Trình bày cảm nhận của em về hai đoann trích sau:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
(Thanh Hải, MXNN )
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
(Viễn phương, VLB)
Phân tích chung cả hai đoạn vào một bài văn luôn ạ? Nếu vậy thì mình gợi ý cho bạn hướng làm bài như sau:
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả của hai đoạn thơ trên:
+ Viễn Phương (1928 - 2005), tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.
+ Thanh Hải (1930 - 1980) tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời kì chống Mĩ cứu nước, Thanh Hải ở lại quê hương hoạt động và là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu.
- Giới thiệu tác phẩm:
+ Về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”: Bài thơ được viết vào tháng 11/1980 - tức là không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời => thể hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước và ước nguyện của tác giả. Khổ thơ đề ra là khổ 4 bài thơ chính là lời tâm niệm chân thành, tha thiết được cống hiến phần tinh túy nhất của mình làm đẹp thêm mùa xuân của quê hương, xứ sở.
+ Về bài thơ ''Viếng lăng bác'': Được viết năm 1976 in trong tập thơ
Như mây mùa xuân (1978), sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Khổ thơ trong đề ra là khổ 4 bài thơ diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ muốn được ở mãi bên lăng Bác.
- Trích dẫn các khổ thơ...
II. Thân bài:
*Phân tích từng khổ thơ:
1. Ước nguyện cống hiến ở khổ 4 bài thơ “Viếng lăng Bác”
- Nội dung: diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ muốn được ở mãi bên lăng Bác. Nhưng tác giả cũng biết rằng đến lúc phải trở về miền Nam, và chỉ có thể gửi tấm lòng mình bằng cách muốn hóa thân, hòa nhập vào những cành vật ở bên lăng Bác: muốn làm con chim cất tiếng hót, muốn làm bông hoa tỏa hương, và hơn hết, muốn làm “cây tre trung hiếu” nhập vào cùng hàng tre bát ngát bên lăng Bác. Với những ước nguyện cống hiến chân thành của Viễn Phuơng đã cho thấy tình cảm mà tác giả dành cho Bác Hồ kính yêu thật sâu sắc và đầy cảm động.
- Nghệ thuật: Sử dụng biện pháp tư từ là phép điệp ngữ “muốn làm”, hình ảnh chứa chan cảm xúc “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”,...
2. Ước nguyện cống hiến ở khổ 4 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Nội dung:
+ Đó là khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp - dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Đẹp và tự nhiên vì nhà thơ đã dùng nhũng hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình. Niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa tỏa hương sắc cho đời. Cái hay và sâu sắc của những vần thơ Thanh Hải đó là đề cập một vấn đề lớn của nhân sinh quan - vấn đề ý nghĩa của đời sống cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng - một cách tha thiết, nhỏ nhẹ như điều tâm niệm chân thành của nhà thơ, được thể hiện qua những hình tượng đơn sơ mà chứa đựng nhiều xúc cảm. Hòa chung với những hình ảnh đơn sơ, giản dị mà đẹp đẽ là câu chốt đoạn: một nốt trâm xao xuyến. => Thể hiện vẻ đẹp của ước vọng giàn dị, đầy chân thành và tha thiết của nhà thơ.
- Nghệ thuật: điệp ngữ “ta làm”, liệt kê những hình ảnh đẹp của thiên nhiên “con chim”, “cành hoa”, “nốt trầm”.
*Phân tích: Điểm giống và khác nhau
a. Điểm giống:
- Về nội dung:
+ Đều nói về ước nguyện sống đẹp, sống cống hiến của tác giả và của tất cả mọi người...
+ Đều xuất phát từ những cảm xúc chân thành nhất của các tác giả và tình yêu của họ đối với cuộc sống, đất nước với vị lãnh tụ kính yêu...
- Về nghệ thuật:
+ Đều sử dụng những hình ảnh mộc mạc, giản dị trong thiên nhiên và nâng chúng lên thành những khát vọng cống hiến cao đẹp. ...
+ Đều rất tinh tế khi sử dụng thành công những biện pháp tu từ, những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ mới mẻ, sáng tạo độc đáo, làm chúng trở nên thật lôi cuốn, gây nhiều cảm xúc cho ngưòi đọc...
b. Điểm khác:
- Về nội dung: Khác nhau do cảm hứng, hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
+ “Mùa xuân nho nhỏ” sáng tác lúc Thanh Hải đang lâm bệnh, không còn sống được lâu nữa nhưng vẫn rất muốn cống hiến một thứ gì đó cho đời.
+ “Viếng lăng Bác” được Viễn Phương sáng tác sau khi vào Hà Nội thăm lăng Bác, thể hiện cảm xúc, tâm tư của ông sau chuyến đi ấy.
- Về nghệ thuật:
+ Khổ bốn của “Mùa xuân nho nhỏ” được viết theo thể thơ năm chữ, giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết, tâm tình, bộc lộ tấm chân tình của tác giả.
+ Khổ bốn của “Viếng lăng Bác” được viết theo thể thơ tám chữ, giọng thơ trang nghiêm, thành kính, nhịp thơ dồn dập gây cho người đọc nhiều cảm xúc về Bác Hồ.
III. Kết bài:
- Đánh giá: Hai khổ thơ ấy thuộc hai thi phẩm, hai tác giả khác nhau thế nhưng lại có chung một suy nghĩ, chung một ước nguyện cao cả...
- Cảm nghĩ chung, liên hệ: (VD: Bản thân vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng sẽ luôn nuôi dưỡng trong lòng mình những đức tính tốt, trau dồi đạo đức, kiến thức để mai sau có thể xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp...)