Năm 1969, chia sẻ về tác phẩm, nhà văn Tô Hoài cũng nhấn mạnh: “Viết đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký, tôi không biết phân tích nội dung cũng như cách viết thể loại như bây giờ. Tôi chỉ viết thực tế quanh tôi và tư tưởng lớp thanh niên như tôi. Mọi nhận xét và thói quen cũng như phong tục của con người, tôi đều đem dùng cho việc xây dựng nhân vật”.
Trong truyện này Tô Hoài thể hiện một phong cách hết sức đặc sắc. Thông qua lời miêu tả đầy tự tin, hạnh diễn của Dế Mèn về mình, kết hợp với việc dùng từ ngữ miêu tả, đặc biệt là tính từ rất chính xác và giàu tính tạo hình, Tô Hoài đã vẽ lên một hình ảnh rất cụ thể, sống động và hấp dẫn của một chàng dế thanh niên cường tráng. Tác giả tả ngoại hình tỉ mỉ từng bộ phận đến hình dáng chung, luôn làm nổi bật lên những nét đặc sắc đáng chú ý trong mỗi bộ phận và đều toát lên sự cường tráng, sung sức không chỉ ở nhân vật Dế Mèn mà những nhân vật khác trong truyện. Ngòi bút miêu tả đặc sắc điêu luyện của Tô Hoài đã khiến người đọc hiểu rất sâu sắc về thế giới loài vật đồng thời có thể bày tỏ thái độ yêu ghét đối với nhân vật được kể, được tả. Nét đẹp ấy trông có vẻ dữ tợn với tính nết tự phụ kiêu ngạo và xốc nổi. Nhân vật Dế Mèn là một chàng dế thanh niên cường tráng nhưng kiêu căng tự phụ về vẻ đẹp và sức mạnh của mình. Ngoại hình đẹp, nhưng hung hăng, hống hách và kiêu ngạo, hay bắt nạt kẻ yếu. Dế Mèn trêu chị Cốc dẫn đến cái chết thảm thương cho Dế Choắt. Dế Mèn thực sự hối hận, nhận ra lỗi lầm và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình. Đó là bài học "ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ... mang vạ vào mình đấy". Dế Mèn giống một kẻ cà khịa, xốc nổi, ăn uống điều độ, đi đứng oai vệ. Thế giới loài vật qua ngòi bút miêu tả của Dế Mèn hiện ra thật sinh động. Tác giả đã quan sát tinh tường bằng con mắt hóm hỉnh, bằng tình cảm yêu mến loài vật và miêu tả chúng bằng cả trí tưởng tượng phong phú. Các loài vật vừa giống thực, sống động với những nét ngoại hình, tập tính sinh hoạt đặc trưng của chúng lại mang những nét tâm lý, tính nết, phẩm chất giống con người nên chúng rất gần gũi với người đọc, nhất là các bạn trẻ.
#Trích NHững vấn đề ngữ văn, Lê Tiến Dũng
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng Dế Mèn phiêu lưu kýtruyền tải được "xúc cảm tâm hồn nhân loại" (trích từ một câu nói của văn hào Nga Gogol), ở tâm lý tuổi thơ và tính hướng thiện.
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội có một so sánh ít ai nghĩ đến: "Năm 1941, ngẫu nhiên trong văn học Việt Nam xuất hiện hai nhân vật: Dế Mèn của Tô Hoài và Chí Phèo của Nam Cao. Chí Phèo đòi lương thiện làm người. Dế Mèn đi tìm thế giới cho người lương thiện. Cha đẻ của hai nhân vật là bạn thân của nhau. Bây giờ hậu duệ con cháu Chí vẫn đông khi tính thiện đang bị thách thức. Còn Mèn có ngoái nhìn phía sau vẫn thấy ít bước chân đi tiếp".