Chào Thanhpho_muaha.
Anh hình dung bài viết của em sẽ phải làm rõ hai ý lớn (hai mặt của vấn đề) như trong đề bài đã nêu rất rõ:
1. Kết thúc của câu chuyện là một "kết thúc kì lạ":
- Trong hòan cảnh lao tù, Quản ngục là người có uy quyền nhưng lại khúm núm trước kẻ tử tù là Huấn Cao.
- Quản ngục - một người làm công việc trong chốn "hỗn tạp, xô bồ", nơi sự tối tăm, độc ác, bất nhân, tàn nhẫn... ngự trị lại có những biểu hiện "đầy tính người".
- Huấn Cao vốn là người khí khái, không khuất phục trước cường quyền. Ông nổi tiếng về tài viết chữ, nhưng bình sinh, chỉ mới cho chữ có đôi ba người tri âm, tri kỉ. Trước đó, với quản ngục vẫn tỏ ra "khinh bạc đến điều". Vậy mà nay, trong căn phòng giam tăm tối, ngay trước ngày bị giải đi chịu án chém, đã quyết định cho chữ quản ngục.
- Hòan cảnh cho chữ cũng vô cùng đặc biệt, "một cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy": không gian, thời gian, nhân vật tham gia, cách thức... cho chữ.
Nhưng cái kì lạ ấy lại rất logic khi đặt trong mạch vận động của cốt truyện và sự phát triển trong tâm lí, tính cách nhân vật, thống nhất trong tư tưởng chủ đề tác phẩm.
2. Sự hợp lí, logic trong kết thúc truyện.
Em trình bày quá trình diễn biến câu chuyện, bám theo sự phát triển của cốt truyện và tâm lí, tính cách của hai nhân vật chính (Quản ngục có ước vọng cao quý, sở nguyện thiết tha cuối cùng đã được thỏa nguyện, Huấn Cao ban đầu khước từ nhưng sau đã ưng thuận cho chữ). Trong khi trình bày, chú ý phân tích, lí giải những điều "kì lạ" của kết truyện đã phân tích ở phần một.
Vài lời góp nhặt. Mong em có được bài viết ưng ý.