Ôi, về chuyện dạy con thì ......
Tâm tính con người vốn mềm yếu, rất cần được soi đường chỉ lối. Bố mình dạy rằng: quan trọng nhất trong đời là tìm được 1 vài người thầy tốt để học theo. Điều ấy mình thấy đúng! Ai trong số chúng ta chắc hẳn cũng đang noi theo 1 ai đó. Chỉ các bậc anh hùng, vĩ nhân mới kiến tạo được con đường cho riêng họ.
Nhưng lời dạy đó lại dẫn tới 2 lối suy nghĩ trái ngược nhau:
- Bố mẹ có đúng không khi áp đặt bài học từ mình lên con cái? (1)
- Bố mẹ có đúng không khi không áp đặt bài học từ mình lên con cái? (2)
(1) Bố mẹ có chắc mình đúng không mà áp đặt điều đó lên con?
(2) Làm bố mẹ, tại sao lại không áp đặt lên con (vì con còn nhỏ, không thể nhận biết phải trái), mà để xã hội dạy con những điều xấu, làm con trở nên hư đốn khó bảo, làm loạn gia đình, loạn xã hội?
Đứng trước 2 hướng suy nghĩ ấy, khó mà đưa ra quyết định đúng đắn lắm.
Mình thì không tin vào tự thân nỗ lực của con người. Tâm tính con người mềm yếu, nếu không có áp lực nào đó từ bên ngoài thì con người khó sinh được động lực bên trong để phát triển. Nếu không là áp lực chết đói, thì cũng phải là áp lực từ sự bài xích, chê cười của xã hội. Tưởng tượng 1 đứa trẻ nghiện game, nhưng miếng ăn, miếng mặc cả đời nó không phải lo, xã hội cũng coi mê game là 1 niềm vui chính đáng, liệu nó có từ bỏ game?
Mình hay tâm niệm sau này có thể dạy con sẽ phải dùng đến roi vọt, cho dù các bạn của mình (tiếp thu tư tưởng bên Tây) cật lực phản đối. Mình sẽ dạy cho con biết giới hạn của sự tự do, vì càng tự do con người càng dễ sinh hư hỏng.