P
pokemon_011


Chương I
TÌNH HÌNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI
SAU THẮNG LỢI ĐIỆN BIÊN PHỦ
I. VIỆT NAM TỪ SAU NGÀY 20-7-1954
Cuộc kháng chiến bền bỉ, anh dũng của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao thắng là chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội đã buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (7-1954), công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước. Đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Thắng lợi này mở đường cho cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới, với những điều kiện thuận lợi mới, nhưng cũng đầy những khó khăn, phức tạp mới. Đất nước tạm thời chia thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Cuộc đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tiếp tục bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau trong điều kiện có pháp lý của Hiệp định Giơnevơ, và thế giới chia thành hai phe đối kháng, nhưng lại “cùng tồn tại hoà bình” trong cuộc chiến tranh lạnh căng thẳng và gay gắt.
Ở miền Bắc, sau khi quân đội Pháp rút đi, nhân dân ta phải tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bảo đảm đời sống, củng cố, xây dựng miền Bắc thành hậu phương chiến lược của cả nước, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thực hiện một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh. Trước mắt, miền Bắc phải đối mặt với những khó khăn chồng chất - hậu quả của gần một thế kỷ thuộc địa và hơn chín năm chiến tranh.
90% dân số miền Bắc vốn sống bằng nghề nông, nhưng nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nghèo nàn, kỹ thuật canh tác lạc hậu, đời sống người nông dân còn thiếu thốn mọi bề.
Nền công nghiệp chỉ vẻn vẹn có 20 xí nghiệp công nghiệp vào năm 1954 với thiết bị cũ kỹ, nhiều thứ đã hư hỏng, những bộ phận còn tốt và các tài liệu kỹ thuật quan trọng đều đã bị Pháp chuyển vào Nam. Tỷ trọng của công nghiệp trong giá trị tổng sản lượng công, nông nghiệp từ 10% năm 1939, tụt xuống còn 1,5%. khi miền Bắc được giải phóng. Bên cạnh công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp bị chèn ép, bị sa sút không có nguyên liệu sản xuất. Nhiều ngành, nghề thủ công truyền thống bị mai một hoặc mất hẳn. Hệ thống giao thông, bưu điện bị hư hỏng và xuống cấp.
Hoà bình lập lại nhưng tình hình an ninh ở miền Bắc vẫn còn phức tạp do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn phản động phá hoại. Trước, trong và sau ngày đình chiến, địch cưỡng ép di cư vào Nam hàng chục vạn người, phần lớn là đồng bào theo đạo Thiên chúa, công chức, nhà buôn, nhà giáo, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật. Địch gài lại hàng ngàn gián điệp, hàng trăm nhóm phản động, cùng với các toán biệt kích được tung ra miền Bắc phá hoại các cơ sở kinh tế, các công trình công cộng. Các phần tử tay sai, các đảng phái phản động lén lút kích động quần chúng, gây bạo loạn ở một số địa phương, tung truyền đơn, tài liệu xuyên tạc chính sách của Đảng Lao động, Chính phủ Việt Nam hòng lung lạc quần chúng, gây hoang mang, dao động trong nhân dân. Ở miền biên giới phía Bắc, hàng ngàn thổ phỉ được các thế lực phản động Pháp, Mỹ, Tưởng tiếp tay, hoạt động phá hoại. Tại nhiều vùng khác, bọn ngụy quân, ngụy quyền cũ vẫn lén lút hoạt động chống phá chính quyền cách mạng.
Sau chiến tranh, nhiều vấn đề xã hội chưa có điều kiện giải quyết. Vấn đề tôn giáo, dân tộc, giai cấp vốn đã phức tạp do chính sách chia rẽ của người Pháp, lúc này càng phức tạp hơn, vì kẻ thù kích động.
Khắc phục hậu quả chiến tranh ổn định tình hình, xây dựng lại đất nước là sự nghiệp mới mẻ, đầy gian khổ và khó khăn. Để hoàn thành sự nghiệp đó, điều cốt yếu là phải đoàn kết toàn dân, tăng cường đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiện toàn bộ máy lãnh đạo và chính quyền các cấp. Vùng mới giải phóng, chính quyền cơ sở mới hình thành, chưa được củng cố kiện toàn. Trình độ nhận thức và năng lực tổ chức, quản lý kinh tế, quản lý xã hội của cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế.
Miền Nam tạm thời thuộc quyền kiểm soát của đối phương. Từ chỗ có chính quyền, có quân đội, có vùng giải phóng, giờ đây phần lớn cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc, toàn bộ hoạt động của cách mạng phải chuyển sang phương thức vừa hợp pháp và không hợp pháp, vừa công khai lại vừa bí mật. Đó là một đảo lộn lớn, một tình thế nguy hiểm đối với cách mạng ở miền Nam. Sự thay đổi đó, tác động mạnh tới tâm tư, tình cảm của đồng bào, đồng chí miền Nam và đặt ra cho cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ mới vô cùng khó khăn.
Cách mạng nước ta chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, do một Đảng duy nhất lãnh đạo. Do vậy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thuận lợi vẫn là căn bản: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng trở thành hậu phương lớn của cả nước, có quân đội hùng mạnh, chính quyền hùng mạnh, Mặt trận rộng rãi. Miền Nam, nhân dân giác ngộ chính trị cao, đã cùng cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi. Nhân dân ta có một đảng vững mạnh, có kinh nghiệm lãnh đạo, với đội ngũ đảng viên, đoàn viên hơn một triệu người, lại được nhân dân tiến bộ thế giới đồng tình ủng hộ. Thuận lợi đó sẽ được nhân lên thành sức mạnh to lớn để chiến thắng. Miền Nam Việt Nam lúc này trở thành chỗ đứng chân của hai tập đoàn tay sai thân Pháp và thân Mỹ, là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa chúng với nhau. Pháp vẫn muốn ở lại, Mỹ quyết thay thế Pháp. Do phải lệ thuộc ngày càng nhiều vào Mỹ trong quá trình tiến hành chiến tranh Đông Dương và bị bại trận, bị những khó khăn lớn ở chính nước Pháp, họ đã phải rút dần ra khỏi miền Nam nước ta, chuyển giao quyền lực cho Mỹ. Cuộc chuyển giao này không êm thấm. Vì từ lâu, Mỹ đã có âm mưu gạt dần Pháp. Giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Pháp đã hình thành trên thực tế một tập đoàn thân Mỹ trong quân đội và trong chính quyền Bảo Đại. Đứng đầu tập đoàn này là Ngô Đình Diệm do Mỹ đưa về, buộc Pháp và Bảo Đại phải để ông ta thay Bửu Lộc làm thủ tướng kiêm tổng trưởng nội vụ và quốc phòng. Trong nội các Ngô Đình Diệm, các thành viên thân Mỹ hoặc có quan hệ chặt chẽ với Diệm, chiếm đa số. Dựa vào đó ngay khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Mỹ tuyên bố công khai không bị ràng buộc bởi các điều khoản của Hiệp định này, can thiệp sâu hơn nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Để thực hiện âm mưa cơ bản, lâu dài đó, trước mắt, Mỹ tập trung nỗ lực giúp cho Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ, loại bỏ các thế lực thân Pháp, nắm trọn quyền thống trị miền Nam.
Như thế, miền Nam Việt Nam từ sau khi ký kết Hiệp nghị Giơnevơ, tồn tại ba lực lượng chính trị, quân sự chủ yếu là: Pháp (và các thế lực thân Pháp), Mỹ (và các thế lực thân Mỹ) và các lực lượng cách mạng miền Nam. Pháp và các thế lực thân Pháp nhanh chóng bị gạt bỏ, còn lại hai lực lượng đối lập nhau gay gắt là: Mỹ - Diệm và lực lượng cách mạng miền Nam.
Chính sách can thiệp của Mỹ làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp, giữa bọn thân Mỹ và bọn thân Pháp có lúc trở nên gay gắt. Nhiều cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Diệm với một bộ phận thân Pháp trong các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên... diễn ra quyết liệt, làm cho đời sống nhân dân miền Nam ngày càng thêm cơ cực.
Đi đôi với quá trình hất cẳng Pháp, tiêu diệt các thế lực thân Pháp, Mỹ - Diệm đồng thời dồn nỗ lực vào việc đánh phá cơ sở cách mạng, khủng bố nhân dân. Từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến rừng núi, từ chót mũi Cà Mau đến bờ nam sông Bến Hải bao trùm không khí trả thù, khủng bố, ruồng ráp đầy căng thẳng. Máu của những đảng viên cộng sản và của đồng bào miền Nam tiếp tục đổ trên đường phố, trong xóm thôn. Bằng những thủ đoạn dã man, tàn bạo, thâm độc Mỹ - Diệm mưu toan sẽ nhanh chóng tiêu diệt được lực lượng cách mạng và khuất phục được nhân dân ta.
Sau chín năm ròng kháng chiến, miền Nam chưa một ngày có hoà bình. Một lần nữa, cách mạng miền Nam lại đứng trước những thử thách tưởng chừng khó vượt qua.
Tình hình trên đây cho thấy “đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hoà bình ở Đông Dương” 1 và “đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương” 2.
Sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đến đây chưa hoàn thành. Cuộc đấu tranh vì nước Việt Nam độc lập thống nhất, dân chủ, hoà bình chưa kết thúc; cuộc đấu tranh đó còn phải tiếp tục dưới nhiều hình thức và bằng những phương pháp thích hợp. Trong cuộc đấu tranh này, cách mạng Việt Nam phải đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược, nó đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên cả hai miền nhiều vấn đề mới, phức tạp phải giải quyết để đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên. Trước tình thế mới của đất nước và thế giới, để hoàn thành nhiệm vụ đó, sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng phải tỉnh táo, sáng suốt, nhạy bén, chủ động, linh hoạt và vững vàng. Toàn quân, toàn dân và toàn thể cán bộ từ Bắc đến Nam, phải đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng và Hồ Chủ Tịch, chính quyền cách mạng và mặt trận dân tộc thống nhất, tư tưởng và hành động phải nhất trí, kiên quyết, khôn khéo.
Last edited by a moderator: