ĐỀ: NGƯỜI ẤY SỐNG MÃI TRONG TÔI
Ba mẹ tôi có tất cả ba người con và tôi là con gái đầu lòng. Tôi không giống ba, cũng không giống cả mẹ nhưng tôi được thừa hưởng tính cách cố chấp từ ba và nhẫn nại từ mẹ.
Tôi được sinh ra trong hoàn cảnh khá chật vật. Gia đình bên ngoại thì nghèo khó nhưng là một gia đình có tiếng về gia giáo. Bên nội tuy khá giả nhưng có quan niệm cho con tự lập sớm.Thuở mới lấy nhau, ba mẹ tôi chưa có của ăn của để như bây giờ. Cuộc sống khá vất vả. Bố tôi cả ngày đi làm, về tới nhà là đã mệt nhoài. Mẹ tôi cũng chẳng hơn. Vừa đi làm vừa phải làm dâu, cuộc sống khó khăn trăm bề. Bên nội tôi gốc Hoa nên có những quy định khắt khe mà những ai làm dâu người Hoa mới hiểu hết. Lúc ấy,cả một đại gia đình con, dâu đều ở chung một nhà. Lúc ấy tôi còn nhỏ nhưng cũng phần nào hiểu được những nhọc nhằn khổ cực mà mẹ tôi đã trải qua.
Hàng ngày, mẹ tôi đến hãng từ năm giờ sáng và làm suốt đến bốn giờ chiều. Về đến nhà lại tiếp tục quần quật với công việc gia đình. Mặc dù ông bà tôi có nhiều nàng dâu, mỗi người luân phiên làm việc nhà nhưng cũng không tránh khỏi những đụng chạm hằng ngày. Gia đình tôi có thói quen ăn cơm chiều vào lúc năm giờ, cũng là lúc mọi người vừa đi làm về. Mẹ tôi có bệnh đau dạ dày nên hồi chưa lập gia đình, mẹ ở nhà thường dùng cơm sớm lúc bốn giờ chiều. Nhưng khi về nhà chồng, theo hủ tục của người Hoa con dâu không được ăn chung với mọi người. Mẹ tôi phải đứng bên cạnh ông bà để chờ bới cơm, rót nước, lấy tăm… Đến khi mẹ tôi cầm được chén cơm thì thân thể đã mệt mỏi rã rời. Nhiều lúc mẹ cầm chén cơm mà lặng lẽ khóc thầm. Đã vậy còn phải gánh chịu những lời nặng nhẹ của các cô em chồng. Thế mà mẹ tôi vẫn không than vãn một lời với bố tôi. Vì mẹ biết rằng bố tôi cũng đã vất vả nhiều.
Đến khi mang thai tôi thì mẹ tôi lại càng cực nhọc hơn. Mặc dù thai nghén nhưng mẹ vẫn phải tuân thủ theo quy định giờ giấc bên chồng, vẫn phải làm việc nhà không ngơi nghỉ. Cho nên mẹ tôi ngày càng trở nên gầy gò, xanh xao. Có những lúc mẹ bị cơn đau dạ dày hành hạ ,chịu không nổi, mẹ phải lén qua nhà ngoại ăn nhờ. Nhiều khi tủi thân mà mẹ chẳng biết than khóc với ai!“ Xuất giá tòng phu" mà, biết làm sao được.
Tôi cất tiếng khóc chào đời với tất cả niềm hi vọng của mẹ. Mẹ sẵng sàng chịu nhục vì những lời xúc xiểm, nặng nhẹ của bên chồng chỉ vì ba tôi và tôi. Mẹ tôi là thế đấy. Chỉ gánh vác một mình, chẳng bao giờ hé một lời than với ai.
Rồi tôi được mấy tháng tuổi, người tôi rất yếu. Năm ấy, tôi suýt chết vì một trận bệnh. Ông bà nội tôi kiên quyết không cho đem vào bệnh viện. Tôi được đưa đến bác sĩ tư nhưng vẫn không hết. Nhìn tôi nằm thiêm thiếp mà mẹ tôi ứa nước mắt. Sau cùng, vì quá thương con mẹ tôi bất chấp tất tả đưa tôi vào bệnh viện. Tôi nằm trong phòng hồi sức năm ngày là năm ngày mẹ tôi sống trong thấp thỏm, lo âu. Rồi tôi hồi phục, mẹ tôi càng trở nên xanh xao hơn...
Tôi lớn lên trong nhọc nhằn tủi nhục của mẹ, nỗi vất vả của ba. Và rồi sự chịu khó của ba tôi cũng được đền đáp. Ba tôi đã thành công trong ngành giấy. Ông bắt đầu dọn ra riêng. Tưởng rằng mẹ tôi sẽ có những ngày thư thả. Nhưng, ba tôi càng thành công bao nhiêu, mẹ tôi lại càng vất vả bấy nhiêu. Việc nội trợ vừa lo xong thì chuyển sang phụ giải quyết việc của công ty… Trong khi mẹ vất vả như thế, các chú tôi lại bắt đầu sanh tật, ham chơi cờ bạc,rượu chè, rồi thiếu nợ, phải vay mượn, cầm cố đồ đạc. Ba tôi phải gánh vác, trả thay cho em. Thấy vậy, nhiều lần mẹ tôi cất tiếng khuyên can, chẳng những không nghe, họ còn lớn tiếng nhục mạ và tỏ thái độ coi thường mẹ. Nhiều lần tôi hỏi mẹ tôi : “ Mẹ có ghét bên nội con không ?”. Mẹ tôi ngậm ngùi :” Tủi lắm con à. Nhưng nào có ai hiểu cho mình”...
Năm tôi tám tuổi, em thứ hai tôi chào đời, sự nghiệp của ba tôi càng phát triển, mẹ tôi có phần nhẹ nhàng hơn. Đứa em tôi được xem như châu báu. Tôi bắt đầu có những ý nghĩ ganh ghét em mình. Tôi trở nên lười học, ham chơi nên từ hạng nhất tôi rớt xuống hạng tư. Rồi lần đầu tiên trong đời tôi dám đánh bạn mình. Cứ nghĩ mẹ tôi sẽ trừng phạt vì những gì tôi gây ra. Nhưng không, mẹ tôi chỉ lặng lẽ nhìn tôi, rồi mẹ kể cho tôi nghe về cuộc đời mẹ : “ ... Mẹ gian khổ nhiều chỉ muốn con cái hạnh phúc. Không mong gì con trả ơn chỉ mong con có thể tự làm chính bản thân con hạnh phúc là mẹ cũng hạnh phúc rồi”. Thật ra, lúc ấy tôi chẳng hiểu hết những điều mẹ nói, nhưng nhìn những giọt nước mắt của mẹ, tôi đã tự nhủ thầm không để mẹ phải buồn khổ vì mình. Và tôi đã thay đổi nhiều từ dạo đó.
Đức em út tôi ra đời trong niềm vui của cả gia đình, một bé trai thật bụ bẫm. Với vai trò chị cả, tôi phải gánh vác trách nhiệm làm gương. Nhiều lúc tôi cảm thấy buồn vì ba mẹ tôi dần xa tôi để lo công việc kinh doanh và chăm sóc hai đứa em nhiều hơn. Những xung đột giữa ba và mẹ xảy ra thường xuyên hơn...Tôi trở nên lặng lẽ và xa cách mẹ. Khỏang cách ấy ngày càng xa hơn, rộng hơn. Tôi không còn muốn tâm sự với mẹ, đi học về là tôi rút vào phòng nghe nhạc, học bài. Cho đến một ngày... một ngày tôi chợt nhận ra tóc mẹ tôi đã có quá nhiều sợi bạc. Mẹ tôi già đi nhiều quá! Trời ơi, tôi mới thảng thốt chợt nhớ rằng chỉ còn ba tháng nữa là mình không còn ở bên mẹ nữa, không còn được mẹ tận tay chăm sóc như ngày nào, không được ăn những món ăn quen thuộc do mẹ nấu. Tôi phải bắt đầu cuộc sống tự lập nơi đất nước Anh xa xôi, cô độc không một người thân. Lúc này tôi mới nhận ra rằng mẹ tôi đã hy sinh cho tôi quá nhiều, và tôi cảm thấy mình có lỗi với mẹ . Tôi tự trách mình tại sao từ trước đến giờ tôi không nói một lời xin lỗi mẹ, dù chỉ một lần? Mẹ tôi có nói : “ Nếu con đi mẹ sẽ không khóc" nhưng tôi biết rằng khi tôi đi rồi thì những dòng nước mắt của mẹ lại tuôn rơi như ngày nào còn làm dâu ở nhà nội …
Mẹ tôi là thế đấy. Nếu có ai hỏi về mẹ, tôi sẽ hãnh diện trả lời rằng : Mẹ …
…là người bạn đầu tiên của tôi
…là người cho tôi tình yêu trọn vẹn và tinh khiết mà tôi sẽ không bao giờ nhận được từ ai khác
…là người thầy đầu tiên của con
…là người nhất quyết bảo rằng con đẹp biết bao dẫu rằng con chẳng bằng ai
…là người dẫn dắt tôi nhìn ra thế giới.
…là người luôn yêu thương tôi và yêu vô điều kiện
…là mẫu người tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi
…là người sẵn sàng hy sinh và thứ tha tất cả
…là người không bao giờ đói khi tôi chưa no
…là người không bao giờ ấm khi tôi đang lạnh
…là người không ai có thế thay thế được
…là người …
Và bây giờ tôi chỉ muốn nói với mẹ tôi rằng :
“Nhớ năm nào con cũng tặng mẹ một món quà nhân ngày 8-3 nhưng năm nay con không có gì tặng mẹ cả vì con biết rằng những món quà mà con đem tặng ấy không phải do chính con tạo ra, con biết rằng chính con mới là món quà quý nhất của mẹ.”