Sử GIÁM MỤC PELLERIN VÀ CÔNG CUỘC XÂM LƯỢC VIỆT NAM CỦA PHÁP

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Để thăm do tình hình chính phủ Pháp cử De Montigny sang Việt Nam để bàn việc ký một hiệp ước giữa hai nước. De Montigny cho tàu Catinat tới cảng Ðà Nẵng ngày 16-9-1856 để đưa thư. Khi thấy Việt Nam không trả lời thư, thuyền trưởng Lelieur de Ville-sur-Arc nã đại bác vào các đồn lũy và cho một toán 50 quân đổ bộ lên bờ cướp phá (26-9). Sau đó, tàu Capricieuse lại vào cảng Ðà Nẵng (24-10). Giám mục Pellerin ăn mặc giả lính, trốn xuống tàu. Mãi đến 23-1-1857, De Montigny mới tới Việt Nam. “Nước An Nam tuy có chấp nhận thảo luận về một hiệp ước thương mại và hàng hải, nhưng tuyệt đối từ chối đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo là một lĩnh vực mà họ coi là thuộc chủ quyền của họ. Và sức ép từ bên ngoài, nhất là lại có kèm theo những đe dọa vũ trang, chỉ có thể làm kịch phát thêm sự chống đối và coi những người Thiên Chúa giáo là những tay chân của nước ngoài”(1). Thất bại, De Montigny rời Việt Nam ngày 7-2.
Ngày 22-4, vua Napoléon III thành lập Ủy ban Cochinchine (2) để xem xét vấn đề can thiệp vũ trang vào Việt Nam.
Về Pháp đầu tháng 5, giám mục Pellerin kêu gọi nước Pháp mở cuộc viễn chinh chống Việt Nam. Ông ra trình bày trước Ủy ban Cochinchine (16-5) rồi gửi cho ủy ban một bản điều trần chi tiết (21-5). Ông hai lần (21-5 và 30-8) gửi kiến nghị lên vua và được vua tiếp kiến. Tại Pháp, ý kiến của ông được tổng giám mục Bonnechose, linh mục Huc, linh mục Legrand de la Liraye... hưởng ứng. Ông còn qua La Mã để vận động Tòa thánh Vatican và được Giáo hoàng Pie IX ủng hộ.
Pellerin soạn ra một kế hoạch quân sự - chính trị để xâm chiếm Việt Nam. Ông khuyên “quân đội Pháp chọn Ðà Nẵng làm điểm nổ súng mở màn cho cuộc xâm lược, vì theo Pellerin, đó là vị trí dễ chiếm, khí hậu tốt, lương thực nhiều”(3). Sau khi chiếm Đà Nẵng, quân Pháp sẽ tiến ra Huế, “bắt giữ vua [Tự Đức] và để lại cho vua một quyền hữu danh vô thực”, buộc vua phải ký một hiệp ước thừa nhận “một sự chiếm đóng hay một nền bảo hộ của Pháp”(4).
Để thuyết phục mọi người chấp nhận kế hoạch trên, Pellerin quả quyết rằng việc đánh chiếm và cai trị Việt Nam sẽ diễn ra một cách dễ dàng, vì “dân chúng [Việt Nam] bị đè nén dưới sự áp bức của triều đình và quan lại Huế, sẽ đón tiếp người Pháp như những người giải phóng”(5) và “quốc gia An Nam [sẽ] chấp nhận một cách vui mừng sự bảo hộ”(6) của Pháp. Đặc biệt “600.000 con chiên [Việt Nam] sẽ giúp đỡ người Pháp”(7) trong cuộc tiến công này và “những thầy giảng [Việt Nam] - do các thừa sai [Pháp đào tạo] - biết phong tục tập quán và hầu như rành ngôn ngữ của chúng ta [tức tiếng Pháp], có khả năng trở thành nơi đào tạo để chúng ta tuyển những quan lại mới”(8) cho chế độ bảo hộ.
Để khuyến khích giới tư sản ủng hộ cuộc viễn chinh, Pellerin không quên đề cập đến những lợi ích kinh tế khi “nhấn mạnh trên khả năng trồng cà phê và khai thác mỏ vàng, mỏ than, mỏ đồng và mỏ sắt”(9) ở Việt Nam.
Linh mục Trần Tam Tỉnh gọi Pellerin là “người cổ vũ chủ chốt việc Pháp xâm chiếm Việt Nam”, bình luận rằng “chưa từng có luận điệu tuyên truyền tài tình, tinh vi đến mức ấy! Bọn tư sản gặp được nơi những lời khẳng định lặp đi lặp lại đó những cuộc viễn chinh dễ dàng như thế”(10).
Kế hoạch của Pellerin đưa ra trong bối cảnh “Anh chiếm trọn Ấn Độ đến tận Singapore (…), [còn] tàu bè của chúng ta [tức Pháp] hình như đang lang thang phiêu bạt khắp vùng Viễn Đông này”(11) vì Pháp chưa có thuộc địa trong khu vực này.
Tham vọng của giới Công giáo Pháp phù hợp với chính sách thực dân của nền Đế chế thứ II nên cuối cùng vua Napoléon III quyết định mở cuộc viễn chinh ở Việt Nam. Chuẩn đô đốc Rigault de Genouilly được giao quyền chỉ huy với nhiệm vụ “đánh chiếm vịnh biển và lãnh thổ Đà Nẵng” sau đó buộc chính phủ Việt Nam “thông qua một hiệp ước đi đến sự thừa nhận nền bảo hộ của nước Pháp”(12).
Pellerin không chỉ là người đề xuất kế hoạch, ông còn trực tiếp tham dự cuộc viễn chinh. Là người từng sống ở Việt Nam mười mấy năm, hiểu rõ tình hình mọi mặt của đất nước này, nên khi hạm đội Pháp nã đại bác vào cảng Đà Nẵng ngày 1-9-1858, ông có mặt bên cạnh Rigault de Genouilly như một cố vấn của viên chuẩn đô đốc.

TS. Phan Văn Hoàng
Ảnh: Giám mục Pellerin
Tài liệu tham khảo:
(1) (6) Philippe Devillers, Người Pháp và người An Nam: bạn hay thù (Ngô Văn Quỹ dịch), NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006.
(2) Trước năm 1802, từ Cochinchine chỉ Đàng Trong hay Nam Hà. Sau 1802, người Pháp tiếp tục dùng (một cách không chính xác) từ này để chỉ nước Việt Nam thống nhất.
(3) Nhiều tác giả, Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Viện Khoa học xã hội và Ủy ban Tôn giáo TP.Hồ Chí Minh xuất bản, 1988.
(4) (5) (7) (8) (9) Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam 1857-1914 (Nguyễn Thuận dịch), NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
(10) Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm (Vương Đình Bích dịch), NXB Trẻ, TP.HCM, 1988.
(11) Trích thư của linh mục Legrand de la Liraye gửi vua Napoléon III (tháng 12-1857), trích dẫn bởi Cao Huy Thuần, sđd.
(12) Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897, Tác giả xuất bản, Saint Raphael, 1994.


Nguồn: fanpage lịch sử nước nhà
Ps: bài này đăng để phục vụ cho việc mở rộng phần nguyên nhân Pháp xâm lược Việt Nam vào thế kỷ 19
 
Top Bottom