Sử 10 Một số kiến thức cơ bản của sử 10

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Câu 1. Những sự kiện lịch sử nào chứng tỏ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta thời Bắc thuộc diễn ra liên tục và rộng lớn?
Năm 40, cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ đầu tiên của nhân dân Âu Lạc bùng nổ. Từ đó đến đầu thế kỉ X, nhiều cuộc khởi nghĩa đã liên tiếp nổ ra ở cả ba quận (Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam). Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa:
Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40).
Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nhật Nam (năm 100, 137, 144)
Khởi nghĩa của nhân dân Cửu Chân (năm 157)
Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (nổi dậy liên tục từ năm 178 đến 181).
Khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248)
Khởi nghĩa Lí Bí (năm 542)
Khởi nghĩa Đinh Kiến, Lí Tự Tiên (năm 687)
Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (năm 722)
Khởi nghĩa Phùng Hưng (khoảng 776-791)
Khởi nghĩa Dương Thanh (819-820)
Khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ (905).
Câu 2:Hãy nêu 4 cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của nhân dân ta dưới thời Bắc thuộc và phân tích một cuộc khởi nghĩa có ảnh hưởng lớn đến tiến trình lịch sử nước ta sau này?
Bốn cuộc khởi nghĩa tiêu biểu:
+ Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40
+ Khởi nghĩa của Lí Bí và sự thành lập nhà nước Vạn Xuân (542-603)
+ Khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ đã giành thắng lợi và dựng quyền tự chủ.
+ Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng năm 938.
- Phân tích cuộc kháng chiến của Ngô Quyền: Năm 931, Dương Đình Nghệ lãnh đạo nhân dân đánh bại cuộc xâm lược của Nam Hán, thay họ Khúc nắm quyền tự chủ.
Đầu năm 937, ông bị Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt lấy chức Tiết độ sứ. Công Tiễn cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Lợi dụng cơ hội này, quân Nam Hán kéo quân sang xâm lược nước ta lần thứ hai.
Ngô Quyền nhanh chóng tiến quân vào thành Đại La (Hà Nội), bắt giết Kiều Công Tiễn và dùng kế đóng cọc ở sông Bạch Đằng, cho quân mai phục ở hai bờ sông. Khi thuỷ triều lên, ông cho một toán quân ra khiêu chiến, giả vờ thua, bỏ chạy để nhử quân Nam Hán vào sâu bãi cọc. Vừa lúc thuỷ triều xuống, cọc nhô lên, ông cho quân đổ ra đánh. Thuyền giặc hốt hoảng bỏ chạy, nhưng không sao chạy nổi vì cọc nhô lên mỗi lúc một cao. Các thuyền của giặc bị vướng vào cọc, lại bị đánh nhiều phía, tan vỡ không kể xiết. Chủ tướng giặc bị giết.
Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 đã mở ra một thời đại mới- thời đại độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc ta.
Câu 3: Tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến ở nước ta được hoàn thiện như thế nào trong các thế kỉ X-XV.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mở đầu thời đại phong kiến độc lập ở nước ta. Nhà nước quân chủ chuyên chế dược thành lập và từng bước phát triển hoàn thiện, đạt đến đỉnh cao ở thế kỉ XV.
Bắt đầu từ nhà Ngô, nhà Đinh, tiếp đến là nhà Tiền Lê đã xây dựng một nhà nước quân chủ sơ khai.
Đất nước dần dần ổn định. Năm 1010, vua Lí Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội), mở ra một giai đoạn phát triển mới. Năm 1054, vua Lí Thánh Tông quyết định đổi tên nước là Đại Việt.
Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV trải qua các triều đại Lí, Trần, Hồ, Lê, chính quyền trung ương được tổ chức ngày càng quy củ, chặt chẽ. Vua (Hoàng đế) đứng đầu nhà nước, quyết định mọi việc quan trọng. Quyền hành của vua ngày càng cao. Ở thời Lí, Trần, Hồ, giúp vua trị nước có Tể tướng và một số đại thần. Bên dưới là các cơ quan trung ương như sảnh, viện, đài.
Cả nước được chia ra làm nhiều lộ trấn, do các hoàng tử (thời Lý) hay An phủ sứ (thời Trần)cai quản. Dưới lộ trấn là các phủ, huyện, châu và đều có quan lại của triều đình trông coi. Đơn vị hành chính cơ sở là xã. Thời Trần, những người đứng đầu xã được gọi là Xã quan.
Năm 1428, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lãnh tụ tối cao của nghĩa quân Lam Sơn là Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Lê (lịch sử gọi là Hậu Lê để phân biệt với Tiền Lê do Lê Hoàn thành lập), khôi phục quốc hiệu Đại Việt. Nhà nước quân chủ mới được tổ chức theo mô hình nhà nước thời Lý- Trần. l,
Từ những năm 60 của thế kỉ XV khi đất nước đã cường thịnh, vua Lê Thánh Tông tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn. Ở trung ương, chức Tể tướng và các chức Đại hành khiển bị bãi bỏ. Vua trực tiếp quyết định mọi việc. Bên dưới là 6 bộ. Các cơ quan như Ngự sử đài, Hàn lâm viện được duy trì với quyền hành cao hơn. Cả nước được chia thành 13 đạo thừa tuyên. Mỗi đạo đều có 3 ty trông coi các mặt dân sự, quân sự, an ninh. Dưới đạo là các phủ, huyện, châu như cũ. Người đứng đầu xã là Xã trưởng, do dân bầu.
Ở thời Lý- Trần, phần lớn các quan chức cao cấp là quý tộc vương hầu hoặc con em quan lại. Khi giáo dục phát triển, nhà nước bắt đầu đưa những người đỗ đạt vào làm quan. Thời Lê, giáo dục thi cử trở thành nguồn đào tạo và tuyển chọn quan lại chủ yếu.
Câu 4: Hãy trình bày những thành tựu tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế ở nước ta trong các thế kỉ X-XV.
+ Thành tựu trong nông nghiệp: Đầu thế kỉ X, sau khi giành được độc lập, tự chủ nhân dân cả nước từ miền xuôi đến miền ngược phấn khởi, ra sức khai phá đất hoang, mở rộng đồng ruộng, phát triển nôngnghiệp nhằm nhanh chóng nâng cao đời sống, đưa đất nước ngày càng cường thịnh.
Công cuộc khai hoang mở rộng diện tích ngày càng gia tăng. Vùng châu thổ các sông lớn và vùng ven biển được khai phá. Nhiều xóm làng mới được mọc lên. Các vua Tiền Lê, Lý hằng năm làm lễ cày ruộng (cày tịch điền) để khuyến khích nhân dân sản xuất. Nhà Trần khuyến khích các quý tộc, vương hầu mộ dân nghèo đi khai hoang, thành lập các điền trang. Đại Việt đương thời thường xuyên bị nạn lụt đe doạ, gây khó khăn. Nhà Lý chú trọng cho nhân dân xây dựngnhững con đê. Năm 1248, nhà Trần đã tổ chức cho nhân dân đắp đê từ đầu nguồn đến cửa biển, dọc các sông lớn.
Làng xóm được bảo vệ, mùa màng ổn định. Thời Lê, nhà nước sai người đắp một đoạn đê biển, tạo điều kiện cho nhân dân khai hoang mở rộng ruộng đồng. Các vua Lê cũng cung cấp ruộng đất cho quý tộc, quan lại, đặt phép quân điền để phân chia ruộng đất công ở các làng xã cho nhân dân. Ngoài ra, các vua Lý, Trần, Lê đều quan tâm đến việc bảo vệ sức kéo của trâu, bò bằng cách cấm nhân dân được phép giết mổ trâu bò ăn thịt.
Ngoài việc trồng lúa, nhân dân còn trồng nhiều loại cây lương thực khác như sắn, ngô, khoai, đậu và kê cùng các loại cây ăn quả khác như quýt, cam, chuối..
+ Thủ công nghiệp: Đất nước được thống nhất, thủ công nghiệp có điều kiện phát triển nhanh chóng. Trong nhân dân, các nghề thủ công cổ truyền như đúc đồng, rèn sắt, làm đồ gốm, ươm tơ dệt lụa… tiếp tục được phát triển. Chất lượng các sản phẩm ngày càng được nâng cao. Cụ thể:
Hình thành một số làng chuyên làm nghề thủ công như gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Chu Đậu (Hải Dương), Huê Cầu (Bắc Ninh). Tuy nhiên, nhân dân ở các làng này bên cạnh việc làm thủ công vẫn làm nông nghiệp.
Các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê đều thành lập các xưởng thủ công (quan xưởng) chuyên lo việc đúc tiền, rèn vũ khí, đóng thuyền chiến, may mũ áo cho vua quan, quý tộc hoặc góp phần xây dựng các cung điện, dinh thự. Cuối thế kỉ XIV, các quan xưởng dưới sự chỉ đạo của Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo được súng Thần cơ (súng lớn) và đóng được thuyền chiến cơ lầu. Thời Lê sơ, quan xưởng được mở rộng.
+ Thương nghiệp: Sự phát triển của nông nghiệp, thủ công nghiệp trong hoàn cảnh đất nước độc lập, thống nhất và ngày càng mở rộng đã đẩy nhanh sự phát triển của thương nghiệp. Các chợ làng, chợ huyện, chợ chùa mọc lên ở nhiều nơi. Việc giao lưu buôn bán các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp ngày càng nhộn nhịp. Thăng Long từ thời Lý, Trần đã là một đô thị lớn với nhiều phố phường, chợ. Thăng Long có 36 phố phường vừa buôn bán, vừa làm thủ công, phát triển phồn thịnh.
Từ rất sớm, các thuyền buôn Trung Quốc hay các nước phương Nam đã qua lại buôn bán ở các vùng biển phía Bắc và miền Trung. Năm 1149, nhà Lý đã cho xây dựng trang Vân Đồn (Quảng Ninh) làm bến cảng để thuyền buôn nước ngoài vào trao đổi hang hoá. Càn Hải, Hội Thống (nghệ An), Thi Lại (Bình Định), Lạch Trường (Thanh Hoá).. đều là vùng cảng quan trọng.
Câu 5: Diễn biến chính về cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý
+ Vào những năm 70 của thế kỉ XI, trong lúc Đại Việt đang phát triển thì nhà Tống bước vào giai đoạn khủng hoảng: phía Bắc bị người Liêu, Hạ xâm lấn, trongnước nhân dân nổi dậy ở nhiều nơi. Trước tình hình đó, Tể tướng Vương An Thạch đã khuyên vua Tống đưa quân xâm lược nước ta.
+ Tin quân Tống chuẩn bị xâm lược báo về. Thái hậu Ỷ Lan cùng vua Lý triệu tập đại thần hội bàn. Thái uý Lý Thường Kiệt đã chủ trương “ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc ”. Được sự tán đồng của triều đình và sự ủng hộ nhiệt liệt của quân sĩ, năm 1075, Thái uý Lý Thường Kiệt - người chỉ đạo cuộc kháng chiến đã kết hợp với lực lượng dân binh của các tù trưởng dân tộc ít người ở phía Bắc, mở cuộc tấn công lên Hoa Nam, đánh tan đạo quân của quân Tống tại đây, rồi rút về nước.
+ Năm 1077, khoảng 30 vạn quân Tống đánh sang Đại Việt. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Lý Thường Kiệt, quân và dân ta đã đánh tan quân xâm lược Tống trong trận quyết chiến trên bờ sông Như Nguyệt (Bắc Ninh). Cuộc kháng chiến hoàn toàn thắng lợi. Bài “Thơ thần” – Nam quốc sơn hà Nam đế cư (Sông núi nước Nam vua Nam ở)mãi mãi vang vọng non sông.
Câu 6: Diễn biến chính về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông thời Trần (thế kỉ XIII).
+ Dưới thời Trần, nhân dân ta phải đương đầu với nhiều thử thách hiểm nguy. Trong vòng 30 năm phải tiến hành 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên: lần 1 năm 1258, lần 2 năm 1285 và lần 3 năm 1287-1288.
+ Với sự lãnh đạo của các vua Trần yêu nước, cùng hàng loạt vị tướng tài giỏi như Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật… đặc biệt là nhà quân sự thiên tài Trần Hưng Đạo, quân dân Đại Việt đã đoàn kết cùng nhau tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống gặc giữ nước.
+ Trước thế mạnh của quân xâm lược Nguyên – Mông (một đội quân đã từng thôn tính cả châu Á, châu Âu lúc bấy giờ), quân và dân Đại Việt đoàn kết một lòng, với ý chí kiên cường bất khuất, với truyền thống yêu nước sâu sắc, thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống ”, kiên quyết chống quân xâm lược đến cùng. Kinh thành Thăng Long đã 3 lần bị quân xâm lược tàn phá, bộ chỉ huy kháng chiến có lúc bị kìm kẹp giữa hai gọng kìm của quân xâm lược từ Nam đánh lên từ Bắc đánh xuống. Nhưng quân và dân nước Đại Việt đã thực hiện lệnh của triều đình “nếu có giặc ngoại xâm đến thì liều chết mà đánh, nếu sức không chịu nổi thì cho phép lẩn trốn vào rừng sâu, kiên quyết không được đầu hàng”. Quân giặc đi đến đâu, nếu không bị đánh giết thì cũng chỉ thấy “vườn không nhà trống”.
Khi quân giặc lâm vào cảnh khó khăn, lúng túng, quân và dân Đại Việt mở những trận đánh lớn có tính quyết định ở Đông Bộ Đầu (1258), trận Chương Dương, Hàm Tử, Tây kết (1285), và đặc biệt là trận Bạch Đằng năm 1288, kết thúc cuộc kháng chiến oanh liệt của nhân dân ta, bảo vệ vững chắc bờ cõi của Tổ quốc.
Câu 7:Trình bày diễn biến chính của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược Minh.
+ Cuối thế kỉ XIV, nhà Trần suy vong. Năm 1400, nhà Hồ thành lập. Cuộc cải cách của nhà Hồ chưa đem lại kết quả như mong muốn thì quân Minh ồ ạt tiến sang xâm lược. Năm 1407, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa bùng lên ở khắp nơi trong cả nước, nhưng đều thất bại.
+ Cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo đã nổ ra ở Lam Sơn (Thanh Hoá) vào mùa xuân năm 1418. Mặc dù nhiều lần bị quân Minh tiến đánh dữ dội, nghĩa quân vẫn giữ vững được tinh thần chiến đấu, mở rộng dần vùng hoạt động, sau đó làm chủ cả vùng đất từ Thanh Hoá vào Nam. Được sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhân dân, nghĩa quân đã tiến quân ra Bắc, chiến đấu quyết liệt với quân Minh, đẩy chúng vào thế bị động. Cuối năm 1427, mười vạn quân cứu viện của giặc ồ ạt tiến quân vào nước ta nhưng chúng đã bị nghĩa quân đánh tan tành ở trận Chi Lăng- Xương Giang lẫy lừng. Giặc rơi vào thế cùng quẫn, nghĩa quân đã “thể đức hiếu sinh” cấp ngựa, thuyền cho chúng rút về nước.
Mùa xuân năm 1428, đất nước sạch bóng quân thù.
Câu 8: Những thành tựu tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hoá, khoa học, kĩ thuật ở nước ta từ thế kỉ X đến thế kỉ XV.
Cùng với công cuộc xây dựng nhà nước phong kiến độc lập phát triển kinh tế và chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Đại Việt không ngừng vươn lên sáng tạo và phát triển nền văn hoá dân tộc, tạo nên một nền văn hoá với nhiều thành tựu trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.
+Về tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng: Bước sang thời kỳ độc lập, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, vốn được du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc, có điều kiện phát triển. Nho giáo dần dần trở thành hệ tư tưởng chính của giai cấp thống trị phong kiến. Phật giáo vốn được truyền bá khá sâu rộng, ngày càng thấm sâu hơn vào cuộc sống tinh thần của nhân dân. Một số vị vua thời Lý, Trần đã tìm đến Phật giáo.
Các tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ những người có công với nước, với dân, thờ thần núi, thần sông,.. ngày càng phổ biến.
+Về giáo dục, văn hoá, nghệ thuật: Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu. Năm 1075 khoa thi quốc gia đầu tiên được tổ chức ở kinh thành. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, giáo dục Đại Việt từng bước được hoàn thiện và phát triển, trở thành nguồn đào tạo quan chức và người tài cho đất nước. Nội dung học tập được quy định chặt chẽ. Thời Lê sơ, quy chế thi cử được ban hành rõ rang: Cứ 3 năm có một kỳ thi Hội, chọn Tiến sĩ. Riêng thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã tổ chức 12 khoa thi Hội. Số người đi học ngày càng đông, dân trí do đớ được nâng cao. Từ thế kỷ thứ XV, nhà nước quyết định dựng bia, ghi tên tiến sĩ.
Sự phát triển của giáo dục cũng góp phần phát triển văn hoá. Ban đầu, văn học mang nặng tư tưởng Phật giáo. Từ thời Trần, văn hoá dân tộc ngày càng phát triển. Hàng loạt bài thơ, bài hịch, bài phú nổi tiếng như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng giang phú, Bình Ngô đại cáo,.. cùng hàng loạt tập thơ chữ Hán ra đời, vừa thể hiện tài năng văn học, vừa toát lên niềm tự hào dân tôc và lòng yêu nước sâu sắc.
Ở thế kỷ thứ XV, văn hoá chữ Hán và chữ Nôm (được sáng tạo từ thế kỷ XI – XII) đều phát triển với sự xuất hiện của hàng loạt tập thơ của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lý Tử Tấn,… với nội dung ca ngợi đất nước phát triển.
Nghệ thuật sân khấu như chèo, tuồng ra đời sớm và ngày càng phát triển them. Múa rối nước là một nghệ thuật đặc sắc có từ thời Lý tiếp tục được duy trì. Âm nhạc phát triển với nhiều nhạc cụ như trống cơm, sáo, tiêu, đàn cầm, đàn tranh, cồng chiêng,… Các nghệ nhân sáng tác nhiều bản nhạc để tấu hát trong các buổi lễ hội. Ca múa được tổ chức vào các ngày lễ, ngày mùa ở khắp các làng bản miền xuôi cũng như miền ngược. Cùng với các điệu ca, điệu múa, còn có các cuộc đua như đấu vật, đua thuyền, đá cầu,…
+ Về khoa học kỹ thuật: cùng với sự phát triển của giáo dục và ý thức dân tộc, nhiều ngành khoa học – kỹ thuật cũng đạt được những thành tựu có giá trị. Thời Trần, bộ Đại Việt sử ký (Lê Văn Hưu) – bộ sử chính thống đầu tiên của nhà nước – được biên soạn. Ở các thế kỷ sau, nhiều bộ sử khác như Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư, … được soạn thảo. Về địa lý có Dư địa chí, Hồng Đức bản đồ; về quân sự có Binh thư yếu lược; về các thiết chế chính trị có bộ Thiên nam dư hạ; về toán pháp có Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh, Lập thành toán pháp của Vũ Hựu.
Nhu cầu về quốc phòng đã tạo điều kiện cho các quan xưởng, dưới sự chỉ đạo của Hồ Nguyên Trừng, chế tạo được súng Thần cơ (súng lớn) và đóng được thuyền chiến có lầu. “Thành nhà Hồ” (ở Thanh Hoá) cũng là một thành tựu kỹ thuật quan trọng.
Câu 9:Hãy nêu các cuộc kháng chiến lớn của nhân dân ta từ thế kỉ X đên thế kỉ XIV và phân tích một cuộc kháng chiến theo em là tiêu biểu nhất.
Trong nhiều thế kỷ xây dựng đất nước (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), nhân dân ta phải liên tục tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Với lòng yêu nước nồng nàn, với tinh thần đoàn kết chiến đấu kiên cường, anh dũng, nhân dân Đại Việt đã làm nên biết bao chiến thắng huy hoàng, giữ vững độc lập dân tộc. Chúng ta có thể kể ra những cuộc kháng chiến lớn sau:
+Cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn năm 981.
Năm 980, được tin triều đình nhà Đinh gặp nhiều khó khăn, vua Tống vội cử quân sang xâm lược nước ta. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lập tức được nhiều tướng lĩnh và bà Thái hậu họ Dương (Dương Văn Nga) tôn lên làm vua, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Năm 981, quân Tống tiến vào nước ta. Với ý chí quyết chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc của Tổ quốc, quân và dân Đại Cồ Việt đã chiến đấu anh dũng đánh tan quân xâm lược Tống ngay trên vùng Đông Bắc. Nhiều tướng giặc bị bắt . Nhà Tống buộc phải ra lệnh rút quân về nước.
+Cuộc kháng chiến chống Tống thời nhà Lý (1075 - 1077).
Năm 1075, biết tin quân Tống lại chuẩn bị kéo quân sang xâm lược nước ta, Thái uý Lý Thường Kiệt đã chủ trương “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Được sự tán đồng của triều đình và sự nhiệt tình ủng hộ của quân sĩ, quân dân Đại Việt đã mở đợt tấn công lên Hoa Nam ( trên đất nước Tống), đánh tan các đạo quân Tống ở đây, rồi rút về nước để chuẩn bị đối phó giặc.
Đúng như dự kiến từ trước, năm 1077 quân Tống lại tràn sang xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Lý Thường Kiệt, quân dân ta đã đánh tan quân xâm lược Tống trong trận quyết chiến trên song Như Nguyệt. Cuộc kháng chiến hoàn toàn thắng lợi.
+Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên của quân Đại Việt thời Trần thế kỷ XIII.
Dưới thời Trần, nhân dân ta đã phải đương đầu với những thử thách hiểm nguy. Chỉ trong vòng 30 năm, chúng ta phải tiến hành 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên hung bạo (1258, 1285 và 1287 – 1288).
Phân tích một cuộc kháng chiến tiêu biểu: Có thể chọn cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt, hoặc cuộc kháng chiến của nhà Trần chống quân xâm lược Mông – Nguyên để phân tích.
Câu 10:Những biểu hiện nào chứng tỏ thời Lê sơ thế kỉ XV là một giai đoạn phát triển thịnh đạt của nước Đại Việt.
Vương triều Lê( Lê sơ ) được thành lập sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là sự kế tiếp thời kỳ phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Đất nước Việt Nam thời Lê sơ đã đạt đến trình độ cao về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá,…
*Những biểu hiện:
+Nhà nước quân chủ được hoàn thiện và phát triển đến đỉnh cao.
Năm 1428, lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, sáng lập ra nhà Lê, lấy lại tên nước là Đại Việt. Nhà nước ban đầu xây dựng theo mô hình nhà Trần, Hồ. Chính quyền trung ương do vua đứng đầu, quyết định mọi công việc. Giúp việc cho vua có Tể tướng và một số quan đại thần, tiếp đến là một số cơ quan điều hành cấp đạo. Cả nước được chia thành 5 đạo. Dưới đạo là các phủ, huyện, châu, xã với hệ thống quan lại như cũ.
Quan lại được tuyển chọn chủ yếu qua giáo dục, thi cử. Những người đỗ đạt, xuất thân từ các thành phần khác nhau, dần dần trở thành tầng lớp thống trị được ban cấp nhiều ruộng đất.
Một bộ luật mới được ban hành với tên gọi “Quốc triều hình luật” (luật Hồng Đức) với hơn 700 điều, đề cập đến hầu hết các mặt hoạt động xã hội và mang tính dân tộc sâu sắc.
Quân đội được tổ chức chặt chẽ, theo chế độ “Ngụ binh ư nông”, được trang bị vũ khí đầy đủ. Nhà Lê tiếp tục củng cố ý thức đoàn kết các dân tộc trong nước, phong chức tước cho các tướng lĩnh, đặc biệt là những người có công lớn trong chiến đấu chống quân Minh xâm lược.
+Khôi phục và phát triển kinh tế.
Triều Lê thành lập, nhà nước đã cùng nhân dân ra sức lao động để khôi phục sản xuất, xóm làng, hàn gắn vết thương chiến tranh, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nền kinh tế Đại Việt bước dần sang giai đoạn phát triển. Nhà nước ban hành chính sách quân điền, quy định việc chia ruộng đất ở các làng xã, khuyến khích khai hoang, thành lập 43 sở đồn điền. Bộ phận ruộng đất tư hữu tăng lên nhanh chóng. Hệ thống đê sông được sửa đắp, kênh mương được nạo vét. Nhân dân ca ngợi:
“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,
Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”
Thủ công nghiệp và thương nghiệp dần dần được phục hồi và phát triền. Kinh thành Thăng Long, ngoài khu cung điện của vua quan, còn có 36 phố phường vừa sản xuất hàng thủ công vừa buôn bán. Hàng hoá nhiều, nhân dân các nơi đổ về buôn bán đông đúc. Nhiều chợ mới mọc lên ở các làng. Nhà nước ban hành lập chợ, khuyến khích trao đổi sản phẩm. Nhiều làng thủ công mới hình thành.
+Trong lĩnh vực văn hoá:
Thời Lê sơ, Nho giáo giữ địa vị độc tôn, nền giáo dục Nho học trở nên thịnh đạt. Trường Quốc tử giám được mở rộng cho con em quan lại đến học. Thi cử đều đặn, cứ 3 năm có một kỳ thi Hội ở kinh đô để chọn nhân tài. Tất cả mọi người dân có học, có lý lịch rõ ràng đều được đi thi. Những người đỗ đạc tiến sĩ được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu, được Vinh quy bái tổ,…
Phật giáo và Đạo giáo trở thành tôn giáo trong nhân dân. Ở các xóm làng, nhân dân đã xây dựng, làm mới nhiều ngôi chùa, đền.
Văn học Hán, Nôm cũng được phát triển mạnh. Một bộ sử được biên soạn như Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục,…
Câu 11:Hãy nêu những biến đổi lớn của nhà nước phong kiến ở nước ta trong các thế kỉ XVI- XVIII.
+Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê sơ lâm vào tình trạng khủng hoảng. Các vua Uy Mục, Tương Dực không quan tâm đến triều chính mà chỉ lo chơi, sa đoạ. Quan lại, địa chủ nhân đó hoành hành, chiếm đoạt ruộng đất. Nhân dân bị bóc lột khổ cực nổi dậy đấu tranh khắp nơi. Một số thế lực phong kiến cũng đánh nhau, tranh chấp quyền hành. Nổi trội hơn cả là thế lực của Mạc Đăng Dung. Năm 1527 sau khi dẹp yên các thế lực phong kiến khác, Mạc Đăng Dung đã phế truất vua Lê và thành lập triều đại mới – triều Mạc.
+Trong những năm đầu thống trị, nhà Mạc xây dựng lại chính quyền theo mô hình cũ của nhà Lê, tổ chức thi cử đều đặn để tuyển lựa quan lại. Đồng thời, nhà Mạc cố gắng giải quyết vấn đề ruộng đất, tạo điều kiện ổn định lại đất nước. Nhà Mạc tập trung xây dựng một đạo quân thường trực mạnh để đối phó với mọi tình hình có thể xảy ra. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, triều đình nhà Mạc suy thoái dần. Một số cận thần nhà Lê tập hợp lực lượng nổi dậy chống nhà Mạc.
+Không chấp nhận nhà nước của họ Mạc, một số quan lại cũ của nhà Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim, đã họp quân, nêu danh nghĩa “ phù Lê diệt Mạc”, nổi dậy ở vùng Thanh Hoá. Một nhà nước mới được thành lập ở đây, sử cũ gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc Triều của nhà Mạc. Chiến tranh Nam – Bắc triều bùng nổ, kéo dài cho đến cuối thể kỷ XVI. Triều Mạc bị lật đổ. Đất nước bước đầu được thống nhất lại. Nhưng không lâu sau, hình thành một thế lức cát cứ ở phía Nam – thế lực phong kiến họ Nguyễn.
+Năm 1627, cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn bùng nổ, kéo dài đến cuối năm 1672. Không phân được thắng bại, hai bên giảng hoà, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới tuyến, chia đất nước làm hai : Đàng Ngoài và Đàng Trong, với hai chính quyền riêng biệt. Tình trạng chia cắt đất nước kéo dài cho đến cuối thế kỷ XVIII, gây nên hậu quả hết sức nặng nề cho đất nước.
Câu 12:Những biểu hiện chứng tỏ nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp ở nước ta vẫn tiếp tục phát triển trang các thế kỉ XVI- XVIII.
Trong các thế kỷ từ XVI đến XVIII, mặc dù đất nước có nhiều biến động lớn, song do nhiều điều kiện khác nhau nên nền kih tế ở nước ta tiếp tục phát triển. Điều đó thể hiện ở những mặt sau:
+ Về nông nghiệp:
Nông nghiệp một thời bị tàn phá do chiến tranh, từ nửa sau thế kỷ XVII mới dần ổn định trở lại.
Ở Đàng Ngoài, nhân dân tiếp tục khai hoang mở rộng đất canh tác. Ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn khuyến khích nhân dân khai phá đất hoang, nhanh chóng mở rộng ruộng đồng. Diện tích ruộng đất cả nước tăng lên nhanh chóng. Nhân dân hai miền ra sức tăng gia sản xuất, bồi đắp đê đập, nạo vét mương máng. Không dừng lại ở các giống lúa cũ, nhân dân còn tìm cách nhân giống, tạo ra hàng chục giống lúa tẻ, lúa nếp vừa giúp cho bữa ăn them ngon vừa cung cấp thóc gạo cho thị trường. Họ cũng trồng thêm khoai, sắn, ngô, đậu và nhiều cây công nghiệp như dâu, bông, mía, đay, … Kinh nghiệm “nước, phân, cần, giống” được đúc kết thông qua thực tế sản xuất. Đặc biệt ở đất Nam Bộ, do đất đai, thời tiết thuận lợi, nhân dân đã sản xuất được nhiều thóc gạo phục vụ thị trường, nâng cao đời sống. Nghề trồng vườn với nhiều loại trái cây ăn quả ngon như dưa, xoài, dứa… khá phát triển. Đây cũng là giai đoạn gia tăng tình hình tập trùng ruộng đất vào tay giai cấp địa chủ phong kiến.
+Về thủ công nghiệp:
Trong nhân dân, các nghề thủ công cổ truyền như làm gốm sứ, dệt vải lụa, làm giấy, làm đồ trang sức, rèn sắt, đúc đồng… ngày càng phát triển và đạt trình độ cao.
Nhiều nghề thủ công mới xuất hiện như nghề khắc in bán gỗ, nghề làm đường trắng, nghề làm đồng hồ, làm tranh sơn mài…
Số làng nghề như dệt lụa, lĩnh các loại, làm giấy, làm gốm sứ, nhuộm vải, đúc đồng… tăng lên ngày càng nhiều. Ở các làng này, cư dân vẫn làm ruộng, tuy nhiên, một số thợ giỏi đã họp nhau rời làng ra các đô thị, lập phường vừa sản xuất vừa bán hàng… Ngành khai mỏ trở thành một ngành kinh tế phát triển ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.
+Về thương nghiệp:
Cùng sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa các địa phương được mở rộng hơn trước. Hầu hết các làng, các xã lớn ở vùng đồng bằng đều có chợ. Cá biệt ở một số làng, có hầu hết dân làng tham gia buôn bán. Tại các chợ người ta mua bán đủ thứ hàng trong đó hàng nông sản và thủ công là chủ yếu.
Trên đà phát triển của kinh tế hàng hoá, dần hình thành các luồng buôn bán trao đổi thường xuyên giữa hai miền ngược và xuôi, miền duyên hải, hải đảo và nội địa, các trung tâm kinh tế, thương mại lớn và các vùng nông thôn phụ cận. Đặc biệt, mối quan hệ buôn bán của nhân dân giữa hai vùng Đàng Trong và Đàng Ngoài vẫn được duy trì bất chấp sự ngăn cản của triều đình.
Mối quan hệ buôn bán với nước ngoài, nhất là với Trung Quốc, Nhật Bản, không những vẫn được duy trì mà có xu hướng phát triển hơn trước. Thế kỷ XVII – XVIII, trên đất nước ta đã xuất hiện một lực lượng khá đông các kiều dân Trung Quốc, Nhật Bản định cư lâu dài và hoạt động buôn bán là chủ yếu.
Nhiều đô thị sầm uất xuất hiện như: Kinh kỳ (Thăng Long), phố Hiến; Thanh Hà (Hưng Yên), Nước Mặn (Bình Định); Gia Định (TP HCM), Hội An (Quảng Nam),…
Câu 13:phong trào nông dân Tây Sơn đã lập lại nền thống nhất đất nước như thế nào vào cuối thế kỉ XVIII?
Đầu thế kỷ XVIII, xã hội phong kiến Đàng Ngoài, Đàng Trong dần bước vào giai đoạn suy yếu và khủng hoảng. Sự chia cắt đất nước của các tập đoàn phong kiến Lê Trịnh (Đàng Ngoài), Nguyễn (Đàng Trong) đã gây nên những thiệt hại to lớn, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Một phong trào nông dân vùng lên dữ dội kéo dài nhiều thập niên giữa thế kỷ XVIII.
Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa nông dân bùng lên ở ấp Tây Sơn (Bình Định) do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Sau nhiều năm chiến đấu kiên cường, cuộc khởi nghĩa phát triển, tiến lên đánh đổ chính quyền chúa Nguyễn, làm chủ phần đất từ Quảng Nam trở vào. Một nhiệm vụ mới được đặt ra: tiến quân ra Bắc đánh đổ chính quyền Lê – Trịnh và điều này cũng có nghĩa là, phong trào Tây Sơn phải đảm nhiệm thêm một sứ mệnh thống nhất lại đất nước. Trong những năm 1786 – 1788, phong trào Tây Sơn lần lượt đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh, Lê và làm chủ toàn bộ đất nước. Do đó, sự nghiệp thống nhất đất nước bước đầu được hoàn thành.
Câu 14:Hãy trình bày diễn biến chính cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta cuối thế kỉ XVIII.
Đầu những năm 80 của thế kỷ XVIII, sau khi chính quyền chúa Nguyễn bị lật đổ, Nguyễn Ánh đã chạy sang cầu cứu vua nước Xiêm (Thái Lan). Lợi dụng cơ hội này, vua Xiêm tổ chức các đạo thuỷ - bộ bao hồm 5 vạn quân đánh chiếm Gia Định, trong đó có đạo quân chủ lực gồm 2 vạn người và 300 chiếc thuyền do tàn quân Nguyễn dẫn đầu tiến đến đóng tại Trà Vân (phía Bắc sông Tiền).
Đầu tháng 1/1785, Nguyễn Huệ kéo đại quân từ Quy Nhơn vượt biển vào Gia Định và đóng đại bản doanh tại Mỹ Tho. Nguyễn Huệ chủ trương nhử địch ra khỏi căn cứ, tổ chức lực lượng mai phục ở khúc sông Tiền, đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút để tiêu diệt chúng. Trận đánh đã diễn ra và kết thúc nhanh gọn trong ngày 19/1/1785, đúng như dự tính của Nguyễn Huệ. Trên đà chiến thắng, quân Tây Sơn tấn công quét sạch quân xâm lược Xiêm ra khỏi bờ cõi, đập tan tham vọng của vua Xiêm đối với phần lãnh thổ cực Nam ở nước ta.
+Kháng chiến chống quân Thanh năm 1789:
Từ sau chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, về cơ bản quân Tây Sơn đã làm chủ được toàn bộ đất Đàng Trong. Nguyễn Huệ tự nhận về mình sứ mệnh thiêng liêng dẫn đầu đoàn quân Tây Sơn tiến ra Đàng Ngoài phá bỏ ranh giới song Gianh, lật đổ chế độ chúa Trịnh, vua Lê, lập lại nền thống nhất đất nước.
Trong bước đường cùng, Lê Chiêu Thống đã cho người sang cầu cứu nhà Mãn Thanh. Vua Thanh là Càn Long huy động 29 vạn quân, giao cho Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, theo 4 đường tiến đánh nước ta. Quân Tây Sơn ở Bắc Hà lúc đó chỉ có hơn 1 vạn người, phải tạm thời rút về lập phòng tuyến Tam Điệp (Ninh Bình). Ngay sau khi nhận được tin quân Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, thống lĩnh đại quân lập tức lên đường ra Bắc diệt giặc. Trên đường hành quân, đi đến đâu nghĩa quân cũng được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân yêu nước. Đúng vào đêm 30 tết, từ Tam Điệp, Biện Sơn, 5 mũi tiến công của quân Tây Sơn được lệnh xuất phát. Mờ sáng ngày 5 tết, quân Tây Sơn đồng loạt mở cuộc tổng công kích vào các đồn Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), nhanh chóng đập tan hệ thống phòng ngự then chốt nhất của địch, mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng Thăng Long. Số tàn quân Thanh sống sót hoảng loạn đến cực độ, dẫm đạp lên nhau tháo chạy về nước. Đất nước hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược. Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đã đi vào lịch sử như một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam ta.
Câu 15:Hãy trình bày những nét lớn về tư tưởng, tôn giáo, giáo dục, văn học nghệ thuật, khoa học kĩ thuật ở nước ta trong các thế kỉ XVI-XVIII.
+Về tư tưởng, tôn giáo:
- Nho giáo từng bước bị suy thoái, tôn ti trật tự phong kiến không còn được tôn trọng như trước.
- Phật giáo, Đạo giáo có điều kiện khôi phục vị trí của mình. Chùa quán được xây dựng thêm.
- Từ thế kỷ XVI đến XVIII, nhiều giáo sĩ đạo Thiên chúa (hay Kitô) phương tây vào Việt Nam truyền đạo. Nhà thờ Thiên chúa giáo mọc lên ở nhiều nơi.
- Các tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta vẫn được duy trì và phát huy như thờ cúng tổ tiên, những người có công với làng, với nước …
+Về giáo dục:
Nhà Mạc được thành lập, tiếp tục phát triển giáo dục, tổ chức đều đặn các kỳ thi Hương, thi Hội để tuyển chọn nhân tài. Khi đất nước bị chia cắt, ở Đằng Ngoài, nhà nước Lê - Trịnh cũng cố gắng tiếp tục mở rộng giáo dục Nho học theo chế độ thời Lê sơ. Nhiều khoa thi được tổ chức nhưng số người đi thi và số người đỗ đạt không nhiều. Ở Đằng Trong, mãi đến năm 1646, chúa Nguyễn mới mở khoa thi đầu tiên theo cách của Đằng Trong. Nội dung Nho học sơ lược. Vua Quang Trung lên ngôi, lo chấn chỉnh lại giáo dục, cho dịch các sách kinh từ chữ Hán ra chữ Nôm để học sinh học, đưa văn thơ Nôm vào nội dung thi cử.
Tuy nhiên, nội dung giáo dục chủ yếu vẫn là kinh, sử. Các bộ môn khoa học tự nhiên không được chú ý, không được đưa vào khoa cử.
+Về văn học:
Chữ nôm bắt đầu xuất hiện ở các thế kỷ XI – XII, dần dần được dùng để sáng tác văn học. Từ thế kỷ XVI – XVII, xuất hiện nhiều nhà thơ Nôm nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ … Tuy nhiên, trong lúc văn học chính thống có phần suy thoái thì trong nhân dân hình thành phát triển một trào lưu văn học dân gian khá rầm rộ. Với tài năng của mình, nhân dân đã sáng tác hàng loạt ca dao, tục ngữ, truyện cười, truyện dân gian… vừa nói lên tâm tư nguyện vọng của mình về một cuộc sống tự do, thoát khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, ca ngợi quê hương, vừa phản ánh những phong tục tập quán hay đặc điểm của quê hương. Văn học dân gian cũng phát triển ở các vùng dân tộc ít người làm cho kho tàng văn học thêm đa dạng, phong phú, phản ánh cuộc sống tinh thần và tâm linh của người dân Việt Nam đương thời. Chính trên cơ sở đó, thơ ca chữ Nôm ngày càng được trau chuốt, để rồi hình thành những truyện thơ dài bất hủ như: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc,…
+Về nghệ thuật, khoa học kỹ thuật:
-Ở các thế kỷ XVI – XVIII, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc không còn phát triển như trước, tuy vẫn còn một số công trình có giá trị như chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế), tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), các tượng La hán ở chùa Tây Phương (Hà Tây)… xuất hiện một số tượng nhân vật ( vua, chúa …) tranh vẽ chân dung.
- Nghệ thuật sân khấu phát triển cả ở Đằng Ngoài, Đằng Trong. Nhiều làng có phường tuồng, phường chèo. Bên cạnh đó, hình thành hàng loạt làn điệu dân ca mang tính địa phương đậm nét như quan họ, hát giặm, hát ả đào, hò, vè, lý, si, lượn…
-Số công trình nghiên cứu khoa học tăng lên. Về sử học, bên cạnh các bộ lịch sử của Nhà nước, có nhiều bộ lịch sử của tư nhân như: Ô châu cận lục, Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử ký tiền biên… và đặc biệt là bộ sử thi bằng chữ Nôm Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh); về địa lý có tập bản đồ Thiên nam tứ chí lộ đồ thư; về quân sự có tập Hổ trướng khu cơ (của Đào Duy Từ); về triết học có một số bài thơ, tập sách của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn; về y học có bộ sách y dược của Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác … Ngoài ra còn nhiều tác phẩm về nông học, văn hoá Việt Nam…
+ Về kỹ thuật:
Nhu cầu quốc phòng đã tạo điều kiện cho sự sáng tạo một số thành tựu kỹ thuật như đúc súng đại bác theo kiểu phương Tây, đóng thuyền chiến xây thành luỹ…
Câu 16:Hãy nêu những nét lớn về tình hình nước ta nửa đầu thế kỉ XIX (về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội).
Năm 1802, nhà Nguyễn được thành lập. Trong nửa đầu thế kỷ XIX nhà Nguyễn ra sức củng cố quyền thống trị, phục hồi kinh tế, văn hoá. Tuy nhiên, trong điều kiện suy tàn của chế độ phong kiến, với tư tưởng bảo thủ, nhà Nguyễn đã không tạo được cơ sở cho bước phát triển mới.
+Về chính trị: Sau khi đánh bại Vương triều Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, lập ra nhà Nguyễn, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Năm 1804, nhà Nguyễn đổi tên nước là Việt Nam, nhưng sau đó dưới thời vua Minh Mạng lại đổi thành Đại Nam.
Chính quyền trung ương được tổ chức theo mô hình thời Lê với sự gia tăng quyền lực của vua. Đất nước hợp nhất hai miền nên bước đầu vua Gia Long phải chia thành 3 vùng. Bắc thành (gồm các trấn ở Bắc Bộ ngày nay), Gia Định thành (các trấn thuộc Nam Bộ ngày nay) và các Trực doanh do triều đình trực tiếp cai quản (Trung Bộ ngày nay). Chính quyền trung ương cai quản cả nước, song mỗi thành lại có một Tổng trấn trực tiếp trông coi. Các trấn, dinh vẫn giữ như cũ.
Năm 1831 – 1932, vua Minh Mạng quyết định bỏ Bắc thành và Gia Định thành,chia cả nước làm 30 tỉnh và một Thừa Thiên. Mỗi tỉnh đều có Tổng đốc, Tuần phủ cai quản cùng hai ti, hoạt động theo sự điều hành của triều đình. Các phủ, huyện, châu, xã vẫn giữ như cũ.
Một bộ luật mới được ban hành – Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Hoàng triều hay Luật Gia Long) – gồm gần 400 điều, quy định chặt chẽ việc bảo vệ Nhà nước và các tôn ti trật tự phong kiến.
Quân đội được tổ chức quy củ với số lượng khoảng 20 vạn người, được trang bị vũ khí đầy đủ, có đại bác, súng tay, thuyền chiến.
Đối với nhà Thanh, triều đình Nguyễn chịu phục tùng, nhưng đối với Lào và Chân Lạp lại bắt họ thần phục.
Trước sự nhòm ngó của các nước phương Tây, nhà Nguyễn chủ trương “đóng cửa”, không chấp nhận việc đặt quan hệ của họ.
+Về kinh tế: Nửa đầu thế kỷ XIX mặc dù đất nước tạm trở lại yên bình, thống nhất song nền kinh tế gặp không ít khó khăn.
Nông nghiệp lạc hậu ruộng đất hoang hoá nhiều. Người nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng và bị bóc lột nặng nề.
Các nghề thủ công tiếp tục phát triển, đặc biệt là nghề làm gốm sứ, kéo tơ, dệt vải, nấu đường, khai mỏ,…
Việc buôn bán trong nước phát triển chạm chạp và mang tính địa phương.
+Về tình hình văn hoá, giáo dục: Nhà Nguyễn chủ trưởng độc tôn Nho giáo, hạn chế hoạt động của các tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo. Tín ngưỡng dân gian tiếp tục phát triển. Đình làng, đền thờ mọc lên ở khắc các xóm làng.
Giáo dục Nho học được củng cố. Năm 1807, khoa thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn và năm 1822, khoa thi Hội đầu tiên được tổ chức. Tuy nhiên, số người đi thi và đỗ đạt không nhiều so với thế kỷ trước.
Văn học chứ Hán kém phát triển. Trong lúc đó, văn học Nôm ngày càng phong phú và hoàn thiện. Xuất hiện những tác phẩm văn học chữ Nôm xuất sắc như Truyện Kiều của Nguyễn Du, các bài thơ của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan…
Quốc sử quán được thành lập, chuyên sưu tầm, lưu trữ sử sách cổ và biên soạn các bộ sử chính thống. Nhiều nhà sử học cho ra đời các bộ sử, sách chuyên khảo như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Lịch triều tạp kỉ của Ngô Cao Lãng, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức… nhiều tập địa chí địa phương được biên soạn.
+Về kiến trúc, nổi bật lên quần thể cung điện nhà vua ở Huế và các lăng tẩm. Rạp hát đầu tiên được xây dựng có sân khấu và phòng khan giả. Lị sở các tỉnh đều có thành luỹ xây theo kiểu Pháp cổ, thành Hà Nội nổi lên là cột cờ được xây dựng cao đẹp.
Các ngành nghệ thuật dân gian tiếp tục phát triển theo các hình thức cũ.
-Về xã hội: Xã hội chia thành hai giai cấp: giai cấp thống trị bao gồm vua quan và địa chủ, cường hào; giai cấp bị trị bao gồm các tầng lớp nhân dân mà tuyệt đại đa số là nông dân. Nhà Nguyễn cố gắng hoàn chỉnh bộ máy thống trị nhằm ổn định tình hình xã hội nhưng không ngăn chặn được sự phát triển của tệ tham quan ô lại. Ở nông thôn, địa chủ cường hào tiếp tục hoành hành, ức hiếp nhân dân.
Thiên tai, mất mùa, đói kém thường xuyên sảy ra, có năm bão lụt lớn làm hàng vạn nhà dân sụp đổ, hàng ngàn người chết.
Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX. Sử cũ ghi lại có hơn 400 cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Vành và Cao Bá Quát lãnh đạo.
Câu 17: Cơ sở hình thành, những thành tựu tiêu biểu và đặc điểm của nền văn minh Đại Việt (thời Lý, Trần, Lê).
- Về cơ sở hình thành nền văn minh Đại Việt:
+ Chiến thắng Bạch Đằng nắm 938 của Ngô Quyền đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nước ta: thời kỳ hình thành và phát triển của chế độ phong kiến độc lập. Đất nước được độc lập tự do là tiền đề quan trọng để dựng nước.
+ Nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc có cội nguồn vững chắc, được lưu giữ trong nhân dân, sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, không những không bị mất đi, không bị đồng hoá, mà tiếp tục phát triển trong điều kiện mới.
+ Nền văn minh Đại Việt nảy sinh và phát triển gắn liền với các triều đại phong kiến tiến bộ, đặc biệt là thời Lý, Trần, Lê, gắn liền với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của quần chúng nhân dân lao động. Không có sức lao động sáng tạo của nhân dân, không thể có được những thành tựu trong nền văn minh Đại Việt.
+ Nền văn minh Đại Việt hình thành và phát triển trong bối cảnh chịu ảnh hưởng và tiếp thu có chọn lọc nền văn minh tiên tiến trên thế giới và trong khu vực lúc bấy giờ. Nền văn hoá Ấn Độ, văn minh Trung Hoa, văn hoá Cham – Pa … đã tác động và có ảnh hưởng lớn đến văn minh Đại Việt.
- Về những thành tựu tiêu biểu:
+ Về kinh tế, nông nghiệp biể hiện những thành tựu của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Công cụ lao động, sức kéo, đê điều, năng suất nông nghiệp phản ánh nền văn minh đó.
+ Về chính trị, hoàn thiện bộ máy nhà nước, xây dựng chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Luật pháp ra đời và hoàn thiện từ Hình thư, Hình luật đến Bộ luật Hồng Đức đã phản ánh nền văn minh Đại Việt.
+ Văn hoá, giáo dục, khoa học nghệ thuật qua các triều đại cũng đạt được nhiều thành tựu tiêu biểu.
- Đặc điểm của nền văn minh Đại Việt:
+ Mang tính dân tộc sâu sắc. Văn minh Đại Việt là sự nối tiếp nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc, có cội nguồn, có sức sống, mang tính nhân văn sâu sắc.
+ Phát triển toàn diện, phản ánh trên tất cả các mặt của đời sống xã hội: kinh tế, cính trị, văn hoá xã hội…
+ Phát triển rực rỡ đạt đến đỉnh cao trong khu vực lúc bấy giờ.
+ Có sức sống mãnh liệt, có bản lĩnh mà nhiều cuộc chiến tranh tàn phá cũng không thể thủ tiêu được nền văn minh đó.
Câu 18:Hãy nêu những dặc điểm cơ bản của truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc từ thế kỉ X đến thế kỉ XVIII và phân một đặc điểm theo em là tiêu biểu nhất.
Dựng nước gắn liền với giữ nước là quy luật trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Do điều kiện địa lý và lịch sử nước ta, truyền thống chống ngoại xâm sớm được hình thành với những đặc điểm mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được. Những đặc điểm đó là:
+ Phải luôn luôn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân tham gia đánh giặc giữ nước. Đây là đặc điểm nổi bật, xuyên suốt các cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc ta. Trong suốt từ thế kỷ thứ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XVIII, các triều đại phong kiến nước ta phát động những cuộc chiến tranh nhân dân, nhờ đó mà đã giành thắng lợi trước mọi kẻ thù. Chỉ một lần duy nhất do không đoàn kết được toàn dân, không phát động được cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc nên chịu thất bại đó là kháng chiến của nhà Hồ chống quân Minh đầu thế kỷ XV…
+ Luôn luôn chiến đấu với tinh thần quyết chiến quyết thắng, không sợ bất cứ một kẻ thù xâm lược nào dù chúng hung bạo đến đâu. Những chiến thắng đầu thế kỷ thứ X của Khúc Thừa Dụ ( 905), của Dương Đình Nghệ (930) và đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 đã sớm hình thành ở dân tộc ta truyền thống đánh giặc giữ nước, tinh thần quyết chiến quyết thắng. Dám đánh, đánh đến cùng, đánh cho quân xâm lược tan tác là tinh thần cơ bản trong phong cách đánh giặc giữ nước của ông cha ta.
+ Biết kết hợp chặt chẽ khôn khéo giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao. Không một cuộc chiến tranh yêu nước nào mà dân tộc ta lại không biết kết hợp đấu tranh một cách toàn diện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, trước tiên là quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhà Lý khi đem quân sang đất Tống thực hiện kế sách “Tiên pháp chế nhân” vừa đánh vừa tuyên truyền giáo dục cho nhân dân Tống hiểu mục đích của ta. Kết thúc trận tuyến trên Sông Cầu, nhà Lý mở cuộc hoà đàm, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù.
+ Biết vận dụng và phát huy một cách sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của tổ tiên.
Truyền thống, nghệ thuật đánh giặc giữ nước sớm hình thành và đã trở thành tài sản quý báu của dân tộc ta. Tài sản quý báu đã được truyền lại đời này qua đời khác và được bổ sung phát huy một cách sáng tạo trong điều kiện hoàn cảnh mới. Cũng là trận Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo khác với Bạch Đằng của Ngô Quyền. Trận quyết chiến chiến lược sau khác với trấn quyết chiến chiến lược trước. Đó chính là sự vận dụng kinh nghiệm cách đánh giặc của tổ tiên được sáng tạo trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới.
+ Cuối cùng là luôn luôn chịu đựng gian khổ, không sợ hi sinh và biết cách đánh giặc lâu dài khi cần thiết…
Trong những đặc điểm nêu trên, đặc điểm nào cũng quan trọng, cũng tiêu biểu. Có thể chọn và phân tích một trong những đặc điểm đó và lấy những sự kiện tiêu biểu chứng minh cho đặc điểm mà mình phân tích. Ví dụ về đặc điểm đoàn kết toàn dân, toàn dân đánh giặc:
Từ những ngày đầu dựng nước, nhân dân Việt Nam đã quen cùng nhau đứng dậy đánh giặc, không phân biệt lính hay dân thường, già hay trẻ, trai hay gái. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã nói lên khá hùng hồn điều đó. Khắp nơi nhân dân đều đứng dậy đánh giặc. Trai lên đường, gái cũng lên đường, 1000 năm đứng dậy chống ách đô hộ, giành lại tự do, càng phát huy thêm tinh thần cùng hợp sức đánh giặc đó. Trận Bạch Đằng nổi tiếng của Ngô Quyền không thể diễn ra được nếu như không được chuẩn bị trên cơ sở đặc điểm nói trên. Và đến cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên đời Trần, có lẽ do yêu cầu tập trung lực lượng lên cao độ để giữ toàn vẹn nền độc lập của Tổ quốc, tính chất toàn dân đã phát triển lên một đỉnh cao đáng kể. Từ lâu, nhân dân ta đã quen xem việc giữ nước là việc nhà của mình. Người nông dân Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mà lo việc nước. Nguyễn Chế Nghĩa tự nguyện tòng quân dưới cờ suý ngày hội. Các gia nô, nô tỳ gác mối thù giai cấp, lao vào cuộc chiến đấu cứu nước không kể đến thân mình. Cậu bé Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, cương quyết đi đầu đạo quân nghĩa của mình… Từ miền xuôi, đến miền ngược, đâu đâu cũng bừng bừng khí thế chống giặc. Giặc bị đánh khắp nơi, ăn không ngon, ngủ không yên, bị phục kích trên đường đi, bị truy kích trên đường về.
Nhưng không phải chỉ như vậy. Nhân dân còn đồng lòng thực hiện triệt để chỉ thị của nhà nước. Khắp nơi chính sách thanh dã được thi hành, khiến quân thù mất chỗ cướp bóc và điều này có tác dụng làm cho quân thù chùn tay, lo lắng trước ý chí quyết tâm và đồng lòng của toàn dân ta. Rõ ràng là chúng đang lao vào một bức thành sắt. Tình hình cuộc chiến thời Trần là như vậy đó.
Cao trào kháng chiến chống Minh, do yêu cầu và tính chất của nó, đã phát huy thêm một bước tinh thần cả nước chống giặc tuyệt vời đó. Khắp nước nhân dân rầm rộ nổi dậy, không phải đi theo một đạo quân chính quy nào đó, hay theo lệnh của nhà nước, mà tự động chống lại kẻ thù. Cuộc đấu tranh mang đậm nét tự phát nên cũng nói lên tính tự giác bảo về Tổ quốc của toàn dân ta. Không sợ hy sinh, không sợ kẻ thù lớn mạnh, tuỳ theo sức mình mà đánh. Mỗi tầng lớp tập hợp theo hoàn cảnh và điều kiện của mình. Hình thức đánh có thể khác nhau, nhưng mục đích thì chung: giải phóng Tổ quốc. Và phải có một cao trào tự phát như vậy mới có được đỉnh tập trung Lam Sơn.
Ở đây, chúng ta cần nhấn mạnh những hình ảnh đẹp đẽ ghi sâu trong ký ức của nhân dân. Câu chuyện bà hàng nước thành Cổ Lộng (Nam Hà) dốc hết tiền dành dụm, mua dầu giết giặc, câu chuyện người ca sĩ dân gian (ả đào) làng Đào Đặng (Hải Dương) mưu trí ném giặc xuống sông … phải chăng là những tấm gương cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Sức mạnh cứu nước như sóng trào, những kẻ lầm đường theo giặc quay giáo đâm chết kẻ thù xâm lược, góp sức cùng toàn dân cứu nước.
Chúng ta cũng thấy nổi lên ở đây những gương hi sinh cao cả, tươi đẹp của nhân dân. Những con người lao động chất phát, mộc mạc, nồng nàn yêu mến đất nước quê hương, đứng dậy chống giặc mà không hề mang theo một ý nghĩ tư lợi, cá nhân hẹp hòi. Gian tặc, đất nước trở lại thanh bình, từ khói lửa trở về, người lao động đó không hề nghĩ đến sự đền bù, danh vị, không bợn chút công danh. Nhân dân Chí Linh (Hải Dương) còn kể lại câu chuyện người anh hùng vô danh, sau khi đã tham chiến hết lòng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên đã không đắn đo mà xin trở về quê hương, cày cấy làm ăn, sống cuộc đời lam lũ xưa. Lê Quý Đôn cũng đã từng ca ngợi người chiến sĩ họ Trần hăng hái cống hiến tài năng cho nghĩa quân Lam Sơn và khi Tổ quốc được giải phóng, không hề cầu mong phú quý, kiên quyết xin trở lại xóm làng, tự làm lấy mà ăn như xưa. Phải chăng đó là hạt nhân cơ bản của chủ nghĩa anh hùng cách mạng chân chính, một tính cách cao đẹp của nhân dân Việt Nam? Nói đến tính cách dân tộc mà không thấy được điều đó thì thật cũng chưa thấy được cái vĩ đại nhưng rất bình dị của dân tộc mình.
Cũng trong phong cách cả nước chống giặc này, nhân dân ta đã tạo ra cái truyền thống vừa đánh giặc, vừa sản xuất. Nhân dân ta thường phải làm những cuộc kháng chiến tương đối dài, không phải một, hai tháng mà sáu tháng, một năm hay thậm chí 10 năm. Trong hoàn cảnh như vậy, không thể đợi sản xuất, tích trữ lương thực rồi mới chiến đấu được. Mà dầu có muốn làm như thế cũng không được. Kẻ thù đâu có để cho chúng ta yên. Tình thế !

Bài soạn của Th.s Trần Trung Hiếu, GV trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An

đây là tập tài liệu của một thầy giáo dạy sử lâu năm, cũng là thầy của mình (mặc dù chưa dạy mình lần nào). Riêng mình cũng có một tập tài liệu có nội dung tương tự như của thầy này, nhưng phong phú hơn và có chia thành các chủ đề để HS dễ theo dõi. Ai cần tài liệu thì vui lòng cho biết ý kiến ạ, cảm ơn
 
Last edited by a moderator:
  • Like
Reactions: hdiemht
Top Bottom