Ngày còn nhỏ, tôi thường nghe dì dượng kể về chuyện tình của họ. Một tình yêu thật đẹp được tô điểm bằng những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà cả hai người đều rất thích.
Hôm vào nhà sách, thấy tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn, tôi mua ngay gởi tặng dì dượng. Người bạn gái đi cùng bỗng hỏi:
- Ba mẹ anh thích gì? Sao anh không mua tặng họ?
Tôi chợt giật mình. Tôi có vô tâm lắm không khi tôi cũng chẳng biết ba mẹ tôi thích điều gì nhất.
Mẹ nghèo đi ở mướn. Con nhỏ chạy chơi với "cậu chủ" cùng lứa. Chơi trò cưỡi ngựa: nó luôn làm ngựa, cậu chủ cưỡi lên lưng. Ngựa phi, ngựa phi vòng vòng, tấm lưng nhỏ oằn cong. Mẹ nhìn rưng rưng nước mắt.
Đêm về, thoa lưng con, mẹ hỏi:
- Sao con không đổi làm chủ ấy ?
Đứa trẻ bảo:
- Con thích cưỡi ngựa thật chứ không thích cưỡi ngựa người.
Mẹ ừ mà lòng chạnh xót xa
Chị lấy chồng. Anh là người thành đạt và giàu có. Thời gian rảnh, chị chỉ lo giữ gìn vóc dáng và săn sóc sắc đẹp. Bạn bè ai cũng ganh tị với anh.
Cơm tối. Anh cười: " Lâu quá rồi thấy thèm món bó xôi xào của em ".
Chị nhìn anh, giật mình. Món bó xôi hồi xưa chị xào, mềm mụp. Lâu rồi chị chưa vào bếp
Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út - cấp II, cấp III, tú tài, đại học - Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
… Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”.
Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!”.
Năm nhất:
Cả khu nhà trọ sinh viên chỉ có vài chiếc xe máy. Chị vui vẻ đi xe đạp, quần áo giản dị và chơi với đám bạn “đồng hội đồng thuyền”.
Năm hai:
Xe máy rẻ, khu nhà trọ có vài người đã không đi xe đạp nữa. Chị vẫn như cũ.
Năm ba:
Chỉ còn hai đứa đi xe đạp. Chị chỉ mỉm cười.
Năm tư:
Chị có xe máy. Nhưng không còn chơi với người bạn “đồng hội đồng thuyền” ngày xưa và ăn bận thật “mốt”. Chị không còn là chị nữa…
Nắng trưa hè rát bỏng kèm theo đợt gió nóng. Thằng con từ ngoài ngõ vào mồ hôi nhễ nhại, áo quần lấm đầu bùn, tay giơ cao xâu cá vài con đòng đong, cân cấn. Giận quá, phế cho thằng con mấy roi. Đêm nằm, xoa mấy vệt lằn ở mông con, lòng xót xa, nghĩ lại ngày xưa: mẹ mất sớm, bố ở vậy nuôi con, sau mỗi lần bị đòn vì nghịch ngợm, đều thấy bố quay đầu đi, tay dụi mắt, ước gì trở lại ngày xưa bé để được ăn đòn của bố. Bố ơi !
Quê tôi có đội âm công lo nghi thức chôn cất. Trọng tâm nghi thức là bài hát đưa linh, có nhạc lễ phụ họa, với lời lẽ thống thiết bi ai do ông tổng tiền, nhân vật quan trọng nhất của đội âm công, diễn xướng trước linh cửu. Ông Biện suốt đời làm chức tổng tiền hát cho bao nhiêu đám.
Ông Biện qua đời, chưa có người thay thế, đội âm công buộc lòng phải phát trên loa bài hát đưa linh do chính ông hát được ghi âm từ trước. Nghe một người tự đưa tiễn linh hồn mình, mọi người dự tang lễ không khỏi ngậm ngùi.
Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.
Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..."
Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..."
Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..."
Con xin tiền đóng học phí học thêm Anh văn. Cha nói để cha tính. Mấy ngày sau cha mới có tiền đưa con.
Một lần trốn học, lũ bạn rủ con đi uống nước.
Ngồi trong quán, con giật mình khi thấy dáng một người rất quen: cha của con. Cha chạy xe ôm sau giờ làm việc. Con trách mình sao quá vô tâm
Thằng Nhân vừa về đến nhà, chưa kịp rửa mặt mũi tay chân liền sà vào lòng bà nội.
- Con đi thăm chị có vui không? Bà hỏi.
Thằng bé mặt buồn xo, phụng phịu:
- Chị Hiếu nói thương con, nhớ con. Vậy mà xin một cái áo mới để "tụ" trường mặc đi học chỉ cũng hổng cho. Nhà chỉ ở treo áo nhiều ơi là nhiều, đủ màu xanh đỏ tím vàng, đẹp ơi là đẹp...
Bà ái ngại nhìn cháu mà nước mắt ứa ra. Tội nghiệp con bé Hiếu của bà... Mười mấy tuổi đầu đã phải đi làm thuê cho người ta, mấy tháng rồi không dám về thăm nhà vì sợ hụt tiền đóng học phí cho em.
Trước, ở nhà tập thể, căn phòng hẹp tí chỉ đủ kê chiếc gường, cái bàn. Ba chạy xe đạp ôm. Mẹ ở nhà chăm sóc con. Con còn nhỏ hay khóc đòi quà. Ba mẹ vỗ về, con nín. Cả nhà cùng cười.
Sau, ba nghỉ chạy, vào làm trong một xí nghiệp. Mẹ phụ việc cho nhà người bà con. Rồi ba mẹ xây nhà mới khang trang hơn. Cả ba và mẹ đều bị cuốn mình vào công việc. Con lớn không còn khóc vòi vĩnh và thường được ba mẹ mua quà cho. Nhưng cả nhà ít khi cười cùng nhau.
Sinh nhật cháu nội tôi. Đủ mặt: ông bà nội, ông bà ngoại, cô, bác, chú, cậu, dì...
Tiệc mừng là một trái dưa hấu, mua rẻ cuối buổi chợ chiều, ở sạp hàng trái cây bán ế.
Căn phòng đầy ắp tiếng cười, tiếng ca... và truyện cổ tích.
Đã quá khuya... Cháu tôi, mắt lim dim, còn gặng hỏi: "Rồi... bà Tiên áo trắng hiện xuống... phải không ngoại?"...
Tôi bế mạc tiệc vui bằng bài thơ của Tế Hanh:
"Khi anh đi xe đạp
Đừng nghĩ đến người đi ô tô
Mà nghĩ đến người đi bộ ..."
Lũ. Ba nhắn lên " ... Nhà ngập, con đừng về! "
Mỗi tối, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây.
Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng.
Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: " Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó! "...
Con đường bấy lâu vắng ngắt nay bỗng nhiên đông nghẹt. Mọi người tụm lại quanh một người đàn ông và hai chú khỉ đang làm trò. Một chú khỉ tồng ngoầng đạp chiếc xích lô quanh vòng tròn người thu hẹp, rồi nhào lộn, chú khỉ khác thì lại kéo chiếc xe bò quanh để xin tiền dưới sự chỉ đạo của cái cây trên trên tay người đàn ông. Ai đó tự dưng ném vào nửa trái bắp luộc, chú khỉ kéo xe bò nhảy xổ đến chụp lấy, ăn ngấu nghiến. Mọi người cười vang trước những động tác ngộ nghĩnh, dễ thương ấy. Người đàn ông bỗng nhảy xổ vào giằng lấy trái bắp. "Khi có thức ăn nó sẽ không nghe lời." - Người đàn ông thanh minh.
Chú khỉ sau khi bị giật lấy trái bắp thì không còn chịu nghe lời. Người đàn ông lôi xềnh xệch lên một tấm ván, bắt nó nằm xuống rồi quất như mưa lên tấm lưng bé nhỏ, oằn con, đôi mắt nó nhìn người đàn ông long lanh, ngấn nước...! Xung quanh những nụ cười vẫn vang lên, bình thản!?!
Hồi nhỏ, ba có khiếu văn chương, tập viết thơ theo thời thượng, lắm khi toàn ca tụng người yêu. Nhờ vậy mà ngon ơ “cưa đổ” mẹ. Con gái lớn lên vừa đẹp vừa ngoan. Đậu học sinh giỏi văn, rồi lo thi học kỳ, tốt nghiệp đại học... Cô giáo bắt nộp báo tường, sợ không kịp bài, con gái khóc. Ba tiếp tục thức đêm, thơ đủ cả áo trắng, mây trời mà lòng canh cánh tiền thuốc thang cho mẹ.
Về hưu, hỏi sao không làm thi sĩ, ba chỉ lặng lẽ cười, mắt ưu tư.
Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- Giá như mẹ đừng đi xa thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
- Giá như đừng có dì thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên.
Cô rời quán lên xe. Phở ngon nhưng cô vẫn ăn không hết nửa.
Xe mới, nệm êm, máy lạnh. Đường không một gợn sóng. Chân sao vẫn tê cứng, mỏi rã hai tay ôm con.
Mười lăm năm trước. Cũng đường này, mẹ đưa cô lên tỉnh học. Xe cũ, đường dằn xóc. Mẹ tay bám chặt hàng chân ghế, tay ôm cô chen chúc dưới sàn. Định hỏi sao tay chân mẹ run, lại thôi vì cô cũng mỏi và đói.
Giờ đường về không ngồi chen chúc, không đói. Nhưng nước mắt cô cứ vỡ òa theo gió. Mẹ cô vừa mất
"Vòng loại" . Mỗi lần nắm tay, đâu chừng hai cái chớp mắt, em đã rụt tay về.
"Bán kết" . Sau mỗi lần hôn, em trò chuyện cùng tôi bằng cách quay mặt sang hướng khác, thời gian, có tới hai trăm cái chớp mắt.
"Chung kết" . Có con nhỏ. Mỗi lần con khóc, em vén áo ... nhưng bao giờ cũng vậy, cái lưng bé nhỏ của em luôn từ từ quay về phía tôi, bất kể tôi đang làm gì, có đang nhìn em hay không, miễn có tôi lúc ấy, cho dù khăng khít đã hai năm.
Anh vốn rất không thích hai từ "được, mất" vì chúng gợi lên một sự tính toán cân đong đo đếm quá. Mà rõ ràng chẳng thể nào tính trước được số mệnh. Nhưng không hiểu sao hôm nay lại vang mãi bên tai câu thơ của một người anh yêu mến: "Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ". Thấm thía và thấy buồn. Suốt đời đi đào bới và sống nép vào ý tưởng của người khác, biết thế mà lạ thay cái tâm trạng kia cứ âm ỉ vướng vào thành một nỗi sợ hãi trong anh. Đánh mất. Có khi cũng chẳng biết mất gì, nhưng là mất. Mất mới đến tìm. Rốt cuộc, anh tìm thấy gì ở một bản thể ngày một xa lạ, ngày một bạc nhược để an phận, biến đổi theo chiều hướng tệ hơn? Những kẻ tự chơi trò ú tim với mình thì không cần biết thắng thua, còn anh thì biết lắm mình đang trở thành ai, đang vật lộn với từng ngày để không trở thành kẻ mà chính anh căm ghét. Nhưng giờ suy luận thì được ích gì ở những sàn đá lạ của tương lai? Và anh tự hỏi: "Có thể, chúng ta càng tiến đến những sự mất mát, càng tiến gần đến số không thì càng hiểu con đường đã qua thực chất là con đường gì?".