Định hướng nghề nghiệp một số chuyên ngành nổi bật trong khối ngành Công nghệ!

  • Thread starter hocmai.tuyensinh
  • Ngày gửi
  • Replies 4
  • Views 8,757

H

hocmai.tuyensinh

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Định hướng nghề nghiệp khối ngành Công nghệ

Công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, công nghệ môi trường, công nghệ hạt nhân là 5 chuyên ngành chính trong khối Ngành Công nghệ. Thông tin chi tiết về nội dung đào tạo, khả năng nghề nghiệp của từng chuyên ngành này các bạn học sinh có thể theo dõi dưới đây.

>>> Điểm chuẩn ngành Công nghệ từ năm 2009 tới năm 2011
1. Công nghệ Thực phẩm

Đào tạo cử nhân hoặc kĩ sư (tùy theo từng trường) Công nghê thực phẩm, sinh viên được trang bị những kiến thức liên quan đến vận hành dây chuyền công nghệ sản xuất, tham gia thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học.

Các môn chuyên ngành bao gồm: Công nghệ chế biến rau quả; Công nghệ sản xuất dầu mỡ; Công nghệ vi sinh thực phẩm; Công nghệ chế biến đồ uống; Công nghệ chế biến thịt cá, trứng, sữa; Công nghệ sản xuất bánh kẹo; Công nghệ chế biến thức ăn công cộng...

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm (Chế biến thịt, sữa, cá, cà phê, chè, đồ hộp...), quản lý chất lượng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngành này đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu.

2. Công nghệ Sinh học

Công nghệ sinh học (CNSH) là một tập hợp các ngành khoa học và công nghệ (sinh học, sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học và công nghệ học) nhằm tạo ra các qui trình công nghệ khai thác ở qui mô công nghiệp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động vật và thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Một số chuyên ngành hiện đang đào tạo ở các trường như công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, công nghệ mô - công nghệ protein-enzym và kỹ thuật di truyền, CNSH nông nghiệp, CNSH công nghiệp, CNSH môi trường, CNSH thực phẩm, CNSH y dược, tin - sinh học.

Học ngành này, sinh viên được trang bị các kiến thức cơ bản về: nguyên lý và quá trình sinh học đại cương, lý thuyết cơ sở về sinh học thực nghiệm, nội dung cơ bản về công nghệ sinh học để ứng dụng vào các vấn đề trong sinh học và công nghệ sinh học. Mặt khác, sinh viên còn được trang bị những kỹ năng thực hành nghề nghiệp cần thiết như thu thập mẫu, đo đạc và tổng hợp, phân tích các số liệu, sử dụng các phương pháp thí nghiệm hiện đại của Công nghệ sinh học.

Sau khi tốt nghiêp, người học có thể đảm nhận các công việc như: Giảng dạy sinh học (một số môn sinh học thực nghiệm) và công nghệ sinh học ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề và các trường Trung học Phổ thông; Nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về sinh học, sinh học thực nghiệm và công nghệ sinh học ở các viện nghiên cứu, các trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, các trường Đại học và Cao đẳng; Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến Sinh học và Công nghệ sinh học của các ngành hoặc các địa phương (bộ, sở, phòng,...), các trung tâm, tỉnh, thành phố, quận, huyện; Làm các công việc kỹ thuật, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm tại các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, nông, lâm, ngư, y dược, khoa học hình sự, công nghiệp nhẹ; Tư vấn, tiếp thị tại các đơn vị thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, y dược.

Hiện nay, các trường có đào tạo hệ cử dân và kĩ sư công nghệ sinh học. Kỹ sư ngành CNSH được trang bị những kiến thức cơ bản về sinh học và kiến thức sâu về kỹ thuật công nghiệp, có khả năng vận hành sản xuất, chọn lọc và phát triển CNSH theo qui mô công nghiệp. Cử nhân ngành CNSH được trang bị những kiến thức chuyên sâu về sinh học, chú trọng các qui luật sinh học và các kỹ năng có thể được khai thác để tạo ra công nghệ và sản phẩm trực tiếp phục vụ cuộc sống, chú trọng tính liên ngành, đặc biệt trang bị các kiến thức và kỹ năng về sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật tế bào, kỹ thuật lên men, công nghệ enzym...

3. Công nghệ Hóa học

Công nghệ hóa học trình độ đại học nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản để phát triển toàn diện; có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản và các kỹ năng kỹ thuật để đảm đương công việc của người kỹ sư công nghệ. Sinh viên ngành Công nghệ hóa học có khả năng hiểu biết toàn bộ quá trình sản xuất chính và các mối quan hệ kỹ thuật – công nghệ và thiết bị trong ngành Công nghệ Hóa học, từ đó có thể hiểu biết sâu về một chuyên ngành nào đó trong công nghệ hóa học. Tốt nghiệp chuyên ngành này, sinh viên có khả năng chỉ đạo, tổ chức sản xuất và áp dụng các quy trình công nghệ vào điều kiện sản xuất thực tế tại các cơ sở sản xuất thuộc công nghệ hóa học và có khả năng tiếp cận, triển khai các công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.


Ngành Công nghệ hóa có các chuyên ngành như: Công nghệ hữu cơ - hóa dầu, Công nghệ hợp chất cao phân tử, Công nghệ điện hóa và bảo vệ kim loại, Công nghệ vật liệu silicat, Công nghệ các hợp chất vô cơ và phân bón hóa học, Công nghệ in, máy và thiết bị công nghiệp hóa chất - dầu khí, Công nghệ hóa học môi trường, hóa dược phẩm... Ngoài ra tại nhiều trường ĐH, CĐ khác cũng đào tạo ngành hóa học, chuyên sâu về nghiên cứu khoa học.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các ngành công nghiệp hóa chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu, cũng như các cơ quan nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra còn có thể làm việc ở các lĩnh vực liên quan như ximăng, gốm sứ, thủy tinh, vật liệu xây dựng, kiểm soát ô nhiễm, khai thác chế biến dầu mỏ và khí đốt, xăng dầu, nhớt bôi trơn, dệt nhuộm, chất tẩy rửa, mỹ phẩm, giấy, xử lý nước thải, an toàn nhà máy, vật liệu điện tử, dược phẩm, công nghệ sinh học...

4. Công nghệ môi trường/ khoa học môi trường

Chuyên ngành Công nghệ môi trường sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải bằng các biện pháp sinh học, lý học, và hóa học. Sinh viên có khả năng thiết kế, thi công, vận hành và quản lý hệ thống cấp thoát nước, các công trình xử lý nước thải cho các nhà máy và khu công nghiệp, công nghệ xử lý và quản lý chất thải rắn sinh hoạt - chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại, xử lý không khí ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường và môi trường khu công nghiệp. Sinh viên sẽ được tham gia nghiên cứu các quá trình xử lý lý, hóa, sinh học; thiết kế hệ thống xử lý và tái sử dụng chất thải, khí thải và chất thải rắn.

Cử nhân ngành Công nghệ môi trường có khả năng dự báo, phát hiện những vấn đề môi trường đã, đang và sẽ xảy ra, đồng thời biết tổ chức thực thi các biện pháp xử lý, khắc phục, phòng tránh những sự cố xảy ra có hại đến môi trường.

Cơ quan công tác khi tốt nghiệp: các nhà máy xí nghiệp, các công ty xử lý chất thải như: Trung tâm Bảo vệ môi trường, hoặc tại Phòng Quản lý môi trường ở các cấp chính quyền; Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các Sở Khoa học công nghệ & môi trường, Sở Địa chính, Sở Khoa học và phát triển nông thôn, UBND các huyện thị. Các công ty như cấp thoát nước, tư vấn môi trường, nuôi trồng thủy sản và các nhà máy công nghiệp, các cơ quan quản lý môi trường, các cơ quan quy hoạch, khai thác khoáng sản, các Viện Nghiên cứu có liên quan đến các lĩnh vực trên hoặc có thể giảng dạy về khoa học môi trường từ bậc THPT đến CĐ, ĐH.

Hiện nay, tùy theo từng trường mà ngành này có tên gọi là Công nghệ môi trường hay khoa học môi trường. Về cơ bản 2 ngành này có chương trình đào tạo gần giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ:Khoa học môi trường là ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người và môi trường xung quanh nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống của con người trên trái đất; Công nghệ môi trường là ngành khoa học và kỹ thuật ứng dụng đa ngành như vật lý, hoá học, sinh học nhằm ngăn ngừa và xử lý các chất độc hại phát sinh từ quá trình sản xuất và hoạt động của con người.

5. Công nghệ hạt nhân

Công nghệ hạt nhân là ngành trọng điểm, tiềm năng trong tương lai nhưng hiện nay cả nước mới chỉ có một số trường đại học đào tạo. Sinh viên trang bị những kiến thức về công nghệ hạt nhân cơ bản, hiện đại và cập nhật các tiến bộ của công nghệ và vật lí hạt nhân trên thế giới, được tham quan và thực tập thực tế tại các cơ sở hạt nhân trong nước.

Nội dung đào tạo nhằm cung cấp một kỹ năng chọn lọc có định hướng về kỹ thuật và công nghệ hạt nhân; hiểu biết về an toàn phóng xạ; biết cách vận dụng các thiết bị điện tử hạt nhân và phương pháp kiểm tra vật liệu bằng kỹ thuật hạt nhân.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế quốc dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học quốc gia như Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Viện Công nghệ Quốc gia, các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty nhà nước hoặc tư nhân theo hướng phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, trong ngành Năng lượng hạt nhân...

Mọi thắc mắc liên quan tới ngành Công nghệ, các bạn học sinh có thể trao đổi dưới bài viết này
 
C

cauti1112

cho e hỏi là ngành CNSH ở DH Nông Lâm dạy có ngon không ?
.........................................................
 
G

gaconboy2012

càng ngày học càng *** nát phải làm gì đây khi tôi sắp thi rồi
 
B

bont

cho e hỏi là ngành CNSH ở DH Nông Lâm dạy có ngon không ?
.........................................................

Nói chung ngành CNSH là ngon nhất trong ĐH nông lâm đấy, còn đào tạo thì chắc chắn ngon rồi nhưng liệu học có ngon không mới là vấn đề, học tốt thì học ở trường nào cũng tốt bạn à
 
Top Bottom