CLB lịch sử Mối quan hệ giữa vua Minh Mạng với tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt qua nghiên cứu mới

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Lời người trích dẫn: bài này được trích dẫn từ bài giới thiệu của NNC Lê Nguyễn về sách của tác giả Hàn Quốc (xem hình đính kèm), cung cấp cho bạn đọc cách nhìn mới về mối quan hệ giữa tổng trấn Lê Văn Duyệt với vua Nguyễn. Xin được giới thiệu...

Về vấn đề này, tập quán chung của giới nghiên cứu sử gần đây là tô đậm và phóng đại sự bất đồng giữa hai nhân vật lịch sử trên. Đi đầu trong việc làm này là các nhà báo có dụng ý tạo cho bài viết của họ những ấn tượng đậm nét để lôi cuốn độc giả. Họ đưa ra ít nhất các sự kiện sau để minh chứng cho nhận định của họ:
- Tả quân Lê Văn Duyệt đã hai lần cùng Trung quân Nguyễn Văn Thành đề nghị bác bỏ tư cách là người kế vị ngai vàng của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (sau là vua Minh Mạng). Lần thứ nhất khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (mẹ hoàng thái tử Cảnh) qua đời năm 1814, vua Gia Long hỏi ý kiến quần thần về việc chọn người chủ tế lễ tang; lần hai vào năm 1816, khi nhà vua cần chọn người sẽ kế vị (thái tử).
Về điểm này, tác giả sách, TS Choi Byung Wook, đã nhắc lại quan điểm của TS Nguyễn Phan Quang ủng hộ nhận định trên và cho rằng “vì nguyên nhân này nên Minh Mạng đã điều ông (Lê Văn Duyệt) đi xa, đến tận Gia Định”.
Tuy nhiên, những gì được ghi trong bộ chánh sử Đại Nam Thực Lục đã phủ nhận quan điểm trên, vì trong cả hai lần (năm 1814 và 1816), chỉ có Nguyễn Văn Thành đề nghị công tử Mỹ Đàng là con trai hoàng thái tử Cảnh làm chủ tế và phong Thái tử, với lẽ “đích tôn thừa trọng”, Tả quân Lê Văn Duyệt không hề có một đề nghị nào trái ý vua Gia Long và bất lợi cho hoàng tử Đảm. Lập luận vì không ưa ông Duyệt mà vua Minh Mạng “điều ông đi xa, đến tận Gia Định” càng không đứng vững. Năm 1820, ông Duyệt trở vào Gia Định Thành chỉ là để tiếp tục một nhiệm vụ còn bỏ dở từ năm 1815, chứ có phải là vào lần đầu đâu mà lập luận như thế. Thậm chí, khi Tả quân Lê Văn Duyệt vào bệ kiến vua Minh Mạng để lên đường vào Gia Định, nhà vua còn ban cho ông quyền “…truất thăng quan lại, hưng lợi trừ hại, tất cả việc thành và việc biên cương đều cho tùy nghi mà làm” (Đại Nam Thực Lục – tập hai – NXB Giáo dục – Hà Nội 2004, trang 62). Quyền hạn này được các nhà nghiên cứu sử xem là quyền “tiền trảm hậu tấu” (giết trước, tấu trình sau)
- Tả quân Lê Văn Duyệt “đã giết cha vợ vua Minh Mạng”. Khi nhấn mạnh vào yếu tố này, nhiều người quên là vua Minh Mạng có đến 142 người con, điều đó có nghĩa rằng ông phải có từ 50 -70 đến hàng trăm phi tần trong cung, vai trò của hàng trăm ông cha vợ đó không khác hơn người thường bao nhiêu.
Sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt trở lại nhiệm sở Gia Định Thành, quân và dân tại đây đã tố Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý, cha của một trong những nàng hầu của vua Minh Mạng về 10 việc, trong đó có việc tham nhũng và sách nhiễu dân trong công cuộc đào một con kênh tại Sài Gòn.
Đến đây là sự đối chọi giữa tin giả và tin thật. Không rõ căn cứ vào đâu, có lẽ từ một vài cây bút người Pháp, người ta loan rằng ngay sau khi vừa nhận được tố cáo đối với Huỳnh Công Lý, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã lấy quyền “tiền trảm hậu tấu” chém ngay viên phụ tá, đặt vua Minh Mạng trước việc đã rồi, không thể thực hiện ý đồ che chở cho ông cha vợ bằng cách lệnh đưa ông ta về triều.
Song sự thật lịch sử lại một lần nữa tố cáo mưu định dùng một kịch bản dàn dựng nhằm làm xấu đi mối quan hệ giữa vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt. Sách Đại Nam Thực Lục chép rằng ngay sau khi nhận được lời tố cáo Huỳnh Công Lý, ông Duyệt đã tâu ngay về triều và vua Minh Mạng đã cho đình thần hội bàn và quyết định giữ Lý ở lại Gia Định để dễ truy xét, đồng thời cử người ở bộ Hình về cùng phối hợp với Tào Hình ở Gia Định Thành để xét hỏi. Không có sự bao che nào cả!
Trong các phiên họp với đình thần, nhà vua thường xuyên đem trường hợp của Huỳnh Công Lý ra để làm gương. Cuối cùng, đến tháng 5 âm lịch 1821, sau khi việc tra xét đã hoàn tất, vua Minh Mạng ra lệnh giết Lý, tịch thu toàn bộ gia sản, trả lại cho binh dân (Đại Nam Thực Lục – tập hai - sđd – trang 134). Không có chuyện tiền trảm hậu tấu của Tả quân Lê Văn Duyệt! Thậm chí, ngay sau vụ việc này, vua Minh Mạng đã thưởng cho Tả quân “gia một cấp quân công” (ĐNTL – sđd - trang 195)
- Nếu có một bất đồng ngấm ngầm nào đó giữa vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt thì có lẽ đáng nói nhất là vấn đề Cơ Đốc giáo. Có thể vì đã từng chiến đấu chung với nhiều người Pháp (Chaigneau, Vannier, Le Brun, De Puymanel …) trong thời kỳ nội chiến với nhà Tây Sơn, Lê Văn Duyệt có một cái nhìn nhẹ nhàng hơn về Cơ Đốc giáo, trong khi từ thập niên 1820, vua Minh Mạng đã bắt đầu chiến dịch chống lại sự rao giảng tôn giáo này.
Những năm 1826 -1827, triều đình lấy cớ hai viên chức người Pháp là Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) và Vannier (Nguyễn Văn Chấn) đã xin về Pháp (1824), không còn ai làm thông ngôn, yêu cầu các địa phương vận động giáo sĩ Pháp về Huế đảm trách giúp việc này. Trong chức trách của mình, Lê Văn Duyệt vận động hai giáo sĩ Gagelin và Odorico ra Huế; nhưng không lâu sau, ông được biết việc tìm thông ngôn chỉ là cái cớ, mục đích chính của triều đình Huế là giam lỏng hầu hết các giáo sĩ tại kinh thành, trong đó có cả Giám mục Taberd.
Cảm thấy có trách nhiệm trong chuyện này, Lê Văn Duyệt vội vàng cho sao một số trong 14 bức thư mà chúa Nguyễn Ánh đã viết gửi cho Giám mục Bá Đa Lộc cùng một số giáo sĩ và viên chức Pháp (để yêu cầu hỗ trợ đánh nhà Tây Sơn) vào những thập niên cuối thế kỷ 18, rồi xin ra Huế bệ kiến nhà vua. Sau một thời gian chờ đợi, ông được vua Minh Mạng cho về triều để dự lễ lục tuần khánh tiết (mừng thọ 60 tuổi) của Thuận Thiên Hoàng Thái hậu. Mấy tháng sau chuyến đi đó của ông, Giám mục Taberd và các giáo sĩ được thả về địa phương. Trong bức thư đề ngày 8.2.1828 đăng trên Tập san Truyền bá Đức tin (tập IV), Giám mục Taberd đã viết về ông như sau:”…Ông xứng đáng được người Pháp nhớ ơn…Ông được gọi là Thượng công, là người đầu tiên và cũng là người duy nhất trong số các quan lại được nhà vua nễ sợ… Những quan lại khác cũng rất yêu mến ông, bởi vì họ biết rằng ông là người chính trực; bọn trộm cướp rất sợ ông vì chúng biết là rơi vào tay ông sẽ bị chém đầu, mà không có hi vọng gì dùng tiền bạc để mua chuộc ông, như đã mua chuộc nhiều người khác….” (Bulletin des Amis du Vieux Hue số 1 năm 1926, trang 2-3)
Tuy nhiên, mối bất đồng trên không phải là lý do chính để giải thích về sự ra đời của bản án buộc tội ông Duyệt vào năm 1835, sau khi cuộc nổi dậy tại thành Phiên An (Gia Định) bị dẹp tan.

FB_IMG_1568165095551.jpg
Lê Nguyễn
11.9.2019
 
Top Bottom