Sử 7 Khai hoang

T

thaonguyenkmhd

bạn tóm tắt lại nha !!!

Đúng ra, việc khai hoang miền Đông Nam Bộ buổi ban đầu là do di dân người Việt tự động vượt biển vào đây tìm đất lập nghiệp không có sự can thiệp hay tổ chức gì của các chúa Nguyễn.



Chỉ từ năm 1698, khi Nguyễn Hữu Kính (có sách gọi là Cảnh) theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào "kinh dịch" (tổ chức việc quản lý hành chính, kinh tế, xã hội) thì đất Đông Phố (tên cũ gọi chung đất Biên Hòa - Gia Định ngày nay) mới bắt đầu chịu sự cai trị của các chúa Nguyễn, và dân số ở đây đã có hơn 10.000 hộ với 200.000 khẩu.



Vì vậy, nét đặc trưng độc đáo nhất của đất Nam Bộ là ngay từ đầu và trong suốt 300 năm sau, đều thuộc quyền tư hữu của nông dân hay điền chủ, chứ không bao giờ thuộc quyền sở hữu tập trung của nhà vua như ở miền Bắc, miền Trung, mặc dù về danh nghĩa quy định đất đai là tài sản của nhà vua. Không phải chỉ dưới thời các chúa Nguyễn trong các thế kỷ XVII, XVIII mà ngay cả dưới thời các vua Nguyễn từ thế kỷ XIX trở đi, để khuyến khích dân đẩy mạnh khai hoang, vua quan triều Nguyễn vẫn mặc nhiên thừa nhận quyền tư hữu đất đai của những người có công khai phá. Trong Gia Định thành thông chí một tác phẩm được viết đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức đã phản ảnh lại tình hình này như sau: "Dân ở vùng này đều có thể tự do đi khai khẩn đất ruộng ở các vùng khác, ai muốn đến ở đâu, khai khẩn ruộng gò, ruộng thấp ở nơi nào tùy ý. Lựa chọn đất đai rồi chỉ cần khai báo với nhà cầm quyền là mình trở thành nghiệp chủ khoảnh đất ấy, chính quyền cũng không đo đạc xem diện tích bao nhiêu, không cần biết đất ấy tốt xấu thế nào. Người nghiệp chủ tùy theo điền sản mình chiếm rộng hẹp mà tự nguyện nộp thuế nhiều hay ít và nộp thuế bằng thóc dùng hộc già hay hộc non đong cũng được".

Chỉ từ thế kỷ XVIII trở đi, khi có những đợt di dân khẩn hoang lớn do chính quyền nhà Nguyễn tổ chức, do binh lính thực hiện, hay do "dân có vật lực" chiêu mộ đi khẩn hoang lập đồn điền thì tình trạng di dân tự do khai hoang mới không còn dễ dàng nữa.

Như vậy là quá trình khai hoang châu thổ Nam Bộ dưới thời nhà Nguyễn đã được tiến hành qua ba giai đoạn theo ba phương thức:
Giai đoạn đầu trong thế kỷ XVI đến năm 1698, do từng nhóm nhỏ di dân người Việt ở miền Bắc, miền Trung đi lẻ tẻ vào theo hai hướng đường biển và đường bộ, chỉ dừng lại ở miền Đông khai khẩn những vùng đất cao ven sông, nơi có nước ngọt hay ở những vùng giáp ranh con nước giữa ngọt mặn mới có thể sinh hoạt và trồng trọt.

Giai đoạn hai là dưới thời các chúa Nguyễn trong thế kỷ XVII, XVIII (từ 1698, đến cuối thế kỷ XVIII). Trong giai đoạn này phương thức từng nhóm nhỏ đi lẻ tẻ vào khai hoang vẫn còn tiếp tục, nhưng chủ yếu đã thêm hai phương thức mới:

Một là, việc khai hoang lập đồn điền của binh lính quan lại và kẻ giàu có - "dân có vật lực" - chiêu mộ dân từ Đàng Trong vào lập nên những điền sản lớn - những đồn điền quân sự hay dân sự.

Hai là, do các đoàn quân tướng người Hoa, nguyên là quan lại nhà Minh không chịu khuất phục nhà Mãn Thanh, bỏ chạy sang Việt Nam xin tị nạn làm ăn. Họ cũng tiến hành khai khẩn đất hoang phát triển nghề nông lúc đầu, nhưng chủ yếu chỉ nhằm phục vụ cho việc tồn tại của họ để về sau xây dựng chợ búa, phố xá, đô thị, đẩy mạnh việc mua bán, phát triển thành các vùng Cù Lao Phố, Nông Nại đại phố và Cảng Mang Khảm - Hà Tiên sầm uất phát đạt một thời.

Giai đoạn ba dưới các thời vua triều Nguyễn trong thế kỷ XIX (1802 - 1883) Sau khi thắng Tây Sơn, lên ngôi vua năm 1802, Gia Long vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc khai hoang ở đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở các chúa Nguyễn đã đạt được trong thế kỷ XVII, XVIII với tốc độ nhanh hơn, nhất là với các công trình đào kênh lớn như kênh Rạch Giá - Hà Tiên, kênh Vĩnh Tế... Nhà Nguyễn đẩy mạnh tốc độ khai hoang trong thế kỷ XIX nhằm 3 mục tiêu:

Một là, mở mang đất đai canh tác để phát triển sản xuất lương thực, đồng thời để tăng thêm nguồn thu tô thuế.

Hai là, để bảo đảm an ninh quốc phòng nhất là vùng biên giới phía Tây, thường có quân Xiêm quấy phá và dân bản địa vùng Ba Xuyên - Tịnh Biên cũng đã từng nổi dậy chống nhà Nguyễn. Việc khai hoang, lập đồn điền, đào kênh rạch ở vùng này nhằm mục đích chính yếu là kiểm soát, đề phòng và khống chế sự xâm lược của quân Xiêm và sự chống đối của dân địa phương.

Ba là, phát triển giai cấp địa chủ làm chỗ dựa cho chính quyền nhà Nguyễn ở Nam Bộ.

Sự quan tâm đặc biệt của các vua triều Nguyễn về việc đẩy mạnh khai hoang ở Nam Bộ thể hiện rõ trong con số tỷ lệ sau đây: Từ năm 1802 đến 1855, nhà Nguyễn đã ban hành 25 sắc dụ về việc tổ chức khai hoang trên toàn quốc, trong đó có đến 16 sắc dụ cho Nam Bộ, hai ở miền Bắc, một ở Kinh kỳ và sáu ở nơi khác.

Nhà Nguyễn cũng đã có nhiều biện pháp khai hoang tích cực:

Trước hết, vẫn khuyến khích di dân tự do khai phá đất hoang bằng nhiều thủ tục dễ dãi và tự do lựa chọn nơi khai phá, thậm chí vẫn còn trợ cấp thêm tiền thóc, nông cụ, có lệ khen thưởng bằng tiền và phẩm hàm chức sắc cho những ai khai hoang nhiều với các mức cụ thể từ 20 mẫu đến 800 mẫu, và cũng có lệ phạt bằng tiền, trừ lương và phạt đánh từ 60 trượng đến 100 trượng đối với các quan chức có trách nhiệm mà để ruộng đất bỏ hoang nhiều hay ít.

Hai là, ra lệnh cho quan lại địa phương phải bảo đảm mức khai hoang lập làng mới để phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh quốc phòng, nhất là ở vùng biên giới với chính sách được miễn thuế 3 năm nay hay lâu hơn và được thưởng phạt rõ ràng nghiêm khắc.

Ba là bản thân triều đình cử những đại quan đứng ra tổ chức binh lính hay mộ dân khai hoang lập đồn điền, xây dựng làng ấp, và đào những công trình thủy lợi quy mô để phát triển nông nghiệp và giao thông đường thủy.

Do đó, công cuộc khai hoang đào kênh phát triển nông nghiệp ở Nam Bộ dưới thời các vua Nguyễn nổi lên 3 đặc điểm đáng chú ý sau đây:

Một là, triều đình cử đại quan trực tiếp thực hiện.

Hai là, với những công trình thủy lợi quy mô lớn bằng hệ thống kênh mương nhân tạo thích hợp để giải quyết tích cực việc dẫn thủy nhập điền phát triển nông nghiệp.

Ba là, bên cạnh lực lượng cá nhân nhóm nhỏ lẻ tẻ tiểu nông và quân lính quan lại triều đình, lực lượng "dân có vật lực" chiêu mộ người nghèo đi khai hoang lập ấp ngày càng nhiều do chính sách khen thưởng khích lệ tích cực của triều đình, tạo ra tầng lớp điền chủ mới đông đúc, đưa đến tình trạng tranh giành, kiêm tính, chiếm đoạt ruộng đất, làm cho quá trình tập trung tích tụ ruộng đất bắt đầu với những điền chủ lớn có điền trang, điền sản mênh mông.

Cộng cả 3 lực lượng với những biện pháp và phương thức năng động tích cực nói trên, công cuộc khai hoang phát triển nông nghiệp ở Nam Bộ trong thời gian này đã đạt được những thành quả to lớn hơn 2 thế kỷ trước mà chủ yếu là mở rộng thêm đồng bằng miền Tây. Theo kết quả đo đạc của các đại thần Trương Đăng Quế, Nguyễn Kim Bảng, Trương Minh Giảng vào năm 1836 để lập điền bộ chính thức đầu tiên của 6 tỉnh thuộc Gia Định thành ghi rõ trong Quốc triều chính biên toát yếu thì tổng diện tích đất đai đã khai phá được của toàn Nam Bộ lúc bấy giờ là: "Nguyên trưng điền thổ 20.197 sở, 13 giây 8 đám và linh tinh 3.464 mẫu, nay đo đạc thành điền thổ khoảng hơn 60.075 mẫu và nguyên trước là ngạch ruộng hơn 65 sở, nay khám thành ao nuôi cá cả thảy 1.017 miếng". Về sau đến năm 1869, thực dân Pháp có công bố lại về con số này là 591.100 mẫu tức là 295.550 ha (trong Annuaire de la Cochinchine).

Con số cụ thể có thể thêm bớt ít nhiều, nhưng qua ba giai đoạn khai hoang trên 300 năm đã lần lượt hình thành 5 trung tâm phát triển nông nghiệp xung quanh những trung tâm đô thị sầm uất.

Khu vực dọc theo trục giao thông thủy bộ Mô Xoài - Bà Rịa - Trấn Biên (Biên Hòa - Đồng Nai) mà tâm điểm có thời là Cù Lao Phố, một thương cảng lớn nhất ở miền Nam lúc bấy giờ. Hệ thống địa điểm định cư phát triển nông nghiệp của vùng này là Bà Rịa, Đồng Môn, Long Khánh, Tân Uyên, Thủ Đức, Giồng Ông Tố, Thủ Thiêm, Nhà Bè, Thủ Dầu Một, Lái Thiêu...

Khu vực vùng Bến Nghé - Sài Gòn (Phiên Trấn). Sài Gòn hay Sài Côn mà trước là Prei Noker, mà ngày nay là Chợ Lớn. Đây là một vùng canh tác nông nghiệp lúa nước rộng lớn, kéo dài, bao trùm cả ngoại vi Bến Nghé, Sài Gòn, Cần Đước đến Gò Công, Cửa Đại, Ba Lai. Lấy tên là vùng Bến Nghé - Sài Gòn vì Bến Nghé - Sài Gòn là tâm điểm của vùng này. Suốt 300 năm qua đây là một trung tâm thương mại, một thương cảng, một đô thị lớn nhất của Nam Bộ và miền Nam. Tâm điểm này nối liền với Cù Lao Phố. Nó nằm cạnh ranh trấn Gia Định, an ninh được bảo đảm hơn, thị trường mua bán rộng rãi hơn, nên nó phát triển rất nhanh, thay thế vị trí Cù Lao Phố suốt thế kỷ XVIII, XIX trở đi.

Vùng Ba Giồng (bao gồm một phần 2 huyện Phước Long, Tân Bình và bao trùm cả vùng Vũng Cù tức Tân An và Vàm Cỏ ngày nay). Đây là vùng đất canh tác nông nghiệp rất tốt, năm 1679 chúa Hiền đã cho phép Dương Ngạn Địch đem 1.000 quân lính và gia nhân đến khai phá lập nghiệp ở đây. Đến năm 1741 vùng này đã phát triển sung túc, nhiều thóc gạo. Kho lúa Cam Lạch (một trong chín kho lớn toàn quốc) đã được thiết lập ở đây để thu tô thuế tải về kinh.

Khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long ven sông Tiền, sông Hậu đến tận ven sông Vàm Cỏ gọi là vùng Mỹ Tho - Long Hồ (Vĩnh Long - Mỹ Tho - Cần Thơ - An Giang). Vùng đất này có một tầm quan trọng đặc biệt về cả hai phương diện chiến lược: bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển nông nghiệp. Tiền Giang và Hậu Giang là đường chuyển quân chính yếu giữa miền Nam và Cao Miên. Đây là vùng đất phì nhiêu màu mỡ rất tốt, quanh năm có nước ngọt, mùa lũ không ngập, một vùng đất lý tưởng để làm ruộng, trồng màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng cau, dừa và các loại cây trái đặc sản. Về sa, đã sớm trở thành vựa lúa giàu có nhất nước. Đây cũng là vùng giàu có nhất nước về cây ăn quả, về thủy hải sản. Ba nền văn minh về nông nghiệp của Nam Bộ chủ yếu cũng xuất hiện phần lớn ở vùng này. Đó là văn minh lúa nước, văn minh miệt vườn và văn minh kênh rạch Nam Bộ.

Khu vực Mang Khảm - Hà Tiên - Phú Quốc - Rạch Giá - Cà Mau còn gọi là vùng Hương Úc, Trảng Ké, Cần Bột, Gi Khê... Vùng này do quân lính và gia nhân cánh Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ khai khẩn và phát triển thành một thương cảng phồn vinh rất sớm. Phần nông nghiệp chỉ là thứ yếu của một số thổ dân và người Việt di cư đến đây từ trước. Còn cánh quân người Hoa của Mạc Cửu chỉ lo buôn bán và mở sòng bạc.

Nhìn chung lại, triều Nguyễn có công khai phá đất hoang, đào kênh mương, phát triển nông nghiệp ở vùng đất Nam Bộ của họ, mặc dù người thực hiện công việc này chủ yếu là nhân dân lao động, là di dân người Việt dưới sự điều hành trực tiếp của một số đại thần tài năng trung thực hết lòng vì dân vì nước như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Thoại, Trần Đình Túc... Trong đó việc cần đặc biệt nhất đáng nhấn mạnh là việc tổ chức đo đạc, vẽ lại bản đồ, lên sổ địa bạ đầy đủ, rõ ràng đất khai phá được ở Nam Bộ. Có thể nói đây là một công lao to lớn đối với việc mở mang khai khẩn xây dựng đất nước, phát triển kinh tế văn hóa Việt Nam nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng.

Ngay trong những sổ địa bạ lúc bấy giờ, các vua triều Nguyễn đã sớm xác định chủ quyền đất đai của nước ta tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc. Trường Sa đã được ghi rõ thuộc địa bộ Gia Định Thành.
 
N

nhocphuc_pro

-Mở mang đất đai canh tác để phát triển sản xuất lương thực để tăng tô,thuế
-Để bảo đảm an ninh quốc phòng nhất là vùng biên giới phía Tây, thường có quân Xiêm quấy phá và dân bản địa vùng Ba Xuyên - Tịnh Biên cũng đã từng nổi dậy chống nhà Nguyễn. Việc khai hoang, lập đồn điền, đào kênh rạch ở vùng này nhằm mục đích chính yếu là kiểm soát, đề phòng và khống chế sự xâm lược của quân Xiêm và sự chống đối của dân địa phương.
- Phát triển giai cấp địa chủ làm chỗ dựa cho chính quyền nhà Nguyễn ở Nam Bộ.
p/s: thấy không tác dụng là những cái lợi cho Vua thôi chứ dân không hưởng
 
M

muttay04

1. Thành quả khai hoang doanh điền nửa đầu thế kỷ XIX Vào nửa đầu thế kỷ XIX, hình thức khai hoang doanh điền đã mạng lại những kết quả ban đầu khả quan, nhiều làng, ấp, tổng, huyện được thành lập cả ở ngoài Bắc, trong Nam và miền Trung. Được triều đình phê duyệt dự án khai hoang, chỉ sau một thời gian ngắn chưa đầy 2 năm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng với các tầng lớp nhân dân lao động đã tạo ra một diện mạo mới mẽ cho vùng đất bồi các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng. Đó là việc hai huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và hai tổng Hoành Thu - Ninh Nhất (huyện Giao Thủy - Nam Định) chính thức ghi tên vào bản đồ Việt Nam. Tháng 10 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), huyện Tiền Hải chính thức được khai sinh với 7 tổng: “Tân Cơ, Tân An, Tân Định, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Bồi gồm 14 lý (làng), 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, số đinh được hơn 2350 người, số ruộng được hơn 18.960 mẫu” [4, tr. 778]. Năm tháng sau khi huyện Tiền Hải ra đời thì huyện Kim Sơn cũng hình thành (3/1829), chia làm 5 tổng, gồm “3 lý (làng), 22 ấp, 24 trại, 4 giáp với số đinh ban đầu 1260 người, số ruộng khai khẩn được là 14.620 mẫu” [4, tr. 843]. Cũng trong thời gian đó, Nguyễn Công Trứ tiến hành khai khẩn ở nhiều nơi và thu được nhiều kết quả lớn lao. Tổng Hoành Thu (Giao Thủy - Nam Định) được bắt đầu khai khẩn vào tháng 3/1828 đến đầu năm sau thì căn bản được hình thành với 14 ấp, trại, giáp, có 385 mẫu ruộng đất và 301 đinh. Tổng Ninh Nhất cũng được thành lập với 9 làng, ấp, trại, giáp, có 345 suất đinh và 4120 mẫu ruộng đất [1, tr. 29]. Có thể nói, thành quả trên là công lao to lớn của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Ở trong Nam, sau một năm thực hiện vào 7/1854 Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương đã báo cáo về triều đình lập được 124 làng ấp tất cả. Sách Đại Nam thực lục chép, “Gia Định 32 ấp, Vĩnh Long 60 ấp, An Giang 23 ấp, Định Tường 9 ấp, cộng 124 ấp” [5, tr. 326]. Còn theo tác giả Nguyễn Đình Đầu trong tác phẩm “chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh” thì đợt khai hoang lập ấp năm từ 1853 đến giữa năm 1854 của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương có “260 thôn ấp” [2, tr. 170]. Xuôi về miền Trung - Khánh Hòa thì kết quả có hạn chế hơn nhiều so với 2 đợt khẩn hoang trên. Sử sách triều Nguyễn chỉ cho biết “viên phủ Diên Khánh là Đỗ Thúc Tĩnh mộ được hơn 150 nhân đinh, và thiết lập làm 4 thôn” [5, tr. 373].
Như vậy, vào nửa đầu thế kỷ XIX, hình thức khai hoang doanh điền đã đem lại những kết quả lớn lao cả ở ngoài Bắc lẫn trong Nam. Nguyên nhân thì có thể lý giải rằng, một mặt đây là hình thức khai hoang do Nhà nước đứng ra tổ chức, quy hoạch và đặc biệt là cấp vốn cho nhân dân làm; biện pháp khai hoang đề ra và thực hiện một cách bài bản, linh hoạt tùy theo đặc điểm từng địa phương. Mặt khác, những người đứng ra tổ chức công cuộc khai hoang: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương là những người có năng lực, biết nhìn xa trông rộng, hết sức hết lòng vì dân vì nước. Kết quả trên cho thấy, đây là một thắng lợi lớn của sự kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân trong khai hoang, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
2.2.2. Một vài ý nghĩa và tác động của khai hoang doanh điền với kinh tế xã hội Việt Nam đương thời
- Thứ nhất, góp phần mở mang đất đai canh tác phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Với kết quả khai hoang ở đồng bằng Bắc Bộ của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mà chúng tôi đã làm rõ ở trên, xin thống kê lại tổng số ruộng đất theo bảng sau:

Còn công cuộc khai hoang lập ấp ở trong Nam, nguồn sử liệu thành văn của triều Nguyễn chưa cho biết cụ thể số ruộng đất khai khẩn được là bao nhiêu; nhưng theo tác giả Nguyễn Đình Đầu trong tác phẩm “Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh” thì cho biết, diện tích khai hoang dành cho mỗi dân mộ thường là từ 2 đến 6 mẫu [2, tr. 165]. Vậy tính trung bình mỗi người dân mộ là 4 mẫu/người. Theo quy định của nhà nước lúc đó thì những người mộ dân lập ấp tối thiểu phải được 10 người nhưng tối đa là 100 người. Thành thử trung bình mỗi thôn ấp là 55 người/làng ấp. Căn cứ theo kết quả khai hoang năm 1853 của Nguyễn Tri Phương báo về triều đình và được Đại Nam thực lục ghi lại là 124 làng ấp. Vậy, theo tính toán của chúng tôi thì chúng ta có những kết quả sau:
- 55 người/1 làng ấp x 4 mẫu/ người = 220 mẫu
- 124 làng ấp x 220 mẫu = 27.280 mẫu
Như vậy, theo phỏng tính của chúng tôi thì đợt khai hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh năm 1853 mang lại khoảng trên 27.280 mẫu ruộng đất. Vậy là, tổng số ruộng đất ở trong Nam và ngoài Bắc nửa đầu thế kỷ XIX mà hình thức khai hoang doanh điền đem lại là 65.365 mẫu ruộng đất. Trên thực tế, có thể số ruộng đất khai hoang được từ doanh điền lớn hơn nhiều, một phần không được sử sách triều Nguyễn ghi chép đầy đủ, phần khác do tình trạng ẩn lậu ruộng đất ở các địa phương. Nếu như tổng diện tích ruộng đất thực trưng năm 1840 là 4.063.892 mẫu, thì năm 1847 là 4.278.013 mẫu và năm 1865 là 4.617.435 mẫu [6, tr. 103]. Điều này chứng tỏ, việc tăng diện tích ruộng đất thực trưng là kết quả của việc khai hoang nói chung, trong đó ruộng đất từ khai hoang doanh điền đóng góp một phần nhất định.
- Thứ hai, tăng nguồn thu tô thuế cho nhà nước, củng cố chính quyền trung ương. Dưới chế độ phong kiến nói chung và dưới triều Nguyễn nói riêng, một phần trong nguồn tô thuế đó có sự đóng góp từ ruộng đất được khai hoang. Có nghĩa là, kết quả của những cuộc khai hoang có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế. Ruộng đất khai hoang càng nhiều thì tỷ lệ với nó là số ruộng đất đóng thuế nhiều lên và dĩ nhiên số lượng thuế thu được cho nhà nước cũng gia tăng. Với diện tích ruộng đất mang lại từ hình thức khai hoang doanh điền như chúng tôi thống kê ở trên thì chắc chắn ít nhiều có sự đóng góp vào nguồn lợi cho quốc gia. Cũng chính vì vậy, trong bản điều trần của Nguyễn Công Trứ dâng lên vua Minh Mạng để xin khai hoang vùng Kim Sơn và Tiền Hải cũng nhấn mạnh vấn đề thu lợi cho ngân sách quốc gia, “nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng” [4, tr. 719]. Bên cạnh đó, với hình thức khai hoang doanh điền, còn kéo theo việc một bộ phận nông dân lưu tán không đăng ký hộ tịch được chiêu mộ đến những địa điểm khai hoang lập thành làng ấp và vì vậy, vô hình chung mở rộng số người đóng thuế đinh, lao dịch, binh dịch cho nhà nước.
- Thứ ba, là tiền đề để nó phát triển trên quy mô lớn trong cả nước nửa sau thế kỷ XIX. Không chỉ dừng lại ở nửa đầu thế kỷ XIX, khai hoang doanh điền còn phát triển mạnh mẽ vào những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ này. Đầu tiên là việc thành lập các doanh điền ở An Giang, Hà Tiên. Năm 1865, triều Nguyễn cho đặt Nha Doanh điền ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên. Năm sau đó Nha Doanh điền ở đây tâu là mộ được 500 người, khai khẩn được 300 mẫu ruộng. Năm 1866, Doanh điền sứ An Giang, Hà Tiên báo cáo về triều đình là mộ được 1.646 đinh, khẩn được 8.333 mẫu ruộng và 149 thôn được thành lập. Còn ở Vĩnh Long, Doanh điền sứ tỉnh này cũng báo cáo về triều đã mộ được 600 đinh, 2.700 mẫu ruộng được khai khẩn, thành lập dược 41 xã, thôn. Năm 1870, Nhà nước đặt Nha Doanh điền ở An Khê (Bình Định), thành lập được 8 ấp: Tân Trạch, Tân Cư, Tân Tụ, Tân Khai, Tân Lai, Tân Tư, Tân Lập, Tân Tạo. Năm 1871, Doanh điền Tiền Hải được thành lập, Doanh điền sứ Doãn Khuê tiến hành khai hoang vùng ven biển Thụy Anh (Thái Bình). Năm 1876, Doanh điền sứ Thừa Thiên là Trần Đình Túc, Nguyễn Lâm mộ được 205 người, khẩn được 3093 mẫu ruộng đất. Năm 1880, bắt đầu Nhà nước đặt Nha Doanh điền ở Quảng Bình do Doanh điền sứ Bùi Ngọc Thụ đứng đầu. Có thể nói, với những cứ liệu trên, khai hoang doanh điền thực sự mang lại nhiều thành tựu lớn lao và phát triển rộng rãi với quy mô lớn trong cả nước không chỉ nửa đầu thế kỷ XIX mà cả những thập niên sau đó của thế kỷ này.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi cũng thấy rằng khai hoang doanh điền cũng góp phần vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Vì đơn giản việc khai thác những vùng đất mới để lập nên các làng ấp, mở mang kinh tế thường gắn liền với yêu cầu giữ vững an ninh nội địa, bảo vệ biên ải. Điều này cũng dễ hiểu khi thời kỳ này quân Xiêm luôn có những hành động quấy rối nước ta, nhất là những vùng Châu Đốc, Long Xuyên, vùng biên giới Việt - Miên mà tác giả Sơn Nam đã nói khá rõ trong Lịch sử khẩn hoang Miền Nam.

:khi (79)::khi (79)::khi (79)::khi (79):
 
Last edited by a moderator:
M

muttay04

III. Kết luận
Xét về góc độ kinh tế - xã hội, chỉ trong vòng hơn hai thập niên áp dụng vào nửa đầu thế kỷ XIX, khai hoang doanh điền đã đem lại những thành tựu lớn lao ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, từ vùng đồng bằng Bắc Bộ cho đến đồng bằng sông Cửu Long. Hàng trăm thôn ấp, làng, xã, tổng, huyện được thành lập, làm tăng đáng kể diện tích đất đai canh tác trong cả nước lúc bấy giờ, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp ở nông thôn, góp phần phân bố lại dân cư, đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Là hình thức khai hoang kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm, thế nên, dù xuất phát từ mục tiêu và lợi ích nào thì khai hoang doanh điền không thể tách rời sự tổ chức chỉ đạo của Nhà nước, và do đó hiệu quả của hình thức khai hoang doanh điền là biểu hiện một mặt tích cực của triều Nguyễn lúc bấy giờ.
Thành công ở hình thức khai hoang doanh điền nửa đầu thế kỷ XIX, trước hết phải nói đến tinh thần lao động cần cù, hăng say và ý chí bất khuất trước mọi khó khăn, gian khổ của các tầng lớp nhân dân lao động một nắng hai sương, đặc biệt là những người nông dân nghèo. Bên cạnh đó, lịch sử cũng ghi nhận công lao to lớn của những người đứng ra tổ chức khai hoang như: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương... Họ thực sự là những nhà khẩn hoang lỗi lạc nửa đầu thế kỷ XIX. Chính họ đã tạo nên một sự chuyển động mạnh mẽ trong lịch sử di dân, phân bố dân cư, khai thác tiềm năng đất đai to lớn của đất nước lúc bấy giờ.

:khi (4)::khi (4)::khi (4)::khi (4):
 
Top Bottom