Đọc sách trực tuyến: Luân lý giáo khoa thư (Nguồn: e-thuvien.com)

Status
Không mở trả lời sau này.
H

hocmai.diendan

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Xin chào tất cả các bạn!

Chủ đề này được mở ra nhằm giúp các bạn có thêm thông tin tham khảo cho việc trau dồi đạo đức và nhân cách sống thông qua những câu chuyện được lấy từ quyển sách Luân lý giáo khoa thư. Bộ sách nằm trong hệ thống sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên được đem vào sử dụng để giảng dạy theo quy chế Cải cách giáo dục của Toàn quyền Đông Dương ngày 21/12/1917.

Đây là các cuốn sách được xuất bản và tái bản nhiều lần từ năm 1923-1948, do bốn tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình phúc và Đỗ Thận biên soạn.

087.jpg


Bìa sách Luân lý giáo khoa thư. Hình minh họa do Nam Sơn và Nguyễn Văn Thọ vẽ


Hy vọng rằng thông qua thông qua một phần nội dung được trích dẫn trong quyển sách Luân lý giáo khoa thư, các bạn sẽ hiểu hơn về các bài học dạy làm người được đúc rút ra từ tri thức, trí tuệ, thuần phong mĩ tục của dân tộc Việt Nam của lớp người đi trước từ đó rút ra bài học cho chính bản thân mình.

Bất cứ mọi ý kiến, thảo luận nào khác các bạn chia sẻ TẠI ĐÂY. Chủ đề không cho phép bất cứ một trường hợp thảo luận nào ngoài nội dung trong sách.
 
1

11thanhkhoeo

VIỆT-NAM TIỂU-HỌC TÙNG-THƯ

MORALE (Cours enfantin)


LUÂN-LÝ
GIÁO-KHOA THƯ

(Lớp Đồng-Ấu)


(Sách này do Nha Học-chính Đông-Pháp đã giao cho ông
TRẦN-TRỌNG-KIM, ông NGUYỄN-VĂN-NGỌC, ông ĐẶNG-ĐÌNH-PHÚC
và ông ĐỖ-THẬN soạn)


IN LẦN THỨ MƯỜI BA


NHA HỌC-CHÍNH ĐÔNG-PHÁP
XUẤT BẢN
1939


MỤC LỤC

1. Gia tộc.
2. Yêu mến cha mẹ.
3. Kính trọng cha mẹ.
4. Vâng lời cha mẹ.
5. Biết ơn cha mẹ.
6. Giúp đỡ cha mẹ.
7. Phải thật thà với cha mẹ.
8. Anh chị em.
9. Đối với ông bà.
10. Thờ phụng tổ tiên.
11. Người trong họ.
12. Tôi tớ trong nhà.
13. Người quen thuộc với nhà mình.
14. Một nhà xum họp.
15. Một nhà hòa hợp.
16. Nghĩa gia tộc.
17. Trường học.
18. Phải yêu mến thầy.
19. Phải tôn kính thầy.
20. Phải vâng lời thầy.
21. Phải biết ơn thầy.
22. Phải thật thà với thầy.
23. Chuyên cần.
24. Đi học phải đúng giờ.
25. Lòng tốt đối với bạn.
26. Phải biết chiều bạn.
27. Bênh vực kẻ yếu.
28. Giúp đỡ lẫn nhau.
29. Nghĩa hợp quần.
30. Chọn bạn mà chơi.
31. Phải sạch sẽ.
32. Có thứ tự.
33. Phải chú ý.
34. Phải làm lụng.
35. Phải chăm học.
36. Đứa học trò xấu.
37. Lười biếng (nhác nhớn).
38. Không có thứ tự.
39. Không có ý tứ.
40. Tính ương ngạnh.
41. Tính khoe khoang và hợm mình.
42. Tính nhát sợ.
43. Tính nói dối.
44. Tính nói xấu.
45. Tính mách lẻo.
46. Tính hay chế nhạo.
47. Tính ghen.
48. Tính tức giận.
49. Tàn bạo.
50. Tính độc ác.
 
1

11thanhkhoeo

MỘT GIA TỘC​



Nhà tôi có ông bà, cha mẹ, anh em và chị em tôi.

Cha tôi thì đi làm để nuôi cả nhà. Mẹ thì trông nom (1) dạy bảo chúng tôi và coi sóc mọi việc trong nhà. Chúng tôi lúc nào cũng nết na dễ bảo, để cho ông bà, cha mẹ được vui lòng.

Kể cả người trong họ thì còn có chú bác, cô dì, anh em, chị em họ, là những người cùng máu mủ với tôi.


Đại cương – Gia tộc. Người ta ai cũng có gia tộc, nghĩa là có ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh em, chị em. Ta khôn lớn lên, ta học tập được thành người, cũng nhờ có gia tộc.


Con có cha như nhà có nóc


----------

(1) Coi sóc.




MỘT ĐỨA CON BIẾT YÊU MẸ



Tí lên sáu tuổi, tính rất ham chơi. Một hôm, nó đang vui chơi với lũ trẻ, thấy mẹ kêu nhức đầu lên giường nằm. Nó thôi không chơi nữa, chạy ngay lại sờ (2) trán mẹ mà hỏi rằng: “Mẹ làm sao thế?” – “Mẹ nhức đầu lắm.” – “Để con bóp đầu cho mẹ chóng khỏi nhé!”. Nó vừa nói, vừa trèo lên giường, ngồi bóp đầu cho mẹ.


Đại cương – Yêu mến cha mẹ – Cha mẹ hết lòng yêu mến con, lúc nào cũng lo tính cho con được sung sướng. Vậy kẻ làm con phải hết lòng yêu mến cha mẹ.


Dạy con con chớ quên lời,
Mến yêu cha mẹ suốt đời mới nên.


----------

(2) rờ
 
1

11thanhkhoeo

ĐỨA BÉ NGOAN


Hợi hãy còn bé mà đã biết ăn ở như người lớn. Cha mẹ yêu nó và chiều nó lắm, vì chỉ có một mình nó mà thôi. Tuy vậy mà nó chẳng hề làm nũng bao giờ.

Khi cha mẹ hỏi han gì, nó trả lời rất cung kính; sai bảo gì, nó vui lòng làm ngay (3).

Hợi là một đứa bé có lễ phép, ai cũng yêu mến.


Kính trọng cha mẹ. Con mà yêu mến cha mẹ, thì bao giờ cũng kính trọng cha mẹ. Kính trọng nghĩa là ăn ở có lễ phép, và lúc nào cũng ngoan ngoãn (4) từ tốn , gọi (5) dạ bảo vâng.


Thờ cha kính mẹ ấy là người ngoan.



-----

(3) liền
(4) nết na
(5) kêu



ĐỨA BÉ BIẾT VÂNG LỜI


Bính và Đinh dắt (dắc) nhau đi chơi. Bính muốn ra chơi ở gần bờ ao, rủ Đinh cùng đi.

Đinh nói: "Cha mẹ tôi vẫn bảo tôi rằng: trẻ con không nên chơi gần bờ ao, vỉ lỡ trượt (6) chân ngã (bổ) (7) xuống ao thì ướt cả quần áo, và có khi chết đuối." Bính nói: "Anh cứ ra chơi với tôi, cha mẹ anh đi vắng biết đâu mà sợ". Đinh lắc đầu: "Cha mẹ tôi đã dặn câu gì, thì lúc vắng mặt cũng như có mặt, tôi chẳng dám sai lời."


Vâng lời cha mẹ. Cha mẹ là người đã trải việc đời, biết rõ điều (8) hơn lẽ thiệt. Vậy cha mẹ có dặn bảo điều gì, ta phải vâng lời.


Cá không ăn muối cá ươn,
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.



-----

(6) té
(7) trợt
(8) đều
 
1

11thanhkhoeo

MỘT ĐỨA BÉ CÓ HIẾU


Một hôm, Mão đi học coi bộ buồn rầu lắm; đến giờ chơi, cứ đứng một chỗ, anh em chơi đùa (9) cũng mặc. Thầy lấy làm lạ, mới hỏi: "Con nghĩ gì mà thừ người (10) ra thế?" - Thưa thầy, sáng hôm nay mẹ con ở nhà ngã (11) đau lắm, không đi chợ được, nên con buồn."

Thầy ngoảnh lại bảo các học trò đứng xung quanh đấy rằng: "Các anh nghe đấy, Mão từng này tuổi mà đã biết thương cha mẹ như vậy, thật là đứa bé (12) có hiếu."


Biết ơn cha mẹ. Cha mẹ nuôi con, công trình khó nhọc, kể sao cho xiết. Vậy phận làm con phải biết đền ơn cha mẹ.


Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong (nghuồn) nguồn chảy ra.



-----

(9) trửng
(10) đờ
(11) té
(12) nhỏ



BÉ LÀM VIỆC NHẸ



Cha anh Dần làm nghề thợ mộc, mẹ anh đi chợ bán hàng. Ngày nào cũng sáng sớm đi, đến tối mịt mới về. Anh thấy cha mẹ phải làm ăn vất vả như thế, mà anh thì chẳng đỡ đần được việc gì, trong bụng lấy làm áy náy. Nên sáng nào anh cũng dậy sớm, trước khi đi học, thì lấy chổi quét nhà, và làm những việc nhẹ để giúp đỡ cha mẹ.


Giúp đỡ cha mẹ. Ta còn ít tuổi, chưa làm được công việc nặng nề, cũng nên giúp đỡ cha mẹ để cha mẹ được vui lòng.


Làm con sớm tối phải đỡ đần cha mẹ.
 
1

11thanhkhoeo

THÚ TỘI


Một hôm cha mẹ đi vắng, cậu Giáp ở nhà chơi đùa (13) với lũ trẻ, đánh vỡ một cái bát cổ (14).

Khi mẹ về, thấy thế, giận lắm, hỏi: "Đứa nào đánh vỡ cái bát này đây?" Cậu Giáp run sợ, nhưng đánh bạo nói rằng: "Lạy mẹ, con trót dại, lỡ tay đánh vỡ, xin mẹ tha cho con." Mẹ khoan thai bảo: "Con chơi nghịch dại thế, làm hại mất cái bát quí của mẹ. Đáng lẽ thì con phải đòn, nhưng đã biết thú thật, thì mẹ tha cho. Từ rày phải có ý tứ."


Phải thật thà với cha mẹ. Làm con phải lấy bụng thật thà ngay thẳng mà ở với cha mẹ. Hoặc có khi lầm lỗi điều gì cũng không được giả dối.


Có lỗi thì phải thú thật.



-----

(13) trửng
(14) từ xưa



NHƯỜNG LẪN NHAU


Nhà ông Bá được một gái là Lan và hai giai là Giáp và Ất.

Một hôm, có hàng xóm đem cho hai cái bánh. Ông Bá đưa cho ba con, bảo chia nhau mà ăn. Lan nói: "Chị hơn tuổi, chị không ăn, để mỗi em một cái, khỏi phải cắt ra mà chia." Ất nói: "Em bé nhất, xin nhường cho chị và anh." Giáp nói: "Chị lớn hơn thì phần chị một cái, và một cái thì phần Ất, vì nó là em bé nhất nhà. Còn tôi thì lần sau tôi hãy ăn cũng được." Ba chị em cứ nhường nhau mãi. Cha thấy vậy, lấy làm vui lòng mà bảo rằng: "Các con nhường nhịn nhau là phải, nhưng cứ thế này mãi thì làm thế nào (15)? Thôi, đưa đây thầy chia cho". Nói đoạn, người cha lấy bánh chia làm ba phần rồi đưa cho ba con.


Anh em chị em. Anh em, chị em trong nhà, nên hòa thuận và nhường nhịn lẫn nhau, chớ nên tranh giành, cãi cọ nhau để cho cha mẹ phải phiền lòng.


Anh em như thể tay chân.



-----

(15) sao

ĐỨA CHÁU NGOAN (GIỎI) (16)

Ông bà anh Ngọ đã già: ông thì đầu râu tóc bạc, bà thì răng rụng lưng còng (còm). Cha mẹ anh Ngọ ngày ngày ra đồng làm ruộng, chỉ có anh ở nhà với ông bà.

Anh rất yêu mến và kính trọng ông bà, nên lúc nào anh cũng chơi quanh quẩn ở nhà. Trẻ con hàng xóm đến rủ anh đi chơi, anh cũng không đi.

Mỗi khi ông bà gọi, thì anh dạ mà chạy ngay (17) đến. Anh chăm chỉ hầu hạ, nào lấy kính (gương) để ông xem sách, nào lấy cối (18) để bà giã trầu (xáy trầu). Anh hầu hạ được việc gì, thì trong bụng lấy làm vui vẻ lắm.


Đối với ông bà. Ông bà yêu cháu chẳng khác gì cha mẹ yêu con. Vậy cháu nên phải kính mến ông bà cũng như cha mẹ.


Có ông bà mới có cha mẹ.



-----

(16) nết na
(17) liền
(18) ống ngoáy



NHÀ THỜ ÔNG VẢI


Ngày tết nguyên đán, mọi người trong họ đều đến nhà thờ, để lễ tổ.

Hôm ấy, ông Lý và các con cũng đi lễ tổ. Khi đến nhà thờ ông Lý giảng cho các con nghe rằng: "Đây là nhà thờ của họ ta, để thờ cúng tổ tiên, vậy nay nhân ngày mồng một tết, chúng ta là cháu chắt, phải đến lễ để tỏ lòng kính nhớ."


Thờ phụng tổ tiên. Tổ tiên là những bậc sinh thành ra ông bà cha mẹ mình. Vậy mình là dòng dõi của tổ tiên, phải thờ phụng tổ tiên để tỏ lòng nhớ ơn.


Chim tìm tổ (19), người tìm tông.


-----

(19) ổ
 
H

hiensau99

MỘT TẬP TRANH​



Thìn đang giở tập tranh ra xem, thấy Xuân và Hạ là em họ đến chơi, vội vàng cất ngay (20) vào trong tráp.

Mẹ anh Thìn trông thấy, bảo rằng: "Con không nên thế (21), lấy tranh ra cho Xuân và Hạ cùng xem. Anh em trong họ với nhau, mà có mấy tờ tranh mà cũng giấu, không cho nhau xem, thế chẳng hóa ra lại tệ hơn người ngoài hay sao."

Thìn vâng lời mẹ, lấy ngay (22) tranh ra cho Xuân và Hạ xem.


Người trong họ. Đối với mọi người trong họ, bất cứ xa gần hay nội ngoại, ta phải ăn ở cho có tình thân ái, chớ nên chểnh mảng (23) thờ ơ (24) như người dưng nước lã.


Giải nghĩa. - Nội = họ nội tức là họ về bên cha. - Ngoại = họ ngoại tức là họ về bên mẹ.


Một giọt máu đào hơn ao nước lã.​


-----

(20), (22) liền.
(21) vậy.
(23) lơ là.
(24) lạc lẽo



CÁCH ĐỐI ĐÃI TÔI TỚ​



Một hôn, anh Mậu đang quát mắng (25) đầy tớ, người cha thấy vậy, mới bảo rằng: "Kẻ đầy tớ ở với ta, giúp ta được bao nhiêu công việc: nào quét nhà, gánh nước, nào chẻ củi, nấu cơm, làm đủ mọi việc, thật là vất vả khó nhọc. Ví không có đầy tớ, liệu con có làm lấy được không? Vậy đối với đầy tớ, ta phải nên ăn ở cho có lượng, đừng hơi một tí (26) đã quát tháo (27) lên như thế."


Tôi tớ trong nhà. Tôi tớ ở với mình, giúp công việc cho mình, cũng như người nhà mình. Mình phải lấy bụng khoan hòa, nhân ái, công bằng mà xử với tôi tớ.


Giải nghĩa. - Có lượng = có bụng thương kẻ dưới. - Khoan hòa = bụng rộng rãi. - Nhân ái = hiền lành.


Người ở xét công.​


-----

(25) la rầy.
(26) chút.
(27) la rầy.
 
H

hiensau99

ĐỨA TRẺ VÔ PHÉP​



Một hôm, ông Bá đánh cờ chơi với bác Phó là anh cả thằng Thìn. Ông Bá xưa nay vẫn cậy mình là người cao cờ. Hôm ấy đánh thua luôn mấy ván (28).

Thìn đứng cạnh (29), cứ mỗi lần thấy ông Bá thua, lại cười ầm lên. Bà mẹ ngồi may bên chái bên, làm thinh như không nghe tiếng. Nhưng lúc ông Bá về rồi, bà mẹ mới gọi (30) Thìn lại mắng rằng: "Lúc nãy (khi hồi) mày cười ông Bá như thế, là vô phép với với một người bạn của nhà ta. Mày hư lắm! Tối hôm nay tao không cho mày đi chùa nữa."

Thìn biết mình có lỗi, đứng cúi mặt xuống, không dám nói gí, và từ đấy trở đi nó ăn ở có lễ phép với cả mọi người.


Những người quen thuộc với nhà mình. Những người quen thuộc cha mẹ ta là những bậc tôn trưởng. Đối với những bậc ấy, ta phải kính nhường và ăn ở cho có lễ phép.


Giải nghĩa. - Tôn trưởng = bậc trên, bậc anh.


Kính bạn cha cũng như cha.​



-----

(28) bàn.
(29) bên.
(30) kêu.



MỘT NHÀ ĐÔNG ĐỦ (31)​


Anh Xuân mới thi đậu bằng tiểu học Pháp Việt. Anh về nhà nghỉ hè. Ông bà, cha mẹ, anh em, chị em đón rước anh rất là vui vẻ. Họ hàng, bà con được tin anh về, tấp nập (32) đến chơi, kẻ mừng người hỏi, ân cần vồn vã (hớn hở).

Còn anh Xuân đằng đẵng mấy tháng trời ở tỉnh, nay được về nhà, gặp cha mẹ họ hàng thì trong bụng cũng lấy làm hớn hở.


Một nhà xum họp. Những ngày đông đủ cả ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh em, chị em là những ngày vui hơn cả. Cái cảnh một nhà già trẻ, xa gần được xum họp với nhau, thật là sung sướng.


Chẳng gì vui bằng
Cái cảnh một nhà xum họp.​



-----

(31) hiệp.
(32) rộn rực.
 
H

hiensau99

MỘT QUẢ CAM​



Một người mẹ cho con một quả (33) cam. Con cầm lấy, nhưng không ăn, chạy ngay (34) ra sân đưa cho em bé. Thằng bé cầm lấy rồi nói rằng: "Tôi không ăn, để đem cho cha ăn cho mát ruột". Nói rồi, nó chạy ngay ra đồng đưa cam cho cha nó. Người cha cầm lấy, nhưng cũng không ăn, lại đem về cho vợ.

Thành ra quả cam tự tay người mẹ cho, rồi lại về tay người mẹ. Cái cảnh một nhà âu yếm nhau như vậy, thật đáng quí.


Một nhà hòa hợp (35). Người một nhà phải âu yếm hòa thuận với nhau. Có âu yếm hòa thuận, thì mới có sức mạnh và làm ăn mới được thịnh vượng.


Thuận vợ thuận chồng,
tát bể đông cũng cạn.​



-----


(33) trái.
(34) liền.
(35) hiệp



ĐỨA BÉ MẤT DẠY​



Dần là một đứa bé ngỗ nghịch, cứ hay ném gạch sang nhà bên cạnh (36). Một hôm, ném thế nào (37) vào đầu con người ta. Bà cụ láng giềng chửi ầm lên. Mẹ nó nghe tiếng, gọi nó vào, vừa đánh vừa mắng rằng: "Mày làm gì để người ta chửi bới như thế? Thật là con nhà mất dạy, làm nhục đến mẹ cha. Mày thử nghĩ xem mày đã làm được công trạng gì chưa, mà để người ta sỉ nhục ông cha như thế?


Nghĩa gia tộc. Ta phải giữ lấy cái nền nếp của nhà ta, cố làm cho ông cha được vẻ vang thêm lên. Đừng làm điều gì xấu xa, phạm đến danh tiếng nhà ta.



Giải nghĩa:
- Mất dạy = không ai dạy bảo.
- Công trạng = sự nghiệp đã làm nên.


Giấy rách phải giữ lấy lề.​



-----


(36) một bên
(37) làm sao
 
H

hiensau99

PHẢI ĐI HỌC​



Đồng hồ sắp đánh tám giờ. Học trò tấp nập (36) đi học. lũ năm lũ ba, tay cắp sách, vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ.

Đến trường, ai nấy vào học. Các lớp học đều rộng rãi mát mẻ.

Thầy giáo hết lòng dạy các các cậu, mà các cậu học hành rất chăm chỉ.

Sự học hành cần lắm. Ta phải rủ nhau đi học. Có học mới khôn được.


Trường học.

Khuyên con khuya sớm chuyên cần,
Học hành cố chí lập thân kịp người.​



Bé chẳng học, lớn làm gì?​



-----

(36) rộn rực.



HỌC TRÒ YÊU THẦY​



Chưa đến giờ học, học trò hãy còn chơi ở sân nhà trường. Anh Ba bảo các anh em bạn rằng: "Này các anh ạ, thầy yếu mới khỏi, chắc là thầy còn mệt; vậy hôm nay vào lớp, ta phải để trí mà nghe thầy dạy, đừng để thầy phải nói nhiều; như vậy thì thầy đỡ mệt, mà anh em ta mới tỏ được bụng yêu mến thầy." Các anh em đều nói: "Phải lắm, phải lắm."

Lúc vào học, ai nấy ngồi im (37) phăng phắc, cố ý nghe lời thầy dạy. Thầy dạy hết buổi học mà không thấy nhọc mệt, vì không phải nói to (38), không phải quở phạt ai cả. Thầy lấy làm bằng lòng lắm.


Phải yêu mến thầy. Thầy học là người thay quyền cha mẹ mà dạy dỗ ta để ta được nên người tử tế. Vậy ta phải yêu mến thầy học cũng như yêu mến cha mẹ.


Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn cho hay chữ phải yêu mến thầy.​



-----

(37) nín
(38) lớn
 
H

hiensau99

THẦY GIÁO​



Kể trong bách (39) nghệ, thì nghề nào cũng quí, nhưng nghề dạy học là đáng quí hơn cả. Không có người làm ruộng, thì ta không có cơm mà ăn; không có người dệt vải, thì ta không có áo mà mặc; không có thợ nề (40), thợ mộc, thì ta không có nhà mà ở. Nhưng nếu không có thầy dạy học, mở mang trí tuệ cho ta, thì dẫu ta làm nên gì đi nữa, cũng là phường giá áo túi cơm mà thôi! Như thế thì cái đời còn có giá trị gì! Vậy ta phải tôn kính thấy học lắm mới được.


Phải tôn kính thầy. Cha mẹ sinh ta và nuôi ta, thầy dạy ta để mở mang trí tuệ cho ta. Vậy ta phải tôn kính thầy cũng như tôn kính cha mẹ.


Giải nghĩa. - Trí tuệ = khiếu để hiểu biết mọi việc. - Giá áo túi cơm = nói ví người như cái giá móc áo, cái túi đựng cơm.


Trọng thầy mới được làm thầy.​



-----

(39) bá
(40) hồ



NGƯỜI HỌC TRÒ VÂNG LỜI​



Thu có thói hay dậy trưa. Cha mẹ chiều (41) anh, vì anh là con một, nên không quở mắng gì. Song có người nói đến tai thầy giáo biết, một hôm thầy bảo anh Thu rằng: "Dậy trưa là một nết xấu. Nếu con dậy trưa, thì con đi học muộn (trưa), mất thời giờ mà lại làm ngăn trở cả việc học hành của bạn con nữa. Từ rày con phải tập dậy sớm mới được." Từ hôm ấy trở đi, sáng nào anh Thu cũng dậy sớm và trước giờ học, anh đã đến trường rồi. Thu là học trò biết vâng lời thầy.


Phải vâng lời thầy. Thầy dạy bảo ta, là mong cho ta được hay. Vậy ta phải vui lòng mà vâng lời thầy.


Nào là những kẻ học trò,
Phải nghe thầy dạy mà lo sửa mình.​



-----

(41) chìu
 
H

hiensau99

BIẾT ƠN THẦY​



Tục ta thuở trước, cứ mồng năm ngày tết là học trò phải đến tết thầy. Không những khi còn đang học, mà khi đã thôi học rồi, có khi đã làm nên danh phận, cũng vẫn phải giữ lệ ấy. Học trò trọng thấy như cha vậy. Khi thầy mất thì học trò phải tống táng, phải trông nom (42) phần mộ, và đến ngày giỗ thì phải cúng tế.

Ấy cái tục của ta ngày xưa trọng thầy như vậy.


Phải biết ơn thầy. Thầy cũng như cha. Cha mẹ thì có công sinh thành, mà thầy thì có công giáo hóa. ta phải biết ơn thầy cũng như ơn cha mẹ.


Giải nghĩa. - Sinh thành = đẻ ra và nuôi mình nên người. - Giáo hóa = dạy dỗ.


Không thày đố mày làm nên.​



-----

(42) coi.



CẬU HỌC TRÒ THẬT THÀ​



Thầy giáo đang viết bài trên bảng. Bỗng chốc ở đàng cuối lớp có tiếng động, và mấy cậu học trò cười khúc khích. Thầy ngoảnh lại hỏi rằng: "Đứa nào nghịch (43) gì đấy?" Học trò ngồi im (44), không ai nói gì cả. Sau thấy anh Sáu đứng dậy thưa rằng: "Thưa thầy, con lỡ tay đánh rơi hộp bút (45), xin thầy tha cho con." Thầy nói: "Nghịch ở trong lớp thế là có lỗi, đáng lẽ phải phạt, song mày đã biết thú thật, thì ta tha cho. Từ rày đừng nghịch thế nữa."


Phải thật thà với thầy. Bao giờ ta cũng phải nói thật với thầy. Nếu đã làm điều gì trái, thì ta phải thú ngay. Ta không nên nói dối, vì nói dối là một thói rất xấu.


Đã lòng tri quá thì nên.​



-----

(43) rắn mắt.
(44) nín.
(45) viết.
 
H

hiensau99

ĐỨA BÉ TRỐN HỌC​



Thằng Tạ ở nhà cắp sách ra đi học. Nhưng kỳ thật nó trốn học, đi chơi. Cha nó bắt được nó đang trèo lên cây để lấy tổ (46) chim, gọi (47) xuống rồi đem đến trường học mách thầy.

Thầy giáo phạt Tạ và mắng Tạ rằng: "Mày trốn học như vậy, tôi nặng lắm. Ở nhà nói dối cha, đến trường nói dối thầy. Từ rầy phải chừa, phải đi học cho chuyên cần."


Chuyên cần. Học hành phải chuyên cần. Đi học mà buổi có buổi không, chẳng những thiệt cho mình, mà lại thất lễ với thầy nữa. Học trò trốn học đi chơi là học trò hư.


Giải nghĩa. - Chuyên cần = siêng năng, chăm chỉ.


Học tinh ư cần.​



-----

(46) ổ
(47) kêu



VƠ VẨN DỌC ĐƯỜNG​



Thằng Mùi và con Quý cắp sách đi học. Mẹ dặn rằng: "Phải đi cho mau, đừng có nghênh (48) ở đường nhé! Tao thấy nói chúng bay hay đến trường chậm lắm đấy." - "Vâng, chúng con đi thật nhanh (lanh)."

Nói rồi, cả hai đứa cùng chạy. Chạy được một lát, chúng nó dừng lại, nghỉ bên mé đường, rồi lại chạy. Gặp thằng bé (49) chăn trâu, lại đứng nói chuyện một lúc, rồi lại chạy. Cách một quãng, gặp một người mài dao, thấy hay hay, chúng nó đứng lại xem. Xem một lát, sực nhớ đến trường lại cắm đầu chạy để đến cho kịp giờ; nhưng đến trường, thì học trò vào học đã lâu rồi.


Đi học phải đúng giờ. Đi học ta phải trông (50) đồng hồ để liệu đến trường cho đúng giờ. ta không nên vơ vẩn dọc đường. Nếu đến trễ thì không những mất thì giờ của mình, mà lại ngăn trở cả viêc học của bạn nữa.


Đi đến nơi, về đến chốn.​



-----

(48) vác mặt
(49) nhỏ
(50) coi
 
H

hiensau99

MỘT NGƯỜI BẠN TỐT​



Bảy. Hôm nay nghỉ, ta đi chơi đi.

Tám. Không, tôi còn muốn đi đàng này kia.

Bảy. Đi đâu?

Tám. Anh Chín mệt, nghỉ học đã mấy hôm nay, tôi muốn đến thăm anh ấy.

Bảy. Đến làm gì! Nói chuyện với người ốm (51) thì còn có gì thú?

Tám. Anh nghĩ nhầm (lầm)! Nói chuyện với bạn mà lại không thú! Dễ cứ nô đùa (52), thì mới thú hẳn!

Anh Bảy còn ngần ngừ, anh Tám lại nói rằng: "Anh thử nghĩ xem: giá anh yếu (53) mà nằm buồn một mình, thì anh có muốn cho bạn đến chơi không? Ta đến, ta kể chuyện nhà trường cho anh Chín nghe, chắc anh ấy cũng đỡ buồn."

Bảy. Ừ thì tôi cũng đi với anh.


Lòng tốt đối với bạn. Anh em bạn học cùng một trường, sớm trưa có nhau phải yêu mến nhau như anh em một nhà, ở với nhau phải giữ hết lòng trung hậu.


Bạn bút nghiên một sách một đèn.​



-----

(51) đau
(52) trửng dỡn
(53) đau



MỘT ĐỨA TRẺ BIẾT CHIỀU BẠN​



Ba. Tôi muốn đến chơi anh Năm, anh có đến không?

Tư. Có. Nội các bạn trong trường, tôi thích anh ấy nhất, vì anh ấy biết nhường nhịn bạn, không để ai mất lòng bao giờ.

Ba. Phải, anh ấy có tính tốt, hay chiều (54) lòng bạn. Anh ấy biết rằng tôi thích đi câu, nên hễ đi chơi với tôi, anh chỉ nói chuyện đi câu cho tôi nghe. Không những thế, mà hễ anh ấy đi câu bao giờ, cũng lại rủ tôi.

Tư. Chả bù với anh Sáu nhỉ? Chỉ biết có mình thôi, mà chơi thì cứ muốn cho ai cũng phải theo mình.

Ba. Phải, như anh Sáu thế là người không tốt. Phàm chơi với bạn, có biết chiều lẫn nhau như anh Năm thì mới vui vẻ.


Phải biết chiều bạn. Anh em chơi với nhau, phải biết tính nhau và phải biết chiều nhau, thì mới được vui vẻ.


Dễ người dễ ta.​



-----

(54) chìu
 
H

hiensau99

ĐÀN QUẠ​



Thầy trò đi chơi, ngồi nghỉ chân trước cửa chùa. Thấy một người trèo lên cây gạo, định phá cái tổ (55) quạ. Có hai con quạ trong tổ bay ra kêu ầm lên. Một chốc (56) thấy bao nhiêu quạ tứ phía bay đến, xúm lại đánh người kia bù cả đầu, toạc cả mặt, phải vội vàng trụt xuống.

Thầy giáo thấy thế, nhân dịp (nhịp) bảo học trò rằng: "Lũ quạ biết bênh vực nhau như vậy, tức là cái nghĩa hợp quần đấy. Các con nên coi gương ấy mà bắt chước. Các con phải yêu mến nhau, giúp đỡ nhau, đùm bọc lấy nhau như con một nhà".


Nghĩa hợp quần. Học trò một trường phải coi nhau như ruột thịt một nhà. Phải quây quần đùm bọc lấy nhau: phúc cùng hưởng, họa cùng đau.


Giải nghĩa. - Hợp quần = nhiều người họp nhau lại mà bênh vực nhau.


Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây giụm lại nên hòn núi cao.​



-----

(55) ổ
(56) chút



NGƯỜI HỌC TRÒ TỐT​



Anh Năm ở xa mà hôm nào đi học cũng đúng giờ. Ở lớp học, anh có ý tứ và chăm chỉ. Bài học bao giờ cũng thuộc, bài làm bao giờ cũng hay, nên anh được ngồi trên. Đến giờ nghỉ, anh chơi tử tế với cả mọi người. Buổi tan học, anh không chơi vơ vẩn dọc đường. Ở nhà, lúc làm xong bài, anh lại giúp đỡ cha mẹ.

Thầy giáo được một người học trò tốt như anh Nam, lấy làm vui vẻ. Mà chúng tôi được một người bạn tốt, cũng lấy làm sung sướng. Ai nấy cũng muốn bắt chước anh Năm, cố làm cho được hay như anh.


Chọn (57) bạn mà chơi. Anh em bạn học, ai hay thì ta năng lui tới và cố bắt chước lấy cái hay. Ai dở thì chớ nên gần và cố làm điều hay cho người ta bắt chước.


Gần đèn thì sáng.​



-----

(57) lựa
 
H

hiensau99

MỘT CẬU BÉ (58) CAN ĐẢM


Mão lủi thủi cắp (59) sách đi về nhà một mình. Bỗng có mấy đứa vô cớ đến trêu ghẹo, rồi đuổi đánh. Mão kêu khóc rầm rĩ. Tí cũng vừa đi học về đến nơi, thấy có người ăn hiếp bạn, vội vàng chạy lại bênh. Tí cũng chẳng khỏe gì, nhưng hăng lên, xông vào đánh. Lũ trẻ kia phải bỏ chạy. Tí đến cầm tay Mão, bảo rằng: "Anh đừng sợ. Đã có tôi. Tôi đưa anh về nhà."

Tí thật đã hiểu cái bổn phận của kẻ mạnh là phải bênh vực kẻ yếu.


Bênh vực kẻ yếu. Ta có sức khỏe hơn người, ta chẳng nên cậy khỏe mà ăn hiếp người. Ta phải đem sức khỏe mà bênh vực kẻ hèn yếu.


Kẻ mạnh phải bênh vực kẻ yếu.​



-----

(58) nhỏ
(59) cặp



MỘT CẬU BÉ CÓ LÒNG THẢO​



Ở trường chúng tôi có anh Ngọ rất tử tế. Lúc ở trong lớp, ai thiếu cái bút (60) chì hoặc cái thước, thì anh cho mượn. Lúc chơi ngoài sân, anh có cái gì cũng cho bạn chơi chung và không hề cãi nhau với ai bao giờ. Hôm nọ anh Ba ngã (61) (bổ), anh vội chạy lại đỡ dậy, rồi lau mặt và phủi quần áo hộ (62). Hôm qua lúc tan học, trời mưa, Năm quên đem dù đi, anh bảo Năm cùng đi một dù với anh và đưa về đến tận nhà.

Anh giúp được ai việc gì, thì anh không nề hà (63) bao giờ.


Giúp đỡ lẫn nhau. Anh em cùng học một trường phải giúp đỡ lẫn nhau. Khuyên bảo nhau đã là hay rồi, mà giúp đỡ lẫn nhau lại là hay hơn nữa.


Giải nghĩa. - Không nề hà = không quản công.


Chị ngã em nâng.​



-----

(60) cây viết
(61) té
(62) giùm
(63) suy nệ
 
H

hiensau99

ĐỨA BÉ Ở SẠCH​



Khiết là một đứa bé ở sạch. Sáng dậy nó rửa mặt, rửa cổ, rửa tay. Rồi chải đầu, mặc áo, đi giày thật tiêm tất.

Khi nó viết, nó giữ không dể mực dây ra tay. Sách vở của nó bao bọc sạch sẽ.

Khi nó chơi, nó giữ gìn quần áo, không để lấm, không làm rách.


Phải sạch sẽ. Ta phải giữ thân thể, quần áo, sách vở cho thật sạch. Có sạch thì người ta mới ưa. Bẩn thỉu (64) (nhớp nhúa) thì ai cũng ghét.


Giải nghĩa. - Tiêm tất = gọn gàng, tử tế.


Đói cho sạch, rách cho thơm.​



-----

(64) dơ dáy



ĐỨA BÉ CÓ THỨ TỰ​



Năm là một đứa bé có thứ tự. Áo nó treo trên mắc, đồ chơi có xếp vào hòm (65); sách, vở, bút, thước nó để trên bàn, hay xếp trong cặp; vật nào chỗ ấy, đầu vào đấy cả. Nên không hay mất mát bao giờ, và khi cần đến cái gì là thấy ngay (66), không phải mất công, mất thời giờ đi tìm.


Có thứ tự. Đồ vật xếp đặt có ngăn nắp, công việc làm ăn có trước sau, thế là có thứ tự. Thứ tự là một tính tốt. ta phải tập cho có thứ tự ngay từ kúc còn bé.


Việc làm phải có thứ tự.​



-----

(65) rương
(66) liền
 
H

hiensau99

ĐỨA BÉ ĐÃNG TRÍ​



Sáu là đứa bé hay đãng trí. Ở lớp học, nó chỉ thích nói chuyện, hay là nghênh (67) ra ngoài sân.

Sáng hôm nay, thầy giáo hỏi học trò:"Các anh có biết con vật nào là vật to hơn cả không?"

Sáu không để tai nghe câu hỏi của thầy, đứng dậy đáp ngay rằng: "Thưa thầy con ạ".

Anh em cười ầm lên.

Thầy giáo cũng bật cười mà bảo rằng: "Mày là con vật à? Nếu mày học hành cứ lơ đễnh như thế, thì ngày sau *** nát, cũng chẳng khác gì con vật".


Phải chú ý. Lúc học, ta không nên đãng (lãng) trí. Ta phải chú ý vào lời thầy giảng, thì học mới chóng tấn tới.


Học mà không chú ý,
thì chẳng học được gì cả.​



-----

(67) vác mặt



AI AI CŨNG LÀM VIỆC​



Cha anh làm việc cả ngày ở ngoài đồng hay trong xưởng thợ. Mẹ anh bán hàng ở ngoài chợ. Chị anh coi sóc các anh và trông nom (68) cơm nước.

Thợ nề làm nhà; thợ rèn rèn sắt; thợ dệt dệt vải; thợ may may quần áo. Thầy thuốc chữa bệnh; thầy giáo dạy học trò.

Con ong gây (gầy) mật; con chim làm tổ (69) hay đi kiếm mồi về nuôi con.

Các anh xem có phải là muôn vật trong trời đất này đều làm việc cả không. các anh còn nhỏ, chưa làm được việc gì, nhưng các anh cần phải học hành để ngày sau làm được việc có ích cho mình, cho xã hội.


Phải làm lụng. Ở đời ai cũng phải làm. Có làm thì mới có ăn. làm việc là cái bổn phận thứ nhất của người ta.


Giải nghĩa. - Xưởng = nơi có nhiều thợ làm việc. - Gây = cũng nghĩa như làm.


Có khó mới có miếng ăn.​



-----

(68) coi
(69) ổ
 
H

hiensau99

BUỔI HỌC CUỐI CÙNG​



Một buổi chiều, cơm nước xong, thầy anh Sửu gọi anh mà bảo rằng: "Ta nghe trong mình nhọc mệt, mà mẹ con thì cũng già yếu rồi. Vậy từ mai trở đi thì con thôi học, ở nhà để giúp đỡ thầy mẹ."

Mấy lời đó làm cho anh Sửu buồn bã vô cùng. Từ khi anh đi học, nào có thiết gì đến học! Anh chĩ mê chơi, nay nghỉ, mai nghỉ. Bây giờ phải thôi học, thành ra dở dang, chẳng biết gì cả. Ấy cũng vì lúc đi học, anh không chuyên cần chăm chỉ nên mới chịu *** cả đời.


Phải chăm học. Ta phải chăm học. Không nên hơi váng đầu, sổ mũi đã lấy nê (cớ) mà xin nghỉ. Việc gì nên làm thì làm ngay, đừng để chậm trễ.


Có chăm học thì mới nên.​




ĐỨA TRẺ MẤT DẠY​



Thằng Đông là đứa trẻ hư lắm. Nó lơ đễnh và làm biếng, nên học hành không tấn tới. Nó hay khoe khoang và kiêu ngạo, hay sinh sự cãi nhau với anh em, nên không ai muốn chơi với nó.

Ở nhà, cha mẹ bảo nó điều gì nó cũng không nghe. Thằng Đông lại vô phép vô tắc, nói dối nói dá (trá), nên ai cũng ghét. Nếu nó không chịu sửa mình lại, thì ngày sau sẽ khổ đến thân.


Đứa học trò xấu. Đứa học trò xấu làm phiền cho thầy và cho cha mẹ, làm gương xấu cho anh em bạn ta. Ta không nên chơi với nó.


Gần mực thì đen.​
 
H

hiensau99

THẰNG LƯỜI​



Học trò đã vào học được một lúc rồi, mới thấy thằng Đông mở cửa vào. Nó đến trễ vì nó ngủ trưa. Ấy là còn khá, có hôm nó còn giả ốm (70) để nghỉ học ở nhà. Nó lười (71) biếng như thế, cho nên đi học đã hơn sáu tháng, mà chưa đọc được, chưa viết được quốc ngữ. Thầy giáo quở phạt nó luôn.

Nếu nó không chăm bọc, thì rồi nó chịu *** suốt đời.


Lười (72) biếng (nhác nhớn). Người lười (73) đã không làm được việc gì, lãi còn ăn hại. Ai lười (74) biếng thật là đáng khinh bỉ.


Cần hữu công, hí vô ích.​



-----

(70) đau
(72) biếng nhác
(73), (74) làm



ĐỨA BÉ KHÔNG CÓ THỨ TỰ​



Thằng Lân là một đứa bé nết na, nhưng nó phải cái tật không có thứ tự.

Trong phòng nó ở, đồ đạc, chăn (75) chiếu ngổn ngang. Quần áo bạ đâu bỏ đó. Giày thì chiếc ở gậm giường (76), chiếc ở xó cửa. Trên bàn, sách vở bề bộn, quyển (77) thì rách gáy, mất bìa, quyển thì nhọ nhem (lọ lem) những mực. Bình mực thì không có nút, quản bút (78) thì không có ngòi.

Thằng Lân không có thứ tự như thế, nên lúc nó cần đến cái gì, phải tìm (79) mãi mới thấy.


Không có thứ tự. Đồ vật để bừa bộn, công việc làm hồ đồ, thế là không có thứ tự. Người không có thứ tự thường hay rối việc, mất thời giờ.



Không có thứ tự,
Thì hay tốn công hỏng việc.​



-----

(75) mền
(76) dưới sàn
(77) cuốn
(78) viết
(79) kiếm
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom