Từ những ngày khởi đầu của nhân loại cho đến hiện nay, tại bất kì vùng đất thuộc quốc gia nào, dù bất kì là khoảng thời gian nào cũng luôn tồn tại những bí ẩn và mãi đến hiện tại vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được giải đáp. Song những bí ẩn ấy hoàn toàn không được giới thiệu trong chương trình phổ thông mà chỉ đề cập thông qua những khía cạnh cuộc sống. Với mục đích tạo dựng 1 Series tổng hợp nhiều Sự Kiện Bí Ẩn nhất trong Lịch Sử. Box Lịch Sử xin phát hành New Series với những Bí ẩn đã được chọn lọc thích hợp nhất
* Danh sách các bí ẩn ( Được bổ sung dần )
Bí mật bao trùm mộ Tần Thuỷ Hoàng.
Bí mật " Nỏ thần Liên Châu "
Vụ đấm tàu bí hiểm nhất lịch sử hàng hải
Bí mật về tục vẽ người, xăm mình
Đại lục Phi Châu và cội nguồn của loài người
Những điều vượt qua trí tuệ con người
Sacsayhuaman và Tiahuanaco bí ẩn
Dù nằm đó hơn 2.000 năm, sau khi mất vào ngày 10 tháng 9 năm 210 trước Công nguyên (CN), hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc vẫn tránh được mọi sự can thiệp phiền toái từ hậu nhân. Ngôi mộ được cho là nắm giữ mọi câu trả lời về những bí mật chưa có lời đáp của lịch sử, nhưng cho đến nay vẫn chưa có người hiện đại nào từng quan sát được bên trong nơi này, và điều đó không chỉ phụ thuộc vào chính quyền Bắc Kinh mà còn là về mặt khoa học.
Tần Thủy Hoàng sinh vào năm 259 trước CN, ghi danh vào lịch sử với công lao thống nhất Trung Hoa từ 6 nước chư hầu, chấm dứt hơn 200 năm chiến tranh và loạn lạc. Khi chết, Tần Thủy Hoàng được chôn trong một lăng mộ phức tạp nhất từng được xây dựng ở Trung Quốc. Nằm ở phía bắc núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, nó là một khối kiến trúc chìm dưới đất đầy phức tạp, chứa mọi thứ hoàng đế cần cho “cuộc sống” sau khi chết. Người Trung Hoa cổ đại, cũng như nhiều nền văn hóa khác, bao gồm cả người Ai Cập, đều cho rằng những vật dụng, thậm chí cả người bị chôn cùng với người chết sẽ theo người đó xuống chốn tuyền đài. Tuy nhiên, thay vì chôn theo các đội quân, cung nữ, thái giám, hoàng đế họ Tần quyết định dùng tượng đất sét thay thế.
Vào năm 1974, một số nông dân đang đào giếng gần Tây An đã ngạc nhiên khi tìm thấy một trong những phát hiện chấn động nhất trong lịch sử khảo cổ. Sau tượng binh sĩ bằng đất với kích thước như người thật đầu tiên, họ khám phá ra một đội quân với hàng ngàn tượng khác, với mỗi tượng mang đặc điểm riêng, từ quần áo, tóc tai và nét mặt. Trong gần 4 thập niên, các nhà khảo cổ học làm việc liên tục tại nơi này. Cho đến nay, họ tìm được khoảng 2.000 tượng binh sĩ, nhưng giới chuyên gia ước tính phải có hơn 8.000 tượng tổng cộng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa chạm đến ngôi mộ trung tâm, nơi có cung điện chứa xác Tần Thủy Hoàng.
“Quả đồi lớn, nơi vị hoàng đế được chôn - chưa có ai từng chạm đến được”, NBC News dẫn lời chuyên gia khảo cổ Kristin Romey, cố vấn cho cuộc triển lãm chiến binh đất sét ở thành phố New York. Theo ông, một phần do người Trung Quốc kính trọng tiền nhân, nhưng lý do lớn hơn là chưa có công nghệ nào trên thế giới hiện có thể xâm nhập và khám phá nơi này. Khi khai phá lăng mộ của vua Tut ở Ai Cập vào năm 1922, giới khoa học gia thời đó phá tan nát không biết bao nhiêu là thông tin quý báu do kỹ thuật khảo cổ vào thập niên 1930, và nhiều ví dụ khác nữa. Trở về trường hợp của Trung Quốc, việc khai quật phần mộ chính hay không phụ thuộc vào chính quyền nước này. Khi đào những tượng đầu tiên cách đây gần 40 năm, lớp ngoài của tượng tróc ngay lập tức khi bị phơi ra ánh sáng, nhưng nay mọi thứ đã đâu vào đấy sau khi giới chuyên gia tìm được cách bảo quản tượng.
Các sử gia thời xưa từng ghi chép Tần Thủy Hoàng tạo ra một vương quốc và cung điện dưới lòng đất, với vòm lăng mộ bắt chước bầu trời đêm, và ngọc trai làm tinh tú. Hiện tượng cung nữ vẫn chưa được tìm thấy, dù các chuyên gia cho rằng chúng nằm đâu đó trong lăng. Và mộ Tần Thủy Hoàng được cho là bao quanh bởi những dòng sông thủy ngân lỏng, được người thời xưa tin rằng có thể nắm giữ sự bất tử. Cũng có báo cáo cho rằng hoàng đế chết vì nuốt thủy ngân với hy vọng trường sinh, khiến họ Tần qua đời khi mới 39 tuổi, để lại vương quốc rộng lớn cho con cái hủy hoại. Cũng chính vì nghi ngờ trên mà các nhà khảo cổ học ngại ngần chưa dám động đến phần trung tâm của lăng, và cân nhắc những thiệt hại có thể khi xâm nhập vào địa phận của hoàng đế cổ xưa. “Nói cho cùng khảo cổ học là môn khoa học tàn phá. Bạn phải hủy hoại đối tượng để có thể nghiên cứu chúng”, Romey kết luận.
Để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu, tướng quân Cao Lỗ đã dùng kỹ thuật chế ra lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn, một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên, khiến quân địch khiếp sợ.
Sáng 16/1, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học: "Danh tướng Cao Lỗ thời dựng nước". PGS Lê Đình Sỹ, nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu với hội nghị tham luận "Danh tướng Cao Lỗ với việc chế tạo, sử dụng vũ khí cung nỏ thời An Dương Vương".
PGS cho biết, theo sử cũ nhân lúc nhà Tần suy yếu, Triệu Đà chiếm cứ ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận lập nước Nam Việt. Vào năm Tân Mão (210 TCN), khi Tần Thủy Hoàng mất, Triệu Đà phát binh xâm lược Âu Lạc. Quân xâm lược xuất phát từ Phiên Ngung (Quảng Châu) tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng và hành lang Đông Triều - Chí Linh. Hướng tiến công đúng theo dự đoán của tướng Cao Lỗ. Quân Triệu tràn ngập cả vùng lãnh thổ phía Bắc Cổ Loa, từ ven sông Cầu, vùng Tiên Sơn, núi Vũ Ninh (Bắc Ninh).
Tướng Cao Lỗ là người tổng chỉ huy toàn bộ quân đội Âu Lạc. Ông bố trí quân đội, trong đó có đội quân cung nỏ lợi hại ở những nơi hiểm yếu bảo vệ kinh thành Cổ Loa. Khai thác điểm yếu của giặc, quân dân Âu Lạc đã chủ động tiến công trên vùng đồi Tiên Du, khiến quân Triệu Đà khốn đốn.
Cao Lỗ huấn luyện một vạn quân lính, lại làm được nỏ liễu, mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên. Thứ vũ khí thần diệu này được sách Lĩnh Nam chích quái ghi: Sau khi giúp An Dương Vương xây Loa thành, rùa vàng từ biệt ra về. Trước khi chia tay, nhà vua cảm tạ nói: "Nhờ ơn thần, thành đã xây xong. Nay nếu có giặc ngoài đến thì lấy gì mà chống?". Rùa vàng đã tháo chiếc vuốt của mình đưa cho nhà vua và nói: "Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì không lo gì nữa". Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt làm lẫy.
"Chuyện rùa vàng cho vuốt tất nhiên là hư cấu, thần thoại hóa, nhưng chuyện nỏ thần thì lại có thật", PGS Sỹ nói và cho hay, khảo cổ học đã cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của "máy nỏ" thời Đông Sơn. Những chiếc lẫy nỏ Làng Vạc gồm bốn bộ phận đúc rời được liên kết lại bằng hai chốt hình trụ đã được phát hiện.
Lẫy nỏ là bộ phận quan trọng nhất của nỏ Liên Châu. Trong truyền thuyết, lẫy nỏ làm bằng móng rùa thần, nhưng theo các nhà nghiên cứu thì có thể rùa là con vật linh thiêng được cư dân Việt tôn thờ nên đã gắn sức mạnh của vị thần cho loại vũ khí "bảo bối" của mình nhằm làm tăng thêm sức mạnh thần kì của thứ vũ khí ấy.
Thực tế, lẫy có thể được chế bằng đồng, bằng sừng hoặc gỗ cứng, hình dáng của nó gần như móng rùa. Nó được cấu tạo với nhiều chi tiết lắp vào nhau nên chiếc nỏ còn được gọi là "liên cơ". Bình thường, dây nỏ được căng lên, cài lại, khi bắn thì dùng ngón tay kéo lùi nút lẫy để dây bật, đẩy tung những cánh tên lao như gió cuốn.
Theo người Cổ Loa kể, người ta đã đào được ở chân thành khu vực chợ Sa một ống đồng dài chừng nửa mét, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như cây sáo. Đây được đoán là bộ phận cài tên của chiếc nỏ bởi trước Cách mạng tháng Tám, ở Cổ Loa có tục rước nỏ thần, chiếc nỏ được làm bằng giấy, giữa thân nỏ để một cái ngáng bằng gỗ trên thân dùi nhiều lỗ, mỗi lỗ để một mũi tên. Cái ngáng tượng trưng bằng gỗ này có nét tương đồng với ống đồng đào được ở chợ Sa.
Để một lúc bật lẫy nỏ cho nhiều mũi tên cùng bay ra, có ý kiến cho rằng Cao Lỗ đã nghĩ cách làm rộng thân nỏ, xẻ chéo nhiều rãnh, đặt những mũi tên chụm lại để khi bật lẫy, mũi tên theo rãnh bay đi. "Những cứ liệu trên chưa đủ để người ta phục dựng được chính xác "nỏ thần" ngày xưa khiến cho giặc ngoại xâm khiếp vía, nhưng cũng đủ để khẳng định sự tồn tại thực sự của loại vũ khí đánh xa lợi hại do Cao Lỗ chế tạo", PGS Sỹ cho hay.
Bên cạnh phát hiện lẫy nỏ, hàng vạn mũi tên đồng cũng đã đào được ở Cầu Vực, sát chân thành ngoại Cổ Loa. Kho mũi tên đồng với hàng vạn chiếc, trọng lượng gần 110kg. Đây là loại mũi tên ba cạnh, ba cánh đều nhau, có trụ thân, có chuôi, có họng tra cán và kích thước lớn, được chế tạo hoàn hảo, sắc nhọn. Mỗi mũi tên còn được cắm thêm chuôi bằng tre dài khoảng 1m, làm cân đối trọng lượng để tên bay xa và khả năng sát thương lớn.
Có chiếc lẫy nỏ được phát hiện gồm nhiều bộ phận như hộp cò, lẫy cò, hai chốt và thước ngắm. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng lịch sử Quân sự và Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với nghệ nhân ở Hòa Bình đã phục dựng thành công chiếc nỏ Cao Lỗ sáng chế, tuy chưa được hoàn hảo như nỏ thần ngày xưa.
"Điều quan trọng nhất để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu là Cao Lỗ đã biết kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn để một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên có sức xuyên tốt, vừa giết giặc vừa làm chúng khiếp sợ, đội ngũ rối loạn, tan rã. Đó là điều kỳ diệu bí mật của thứ binh khí thần diệu này", PGS Sỹ khẳng định.
Tham dự hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tóm lược, Cao Lỗ Vương là danh tướng đã giúp vua Thục Phán An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc, hiến kế dời đô xuống đồng bằng và giúp vua xây dựng thành Cổ Loa, chế nỏ liên châu một lần bắn ra nhiều mũi tên. Đây được xem là nỏ thần, thứ vũ khí thần dũng, vô địch để giữ nước với lời nói được truyền tụng "giữ được nỏ thần sẽ giữ được thiên hạ, mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ".
"Cao Lỗ có tầm nhìn xa, tỉnh táo và đầy cảnh giác, đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù rằng vì điều đó mà bị vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, Tổ quốc lâm nguy, Người lại ra phò vua, cứu nước, tử tiết để lại danh thơm muôn thuở cho hậu thế", Chủ tịch nước nói và khẳng định, danh tướng Cao Lỗ là một vị tướng, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu giữ nước, được nhân dân sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Những cơn gió mạnh với tốc độ 50 hải lý hoành hành. Những con sóng cao đến 10 mét quăng quật, ném con tàu vào dải đá ngầm. Những chiếc neo thuỷ thủ thả xuống đáy biển hoàn toàn không tác dụng vì tàu đã vỡ. Sóng quét những con người đang vất vả chống đỡ trên boong, quẳng họ xuống biển và lập tức bị biển nuốt chửng. Con tàu cứ thế chìm xuống dần mang theo cả những người còn mắc lại. Gió gào lên khúc nhạc tang thương dữ dội...
Vị trí chìm của những con tàu thám hiểm trên Thái Bình Dương (bản đồ: các đảo Salomon - quần đảo Santa Cruz - biển san hô).
Một số hiện vật còn nguyên vẹn, ngủ yên dưới đáy biển hơn 2 thế kỷ
Alain Conan đã thuê người tìm thấy và đưa lên bờ khẩu đại bác 800 từ tàu L’Astrolabe và chuyển cho tàu Jacques mang về Paris nghiên cứu
Đó là những hé lộ từ cuộc “khai quật” dưới đáy đại dương về đoàn tàu thám hiểm của Pháp do La Perouse chỉ huy bị đắm từ gần 220 năm trước, một vụ đắm tàu được xem là bí hiểm nhất của lịch sử hàng hải
Đoàn tàu khai phá
Thế kỷ XVIII ở châu Âu là thời hoàng kim của những chuyến thám hiểm rất xa và dài ngày trên biển của các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Anh, Hà Lan, Pháp…
Những chuyến đi như vậy đối với cựu lục địa mang lại rất nhiều hiểu biết về thế giới, chuẩn bị cho việc chinh phục những vùng đất mới, xâm chiếm thuộc địa. Đi kèm với chúng là những phát kiến vĩ đại của khoa học. Hoàng đế Pháp lúc đó Louis XVI, đã trao nhiệm vụ dẫn đầu một cuộc thám hiểm quan trọng cho bá tước De La Perouse, một người dày dạn kinh nghiệm biển khơi, đã từng tham gia hạm đội hoàng gia từ năm 15 tuổi.
Nhiệm vụ của La Perouse là chỉ huy cuộc thám hiểm trên hai con tàu La Boussole và l’Astrolabe được coi là tiên tiến nhất thời đó. Vừa tìm đường đến những xứ sở lạ lẫm với phương Tây, tàu vừa tiến hành nghiên cứu khoa học, tìm hiểu các nền văn hoá phương Đông. Thậm chí, tàu còn mang theo hạt giống rau và cây ăn quả để dạy cho những dân tộc “bán khai” cách trồng tỉa…
232 người của đoàn gồm các thành phần rất đa dạng: 6 quan chức cao cấp, 17 người gồm các nhà bác học về thiên văn học, vật lý học, sinh học, thực vật học, kỹ sư, người hoạ đồ và… thợ sửa đồng hồ cùng với các sĩ quan hải quân và thuỷ thủ đoàn.
Hành trình tang tóc của La Perouse
Đoàn tàu rời bến cảng Brest vào ngày 1.6.1785 với 700 tấn lương thực chất trong hầm chứa, thuỷ thủ và các nhà bác học phiêu lưu sang bờ biển tây bắc châu Mỹ rồi hướng về Thái Bình Dương.
Men theo bờ phía đông đại dương này, đoàn tàu đã ghé nhiều nơi chưa có người châu Âu đặt chân đến, nhiều hòn đảo hoang vắng giữa biển khơi, các quần đảo thuộc Nhật, bán đảo Kamchatka thuộc Nga… Nó đã dừng chân 40 ngày ở Manila, nơi người Tây Ban Nha đã đặt chân lên, để sửa chữa. Rồi những biến cố đau buồn bắt đầu xảy ra. 21 người bị chết trên ba con thuyền nhỏ đi tiền trạm đổ bộ vào bờ do va phải đá ngầm. Thuyền trưởng De Langle của con tàu l’Astrolabe bạn thân của La Perouse bị thảm sát cùng 11 thuỷ thủ bởi thổ dân trên đảo Salomon, khi ông mạo hiểm lên bờ tìm nước ngọt. Rồi đoàn tàu cặp bến Botany Bay thuộc Úc ngày 16.1.1788, ngày bá tước La Perouse gửi lá thư cuối cùng về Pháp cho Bộ trưởng Bộ Hàng hải báo cáo tình hình.
Từ đó ông muốn đi ngược lên phía bắc, qua Tân Calêđoni và Tân Ghi nê trước khi trở về Pháp… Những tấm hải đồ quá sơ sài, không hề ghi sự tồn tại của những ngọn núi lửa xưa kia đã từng bị chìm xuống ở Nam Thái Bình Dương, đảo Vanikoro và những cơn bão khủng khiếp có thể xảy ra ở vùng này.
Việc biến mất của hai chiếc tàu với hơn 200 con người và số phận của một số người trốn thoát lên đảo ở Thái Bình Dương từ đó trở thành một trong những bí hiểm nhất của lịch sử ngành hàng hải.
Những cuộc kiếm tìm trong quá khứ
Bốn mươi năm sau, thuyền trưởng Ái Nhĩ Lan Peter Dillon là người đầu tiên lần theo hải trình của La Perouse thông qua những dấu vết ít ỏi. Ông đã tập hợp được một số tư liệu, một số hiện vật liên quan đến vụ đắm tàu.
Hai mươi năm tiếp theo, trên cơ sở những tài liệu từ Peter Dillon, một người Pháp là Dumont d’Urville được cử đến thẳng mũi Vanikoro để tìm hiểu sự việc. Tại đây, ông tìm được thêm nhiều hiện vật khác: những chiếc neo, những khẩu đại bác và rất nhiều đồ vật của đoàn thám hiểm hoàng gia mà ông thuê vớt lên bằng những phương tiện thô sơ. Ông dựng trên bờ biển một đài tưởng niệm những người yêu nước bất hạnh của nước Pháp và đưa các hiện vật về trưng bày tại Viện bảo tàng hàng hải ở Paris. Từ đó đến nay, đã 217 năm trôi qua.
Bí mật của La Perouse ló dạng
Ngày 18.5.2005, con tàu Jacques Cartier với phương tiện trục vớt hiện đại đã đến quần đảo Santa Cruz, trong đó có đảo Vanikoro để tiến hành vụ “khai quật” dưới biển điều tra những bí mật cuối cùng của đoàn tàu thám hiểm do La Perouse chỉ huy. Tham gia vào vụ điều tra này có một đội ngũ thuỷ thủ và thợ lặn gồm 52 người cùng với 30 nhà khoa học.
Jacques Cartier bỏ neo cách đảo vài trăm mét. Các nhà nghiên cứu mang theo hàng chục tấn dụng cụ trục vớt, từ chiếc bàn chải nhỏ nhất đến các búa máy, khoan máy hoạt động dưới nước, thiết bị lặn tối tân. Địa điểm nằm trên xích đạo này rất khắc nghiệt. Những trận mưa như trút xảy ra thường xuyên và không thể dự đoán trước bất cứ điều gì. Gió lốc, vòi rồng, bão tố. Và chẳng có nơi nào để lẩn tránh.
Chừng 20 thợ lặn được trang bị những chiếc đèn pin cực mạnh, cho phép nhìn xa 40m và sâu 15m vào cuộc. Để có chứng cớ, ở những chỗ tìm thấy hiện vật, phải dùng máy đào cả những địa tầng kèm theo. Lúc này, người ta mới biết thêm một nhân vật: Alain Conan, chủ tich Hội những người Tân Calêđoni ở đảo Salomon. Ông rất quan tâm đến chuyện này vì lòng ngưỡng mộ đối với nhà hàng hải Pháp La Perouse. Ông đã 7 lần tự bỏ tiền ra khai quật vụ đắm tàu. Năm 2003, êkíp của ông đã trục vớt được một khẩu đại bác nặng 900 kg. Cùng năm ấy, những người thợ lặn đã đưa lên được một bộ xương. Đó là thành viên đầu tiên và duy nhất của đoàn thám hiểm khi xưa. Bộ hài cốt ông trao cho đoàn được đưa về Pháp và giao cho Viện nghiên cứu hình sự của cảnh sát để xác định gấp. Người ta đã chứng minh rằng, đó là một người đàn ông châu Âu, khoảng 30 tuổi.
Lần này, đoàn cũng thu thập được xương ống chân và một số xương vụn khác. Xương người được gỡ ra khỏi đám san hô phủ kín là hiện thân của những thuỷ thủ và các nhà khoa học đã hy sinh trong vụ đắm tàu. Vật có giá trị nhất trong đợt khai quật là một chiếc la bàn phương vị có trang bị cả vòng ngắm chuẩn và kính lục phân (sextant). Dụng cụ đi biển này khắc tên Mercier. 12.000 trang tư liệu chính thức mà Alain Conan tìm thấy đã nói đến nó: “... một chiếc kính lục phân do Mercier chế tạo đã được Viện hàng hải hoàng gia cấp cho tàu La Boussole”, chứng tỏ đây chính là con tàu bị đắm của La Perouse.
Michel L’Hour và Elisabeth Veyrat, những người chỉ huy việc trục vớt, bằng những tư liệu và hiện vật đã kể lại với sự xúc động: “Người ta có thể dễ dàng hình dung ra tai hoạ bất ngờ đã xảy ra với Perouse và con tàu của ông khi gặp bão. Những cơn gió mạnh với tốc độ 50 hải lý hoành hành. Những con sóng cao đến 10 mét quăng quật, ném con tàu vào dải đá ngầm. Những chiếc neo mà thuỷ thủ thả xuống đáy biển hoàn toàn không tác dụng vì tàu đã vỡ. Sóng quét những con người đang vất vả chống đỡ trên boong, quẳng họ xuống biển và lập tức bị biển nuốt chửng. Con tàu cứ thế chìm xuống dần mang theo cả những người còn mắc lại. Gió gào lên một khúc nhạc tang thương dữ dội”.
Trong khi đó, cách một dặm, con tàu L’Astrolabe mắc cạn trên một rạn san hô. Khoảng 50 thuỷ thủ tìm cách lên được bờ. Và đến lượt họ trở thành tù nhân của đảo Vanikoro. Khí hậu nơi đây thật khủng khiếp đối với người châu Âu. Nhiệt độ đã cao, độ ẩm lại cực đại khiến họ không thể thở được. Đàn côn trùng khát máu sống dưới gốc đước không cho họ lúc nào yên. Thổ dân coi họ là kẻ thù. Họ phải ăn tất cả những gì tìm được trong thiên nhiên. Bệnh sốt rét tàn phá cơ thể họ. Họ trốn chui trốn lủi đằng sau những bụi cây rậm rạp. Năm tháng như thế, tìm mọi cách ghép được vài chiếc thuyền để vượt biển, nhắm hướng châu Úc hoặc Timor, nhưng họ đã chẳng bao giờ đến được đích.
Đoàn điều tra đã khẳng định được vị trí xác hai con tàu: tàu Boussole nằm ở một chỗ rạn nứt dưới đáy biển. Tàu L’Astrolabe mắc cạn trên một vỉa san hô. Tuy nhiên, nhiệm vụ của đoàn điều tra chưa phải đã kết thúc. Những hiện vật mang về phải được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, để nói lên những bí mật cuối cùng.
Ngày 15.8.2005 tàu Jacques Cartier rời nơi trục vớt, chất đầy những lời giải đáp, những điều khẳng định và một niềm hy vọng mới: Làm sáng tỏ trường hợp hy sinh của nhà hàng hải vĩ đại của nước Pháp, mang lại câu trả lời cho mọi người, đặc biệt cho… hoàng đế Louis XVI. Các sử gia kể lại rằng khi bước lên đoạn đầu đài (nhà vua bị cách mạng Pháp năm 1789 xử tử), ông vẫn đau đáu về số phận của La Perouse. Câu nói cuối cùng của ông trước khi đưa đầu vào máy chém không phải lo cho mình mà là: “Có tin gì về ông La Perouse chưa?”.
Secret History là một chủ đề với nội dung rất hay. Tuy nhiên, không hiểu vì một số lí do gì, Quản trị viên woonopro lại tạm ngừng hoạt động nó. Cho nên để tiếp tục công việc của woonopro, mình xin được thay thế nhiệm vụ ở đây của anh ấy để tiếp tục mang đến những kiến thức bổ ích, thú vị, để ta thấy rằng môn Lịch sử không quá khô khan và khó nuốt như các bạn từng suy nghĩ. Xin các bạn ủng hộ !!!