Từ xưa, con người đã được coi là trung tâm của vũ trụ. Con người xuất hiện với vai trò là làm chủ và cải biến thế giới. Một trong những phẩm chất nổi bật đáng tự hào của con người là tính tự chủ. Nhờ có tính tự chủ mà con người đã sáng tạo ra nhiều vẻ đẹp khác thường cho cuộc sống. Tuy nhiên, có khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh tính tự chủ. Có ý kiến cho rằng: Người có tính tự chủ là người luôn hành động theo ý mình mà không cần quan tâm đến hoàn cảnh và những người xung quanh. Xem xét, phân tích một cách khách quan, chúng ta thấy ý kiến trên có phần đúng và phần chưa đúng.
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là người cố tính tự chủ? Tự chủ là tự điều hành, quản lí mọi công việc của mình, không bị ai chi phối. Từ xưa, con người đã đánh giá cao vai trò của mình và đặt ngang hàng với trời đất (thiên – địa – nhân). Như vậy, về bản chất, con người từ khi mới xuất hiện đã có tính tự chủ rất cao. Tính tự chủ của con người là tính tự lập trong cuộc sống. Đối với tự nhiên, con người luôn tìm cách tiếp cận, thăm dò, khám phá, giải thích các hiện tượng thời tiết, khí hậu, tìm cách chế ngự thiên tai như bão lụt, hạn hán, sóng thần, núi lửa, băng giá… Trong lao động sản xuất, con người tự chủ luôn tìm cách chung sống hòa thuận, đoàn kết, khắc phục khó khăn để làm ra của cải. Trong chiến đấu, con người tự chủ luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng đội để chiến thắng kẻ thù. Trong đời sống văn hóa, tinh thần, con người tự chủ luôn biết lắng nghe để tìm sự đồng tình, đồng điệu trong tâm hồn bạn bè, tri âm, tri kỉ.
Tính tự chủ của con người có vai trò to lớn trong cuộc sống tập thể và cá nhân. Người có tính tự chủ cao nếu ở cương vị của một thủ lĩnh hoặc người lãnh đạo, người chỉ huy, người quản lí… thường đưa ra những đường lối, chính sách, quyết định đúng đắn, sáng suốt, kịp thời, có tính hiệu quả cao và có ảnh hưởng to lớn, tạo ra những bước ngoặt trong cuộc sống của bản thân và tập thể, cộng đồng xã hội.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã có biết bao gương sáng về những con người có tính tự chủ cao. Từ xa xưa, để mở mang giang sơn gấm vóc, Lạc Long Quân và Âu Cơ đã quyết định chia đôi một trăm người con, nửa lên rừng, nửa xuống biển lập nghiệp. Để có một kinh đô ngàn năm văn hiến như Hà Nội ngày nay, vua Lý Thái Tổ đã táo bạo ra quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Quyết định sáng suốt đó đến tận bây giờ vẫn còn làm cho hàng triệu con tim đồng tình và thán phục. Trong kháng chiến chống quân Nguyên, mấy lần Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã quyết định bỏ Thăng Long trong tình trạng vườn không nhà trống dể dụ địch, sau đó tổng phản công chiếm lại kinh đô. Trong kháng chiến chống quân Thanh, Quang Trung Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân thần tốc, quyết định bí mật tấn công quân giặc vào mồng năm Tết để làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại 1954, đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã quyết định kéo pháo vào trận địa rồi lại kéo pháo ra để nghi binh, đánh lừa quân địch, nhờ đó mà làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu…
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay, có rất nhiều gương sáng về tính tự chủ. Đó là những kỹ sư, cán bộ, công nhân dám nghĩ dám làm, không sợ trách nhiệm, biết xả thân vì việc lớn của đất nước, của xã hội. Họ đã xây dựng thành công nhiều công trình vĩ đại như những giàn khoan dầu trên biển Đông, tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, thủy điện sông Đà, Trị An, Yaly, đường dây điện cao thế 500 kilôvôn,…
Đặc điểm nổi bật của những con người có tính tự chủ cao là trong tâm hồn họ luôn cháy sáng ngọn lửa của niềm tin và nghị lực. Họ có ý chí và sự quyết đoán cao, nhưng không phải vì thế mà họ không cần quan tâm đến hoàn cảnh và những người xung quanh.
Như trên đã nói, người tự chủ là người có tính quyết đoán. Nhưng để có sự quyết đoán, họ luôn luôn lắng nghe và tham khảo ý kiến của mọi người, của tập thể. Vì chỉ có lắng nghe sự góp ý của số đông thì họ mới có đủ thông tin và dữ liệu để xử lý, xem xét vấn đề một cách kĩ càng, thấu đáo, từ đó quyết định của họ mới mang tính khách quan, khả thi, công việc mới tiến triển thuận lợi và đạt hiệu quả cao.
Sử sách còn ghi chuyện vua Lý Thái Tổ trước khi quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (1010) đã hỏi ý kiến của bá quan văn võ trong triều và cả dân chúng. Trần Hưng Đạo cùng vua Trần mở hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến các vị bô lão trong cả nước và tướng sĩ trước khi mở chiến dịch đánh quân Nguyên. Ngày nay, Quốc hội và Đảng ta cũng thường xuyên trưng cầu ý kiến toàn dân trước khi ban bố một chính sách quan trọng nào đó.
Lắng nghe ý kiến mọi người là điều cần thiết và bổ ích mà bất cứ ai có tính tự chủ đều nên làm. Cho nên ý kiến cho rằng: Người có tính tự chủ là người luôn hành động theo ý mình mà không cần quan tâm đến hoàn cảnh và những người xung quanh có phần cực đoan, phiến diện.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có những người luôn luôn và chỉ khăng khăng làm theo ý mình. Đó không phải là tự chủ mà là độc đoán, chủ quan, duy ý chí. Trong một quốc gia, có người tự cho mình cái quyền đứng trên Hiến pháp pháp luật để tìm mọi cách đục khoét vơ vét cho bản thân. Trong cơ quan, có nhiều người vì quyền lực cá nhân mà bất chấp dư luận, coi thường tổ chức. Trong một gia đình, có người chỉ nghĩ đến quyền lợi bản thân nên đưa ra những quyết định sai trái, dẫn tới đổ vỡ hạnh phúc. Đó là những kẻ coi trời bằng vung, trước sau cũng bị xã hội đào thải, lên án.
Như vậy, đã là người có tính tự chủ thì phải có sự hiểu biết và tôn trọng mọi người, lấy sức mạnh tập thể bồi đắp cho sức mạnh của bản thân. Đó là phương châm sống đúng đắn, hợp thời:
Con người muốn sống con ơi!
Phải yêu đồng chí yêu người anh em.
(Tố Hữu)
Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, con người có tính tự chủ cần phải có sự liên kết, phối hợp, chia sẻ với cộng đồng hơn bao giờ hết. Những người ở vị trí lãnh đạo, càng phải hiểu rõ điều đó hơn ai hết để tránh những quyết định chủ quan, sai lầm, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho dân, cho nước.
Nguồn: thuvienvan