1. Chiến dịch Hồ Chí Minh.
- Ngày 25 – 3 -1975, Bộ chính trị Trung ương Đảng khẳng định “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam và hạ quyết tâm tập trung lực lượng giải phóng xong trước mùa mưa. Lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định và đặt tên cho chiến dịch là chiến dịch Hồ Chí Minh. Cả nước ra quân với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng”, tư tưởng chỉ đạo là thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng”.
- Với chiến thuật bao vây chia cắt địch ở vòng ngoài, tiêu diệt chúng còn đại bộ phận quân giải phóng là tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ngày 9 – 4 -1975, quân ta tiến công Xuân Lộc – một căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch, bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông. Tại đây đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt.
- Ngày 16 – 4 – 1975, quân ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang.
- Ngày 18 – 4 -1975, trước tình hình trên Chính phủ Mĩ đã ra lệnh di tản người Mĩ ra khỏi Sài Gòn.
- Ngày 21 – 4 -1975, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy.
- Tuyến phòng thủ Phan Rang, Xuân Lộc bị chọc thủng, thủ đô của Cam-pu-chia được giải phóng đã làm cho nội bộ Mĩ ngày càng hoảng loạn. Ngày 21 – 4 -1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống. Quân ta nhanh chóng áp sát và hình thành thế bao vây. 17h ngày 26 – 4 -1975, 5 cánh quân của ta từ các hướng chiến lược được lệnh là vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào Sài Gòn, mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh.
- Ngày 28 – 4 -1975, pháo ta đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
- Đêm 28 rạng 29 – 4 -1975, tất cả các cánh quân của ta đồng loạt tấn công vào trung tâm thành phố đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch như: bộ tổng tham mưu Ngụy, dinh Độc lập, biệt khu Thủ đô, tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất.
- 9h30 phút ngày 30 – 4 -1975, Dương Văn Minh kêu gọi ngừng bắn để điều đình giao chính quyền nhằm cứu quân Ngụy khỏi sự sụp đổ.
- 10h45 phút ngày 30 – 4 – 1975, xe tăng ta tiến thẳng vào dinh Độc Lập, bắt sống ngụy quyền, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
- 11h30 phút ngày 30 – 4 – 1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc phủ tổng thống Ngụy báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.
- Thừa thắng sau khi giải phóng Sài Gòn, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại nhất tề đứng lên tiến công và nổi dậy. Đến ngày 2 – 5 -1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, các đảo và quần đảo thuộc Trường Sa cũng được giải phóng.
Về câu hỏi thứ hai của em, chị nghĩ em nên làm rõ lại nội dung câu hỏi "nguyên nhân của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước" là sao?
2. Ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
a. Ý nghĩa trong nước.
- Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thắng lợi đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
- Chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỉ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, xóa bỏ mọi trở ngại trên con đường tiến hóa của dân tộc.
- Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ vững chắc những thành quả mà nhân dân ta đã đạt được sau cách mạng tháng Tám, phát triển những thành quả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, xóa bỏ trở ngại trên con đường thực hiện thống nhất đất nước.
- Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã mở ra kỉ nguyên mới của cách mạng Việt Nam: cả nước độc lập thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cùng với trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ đã cắm mốc vinh quang trong quá trình đi lên của lịch sử dân tộc.
b. Đối với thế giới.
- Đối với Mĩ: Kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân Việt Nam thắng lợi là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mĩ, nó đập tan cuộc phản công lớn nhất của đế quốc Mĩ vào các lực lượng cách mạng thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mĩ ở Đông Nam Á, góp phần làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng.
- Đẩy lùi trận địa của Chủ nghĩa đế quốc, góp phần tăng thêm đồng minh và mở rộng trận địa của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
- Làm suy yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng cường sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân hai nước anh em Lào và Cam-pu-chia.
- Cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới và của các dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
- Cống hiến vào kho tàng lí luận quân sự thế giới một mẫu mực về nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân điển hình đánh bại một nước đế quốc hùng mạnh nhất.