, việc xử lý ô nhiễm môi trường và quản lý nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra đang trở thành vấn đề cấp bách của công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.
Trước tiên nói về chất thải công nghiệp, đến tháng 6 năm 2006, cả nước đã có 134 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phân bố trên 47 tỉnh, thành trong cả nước và thu hút được hơn 1,2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Quá trình xây dựng và phát triển các KCN, KCX đã có đóng góp đáng kể vào công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước; góp phần đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nước ta. Tuy nhiên, vấn đề môi trường tại các KCN, KCX hiện nay đang còn nhiều điều bất cập và ngày càng trở nên bức xúc. Số liệu điều tra cho thấy, trong số 134 KCN, KCX chỉ có 33 khu đã có công trình xử lý nước thải tập trung, 10 khu đang xây dựng, các khu còn lại chưa đầu tư cho công trình xử lý nước thải.
- trích theo : sở tài nguyên và môi trường.