Địa [Địa 6] Thảo luận địa 6

S

scientists

Sự ra đời của Hệ Mặt Trời

images


Bài viết này lấy từ www.thienvanvietnam.org
Người viết : Đặng Vũ Tuấn Sơn

Việc tìm kiếm quá khứ của Hệ Mặt Trời đã xuất hiện và trở thành một vấn đề hấp dẫn từ những thế kỉ 18,19 với nhiều cuộc tranh cãi. Việc nghiên cứu về sự ra đời của hệ Mặt Trời với các hành tinh của nó cùng các vệ tinh, các tiểu hành tinh, sao chổi, thiên thạch … đòi hỏi phải trả lời được nhiều câu hỏi về cấu trúc cũng như những tính chất lí hoá mà chúng ta đã biết như: Tại sao các hành tinh có cùng một mặt phẳng quĩ đạo và tại sao chúng chuyển động theo cùng một hướng, yếu tố nào gây ra sự liên quan giữa sự quay của Mặt Trời và các hành tinh hay nguyên nhân sự phân bố xung lượng từ Mặt Trời tới các hành tinh quay quanh nó là gì …
Nỗ lực trả lời các câu hỏi này đã dẫn đến nhiều ý tưởng và giả thuyết khác nhau về sự hình thành hệ hành tinh của chúng ta.



Các lí thuyết cổ điển
Trước hết là thuyết tinh vân do Immanuel Kant* sáng lập và được hoàn thiện bởi Laplace* vào cuối thế kỉ 18. Thuyết này cho rằng hệ Mặt Trời ban đầu chỉ là một đám tinh vân (nebula) bao gồm khí và bụi. Đám tinh vân này tự quay quanh trục một cách chậm chạp. Mọi vật thể đều có lực hấp dẫn hướng tâm - tức là lực hấp dẫn hướng thẳng vào tâm vật thể. Lực này làm đám tinh vân quay ngày một nhanh, mật độ vật chất tăng lên do thể tích giảm xuống, tinh vân tụ lại thành một thiên thể dạng cầu – đó chính là Mặt Trời. Khối cầu Mặt Trời tiếp tục quay nhanh. Một bộ phận vật chất nhận được lực li tâm đủ lớn để thắng được hấp dẫn vào tâm tách ra khỏi Mặt Trời sơ khai trở thành các vành vật chất (ring). Trong mỗi vành này, hẫp dẫn lại đóng vai trò tập hợp vật chất thành các khối cầu lớn, đó là các hành tinh. Sự việc diễn ra tương tự đối với việc hình thành các vệ tinh từ sự quay của hành tinh. Việc tách vành vật chất thành các thiên thể nhỏ hơn được dừng lại khi lực li tâm sinh ra do sự quay của thiên thể không đủ lớn để thắng được hấp dẫn bản thân của thiên thể đó. Lí thuyết này không giải thích được yếu tố về sự phân bố xung lượng của các hành tinh khi chuyển động trên quĩ đạo

Với cố gắng giải thích yếu tố này, đầu thế kỉ 20 đã có 2 lí thuyết được đề ra với cùng một ý tưởng chung là do sự tương tác của một ngôi sao di chuyển gần Mặt trời gây ra sự xuất hiện các hành tinh.

Lí thuyết va chạm do Chamberlin* và Moulton* đề ra vào những năm đầu tiên của thế kỉ 20 cho rằng đã có một ngôi sao đi qua và có thể đã va chạm với Mặt Trời. Sự va chạm này gây ra những đợt triều (như thuỷ triều trên Trái Đất) lớn trên bề mặt của Mặt Trời. Các chấn động đó làm một lớp vật chất tách khỏi Mặt Trời và chuyển động trên các quĩ đạo elip. Khí và bụi tập hợp lại trên mỗi quĩ đạo tạo ra những thiên thể rắn, các quĩ đạo dần đi vào ổn định, các thiên thể rắn này trở thành các hành tinh.

Năm 1918, James Jeans* và Harold Jeffreys* đề xuất lí thuyết triều, là một biến thể khác của lí thuyết va chạm nói trên. Giả thuyết này nói rằng trên bề mặt Mặt Trời đã xuất hiện một đợt triều lớn do một ngôi sao đi qua gần nó. Sức hút hấp dẫn của ngôi sao này cuốn khí và bụi từ Mặt Trời sơ khai thành các dòng chảy với khối lượng và kích thước khác nhau trên các quĩ đạo elip. Các dòng vật chất này, sau khi cô dặc lại, tạo thành hình dáng là các hành tinh như ngày nay. Lí thuyết này cũng vẫn chưa giải thích được sự phân bố xung lượng của các hành tinh.


Lí thuyết hiện đại
Lí thuyết hiện đại quay lại với giả thuyết tinh vân của Laplace để giải thích cho sự phân bố xung lượng từ Mặt Trời đến các hành tinh.. Tinh vân đó được xem như một hạt nhân đậm đặc bao quanh bởi một lớp khí và bụi mỏng. Lí thuyết này giống với lí thuyết do Gerard Kuiper* đưa ra, trong đó tinh vân xuất hiện sự quay không ổn định. Dưới tác dụng của các lực li tâm cùng với chuyển động nhiễu loạn của các đợt triều trên bề mặt, nó tách ra các đám bụi tiền hành tinh (protoplanet) chuyển động quanh tâm chung, các đám bụi tiền hành tinh này co đặc lại thành các hành tinh. Hiển nhiên giả thuyết này của Kuiper không giải thích được sự khác biệt đặc trưng về lí-hoá của các hành tinh.


7111915.JPG


Lí thuyết hiện đại do một nhà khoa học khác là H.C. Urey* đưa ra. Giả thuyết này cho biết các hành tinh được hình thành ở nhiệt độ thấp khoảng 1200 đến 2200 độ C (chứ không phải ở nhiệt độ cao cùng với Mặt Trời như các giả thuyết nêu trên). Urey đề xuất rằng nhiệt độ này là vừa đủ. Nó đủ lớn để duy trì hoạt động của các chất khí như hydro hay heli, nhưng cũng đủ nhỏ để không làm nóng chảy các kim loại như sắt, silic. Dưới tác dụng của hấp dẫn, các đám bụi trên các quĩ đạo tập hợp lại với nhau, trở thành các tiền hành tinh. Lúc này nhiệt độ bắt đầu tăng cao, các kim loại nặng có xu hướng chìm sâu vào tâm khối vật chất và trở thành nhân nóng chảy của hành tinh, lớp ngoài gồm các nguyên tố nhẹ hơn nguội dần tạo thành lớp vỏ. Với các hành tinh ở xa, các chất khí phía ngoài như metan, ammoniac… bị đẩy xuống nhiệt độ rất thấp, chúng đóng băng lại ngăn cản sự tiếp cận của các nguyên tố nặng. Các hành tinh như thế trở thành các thiên thể có kích thước lớn với tỷ trọng khá thấp (như sao Mộc, sao Thiên Vương, …)

Năm 1995, lần đầu tiên con người nghiên cứu về một hệ hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta , hệ 51 Pegasi*. Việc nghiên cứu những hệ hành tinh như thế đã cho thấy nhiều điểm tương đồng với những gì do lí thuyết hiện đại đề ra. Tuy nhiên, nhân loại cũng cần dừng lại và suy xét kĩ hơn về những nền tảng được nghiên cứu. Tại các hệ hành tinh đó, có những hành tinh nhỏ hơn sao Diêm Vương, có những hành tinh nhiều lần lớn hơn sao Mộc, cũng có những quĩ đạo gần sao mẹ hơn quĩ đạo của sao Thuỷ và có cả những quĩ đạo tròn hơn nhiều quĩ đạo các hành tinh của chúng ta. Điều đó nói lên rằng có một sự sai khác trong cơ cấu phân bố động lượng của các hệ đó, có nghĩa là bản thân sự ra đời của chúng có thể không hoàn toàn giống hệ Mặt Trời của chúng ta. Tất cả những điều này khiến lí thuyết hiện đại nêu trên cũng không tránh khỏi việc bị đưa ra xem xét lại và các cuộc tranh cãi có lẽ sẽ còn rất lâu mới chấm dứt.


----------------------------------------------------------------------
*Immanuel Kant (1724 – 1804): nhà triết học người Đức, tác giả đầu tiên của thuyết tinh vân, lí thuyết đặt nền móng cho lí thuyết hiện đại về sự ra đời hệ Mặt Trời.
*Pierre Simon de Laplace (1749 – 1827): nhà thiên văn học người Pháp, nghiên cứu về hệ Mặt Trời và vận tốc quĩ đạo các hành tinh.
*Chamberlin và Moulton: hai nhà thiên văn học người Mĩ làm việc tại đại học Chicago. Năm 1905, họ cùng nhau đề xuất giả thuyết va chạm dẫn đến sự hình thành các hành tinh.
*James Jeans (1877 – 1946): nhà toán học và thiên văn vật lí người Mĩ từng công tác tại Princeton, Cambridge và Oxford, cùng Jeffreys đề xuất lí thuyết triều năm 1918
*Harold Jeffreys (1891 – 1989): nhà thiên văn học người Anh, có nhiều nghiên cứu về cấu trúc các hành tinh và nhân Trái Đất
*Gerard Kuiper (1905 - 1973): nhà thiên văn Mĩ , người phát hiện ra vệ tinh Nereid của sao Hải Vương, vệ tinh Miranda của sao Thiên Vương và phát hiện ra khí quyển trên vệ tinh Titan của sao Thổ.
*Harold Clayton Urey (1893 – 1981): nhà vật lí hoá học người Mĩ, nghiên cứu các thiên thạch trong hệ Mặt Trời và tham gia trực tiếp trong 2 dự án không gian lớn là Apollo và Viking
*51 Pegasi: 1 hệ hành tinh trong chòm sao Pegasus, là hệ hành tinh đầu tiên tương tự hệ Mặt Trời được phát hiện và quan sát vào năm 1995.
 
S

scientists

Mặt Trời

320px-The_Sun_by_the_Atmospheric_Imaging_Assembly_of_NASA%27s_Solar_Dynamics_Observatory_-_20100819.jpg

Chúng ta sống trên Trái Đất, một trái cầu lơ lửng, lăn tròn. Hàng đêm, bầu trời của chúng ta sáng lên nhờ những đốm sáng nhỏ bé mà chúng ta vẫn gọi là các ngôi sao, các tinh tú. Giờ đây chúng ta đều biết rằng mỗi đốm sáng nhỏ bé đó đều là các khối cầu khí khổng lồ có khả năng tự phát sáng và phát nhiệt, đó là cách duy nhất để ánh sáng của chúng đến được với chúng ta. Trong số hàng tỷ tỷ ngôi sao đó, chỉ có một ngôi sao duy nhất đã mang lại cho chúng ta sự sống, một ngôi sao không bao giờ xuất hiện vào ban đêm bởi vì bản thân sự hiện diện của nó đã đồng nghĩa với ánh sáng ban ngày. Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ gọi nó là một ngôi sao bởi vì nó đã có một tên gọi khác : Mặt Trời.

1. Mặt Trời trong nhận thức ban đầu của con người
Trong nhận thức của con người thời xưa, Mặt Trời không phải một ngôi sao, mà là một khối lửa rực sáng mang lại ánh sáng và cả sự nóng nực, nó là biểu tượng của lửa - thứ sức mạnh mà người xưa cho là đáng sợ nhất.

Sự lo sợ về các hiện tượng thiên nhiên, về các chu kì thời tiết đẫ khiến họ tin vào các đấng siêu nhiên, các thần linh che chở, bảo vệ và cũng có thể nổi giận với họ. Cũng như mưa, gió, lửa, ...., Mặt Trời cũng được gán với một vị thần, một vị thần ở trên cao hàng ngày mang ánh sáng đến cho loài người.


Có thể nói rằng hầu hết các dân tộc đều có hình ảnh của vị thần Mặt Trời trong các truyền thuyết của họ. Trong nhiều truyền thuyết, thần Mặt Trời được coi là vị thân tối cao thống trị thiên đình, cũng có nhiều truyền thuyết coi thần Mặt Trời tuy không phải một vị thần tối cao nhưng là vị thần đáng kính nhất, mang lại ánh sáng cũng chính là cái quí nhất cho con người.


Một truyện thần thoại rất tiêu biểu mà đến nay chúng ta vẫn con được biết tới hình ảnh của vị thần Mặt Trời trong trí tưởng tượng của con người trước đây là thần thoại Hy Lạp. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều hình ảnh được giữ lai về vị thần Mặt Trời Helios trong thần thoại này. Theo trí tưởng tượng của người Hy Lạp xa xưa, Helios là vị thần hàng ngày ngồi trên cỗ xe vàng tứ mã. Mặt Trời được thần đặt trên xe này và đưa đi dọc theo bầu trời từ Đông sang Tây theo lệnh của thần Zeus. Do đó mà thế giới không thể thiếu Helios vì chỉ một ngày thần xin... nghỉ phép là ngày hôm đó sẽ hoàn toàn là đêm đen.


helios.jpg

Thần Helios và cỗ xe vàng tứ mã mang lại ánh sáng cho loài người

Nhìn chung thời xa xưa tất cả quan niệm của con người về vũ trụ cũng như Mặt Trời chỉ có vậy. Đến khi các ý tưởng toán học đầu tiên hình thành, con người ta mới bắt đầu quan tâm đến việc giải thích cấu trúc vũ trụ. Một lần nữa chúng ta lại nhắc đến mô hình địa tâm của Ptolemy. Mô hình này được đưa ra trong tác phẩm Almagest của Ptolemy mà theo đó Trái Đất của chúng ta chính là trung tâm vũ trụ và các mặt cầu quay quanh Trái Đất tạo nên vũ trụ của chúng ta. Theo mô hình đó mà chúng ta đã biết thì Mặt Trời cũng như các hành tinh khác , chỉ là một thiên thể luôn quay quanh Trái Đất, điều này dường như giống như câu chuyện về Helios.


Mô hình này được thay thế bằng mô hình nhật tâm của Copernicus vào năm 1543 mà theo đó Mặt Trời đã trở thành trung tâm của vũ trụ và Trái Đất chỉ là một hành tinh chuyển động quanh Mặt Trời (như ngày nay chúng ta đã biết một mô hình như vậy về hệ mặt Trời)

Vậy trước khi kết thúc vấn đề nhận thức cũ của con người hay là lịch sử phát triển nhận thức của con người về Mặt Trời, chúng ta sẽ khẳng định lại một lần nữa về những gì chúng ta đã biết về vị trí của chúng ta và của Mặt Trời trong vũ trụ.

Chúng ta sống trên Trái Đất, hành tinh thứ ba (tính từ trong ra ngoài) và là hành tinh duy nhất có sự sống của hệ Mặt Trời. Mặt Trời của chúng ta là một ngôi sao nằm trên một trong các cánh tay của thiên hà xoắn Milky Way - hàng đêm chúng ta thấy nó là dải sáng vắt ngang bầu trời mà chúng ta vẫn thường gọi là Ngân Hà. Chính Mặt Trời đã mang lại sự sống cho chúng ta suốt mấy tỷ năm qua, còn tương lai của nó thì chúng ta sẽ biết thêm ở một trong những phần được nhắc tới dưới đây.

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiều kĩ hơn vầ Mặt Trời

2.Vài nét về ngôi sao Mặt Trời
Mặt Trời là một ngôi sao có khối lượng và kích thước thuộc loại trung bình so với các sao khác trong thiên hà. Nó nằm cách ảìa của Milky Way 14000 năm ánh sáng và cách trung tâm của nó khoảng 26000 năm ánh sáng, thuộc một nhánh của thiên hà xoắn Milky Way


sun343.jpg




  • - Phân loại: Theo biểu đồ quang phổ phân loại sao, Mặt trời thuộc nhóm G2V, là một sao thuộc dãy sao lùn vàng.
  • - Khối lượng và kích thước: Mặt Trời có khối lượng gấp 330.000 lần khối lượng Trái Đất còn đường kính gấp 109 lần đường kính Trái Đất (có nghĩa là có thể đặt hơn 1 triệu khối cầu như Trái Đấtvào bên trong Mặt Trời)
  • - Mặt Trời nằm ở trung tâm Hệ Mặt Trời, cách Trái Đất của chúng ta khoảng 150 triệu km (1 đơn vị thiên văn) tương ứng với 8 phút ánh sáng.
  • - Cấp sao biểu kiến của Mặt Trời là -26,72 và cấp sao tuyệt đối là 4,85.
  • - Nhiệt độ bề mặt của Mặt Trời vào khoảng 6.000K, tại các vết đen thì có nhiệt độ khoảng 4800 - 5000 K
  • - Nhiệt độ tại tâm Mặt Trời là khoảng 15.000.000 K, nhiệt độ này có được do phản ứng nhiệt hạch xảy ra liên tiếp trong nhân Mặt Trời. Chính phản ứng này cung cấp năng lượng cho Mặt Trời toả sáng.
3.Hình thành, tỏa sáng và tiến hóa

Sự hình thành của Mặt Trời hay chính là sự hình thành của cả Hệ Mặt Trời ngày nay đã được mô tả trong lý thuyết hiện đại về sự ra đời của Hệ Mặt Trời.

Toàn bộ hệ Mặt Trời ra đời từ một đám khí bụi khổng lồ (tinh vân tiền sao/protostar nebula). Cùng với thời gian, đám khí này ngày càng gia tăng khối lượng do sự gia nhập của vật chất bên ngoài. Khối lượng càng lớn, đám khí bụi càng co lại do hấp dẫn bản thân làm mật độ lớn dần. Lực hướng tâm khiến cho toàn bộ khối khí bụi tự quay quanh tâm chung ngày càng nhanh. Sự co lại tiếp tục làm xuất hiện tại tâm khối khí một khối vật chất có mật độ lớn, đó chính là Mặt Trời nguyên thủy. Khối khí bụi tiếp tục quay làm bứt ra nhiều đám khí bụi tiếp tục quay quanh tâm chung dưới dạng những vành vật chất. Trong mỗi vành vật chất hấp dẫn lại đóng vai trò làm khí và bụi tập hợp lại với nhau tạo thành các hành tinh, rồi đến các vệ tinh chuyển động quanh các hành tinh.

solarnebula676vaca.jpg


Ở Mặt Trời, lượng vật chất tham gia tạo thành quá lớn, điều đó đồng nghĩa với khối lượng lớn và lực hấp dẫn hướng vào tâm khối khí cũng lớn. Độ lớn của lực này làm gia tốc các hạt vật chất (chủ yếu là các nguyên tử Hydro) lên vận tốc rất cao. Ở vận tốc rất cao, lực va chạm giữ các nguyên tử phá vỡ lớp vỏ electron của chúng. Khối khí lúc này gồm các electron và các proton (hạt nhân hydro) chuyển động hỗn độn, đây là một trạng thái của vật chất mà chúng ta gọi là Plasma. Ở trạng thái này, các hạt nhân hydro có cơ hội va chạm trực tiếp với nhau. Ở vận tốc rất cao, va chạm giữa các hạt nhân này làm kết hợp chúng với nhau, từ hydro thành hydro nặng và cuối cùng là hạt nhân heli. Đây là phản ứng nhiệt hạch mà chúng ta biết tới trên Trái Đất owar bom khinh khí (H bomb, một quả bom H cùng khối lượng giải phóng ra nặng lượng lớn gấp hằng trăm hoặc hàng nghìn lần bom nguyên tử/A bomb). Năng lượng giải phóng ra từ phản ứng này sinh ra bức xạ ở rất nhiều bước sóng, trong đó có bức xạ ánh sáng, chính là ánh sáng Mặt Trời hàng ngày thắp sáng bầu trời của chúng ta.

Tiến hóa
Quá trình tiến hóa của Mặt Trời tuân theo qui luật chung của vòng đời một ngôi sao. Sau khi lượng hydro phản ứng gần hết (với sao như Mặt Trời là khoảng 10 tỷ năm và nó đã đi được nửa quãng đường đó) thì các phản ứng nhiệt hạch sinh ra yếu dần không còn đủ sức chống lại lực hấp dẫn hướng tâm. Các lớp trong của Mặt Trời khi đó sẽ co lại do hấp dẫn. Quá trình co lại làm giải phóng một phần khí ra phía ngoài cùng với năng lượng tiếp tục sinh ra do các hạt nhân heli tiếp tục phản ứng để tạo thành các hạt nhân nặng hơn nên lớp vỏ ngoại bị thổi căng lên. Đây là giai đoạn sao khổng lồ đỏ, vỏ ngoài nguội dần nhưng nở rộng rất nhanh, nó sẽ nghiền nát các hành tinh ở gần gồm Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất và thậm chí cả Sao Hỏa.
the_life_of_sun-like_stars-vaca656.jpg
Phần trong co lại ngày một nhanh làm tăng tốc độ các phản ứng hạt nhân, tạo ra một vụ bùng nổ lớn từ lõi trong phá vớ lớp vỏ sao khổng lồ đỏ, đó là vụ nổ supernova. Vụ nổ này ném các tàn dư của nó ra không gian xung quanh, chỉ còn lại một đám khí lớn dạng cầu bao quanh ngôi sao gọi là tinh vân hành tinh.
Phần trong của Mặt Trời tiếp tục co lại, các phản ứng tạo ra một số hạt nhân nặng hơn cho tới khi các lực liên kết hạt nhân chống lại được lực hấp dẫn không cho nó co lại thêm nữa. Các phản ứng chậm dần và ngôi sao nguội đi, Mặt Trời lúc này trở thành sao lùn trắng - một thiên thể phát ra ánh sáng rất mờ nhạt do những phản ứng cuối cùng.
(Còn nữa)

 
S

scientists

Bài viết này lấy từ www.thienvanvietnam.org
Người viết : Đặng Vũ Tuấn Sơn
4.Cấu tạo

300px-Sun_diagram.svg.png


...........................Mô hình cấu trúc Mặt Trời(Ảnh từ Wikipedia)
...........................1. Lõi
...........................2. Vùng bức xạ
...........................3. Vùng đối lưu
...........................4. Quang quyển
...........................5. Sắc quyển
...........................6. Vành nhật hoa (Quầng)
...........................7. Vết đen Mặt Trời
...........................8. Hạt quang quyển (Đốm)
...........................9. Vòng plasma


Mặt Trời giống như một cỗ máy phát nhiệt có cấu tạo phức tạp gồm nhiều lớp.
Trong cùng là lõi (core) của ngôi sao. nó là một khối có mật độ rất đặc trải rộng từ tâm ngôi sao ra một khoảng chiếm 25% bán kính của Mặt Trời. Nhiệt độ của lõi Mặt trời là hơn 15 triệu K, nóng hơn rất nhiều so với bề mặt chỉ khoảng 6000K. Phản ứng tổng hợp hạt nhân giải phóng ra năng lượng chống lại hấp dẫn và làm ngôi sao tỏa sáng được thực hiện tại phần lõi này, mật độ cao và lực hấp dẫn hướng tâm từ các lớp phài ngoài làm sinh ra phản ứng tổng hợp các proton mà chúng ta thường gọi là phản ứng nhiệt hạch.
Phía ngoài lõi sao là vùng bức xạ (radiative zone) - khu vực chiếm thể tích lớn nhất, nó trải dài từ biên giới của lõi ra đến 70% bán kính Mặt Trời (tính từ tâm). Vùng này có mật độ thấp hơn nhiều so với lõi, nhưng đủ đặc để truyền các bức xạ sinh ra từ các phản ứng nhiệt hạch và làm chúng nguội đi đáng kể trước khi ra ngoài. Nhiệt độ của vùng bức xạ này giảm nhanh từ trong ra ngoài, từ 7 triệu giảm xuống 2 triệu K.
Vùng đối lưu (convective zone) nằm kế tiếp vùng bức xạ và trải rộng ra cho tới sát bề mặt của Mặt Trời. Tại đây nhiệt độ và mật độ đều thấp hơn nhiều so với vùng bức xạ, cho phép tạo nên các dòng đối lưu vận chuyển nhiệt và bức xạ ra bề mặt của Mặt Trời. Các dòng đối lưu mang các nguyên tử khí nóng lên bề mặt và làm chúng nguội dần, khi lên tới nơi và đã nguội xuống nhiệt độ chỉ còn gần 6000K chúng lại chìm xuống dưới theo dòng chuyển dịch và lại được làm nóng khi tới gần vùng bức xạ.


sun_layers-vaca.jpg


Lớp bề mặt của Mặt Trời, chính là phần vỏ sáng mà chúng ta có thể trực tiếp nhìn thấy từ Trái Đất gọi là quang cầu (photosphere). Đây là vùng nguội nhất trên mặt trời với nhiệt độ khoảng 5800-6000K. Độ dày của nó dao động từ vài chục tới vài trăm kilomet, tức là còn mỏng hơn khí quyển của Trái Đất. Chính qua nghiên cứu các vạch quang phổ hấp thụ của quang cầu mà năm 1868 một nguyên tố mới đã được phát hiện, đó là heli. Heli là cái tên được đặt theo tên của thần Mặt Trời Helios như đã nói qua bên trên, ngụ ý rằng đó là nguyên tố đến từ Mặt Trời.
Ngay phía trên quang cầu là lớp khí quyển thấp nhất bao quanh bề mặt Mặt Trời, dày khoảng 500km với nhiệt độ chỉ khoảng hơn 4000K. Đây là vùng nguội nhất Mặt Trời. Lớp ngay phía ngoài của nó là một lớp khí nóng dày gọi là sắc cầu (chromosphere) dày khoảng 2000km. Lớp này có sự chuyển dịch không ngừng giống như sự dịch chuyển khí quyển trên bề mặt Trái Đất, vì thế nhiệt độ của nó có sự dao động, có thể lên tới 20.000K, tức là nóng hơn quang cầu rất nhiều, các nhà khoa học cho rằng đó là kết quả của sự ion hóa do nhận bức xạ thoát ra từ bề mặt.
Phía trên sắc cầu là lớp cuối cùng của Mặt Trời, gọi là nhật hoa (corona), hay gọi cách khác là hào quang của Mặt Trời. Nó ngăn cách với sắc cầu bởi một lớp trung gian mỏng nơi khí bị ion hóa mạnh và nhiệt độ tăng lên rất cao. Nhiệt độ của nhật hoa có thể lên hơn 1 triệu K. Tuy nhiên nhật hoa phát ra bức xạ ở dải sóng biểu kiến khá yếu so với quang cầu nên thường không được quan sát thấy bằng mắt thường từ Trái Đất. Người ta chỉ thường nhận thấy sự có mặt của nhật hoa khi xảy ra nhật thực toàn phần do khi đó phần sáng nhất của Mặt Trời là quang cầu đã bị che khuất. Nhật hoa cũng là nơi phát sinh ra gió Mặt Trời ném các hạt mạng điện vào không gian.
Toàn bộ vùng bị ảnh hưởng của gió Mặt Trời trải dài ra 50AU (quĩ đạo Sao Hải Vương chỉ có 30AU) được gọi là nhật quyển (heliosphere).

5.Vết đen Mặt Trời
Một trong các hiện tượng gây ảnh hưởng mạnh nhất lên Trái Đất của Mặt Trời là từ trường sinh ra bởi các vết đen (sunspot), các vệt nhỏ màu đen mà đôi khi ta có thể quan sát được trực tiếp bằng mắt thường khi nhìn lên Mặt Trời.


sunspots_earth_size_47639vaca.jpg

Hình ảnh so sánh kích thước của một vết đen trên Mặt Trời với Trái Đất


Người đầu tiên quan sát các vết đen này là Galileo Galilei, ông đã hi sinh đôi mắt của mình để quan sát các vết đen này bằng một kính thiên văn 30x (chiếc kính thiên văn đầu tiên của loài người). Các quan sát của Galilei cho thấy các vết đen Mặt Trời xuất hiện và tồn tại khá lâu trên Mặt Trời, chúng chuyển động từ từ trên bề mặt này và dần biến mất sau khi bị che khuất. Từ đó ông đi đến kết luận rằng các vết đen này cũng là một phần của Mặt Trời và chuyển động quay cùng với thiên thể, và việc quan sát các vết đen Mặt Trời cho phép Galilei tự rút ra kết luận rằng Mặt Trời có chu kì tự quay khoảng 28 ngày.

Vết đen là hiện tượng xảy ra trên quang cầu của Mặt Trời. Chúng có nhiệt độ khoảng 4800 đến 5000K, mặc dù đó là một nhiệt độ cao nhưng do sự chênh lệch với nhiệt độ trung bình trên quang cầu (hơn 6000K) nên xuất hiện sự tương phản làm cho chúng giống như những mảng tối trên bề mặt Mặt Trời. Các vết đen có đường kính từ vài nghìn tới hơn 100.000km và có thể tồn tại trên 2 tháng, tức là đủ thời gian để chúng chuyển động trên bề mặt Mặt Trời, biến mất và lại xuất hiện 2 tuần sau đó.
Sự chênh lệch về nhiệt độ ở nơi xuất hiện các vết đen gây ra sự chênh lệch áp suất đáng kể trong khí quyển Mặt Trời, nó là nguyên nhân chính gây ra các quầng lửa (hay tai lửa/solar flare) và các vụ phun trào nhật hoa (coronal mass ejection/CME).
Chúng ta đã biết rằng nhật hoa của Mặt Trời là nguồn của các dòng hạt mang điện gọi là gió Mặt Trời (solar wind). Nhờ có từ trường rất dày, Trái Đất của chúng ta không bị dòng hạt này bắn phá trực tiếp, chúng theo các đường sức từ để đi vào địa cực của Trái Đất và đôi khi tạo ra một cảnh tượng rất đẹp gọi là cực quang (aurora). Tuy vậy các vụ phun trào nhật hoa hay các quầng lửa lớn là những vụ bùng phát rất dữ dội, chúng ném vào không gian lượng hạt mang điện lớn hơn thông thường rất nhiều lần gây ra những "cơn bão" (chứ không còn là gió) gồm toàn những hạt mang điện. Dòng hạt cường độ cao này đủ sức xuyên qua lớp từ trường bảo vệ của Trái Đất, đưa một lượng hạt mang điện không nhỏ vào trong khí quyển của hành tinh chúng ta. Đólà khi chúng ta biết rằng có các đợt bão từ, gây ảnh hưởng lên hệ thống thông tin liên lạc, mạng lưới điện, thậm chí các trận bão mạnh có thể gây ảnh hưởng nhất định tới hoạt động của hệ thần kinh con người và động vật.

 
Last edited by a moderator:
S

scientists

Nhật thực và Nguyệt thực

Bài viết này lấy từ www.thienvanvietnam.org
Người viết : Đặng Vũ Tuấn Sơn

eclipse.jpg


Thời cổ đại, con người từng run sợ khi chứng kiến hai hiện tượng này vì cho đó là tai hoạ, sự xuất hiện của quỉ Satan hay là sự trừng phạt của các vị thần. Còn chúng ta bây giờ thì sao? Năm 1994 khi hiện tượng nhật thực toàn phần diễn ra và có thể quan sát tại Việt Nam là lúc tôi mới là một cậu học sinh phổ thông, còn rất nhỏ. Tôi có may mắn được người ông nội của mình, một nhà Toán học giải thích cho rất kĩ về hiện tượng này, tất nhiên là kĩ với một đứa trẻ, đủ để tôi hiểu đó đơn giản là sự che khuất, tôi nghĩ khi đó người lớn chắc ai cũng đều biết điều đó cả. Rồi sau đó tôi lại ngạc nhiên vì cách mà người ta biến hiện tượng này thành cái gì đó ghê gớm quá, đáng sợ quá. Còn nhớ ngày đó đi học, các thầy cô giáo thấy trời tối lại mà vẻ mặt như đang đón chờ thảm hoạ, còn truyền hình không ngừng hướng dẫn những cách quan sát kì cục “chả mấy an toàn hơn cho mắt” mà người ta thi nhau làm theo. Sau này khi lớn thêm , bắt đầu đọc sách thiên văn tôi mới thấy việc ngườI ta bỏ cả một số việc, rồi làm ách tắc giao thông vì ngửa mặt lên ngắm Nhật thực qua những chiếc kính tự tạo quả là nực cười và cũng không kém phần đáng buồn vì những cách phản ứng của mọi người với những hiện tượng này. Nó cũng giống như hiện tượng mưa sao băng mà chỉ vì đôi khi truyền hình đưa tin chúng ta cứ nghĩ là ghê gớm, rồi khi có nhiều ngườI hỏi tôi, tôi không dám chắc họ cảm thấy gì khi tôi nói “mỗi năm chúng ta có thể quan sát rất nhiều mưa sao băng, và việc đó là hết sức dễ dàng, thậm chí không cần một sự chuẩn bị nào cả”. Bây giờ tôi xin quay lại với vấn đề Nhật thực và Nguyệt thực đang nói tới.

Nhật thực và nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng và che khuất lẫn nhau.
Thời xưa, khi chưa có nhiều nhận thức về vũ trụ, con người không hiểu về 2 hiện tượng này và thường đưa ra các cách giải thích khác nhau. Người phương Đông thường biết tới một câu chuyện thần thoại phương đông kể rằng 2 nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là do Ngọc Hoàng sinh ra có nhiệm vụ thay nhau đi giám sát dân cư từng vùng.Chồng của 2 nữ thần này là một con Gấu. Khi gấu đi với một trong hai người vợ thì khi đó dưới hạ giới người ta thấy Mặt Trời hoặc Mặt Trăng bại che khuất và người ta phải đuổi gấu đi bằng cách gõ mạnh vào chiêng, trống hay cối giã gạo.v.v.... Cũng có chuyyện cho rằng đó là khi Mặt Trăng hoặc Mặt Trời đã bị gấu ăn mất.
Đến nay chúng ta có thể giải thích hiện tượng này như sau:
Vì quỹ đạo chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất là một mặt phẳng nghiêng so với quỹ đạo chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời nên 2 mặt phẳng này cắt nhau tạo thành một giao tuyến trong đó có 2 điểm đối nhau là hai đầu của đoạn thằng giao tuyết, nếu xét dưới góc nhìn biểu kiến từ Trái Đất thì ta cũng được 2 điềm là giao của Hoàng Đạo (đường đi của Mặt Trời trên thiên cầu) và Bạch Đạo (đường đi của Mặt Trăng trên thiên cầu), một giao điểm nằm trong khoảng giữa Trái Đất và Mặt Trời, còn giao điểm thứ hai nằm phía bên kia của Trái Đất so với Mặt Trời. Nhật thực hay nguyệt thực sẽ xảy ra khi Mặt Trăng nằm tại một trong hai giao điểm này.

Dưới ánh sáng Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng tạo ra phía sau mình một nón bóng tối khổng lồ. Khi 3 thiên thể nằm trên giao tuyến nói trên thì trục của 2 nón bóng tối này cùng nằm trên mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng.
tilt.gif


Khi Mặt Trăng đi qua giao điểm giữa Trái Đất và Mặt Trời (ngày không Trăng) ,cái nón bóng tối của nó quét qua Trái Đất tạo thành 1 bóng đen .Những khu vực bị bóng đen đó bao phủ khi đó xảy ra nhật thực. Vì Mặt Trăng có đường kính nhỏ hơn 400 lần so với Mặt Trời và khoảng cách từ nó đến Trái Đất cũng nhỏ hơn 400 lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời nên khi xảy ra nhật thực toàn phần chính là khi Mặt Trăng lướt qua che vừa khít lên đĩa sáng Mặt Trời. Những nơi khác do có sự thay đổi góc nhìn nên chỉ có nhật thực một phần. Nhật thực toàn phần ít khi xảy ra vì bóng của Mặt Trăng in xuống Trái Đất chỉ tạo thành một vết rất nhỏ so với bóng của Trái Đất và cái bóng đó lướt đi rất nhanh. Hai lần Nhật thực toàn phần liên tiếp xảy ra tại cùng một vị trí cách nhau khá lâu.
SEDiagram1c.JPG


Ngược lại, khi Mặt trăng đi qua giao điểm phía bên kia Trái Đất (ngày Trăng tròn) , nó đi qua cái nón bóng tối của Trái Đất và không nhận được ánh sáng đến từ Mặt Trời, do đó xảy ra nguyệt thực. Cũng vì nón bóng tối của Trái Đất lớn hơn rất nhiều so với Mặt Trăng nên nguyệt thực xảy ra trong một thời gian dài và trên Trái Đất có thể thấy được trong phạm vi rộng hơn, vùng nguyệt thực toàn phần thường trải dài trên diện tích khá lớn trên Trái Đất, một khu vực đáng kể khác có thể quan sát được nguyệt thực một phần hoặc nguyệt thực nửa tối (khi Mặt Trăng đi vào vùng ảnh hưởng bởi nón bóng tối của Trái Đất nhưng vẫn nhận được một phần ánh sáng Mặt Trời - vùng ghi chú là "penumbral shadow" như hình dưới) mỗi năm thì Nguyệt thực đều có thể xảy ra 2 đến 4 lần, trong số đó Nguyệt thực toàn phần cũng tương đối phổ biến.
800px-lunareclipsediagram1.gif
 
S

scientists

Làm sao để quan sát nhật thực một cách an toàn?

Bài viết này lấy từ www.thienvanvietnam.org
Người viết : Đặng Vũ Tuấn Sơn
Bất cứ hình thức nào nhìn trực diện liên tục vào Mặt Trời đều gây hại cho mắt bất kể đó là lúc có nhật thực hay lúc bình thường, dù bằng mắt hay qua các kính mắt, phim máy ảnh, phim x-quang, các loại nhựa trong suốt phủ sơn đen ...

Trên thực tế, chúng ta đều biết rằng chúng ta hàng ngày vẫn thường xuyên nhìn thẳng vào Mặt Trời bằng mắt thường hoặc qua các lớp kính mắt (cận thị, viễn thị, kính râm ...) và không có ai gặp vấn đề với mắt khi nhìn theo cách này. Đó là vì thường ngày người ta chỉ nhìn vào Mặt Trời trong khoảng thời gian rất ngắn phần vì chói mắt phần vì ... chẳng có gì đáng nhìn cả. Việc nhìn trực diện mặt Trời theo cách này trong khoảng 10 tới 15 giây thực tế không gây hại gì cho mắt cả. Thậm chí thời xa xưa nhiều bộ tộc thổ dân sống trên núi hay trên sa mạc còn coi việc hàng ngày nhìn Mặt Trời là để rèn luyện ánh mắt.

Tại sao lại nguy hiểm ?

Nhìn trực tiếp vào quyển sáng của Mặt Trời (đĩa sáng của chính Mặt Trời), thậm chí chỉ trong vòng vài giây, có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho võng mạc mắt, bởi vì số lượng lớn những tia bức xạ nhìn thấy và không nhìn thấy được ra quyển sáng này phát ra. Tổn thương có thể dẫn tới giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí gây mù loà. Võng mạc không nhạy cảm với cảm giác đau, và những hậu quả khi võng mạc bị tổn thương có thể chưa xuất hiện trong nhiều giờ đồng hồ, vì thế chúng ta không nhận biết được sự thương tổn đang diễn ra.

Ở các điều kiện thông thường, Mặt Trời quá sáng tới mức rất khó nhìn trực tiếp vào đó, vì thế thông thường con người không có xu hướng nhìn vào Mặt Trời ở mức có thể gây hại cho mắt.
Tuy nhiên, trong khi xảy ra nhật thực, khi đa phần Mặt Trời bị che khuất, mọi người cảm thấy dễ dàng hơn và cũng thường cố sức quan sát hiện tượng. Không may thay, nhìn vào Mặt Trời khi nhật thực đang diễn ra cũng nguy hiểm như khi nhìn trực tiếp vào nó, ngoại trừ chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn khi Mặt Trời bị che khuất "toàn bộ", (toàn bộ chỉ xuất hiện khi đĩa Mặt Trời bị che khuất hoàn toàn— nó không xảy ra trong nhật thực hình khuyên). Quan sát đĩa Mặt Trời thông qua bất kỳ một hình thức trợ giúp quang học nào (ống nhòm, kính thiên văn, hay thậm chí là một kính ngắm quang học máy ảnh) thậm chí còn nguy hiểm hơn, dù chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng đã dễ dàng gây thương tổn. Do vậy trong hiện tượng nhật thực, để bảo đảm an toàn, lưu ý rằng TUYỆT ĐỐI KHÔNG NHÌN TRỰC TIẾP VÀO MẶT TRỜI BẰNG MẮT THƯỜNG HOẶC CÁC DỤNG CỤ KHÔNG BẢO ĐẢM.

Kính thiên văn, ống nhòm ...
Nếu như việc nhìn trực tiếp bằng mắt vào Mặt Trời hoặc qua các kính mắt, phim và các vật liệu trong suốt là điều không nên làm thì các dụng cụ như kính thiên văn, ống nhòm, ống kính máy ảnh, camera là TUYỆT ĐỐI CẤM KỊ, vì qua các thiết bị này cường độ bức xạ của Mặt Trời sẽ tăng lên đáng kể, thậm chí có thể gây mù trong thời gian rất ngắn.

Chỉ các kính thiên văn có một dụng cụ đi kèm riêng gọi là Sun-filter (lọc ánh sáng Mặt Trời) mới có thể được sử dụng để quan sát Mặt Trời. Lưu ý rằng Sun-filter phải là dụng cụ được chế tạo riêng thích hợp cho mỗi kính, tuyệt đối không tự chế các filter này vì chất lượng sẽ không thể bảo đảm. Sun-filter cần được đặt phía trước vật kính của các kính thiên văn chứ không phải đặt phía sau thị kính như moon-filter (lọc ánh sáng Mặt Trăng).

Có nhiều người thắc mắc có thể đặt các filter tự chế như phim máy ảnh, máy x-quang hay nhựa trong phủ sơn đen vào kính thiên văn để phục vụ mục đích chụp ảnh hay không.
Nếu chỉ phục vụ mục đích chụp ảnh, quay phim, không trực tiếp đưa mắt vào mà chỉ gắn ống kính camera vào thị kính của kính thiên văn thì điều này là có thể chấp nhận được với điều kiện tấm phim hay nhựa sử dụng phải đủ dày và càng tối càng tốt, ngoài ra độ phóng đại của kính thiên văn là vừa phải (tốt nhất nên dưới 150x) để bảo đảm an toàn cho camera. Bản thân tôi cũng đã từng thử cách này và cũng thấy khá an toàn. Lưu ý không dùng mắt ngắm trực tiếp vào trong camera vì tác động gián tiếp vẫn có thể gây hại cho mắt.

Các dụng cụ quan sát an toàn
Về cơ bản có hai cách quan sát nhật thực an toàn là quan sát trực tiếp và gián tiếp.

Cách quan sát gián tiếp có thể coi là cách duy nhất đạt độ an toàn tuyệt đối không thể có bất cứ rủi ro nào xảy ra vì đơn giản là bạn không cần trực tiếp nhìn vào Mặt Trời.

Cách này cần chế tạo một dụng cụ đơn giản như sau: Tìm một chiếc hộp bằng bìa có chiều dài khoảng 50-70cm. Cắt bỏ nắp hộp để lộ ra một cửa có thể nhìn vào bên trong, thậm chí thò đầu vào. tại mặt trong của một trong hai đáy dán một miếng giấy trắng lên đó. Tại đáy kia hãy cắt một lỗ với đường kính khoảng 3 đến 5cm. Lấy một lá nhôm mỏng đục thủng một lỗ nhỏ ở giữa và dán lá nhôm đó đè lên lỗ thủng bạn vừa cắt. Hướng cho lỗ thủng trên chiếc hộp này về phía Mặt Trời sao cho cạnh của nó hướng tương đối chính xác theo hướng bạn nhìn thấy Mặt Trời, khi đó nhìn vào trong hộp bạn sẽ thấy hình ảnh của Mặt Trời in lên trên tờ giấy trắng ở đáy kia chiếc hộp. Khi có nhật thực bạn cũng sẽ thấy hình ảnh của nó trên chiếc "màn chiếu" đó.

Để dễ hình dung xin nhìn hình bên dưới. Lưu ý rằng lỗ trên lá nhôm càng lớn thì hình ảnh sẽ càng lớn nhưng sẽ nhòe hơn, do vậy hãy đục một lỗ nhỏ thôi rồi có thể khoét rộng thêm sau nếu như bạn muốn.



pinhole_projection_l.jpg

Cách như trên nhìn chung là tuyệt đối an toàn nhưng tất nhiên không phải ai cũng thích thú với nó vì có lẽ nhìn trực tiếp vẫn cứ hấp dẫn hơn.


Để nhìn trực tiếp vào Mặt Trời nói chung và nhật thực nói riêng mà không hại tới mắt ngay cả khi quan sát liên tục nhiều phút thì bạn cần có một chiếc kính được thiết kế riêng gọi là Solar Glasses (khác với Sunglasses có nghĩa là kính râm). Loại kính này có hai mắt kính được chế tạo dành riêng cho việc lọc các bức xạ nguy hiểm từ Mặt Trời.

rainbowsymphony.gif


Loại kính có hai mắt kính dạng này và khung-gọng làm bằng bìa cứng là dụng cụ rất phổ biến trên thế giới, thường được bán với giá rất rẻ, chỉ 0,5 đến 0,85 USD. Hiện nay ở Việt Nam cũng có một vài cửa hàng hay tổ chức bán loại sản phẩm này, chỉ cần lên Google gõ "kính xem nhật thực" hay "kính quan sát nhật thực" là bạn cũng có thể tìm được một số địa chỉ có bán.

Hãy lưu ý các điểm sau
1- Mua của các nguồn bảo đảm, sản phẩm có hướng dẫn sử dụng đàng hoàng, hoặc ít ra của các công ty và các tổ chức khoa học đáng tin cậy.
2- Hiện nay trên mạng có một số hướng dẫn bằng tiếng Việt về cách tự tạo loại kính này và một số nơi bán kính cho bạn cũng làm theo cách đó. Lưu ý rằng nếu kính không được chế tạo bằng đúng loại polymer đen được chứng nhận, có thể lọc 99,9% ánh sáng cường độ cao thì đều là không bảo đảm. Tất nhiên như tôi đã nói trên, ngay cả khi bạn nhìn bằng mắt thường tới 10 giây vào Mặt Trời, mắt bạn vẫn an toàn, thời gian đó còn cho phép lâu hơn nếu nhìn qua các kính hay nhựa mờ, nhưng tôi đang nói tới ở đây là "không bảo đảm", vì vậy tuyệt đối cẩn thận để không phí tiền của bạn mua những chiếc kính chế tạo từ phim X-quang hay nhựa trong suốt. Hiện nay ở Việt Nam không thể tự chế tạo loại polymer như nêu trên, do vậy nếu định mua, bạn nhớ hỏi kĩ nguồn gốc của chiếc kính.
3- Nếu đúng bạn đã tìm được loại kính đạt tiêu chuẩn, hãy thật cẩn thận kiểm tra xem kính có nguyên vẹn không. Có những vết rách nhỏ tới mức bạn không thể nhìn thấy. hãy đeo kính và dùng đèn có ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào mắt xem có bị lọt một tia sáng nào vào hay không.
4- Khi quan sát, cố gắng đeo kính thật sát mắt, thậm chí dùng tay giữ chặt, ngoài ra đội mũ để cản ánh sáng Mặt Trời lọt vào mắt từ phía trên, nếu không thì việc bạn đeo kính coi như không giải quyết được gì cả.
5- Kính mà bạn có thể mua được như mô tả trên chỉ có tác dụng với mắt của bạn trong điều kiện bình thường. Không đeo kính đó để nhìn vào ống nhòm hay kính thiên văn, không sử dụng thay sun-filter cho kính.


Ngoài các cách an toàn bảo đảm nêu trên, nếu bạn còn thắc mắc về các cách quan sát truyền thống như nhìn bằng mắt thường, qua kính râm, phim máy ảnh, nhựa trong suốt ... thì lưu ý rằng nếu bạn quan sát tuyệt đối không nhìn vào Mặt Trời bằng những cách như vậy quá 15 giây, và tuyệt đối không cho trẻ em hay người có thị lực yếu quan sát theo cách này.
 
S

scientists




Bài viết này lấy từ www.thienvanvietnam.org
Người viết : Đặng Vũ Tuấn Sơn

Dưới đây là phần bài viết trong cuốn sách "400 năm thiên văn học và Galileo Galilei" xuất bản năm 2009, cũng là những suy nghĩ và nhận định của tác giả (tôi) trong những năm qua về việc sử dụng ngôn từ trong thiên văn học, mong sẽ nhận được phản hồi từ phía đông đảo độc giả.

Ngôn ngữ và việc dùng từ trong khoa học
Trước hết, chúng ta hãy nói về ngôn ngữ. Ngôn ngữ vốn là phương tiện quan trọng nhất trong giao tiếp xã hội của loài người. Nó là cái giúp con người trao đổi thông tin, tình cảm, giúp người ta hiểu nhau trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Nếu không có ngôn ngữ, con người sẽ mất đi gần như hoàn toàn khả năng giao tiếp của mình.
Trải qua hàng nghìn năm phát triển, ngôn ngữ của con người ngày một hoàn thiện cùng với sự phát triển của văn minh, nhận thức. Tại các dân tộc hay lãnh thổ khác nhau, ngôn ngữ phát triển theo các hướng khác nhau. Chính vì vậy mới có sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các châu lục, quốc gia, thậm chí cùng một quốc gia cũng có những hướng phát triển ngôn ngữ khác nhau (miền Bắc nói một số từ và cách hành văn khác miền Nam, người trẻ tuổi có cách sử dụng ngôn ngữ khác người lớn tuổi .v.v…). Sự khác biệt này chính là một bằng chứng cho tính thiết yếu của ngôn ngữ, hàng ngày chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ với người đối diện. Để phần nào san bằng cách biệt này, con người cần tính đến việc trao đổi ngôn ngữ giữa các vùng, đơn giản là các từ khác nhau trong cùng một ngôn ngữ cho đến học và trao đổi với các ngôn ngữ khác (mà ta vẫn thường gọi là học ngoại ngữ). Nhờ quá trình trao đổi ngôn ngữ này mà con người trên khắp thế giới có thể hiểu nhau nói gì, có thể trao đổi thông tin về xã hội, kinh tế và cả khoa học.
Cũng vì lí do nêu trên, tính chính xác của ngôn từ khi trao đổi giữa hai hệ thống ngôn ngữ khác nhau cần đặt lên rất cao. Đặc biệt là trong khoa học vốn có rất nhiều thuật ngữ đòi hỏi tuyệt đối chính xác để tránh những hiểu nhầm không cần thiết.
Trong khoảng 10 năm tham gia nghiên cứu và phổ biến kiến thức thiên văn học tại Việt Nam (từ năm 2000 đến nay), tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều tài liệu từ sách vở đến báo chí, tiếp xúc với nhiều người từ nhà khoa học đến sinh viên/học sinh. Điều đáng mừng là vài năm gần đây số lượng và mức độ người quan tâm đến thiên văn ở Việt Nam ngày càng tăng. Nếu như mới 7,8 năm trước thuật ngữ “thiên văn học” còn tỏ ra xa lạ với đại đa số người Việt Nam thì đến nay nó đã trở nên khá quen thuộc và tối thiểu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, … đa số người ta cũng biết thiên văn học là ngành khoa học nghiên cứu bầu trời và vũ trụ. Tuy vậy, có lẽ do thiên văn chưa phải một môn khoa học được chính thức đưa vào giáo dục tại Việt Nam, thông tin và kiến thức đến với đại bộ phận độc giả qua các cuốn sách, bài báo hay thậm chí là các trao đổi ngắn gọn qua internet còn rất thiếu tính chính xác mà hầu hết chỉ mang tính phổ thông cơ bản; vì thế nên tuy lượng người biết đến thiên văn thì đã nhiều nhưng tính chính xác lại chưa cao, đặc biệt là trong ngôn từ được sử dụng. Nhân dịp năm Thiên văn Quốc tế 2009, cùng với sự ủng hộ của những người bạn, những cộng sự của tôi tại Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) nơi tôi đang tham gia quản lý, tôi xin điểm lại và nêu lên vài vấn đề về cách chúng ta hàng ngày vẫn dùng ngôn từ trong thiên văn học. Những điều tôi nêu dưới đây không có ý chỉ trích hay lên án bất cứ ai, bất cứ cách phổ biến hay trao đổi nào. Với những nhận định và ý kiến riêng của mình, tôi hi vọng thiên văn học của chúng ta sẽ ngày một phát triển mạnh mẽ hơn và đưa kiến thức ngày một phong phú và chính xác hơn đến đông đảo độc giả yêu thiên văn.
Vậy cách chúng ta thường ngày vẫn dùng ngôn từ trong thiên văn có gì còn chưa hợp lý?

Sao – Chòm sao
Vấn đề này cần nêu ra đầu tiên do việc sử dụng tên các chòm sao đang ngày một bị lạm dụng ở khắp mọi nơi. Bắt đầu không đâu xa chính từ các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các tờ báo và chương trình truyền hình dành cho “tuổi teen” (một từ thường được dùng để chỉ lớp trẻ ngày nay). Trước hết là sự nhầm dẫn nghiêm trọng giữa các khái niệm chòm sao Hoàng đạo, cung Hoàng đạo và ngôi sao.
Trong một lần tôi tham gia hướng dẫn một lớp học thiên văn cách đây chưa lâu, một cô sinh viên khoảng 19-20 tuổi gì đó mới vào lớp hỏi tôi: “Thầy là người nghiên cứu thiên văn à? Em là “sao nhân mã” đấy”. Lần đầu gặp những tình huống kiểu này, tôi còn ngạc nhiên chứ bây giờ thì đã quá quen thuộc với kiểu tuyệt đại đa số người Việt Nam (thậm chí cả một số người ở tầng lớp trí thức) vẫn còn nhầm lẫn hai khái niệm “sao” và “chòm sao”.
Một chuyện khác nữa là hai khái niệm "Cung Hoàng đạo" và "Chòm sao Hoàng đạo". Có vài lần tôi vào mấy diễn đàn học sinh – sinh viên, thấy có em mở chủ đề với tên “Hình ảnh các cung sao…”. Trước hết, trong thiên văn không có khái niệm “cung sao” mà chỉ có khái niệm “cung hoàng đạo” vốn là sự chia ra 12 phần từ đường Hoàng đạo – đường đi của Mặt Trời trong 1 năm quan sát biểu kiến từ Trái Đất. Thứ hai là mỗi cung Hoàng đạo chỉ là đúng 1 phần 12 của đường Hoàng đạo vừa nêu, do đó chúng không có hình ảnh, mà chỉ có các chòm sao có hình ảnh. Nguồn gốc do trên đường Hoàng đạo có 12 chòm sao (thực ra bây giờ đã có chòm sao thứ 13). Do đó nên khi các nhà thiên văn cổ chia các cung Hoàng đạo thì lấy luôn mỗi cung được đại diện bởi 1 chòm sao trong số đó, chỉ các chòm sao đó mới có hình ảnh, còn hình dạng của cung tròn thế nào thì chúng ta đều đã biết.

Tên các chòm sao
Chúng ta tiếp tục xem về vấn đề tên của các chòm sao. Đầu tiên cần nói rằng ngôn ngữ của người Việt bị ảnh hưởng khá nhiều bởi ngôn ngữ Hán. Cách gọi tên các chòm sao cũng vậy. Có thể những cách gọi tên đó không có gì sai, vì bản thân tên các chòm sao vốn chỉ là qui ước của con người. Nhưng quan trọng ở chỗ, nếu kiến thức sai so với qui ước chung của thế giới thì sẽ dẫn đến rất nhiều hiểu nhầm, thậm chí cả rắc rối. Những cái không ổn nêu dưới đây không chỉ của các học sinh, sinh viên, những người tìm hiểu Thiên văn nghiệp dư mà còn là sai lầm hết sức nghiêm trọng của chính một vài nhà nghiên cứu thiên văn của Việt Nam. Ở đây tôi chỉ xin nêu 2 ví dụ tiêu biểu (xin phép không nêu đích danh các cuốn sách cũng như các tác giả được ví dụ dưới đây).
VD1: chòm sao Bọ Cạp (Scorpius)
Rất nhiều tài liệu tiếng Việt thường nhầm lẫn khi gọi chòm sao bọ cạp (Scorpius) là “Thần nông”. Cách gọi này bộc lộ 2 điểm sai. Thứ nhất, nó không phản ánh đúng ý nghĩa của chòm sao tương ứng với chòm sao được qui ước của quốc tế. Thứ hai, bản thân “Thần nông” là tên một chòm sao do người Việt cổ đặt ra, nó chỉ có một phần trên của chòm sao Scorpius, cộng thêm một số sao từ các chòm sao lân cận, trong khi lại thiếu mất một số ngôi sao của Scorpius (cụ thể là các ngôi sao hợp thành phần đuôi con bọ cạp). Do đó rõ ràng cách gọi Scorpius là “thần nông” có thể coi là một sự nhầm lẫn không nên có.

VD2: chòm sao cung thủ (Sagittarius)
Đây là một trong số 12 chòm sao Hoàng Đạo, thường được gọi là chòm sao Nhân Mã, xuất phát từ cách gọi tên của các nhà thiên văn Việt Nam trước đây. Chòm sao này có hình một nhân mã đang dương cung, tuy vậy cách gọi này bộc lộ một vấn đề do nó trùng tên và dễ gây nhầm lẫn với chòm sao Centaurus, cũng mang hình một nhân mã. Các tác giả Việt Nam thường khắc phục lỗi này bằng cách cho thêm từ “bán” vào phía trước tên của chòm Centaurus, tức là tên khi đó là “Bán Nhân Mã”. Điều cần nói ở đây là: thứ nhất, cụm từ “bán nhân mã” không có nghĩa, vì hình ảnh nhân mã rất đầy đủ chứ không phải là một nửa. Thứ hai là để thống nhất với thế giới thì chúng ta nên quan tâm đến sự thống nhất ngôn ngữ. Tất cả các tài liệu thiên văn chính thống của quốc tế đều dịch ra tiếng Anh từ Sagittarius là Archer (cung thủ) còn Centaurus là Centaur (nhân mã). Vậy nếu một sinh viên được học rằng “Sagittarius” là chòm sao Nhân Mã thì khi đọc một tài liệu tiếng Anh gặp từ Centaur (vốn để chỉ chòm sao Centaurus) có thể sẽ lập tức có sự nhầm lẫn rất nghiêm trọng về tên chòm sao này.
Ngoài 2 ví dụ nêu trên, ta còn có thể bắt gặp nhiều cách gọi tên không hợp lý nữa. Những cách gọi không hợp lý dó phần nhiều do những sai sót từ cách đặt tên Hán – Việt trước đây dẫn đến những cách hiểu không đúng về ý nghĩa của các chòm sao.

(Còn nữa)
 
S

scientists

Sao – Hành tinh
Chúng ta tiếp tục vấn đề ngôn ngữ tiếng Việt trong thiên văn qua một ví dụ khác, nhưng cũng cùng một nguồn gốc là : cách gọi cũ và qui ước mới.
Thiên văn học hiện đại đã cho biết: "sao" là khái niệm chỉ các khối cầu khí có khối lượng đủ lớn để lực hấp dẫn hướng tâm gây ra các phản ứng nhiệt hạch giải phóng năng lượng và nhờ đó nó phát sáng. Như vậy, trong Hệ Mặt Trời chỉ có một ngôi sao chính là Mặt Trời, còn các thiên thể như Sao Kim, Sao Thủy, Sao Hỏa … thì không phải sao mà chỉ là các hành tinh có khối lượng nhỏ hơn nhiều và không thể tự mình phát ra ánh sáng. Vậy cách gọi “sao Hỏa”, “sao Kim” … có cần phải thay đổi không?
Một số nhà thiên văn của Việt Nam đề xuất nên dùng cách gọi “Hỏa tinh”, “Kim tinh” … với lí do “tinh” lấy từ chữ “hành tinh”. Nhưng nếu tra từ điển từ Hán – Việt thì chúng ta đều thấy chữ “tinh” (như trong từ “tinh tú”) được hiểu là “sao”, vì tiếng Hán cổ thì không có phân biệt khái niệm sao và hành tinh nên bản thân từ “tinh” vẫn là sao, từ “hành tinh” theo cách gọi của người phương Đông trước đây không phải là hành tinh theo nghĩa “planet” (tiếng Anh) như hiện nay mà chỉ có nghĩa đơn giản là “ngôi sao đang vận hành” để phân biệt với “hằng tinh” (ngôi sao cố định). Trong “tinh tú” thì cả tinh và tú đều có nghĩa là ngôi sao. Do đó về cơ bản rõ ràng việc đổi “sao Hỏa” thành “Hỏa tinh” là không hề giải quyết được vấn đề về qui ước.
Trong khi đó, bản thân “sao Hỏa”, “sao Kim” vốn là các cái tên đã được sử dụng từ rất lâu, có thể coi như tên riêng của các hành tinh, không thể coi đó là các tên gọi sai. Ngược lại nếu coi đó là cách gọi sai thì sao băng, sao chổi sẽ được gọi ra sao. Xin lấy ví dụ là sao băng ở phương Tây (nơi thiên văn và các qui ước phát triển trước chúng ta đến hàng trăm năm) vẫn được gọi là falling star hay shooting star mặc dù người ta đều biết star là chỉ ngôi sao như định nghĩa nêu trên. Vậy cách gọi sao băng như thế có gây hiểu nhầm không? Hoàn toàn không! Trong một buổi hội thảo thiên văn tháng 10 năm 2006, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (hội thiên văn vũ trụ Việt Nam) cũng có nói 1 câu về cách thay đổi tên gọi thế này “bây giờ cứ nhất định nói Sao Hỏa là Hỏa tinh thì không lẽ sao chổi phải gọi là thiên thể chổi?”.
Như vậy, rõ ràng cách đổi tên “sao Hỏa” thành “Hỏa tinh” với lí do “đúng qui ước” tỏ ra hoàn toàn không hợp lí từ logic tổng quát cho đến ngữ nghĩa của từ Hán Việt.
Vậy cách gọi tên nào mới là hợp lí. Theo ý kiến của chúng tôi, việc tiếp tục gọi các hành tinh với phần phụ là “sao” hay là “tinh” đều không có gì là sai và đều không khác nhau là bao nhiêu. Vậy tại sao ta nhất thiết phải dùng từ Hán Việt khi cách gọi thuần Việt sẽ hay hơn nhiều đối với ngôn ngữ của chúng ta. Như trên đã nói, hiện nay tên các hành tinh đã được gọi nhiều đến mức thành tên riêng. Trong tiếng Việt nói riêng và trong ngôn ngữ của thế giới nói chung tên riêng luôn được viết hoa chữ cái đầu. Vậy trong các văn bản, hợp lí nhất là nên viết hoa chữ S trong từ “Sao”. Khi nói “Sao Hỏa”, hay “Sao Kim” thì sẽ được hiểu đó là tên riêng, phân biệt với các sao đúng định nghĩa như “sao Sirius”, “sao Pollaris” …

Sai do không chú ý đến nghĩa của từ
Ngoài mấy vấn đề cơ bản nêu trên, cách sử dụng ngôn ngữ thiên văn trong tiếng Việt vẫn còn khá nhiều lỗi nhỏ dù nó có thể là không đáng kể nhưng lại rất dễ gây hiểu nhầm. Ví dụ như cụm từ “black hole” để chỉ vùng không gian chịu ảnh hưởng do sự co lại của ngôi sao uốn cong không gian quanh nó. Trong tiếng Anh từ “hole” có thể dịch là “lỗ” hay “hố” đều được, do đó cụm từ trên cũng được dịch ra tiếng Việt theo 2 cách tùy theo cảm tính của tác giả là “lỗ đen” và “hố đen”. Nếu như hiểu về khái niệm này và tra từ điển tiếng Việt ta sẽ nhận thấy lỗ thì có thể là một cái vết khoan trên mặt đất, trên các chất liệu hay đơn giản là 1 lỗ thủng bất kì, nhưng hố thì được hiểu là những cái lỗ trên mặt đất và “bao giờ cũng có đáy”, như vậy dùng từ “hố” trong trường hợp này là không hợp lí vì black hole thì không hề có đáy.
Một ví dụ nhỏ nữa là cách gọi nhầm lẫn về sao Pollaris (ngôi sao định hướng cho phương Bắc). “Pole” trong tiếng Anh có nghĩa là “cực” (Ví dụ North Pole là Bắc Cực). Pollaris là “sao Bắc Cực” vì nó định hướng cho phương Bắc và nằm ngay trên thiên cực Bắc của Trái Đất. Trong khi đó nhiều tài liệu cũng như truyền miệng thường gọi ngôi sao này là “sao Bắc Đẩu” mà không hề chú ý đến ngữ nghĩa của nó. Bản thân “Bắc Đẩu” là tên của chòm sao gồm 7 ngôi sao sáng nhất của chòm sao Gấu lớn (Ursa Major) trong khi sao Bắc Cực lại là một ngôi sao thuộc chòm sao Gấu nhỏ (Ursa Minor) chỉ có hình dạng hơi giống với 7 ngôi sao của Bắc Đẩu. Sở dĩ 7 ngôi sao nêu trên được gọi là Bắc Đẩu do nó nằm ở bầu trời phía Bắc và có hình dạng giống như chiếc ghế (“đẩu” là chỉ chiếc ghế đẩu), hoàn toàn không liên quan đến sao Pollaris, chỉ do việc truyền miệng không chính xác qua nhiều đời nên dẫn đến hiểu lầm này.

* Vậy tất cả những vấn đề nêu trên là do đâu? Theo chúng tôi, cái quan trọng nhất là do ý thức của chính những người tham gia phổ biến thiên văn còn thiếu thói quen tự tìm hiểu và chuẩn hóa kiến thức bản thân để những thông tin, kiến thức đưa đến độc giả thật sự chính xác. Có thể nhiều người cho rằng những lỗi nêu trên là nhỏ, nhưng theo ý kiến riêng của mình, tôi nhận thức rằng thông tin khoa học thiếu chính xác không phải chỉ là làm một bài báo, một cuốn sách kém chất lượng mà chính là làm sai lệch nhận thức và sai lệch cả nền khoa học của chúng ta. Giáo dục không nhất thiết là phải trường lớp, giáo trình mà giáo dục chính là những gì hàng ngày chúng ta dù trực tiếp hay gián tiếp đã tiếp thu hay đưa tới người khác. Một cuốn sách dù nhỏ, hay thậm chí một bài báo, một mẩu chuyện trên internet… đều là những phương tiện giáo dục mà chính qua đó thông tin, kiến thức được đưa tới những người quan tâm đến nó. Trong phạm vi vấn đề được nhắc đến trong bài này, tôi hi vọng rằng việc sử dụng ngôn từ trong một môn khoa học sẽ ngày càng chính xác hơn và điều đó sẽ góp phần để khoa học thiên văn của chúng ta sớm phát triển. Tôi mong sẽ sớm nhận được các ý kiến đồng tình cũng như phê bình, góp ý từ tất cả các nhà khoa học, các nhà sư phạm cũng như đông đảo độc giả yêu khoa học.
 
S

scientists

Tầng ozon phục hồi: Mừng hay lo?

Thông báo được Tổ chức Khí tượng thế giới WMO đưa ra hồi năm ngoái về việc lỗ thủng tầng ozon đang có xu hướng thu nhỏ lại đã khiến các nhà hoạt động môi trường rất vui mừng. Nhưng một nhóm các nhà khoa học lại cho rằng, sự kiện này có thể giống như chuyện Tái ông thất mã.
Tầng ozon thủng: Con người có thể bị "nướng chín"
Thế giới bắt đầu quan tâm nhiều đến tầng ozon từ năm 1985, khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng chiếc áo giáp bảo vệ Trái Đất bị thủng một lỗ ở phía trên Nam Cực. Ozon trong tầng bình lưu của khí quyển có vai trò sống còn đối với môi trường và con người, vì nó giúp ngăn cản hầu hết bức xạ tử ngoại có hại từ Mặt Trời. Không có ozon che chở, chúng ta sẽ bị cháy nắng chỉ trong vòng 5 phút ở ngoài trời.
Chính vì nhận thức được nguy cơ này, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozon. Và kết quả là lỗ thủng tầng ozon đang có vẻ nhỏ dần lại. Vào ngày 16/9/2009, lỗ thủng tầng ozon đo được là 24 triệu km2, nhỏ hơn khá nhiều so với kích thước đo được trong năm 2008 là 27 triệu km2. Các nhà khoa học còn dự báo, tầng ozon có thể phục hồi hoàn toàn sau hơn nửa thế kỷ nữa.
Tầng ozon phục hồi: Ô nhiễm, nóng lên và băng tan
Đáng lẽ phải vui mừng, thì một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển quốc gia New Zealand lại tỏ ra lo ngại. Mô hình tính toán của họ cho thấy, nếu kết hợp với biến đổi khí hậu, sự phục hồi của tầng ozon trong khí quyển có thể làm tăng lượng ozon ở gần mặt đất, đặc biệt là ở nam bán cầu.
Nếu như ở trên cao, ozon là người bảo vệ thì khi ở gần mặt đất, ozon lại là mối đe dọa. Tiếp xúc kéo dài với ozon có nồng độ lớn hơn 40ppbv (phần tỷ theo thể tích) có thể gây tổn hại sức khoẻ con người, giảm năng suất cây trồng. Nồng độ ozon phổ biến tại các vùng ô nhiễm nặng nhất thuộc bắc bán cầu hiện nay là 50 - 80ppbv, trong khi ở nam bán cầu là 25 - 35ppbv.
tang-onzon.jpg
Lỗ thủng tầng ozon phía trên Nam Cực. (Ảnh: Bee)

Trong tương lai, nồng độ ozon trung bình trong không khí gần mặt đất sẽ tăng khoảng 15 - 20%, đặc biệt, một số nơi có thể tăng gần gấp đôi khi tầng ozon trong khí quyển phục hồi.
Nguyên nhân là sự thay đổi hoàn lưu khí quyển do biến đổi khí hậu sẽ khiến các khối khí đậm đặc ozon từ tầng bình lưu di chuyển nhanh và mạnh hơn xuống tầng thấp, làm tăng lượng ozon gần mặt đất. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là các khu vực nằm ngoài vùng nhiệt đới ở nam bán cầu. Ozon là chất khí nhà kính mạnh, nên tăng nồng độ ozon gần mặt đất còn góp phần đẩy nhanh tốc độ nóng lên toàn cầu.
Một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) cho thấy, lỗ thủng tầng ozon đã giúp cô lập Nam Cực, che chở vùng đất băng giá này khỏi ảnh hưởng của khí nhà kính. Cùng với nhiều yếu tố khác, sự phục hồi của tầng ozon có thể khiến 1/3 lượng băng của Nam Cực tan chảy.

www.khoahoc.com.vn

 
S

scientists

40 năm nữa Bắc cực sẽ hết băng?

Các nhà khoa học cảnh báo rằng, với tốc độ nóng lên của Trái đất như hiện nay, chỉ 30-40 năm nữa băng sẽ không tồn tại vào mùa hè nữa, ngay cả ở trung tâm của Bắc cực.

ice.jpg

Năm 2050, con người sẽ không thể nhìn thấy băng Bắc cực vào mùa hè? Ảnh: Internet.


Ông Alexander Frolov, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Nga khẳng định: “Vào năm 2050, mùa hè ở khu vực Bắc cực sẽ không thể nhìn thấy sự tồn tại của băng nữa”.

Dẫn ra những số liệu của nhóm nghiên cứu các vấn đề biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, ông Frolov cho hay, lượng băng tan chảy ở Bắc cực trong năm 2010 này có thể sẽ vượt qua năm kỷ lục 2007.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, diện tích băng nhỏ nhất ở Bắc Cực đã giảm từ 11 triệu km2 xuống còn 10,8 triệu km2. Nếu tốc độ tan băng này được duy trì, “trong vòng 30-40 năm nữa, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy băng vào mùa hè, bao gồm cả vùng trung tâm Bắc cực”, ông Frolov khẳng định.

Bắc cực, đảo Greenland và châu Nam cực chiếm 98-99% lượng băng trên Trái đất. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu như toàn bộ băng bao phủ đảo Greenland tan chảy thì mực nước biển sẽ dâng cao 7 mét so với hiện tại.

Trong khi đó, căn cứ theo quy mô và tình trạng phân bố của dân số thế giới hiện nay, nếu như mực nước biển dâng cao 1 mét thì nó sẽ nuốt chửng 150 triệu căn nhà trên toàn thế giới.

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm giải pháp nhằm làm chậm lại tốc độ tan băng ở Bắc Cực.

Nguồn: THX
 
S

scientists

10 vụ nổ kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại

Hãy cùng chúng tôi điểm qua danh sách 10 vụ nổ lớn nhất từng được con người biết đến.


Bất kỳ bộ phim hành động nào bao giờ cũng có một vài vụ nổ thật hoành tráng. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều loại thuốc nổ khác nhau và trong số đó có những loại “khủng” hơn những thứ chúng ta thường thấy trong phim rất nhiều. Dưới đây là một danh sách những loại thuốc nổ hạng nặng nhất từng được tạo ra.
10. FOAB – Vụ nổ lớn nhất được tạo bởi vũ khí phi hạt nhân
foabblast_e750b.jpg

FOAB (Father of all Bombs) là loại vũ khí chiến thuật của Nga,được chế tạo để nổ phía trên mặt đất và tạo ra song xung kích cùng luồng lửa khổng lồ bao trùm lên mục tiêu.Đương lượng nổ của quả bom tương đương với 44 tấn chất nổ TNT,làm nó có sức công phá tương đương một đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ nhất.Tuy nhiên FOAB không thải ra vật liệu phóng xạ như vũ khí hạt nhân.Đây được cho là câu trả lời của Nga dành cho MOAB (Massive Ordinance Air Blast Bomb hay còn gọi là Mother of all Bombs).Các thong số cho thấy FOAB mạnh hơn MOAB 4 lần và nhẹ hơn về tổng trọng lượng.Tuy nhiên,quân đội Mỹ cho rằng đây chỉ là các thong số được thổi phồng.
9. Minor Scale – Vụ nổ lớn nhất sử dụng thuốc nổ thường
minorscaletestexplosion_fe8ef.jpg
Minor Scale là một thử nghiệm do Mỹ tiền hành vào ngày 27 tháng 6 năm 1985. Cơ quan phòng thủ hạt nhân Mỹ kích nổ gần 5000 tấn ammonium nitrate để giả lập hiệu ứng của một vụ nổ hạt nhân.Muc đích chính là để kiểm tra tác động của vũ khí hạt nhân lên trang thiết bị quân sự. Như trong bức ảnh, F-4 Phantom được trông thấy tại thời điểm bắt đầu vụ nổ. Một sự thật thú vị: Liệu loại bom này có thực sự là vụ nổ lớn nhất dùng chất nổ tiêu chuẩn không vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. 6.700 tấn thuốc nổ Heligoland chứa ở một kho vũ khí đã được Hạm Đội Hoàng Gia Anh kích nổ sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Theo kỉ lục Guinness công nhận, vụ nổ Heligoland lớn hơn nhưng đương lượng nổ của Minor Scale lại cao hơn khoảng 0.5 Kiloton (khoảng 500kg TNT).
8. Sự kiện Tunguska – Vụ va chạm lớn nhất trong lịch sử hiện đại
tunguskaevent_2898a.jpg
Ngày 30 tháng 6/1908,một vụ nổ lớn đã xảy ra ở trên songPodkamennaya Tunguska tại Nga.Vụ nổ có đương lượng nổ khoảng 10-15 Megatons (tương đương với 10-15 triệu tấn TNT) và có sức công phá bằng 1000 quả bom ném xuống Hiroshima. Trong khi có rất nhiều giả thiết được đưa ra về việc vụ nổ này, đa số các nhà khoa học cho rằng vụ nổ xảy ra do các mảnh thiên thạch nổ trong không trung. Dù thiên thạch nổ trên không nhưng đay vẫn được coi là một vụ va chạm.Vụ nổ được cho rằng xảy ra ở không trung bởi vì không một mảnh vụn nào được tìm thấy. Tuy nhiên,một khu vực có diện tích khoảng 2150 km vuông đã bị ảnh hưởng nặng nề với toàn bộ cây cối bị bẻ gập xuống đất.


7. Tsar Bomba (Bom Sa Hoàng) – Vụ nổ lớn nhất do con người tạo ra
tsarbombadigitallyenhancednuclearbombpicture_2562f.jpg

Bom Sa Hoàng là loại bom Hidro được phát triển bởi Liên Xô và thử nghiệm vào ngày 30/10/1961.Với đương lượng nổ 57 Megatons (tương đương 57 triệu tấn TNT),đây là vụ nổ lớn nhất do con người từng tạo ra.Quả bom được thiết kế với lượng nổ khoảng 100 Megatons nhưng được giảm xuống 57 Megatons do các lo ngại về bụi phóng xạ. Cho dù vụ nổ được thực hiện ở quần đảo Novaya Zemlya rất xa xôi nhưng nó vẫn gây ra rất nhiều thiệt hại. Một ngôi làng cách vụ nổ 55km bị san phẳng hoàn toàn. Các thiệt hại đến nhà cửa lan đến Nauy và Phần Lan. Vụ nổ tạo ra một đám mây hình nấm cao 64km,và sóng chấn động vẫn được phát hiện sau khi di chuyển 3 vòng quanh Trái đất.

6. Vụ phun trào núi lửa Tambora – Vụ nổ lớn nhất trên Trái đất được con người ghi nhận

tambora1_70626.jpg
Ngày 5/4/1815, núi Tambora phun trào tại Sambawa Indonesia, tạo ra vụ nổ lớn nhất từng được con người chứng kiến. Vụ phun trào núi Tambora được ước tính có sức công phá khoảng 800 triệu tấn TNT, mạnh hơn 14 lần bom Sa hoàng. Vụ phun trào có thể được nghe thấy từ tận Sumatra, cách xa địa điểm phun trào khoảng 2.600 km. Trước khi phun trào, núi Tambora có độ cao khoảng 4,3km nhưng sau đó chiều cao nó chỉ còn khoảng 2,85 km. Núi lửa tạo nên một cột bụi cao đến 43km và phân tán bụi ra bầu khí quyển và bao quanh Trái đất. Đám bụi này đã che phủ mặt trời và khiến cho năm 1816 trở thành năm lạnh lẽo xếp thứ 2 trong lịch sử. Vụ mùa thất thu và đói kém xảy ra triển miên khắp Châu Âu và Bắc Mỹ. Theo ước tính có khoảng 10.000 người chết trực tiếp do vụ phun trào và khoảng 70.000 người chết do hậu quả khí hậu mà nó để lại.
5. Sự kiện tuyệt chủng ở Kỉ Phấn trắng – Vụ nổ lớn nhất trên Trái đất từng được biết đến

cretaceoustertiaryextinctionevent1_19e18.jpg


Khoảng 65 triệu năm trước,một sự kiện được biết đến với tên gọi Sự kiện Kỷ Phần Trắng đã gây ra sự tuyệt chủng của rất nhiều giống loài, nhưng phổ biến nhất là sự tuyệt chủng của các loài khủng long. Rất nhiều nhà khoa học tin rằng sự kiện này xảy ra bởi một thiên thạch va chạm với Trái đất, tạo ra miệng hố Chicxulub ở ngoài khơi bán đảo Yucatan. Theo ước tính sức công phá của vụ nổ có thể so sánh tương đương với 96 nghìn tỉ tấn TNT (96 Teratons), hay khoảng 1,7 triệu quả bom Sa hoàng. Điều này đủ để làm vụ chấn động này là một trong những vụ nổ lớn nhất từng xảy ra trên Trái Đất mà có đầy đủ bằng chứng địa sinh học chứng minh.


4. GRB 080319B - Vụ nổ lớn nhất con người từng được chứng kiến

grb080319bxrays_971f0.jpg
Các đợt phóng tia Gamma được biết đến như những vụ nổ kinh hoàng nhất trong vũ trụ. Nhưng nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ nổ những tia Gamma vẫn chưa được lý giải một cách hoàn toàn, mặc dù hầu hết các nhà thiên văn học cho rằng chúng có liên quan tới các sao siêu mới (supernova) có kích thước cực kì lớn. Vụ nổ tia Gamma kéo dài trong khoảng 20-40 giây và làm tỏa sang chùm tia Gamma theo một hưởng rất hẹp. Vụ nổ các tia Gamma là cực kì hiếm, mỗi vụ nổ chỉ xảy ra một lần sau hàng trăm nghìn năm ở mỗi ngân hà. Ngày 19/3/2008, một vụ nổ tia Gamma được biết đến với cái tên GRB 080319B diễn ra và có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong khoảng 30 giây. Vụ nổ xảy ra cách Trái Đất 7,5 triệu năm ánh sáng khiến nó trở thành vụ nổ xa nhất có thể chứng kiến bằng mắt thường. Vụ nổ có sức công phá tương đương 2Ã – 1034 tấn TNT hay khoảng 10.000 lần lượng thuốc nổ TNT có khối lượng bằng Mặt Trời được kích nổ cùng một lúc.

(Còn nữa)
 
S

scientists

3. SN2006gy - Vụ nổ siêu tân tinh lớn nhất từng được biết đến

300pxsn2006gychandraxray_87ec8.jpg

Ngày 16/9/2006, một sao băng lớn nhất từng được biết đến với cái tên SN2006gy đã được phát hiện. Một vụ nổ siêu tân tinh có kích thước vô cùng lớn là một trong những sự kiện tàn phá nhất trong vũ trụ và được tin rằng đây chính là cội nguồn của những vụ nổ tia gamma. SN2006gy xảy ra ở khoảng cách 230 triệu năm ánh sáng so với Trái Đất khi mà một ngôi sao có kích thước lớn hơn Mặt Trời 150 lần tự phá hủy. Khối lượng năng lượng sinh ra từ siêu tân tinh này ước tính tương đương 2.5Ã-1035 tấn TNT, hoặc tương đương với lượng năng lượng sinh ra từ tất cả các chòm sao từ giải Xử Nữ trong một phút. Tuy nhiên, vì các siêu tân tinh thường được tạo thành từ những ngôi sao rất to, thường thì các nhiên liệu sau khi các chòm sao phát nổ tiếp tục tự phân hủy tiếp. Đôi khi các nguyên liệu này tự phân hủy cho đến khi biến mất hẳn. Điều đồng này nghĩa với việc lỗ đen được tạo thành từ rất rất nhiều các siêu tân tinh.
2. GRB 080916C – Vụ nổ thực sự lớn nhất
Vũ trụ là một nơi rất rộng lớn, các thiên thể lớn rất khó lý giải và vụ nổ lớn nhất, GRB 080916C cũng không phải là một ngoại lệ. GRB 080916C là một vụ nổ tia gamma đầu tiên được ghi nhận vào 16/9/2008. Vụ nổ xảy ra cách trái đất khoảng 12,2 tỉ năm ánh sáng và kéo dài khoảng 23 phút, có thể coi là một khoảng thời gian rất dài đối với một vụ nổ tia gamma. Trong 23 phút này, những vụ nổ tia gamma sinh ra một lượng năng lượng nhiều hơn lượng năng lượng sinh ra từ hầu hết các nhóm thiên hà lớn. Theo ước tính, vụ nổ sinh ra một khoảng năng lượng bằng khoảng 2Ã-1038 tấn TNT, tương đương 1 tỉ tỉ quả bom Sa hoàng nổ liên tục mỗi giây trong 110 triệu năm hay khoảng 7.000 lần lượng năng lượng mặt trời sinh ra trong cả quá trình tồn tại của nó.

grb080916cuvotxrtmerged_69b96.jpg

1. Big Bang - Vụ nổ lớn nhất trong lịch sử vũ trụ

bigbang_8b8a1.jpg


Big Bang thực sự xứng đáng đứng đầu trong bảng xếp hạng này. Tuy nhiên, về mặt cơ bản, Big Bang không phải là một vụ nổ. Một vụ nổ chỉ xảy ra khi các phần tử vật chất di chuyển nhanh qua không gian từ một điểm áp suất cao đến một điểm có áp suất thấp ở một tốc độ vô vô cùng nhanh. Trong thực tế, bởi vì vũ trụ vẫn đang nở ra liên tục, vẫn có giả thuyết cho rằng quá trình Big Bang vẫn đang xảy ra. Một quan niệm sai lầm khác về thuyết Big Bang cho rằng nó lý giải tại sao vũ trụ được hình thành hay phần tử vật chất và năng lượng đầu tiên ra đời như thế nào. Ngược lại, thuyết Big Bang chỉ lý giải tại sao vũ trụ lại phình ra.
Tham khảo: Listverse
genk.vn
 
S

scientists

10 khám phá ngoài sức tưởng tượng trong vũ trụ

Những vật thể quan trọng trong vũ trụ được khám phá sau đây đã ghi dấu thành tựu đỉnh cao của trí tuệ và vươn xa trí tưởng tượng của con người.
Cực tiểu hành tinh

cuc-tieu-hanh-tinh.jpg
Vào đầu năm 2013, Đài quan sát vũ trụ Kepler (thuộc NASA, Mỹ) đã phát hiện ra một hệ thống sao gồm ba hành tinh, trong đó có một hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời được xem là nhỏ nhất cho đến thời điểm hiện tại. Cực tiểu hành tinh này được các nhà khoa học đặt tên là Kepler 37-b. Kích thước của nó còn nhỏ hơn sao Thủy và chỉ lớn hơn đường kính của Mặt Trăng 200km. Theo các nhà khoa học, hầu hết các hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời đều có kích thước lớn hơn nhiều so với Trái Đất, và thường bằng kích thước của sao Mộc.
Bong bóng Fermi siêu khổng lồ của dải Ngân Hà

bong-bong-fermi.jpg
Nếu xoay dải Ngân Hà theo phương ngang, chúng ta sẽ quan sát thấy những bong bóng Fermi khổng lồ trải dài ở hai mặt phẳng Bắc và Nam của trung tâm Ngân Hà. Bong bóng Fermi là hai tinh cầu siêu khổng lồ, có đường kính lên đến 50.000 năm ánh sáng, tương đương với ½ đường kính của dải Ngân Hà. Các nhà thiên văn học của NASA đến nay vẫn chưa tìm ra nguồn gốc xuất xứ của bong bóng Fermi. Theo giả thuyết, bong bóng Fermi hình thành từ lượng khí phun trào từ các lỗ đen siêu khổng lồ trong lõi Ngân Hà của chúng ta.
Theia

theia.jpg
Hơn 4 tỉ năm về trước, Hệ Mặt trời khởi nguyên của chúng ta trông rất hỗn độn và cực kỳ nguy hiểm. Một trong những lý thuyết phổ biến về sự ra đời của Mặt Trăng được cho là bắt nguồn từ một trong những vụ va chạm cực đại này. Theo các nhà khoa học, Trái đất thời nguyên thủy đã va chạm với một hành tinh có cùng kích cỡ với sao Hỏa tên là Theia. Sau vụ va chạm mảnh vỡ còn sót lại đã nằm trong quỹ đạo của Trái đất và hình thành nên Mặt trăng như ngày nay.
Bức tường thiên hà khổng lồ Sloan

sloan.jpg
Bức tường khổng lồ Sloan (Sloan Great Wall) là một bức tường thiên hà siêu khổng lồ, tập hợp hàng trăm triệu ngân hà lớn nhỏ khác nhau trong vũ trụ. Đây được xem là một trong những cấu trúc lớn nhất trong vũ trụ từ trước tới nay, với đường kính lên đến 1,4 tỷ năm ánh sáng. Theo các nhà khoa học, Sloan Great Wall là kết quả trực tiếp từ vụ nổ Big Bang và có thể quan sát được dưới bước sóng ngắn.
Lỗ đen cực tiểu

lo-den-cuc-tieu.jpg
Không có gì đáng sợ và nguy hiểm hơn các lỗ đen trong vũ trụ, chúng được mệnh danh là những “chiếc hố tử thần” hay “kẻ giết người ghê rợn” trong vũ trụ bao la. Các nhà thiên văn học đã từng khám phá ra rất nhiều lỗ đen siêu khổng lồ, có kích thước lớn gấp hàng tỉ lần so với Mặt trời. Nếu lỗ đen được các nhà thiên văn học phát hiện trước kia có khối lượng gấp 14 lần Mặt trời thì lỗ đen cực tiểu này chỉ lớn hơn Mặt trời 3 lần. Có tên khoa học là IGR, lỗ đen này thuộc chòm sao Bọ Cạp trong dải Ngân hà. Mặc dù bé, nhưng lỗ đen IGR vẫn có thể dễ dàng hút các hành tinh khi bay lạc trong vũ trụ.
Thiên hà siêu nhỏ

thien-ha-sieu-nho.jpg
Các thiên hà vốn được biết cấu trúc khổng lồ, tập hợp hàng nghìn tỉ ngôi sao xen lẫn bụi, khí và vật chất tối bao quanh. Tuy nhiên, vào năm 2009 các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra một thiên hà cực nhỏ có tên là Segue 2. Thiên hà lùn này chỉ chứa khoảng 1000 ngôi sao, trở thành một trong những vệ tinh nhỏ và mờ nhạt nhất trong dải Ngân hà của chúng ta. Việc khám phá ra Segue 2 có ý nghĩa rất lớn đối với toán học và thiên văn, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự hình thành của thiên hà và bổ sung thêm bằng chứng về sự tồn tại của lỗ đen.
Hố va chạm lớn nhất Hệ Mặt trời

ho-va-cham.jpg
Kể từ khi chúng ta bắt tay vào nghiên cứu sao Hỏa một cách tường tận thì đã có nhiều tranh cãi liên quan đến việc tìm ra nguyên nhân khiến cho bề mặt sao Hỏa lồi lõm không đều như vậy. Sở dĩ có hiện tượng này là do, theo các nhà khoa học, hố va chạm lớn nhất Hệ Mặt trời được tìm thấy trên phần lưu vực Borealis thuộc bán cầu bắc ở sao Hỏa. Hố này rộng đến 8.500 km (chiếm 40% diện tích bao phủ bề mặt sao Hỏa). Hố va chạm lớn thứ hai Hệ Mặt trời cũng thuộc sao Hỏa nhưng có kích thước nhỏ hơn 4 lần. Các nhà khoa học kết luận rằng, để có được miệng hố lớn đến như vậy thì vật thể va chạm vào sao Hỏa phải có kích thước lớn hơn sao Diêm vương.
Điểm cận nhật nhất trong Hệ Mặt trời

diem-can-nhat.jpg
Các nhà khoa học đã phát hiện ra tiểu hành tinh có tên khoa học là 2000 BD19 là thiên thể nằm gần Mặt trời nhất so với các hành tinh khác, đặc biệt là sao Thủy, trong hệ Mặt trời. Vì nằm gần Mặt trời nên tiểu hành tinh với quỹ đạo nhỏ nhất này có nhiệt độ nóng khủng khiếp. Nhiệt độ tại 2000 BD19 có thể làm tan chảy kẽm, chì. Nhờ phát hiện ra tiểu hành tinh cận nhật nhất này, các nhà khoa học có thêm một bước tiến trong việc tìm hiểu những yếu tố có thể làm thay đổi hướng quỹ đạo của một hành tinh, từ đó có thể nghiên cứu tỉ mỉ các vật thể gần Trái Đất hơn.
Chuẩn tinh cực già

chuan-tinh-gia.jpg
Chuẩn tinh là những vật thể sáng nhất và xa nhất trong phần vũ trụ nhìn thấy, chúng còn có tên là “nguồn phát bức xạ giống sao”. Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một chuẩn tinh và đặt tên là ULAS J1120+0641. ULAS được xem là chuẩn tinh già nhất trong vũ trụ. Nó xuất hiện khoảng 800 triệu năm sau vụ nổ Big Bang. Được biết, chuẩn tinh có nguồn gốc từ lỗ đen siêu nặng, bay trong vũ trụ với vận tốc bằng 240.000km/giây, tương đương với 80% vận tốc ánh sáng.
Mặt trăng Titan của sao Thổ

mat-trang-sao-tho.jpg
Tàu thăm dò vũ trụ Cassini từng gửi về Trái Đất những hình ảnh tuyệt đẹp của bề mặt Mặt trăng Titan của sao Thổ. Khu vực dài 1000km ở cực Bắc Mặt trăng này tuy không có nước tồn tại nhưng lại chứa đầy methane và ethane ở dạng lỏng. Titan là vệ tinh lớn nhất của sao Thổ, có đường kính lớn hơn 50% so với Mặt trăng của Trái Đất. Do có bầu khí quyển đặc biệt, phần lớn là khí nitơ, nên các nhà khoa học đang mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu nguồn gốc của nó.


Khoahoc.com

 
Top Bottom