help me!bà con đọc rùi nhận xét giùm tui với!

O

oreo_milk

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Trường Đại Học Sư Phạm TPHCM
Khoa Ngữ Văn, Lớp 1BK34
Họ và tên sinh viên:Nguyễn Thị Thu Thuỷ
ĐỀ TÀI:
VÀI NÉT VỀ CẤU TRÚC SO SÁNH
TRONG CA DAO NÓI VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ
Ca dao (歌謠) là một thuật ngữ Hán-Việt. Theo cách hiểu thông thường nhất thì ca dao là lời của các bài hát dân ca đã được tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy..hoặc ngược lại là những câu thơ có thể “bẻ” thành những làn điệu dân ca. Trong quá trình phát triển của những sáng tác thơ ca dân gian Việt Nam, “ca dao” dùng để chỉ phần cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất, đó là bộ phận những câu hát đã trở thành cổ truyền của nhân dân. Nội dung của ca dao rất phong phú và đa dạng nhưng chủ yếu là nói về tình cảm, nghĩa tình của con người giành cho nhau. Trong đó, mảng ca dao nói về người phụ nữ trong xã hội ngày xưa đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu. Đề tài của bài nghiên cứu này là nói về cấu trúc so sánh trong ca dao nói về người phụ nữ nên chỉ giới hạn nội dung trong những câu ca dao nói về người phụ nữ có sử dụng nghệ thuật so sánh trực tiếp (không xét đến so sánh gián tiếp là ẩn dụ).
Như ta đã biết, một cấu trúc so sánh bao giờ cũng gồm có 4 phần cơ bản:
- Đối tượng so sánh (chủ thể so sánh).
- Cái dùng để so sánh.
- Cơ sở so sánh.
- Từ so sánh.
Ví dụ trong câu văn sau:
Cảnh nơi đây đẹp/ như /tranh vẽ
Như vậy, trong ví dụ trên, “cảnh nơi đây” chính là cái mà tác giả muốn đề cập tới và chính là chủ thể so sánh; “tranh vẽ” là một hình ảnh tác giả dùng để miêu tả chủ thể, làm cho nó rõ nghĩa hơn và được gọi nôm na là cái dùng để so sánh; “như” là một từ nối giữa chủ thể và cái được dùng để so sánh và được gọi là từ so sánh; cuối cùng, cơ sở so sánh của câu trên chính là vẻ đẹp, mức độ của sự đẹp…
Ca dao nói về người phụ nữ thì đương nhiên đối tượng so sánh luôn là người phụ nữ, từ so sánh thì chỉ giới hạn trong vài từ phổ biến: “là, như, giống như”, vì vậy tôi sẽ không đề cập nhiều về phần này. Bài viết tập trung đi sâu vào phân tích những cơ sở so sánh và những hình ảnh so sánh chủ yếu và lý giải tại sao người xưa lại hay sử dụng những cơ sở và hình ảnh so sánh đó
Thân phận của người phụ nữ ngày xưa được tái hiện rõ nhất qua chùm ca dao than thân và biện pháp so sánh được sử dụng một cách tối đa, nhất là những câu ca dao với công thức là “thân em…”:
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi xuống giếng hạt ra ruộng cày.
Với hình ảnh “hạt mưa rào”, “hạt mưa sa”- hai hình ảnh thân quen và có sức gợi lớn, thân phận người phụ nữ hiện ra với vẻ long đong, trôi nổi, truân chuyên. Người phụ nữ trong xã hội ngày xưa không được quyền làm chủ bản thân mình, người sướng hay khổ đều do số phận sắp đặt sẵn và bản thân người đó không thể tự định đoạt, họ đành buông trôi số phận, để cuộc đời đưa đẩy. Như vậy, trong những câu ca dao với nội dung tương tự như trên, chủ đề “người phụ nữ không có quyền làm chủ cuộc đời của mình” cũng là cơ sở thứ nhất để từ đó các tác giả dân gian đã sáng tác ra rất nhiều hình ảnh tương tự : “con cá trong lờ”, “quả xoài trên cây”…:
Thân em như quả xoài trên cây
Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc
Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành
Một mai vô tình rụng xuống, biết vào tay ai?
Nói về người phụ nữ, ca dao xưa còn đề cập đến sự tủi nhục, đắng cay của họ:
Thân em như cúc mọc bờ ao
Kẻ qua ngắt nhuỵ, người vào bẻ bông
Hay:
Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân…
“Cúc mọc bờ ao” hay “giếng giữa đàng” đều là những hình ảnh gợi mở một số phận hẩm hiu, bi đát. Người phụ nữ bị đem ra làm trò vui, hơn nữa còn bị chà đạp, xem thường, làm “nước rửa chân”cho người qua lại!Giá trị của nguời phụ nữ không được đánh giá một cách đúng mực mà hơn nữa bị xem nhẹ, bị vùi dập. Trong cái bóng văn hoá phong kiến cổ hủ từ phương Bắc chụp xuống theo sau các đội quân xâm lược, thân phận người phụ nữ khổ nhục vì hủ nho: "trọng nam khinh nữ"; truyền khẩu tục ngữ như: “nữ sinh ngoại tộc” tức con sinh ra là gái thì kể như bị đặt ra ngoài dòng họ, hay hôn nhân sinh con thì “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, sinh đến con gái cũng kể như không sinh. Chính vì quan niệm cổ hủ ấy mà người phụ nữ ngày xưa chưa bao giờ được xem trọng hay ít nhất là được nhìn nhận đúng với giá trị của mình. Đây chính là cơ sở thứ hai để tạo nên hàng loạt câu ca dao nói về giá trị rẻ mạt của người phụ nữ trong xã hội ngày xưa.
Nói về người phụ nữ ngày xưa, ca dao không quên đề cập tới sự bươn chải, vất vả làm lụng của họ:
Thân em như gánh hàng hoa
Sớm đi chợ sớm chiều quay chợ chiều
Người phụ nữ Việt Nam trong bất cứ thời đại nào luôn là điển hình cho sự hy sinh và nhọc nhằn, hình ảnh “gánh hàng hoa” phải bươn chải từ sáng tới chiều làm ta hình dung ra một người phụ nữ “đầu tắt mặt tối”, vất vả mưu sinh. Người phụ nữ trong chùm ca dao này được nhắc tới với một nỗi niềm thương cảm cho sự cơ cực, nhọc nhằn nhưng chính từ đây, vẻ đẹp của họ cũng được bộc lộ, đó là những con người đảm đang, chịu thương chịu khó, không quản nắng mưa làm lụng vất vả để lo cho cuộc sống của mình và của gia đình. Đây cũng chính là cơ sở thứ ba của tác giả dân gian khi so sánh người phụ nữ với các hình ảnh quen thuộc như “chiếc nón cời”, “con cò”, “con nhạn”…
Trong một số câu ca dao nói đến sự chênh lệch về xuất thân gia đình, địa vị… của hai người yêu nhau, người phụ nữ cũng được nhắc tới với một nỗi niềm xót xa, ai oán:
Anh như cánh phượng song loan
Em như nụ rữa hoa tàn đêm khuya
Hay:
Anh như chỉ gấm thêu cờ
Em như rau má lờ mờ giếng khơi…
Hình ảnh “nụ rữa hoa tàn”, “rau má”…đều là những hình ảnh gợi cho ta một thân phận héo hon, tội nghiệp. Mặc dù nội dung của những câu ca dao này không chủ yếu nói về thân phận của người phụ nữ nhưng qua đó, chúng ta vẫn thấy được những số phận bất hạnh của họ trong thời đại ngày ấy. Lấy những hình ảnh đối nghịch với những hình ảnh được dùng cho người con trai, đây chính là cơ sở thứ tư cho một loạt các hình ảnh nói về sự hẩm hiu, tội nghiệp của người phụ nữ xưa.
Tuy nhiên, trong nhiều nỗi đau của người phụ nữ, ta vẫn thấy được nét đẹp nơi sâu thẳm tâm hồn của họ:
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi, nếm thử mà xem
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.
“Củ ấu gai”bên ngoài tuy xấu xí, thô kệch nhưng ruột rất trắng, rất thơm và bùi. Người phụ nữ này tuy tự nói mình bề ngoài không được đẹp nhưng cô ấy cũng tự thấy được giá trị đích thực bên trong con người của mình. Một hình ảnh hết sức mộc mạc và quen thuộc nhưng đã được các tác giả dân gian sử dụng đúng chỗ nên đã miêu tả được người phụ nữ vừa chân thực lại vừa đẹp đẽ, đúng với nếp nghĩ của người xưa “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đây chính là cơ sở thứ năm dẫn đến những hình ảnh nói về vẻ đẹp tiềm ẩn của người phụ nữ: “củ ấu gai”, “chẽn lúa đòng đòng”, “bông hoa gạo”…:
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng buổi maị
Chớ chê em xấu em đen
Em như nước đục đánh phèn lại trong.
Như vậy, hình ảnh dùng để so sánh không chỉ chịu tác động của cơ sở so sánh mà bị ảnh hưởng rất lớn từ cách cảm, cách nghĩ cũng như văn hoá của người Việt.Mỗi mục đích so sánh người ta lại sử dụng những hình ảnh khác nhau nhưng có một điều mà chúng ta nhận ra rằng, tất cả những hình ảnh dùng để so sánh trong ca dao nói chung và ca dao nói về người phụ nữ nói riêng đều rất thân quen, bình dị và đặc biệt là luôn gắn với tâm hồn, với cội nguồn văn hoá dân tộc Việt. Điều này chứng tỏ những tác giả dân gian không những tài tình trong cách chọn những hình ảnh điển hình, giàu sức gợi mà còn luôn hướng tới đối tượng tiếp nhận là chính họ - những người nông dân Việt Nam, yêu văn nghệ, yêu tha thiết văn hoá của dân tộc mình!


Dàn ý sơ lược:
1. Khái niệm về ca dao
2. Nói sơ lược về cấu trúc so sánh trong câu văn
3. Giới thiệu, mục đích đề tài, giới hạn về nội dung của bài viết.
4. Cơ sở so sánh và những hình ảnh so sánh chủ yếu trong ca dao nói về người phụ nữ.
 Người phụ nữ không được quyết định số phận của mình.
 Người phụ nữ khoong6 được nhìn nhận với giá trị vốn có mà còn bị chà đạp, vùi dập.
 Sự siêng năng, tảo tần, vất vả của người phụ nữ.
 Số phận tội nghiệp của người phụ nữ đặt trong tương quan với người con trai trong một số câu ca dao nói về sự chênh lệch của 2 người yêu nhau.
 Vẻ đẹp tiềm ẩn của người phụ nữ.
5. Kết luận.
 
Top Bottom