Sử NGUYỄN-TRUNG-TRỰC

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Trong quyển « Cuộc Chinh phạt xứ Nam Kỳ », Fallu de La Barrière thuật lại trận Pháp chiếm thành Chí Hòa : « Trong ngày 25 tháng hai 1861, có đến 50.000 người đánh nhau trong một vùng đất nhỏ, tiếng súng thần công ầm ĩ ».
Thói thường, các sĩ quan Pháp thời đó thích kể lại chiến công của họ, khoe khoang bằng cách nâng con số lên cao. Sự thật như thế nào ?
Lực lượng của Pháp lúc giao chiến ước chừng 8.000. Đại bộ phận là viện binh của đề đốc Charner, gồm 68 tàu chiến trí 474 khẩu đại bác, 3.500 thủy binh lục chiến, 12 đại đội lính thủy. Và 600 dân công người Tàu, mộ từ Quảng Đông.
Bên Triều đình, lúc ấy quân lực gồm chừng 20.000 lính chánh qui và 10.000 dân đồn điền.
Dân đồn điền được tổ chức có qui củ từ 31 năm về trước (1830) tại miền Nam. Chính họ là những người xung phong trong việc khai thác đất hoang vùng Gia định, Tân an, Gò Công, Cai lậy, Sóc trăng, Cần thơ.
Năm chục dân hiệp thành một đội, thay phiên nhau canh gác trong làng và có nhiệm vụ tòng chinh khi giặc đến. Bên cạnh quân chánh qui, họ là lực lượng trù bị đáng kể nhờ sự chỉnh đốn lại của quan Kinh lược Nguyễn tri Phương từ năm 1849.
Trong số dân đồn điền được vinh diệu chiến đấu tại Chí hòa năm 1861, lúc ấy có mặt ba nhân vật quan trọng từ Gò công kéo đến.
Một là Quản cơ Trương công Định.
Người thứ nhì là một thanh niên chài lưới, 23 tuổi tên Nguyễn trung Trực. Anh không có cấp bực nhưng anh nặng lòng yêu nước. Xuất thân của anh : « Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dong ở lính diễn binh. Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ ».
Thất trận, phải rút về Gò công, anh thề quyết không đội trời chung với kẻ thù.
Để yểm hộ cuộc tấn công Chí hòa, chiếc tàu giặc Espérance lúc ấy đậu cách đó bảy cây số, tại cầu thứ nhì trên rạch Thị nghè. Nó có ngờ đâu rằng sẽ bị đốt vài tháng sau vì tay chàng thanh niên chài lưới tạm thời bại trận ấy.
Lại còn thêm một nhân vật thứ ba là Huỳnh công Tấn. Vài năm sau, anh nầy quay theo giặc, lần lượt giết lại viên chủ tướng và người bạn nói trên.
Lửa hận ngút trời
Năm đó, anh Chài Lịch (tên riêng mà người trong xóm gọi Nguyễn trung Trực) chỉ là một thanh niên 23 tuổi nặng lòng yêu nước. Sau ngày Chí hòa thất thủ, anh theo Trương-công-Định về Gò công để tiếp tục việc kháng Pháp.
Lúc thủ thành Gia định năm 1859, binh sĩ Triều đình bị thiệt hại nặng, bỏ hàng ngủ chạy rất mau. Chỉ vì lúc ấy quân binh của ta quá ngạc nhiên trước sự công phá của các loại khí giới tối tân Tây phương.
Trận Chí hòa thất bại nặng nề về vật chất, binh sĩ chết nhiều, máu loang đỏ vách thành nhưng thái độ binh sĩ của Triều đình trầm tỉnh hơn. Họ dám tử chiến với kẻ thù bằng lối đánh xáp lá cà 2. Do đó, họ không còn quá sợ sệt khí giới Tây phương. Họ hiểu rằng những khí giới ấy có thể trừ được bằng lòng dũng cảm, bằng mưu mẹo. Từ thuở bé, nghiệp lưới chài giúp anh chài Lịch am hiểu khá tường tận về các con nước lớn nước ròng, về hình thế sông rạch, và phát triển sự lanh lẹ đặc biệt mà người nông phu cày ruộng ít có.
Nước mất, nhà tan, Cụ Nguyễn đình Chiểu, tác giả truyện Lục vân Tiên, người đã từng ca ngợi cái vui thú của ngư ông : « Nghêu ngao nay chích mai đầm, một bầu trời đất vui thầm ai hay » còn hăng hái bàn chuyện giết giặc trừ gian với Đốc binh Là, với Trương công Định, hà huống chi một thanh niên đầy máu nóng như anh chài Lịch ! Xưa nay, việc chài lưới đối với anh là chén cơm manh áo thật sự chớ không phải là việc tiêu khiển như những người bị ảnh hưởng nặng của Nho giáo, Lão giáo.
Bị thương nặng nơi tay, Nguyễn tri Phương về Phan-rí điều trị và chờ lịnh triều đình.
Phần lớn binh sĩ rút lui về Biên hòa, Mỹ tho, Vĩnh long.
Đề đốc Charner giao phó cho quan tư Bourdais tuần tiểu gắt gao hai sông Vàm cỏ Đông và Vàm cỏ Tây. Lịnh của đề đốc truyền rao cho các sĩ quan thám thính nầy nên tích cực khuyên dân chúng đem lúa gạo lên Saigon bán. Mặt khác tuyên truyền rằng cần dứt-khoát với sự cai trị của triều đình lúc trước. Từ nay người Pháp đến thay thế. Phải phá hủy những đồn cũ, dùng dân chúng chung quanh trong việc này. Đối với bọn cướp trên bộ hay dưới sông phải thanh trừng gắt gao (guerre impitoyable) không nương tay. Luôn dịp, sưu tầm các tài liệu về cách tổ chức chánh quyền, sự phòng thủ ở địa phương cùng các loại sản phẩm, phương tiện chở chuyên mua bán.
Vùng Nhựt tảo, phủ Tân an, tỉnh Gia định là nơi chịu ảnh hưởng của chỉ thị nọ. Kèm theo việc tuần tiểu thám thính ấy, quan tư Bourdais còn dọ đường tiến sang xâm chiếm Mỹ tho theo rạch Bảo Định.
Ngày 14 tháng 4 năm 1861, Pháp chánh thức đóng đồn tại Mỹ tho sau 3 ngày kịch chiến. Vùng Cái bè, Chợ gạo, Gò Công cũng bị đóng binh. Tân an bị xem như phần đất thuộc Pháp.
Ngày 19 tháng 5, Charner ban lịnh giới nghiêm toàn vùng đã xâm chiếm. Hằng ngày trước mắt anh Lịch diễn ra bao nhiêu cuộc giết chóc dã man. Paullu de La Barrière, kẻ thực dân hiếu chiến nhứt cũng phải phàn nàn :
« Nhiều lý do : ngôn ngữ bất đồng, tài liệu điều tra sai lầm, sự tự vệ cần thiết, sự bắt chước theo thói thực dân Hồng mao. Thêm vào đó bản năng tàn bạo còn tiềm tàng trong vài người đã bùng dậy thúc đẩy họ tiêu diệt người bổn xứ theo kiểu Tây-Ban-Nha đã tiêu diệt người Da đỏ. Làm sao phân biệt được bọn cướp với bọn phiến loạn ».
A. Schreiner nhìn nhận : « Đó là nhiều giai đoạn bi thảm nhứt của lịch sử thực dân. Nhiều người xem sự giết chóc như một trò thể thao. Đến như viên thông ngôn nọ của chúng ta bị bắt lầm cũng bị treo cổ như thường. Khi đút vòng giây oan nghiệt vào cổ, viên thông ngôn la lên minh oan bằng tiếng la-tinh để chứng rằng mình là tín đồ Thiên chúa giáo. Nhưng vô hiệu quả vì (người Pháp) đao phủ không biết nghe, không muốn nghe ».
Ngày 22 tháng 6 năm ấy, Đỗ đình Thoại khởi nghĩa ở Gò Công.
Tiếp theo là cuộc khởi nghĩa của Trương công Định trong đó có mặt anh chài Lịch và Huỳnh công Tấn. Vì một cơn nóng nảy của Trương công Định, Tấn lên Saigon theo giặc. Anh chài Lịch được Trương công Định giao phó vùng Tân an. Từ đấy, người trở thành một lãnh tụ chống Pháp.
Và trong những chương sắp tới, chúng tôi xin dùng hai tiếng Cụ Nguyễn khi nói đến người chiến-sĩ quá cố, đáng kính phục ấy.
*
CHIẾM xong Mỹ-tho, Đề đốc Charner bố trí việc tuần tiễu trong khu tứ giác : Tiền giang, Vàm cỏ, Biển Nam hải, biên giới Cao miên. Quân đội viễn chinh đã quá mệt mỏi sau ba năm rưỡi chiến binh (1859-1861) ở nơi khí hậu bất hợp. Hơn nữa, mùa mưa sắp đến. Khoảng thời gian của người Pháp cho binh sĩ nghỉ ngơi chính là dịp tốt để nghĩa quân hoạt động.
Từ 29 tháng 8 đến 30 tháng 11 năm 1861, có đến hai chục vụ tảo thanh hoặc chiến đấu tự vệ của giặc. Không tin tưởng nơi lòng « trung thành » của dân chúng, Charner ký sắc lịnh ngày 22-8-1861, chánh thức giải tán các tổ chức đồn điền trong nông thôn của Triều đình.
Ngày 30 Novembre năm đó, Charner về Pháp. Đề đốc Bonard sang lãnh trách nhiệm. Kế hoạch đầu tiên của ông nầy là tấn công Biên hòa trong khi việc tuần tiễu ở khu tứ giác được tiếp tục như thường lệ.
Nguyễn Trung Trực chỉ huy một số nghĩa quân, trở về quê cũ ở Tân an mà hoạt động.
Nhựt Tảo thuở ấy là một làng quan trọng nằm giữa Bến Lức và Bao ngược, trên ven sông Vàm cỏ Đông 6. Kiểm soát được con sông nầy tức là kiểm soát từ biên giới Cao miên đến Tây ninh, Bến lức, Gò công và do đó, chận ngang được những cuộc tấn công của Triều đình từ Vĩnh long đánh về Saigon.
Biết dân chúng làng Nhựt Tảo ngấm ngầm chống lại, giặc Pháp tuần tiễu không ngừng, đồng thời tổ chức hội tề nơi đây để làm tai mắt cho chúng. Dân chúng không được tụ họp. Đi khỏi làng phải có giấy thông hành. Tàu Garonne chạy tới lui kiểm soát ngoài sông cái. Các tàu nhỏ thì chạy vào rạch thi hành những thủ đoạn khủng bố. Cụ Đồ Chiểu đã nói lên nỗi căm hờn của nhơn dân thời ấy đối với các tàu tuần tiễu :
« Bữa thấy bòng bong cho trắng lớp, muốn tới ăn gan.
Ngày xem ống khói chạy đen xì, muốn ra cắn cổ ».
Đầu tháng 12 năm 1861, cụ Nguyễn kéo quân về đóng tại ngọn rạch Nhựt Tảo. Việc đầu tiên của cụ là thâu phục nhân dân, kêu gọi sự hưởng ứng của dân chúng, thuyết phục hương chức hội tề.
Tuy nhiên, sao tránh khỏi một vài người muốn lập công với giặc. Họ lén bơi xuồng ra ngoài sông cái để mật báo với bọn dưới tàu tuần.
Đoán trước việc ấy, cụ Nguyễn ra lịnh án binh bất động. Năm bảy ngày liên tiếp, tàu Garonne cứ chạy lẩn quẩn ngay vàm. Không thấy triệu chứng bất thường nào, chúng gọi một chiếc lorcha (loại tàu có cột buồm và có ống khói) chạy vào rạch với mục đích thăm dò nhà cửa hai bên bờ. Gần trước mũi tàu, trí một họng đại bác. Phía sau, cờ tam sắc tung bay ngạo nghễ. Mui bằng kim khí chỉ che khoảng giữa, chỗ máy tàu. Trước mũi, sau lái chúng dùng lá chầm kết lại thành thứ mui giả để binh sĩ tạm ẩn trú mưa nắng. Bên hông tàu có hai chiếc « ca nô » nhỏ để tiện việc liên lạc với trong bờ.
Cụ Nguyễn đã thấy, đã biết chỗ nhược của tàu giặc. Nhứt là hai cái mui giả bằng lá che hai đầu. Lập tức, cụ chuẩn bị năm chiếc ghe lớn cũng có mui giả bằng lá để đối phó lại. Ngoài võ trang thường lệ như gươm, dáo, nghĩa quân sắm thêm đuốc, con cúi. Cánh quân chánh gồm những dân chài biết lội giỏi. Ngoài ra, còn hai đội quân phụ lực :
— Một đội võ trang bằng phèn la, mỏ,
— Một đội võ trang như thường lệ để chận đánh đường bộ.
Hỏa Hồng Nhựt Tảo
Ngày 10 tháng 12 năm 1861. Dòng rạch Nhựt tảo chảy êm đềm. Giặc bố trí tuần tiểu như thường lệ. Chiếc Garonne chạy ngoài sông cái. Chiếc Espérance đi vào vàm với chừng 50 binh sĩ. Quan cai tàu tên là Parfait, một sĩ quan trẻ tuổi, « đã từng được huy chương khen thưởng thái độ can đảm trong nhiều trận đánh vừa qua » (P. Vial).
Mặt trời lên cao. Không có gì động tịnh bất thường. Bỗng nhiên tiếng chiêng, tiếng mõ, tiếng quân reo inh ỏi phía vàm rạch. Rõ ràng một nhóm nghĩa quân bơi xuồng ngang sông. Lập tức, quan cai tàu gọi vài tên lính nhảy xuống chiếc « Ca nô » để cùng với hắn truy nã nhóm nọ. Tiếng chiêng vang dậy thêm lên. Chiếc « ca nô » chở hắn ta bơi nhanh theo. Nhóm nghĩa quân bơi riết khỏi tầm súng rồi cập theo mé lá bờ sông. Trong cuộc cút bắt này, tất nhiên bên nghĩa quân có khả năng làm chủ tình hình vì lính Pháp, lính mả tà làm sao bơi chèo giỏi bằng họ. Thế là quan cai tàu đã bị dụ ra xa căn cứ của hắn hằng 5 cây số rồi 10 cây số ngàn…
Nghe tiếng súng truy nả ngày một xa, các binh sĩ còn lại trên tàu yên tâm, tin rằng lực lượng của phiến loạn không bao lăm hơi ; viên chỉ huy nắm chắc phần thắng trong tay.
Mặt trời đã đứng bóng. Họ ăn trưa rồi nằm trên tàu, được che mát nhờ mấy tấm mui bằng lá. Lúc quan cai tàu Parfait đi vắng, viên phó tỏ ra cẩn thận. Hắn cho đổ bộ chừng 20 lính mã tà để canh gác giấc ngủ trưa. Trên tàu còn lại chừng 25 người Pháp và Ma ní.
Từ ngọn rạch, năm chiếc ghe mui chở nghĩa quân, thả trôi ra chậm chậm. Nước chảy xuôi. Người coi lái, người chèo mũi chỉ khoát nước cầm chừng. Bề ngoài như lơ đảng chớ sự thật họ đăm đăm nhìn hướng tàu giặc, giữ mức cách khoảng giữa ghe nầy ghe kia không quá xa. Họ phập phồng e ngại, nhưng cũng rất hăng hái tin tưởng. Họ không cô độc. Cụ Nguyễn có mặt trên ghe để chỉ huy. Cùng xuất phát với họ, một đội nghĩa quân kia đang bí mật đi luồn theo vườn rậm để bọc hậu bọn mã tà canh gác trên bờ, ngang hông tàu.
Viên phó đã thấy đoàn ghe nọ từ xa. Ngỡ là ghe chở sản phẩm lên Saigon, hắn không chút đề phòng. Từ sáu bảy tháng nay, đề đốc há chẳng có thông tri cho các sĩ quan kêu gọi khuyến khích dân chúng chở lúa gạo về Saigon, mua bán ! Hơn nữa, mỗi chiếc ghe chỉ có hai người ở mũi và lái. Họ điều khiển ghe tấp qua gần hông tàu như để trình giấy.
Chiếc ghe đi đầu dừng lại. Người dưới ghe lên tiếng, vói đưa một miếng giấy. Các ghe sau từ từ nối sát đuôi ghe trước, cập vào hông tàu như chờ tới phiên trình giấy của mình. Viên phó nghiêng mình xuống, vói tay…
Tức thời một ngọn giáo đâm ngược lên, lủng ngực hắn. Hắn té nhào. Cụ Nguyễn hét to, xua quân. Một trăm năm mươi nghĩa quân vùng đứng dậy, phá tung lên năm cái mui ghe của họ, nhảy tràn qua chiếm tàu Espérance. Gươm dáo tha hồ tẩm máu bọn quỉ ngoại xâm đang vừa chợt tỉnh giấc ngủ trưa.
Tiếng reo hò vang dậy. Tiếng của đội nghĩa quân đánh tàu hòa với tiếng của đội nghĩa quân đánh bọn lính mã tà trên bờ. Và tiếng của già trẻ bé lớn toàn vùng Nhựt Tảo. Trong nháy mắt, đuốc của nghĩa quân cháy đỏ rực, bén vào mái lá tạm làm mui của tàu. Lửa bốc lên. Lửa bốc cao lên sáng rực bầu trời nắng gắt, đang giờ ngọ mà ngọn gió chướng thổi mạnh thêm như phò trợ, hưởng ứng cuộc giết giặc cứu nước của dân Việt.
Máu giặc chảy đỏ « bông » tàu. Lửa cháy tràn. Không ai còn chỗ đứng. Hai tên Pháp, ba tên Ma ní nhảy thoát xuống chiếc « ca nô » bên hông tàu. Chúng cố sức bơi ra vàm để báo tin với viên chỉ huy Parfait đang còn đi truy nả bọn phiến loạn đánh chiêng, đánh mõ khi nãy, từ hồi chưa ăn buổi trưa !
Chiếc Espérance đã hóa thành ngọn lửa lớn tấn công lại nghĩa quân bằng sức nóng của nó. Nghĩa quân đành nhảy xuống nước lặn lội vào bờ.
Nồi « xốt de » nổ ầm long trời, miểng văng lên tận mí ruộng. Tàu chìm xuống, mang theo xác của 17 tên Pháp và Ma ní.
Nghĩa quân và dân chúng ca khúc khải hoàn, toàn thắng. Nhưng thắng có nghĩa là phải rút lui, tản cư cấp tốc vì quân thù sẽ đem lực lượng hùng hậu đến tàn sát, trả thù.
Mấy tên lính bơi ca-nô tìm quan cai tàu, báo tin tàu đã bị đốt, chính mắt họ trông thấy rõ ràng nồi « sốt de » đã nổ, chìm rồi. Quan cai tàu Parfait lập tức tìm chiến hạm Garonne để xin viện binh. Chiều hôm đó, hắn trở lại thăm cảnh chiến trường, lục soát trên bờ tìm được mấy tên lính Ma ní bị nghĩa quân bắt sống nhưng chạy thoát được. Ba tên nầy trốn trong bụi rậm rồi nhảy xuống bưng nước ngập ngang cổ.
Toàn thể dân chúng làng Nhựt tảo đều được thực dân ban cho cái hân hạnh là đồng lõa với nghĩa quân. Vì vậy, làng bị triệt hạ. Paulin Vial chép lại rằng : « nhà cửa bị đốt hết nhưng người già cả, đàn bà, con nít đều được người Pháp cho phép chạy và đem đồ đạc ra. »
Như vậy có nghĩa là quân Pháp không giết một lương dân nào cả. Đó là sự thật của thực dân. Nhưng ngọn lửa tàn bạo, đốt nhà của giặc khác hẳn ngọn lửa đốt tàu của cụ Nguyễn, của nghĩa quân. Hận thù dân tộc càng dâng cao !
Công đức của cụ Nguyễn, của nghĩa quân, của dân chúng vùng Nhựt tảo đã được toàn thể dân tộc muôn đời nhớ ơn, khâm phục.
Năm đó, mới 23 tuổi mà Nguyễn trung Trực đã nêu lại truyền thống oanh liệt của thợ chài Việt Nam. Đời nhà Trần, giữa cơn nước lửa hiểm nghèo, một thợ chài tên Yết Kiêu đã lặn xuống sông, đục lủng thuyền ngoại xâm của bọn Mông Cổ.
Chú thích về trận Nhựt-Tảo
Theo truyền khẩu thì cụ Nguyễn bố trí một đoàn ghe, giả như đám cưới lại gần tàu tặng quà, thừa dịp tấn công luôn, nhốt giặc dưới hầm tàu mà đốt.
Các quyển sách của Schreiner, Paulin Vial đều chép lại : lúc ấy, Nguyễn trung Trực bố trí như ghe buôn bán đến xin ghi giấy phép chở chuyên (des marchands qui voulaient faire viser un permis de navigation).
P. Vial là người đồng thời với cụ Nguyễn và là người đã đích thân đàn áp cuộc khởi nghĩa của Trương công Định. Chúng tôi viết theo P. Vial, vì lẽ :
— Lúc ấy, tình hình rất căng thẳng : thành Chí hòa vừa thất thủ, Trương công Định vừa khởi nghĩa, Biên hòa, Vĩnh long vẫn còn trong tay của Triều đình. Trước sự giết chóc, khủng bố như « trò chơi thể thao », làm sao dân chúng lúc bấy giờ yên vui, tổ chức đám cưới đi hằng 5, 6 ghe như hồi thanh bình ? Thử nhớ lại tình hình nước nhà vào năm 1946-1947, chúng ta thử hình-dung lễ cưới cử hành như thế nào : Nó đơn giản đến mức không có lễ nữa kìa !
Nếu tổ chức đám cưới, phải đèo theo vài người già, thiếu nữ. Như vậy, làm sao dấu khí giới và 150 nghĩa quân đánh nổi chiếc tàu Espérance thuộc về loại lorcha. Theo P. de la Barrière, đó là loại tàu do người Bồ đào nha (Portugais) đóng để xử dụng trong những vùng nhiều sông rạch. Trên tàu có một súng thần công và có treo quốc kỳ. Bằng chữ « ca nô », chúng tôi ám chỉ loại xuống nhỏ mà các tàu thường dòng theo (baleinière). Chiếc Garonne lúc ấy đậu ngoài sông Vàm Cỏ thuộc loại Frégate transport.
Hầu hết các tàu chiến của giặc đem qua đều chạy buồm và chạy máy, hai phương tiện hỗ trợ lẫn nhau. Hình dạng các loại tàu mường tượng như kiểu chúng ta còn thấy trên màn bạc, trong các tuồng ăn cướp biển thời xưa.
Hai đầu chiếc Espérance che mui lá tạm. Phải chăng vì thuở ấy vải bố, vải ka ki rất hiếm có ?
Phong chức Quản Cơ
BÀN về trận hỏa công Nhựt Tảo, Paulin Vial nhìn nhận : Nguyễn trung Trực là một thủ lãnh trẻ tuổi, táo bạo. A. Schreiner xem đó như khởi điểm của một loạt tấn công mới.
Lúc tiến lên Biên hòa, đề đốc Bonard ra lịnh cho các nơi nên cố thủ. Nghĩa quân nhơn đà thắng lợi ấy, 4 hôm sau bèn tấn công một lượt Tân an, Gò công và Cần giuộc. Rồi trong 10 ngày cuối năm 1861, họ bao vây Cái bè, Rạch gầm, phá các tổ chức hội tề vùng Mỹ tho.
Chiếm xong Biên hòa, Bonard đem quân xuống đánh Vĩnh long ngày 25-3-1862.
Cụ Nguyễn càng hoạt động ráo riết vùng Tân an, Bến lức theo sông Vàm cỏ Đông, mãi đến Tây ninh.
Chiếc lorcha số 3 (cùng loại với chiếc Espérance) đậu phía Nam Tây Ninh bị nhiều thuyền của nghĩa quân tấn công bằng súng đồng. Viên chuẩn úy chỉ huy bị thương nặng.
Cũng một chiếc lorcha khác đậu ở Bến lức gặp toán nghĩa quân do cụ Nguyễn đích thân chỉ huy. Tàu đậu trong rạch nhỏ, có đỏi, buộc chặc vào bờ. Nghĩa quân chiếm đầu giây đỏi, giựt mạnh, hò hét vang. May cho giặc, tàu lắc lư chớ không chìm. Chúng bắn súng vào đám nghĩa quân, giải tán họ.
Hai trận trên đây tuy không đem lại kết quả như ý nhưng nó nung đúc tinh thần nghĩa quân, khiến họ tin tưởng nơi chiến thuật, không đánh giá vũ khí giặc quá cao. Họ xuất quỉ nhập thần khiến giặc mất ăn mất ngủ và cảm thấy không đủ lực lượng tự vệ « Thật là những cảnh kinh khủng » (P. Vial.)
Năm 1863, trọng tâm của Pháp là dẹp cuộc khởi nghĩa của Trương công Định. Theo Pháp nhận định, cuộc khởi nghĩa này nhắm việc gây áp lực chuộc lại ba tỉnh miền Đông.
Cụ Nguyễn càng hoạt động hăng hái, liên lạc với quân triều đình lắm khi chuyển quân tận Long thành, Phước lý, Tân uyên. Triều đình gọi ông về Trung, phong chức Quản cơ lãnh nhiệm vụ lãnh binh tỉnh Bình thuận.
Trong khi ấy, ở miền Nam xảy ra nhiều biến cố đau thương. Ngày 20-6-1867, Pháp chiếm Vĩnh long ; qua ngày 22 chiếm Châu đốc. Hai ngày sau, Hà tiên thất thủ luôn.
Triều đình đã đoán được việc trở tay của giặc nên phái cụ Nguyễn lập tức vào phòng thủ Hà tiên với nhiệm vụ Thành thủ úy. Cụ Nguyễn hiểu tình thế hơn ai hết.
Trương công Định đã tử trận ở Kiển Phước năm 1864. Thủ khoa Huân đã bị đày sang đảo Réunion (1864). Hai năm sau Thiên hộ Dương không còn là một lực lượng đáng kể sau trận càn quét đại qui mô của giặc vào Đồng tháp mười (tháng 4 năm 1866).
Lực lượng kháng Pháp ở miền Nam còn ai ?
Còn Trương Quyền, con trai Trương công Định liên kết với người Miên và người Xà-chiên hoạt động lẩn lút tận vùng Tây ninh.
Còn đức Cố Quản Nguyễn văn Thành đang huy động lực lượng ở một vùng sình lầy cách Hà tiên bằng một quảng đường rộng mênh mông và dãy Thất sơn cao ngất.
Vì vậy, ngày giặc đến Hà tiên, Nguyễn trung Trực không kháng cự. Cùng với người mẹ già và cả gia quyến, cụ rút lui với nghĩa quân về Hòn Chông, sát mé biển, cách Hà tiên trên 15 cây số.

Trích "NGUYỄN TRUNG–TRỰC – ANH HÙNG DÂN CHÀI" tác giả: LÊ-DƯ-HOÀI - KIÊN-GIANG - NGỌC-LINH - SƠN-NAM

FB_IMG_1571355675488.jpg
 
Top Bottom