môi trường

N

ngocthinhdan

Cho đến nay, những khám phá khoa học về sự ảnh hưởng của các hoạt động con người, về các hiện tượng như hiệu ứng nhà kính, lỗ thủng tầng ôzôn, băng tan, sự nóng lên của vỏ Trái đất... được gọi chung là biến đổi khí hậu (BĐKH).
BĐKH bắt nguồn từ sự phát thải ngày càng tăng của khí nhà kính vào khí quyển. Báo cáo khoa học lần thứ 4 (2007) của Ủy Ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cho thấy, nồng độ khí CO2 đã lên tới 397 ppm (phần triệu thể tích) vào năm 2005 với nồng độ trung bình là 1,4 ppm mỗi năm vào thời kỳ 1960 - 2005 và 1,9 ppm trong khoảng thời gian 10 năm (1995 - 2005).
Lượng phát thải khí nhà kính do nhiên liệu hóa thạch hàng năm từ 6,4 tỷ tấn cacbon mỗi năm trong thập kỷ 90 đã lên tới 7,2 tấn vào giai đoạn 2000 - 2005. Ngoài ra, nồng độ CH4 và N2O từ 175 và 270 ppb (phần tỷ thể tích) thời kỳ tiền công nghiệp lên đến 1.774 và 319 ppb vào năm 2005.
Các nhà khoa học cho rằng, Trái đất nóng lên đang xảy ra trên toàn thế giới. Các số liệu thống kê về nhiệt độ trung bình thế giới cho biết, trong 600 năm gần đây nhất thì nhiệt độ chỉ bắt đầu tăng dần lên trong hơn 100 năm qua, tức là bắt đầu vào những năm 1900, cùng thời điểm của các cuộc cách mạng công nghiệp. Và càng ngày, càng nhiều nhà khoa học trên thế giới tin chắc rằng, Trái đất đang nóng lên là do con người gây ra.
Năm bước thụt lùi do BĐKH
1. BĐKH sẽ ảnh hưởng đến lượng mưa, nhiệt độ và nước dùng cho nông nghiệp. Đến năm 2080, thế giới sẽ có thêm 600 triệu người bị suy dinh dưỡng.
2. Đến năm 2080, sẽ có khoảng 1,8 tỷ người sống trong tình trạng khan hiếm nước, đặc biệt là Bắc Trung Quốc, Trung Đông, Nam Mỹ và phía Bắc Nam Á.
3. Khoảng 330 triệu người sẽ mất chỗ ở tạm thời hoặc vĩnh viễn do lũ lụt nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 3 - 40C.
4. Tốc độ tuyệt chủng của các loài sẽ tăng lên nếu nhiệt độ ấm lên khoảng 20C.
5. Các căn bệnh chết người sẽ lan rộng. Có thể có thêm 400 triệu người bị bệnh sốt rét.
Bảng 1 cho thấy, lượng khí nhà kính thải ra trung bình của thế giới vào tháng 12/2006 (theo Tổ chức Khí tượng thủy văn thế giới).
Có thể điểm qua những biểu hiện của BĐKH trong hơn 100 năm qua như sau:
- Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 0,740C trong thời kỳ 1906 - 2005, tốc độ tăng của nhiệt độ trong 50 năm gần đây gấp đôi so với 50 năm trước đó. Hai năm được ghi nhận là có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất từ trước đến nay là 1998 và 2005.
- Lượng mưa có chiều hướng tăng lên trong thời kỳ 1900 - 2005 ở 300 vĩ độ Bắc, nhưng lại có xu hướng giảm kể từ năm 1970 ở vùng nhiệt đới. Lượng mưa ở khu vực từ 10 - 300 Bắc tăng lên từ năm 1900 - 1950 và giảm trong thời kỳ sau đó.
- Hạn hán xuất hiện thường xuyên hơn ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới từ năm 1970.
- Hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới, đặc biệt là các cơn bão mạnh gia tăng từ những năm 1970 và ngày càng xuất hiện nhiều hơn các cơn bão có quỹ đạo bất thường.
- Có sự biến đổi trong chế độ hoàn lưu quy mô lớn trên cả lục địa và đại dương, dẫn đến sự gia tăng về số lượng và cường độ hiện tượng El Nino.
- Mực nước biển dâng 1,8 mm mỗi năm trong thời kỳ 1961 - 1993 và lên đến 3,1 mm trong thời kỳ 1993 - 2003.
- Hiện tượng băng tan trên các sông băng, chỏm băng và đặc biệt là các giải băng ở cả Bắc cực và Nam cực (theo Ngân hàng thế giới).
Theo báo cáo được tổng hợp của IPCC về lộ trình cho các cuộc đàm phán về BĐKH diễn ra tại Bali (Inđônêxia), nếu nhiệt độ Trái đất tăng hơn 20C, mực nước biển dâng 1 m thì có thể làm tan những núi băng ở Himalaya vốn là nguồn cung cấp nước và lương thực cho hơn 2 tỷ người, các rạn san hô ở Inđônêxia sẽ bị tan vỡ, các quốc đảo nhỏ như Phigi, Samoa và Vanuatu sẽ bị thiệt hại hàng năm lên tới 7% GDP và một số quốc gia có thể bị biến mất.
Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân cốt lõi gây ra BĐKH và sự nóng lên toàn cầu là do sự tăng lên không ngừng của lượng khí nhà kính nhân tạo, phát thải từ hai nguồn chủ yếu: Sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khai thác phá rừng… được quyết định cơ bản bởi sự gia tăng dân số, tốc độ tăng trưởng kinh tế và sử dụng nhiên liệu.
Từ sự BĐKH toàn cầu ta liên hệ đến sự BĐKH ở Việt Nam. Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo của IPCC ở Hà Nội, ông John Hendra, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, nói: “Chúng ta đã thấy rõ hệ quả của việc tăng nhiệt độ ở Việt Nam. Bão lụt ngày càng diễn biến phức tạp, triều cường đang đạt mức đỉnh trong vòng 50 năm qua, gây thiệt hại nhiều tại các tỉnh duyên hải và Nam bộ. Việt Nam là một trong những nước dễ bị ảnh hưởng bởi sự BĐKH vì có bờ biển dài hơn 3.200 km, đất và nước ngầm nhất là nước ở tầng 30 - 40 m sẽ bị nhiễm mặn.
BĐKH có thể làm 22 triệu người dân Việt Nam bị mất nhà và phần lớn diện tích canh tác màu mỡ nhất của vựa lúa sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập trong nước biển. Bảng 2 cho thấy, số tỉnh, thành bị ngập nước nặng nhất nếu nước biển dâng 1m (theo kịch bản của Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường).
Tính toán của các nhà khoa học từ Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Môi trường cho thấy, nước biển đang dâng lên tại Việt Nam và đến năm 2010, mực nước biển sẽ tăng thêm 9 cm so với 3 năm trước đó. Mực nước biển sẽ dâng lên 33 - 45 cm vào năm 2050 và có thể tiếp tục dâng thêm. Khi mực nước biển dâng thêm 1 m, 14 triệu dân ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng, 40.000 km2 vùng đồng bằng bị ngập lụt và 1.700 km2 vùng ven biển bị chìm. TP. HCM và phần lớn đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập. Khi bị xâm nhập mặn cùng với thủy triều dâng sẽ làm biến đổi dòng chảy tạo nên nhiều dòng chảy rối và bất thường tạo nên hiện tượng sạt lở bờ sông. Chúng ta chưa lường trước được hậu quả và thiệt hại kinh tế nhưng đây là một điều tất yếu sẽ xảy ra.
Việt Nam có một dãy bờ biển rất dài, quanh co khúc khuỷu, vì vậy, khả năng sạt lở bờ biển, cửa sông kể cả cửa sông ở miền Trung là rất lớn, làm cho công việc làm ăn của bà con miền Trung vốn đã khó nay càng khó thêm. Mặc dù nhiệt độ chỉ tăng lên một vài độ, nhưng sự thay đổi này đã làm băng tan ở Bắc và Nam cực, làm nước biển dâng cao và làm ngập nhiều nơi trên thế giới. Các hệ quả từ BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, ảnh hưởng đến mùa vụ gieo trồng và cây trồng, hàng loạt các cây không thích ứng kịp sẽ chết đi và một loạt các gen khác sẽ phát sinh. Mặt khác, mùa đông sẽ lạnh hơn và thất thường hơn, mùa hè sẽ có những ngày nóng và mưa liên tục.
Theo đánh giá của thế giới về nguyên nhân làm cho Trái đất nóng lên, Việt Nam không bị xếp vào danh sách nguồn phát thải CO2. Song, trong danh sách những nước bị ảnh hưởng bởi BĐKH, Việt Nam luôn nằm trong “top” đầu thế giới. Và bây giờ, khi mà những kịch bản về tác động của BĐKH được xây dựng cho Việt Nam, kịch bản nào cũng rất đáng buồn, thì việc tìm cách để thích ứng, đối phó với BĐKH là vấn đề cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo đó, xin dẫn lời của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành: “Cuộc chiến chống lại BĐKH, ngăn ngừa những tác động có hại của nó là một cuộc chiến đấu chung, đòi hỏi mọi người, mọi quốc gia phải chung tay góp sức. Ý thức được là một trong những nước chịu nhiều tác động của BĐKH, Việt Nam đã sớm tham gia, phê chuẩn và thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, trong đó Nghị định thư Kyoto của công ước nhằm góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống BĐKH”. Đây cũng là lời kết và xin nhắn nhủ với tất cả mọi người: Để ngăn chặn thảm họa nhiệt độ Trái đất nóng lên, chúng ta phải tích cực giảm lượng khí thải CO2, chúng ta phải hành động vì môi trường sống của chính chúng ta
 
Top Bottom