Sử Những sự kiện trong lịch sử thế giới có tác động đến Việt Nam (1945 - 2000)

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

1. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị bao vây và cô lập với bên ngoài (9/1945 - 12/1946)
- Tác động từ các quyết định của hội nghị Yalta và hội nghị Potsdam gây khó khăn cho cách mạng Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến cách mạng nước ta: đó là làm thế nào để giữ vững nền độc lập, thành quả mới giành được sau cách mạng tháng Tám 1945. Với quyết định vùng Đông Nam Á vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của phương Tây tại hội nghị Yalta (tháng 2/1945) và sự kiện Nhật vừa đầu hàng Đồng minh vào tháng 8/1945, Chính phủ Pháp đã cử tướng Leclerc chuẩn bị quân đội và hành quân cấp tốc sang Việt Nam. Khi được quân Anh "bật đèn xanh", Pháp lập tức nổ súng xâm chiếm Sài Gòn (23/9/1945) mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần 2. Đầu tháng 8/1945, hội nghị Potsdam đã trao nhiệm vụ cho quân Anh và quân Trung Hoa Dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật trên đất Đông Dương. Với việc dùng vĩ tuyến 16 tạm thời phân chia vùng ảnh hưởng giữa Anh và Trung Hoa Dân quốc, cộng với quân Pháp đang tiến sang xâm lược trở lại, đất nước Viêt Nam Dân chủ Cộng hòa gây muôn vàn khó khăn thử thách. Tình thế "thù trong, giặc ngoài" khiến nước ta ngày càng khó khăn hơn. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: chúng ta có ba loại giặc sau cách mạng tháng Tám: giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Trong đó, giặc ngoại xâm là nguy hiểm nhất. Trong số các quân Anh, Trung Hoa Dân quốc, Pháp, Nhật chờ giải giáp và có cả các quan tướng Mĩ điều khiển thì quân Pháp là kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc ta. Điều này giống nước Nga sau cách mạng tháng 10, bị 14 nước đế quốc cùng lúc xâm lược.
- Quân Nhật ở nước ta, mặc dù đã đầu hàng Đồng minh và đang chờ giải giáp, nhưng chúng nghe theo xúi giục của quân Anh và quân Trung Hoa Dân quốc tiến hành chống phá cách mạng Việt Nam. 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp ở Việt Nam đã nghe theo quân Anh và Trung Hoa Dân quốc xúi giục, luôn tìm cách phá hoại. Các thế lực tay sai của Pháp, Nhật và Trung Hoa Dân quốc đã ra sức chống phá quyết liệt.
- Quan hệ giữa Liên Xô với Mĩ đã thay đổi, bất lợi cho cách mạng Việt Nam. Trong Thế chiến II, Liên Xô, Mĩ, Anh và Pháp cùng là đồng minh với nhau tiến đánh quân phát xít để bảo vệ hòa bình nhân loại, sớm kết thúc chiến tranh. Nhưng bắt đầu từ hội nghị Yalta, các nước này nảy sinh bất đồng về quyền lợi ở những nơi bị chiếm đóng, riêng Mĩ được nhiều lợi nhất và nước này đang đứng thứ nhất về mọi mặt. Với tiềm lực kinh tế của mình, Mĩ thực hiện chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới với 3 mục tiêu. Cả Liên Xô và Mĩ đều có mục tiêu chiến lược khác nhau: Liên Xô muốn giúp đỡ phong trào cách mang, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Đông Âu; còn Mĩ muốn ngăn cản phong trào cách mạng thế giới, tìm cách tiêu diệt chủ nghĩa xã hội. Với việc Việt Nam hội tụ đủ 3 mục tiêu của chiến lược toàn cầu của mình, đế quốc Mĩ ra sức ủng hộ quận Trung Hoa Dân quốc, ủng hộ quân Pháp xâm lược trở lại nước ta.
- Liên Xô không có phạm vi ảnh hưởng ở Đông Nam Á, vì nước này vướng vào quyết định thứ 4 của hội nghị Yalta (xem bài về hội nghị Yalta). Liên Xô cũng cách xa Việt Nam hàng vạn dặm và mối quan tâm nhất của Liên Xô chính là các nước Đông Âu để giúp đỡ các nước Đông Âu xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa để đối chọi với các nước tư bản do Mĩ đứng đầu
=> Chúng ta thấy một bức tranh tổng thể Việt Nam sau 1945 với các khó khăn bên trong: giặc dốt, kham hiếm tài chính, chính quyền cách mạng non trẻ, giặc đói. Tình hình Việt Nam sau 1945 với cụm từ "thuận lợi là cơ bản, khó khăn luôn chồng chất". Thuận lợi cơ bản là có Đảng lãnh đạo và nhân dân rất tin tưởng Đảng, hệ thống XHCN đang hình thành trên thế giới, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang lên cao, các nước tư bản đang suy yếu

2. Việt Nam trong giai đoạn đầu của chiến tranh lạnh (1947 - 1950)
- Tháng 3/1947, Mĩ khởi động chiến tranh lạnh: Trong diễn văn đọc trước Quốc hội Mĩ, Tổng thống Mĩ khẳng định sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội là mối đe dọa nguy hiếm với Mĩ và các nước đồng minh của Mĩ. Vì vậy, cần phải tìm cách ngăn chặn sự ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, phải viện trợ gấp cho Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ 400 triệu USD chống lại sự đe dọa của chủ nghĩa xã hội. Tuyên bố của Truman khởi đầu cho chiến tranh lạnh, làm cho mối quan hệ đồng minh giữa Liên Xô và Mĩ thay đổi. Cũng trong thời gian này, Liên Xô giúp đỡ các nước Đông Âu hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ. Gọi là "cách mạng dân tộc" vì các nước châu Âu (kể cả Đông Âu) được Liên Xô và các nước Anh, Pháp truy quét quân phát xít nên đó là cuộc cách mạng dân tộc; sau khi cách mạng dân tộc thành công thì các nước châu Âu tiến hành cuộc cách mạng dân chủ. Ở Đông Âu, Liên Xô giúp đỡ cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa xí nghiệp, xóa bỏ sự bóc lột. Từ năm 1948 - 1949, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã ra đời; sau này cách mạng Trung Quốc thắng lợi đã nối liền phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội từ châu Âu sang châu Á.
Khi Mĩ phát động chiến tranh lạnh, Mĩ cũng tìm cách lôi kéo đồng minh với sự kiện tháng 6/1947, Mĩ ra kế hoạch Marshall để viện trợ các nước châu Âu 17 tỉ USD để các nước châu Âu phục hồi và phát triển kinh tế, đổi lại phải trở thành đồng minh của Mĩ và ủng hộ Mĩ chống các nước xã hội chủ nghĩa. Có khoản tiền viện trợ lớn, các nước Tây Âu nhanh chóng khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh. Ở châu Âu rất căng thẳng với Tây Âu theo TBCN, Đông Âu theo XHCN đối đầu nhau.
- Tháng 5/1949, Mĩ bắt đầu dính líu và can thiệp vào chiến tranh Việt Nam: trong bối cảnh chiến tranh lạnh ngày càng căng thẳng và trật tự Yalta ngày càng rõ nét hơn, Tây Âu và Đông Âu bị phân chia rõ rệt về không gian địa lý, nước Đức và cả thủ đô Berlin cũng bị tách làm hai vùng khác nhau rõ rệt, Mĩ càng đẩy mạnh giúp đỡ và viện trợ cho Pháp trong chiến tranh với Việt Nam - vì quân Pháp đang thất bại trong chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" ở chiến dịch Việt Bắc (1947), Mĩ lo ngại rằng nếu cách mạng Việt Nam thành công và Việt Nam đi theo chủ nghĩa xã hội, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang thắng lợi ảnh hưởng đến các thuộc địa của các nước tư bản khác nên Mĩ quyết phải ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á và Việt Nam, ngăn chặn chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy năm 1949, Mĩ viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp; Pháp ngay sau đó ra kế hoạch Revers để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Sự kiện này mở đầu cho thời kỳ dính líu, can thiệp trực tiếp của Mĩ vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp tại Đông Dương. Sau này, kế hoạch De Lattre de Tassigny cuối năm 1950 của Pháp ở Đông Dương thì Mĩ can thiệp vào sâu hơn. Nhưng cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Pháp đã đánh bại hoàn toàn kế hoạch Revers, thế và lực của Việt Nam ngày càng nâng cao và có lợi cho cách mạng Việt Nam.
- Tình hình quốc tế có nhiều thuận lợi cho cách mạng Việt Nam: (1) thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949 đã chấm dứt nội chiến Quốc - Cộng suốt 3 năm trời, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949) và tuyên bố: độc lập dân tộc để đi theo chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc cổ vũ cho cách mạng Việt Nam, đồng thời mở cho cách mạng Việt Nam con đường liên lạc với quốc tế. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ thân thiện với nhau, Trung Quốc bắt đầu viện trợ cho cách mạng Việt Nam thông qua biên giới Việt - Trung. (2) Nhiều nước XHCN công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam như Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu. Việc các nước xạ hội chủ nghĩa đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam cho thấy cách mạng Việt Nam đã có được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; khác hắn với những năm đầu sau khi Việt Nam độc lập (1945 - 1948): năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra quốc gia mới và tuyên bố trước toàn thế giới nước Việt Nam có quyền được hưởng độc lập và tự do, nhưng không một quốc gia nào trên thế giới công nhận vì cách mạng ở các nước đó chưa thành công, Việt Nam chưa có ảnh hưởng hay vị thế gì hết.
Trong bàn cờ chính trị quốc tế với sự mâu thuẫn Đông - Tây thì cách mạng Việt Nam đã được Liên Xô ủng hộ, Trung Quốc giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Rõ ràng đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương (1951 đổi thành Đảng Lao động Việt Nam) năm 1946 - 1947 là kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Các nội dung toàn dân, trường kỳ và tự lực cánh sinh ta đã hoàn thành trước đó, còn "tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế" thì rõ ràng ta mới phát huy hiệu quả nhờ thuận lợi của tình hình quốc tế (cách mạng Trung Quốc thành công, nhiều nước XHCN lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam). (3) hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ra đời và mở rộng: Sau khi nước XHCN Liên Xô đánh thắng phát xít, từ 1945 đến 1947 Liên Xô giúp đỡ các nước Đông Âu hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; năm 1948 - 1949 nhiều nước Đông Âu tuyên bố đi theo chủ nghĩa xã hội, khiến chủ nghĩa xã hội dẫn trở thành một hệ thống của thế giới. Nếu cách mạng tháng Mười Nga phá vỡ trật tự của chủ nghĩa tư bản khiến CNTB không còn là một hệ thống duy nhất trên thế giới thì sự xuất hiện của nhiều nước XHCN ở Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đã làm chủ nghĩa tư bản bị thu hẹp về phạm vi lãnh thổ, hệ thống thuộc địa của các nước tư bản phương Tây thu hẹp làm Mĩ rất lo ngại. Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc 1949 là khâu đột phá, làm xói mòn trật tự Yalta
=> Trong bối cảnh thuận lợi nhiều hơn khó khăn, Đảng quyết định họp vào tháng 6/1950 để mở chiến dịch Biên giới. Nếu như chiến dịch Việt Bắc 1947 là chiến dịch chủ động phản công lớn của quân dân ta làm thất bại hoàn toàn kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của Pháp và buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta, làm thay đổi tình thế giữa ta và Pháp. Chiến dịch biên giới 1950 là chiến dịch chủ động tiến công của quân dân ta; được tiến hành khi Pháp chặn đứng con đường thông ra quốc tế của ta bằng hành lang Đông - Tây từ Hải Phòng kéo dài lên Hòa Bình, Sơn La, dựng hệ thống phòng ngự trên đường số 4. Tuy nhiên với sức nước, sức dân, sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ của quốc tế, chúng ta đã giành thắng lợi. Chiến dịch 1950 là chiến dịch chủ động tiến công lớn của bộ đội chủ lực Việt Nam (1947 không có bộ đội chủ lực, kháng chiến toàn dân và chiến thuật du kích). Trong khi Pháp mải mở rộng vùng chiếm đóng, ta tranh thủ xây dựng lực lượng 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Bộ đội chủ lực mạnh lên và ta đã tiến hành chiến dịch Biên giới 1950. Thắng lợi 1950 tạo bước ngoặt và bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến, từ đây quân dân ta sẽ đánh giặc trên các chiến trường chính ở Bắc Bộ; Pháp lâm vào bị động.

3. Quan hệ quốc tế phức tạp, Mỹ chuyển chiến lược toàn cầu sang Việt Nam (1953 - 1960)
- Quan hệ giữa các nước lớn có sự thỏa thuận, hòa hoãn: (1) về vấn đề nước Đức, năm 1949 có hai nước Đức ra đời là Cộng hòa Dân chủ Đức (10/1949) và Cộng hòa Liên bang Đức (9/1949), thủ đô Berlin cũng bị chia đôi thành Đông Berlin và Tây Berlin => vấn đề nước Đức là một biểu hiện rõ nhất của chiến tranh lạnh và đối đầu Đông - Tây ở châu Âu. (2) sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), vấn đề Triều Tiên trở thàn vấn đề nổi cộm. Tại hội nghị Genève (5/1954), các nước lớn thỏa thuận với nhau chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền là Bắc Triều Tiên ở phía bắc vĩ tuyến 38 theo XHCN, Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) ở phía nam vĩ tuyến 38 theo TBCN. Ở một số vấn đề khác, các nước lớn như Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc cũng đã có những thỏa thuận ngầm với nhau, tác động xấu đến tình hình cách mạng Việt Nam. Ở Việt Nam, chiến thắng lịch sử năm 1954 đã gây "chấn động địa cầu", làm xoay chuyển tình thế chiến tranh ở Đông Dương để buộc Pháp ký hiệp định Geneve. Tiếc rằng tình hình thế giới hòa hoãn nên vấn đề Đông Dương đang được tranh luận quyết liệt tại bàn đàm phán Geneve của các nước lớn. Trung Quốc ngầm ủng hộ Mĩ và hi vọng Mĩ sẽ giúp Trung Quốc lấy lại đảo Đài Loan. Về phía Mĩ, sau khi lực lượng Quốc dân Đảng ra lập chính quyền Đài Loan. Nhưng Mĩ muốn tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương sau này thì tất nhiên Mĩ phải cần phải có sự ủng hộ của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc thỏa thuận ngầm với Mĩ liên quan đến vấn đề bán đảo Đông Dương, điều này khiến cách mạng Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Tại văn bản Genève được ký kết, các nước phải cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương; nhưng nội dung của Genève gây bất lợi cho cách mạng Việt Nam: Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền. Mặc dù đưa ra nội dung sẽ có Tổng tuyển cử tháng 7/1956 thống nhất đất nước, nhưng nội dung này không được thực hiện do âm mưu chống phá của Mĩ và tay sai. Mĩ ủng hộ nhưng không ký hiệp định, cái này trở thành cớ để Mĩ phá hoại hiệp định sau này
- Hệ thống xã hội chủ nghĩa không ngừng mở rộng và lớn mạnh: Từ chỗ chủ nghĩa xã hội ban đầu chỉ có ở Liên Xô, chủ nghĩa xã hội nhanh chóng lan sang Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Việt Nam sau 1954 thì miền Bắc hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thông qua cải cách ruộng đất, cải tạo xã hội. Chủ nghĩa xã hội chính thức trở thành môt hệ thống của thế giới sau khi Cuba tiến hành cách mạng thành công, tuyên bố đi theo chủ nghĩa xã hội (1961).
- Phong trào cách mạng thế giới thắng lợi ở nhiều nơi: sau Thế chiến II, phong trào đấu tranh bắt đầu từ Đông Nam Á lan sang các khu vực khác như Trung Quốc (1949), Ấn Độ (1950), Bắc Phi (1951 - 1953); "năm châu Phi" (1960) với 17 nước châu Phi cùng giành độc lập trong năm này. Điều này cho thấy, phong trào cách mạng trên thế giới lan rộng và giành nhiều thắng lợi đã làm thay đổi sâu sắc bản đồ chính trị thế giới với hơn 100 nước giành độc lập sau Thế chiến II
- Mĩ thất bại trong việc ngăn chặn chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và chuyển sang Việt Nam là nơi "đụng đầu lịch sử" vì ở châu Âu, Mĩ đã bước đầu thất bại trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu nhằm ngăn chặn chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, hơn nữa thắng lợi của cách mạng ở Trung Quốc (1949) và cách mạng Việt Nam (1954) đã khiến Mĩ hết sức lo ngại: nếu cách mạng Việt Nam thắng lợi sẽ lan sang chủ nghĩa xã hội ra khắp các nước Đông Nam Á, đe dọa Mĩ và các đồng minh của Mĩ. Do đó, Mĩ tự nhận mình là "anh cả" trong việc ngăn chặn chủ nghĩa xã hội trên thế giới và chĩa mũi nhọn sang châu Á, lấy Việt Nam làm nơi "đụng đầu lịch sử". Sau khi Pháp thất bại thì Mĩ tìm cách gạt Pháp để xâm lược Việt Nam thông qua thiết lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, từng bước phá hoại Geneve, từng bước đưa quân vào Việt Nam. Trải qua các chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mĩ đều nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược là: chia cắt đất nước Việt Nam lâu dài, muốn biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Các chiến lược chiến tranh mà Mĩ áp dụng ở miền Nam được Mĩ coi là "mô hình" để áp dụng chiến tranh xâm lược ở các nước khác trên thế giới
=> cuộc chiến tranh Mĩ xâm lược Việt nam (1954 - 1973) trở thành cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất chịu sự tác động của cuộc đối đầu Đông - Tây

4. Xu thế hòa hoãn Đông - Tây tác động đến khu vực Đông Nam Á và Việt Nam (1970 - 1990)
- Quan hệ Đông - Tây trong những năm 70 của thế kỷ XX có những chuyển biến tích cực, khác với thời kỳ 1945 - 1970: Sau Thế chiến II, quan hệ Đông - Tây chuyển từ đồng minh sang đối đầu do Mĩ thực hiện chiến lược toàn cầu chống Liên Xô. Tuy nhiên đến những năm 70 của thế kỷ XX, xu thế hòa hoãn Đông - Tây đã xuất hiện thông qua các cuộc thương lượng, hòa hoãn, gặp gỡ giữa các nguyên thủ quốc gia Liên Xô - Mĩ, các nhà lãnh đạo Tây Âu với Đông Âu. Ví dụ: Liên Xô với Mĩ cùng ký với nhau hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược. Nhân chuyến thăm Trung Quốc năm 1972, Tổng thống Mĩ ký với Trung Quốc bản Thông cáo Thượng Hải với nội dung: (1) Mĩ viện trợ 400 triệu USD giúp Trung Quốc xây dựng lại đất nước sau một thời gian dài gặp khó khăn. (2) Mĩ giúp Trung Quốc ngồi vào chiếc ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thay Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan). (3) Đổi lại, Trung Quốc hứa sẽ ngừng viện trợ cho Việt Nam, rút chuyên gia về nước nhằm gây khó khăn cho cách mạng Việt Nam. Sau khi thăm Trung Quốc, Tổng thống Mĩ sang thăm Liên Xô va sau này có các cuộc gặp song phương giữa Liên Xô - Mĩ. Trong các cuộc gặp này, Mĩ muốn Liên Xô ngừng viện trợ và giúp đỡ Việt Nam để Mĩ tìm cách ép Việt Nam phải ký hiệp định Paris theo những điều khoản của Mĩ đưa ra. Sau khi gặp Liên Xô, Mĩ liển tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta bằng không quân, lịch sử gọi là "12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội"; nhưng chúng bị quân dân Hà Nội đánh bại, Mĩ buộc phải ký hiệp định Paris. Những sự kiện trên cho thấy: Mĩ dùng ngoại giao xảo quyệt hòng lôi kéo, chia rẽ các nước lớn, hạn chế các nước lớn ủng hộ Việt Nam chống Mĩ.
- Tháng 8/1975, 33 nước châu Âu cùng ký Định ước Helsinki (Phần Lan) để khẳng định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các nước châu Âu. Với sự kiện này, quan hệ Đông - Tây chính thức giảm nhiệt, không còn căng thẳng; vấn đề châu Âu từ đây sẽ được giải quyết bằng con đường hòa bình, thương lượng. Việc giải quyết vấn đề nước Đức, việc giải quyết vấn đề an ninh ở châu Âu cũng được đưa ra bàn luận theo nguyên tắc hòa bình
- Tháng 12/1989, hai nguyên thủ Liên Xô và Mĩ cùng tuyên bố chấm dứt "chiến tranh lạnh" (1947 - 1989). Tháng 10/1990, hai miền của nước Đức tái thống nhất đánh dấu chiến tranh lạnh chấm dứt ở châu Âu, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế hiện đại
* Ở Đông Nam Á, các nước Đông Dương và cả tổ chức ASEAN đều có sự điều chỉnh theo xu hướng hòa dịu. ASEAN lập năm 1967 với mục đích hạn chế sự ảnh hưởng của các nước lớn, chịu tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật - nhưng điều quan trọng nhất của Asean vẫn là cùng nhau xây dựng, phát triển đi lên, hỗ trợ hợp tác với nhau. ASEAN ra đời chỉ là một liên minh về chính trị là chủ yếu. Sau khi Hiệp ước Bali 1976 được ký kết, tổ chức này được mở rộng thành liên minh chính trị - kinh tế, hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác; đồng thời hiệp ước này mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa các nước ASEAN. Các nước ASEAN đã có những trao đổi qua lại với nhau và đến năm 1984 thì kết nạp Brunei vào tổ chức này. Tuy nhiên, quan hệ giữa ASEAN với các nước Đông Dương vẫn căng thẳng vì vấn đề Campuchia. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, Việt Nam đơn phương tuyên bố rút quân ra khỏi Campuchia để tạo điều kiện cho nước này hòa bình, ổn định và xây dựng. Đến tháng 10/1991, Hiệp định về hòa bình ở Campuchia được ký kết ở Paris, mở ra chương mới trong quan hệ giữa các nước Đông Dương với các nước ASEAN. Với sự kiện Campuchia gia nhập ASEAN năm 1999, tổ chức ASEAN từ ASEAN 5 chuyển thành ASEAN 10

5. Tình đoàn kết và chiến đấu của ba nước Đông Dương (1945 - 1991)
a. Cơ sở dẫn đến tình đoàn kết của ba nước Đông Dương:
- Từ nửa cuối thế kỷ XIX, ba nước Đông Dương đều có kẻ thù chung là thực dân Pháp, nên cần thiết phải có sự giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhân dân ba nước cùng đoàn kết chống kẻ thù chung. Tại Hội nghị VI (tháng 11/1939) xác định vấn đề giải phóng các dân tộc Đông Dương lên hàng đầu. Đến năm 1945, cách mạng ở Việt Nam và Lào thành công, cách mạng Campuchia tuy chưa tuyên bố độc lập nhưng cũng có thắng lợi bước đầu. Khi Pháp quay trở lại xâm lược (kế sau là Mĩ), ba nước cũng xác định được kẻ thù chung.
- Cả ba nước được coi là "chân kiềng", tạo thế vững chắc và giúp đỡ nhau cùng chống kẻ thù chung.
b. Các sự kiện chứng minh đoàn kết của ba nước:
* Đánh Pháp:
- Tháng 3/1951, ba mặt trận (Liên Việt, Issara, Issarak) họp hội nghị lập ra Liên minh Việt - Miên - Lào là thể hiện tình đoàn kết của ba dân tộc. Mặc dù tách ra tên đảng khác nhau, những đã cùng chung kẻ thù thì ba nước đoàn kết với nhau
- Từ tháng 12/1953 đến tháng 1/1954, liên quân Lào - Việt mở hai chiến dịch Thượng Lào và Trung Lào và đã giúp nước bạn Lào giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn, tạo điều kiện cho quân dân Việt Nam mở chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 giành thắng lợi, buộc Pháp ký Hiệp định Genève
+ Hội nghị quốc tế đầu tiên công nhận các quyền tự do cơ bản của ba nước Đông Dương là hội nghị Genève; hiệp định Sơ bộ không phải là hội nghị quốc tế vì chỉ có hai nước ký kết và một trong hai nước còn thể phản bội bất cứ lúc nào.
* Chống Mĩ:
- Tháng 4/1970, Hội nghi cấp cao của ba nước Đông Dương họp ở Hà Nội. Sở dĩ có hội nghị này là vì nhân dân Việt Nam và Lào đánh Mĩ, trong khi Campuchia đang trung lập hòa bình. Tuy nhiên, sự kiện Mĩ giật dây cho tay sai lật đổ Quốc trưởng Campuchia là Sihanouk vào tháng 3/1970 và quân Mĩ xâm lược Campuchia, lúc này Campuchia sát cánh cùng Lào và Việt Nam đánh quân Mĩ và tay sai. Hội nghị cấp cao ba nước họp vào tháng 4/1970 cùng quyết tâm sát cánh chống Mĩ và tay sai, làm thát bại chiến lược "Việt Nam hóa" và "Đông Dương hóa chiến tranh".
- Thực hiện theo hội nghị cấp cao đề ra, trong năm 1970 đến 1971 thì liên quân Việt - Campuchia phối hợp phá tan cuộc hành quân của 10 vạn quân Mĩ và tay sai Sài Gòn, giúp nước bạn giải phóng nhiều vùng đất. Đầu năm 1971, liên quân Việt - Lào mở chiến dịch "đường 9 - Nam Lào" đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn - 719" của 4,5 vạn quân Mĩ và Sài Gòn giúp giữ vững hành lang chiến lược của ba nước Đông Dương
* Quân tình nguyện Việt Nam giúp quân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn Khmer Đỏ do Polpot cầm đầu: sau năm 1975, lực lượng Khmer Đỏ do Polpot cầm đầu, được sự giúp đỡ của một số lãnh đạo Trung Quốc đã gây cảnh tàn sát nhân dân Campuchia (1975 - 1979). Được sự kêu gọi của quân dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn Khmer Đỏ và giúp Campuchia hồi sinh

6. Bối cảnh quốc tế tác động đến Đổi mới ở Việt Nam năm 1986
- Xu thế hòa hoãn Đông - Tây bắt đầu từ những năm 70 của thế kỳ XX cho thấy mối quan hệ giữa hai siêu cường từ căng thẳng trở nên hòa dịu. Các quốc gia khác phải điều chính chính sách đối ngoại của mình cho phù hợp với quốc tế.
- Tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và xu thế toàn cầu hóa: toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, diễn ra vào những năm 80 của thế kỷ XX. Tất cả những nước từng lạc hậu, kém phát triển khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào đều phát triển nhanh chóng như Nhật, Mĩ, Tây Âu, Liên Xô; 4 nước tiến hành "cách mạng xanh" điển hình là Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc, Thái Lan và nhiều quốc gia khác sau đó. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật tác động đến các nước, buộc các nước phải có sự điều chỉnh và thích ứng để vận dụng thành tựu cách mạng khoa học kỹ thuật vào tình hình đất nước
- Xu thế cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế đang diễn ra đã có tác động mạnh mẽ đến các quốc gia dân tộc. Sau Thế chiến II, Nhật Bản là tấm gương điển hình cho cuộc cải cách dân chủ đầu tiên nên nước này phát triển "thần kỳ" từ 1960 đến 1973 với xấp xỉ 10,8%. Bốn "con rống kinh tế châu Á" phát triển rất mạnh nhờ vào cải cách vào phát triển hướng ra bên ngoài. Các nước tham gia sáng lập ASEAN sau khi "hướng nội" không thành cũng điều chỉnh sang "hướng ngoại" và Singapore trở thành "con rồng kinh tế" lớn ở Đông Nam Á. Ba nước "công nghiệp mới" ở Mỹ latinh là Brasil, Mexico và Arhentina cùng nhờ vào cải cách mà hội nhập quốc tế. Trung Quốc từ sau 1978 đã cải cách mở cửa và đạt nhiều thành tựu, được ví như "con rồng Trung Hoa" mới trỗi dậy. Thái Lan nhờ cải cách xã hội và cải cách mở cửa nên phát triển nhanh chóng và điển hình nhất khu vực Đông Nam Á. Liên Xô từ 1985 đã cải tổ, tuy thất bại nhưng để lại cho Việt Nam nhiều bài học quý giá.
- CNXH ở Liên Xô và Đông Âu suy yếu: Việt Nam là quốc gia nhận viện trợ từ Liên Xô và Đông Âu. Nhân khi Liên Xô và Đông Âu suy yếu, nếu Việt Nam không điều chỉnh thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn
- Quan hệ quốc tế và khu vực đang có nhiều bất lợi với cách mạng Việt Nam: sau thất bại ở Việt Nam, Mĩ tiến hành cấm vận Việt Nam (1975 - 1995) và lôi kéo nhiều quốc gia khác cô lập Việt Nam khiến Việt Nam với ASEAN căng thẳng. Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc căng thẳng kể từ chiến tranh biên giới phía Bắc (2/1979), hải chiến Trường Sa (3/1988)
=> bối cảnh quốc tế đã chứng minh: Việt Nam đổi mới đất nước phù hợp với xu thế chung của thời đại (với dân tộc là sự sống còn của chủ nghĩa xã hội)

7. Quan hệ quốc tế tác động đến Việt Nam sau chiến tranh lạnh (1991 - 2000)
- Trật tự Yalta sụp đổ với các biểu hiện: khối liên minh chính trị Warsaw và tổ chức hỗ trợ kinh tế SEV giải thể; rõ nhất là sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu. Sự sụp đổ của Yalta khiến thế giới sau 1991 rất đa dạng và phức tạp: (1) Mĩ vươn lên muốn lập trật tự thế giới "đơn cực" nhưng diều này khó xảy ra vì nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ ngăn cản Mĩ làm điều này. (2) xu thế đa cưc hiện rõ với sự vươn lên của Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga lớn mạnh và đang khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh phức tạp. (3) Các nước điều chỉnh chính sách đối ngoại bằng cách tập trung phát triển kinh tế và lấy kinh tế làm trọng tâm, nước nào đi đầu về kinh tế sẽ có tiếng nói trong chính trị. Đó là lý do vì sao Nhật thay đổi chính sách đối ngoại "ngả về châu Á" và đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế. (4) hòa bình ổn định, hợp tác cùng phát triển
- Hiệp định hòa bình về Campuchia được ký kết (10/1991) mở ra chương mới cho quan hệ giữa các nước trong khu vực, Asean mở rộng từ Asean 5 lên Asean 10
- Mĩ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam: Trung Quốc bình thường hóa 1991, Mĩ bình thường hóa 1995. Việc bình thường hóa quan hệ cùng với việc Mĩ xóa bỏ cấm vận Việt Nam đã mở ra bước phát triển mới cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không còn bị cô lập mà mở rộng quan hệ với các nước, nhất là các nước G7, G20 và các tổ chức liên kết chính trị, tổ chức liên kết kinh tế thế giới EU
- Sự mở rộng và phát triển của các liên minh khu vực (EU, ASEAN) làm quan hệ quốc tế không ngững mở rộng và lớn mạnh, tạo ra thời cơ và thách thức cho Việt Nam trong phát triển đi lên
- Khủng bố ở nước Mĩ, quan hệ quốc tế căng thẳng, buộc các nước coi đây là mối lo ngại, thách thức. Mĩ nhân dịp này ngoài việc ra chính sách chống khủng bố thì còn tìm cách can thiệp vào nội bộ của các nước qua khẩu hiệu "Chống khủng bố". Từ đầu thế kỷ XXI, nhân loại đối mặt với các thách thức: chống khủng bố, chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của nhà nước IS. Quan hệ giữa các nước lớn Nga, Mĩ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản đang rất căng thẳng và đã có một khẳng định: "Từ sau chiến tranh lạnh cho đến nay, hòa bình đã được củng cố thiết lập ở nhiều nơi. Nhưng sự kiện nước Mĩ bị khủng bố, vấn đề ở bán đảo Balkan, nhưng thách thức của thời đại ngày nay, rồi quan hệ Mĩ - Trung căng thẳng, quan hệ giữa Nga - EU căng thẳng, quan hệ giữa Nga và Mĩ căng thẳng, quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc căng thẳng... đặt ra cho tình hình thế giới một trắc ẩn, khó lường. Người ta mong muốn cả thế giới được sống trong hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển" => Đây là mong muốn của nhân loại. Còn khẳng định đây là xu thế thì chưa chắc chắn, vì bước sang thế kỷ XXI.
=> Trước tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam phải có sự nhanh nhạy, nắm bắt tình hình kết hợp yếu tố trong nước và yếu tố thời đại để dẫn dắt Việt Nam tiến lên phía trước. Thời cơ và thách thức của Việt Nam luôn đan xen nhau. Chúng ta tham gia toàn cầu hóa để hội nhập và cùng đưa đất nước phát triển đi lên; nhưng luôn có trở ngại là làm thế nào để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, vấn đề toàn cầu hóa.
 
Top Bottom