Sử [Nhân vật & Sự kiện]Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 1

P

pokemon_011

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.


Chương I
TÌNH HÌNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI
SAU THẮNG LỢI ĐIỆN BIÊN PHỦ


I. VIỆT NAM TỪ SAU NGÀY 20-7-1954

Cuộc kháng chiến bền bỉ, anh dũng của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao thắng là chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội đã buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (7-1954), công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước. Đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Thắng lợi này mở đường cho cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới, với những điều kiện thuận lợi mới, nhưng cũng đầy những khó khăn, phức tạp mới. Đất nước tạm thời chia thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Cuộc đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tiếp tục bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau trong điều kiện có pháp lý của Hiệp định Giơnevơ, và thế giới chia thành hai phe đối kháng, nhưng lại “cùng tồn tại hoà bình” trong cuộc chiến tranh lạnh căng thẳng và gay gắt.

Ở miền Bắc, sau khi quân đội Pháp rút đi, nhân dân ta phải tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bảo đảm đời sống, củng cố, xây dựng miền Bắc thành hậu phương chiến lược của cả nước, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thực hiện một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh. Trước mắt, miền Bắc phải đối mặt với những khó khăn chồng chất - hậu quả của gần một thế kỷ thuộc địa và hơn chín năm chiến tranh.

90% dân số miền Bắc vốn sống bằng nghề nông, nhưng nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nghèo nàn, kỹ thuật canh tác lạc hậu, đời sống người nông dân còn thiếu thốn mọi bề.

Nền công nghiệp chỉ vẻn vẹn có 20 xí nghiệp công nghiệp vào năm 1954 với thiết bị cũ kỹ, nhiều thứ đã hư hỏng, những bộ phận còn tốt và các tài liệu kỹ thuật quan trọng đều đã bị Pháp chuyển vào Nam. Tỷ trọng của công nghiệp trong giá trị tổng sản lượng công, nông nghiệp từ 10% năm 1939, tụt xuống còn 1,5%. khi miền Bắc được giải phóng. Bên cạnh công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp bị chèn ép, bị sa sút không có nguyên liệu sản xuất. Nhiều ngành, nghề thủ công truyền thống bị mai một hoặc mất hẳn. Hệ thống giao thông, bưu điện bị hư hỏng và xuống cấp.

Hoà bình lập lại nhưng tình hình an ninh ở miền Bắc vẫn còn phức tạp do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn phản động phá hoại. Trước, trong và sau ngày đình chiến, địch cưỡng ép di cư vào Nam hàng chục vạn người, phần lớn là đồng bào theo đạo Thiên chúa, công chức, nhà buôn, nhà giáo, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật. Địch gài lại hàng ngàn gián điệp, hàng trăm nhóm phản động, cùng với các toán biệt kích được tung ra miền Bắc phá hoại các cơ sở kinh tế, các công trình công cộng. Các phần tử tay sai, các đảng phái phản động lén lút kích động quần chúng, gây bạo loạn ở một số địa phương, tung truyền đơn, tài liệu xuyên tạc chính sách của Đảng Lao động, Chính phủ Việt Nam hòng lung lạc quần chúng, gây hoang mang, dao động trong nhân dân. Ở miền biên giới phía Bắc, hàng ngàn thổ phỉ được các thế lực phản động Pháp, Mỹ, Tưởng tiếp tay, hoạt động phá hoại. Tại nhiều vùng khác, bọn ngụy quân, ngụy quyền cũ vẫn lén lút hoạt động chống phá chính quyền cách mạng.

Sau chiến tranh, nhiều vấn đề xã hội chưa có điều kiện giải quyết. Vấn đề tôn giáo, dân tộc, giai cấp vốn đã phức tạp do chính sách chia rẽ của người Pháp, lúc này càng phức tạp hơn, vì kẻ thù kích động.

Khắc phục hậu quả chiến tranh ổn định tình hình, xây dựng lại đất nước là sự nghiệp mới mẻ, đầy gian khổ và khó khăn. Để hoàn thành sự nghiệp đó, điều cốt yếu là phải đoàn kết toàn dân, tăng cường đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiện toàn bộ máy lãnh đạo và chính quyền các cấp. Vùng mới giải phóng, chính quyền cơ sở mới hình thành, chưa được củng cố kiện toàn. Trình độ nhận thức và năng lực tổ chức, quản lý kinh tế, quản lý xã hội của cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế.

Miền Nam tạm thời thuộc quyền kiểm soát của đối phương. Từ chỗ có chính quyền, có quân đội, có vùng giải phóng, giờ đây phần lớn cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc, toàn bộ hoạt động của cách mạng phải chuyển sang phương thức vừa hợp pháp và không hợp pháp, vừa công khai lại vừa bí mật. Đó là một đảo lộn lớn, một tình thế nguy hiểm đối với cách mạng ở miền Nam. Sự thay đổi đó, tác động mạnh tới tâm tư, tình cảm của đồng bào, đồng chí miền Nam và đặt ra cho cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ mới vô cùng khó khăn.

Cách mạng nước ta chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, do một Đảng duy nhất lãnh đạo. Do vậy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thuận lợi vẫn là căn bản: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng trở thành hậu phương lớn của cả nước, có quân đội hùng mạnh, chính quyền hùng mạnh, Mặt trận rộng rãi. Miền Nam, nhân dân giác ngộ chính trị cao, đã cùng cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi. Nhân dân ta có một đảng vững mạnh, có kinh nghiệm lãnh đạo, với đội ngũ đảng viên, đoàn viên hơn một triệu người, lại được nhân dân tiến bộ thế giới đồng tình ủng hộ. Thuận lợi đó sẽ được nhân lên thành sức mạnh to lớn để chiến thắng. Miền Nam Việt Nam lúc này trở thành chỗ đứng chân của hai tập đoàn tay sai thân Pháp và thân Mỹ, là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa chúng với nhau. Pháp vẫn muốn ở lại, Mỹ quyết thay thế Pháp. Do phải lệ thuộc ngày càng nhiều vào Mỹ trong quá trình tiến hành chiến tranh Đông Dương và bị bại trận, bị những khó khăn lớn ở chính nước Pháp, họ đã phải rút dần ra khỏi miền Nam nước ta, chuyển giao quyền lực cho Mỹ. Cuộc chuyển giao này không êm thấm. Vì từ lâu, Mỹ đã có âm mưu gạt dần Pháp. Giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Pháp đã hình thành trên thực tế một tập đoàn thân Mỹ trong quân đội và trong chính quyền Bảo Đại. Đứng đầu tập đoàn này là Ngô Đình Diệm do Mỹ đưa về, buộc Pháp và Bảo Đại phải để ông ta thay Bửu Lộc làm thủ tướng kiêm tổng trưởng nội vụ và quốc phòng. Trong nội các Ngô Đình Diệm, các thành viên thân Mỹ hoặc có quan hệ chặt chẽ với Diệm, chiếm đa số. Dựa vào đó ngay khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Mỹ tuyên bố công khai không bị ràng buộc bởi các điều khoản của Hiệp định này, can thiệp sâu hơn nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Để thực hiện âm mưa cơ bản, lâu dài đó, trước mắt, Mỹ tập trung nỗ lực giúp cho Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ, loại bỏ các thế lực thân Pháp, nắm trọn quyền thống trị miền Nam.

Như thế, miền Nam Việt Nam từ sau khi ký kết Hiệp nghị Giơnevơ, tồn tại ba lực lượng chính trị, quân sự chủ yếu là: Pháp (và các thế lực thân Pháp), Mỹ (và các thế lực thân Mỹ) và các lực lượng cách mạng miền Nam. Pháp và các thế lực thân Pháp nhanh chóng bị gạt bỏ, còn lại hai lực lượng đối lập nhau gay gắt là: Mỹ - Diệm và lực lượng cách mạng miền Nam.

Chính sách can thiệp của Mỹ làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp, giữa bọn thân Mỹ và bọn thân Pháp có lúc trở nên gay gắt. Nhiều cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Diệm với một bộ phận thân Pháp trong các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên... diễn ra quyết liệt, làm cho đời sống nhân dân miền Nam ngày càng thêm cơ cực.

Đi đôi với quá trình hất cẳng Pháp, tiêu diệt các thế lực thân Pháp, Mỹ - Diệm đồng thời dồn nỗ lực vào việc đánh phá cơ sở cách mạng, khủng bố nhân dân. Từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến rừng núi, từ chót mũi Cà Mau đến bờ nam sông Bến Hải bao trùm không khí trả thù, khủng bố, ruồng ráp đầy căng thẳng. Máu của những đảng viên cộng sản và của đồng bào miền Nam tiếp tục đổ trên đường phố, trong xóm thôn. Bằng những thủ đoạn dã man, tàn bạo, thâm độc Mỹ - Diệm mưu toan sẽ nhanh chóng tiêu diệt được lực lượng cách mạng và khuất phục được nhân dân ta.

Sau chín năm ròng kháng chiến, miền Nam chưa một ngày có hoà bình. Một lần nữa, cách mạng miền Nam lại đứng trước những thử thách tưởng chừng khó vượt qua.

Tình hình trên đây cho thấy “đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hoà bình ở Đông Dương” 1 và “đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương” 2.

Sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đến đây chưa hoàn thành. Cuộc đấu tranh vì nước Việt Nam độc lập thống nhất, dân chủ, hoà bình chưa kết thúc; cuộc đấu tranh đó còn phải tiếp tục dưới nhiều hình thức và bằng những phương pháp thích hợp. Trong cuộc đấu tranh này, cách mạng Việt Nam phải đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược, nó đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên cả hai miền nhiều vấn đề mới, phức tạp phải giải quyết để đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên. Trước tình thế mới của đất nước và thế giới, để hoàn thành nhiệm vụ đó, sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng phải tỉnh táo, sáng suốt, nhạy bén, chủ động, linh hoạt và vững vàng. Toàn quân, toàn dân và toàn thể cán bộ từ Bắc đến Nam, phải đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng và Hồ Chủ Tịch, chính quyền cách mạng và mặt trận dân tộc thống nhất, tư tưởng và hành động phải nhất trí, kiên quyết, khôn khéo.
 
Last edited by a moderator:
P

pokemon_011


II. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI SAU CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam ngày 7-5-1954 là một trong những sự kiện nổi bật của phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức nửa đầu thế kỷ XX, làm “chẤn Động địa cầu”.

Một nước thuộc địa nửa phong kiến vốn nghèo nàn, lạc hậu, lại bị áp bức, bóc lột đến kiệt quệ suốt gần một thế kỷ, đã đánh bại hoàn toàn đội quân xâm lược nhà nghề của một đế quốc lớn. Bị tổn thất nặng về người và phương tiện chiến tranh1, Pháp buộc phải ngồi vào bàn thương lượng. Tại đây cuộc đấu tranh cũng diễn ra quyết liệt. Nhóm thực dân hiếu chiến trong giới cầm quyền đương thời ở nước Pháp và bọn can thiệp Mỹ tuy đã thất bại trên chiến trường vẫn tìm mọi cách phá hoại cuộc thương lượng, hy vọng sẽ tìm một giải pháp khác để có thể ở lại Đông Dương. Song mọi mưu mô, thủ đoạn của họ đã không thực hiện được.

Chiến thắng của nhân dân Việt Nam cả ở trên chiến trường và trong Hội nghị đã đuổi đội quân viễn chinh tinh nhuệ của Pháp về nước. Đã làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ Đông Dương, có tác động to lớn đến phong trào cách mạng thế giới nói chung và phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh nói riêng. Giữa lúc nhân loại bị áp bức đang mò mẫm trên con đường giành độc lập dân tộc, chiến thắng của Việt Nam làm tăng gấp bội nhiệt tình đấu tranh, lòng tự tin của những người cách mạng và các dân tộc bị áp bức trên khắp thế giới; đồng thời, làm cho những tập đoàn hiếu chiến trong giới cầm quyền ở các nước đế quốc phải lo đối phó với phong trào cách mạng đang dâng lên sau sự kiện Điện Biên Phủ. Cuộc đấu tranh giữa các lực lượng cách mạng và yêu chuộng hoà bình với các lực lượng hiếu chiến, chống cách mạng vì thế diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, quyết liệt với tính chất tiến công mạnh mẽ, có hiệu quả.

Phong trào giải phóng dân tộc.

Trước hết, ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, những bài học rút ra trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp với thắng lợi to lớn ở Điện Biên Phủ đã được các lực lượng cách mạng chú trọng nghiên cứu và vận dụng trong cuộc đấu tranh của mình.

Đối với nhân dân các nước châu Phi, chiến thắng của Việt Nam có sức động viên, cổ vũ mạnh mẽ, củng cố niềm tin của họ vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giành lại độc lập dân tộc. Bài học về đoàn kết đứng dậy đấu tranh theo một đường lối đúng đắn với quyết tâm chiến đấu cho độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam đã góp phần làm chuyển biến phong trào giải phóng dân tộc sang một giai đoạn phát triển mới sôi nổi, tích cực và liên tục. Trước đây, do âm mưu chia rẽ của đế quốc và tay sai của chúng, do thiếu kinh nghiệm, phong trào đấu tranh ở nhiều nước châu Phi thường thiếu đoàn kết giữa các lực lượng; mặt trận dân tộc thống nhất chưa hình thành; tình trạng bè phái, chia rẽ còn nặng; có nơi đảng cộng sản còn bị cô lập. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gợi lên cho nhân dân, trước hết là các lực lượng cách mạng ở các nước châu Phi những suy nghĩ mới về đường lối và phương pháp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Tháng 8-1954, Đảng Cộng sản Marốc ra tuyên bố đòi Chính phủ Pháp phải chấm dứt các hành động đàn áp, khủng bố những người yêu nước, phải thả tù chính trị. Bản tuyên bố đòi Pháp phải đảm bảo các quyền tự do dân chủ và tổ chức ngay cuộc đàm phán với đại biểu của nhân dân cách mạng, trên cơ sở tôn trọng độc lập dân tộc và chủ quyền của Marốc. Bản tuyên bố đó được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân thuộc các khuynh hướng chính trị trong nước. Tháng 10-1954, một cuộc biểu dương lực lượng được tổ chức trong cả nước, tiếp đó là một cuộc tổng bãi công kéo dài ba ngày liền. Theo kinh nghiệm của nhân dân Việt Nam, nhân dân Marốc đã cầm vũ khí, kiên trì cuộc đấu tranh để giành độc lập dân tộc.

Ở các nước chảu Phi khác như Tuynidi, Angiêri, Mali, Camơrun, Mađagátxca, Cônggô, Urunđi v.v… phong trào đấu tranh giành độc lập phát triển với khí thế sôi nổi. Điển hình là phong trào giải phóng Angiêri. Trước thất bại quân sự của Pháp ở Điện Biên Phủ và được khuyến khích bởi những kinh nghiệm Việt Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân Angiêri được tổ chức lại có quy củ hơn. Mặt trận giải phóng dân tộc Angiêri ra đời được sự hưởng ứng của phần lớn các đảng phái và tổ chức yêu nước, đại diện cho các giai cấp công nhân, nông dân, tư sản dân tộc, tiểu tư sản, các giới trí thức và các tầng lớp xã hội khác. Đây là một hiện tượng quan trọng nảy sinh sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Mặt trận là một tổ chức dân chủ rộng rãi, thường xuyên giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân lao động, nhất là nông dân. Vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của Mặt trận ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Khối đoàn kết toàn dân chung quanh Mặt trận hướng vào mục đích giành độc lập dân tộc, xoá bỏ chế độ áp bức bóc lột của thực dân Pháp được củng cố ngày càng vững chắc. Đó là nền tảng để xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.

Tháng 7-1955, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Angiêri họp và quyết định thành lập các đội vũ trang: các đội “chiến sĩ giải phóng”. Hội nghị cũng đặt ra cho các đảng viên nhiệm vụ tham gia các lực lượng du kích của Mặt trận giải phóng. Do tình hình phát triển thuận lợi, do yêu cầu thống nhất hành động và thống nhất chỉ huy tháng 7-1956, Đảng Cộng sản và Mặt trận giải phóng đã ký kết hiệp định thống nhất các đội “chiến sĩ giải phóng” của Đảng vào cơ cấu Quân giải phóng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Mặt trận. Mặt trận giải phóng thường xuyên quan tâm củng cố khối đoàn kết thống nhất trong phong trào chống thực dân, giành độc lập dân tộc. Tháng 2-1956, Mặt trận quyết định thành lập Tổng liên đoàn lao động Angiêri. Tháng 8-1956, ban lãnh đạo Mặt trận họp đề ra cương lĩnh đấu tranh nhằm thủ tiêu chế độ thực dân Pháp, thành lập nhà nước Cộng hoà Angiêri, tiến hành cải cách ruộng đất. Cương lĩnh được công nhân và nông dân - lực lượng chủ yếu của cuộc đấu tranh hưởng ứng nhiệt liệt và tích cực tham gia thực hiện.

Từ khi Mặt trận giải phóng dân tộc Angiêri ra đời, có cương lĩnh đúng đắn được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, cuộc kháng chiến cứu nước phát triển và giành được thắng lợi từng bước vững chắc. Mặc dù nhiều cuộc vùng dậy của nhân dân đã bị đàn áp, song phong trào đấu tranh không hề bị dập tắt, bởi “Người Angiêri bước lên con đường mà những người anh em Việt Nam đã vạch ra” 2. Cuộc chiến đấu của nhân dân Angiêri do Mặt trận giải phóng dân tộc lãnh đạo bắt đầu nổ ra vào ngày 1-11-1954 được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Mặc dầu thực dân Pháp vẫn ngoan cố kéo dài chiến tranh, song cuối cùng phải ngồi vào bàn thương lượng và ký kết Hiệp ước đình chiến Êviăng (Pháp) ngày 18-3-1962. Nước Pháp thừa nhận quyền độc lập tự chủ của Angiêri. Ngày 1-7-1962, nước Cộng hoà Angiêri ra đời. Nhân dân Angiêri đã xoá được mối nhục mất nước kéo dài 124 năm dưới ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân Pháp.
_______________________________________
1. Tại Điện Biên Phủ, 16.200 binh sĩ thuộc 17 tiểu đoàn bộ binh và lính nhảy dù, 3 tiểu đoàn trọng pháo và súng cối nặng, 10 đại đội bổ sung người Thái và các phân đội trực thuộc khác bị tiêu diệt và bắt làm tù binh cùng với toàn bộ vũ khí và kho tàng; 62 máy bay các loại bị bắn rơi.
Trong cả cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương mà chiến trường Việt Nam là chủ yếu, kéo dài gần 9 năm. Pháp mất khoảng 100.000 người chết, tiêu phí gần 66 tỷ Phrăng mới, không kể viện trợ của Mỹ. Nước Pháp còn phải chi phí các khoản bảo hiểm xã hội cho thương, phế binh và giai quyết hậu quả chiến tranh kéo dài khoảng 20 năm sau khi đình chiến.
2. Lời phát biểu của đồng chí Lácbi Buhali. Bí thư Đảng Cộng sản Angiêri trong dịp sang thăm Việt Nam năm 1961 - Báo Nhân dân ngày 7-5-1961.
 
P

pokemon_011

Cùng với Angiêri và Marốc, một loạt các thuộc địa của Pháp như Tuynidi, Ghinê, Mali, Xuđăng, Mađagatxca, Camơrun cũng vùng dậy đấu tranh. Một lúc phải đối phó với phong trào chống thực dân ở hầu hết các thuộc địa của mình, sau khi bị thất bại thảm hại ở Việt Nam, trong tình hình xã hội Pháp bị khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt, chính phủ đương thời ở Pháp dù không muốn cũng phải lùi bước trước cao trào giải phóng dân tộc. Chính vì thế, phần lớn các nước trong số 24 quốc gia châu Phi trong thời gian này được trả lại quyền độc lập dân tộc ở mức độ khác nhau.

Châu Á - đối tượng xâm lược của các đế quốc châu Âu và Bắc Mỹ từ hàng trăm năm nay, cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc ở đây được tiếp thêm sức mạnh rõ rệt. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam chứng minh rằng lực lượng đi xâm lược của bọn thực dân tuy hùng hổ và được trang bị hiện đại, vẫn có thể bị các lực lượng cách mạng đánh bại. “Việc giải phóng Điện Biên Phủ chứng minh nhân dân châu Á có đủ khả năng kết thúc lịch sử của bọn thực dân âm mưu dùng lực lượng vũ trang để thực hiện dục vọng tham lam của chúng” 1. Sự đánh giá đó thể hiện niềm tin của các dân tộc châu Á vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, nó cổ vũ và làm tăng thêm sức mạnh, nghị lực cho các phong trào cách mạng kiên quyết hành động, dẫn tới sự sụp đổ toàn cầu của chủ nghĩa thực dân cũ.

Chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, chủ nghĩa thực dân mới, mà điển hình là chủ nghĩa thực dân mới Mỹ, liền thay thế. Mỹ nhòm ngó vào thuộc địa cũ của các nước đế quốc.

Ở Đông Dương, sự đoàn kết gắn bó trong nội bộ nhân dân Việt Nam, cũng như sự đoàn kết giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia càng thêm chặt chẽ, để chuẩn bị đối phó với những thủ đoạn xâm lược kiểu thực dân mới mà đế quốc Mỹ đang triển khai tích cực. Những nhiệm vụ xây dựng vùng mới được giải phóng, củng cố lực lượng cách mạng được thực hiện với khí thế sôi nổi.

Trong khi đó, Mỹ lập khối xâm lược Đông Nam Á (SEATO), tuyên bố đặt miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia dưới sự “bảo hộ” của khối này do Mỹ cầm đầu. Lúc này quân đội Pháp cùng với lực lượng ngụy Lào lợi dụng ngừng bắn đã tràn ra nhiều nơi, gây khó khăn cho việc tập kết của bộ đội Pathét Lào và cướp bóc, khủng bố những người kháng chiến. Ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phongxalỳ, vùng tập kết của Pathét Lào, từ sau khi ngừng bắn đến tháng 1-1955, các toán vũ trang đối phương đã tấn công nhiều lần, làm nhiều người chết và bị thương, chúng đốt nhà cướp của, bắn giết trâu bò, lợn gà, bắt đi hàng trăm người. Những hành động phá hoại việc thi hành Hiệp định Gơnevơ diễn ra liên tục theo sự chỉ huy của đế quốc Mỹ như lấn chiếm vùng tập kết, thay đổi tay sai, lật đổ chính phủ liên hiệp, bắt lãnh tụ của Pathét Lào v.v… Tình hình Lào rất căng thẳng. Nhưng địch đã thất bại, nhờ có sự đoàn kết và hành động mưu trí, dũng cảm của quân và dân Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào.

Ở Campuchia, sau Hiệp định Giơnevơ, Vương quốc Campuchia vẫn nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Tháng 3-1955, Quốc vương Xihanúc tuyên bố thoái vị và trở thành Quốc trưởng. Tháng 9 cùng năm đó, Quốc hội Campuchia tuyên bố rút ra khỏi khối liên hiệp Pháp để xây dựng “quốc gia độc lập, có chủ quyền”. Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia đã đồng tình với việc Mỹ thành lập khối quân sự SEATO. Tháng 5-1955, Chính phủ Campuchia ký kết với Mỹ hiệp ước viện trợ quân sự và tháng 9 cùng năm ký hiệp ước viện trợ kinh tế. Việc thi hành Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương bị vi phạm nghiêm trọng. Những người kháng chiến và nhiều chiến sĩ Khơme Ítxarắc, quân tình nguyện Việt Nam trong khi tập kết và rút quân bị quân quốc gia Campuchia phục kích và bắn giết. Với mưu đồ nhanh chóng nhảy vào xứ Đông Dương để thiết lập chủ nghĩa thực dân kiểu mới, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, Mỹ tích cực chuẩn bị cho việc lập “khối Cửu Long” gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, nhằm biến ba nước dọc sông Mê Công thành căn cứ quân sự, dùng ba nước này để chống phong trào cách mạng ở Đông Dương. Tình hình trên gây nên sự phản ứng trong nhân dân Campuchia. Sự phụ thuộc vào Mỹ ngày càng tăng lên rõ rệt làm cho chính phủ Xihanúc phải xét lại chính sách của mình và đã chủ trương đi theo đường lối hoà bình, trung lập. Tháng 2-1956, Xihanúc tuyên bố Campuchia không gia nhập khối SEATO. Khắp nơi ở châu Á, một lục địa đất rộng, người đông, nhưng lâu nay vẫn bị các đế quốc phương Tây chèn ép và khinh rẻ, đều có phong trào ủng hộ Việt Nam, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức.

Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ lan sang cả Mỹ Latinh, một “lục địa nửa thuộc địa” ở Tây bán cầu, “cái sân sau của Mỹ” như bọn thực dân thường gọi. Ở lục địa này, cứ mỗi phút có bốn người chết đói hoặc chết bệnh, đồng thời cứ mỗi phút bọn thực dân lại hốt được khoảng bốn nghìn đôla để gửi về Mỹ2. Tiếng súng chiến thắng ở Điện Biên Phủ đã làm sôi sục thêm những tình cảm cách mạng và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Cuba cũng như nhân dân Mỹ Latinh. Những kinh nghiệm kháng chiến của Việt Nam được các lực lượng cách mạng ở Mỹ Latinh coi là “ánh đèn pha chiếu rọi” cho hàng triệu người đang đấu tranh chống áp bức bóc lột trên thế giới. Nhân dân Cuba dưới sự lãnh đạo của Phiđen Cátxtơrô và đội tiên phong, mở cửa đột phá đầu tiên vào hệ thống nửa thuộc địa của đế quốc Hoa Kỳ ở Mỹ Latinh.

Cách mạng Cuba thành công trên một đất nước nằm ngay ở cửa ngõ nước Mỹ đã xua tan ấn tượng khủng khiếp về sức mạnh của bọn tư bản thống trị, củng cố lòng tin vào sức mạnh của quần chúng cách mạng, làm cho nhân dân các nước Mỹ Latinh càng giác ngộ về nhiệm vụ đấu tranh giành quyền sống và độc lập tự do cho dân tộc mình.

Nhìn chung, bằng ý chí chiến đấu kiên cường, lòng dũng cảm, trí thông minh được kết tinh trong đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng oanh liệt ở Điện Biên Phủ, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Kết quả đấu tranh thắng lợi vẻ vang của một dân tộc thuộc địa trước một tên thực dân cáo già như Pháp có sức thuyết phục mạnh mẽ, tăng thêm quyết tâm, niềm tin và kinh nghiệm cho các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập và chủ quyền dân tộc. Tình hình châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh vào giữa thập kỷ 50 của thế kỷ này đã không còn giống như trước kia nữa. Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến cuối những năm 60, có khoảng 40 nước giành được độc lập, trong số này có 32 nước là thuộc địa của Pháp. Các chế độ thực dân bị lên án. Các phong trào kháng chiến lớn mạnh, lan rộng ở nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc. Các phong trào đó không những giành được những thắng lợi về quân sự ở nhiều nơi mà còn góp phần rất quan trọng vào việc làm biến đổi tình hình chính trị thế giới. Do nhiều nước đã giành được độc lập cho nên vào giữa những năm 50, Liên hiệp quốc đã có tới hơn 100 nước hội viên với nhiều thành viên mới của châu Á và châu Phi. Trước kia chỉ có 50 nước mà đa số là các nước châu Âu và Mỹ Latinh. Chương trình nghị sự về vấn đề chính trị thế giới không còn do những nước lớn có tiềm lực mạnh về kinh tế và quân sự định đoạt và áp đặt cho Đại Hội đồng Liên hiệp quốc. Năm 1960, Liên hiệp quốc tuyên bố về quyền độc lập của các nước và nhân dân thuộc địa, kết tội chủ nghĩa thực dân bằng tuyệt đại đa số phiếu. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị sụp đổ liên tiếp trước những đòn tiến công của phong trào giải phóng dân tộc.
_______________________________________
1. Báo Tin tức Inđônêxia, ngày 11-5-1954
2. Theo Tuyên ngôn La Habana II, ngày 4-2-1962.
 
P

pokemon_011

Phong trào công nhân ở các nước tư bản

Từ sau chiến thắng của Việt Nam ở Điện Biên Phủ, cuộc đấu tranh giữa các lực lượng lao động với tư bản, giữa các lực lượng dân chủ với các lực lượng phản động ở các nước tư bản chủ nghĩa cũng nổi lên ngày càng sôi nổi. Sự thất bại của chủ nghĩa thực dân trước phong trào giải phóng dân tộc, việc mất các thuộc địa, nguồn cung cấp nhiều loại tài nguyên quý giá và phong phú, cùng với nhân công rẻ mạt, đã tác động tai hại trực tiếp đến nguồn lợi nhuận của các nước đế quốc làm cho khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị ở những nước này thêm sâu sắc. Chính quyền tư sản ở đó phải tìm mọi cách cứu vãn tình thế, duy trì những vị trí của chúng ở nước ngoài và tăng cường việc bóc lột nhân dân trong nước. Vì vậy, phong trào đấu tranh của nhân dân lao động, đi sâu là giai cấp công nhân ngày càng phát triển với quy mô rộng lớn có nội dung phong phú và nhiều hình thức linh hoạt. Những đợt bãi công liên tiếp có hàng triệu người tham gia kéo dài hàng tháng. Nhiều cuộc xuống đường biểu dương lực lượng, làm cho bộ máy nhà nước tư sản phải đối phó lúng túng. Ở Italia, Pháp, nhiều cuộc đấu tranh để bảo vệ dân chủ, chống chế độ phản động của nền chuyên chế cá nhân cũng phát triển bằng nhiều hình thức. Ở Mỹ, Achentina, Anh, Canađa, Urugoay, Chilê, Bỉ và nhiều nước tư bản khác, công nhân đã tổ chức nhiều cuộc bãi công lớn. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của người Mỹ da đen để giành quyền sống diễn ra thường xuyên, mang tính quần chúng rộng rãi. Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chống chế độ độc tài phát xít, nổ ra liên tiếp. Phong trào dân chủ ở Hy Lạp vào thời kỳ này đang được củng cố.

Ở nhiều nước Mỹ Latinh, giai cấp cầm quyền vẫn tiếp tục đi theo con đường cai trị của thực dân Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha đã bị lật đổ, làm cho đời sống nhân dân vẫn chịu cảnh cơ cực, xã hội càng suy thoái. Lạm phát, nợ nần, thất nghiệp, đói rách là những vấn đề nhức nhối kéo dài, mà chính quyền không giải quyết nổi. Nhân dân nổi dậy lật đổ chính quyền ở nhiều nước: tháng 1-1955, tổng thống Panama, tên độc tài khét tiếng, bị giết chết. Tháng 9-1956, tên độc tài Xômôxa ở Nicaragoa bị hạ sát. Tháng 7-1957, tổng thống Ácmát ở Goatêmala cũng bị chung một số phận, v.v… Những cuộc chính biến quân sự xảy ra liên tiếp ở Achentina, Xanvađo, Haiti, Côlômbia, Vênêduyêla. Ở Urugoay, công nhân đấu tranh buộc quốc hội phải thông qua dự luật trưng thu xí nghiệp ướp lạnh của công ty độc quyền Mỹ ở Môngtêviđêo. Nhiều cuộc đấu tranh biểu lộ thái độ chống chính sách thực dân mới cũng nổ ra rầm rộ, buộc Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn phải bỏ dở cuộc “hành trình hữu nghị” đến tám nước Nam Mỹ, hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5- 1958.

Ở châu Á, cuộc đấu tranh của nhân dân lao động chống sự hà khắc của chính quyền tư sản, chống việc gây thù hằn giữa các dân tộc và chuẩn bị chiến tranh cũng không kém phần sôi nổi, quyết liệt. Ở Nhật Bản có phong trào đấu tranh của quần chúng đông đảo trong công nhân, nông dân và giới trí thức, các nhà tư sản dân tộc đòi dân chủ, chống sự phụ thuộc vào đế quốc Mỹ. Những cuộc khủng bố, bắt bớ, tra tấn lan rộng ở Hàn Quốc, đã gây phẫn nộ ngày càng cao trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình, bãi công kéo dài ở nhiều địa phương.

Hoà chung với phong trào chống đế quốc, các Chính phủ Ấn Độ, Miến Điện (nay là Mianma), Nam Dương (nay là Inđônêxia) tích cực thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, xóa bỏ những ảnh hưởng của thực dân trên đất nước mình. Tháng 6-1954. Chính phủ Ấn Độ và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố về năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình:

1. Tôn trọng chủ quyền và sự thống nhất lãnh thổ của nhau;

2. Không xâm lược lẫn nhau;

3. Không can thiệp vào nội chính của nhau;

4. Bình đẳng và có lợi cho hai bên;

5. Cùng tồn tại trong hoà bình.

Bản tuyên bố này được Chính phủ Nam Dương (Inđônêxia) ủng hộ. Chính phủ Miến Điện (Mianma) cũng khẳng định năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình là những nguyên tắc bất di bất dịch của mối quan hệ quốc tế giữa các nước trên thế giới. Tại Hội nghị Băngđung tháng 4-1955, đại biểu của 29 nước Á- Phi tham dự, trong đó có Việt Nam, đều lên án chủ nghĩa thực dân và nhấn mạnh năm nguyên tắc nói trên. Tháng 6 cùng năm đó, Đại hội Hoà bình thế giới họp ở Henxinhki (Phần Lan) có gần 2000 đại biểu của 68 nước tham dự. Nhiều đại biểu thuộc các thành phần xã hội khác nhau đã lên án những hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia do các hiệp ước quân sự và căn cứ quân sự của đế quốc gây ra. Chính sách vũ lực, những thủ đoạn can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ ở nhiều khu vực trên thế giới, đều bị vạch mặt, chỉ trích gay gắt. Nhiều đại biểu tán thành năm nguyên tắc chung sống hoà bình, hoan nghênh kết quả của Hội nghị Băngđung, ủng hộ việc giải quyết các vấn đề quốc tế bằng phương pháp thương lượng, hoan nghênh Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương. Đó là kết quả sự thức tỉnh của nhân dân thế giới. Loài người đã lên tiếng chống lại chính sách vũ lực, chống lại các khối quân sự, cuộc chạy đua vũ trang và cảnh giác trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân. Ngày 6-8, thành phố Hirôsima ở Nhật Bản bị Mỹ ném bom nguyên tử đã được Đại hội quyết định lấy đó làm ngày hoạt động quốc tế cấm vũ khí hạt nhân.

Vùng Trung Đông là nơi tranh chấp kéo dài giữa nhiều cường quốc. Ở đây, phong trào giải phóng dân tộc, chống sự phụ thuộc vào nước ngoài gắn chặt với phong trào đòi cải thiện đời sống, đòi dân chủ. Ý thức dân tộc và phong trào quần chúng mạnh mẽ chống đế quốc thực dân, tác động tích cực đến thái độ và hành động của giới cầm quyền ở nhiều nước Arập. Một trong các yêu cầu quan trọng mà nhân dân đề ra là làm cho các ngành kinh tế quốc dân thoát khỏi ràng buộc vào tư bản nước ngoài, chấm dứt tình trạng các nước tư bản tự do cướp bóc tài nguyên của các nước Arập, đặc biệt là dầu lửa. Việc Ai Cập thực hiện quốc hữu hoá kênh đào Xuyê làm cho các nước tư bản, nhất là những nước có nhiều cổ phần ở đây như Anh, Pháp phản ứng quyết liệt, làm nổ ra cuộc khủng hoảng ở vùng này. Itxraen cùng với Anh và Pháp đưa quân đội tấn công chiếm một số vùng quan trọng dọc theo kênh. Hành động xâm lược này bị nhân dân thế giới lên án kịch liệt, kể cả nhân dân Anh và Pháp. Nhiều cuộc biểu tình phản đối, một số nước cắt quan hệ ngoại giao với Anh và Pháp. Ở Xyri, Libăng nhân dân phá ống dẫn dầu, đốt các trạm bơm của những nước xâm lược trên chạy qua lãnh thổ của mình. Chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa biểu thị thái độ kiên quyết ủng hộ Ai Cập bằng nhiều hành động tích cực. Chính phủ Liên Xô tuyên bố: Ai Cập quốc hữu hoá kênh Xuyê là hoàn toàn hợp pháp và chính đáng, đòi các nước phải tôn trọng phủ quyền của Ai Cập, giải quyết vấn đề kênh Xuyê bằng giải pháp hoà bình. Trước những hành đỏng quân sự liều lĩnh của Anh, Pháp và Itxraen, trong thư gửi cho Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô nói rõ: “Chính phủ Xôviết sẵn sàng dùng sức mạnh để đè bẹp bọn xâm lược và lập lại hoà bình ở khu vực này” 1. Liên Xô còn gửi thư cho tổng thống Mỹ Aixenhao, gợi ý: “Mỹ có lực lượng hải quân quan trọng ở Địa Trung Hải. Liên Xô cũng có một lực lượng hải quân và không quân hùng mạnh. Việc Mỹ và Liên Xô kịp thời sử dụng chung những phương tiện đó theo nghị quyết của Liên hợp quốc sẽ là một đảm bảo chắc chắn để chấm dứt hành động xâm lược chống chính phủ và nhân dân Ai Cập” 2.

Ở Liên Xô và Trung Quốc, có phong trào thanh niên tình nguyện sẵn sàng sang giúp Ai Cập, gửi giúp lương thực, quần áo, thuốc men. Nhân dân Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khác đều nhiệt tình ủng hộ Chính phủ và nhân dân Ai Cập.

Tại Anh, các nghị sĩ thuộc Công đảng công khai phản đối quyết liệt chính sách của Chính phủ, đòi thủ tướng Idơn phải từ chức.

Tại Pháp, Đảng Cộng sản lên án cuộc chiến tranh xâm lược ngay từ đầu. Công nhân và các tầng lớp nhân dân đòi Chính phủ Pháp phải ngừng chiến ở Ai Cập, chấm dứt chiến tranh đang diễn ra lúc đó ở Angiêri. Phong trào chống đối sôi sục ở khắp nơi trên thế giới buộc Anh, Pháp và Ixraen, ngày 22-11-1956, phải rút quân khỏi vùng kênh đào Xuyê.
____________________________________
1, 2. Văn Quân: Ai Cập và các nước Arập vùng lên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1957.
 
P

pokemon_011

Công cuộc xây dựng đất nước ở các nước khác trong hệ thống xã hội chủ nghĩa từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến giữa thập kỷ 50 đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp, mặc dù gặp nhiều khó khăn.

Các nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan, Đông Đức, Hunggari, Bungari, Rumani, Anbani... là những nước bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau khi hoà bình được lập lại, với sự giúp đỡ của Liên Xô, nhân dân lao động ở những nước này xây dựng lại đất nước, khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân với tốc độ khá nhanh.

Ở Tiệp Khắc, tổng sản lượng công nghiệp năm 1955 tăng gấp bốn lần năm 1937. Công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp tiến hành có kết quả tốt. Tới năm 1958, số hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã quản lý tới 70% diện tích cày cấy của cả nước; sản xuất nông nghiệp tăng 33% so với năm 1948.

Ở Ba Lan, sau khi thực hiện kế hoạch sáu năm phát triển kinh tế (1950-1955), sản xuất công nghiệp tăng gấp 2,8 lần so với năm 1949 và 5 lần so với trước chiến tranh chống phát xít Đức. Nhiều ngành công nghiệp được hoàn toàn đổi mới như luyện kim, hoá chất và chế tạo máy móc, đồng thời cũng xuất hiện những ngành công nghiệp mới như công nghiệp xe hơi, máy kéo, đóng tàu thuỷ. Trong khi công nghiệp phát triển mạnh, sản lượng tăng 5 lần so với trước chiến tranh, thì nông nghiệp không được đầu tư thích đáng, chỉ tăng có 8%. Tình trạng đó ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và là một nguyên nhân làm nổ ra vụ rối loạn Pôdơnan1 tháng 6-1956. Đảng công nhân thống nhất Ba Lan đã rút kinh nghiệm, khắc phục sai lầm, do đó đã đẩy lùi được âm mưu địch kéo Ba Lan khỏi phe xã hội chủ nghĩa.

Công cuộc xây dựng đất nước ở Hunggari vào những năm 50 gặp rất nhiều khó khăn, vì một nước vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, lại bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh: mất hết thiết bị các nhà máy, tất cả 1400 cầu trên sông Đanuýp và sông Títda bị phá hủy, hơn 50% số gia súc bị giết. Song, từ sau 1954, tranh thủ thời gian hoà bình và được sự giúp đỡ của Liên Xô, sự hợp tác giữa các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế quốc dân đã có nhiều biến chuyển quan trọng: sản lượng về công nghiệp, nông nghiệp vào những năm 1955-1957 đều tăng hơn những năm trước chiến tranh, tạo cơ sở cho việc phát triển tiếp sau này. Tháng 10-1956, lợi dụng tình hình khó khăn và một sai lầm của Đảng, Nhà nước Hunggari, những thế lực chống đối đã gây ra cuộc bạo động vũ trang, đẩy chính quyền nhân dân đến nguy cơ bị lật đổ. Được sự giúp đỡ kịp thời và tích cực của Liên Xô, những người cách mạng chân chính Hunggari được giai cấp công nhân ủng hộ, đã kiên quyết thành lập Chính phủ công nông cách mạng và dập tắt được cuộc bạo động. Bọn gây bạo loạn bị đánh bại2.

Ở Đông Đức, công cuộc xây dựng xã hội mới được tiến hành với ý thức lao động xã hội chủ nghĩa và tinh thần kỷ luật rất cao của toàn dân. Sau khi hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh tế 2 năm (1949-1950), nước Cộng hoà Dân chủ Đức đã thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1951-1955), tạo cơ sở để vươn lên thành một trong 10 nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới và là nước đứng hàng đầu châu Âu về sản lượng điện theo đầu người, nước thứ hai trên thế giới về sản lượng hoá chất theo đầu người vào những năm 1956-1960. Sau kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1956-1960), tổng sản lượng công nghiệp tăng gấp 3 lần so với trước chiến tranh. Hợp tác hoá nông nghiệp được hoàn thành. Mức thu nhập của xã viên xấp xỉ mức thu nhập của công nhân nông nghiệp.

Ở nước Công hoà Nhân dân Rumani, kế hoạch 5 năm lần thứ hai bắt đầu được thực hiện từ năm 1953 và hoàn thành vào năm 1957. So với năm 1952, một số ngành công nghiệp nặng đạt mức tăng trưởng đáng phấn khởi: điện tăng 167%, sản lượng than đá tăng 153%, quặng sắt tăng 236%, xi măng tăng 125%, thịt tăng 67%, đường tăng 207%, đồ hộp tăng 13%. v.v… Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đến năm 1958, khu vực xã hội chủ nghĩa đã sản xuất 98% sản lượng công nghiệp, hơn 90% sản lượng nông nghiệp.

Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa: Sau khi được thành lập tháng 10-1949, nhân dân Trung Quốc triển khai kế hoạch phục hồi đất nước. Đến năm 1954, giá trị tổng sản lượng công, nông nghiệp toàn quốc gần gắng 2,2 lần năm 1949. Tỷ trọng sản lượng công nghiệp hiện đại với tổng sản lượng công, nông nghiệp trong năm 1949 chỉ có khoảng 17%, nhưng đến năm 1954, đã tăng lên tới 33%. Đến năm 1952, sản lượng những nông phẩm chủ yếu đã vượt mức năm cao nhất hồi trước chiến tranh chống Nhật. Tổng sản lượng lương thực lên tới 163 triệu tấn, vượt mức trước chiến tranh 9%; bông tới hơn 1 triệu tấn, vượt 52% v.v… Về hợp tác hoá nông nghiệp, năm 1950 chỉ có 11% số hộ nông dân tham gia, năm 1952 đã có 42% và năm 1955: 60% số hộ đã vào hợp tác xã. Mạng lưới thuỷ lợi được mở rộng. Năm 1949 mới có 230 triệu mẫu Trung Quốc được tưới nước qua hệ thống thuỷ lợi, đến năm 1959 số ruộng được tưới đã là 1070 triệu mẫu. Mạng đường sá trên bộ, trên sông, biển, đường hàng không đều phát triển hơn trước nhiều. Trong 9 năm từ 1949 đến năm 1958, đường sắt tăng thêm hơn 100.000 km, đường ôtô tăng 360.000 km, đường hàng không tăng 22.000 km. Đời sống vật chất và văn hoá của mọi tầng lớp nhân dân được nâng cao rõ rệt. Chính quyền nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đoàn kết được toàn dân hướng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ những thành qua cách mạng đã giành được.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc vẫn tích cực giúp đỡ các nước anh em trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hoà bình trên thế giới. Trong những năm 1954-1955, tình hữu nghị giữa Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa với các nước Á-Phi được mở rộng và phát triển lên một bước mới, tốt đẹp. Tại nhiều hội nghị quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau trong sinh hoạt chính trị thế giới, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có vai trò quan trọng và tiếng nói được nhiều nước hoan nghênh. Sự ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Triều Tiên và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc chiến tranh chống xâm lược nói trên. Vì vậy, uy tín quốc tế của Trung Quốc trong thời kỳ này được tăng lên rất nhiều.

Ở nước Công hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên: giai đoạn khôi phục đất nước bắt đầu từ năm 1954 đến hết năm 1956 và sau đó bước vào giai đoạn phát triển toàn diện. Nhân dân Bắc Triều Tiên nêu cao tinh thần cần kiệm xây dựng đất nước, đã thực hiện thắng lợi các kế hoạch khôi phục kinh tế. Riêng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phần công nghiệp được hoàn thành trong hai năm rưỡi. Về nông nghiệp, năm 1958, hợp tác hoá cơ bản được hoàn thành. Tổng sản lượng lương thực năm 1944 là 2,41 triệu tấn, đến năm 1960 đã lên tới 3,80 triệu tấn. Đời sống văn hoá được Nhà nước quan tâm đặc biệt. Năm 1958, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là nước đầu tiên ở phương Đông thi hành chế độ giáo dục bắt buộc bậc trung học.

Nước Công hoà Nhân dân Mông Cổ. Từ một nước chỉ có ngành chăn nuôi sau kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1953-1957) đã trở thành một nước nông, công nghiệp. Năm 1959, công cuộc tập thể hoá nông nghiệp được hoàn thành. Đàn gia súc năm 1921, khi cách mạng mới thành công, chỉ có hơn 9 triệu con, đến năm 1959 đã có 23 triệu con, trong đó 80% thuộc sở hữu quốc doanh. Diện tích trồng trọt của nông trường quốc doanh năm 1957 có 75.700 mẫu, đến năm 1960 đã lên tới 255.500 mẫu. Đời sống nhân dân ổn định.

Tình hình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học - kỹ thuật ở các nước xã hội chủ nghĩa đã tạo cho các nước này một vị thế mới, làm cho so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng trên thế giới thay đổi lớn, có lợi cho hoà bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Ở các nước xã hội chủ nghĩa mọi người dân đều được bình đẳng, tự do, đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá từng bước được cải thiện. Mặc dù còn nhiều khó khăn trên bước đường đi tới tương lai, nhưng những thay đổi đó là căn bản, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản, mối đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo ở mỗi nước, tình đoàn kết quốc tế, sự giúp đỡ lẫn nhau, ý chí đấu tranh kiên quyết vì hoà bình và tiến bộ xã hội, đã nâng cao uy tín các nước xã hội chủ nghĩa trên trường quốc tế. Chính những nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đã làm nên những kỳ tích trong lịch sử nhân loại ở nửa đầu thế ký XX: Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga; chiến thắng phát xít Hítle và quân phiệt Nhật trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945) của nhân dân Liên Xô; Cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời (10-1949); Cách mạng Tháng Tám và Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp, mở đầu sự tan rã không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Những sự kiện đó đã làm thức tỉnh loài người tiến bộ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của các dân tộc bị chủ nghĩa đế quốc, thực dân áp bức bóc lột ở các nước thuộc địa và phụ thuộc vùng lên đấu tranh để tự giải phóng mình. Đồng thời, nó kích thích đến cao độ phong trào đòi dân chủ, đòi cải thiện đời sống, đòi quyền bình đẳng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa.
______________________________________
1. Pôdơnan là một trong những thành phố công nghiệp lớn của Ba Lan. Ngày 28-6-1956, công nhân các nhà máy ở đây bất bình với việc tổ chức tiếp tế không chu đáo, làm thiệt hại một phần lương, nên đã bãi công và biểu tình trên đường phố. Bọn phản động tay sai đế quốc lợi dụng tình hình này huy động những nhóm vũ trang được chuẩn bị từ trước cùng những bọn người theo chúng, tấn công các công sở và tuyên truyền lăng mạ, đòi lật đổ chính quyền nhân dân. Những vụ rối loạn làm 53 người chết, 300 người bị thương, phần lớn thuộc các lực lượng công an (dựa theo Tạp chí Dân chủ mới của Đảng Cộng sản Pháp số 8, tháng 8-1956).
2. Vụ bạo động không phải xảy ra ngẫu nhiên mà là một âm mưu đã được chuẩn bị từ lâu với sự giúp đỡ và chỉ huy của phương Tây. Những phần tử cầm đầu phần lớn là những tên đã bị toà án nhân dân kết án về tội phản quốc, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Trong khi đó: một số người lãnh dạo trong Đảng Lao động và Nhà nước Hunggari lúc đó vì “say sưa với thắng lợi” của sự nghiệp xây dựng đất nước, đã vi phạm những nguyên tắc dân chủ, xa rời quần chúng, không thấy những khuyết điểm trong việc phát triển kinh tế, mất cảnh giác trước những hoạt động phá hoại. Nội bộ lãnh đạo thiếu đoàn kết thống nhất, làm yếu sức chiến đấu của tổ chức đảng, gây bất mãn trong quần chúng. Lợi dụng tình hình đó, ngày 23-10-1956, bọn chống đối kích động quần chúng biểu tình ở Thủ đô Buđapét và dùng lực lượng vũ trang đã được chuẩn bị tiến hành bạo động, đánh vào các cơ quan hành chính và các mục tiêu quan trọng khác như sân bay, ga xe lửa, nhà máy sản xuất vũ khí. Báo chí, truyền đơn phản cách mạng được phát hành. Những chủ trương của Trung ương Đảng vũ trang cho công nhân, huy động toàn bộ lực lượng công an, tuyên bố tình trạng khẩn cấp… không được thực hiện, do sự phản bội của những tên chống đối nằm trong bộ máy chính quyền như Cục trưởng cục cảnh sát Kôpắcxi, đại tá Malêtơ trong Bộ Quốc phòng, Imrê Nátgơ làm Thủ tướng từ tối 23-10. Chính vì vậy bọn chúng thả sức hoành hành, tàn bát những người cộng sản và quần chúng trung thành với chính quyền nhân dân. Chỉ trong vài ngày, toàn quốc lâm vào tình trạng vô chính phủ. Trong những giờ phút nguy ngập đó, Chính phủ công nông cách mạng được thành lập do Ianốt Cađa đứng đầu, đã tập hợp các lực lượng trung thành với cách mạng để phản công lại, đồng thời yêu cầu quân đội Liên Xô giúp khôi phục lại trật tự. Ngày 4-11-1956, cuộc bạo động bị đập tan.
 
  • Like
Reactions: phuocphuoc5
Top Bottom