Địa [Địa 10] Thảo luận, trao đổi, thông tin thiên văn

T

truonghan_h

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

TOPIC BÀN LUẬN TRAO ĐỔI VỀ TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN THIÊN VĂN HỌC

Mở màn anh đưa thông tin trước hết về: VŨ TRỤ

Vũ trụ là toàn bộ hệ thống không-thời gian trong nó chúng ta đang sống, chứa toàn bộ năng lượng hay vật chất. Môn học nghiên cứu vũ trụ, trên những khoảng cách lớn nhất có thể, là vũ trụ học, một môn khoa học kết hợp giữa vật lý và thiên văn.

Các mốc chính trong lịch sử khám phá vũ trụ của loài người:

* Thế kỷ 4 TCN, Aristarchus có vẻ như là người đầu tiên hiểu được về hệ thống hành tinh và hệ nhật tâm. Khám phá này đối lập với quan niệm về thế giới của Aristotle. Ông cũng đã tính được khá chính xác khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

* Thế kỷ 3 TCN, Eratosthenes cũng đã tính được chu vi Trái Đất tại xích đạo chỉ sai khác khoảng 650 km (sai số 1,5%).

* Thế kỷ 2 TCN, Hipparchus tính lại khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng, thống kê 1500 ngôi sao, tính gần đúng chu kỳ tuế sai của trục Trái Đất.

Cuộc cách mạng Copernic đã đảo lộn lại quan niệm địa tâm:

* Nicolaus Copernicus khám phá lại hệ nhật tâm.

* Isaac Newton và Johannes Kepler xác định chuyển động của các hành tinh, dựa vào các định luật Newton và khám phá về lực hấp dẫn, được kiểm chứng bởi quan sát thiên văn.

* Giordano Bruno áp dụng mô hình hệ Mặt Trời cho tất cả các ngôi sao khác, mở rộng vũ trụ ra vô cùng.

Các tiến bộ về kỹ thuật quan sát thiên văn trong thế kỷ 20 đã mở ra một loạt khám phá về các vật thể kỳ lạ trong vũ trụ (như các sao trong giai đoạn phát triển khác nhau), về cấu trúc vĩ mô của vũ trụ (gồm các sao tụ tập trong các thiên hà và các nhóm thiên hà), và đặc biệt là xu thế giãn nở của vũ trụ, quan sát bởi Edwin Hubble.

Quan sát về sự giãn nở của vũ trụ là một trong các tiền đề để xây dựng nên mô hình về sự tiến hóa của vũ trụ được công nhận rộng rãi nhất hiện nay, mô hình Vụ Nổ Lớn.

>>> Hình dáng vũ trụ là một câu hỏi quan trọng trong vũ trụ học.

???? Câu hỏi đầu tiên là vũ trụ của chúng ta "phẳng" và tuân thủ hình học Euclid trên khoảng cách vĩ mô, hay không? Hiện nay, đa số các nhà vũ trụ học tin là vũ trụ quan sát được khá phẳng, chỉ có những chỗ không-thời gian méo địa phương do sự tập trung mật độ vật chất cao bất thường (như ở hố đen). Nhận xét này được củng cố bởi bằng chứng thực nghiệm của WMAP, một thí nghiệm nhìn vào "dao động" của phông vi sóng vũ trụ.

???? Câu hỏi thứ hai là vũ trụ của chúng ta có đa liên thông hay không? Theo mô hình của Vụ Nổ Lớn, vũ trụ của chúng ta không có biên giới, nhưng vẫn có thể chỉ chứa lượng không gian hữu hạn. Điều này tương tự như bề mặt của hình cầu: bề mặt này không có biên giới, nhưng diện tích bề mặt hữu hạn (4πR2); chúng ta đi trên bề mặt này theo một "đường thẳng" thì rồi sẽ lại vòng về chỗ cũ. Ví dụ ba chiều tương đương gọi là "không gian cầu" khám phá bởi Bernhard Riemann, với thể tích (2π2R3). Nếu vũ trụ của ta cũng tương tự vậy, khi ta đi theo "đường thẳng", ta sẽ trở lại điểm xuất phát sau khi đã đi hết "chu vi" của vũ trụ. Điều này cũng dẫn đến một kết quả thú vị là ta có thể nhìn thấy nhiều ảnh của cùng một ngôi sao, do ánh sáng từ nó có thể đi nhiều vòng quanh vũ trụ trước khi đến mắt ta (tương tự như nhiều ảnh của một ngọn nến nằm giữa hai gương song song). Câu hỏi này còn chưa được trả lời một cách dứt khoát, nhưng với kết quả về vũ trụ phẳng, khả năng về một vũ trụ đa liên thông là thấp.
 
I

iloveg8

SAO BẮC ĐẨU
Sao Bắc Đẩu còn gọi là Bắc Đẩu tinh (北斗星) hay tên tiếng Trung Quốc đầy đủ Bắc Đẩu thất tinh (北斗七星) là một mảng sao gồm bảy ngôi sao.

Mảng các ngôi sao này tạo nên hình ảnh giống cái đấu (đẩu) hay cái gàu sòng hoặc cái xoong và nằm ở hướng bắc vì vậy một số nước gọi nó là sao Bắc Đẩu.

Sao Bắc Đẩu và Sao Bắc cực là hai vấn đề khác nhau: Sao Bắc Đẩu là cách gọi dân gian, nói về một mảng sao bao gồm nhiều ngôi sao, trong khi sao Bắc Cực nói đến một ngôi sao.

Vị trí
Trong thiên văn học hiện đại, nhóm sao này là một mảng sao gồm 7 ngôi, là bảy ngôi sáng nhất nằm trong ranh giới của chòm sao Đại Hùng (Ursa Major) tại thiên cầu bắc. Chòm Đại Hùng Tinh ngoài 7 ngôi còn nhiều ngôi sao khác.

[sửa] Sao Bắc Đẩu theo quốc gia
Trong hệ thống các chòm sao Trung Quốc, Sao Bắc Đẩu là bảy ngôi sao mang hình ảnh cái đấu (đẩu). Do chúng nằm ở hướng Bắc nên còn gọi là Bắc Đẩu thất tinh. Bốn ngôi đầu tạo thành một tứ giác gọi là Đẩu khôi, ba ngôi sau tạo thành cái đuôi gọi là Đẩu thược. Ngoài ra còn một ngôi sao nằm sát bên cạnh ngôi sao ở giữa của Đẩu thược, được coi là sao phụ, gọi là Phụ tinh. Mỗi ngôi sao được đặt một tên riêng, theo thần thoại Trung Quốc thì tại mỗi ngôi sao có một vị Tinh quân trông coi. Mỗi vị Tinh quân đó lại có một tên riêng.

Trong Đạo giáo, Bắc Đẩu thất tinh tức là Bắc Thần, được gọi là Thiên Cương, ở phía cực Bắc và có hình dáng giống cái đấu đo lường.

Người Việt Nam cũng thường gọi chòm sao này là chòm sao Cái Gầu vì trông giống cái gầu tát nước.

Người Phương Tây cũng đặt tên riêng cho các ngôi sao này. Sau khi được hệ thống hóa trên bản đồ thiên văn, các ngôi sao đều có tên khoa học thiên văn theo chòm sao Ursa Major.

Tại Mỹ chòm Bắc Đẩu có tên gọi khác là Cái Muỗng Lớn (Big dipper).

Một số nơi khác lại hình dung ra hình dạng của một cỗ xe. Ở Ireland, nó được ví như “cỗ xe chiến mã của vua David” (King David's Chariot), một trong những vị vua đầu tiên của hòn đảo này. Ở Pháp, nó là “Great Chariot”. Một cái tên phổ biến khác là Charles’s Wain (Cỗ xe kéo của Charles).

Ở nước Anh, 7 ngôi sao này được gọi là “cái cày” (The Plough).
 
T

truonghan_h

HỐ ĐEN​

Hố đen, hay lỗ đen, là một vùng trong không gian có trường hấp dẫn lớn đến mức lực hấp dẫn của nó không để cho bất cứ một dạng vật chất nào, kể cả ánh sáng thoát ra khỏi mặt biên của nó (chân trời sự kiện), trừ khả năng thất thoát vật chất khỏi lỗ đen nhờ hiệu ứng đường hầm lượng tử. Vật chất muốn thoát khỏi lỗ đen phải có vận tốc thoát lớn hơn vận tốc ánh sáng trong chân không, mà điều đó không thể xảy ra trong khuôn khổ của lý thuyết tương đối, ở đó vận tốc ánh sáng trong chân không là vận tốc giới hạn lớn nhất có thể đạt được của mọi dạng vật chất.

Khái niệm lỗ "đen" trở thành thông dụng vì từ đó ánh sáng không lọt được ra ngoài, nhưng thực ra lí thuyết về hố đen không nói về một loại "hố" nào mà nghiên cứu về những vùng mà không có gì có thể lọt ra được. Hố đen không biểu hiện như những ngôi sao sáng bình thường, mà chúng chỉ được quan sát gián tiếp qua sự tương tác trường hấp dẫn của hố đen đối với không gian xung quanh.

picture.php

Lý thuyết về hố đen là một trong những lý thuyết vật lí hiếm hoi, bao trùm mọi thang đo khoảng cách, từ kích thước cực nhỏ (thang Planck) đến các khoảng cách vũ trụ rất lớn, nhờ đó nó có thể kiểm chứng cùng lúc cả thuyết lượng tử lẫn thuyết tương đối. Sự tồn tại của hố đen được dự đoán bởi lý thuyết tương đối rộng. Theo mô hình thuyết tương đối rộng cổ điển, không một vật chất hay thông tin nào có thể thoát ra khỏi hố đen để tới tầm quan sát bên ngoài được. Tuy nhiên, các hiệu ứng của cơ học lượng tử, không có trong thuyết tương đối rộng cổ điển, có thể cho phép vật chất và năng lượng bức xạ ra khỏi hố đen. Một số lý thuyết cho rằng bản chất tự nhiên của bức xạ không phụ thuộc vào những thứ đã rơi vào trong hố đen trong quá khứ, nói cách khác hố đen xóa sạch mọi thông tin quá khứ, hiện tượng này được gọi là nghịch lý thông tin hố đen. Nghịch lý này dần bị các lý thuyết mới đây loại bỏ và cho rằng thông tin vẫn được bảo toàn trong hố đen.

Từ năm 1964, khi ngôi sao "tàng hình" Cygnus X-1 của một hệ sao đôi nằm cách Trái Đất 8.000 ly trong chòm sao Thiên Nga được coi là ứng cử viên đầu tiên, chứng minh cho sự tồn tại của hố đen, các hố đen khác không chỉ được phát hiện trong Ngân Hà mà còn ở nhiều thiên thể khác. Hố đen không chỉ là những "xác chết" của những sao có khối lượng lớn hơn 1,4 M, khi chúng bùng nổ thành các siêu tân tinh trong phạm vi các thiên hà, mà hiện nay nhiều ý kiến cho rằng, tất cả các thiên hà đều chứa một hố đen siêu lớn trong vùng nhân.
 
T

truonghan_h

Thiên Hà

Thiên hà là một tập hợp từ khoảng 10 triệu (107) đến nghìn tỷ (1012) các ngôi sao khác nhau xen lẫn bụi, khí và có thể cả các vật chất tối xoay chung quay một khối tâm. Đường kính trung bình của thiên hà là từ 1.500 đến 300.000 năm ánh sáng. Ở dạng đĩa dẹt, thiên hà có các hình dạng khác nhau như thiên hà xoắn ốc hay thiên hà bầu dục. Khu vực gần tâm của thiên hà có kích thước ước chừng 1.000 năm ánh sáng, và có mật độ sao cao nhất cũng như kích thước các sao lớn nhất.

Dù vật chất tối lý thuyết dường như chiếm khoảng 90% khối lượng đa số thiên hà, tình trạng của những thành phần không nhìn thấy được này vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Có một số bằng chứng cho thấy rằng những hố đen khối lượng siêu lớn có thể tồn tại tại trung tâm của đa số, nếu không phải là toàn bộ, các thiên hà.

picture.php

Không gian liên thiên hà, khoảng không nằm giữa các thiên hà, được lấp đầy plasma loãng với mật độ trung bình chưa tới một nguyên tử trên mỗi mét khối. Có lẽ có hơn một trăm tỷ (1011) thiên hà trong khoảng không gian vũ trụ có thể quan sát được của chúng ta.

Trái Đất nằm trong một hệ mặt trời thuộc một thiên hà có tên là Ngân Hà; Hệ Mặt Trời của chúng ta nằm ở phía ngoài rìa của đĩa thiên hà Ngân Hà, trên nhánh Tráng Sĩ. Vào các buổi tối mùa hè, từ Trái Đất nhìn vào tâm sẽ thấy một dải các sao thường được gọi là dải Ngân Hà. Tuổi của Ngân Hà được ước lượng vào khoảng 13 tỷ năm, ngoài ra tuổi đời còn được tính bằng số vòng quay của nó.

Thiên hà gần Ngân Hà nhất có tên là thiên hà Andromeda. Các thiên hà ở gần nhau có xu hướng tiến lại gần và sát nhập vào nhau, tạo thành một thiên hà lớn hơn.

Các thiên hà cũng giống như các hành tinh và các hệ hành tinh, chúng cũng tập hợp thành những nhóm gọi là Quần tụ thiên hà. Các Quần tụ thiên hà lại họp lại trở thành Siêu thiên hà...
 
T

truonghan_h

Phát hiện thiên hà 'vô hình'

Chòm thiên hà Virgo, nơi được cho là tìm thấy thiên hà tối sẫm.
Một nhóm khoa học quốc tế tuyên bố họ đã tìm thấy một loại thiên hà mới, không hề có các vì sao. Đúng hơn, nó là những đám mây hydro tối sẫm mà ở đó các ngôi sao không được hình thành.

Nhóm nghiên cứu, trong đó có nhà vật lý thiên văn người Australia Virginia Kilborn, thuộc Đại học Công nghệ ở Swinburne, Melbourne, sẽ công bố phát hiện của mình trên tạp chí Astrophysical.

picture.php

"Thật là thú vị", Kilborn nói về đám mây hydro ở cách chúng ta 50 triệu năm ánh sáng. "Chúng tôi chưa bao giờ tìm thấy đám mây hydro nào mà đến tận giờ vẫn chưa hình thành các vì sao". Thông thường, việc tìm thấy những đám mây hydro cũng đồng nghĩa với việc phát hiện ra các thiên hà đầy sao.

Kilborn và cộng sự phát hiện ra đám mây lạ trong một cuộc khảo sát định kỳ bằng kính thiên văn radio về sự phân bố khí hydro trong nhóm thiên hà Virgo. Hydro là nguyên tố đầu tiên hình thành sau Big Bang, và là chất liệu kiến tạo nên các vì sao. Việc nghiên cứu sự phân bố của loại khí này sẽ cung cấp dữ liệu về sự thành tạo các vì sao và thiên hà, cũng như cấu trúc của vũ trụ.

Theo tính toán, thiên hà "vô hình" này tối hơn 5 lần so với một thiên hà xoắn ốc bình thường. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết có thể số lượng của chúng còn nhiều hơn cả những thiên hà thấy được.

Tuy nhiên, Joss Bland - Hawthorn thuộc Đài quan sát Anglo - Australia cho biết một thiên hà tối là chuyện khó có thể xảy ra. Theo ông, đó chỉ là một khu vực nằm giữa hai thiên hà ở quá sát nhau và chúng đã nuốt chửng khí cũng như các vì sao của nhau. Nói cách khác, đám mây hydro tối trên là tàn tích từ vụ va chạm của hai thiên hà.
 
T

truonghan_h

Thiên Hà trẻ nhất

Những thiết bị nhạy cảm trên Đài thiên văn vũ trụ Hubble đã giúp các nhà thiên văn tính ra tuổi của một thiên hà được xem là trẻ nhất mà con người từng biết tới.


Thiên hà I Zwicky 18, dường như mới hình thành từ 500 triệu năm trước.
Thiên hà - có tên gọi I Zwicky 18 - dường như mới hình thành từ 500 triệu năm trước, tương đương với thời điểm mà sự sống phức tạp bắt đầu nảy mầm trên trái đất.

Phát hiện được công bố trên số mới nhất của tạp chí Astrophysical, đã cung cấp cái nhìn mới về giai đoạn hình thành đầu tiên của những thiên hà, và hình thái sơ bộ mà Milky Way có thể có cách đây 13 tỷ năm. Thiên hà của chúng ta, hiện có tuổi khoảng 12 tỷ năm, già gấp 20 lần I Zwicky 18.

Từ lâu, các nhà khoa học đã phỏng đoán rằng thiên này còn trẻ, và đưa ra thành phần hoá học của nó. I Zwicky 18 được chụp ảnh từ thập kỷ 1930 như một phần trong cuộc điều tra bầu trời phía bắc, do nhà thiên văn người Thuỵ Sĩ Fritz Zwicky thực hiện. Nhưng phải đến gần đây, bằng "con mắt thần" của Hubble, các nhà thiên văn mới có thể quan sát gần hơn tất cả các ngôi sao trong thiên hà này và xác định tuổi thọ tối đa của chúng.

I Zwicky 18 chỉ cách trái đất 45 triệu năm ánh sáng, gần hơn nhiều so với các thiên hà trẻ con khác. Nhiều thiên hà như vậy đã sụp đổ dưới sức nặng của lực hấp dẫn không lâu sau vụ nổ Big Bang, nhưng I Zwicky 18 thì không. Điều mà các nhà thiên văn chưa rõ là vì sao thiên hà này vẫn ở trong trạng thái "đứa trẻ" - một đám mây khí lạnh của hidro và heli - trong hầu hết quãng thời gian tiến hoá 14 tỷ năm của vũ trụ, và chỉ bắt đầu kích hoạt sự hình thành các ngôi sao trong vòng 500 triệu năm qua.

"I Zwicky 18 thực sự là một thiên hà trẻ", giáo sư Trịnh Xuân Thuận tại Đại học Virginia, đồng tác giả của nghiên cứu với Yuri Izotov từ đài quan sát Kiev, cho biết.

"Đó thật là một điều dị thường vì người ta vẫn cho rằng các thiên hà trẻ được hình thành chỉ trong vòng tỷ năm đầu tiên sau Big Bang, chứ không phải đợi đến 13 tỷ năm sau đó. Và rằng các thiên hà trẻ như vậy thường được hy vọng tìm thấy ở khoảng cách rất xa, tại rìa vũ trụ mà chúng ta có thể quan sát được, chứ không phải ở trong không gian lân cận trái đất", Izotov nói.

Trong số các bằng chứng về tuổi của I Zwicky 18, có một bằng chứng là các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy ngôi sao già nào cả - điều thường thấy trong các thiên hà cổ đại. Ngoài ra, chất khí trong vùng liên hành tinh của nó cũng "gần như còn nguyên sơ", giáo sư Thuận cho biết. Chất khí này gồm phần lớn là hydro và heli - hai loại nguyên tố nhẹ chủ yếu được tạo ra trong 3 phút đầu tiên của vũ trụ. Chỉ lác đác các nguyên tố nặng hơn được tạo ra trong quá trình hình thành vì sao - carbon, nitơ hay ôxy - là có mặt ở đây.
 
T

truonghan_h

10 câu đố vui về Vũ trụ

Khoa học ngày nay tiến nhanh đến mức đôi khi bạn khó lòng nhận ra đâu là sự thực, đâu là giả tưởng. 10 tuyên bố sau đây bấp bênh giữa hai trạng thái này. Với mỗi câu, bạn hãy phân biệt thực tế - viễn tưởng, và tìm lời giải ở bên dưới.

1. Chúng ta đã có bằng chứng chắc chắn rằng hệ mặt trời không phải là duy nhất. Chúng ta biết rằng có rất nhiều mặt trời khác với các hành tinh xung quanh.

2. Một số sinh vật có thể sống sót trong vũ trụ vài năm, mà không cần bất cứ lớp bảo vệ nào.

3. Đã tìm thấy những sinh vật có thể sống sót trong những vùng nước nóng tới 112 độ C.

4. Chúng ta đã có bằng chứng rằng một vài dạng sống tồn tại ở ngoài trái đất, ít nhất ở dạng nguyên thuỷ.

5. Chúng ta đã có công nghệ cần thiết để gửi các nhà du hành tới vì sao khác trong một khoảng thời gian hợp lý. Vấn đề duy nhất là một sứ mệnh như vậy sẽ cực kỳ đắt đỏ.

6. Tất cả các hành tinh khí khổng lồ trong hệ mặt trời (sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương và Hải vương) đều có các vành sáng.

7. Trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao, máy bay chiến đấu TIE được đẩy bằng động cơ ion. Tuy những phi thuyền đó là giả tưởng, song động cơ ion thực sự đang hoạt động trên một vài tàu không gian ngày nay.

8. Không có lực hấp dẫn trong vũ trụ.

9. Cơ sở của việc "chuyên chở tức thời qua không gian xa cách" (teleportation) - nổi tiếng trong loạt phim Star Trek - nghe qua chỉ là lý thuyết. Thực tế, các nhà khoa học đã "chuyển tức thời" trạng thái lượng tử của các nguyên tử đơn lẻ từ vị trí này sang vị trí khác.

10. Tatooine, hành tinh quê hương của Luke Skywalker trong phim Chiến tranh giữa các vì sao có hai mặt trời - điều được các nhà thiên văn gọi là hệ sao đôi. Các nhà khoa học gần đây đã khám phá ra rằng các hành tinh thực sự có thể hình thành trong những hệ sao như vậy.

Đáp án......
 
T

truonghan_h

10 câu đố vui về Vũ trụ

1. Đúng

Các kính thiên văn và thiết bị dò tiên tiến đã giúp phát hiện ra hàng chục hệ hành tinh mới trong thập kỷ qua, trong đó có một vài hệ có chứa nhiều hành tinh. Một số hệ trong đó rất giống với thái dương hệ của chúng ta.

2. Đúng

Một tập đoàn nhỏ loài vi khuẩn quen thuộc Streptococcus mitis đã đi "lậu vé" trong gần 3 năm trên con tàu Surveyor của NASA, một phi thuyền không người lái hạ cánh trên mặt trăng vào năm 1967. Phi đoàn của tàu Apollo 12 đã thu lại các sinh vật này và đưa chúng trở về trái đất trong điều kiện vô sinh. Thí nghiệm ngoài dự kiến này chứng tỏ rằng có những sinh vật nào đó có thể sống sót nhiều năm trong điều kiện tiếp xúc với bức xạ vũ trụ, tình trạng chân không vũ trụ, thời tiết băng giá, không dinh dưỡng, nước hoặc năng lượng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự sống có thể đã du lịch từ sao Hoả tới trái đất trên một thiên thạch.

3. Đúng

Hơn 50 vi sinh vật ưa ấm đã được tìm thấy đang sống vô tư ở nhiệt độ cực cao trong những địa điểm như suối nước nóng ở Công viên quốc gia Yellowstone (Mỹ) và trên tường của các "ống khói" dưới đáy biển. Một số loài phân chia tốt nhất ở 105 độ C, và vẫn có thể sinh sản ở 112 độ. Các vi khuẩn cũng được tìm thấy dưới lớp băng gần các cực, trong hồ nước có tính kiềm cao, và dưới mặt đất sâu, ăn thức ăn là đá.

4. Giả tưởng

Dù cho nhiều nhà khoa học phỏng đoán rằng tồn tại sự sống ngoài trái đất, thì cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cuối cùng về điều đó. Các chuyến bay trong tương lai tới Hoả tinh, mặt trăng Europa của sao Mộc và các kính thiên văn vũ trụ mới sẽ tìm kiếm câu trả lời cho nghi vấn dai dẳng này.

5. Giả tưởng

Ngay cả phi thuyền Voyager không người lái, rời xa hệ mặt trời của chúng ta từ nhiều năm trước với tốc độ gần 60.000 km mỗi giờ, cũng phải mất 76 nghìn năm để tới được ngôi sao gần nhất. Do các khoảng cách là quá lớn như vậy, những chuyến bay liên hành tinh sẽ cần tới các loại phương tiện di chuyển với tốc độ gần bằng vận tốc ánh sáng. Điều này vượt quá giới hạn của các phi thuyền hiện nay, dù cho có đổ tiền vào bao nhiêu đi nữa.

6. Đúng

Các vành sáng của sao Thổ là nổi tiếng nhất và có thể nhìn thấy, nhưng chúng không phải là duy nhất. Các vòng sáng cũng xuất hiện cả trên Thiên vương tinh và Hải vương tinh.

7. Đúng

Đẩy tàu bằng ion từ lâu đã được đề cập đến trong nhiều tiểu thuyết viễn tưởng, nhưng trong những năm gần đây, người ta đã thử nghiệm thành công một số phi thuyền không người lái theo công nghệ này, như chiếc Deep Space 1 của NASA.

8. Giả tưởng

Nếu trong vũ trụ quả thực không có lực hấp dẫn, mặt trăng sẽ trôi ra xa khỏi trái đất, và toàn bộ hệ mặt trời của chúng ta sẽ giạt đi tứ phía. Quả thực lực hấp dẫn giảm dần theo khoảng cách, nhưng nó không bao giờ biến mất hoàn toàn, dù cho bạn có đi trong vũ trụ xa đến mấy. Các nhà du hành dường như trải qua cảm giác "không trọng lượng" vì họ luôn ở trong tình trạng rơi tự do xung quanh Trái Đất.

9. Đúng

Ngay từ cuối thập kỷ 1990, các nhà khoa học đã chứng minh rằng họ có thể chuyển tức thời dữ liệu bằng các photon, nhưng các photon lại bị hấp thụ lên các bề mặt mà chúng va vào. Gần đây hơn, các nhà khoa học tại Đại học Innsbruck ở Áo và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ, lần đầu tiên đã chuyển tức thời thông tin giữa các nguyên tử, sử dụng nguyên tắc vướng lượng tử.

Các chuyên gia cho biết công nghệ này cuối cùng có thể dẫn đến sự ra đời của máy tính lượng tử siêu tốc. Nhưng tin tức xấu, ít nhất với các fan của phim khoa học viễn tưởng, là các chuyên gia không dự đoán chúng ta có thể "cân đẩu vân" trong nháy mắt theo cách thức này.

10. Đúng


Các hệ sao đôi rất phổ biến trong thiên hà Milky Way của chúng ta. Ngay cả những hệ thống 3 sao cũng tồn tại trong sự hài hoà về hấp dẫn. Trong số hơn 100 hành tinh mới được tìm thấy trong những năm gần đây, một số được tìm ra xung quanh các hệ sao đôi. Song than ôi! chưa ai tìm thấy một hành tinh có người ở giống như Tatooine.
 
T

truonghan_h

Thiên hà hình thành như thế nào?

Các nhà thiên văn học mới đây đã phát hiện ra quá trình hợp nhất của nhiều thiên hà lớn vào khoảng 4 tỷ năm trước. Khám phá này được thực hiện nhờ việc kết hợp sử dụng kính viễn vọng trên mặt đất và trong không gian tốt nhất nhằm củng cố cho lý thuyết về quá trình hình thành dải ngân hà.

Thiên hà được hình thành như thế nào? Câu trả lời được chấp nhận rộng rãi cho câu hỏi căn bản trên là mô hình “sự hình thành theo bậc”, một quá trình mà các thiên hà nhỏ hợp nhất tạo thành thiên hà lớn. Sự hình thành thiên hà tương tự như việc nhiều con suối tạo thành sông, và nhiều sông tiếp tục tạo thành con sông lớn hơn. Mô hình lý thuyết dự đoán rằng các thiên hà đã phát triển đến kích cỡ lớn qua nhiều lần hợp nhất trong vòng đời của chúng. Nhưng khi nào hiện tượng hợp nhất này chấm dứt? Khi nào thiên hà to lớn đạt đến kích cỡ cực đại?

Để trả lời những câu hỏi đó, các nhà thiên văn học đã nghiên cứu các cụm thiên hà lớn, hay một thành phố vũ trụ chứa nhiều thiên hà. Kim-Vy Tran thuộc đại học Zürich, Thụy Sĩ, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Liệu những thiên hà sáng nhất có phát triển đáng kể về kính cỡ trong vài tỷ năm trở lại đây hay không là vấn đề gây tranh cãi. Quan sát của chúng tôi cho thấy tại thời điểm này, các thiên hà đó tăng 50% kích cỡ của mình”.

Các nhà thiên văn học sử dụng một tổ hợp các kính viễn vọng và thiết bị, bao gồm Kính viễn vọng siêu lớn của ESO (VLT) và kính viễn vọng không gian Hubble, để nghiên cứu một cách chi tiết các thiên hà nằm cách 4 tỉ năm ánh sáng. Những thiên hà này nằm trong một hệ thống khác thường bao gồm 4 nhóm thiên hà tạo thành 1 cụm.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu chụp ảnh bằng VIMOS và chụp quang phổ bằng FORS2, cả hai thiết bị trên VLT. Từ những quan sát thu thập được, họ đã có thể nhận biết tổng cộng 198 thiên hà thuộc 4 nhóm này.

Thiên hà sáng nhất trong mỗi nhóm chứa từ 100 đến 1000 tỷ ngôi sao, số lượng tương đương với những thiên hà lớn nhất trong cụm.

Tran cho biết: “Điều đáng kinh ngạc nhất là 3 trong bốn nhóm này, thiên hà sáng nhất thường có một thiên hà sáng khác đồng hành. Những cặp thiên hà như vậy chính là những hệ thống hợp nhất”.

Thiên hà sáng nhất trong từng nhóm có thể được sắp xếp theo chuỗi thời gian cho thấy các thiên hà phát triển về kích thước trong 5 tỉ năm trở lại đây. Có vẻ như vì “ăn” nhiều thiên hà gần đây, nên các thiên hà sáng nhất tăng 50% kích thước.

Phát hiện đã đem lại sức thuyết phục đáng kể cho thuyết “hình thành theo bậc”, như được chứng minh trong việc hợp nhất của thiên hà và cụm thiên hà.

Tran kết luận: “Những ngôi sao trong các thiên hà nói trên đã già và vì vậy chúng tôi kết luận rằng việc hợp nhất gần đây không tạo ra thế hệ sao mới nào. Hầu hết các ngôi sao trong những thiên hà này sinh ra cách đây ít nhất 7 tỷ năm”.

Nhóm nghiên cứu bao gồm Kim-Vy H. Tran (Học viện Vật lý lý thuyế, đại học Zurichm, Thụy Sĩ), John Moustakas (Đại học New York, Hoa Kỳ), Anthony H. Gonzalez và Stefan J, Kautsch (Đại học Florida, Gainesville, Hoa Kỳ), Lei Bai và Dennis Zarisky (Đài thiên văn Steward, Đại học Arizona, Hoa Kỳ).
 
T

truonghan_h

Vụ nổ yên lặng xảy ra trong vũ trụ

Một nhóm các nhà thiên văn học Châu Âu cung cấp thông tin rằng siêu tân tinh gần đây không được bình thường như chúng ta tưởng. Thay vào đó, ngôi sao này được cho rằng đã nổ tung và rơi vào một lỗ đen, tạo ra một tia yếu ớt, thường thấy ở những sự kiện có tính chất mãnh liệt, gọi là vụ nổ tia Gama.

Vật thể, SN 2008D, có thể là một trong những vụ nổ yếu nhất tạo ra những tia di chuyển cực nhanh. Khám phá này là sự kiện quan trọng đối với hiểu biết về hiện tượng mãnh liệt nhất được quan sát trong vũ trụ.

Những kết quả ấn tượng này, một phần dựa trên quan sát bằng Kính viễn vọng cực lớn của ESO, được công bố trên Science Express, phiên bản trực tuyến của tờ Science.

Những ngôi sao có kích thước gấp 8 lần kích thước mặt trời kết thúc vòng đời ngắn ngủi của mình bằng một vụ nổ cực lớn soi sáng cả vũ trụ. Kết quả của những vụ nổ như thế là sự hình thành của các vật thể đậm đặc như sao nơtron và lỗ đen. Khi nổ tung, một số ngôi sao lớn nhất phát ra “tiếng khóc bi thảm”, dưới dạng những tia sáng năng lượng cực lớn như tia X hoặc tia Gama.

Buổi chiều (tại châu Âu) ngày 9 tháng 1, 2008, kính viễn vọng NASA/STFC/ASI Swift một cách tình cờ đã phát hiện sự xuất hiện đột ngột của các tia X kéo dài trong 5 phút có nguồn gốc từ thiên hà hình xoắn ốc NGC 2770, nằm cách chúng ta 90 triệu năm ánh sáng theo hướng chòm sao Lynx. Vệ tinh Swift đang nghiên cứu một vụ nổ siêu tân tinh khác xảy ra vào năm ngoái trong dải thiên hà này, và tia X xuất hiện ở một vị trí khác, rồi sau đó được xác định là đến từ một siêu tân tinh có tên là SN 2008D.

Các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Vật lý học thiên thể quốc gia Ý (INAF), Học viện vật lý học thiên thể Max-Planck (MPA), và tại nhiều trụ sở khác đã quan sát siêu tân tinh trong thời gian dài. Nhóm nghiên cứu do Paoplo Mazzali thuộc Đài thiên văn Padova của INAF được MPA chỉ đạo. Mazzali cho biết: “Điều làm sự kiện này đặc biệt thú vị đó là tín hiệu tia X rất yếu và “mềm” (1), hoàn toàn khác với tia Gama và có vẻ giống với một vụ nổ siêu tân tinh bình thường”.

Sau khi siêu tân tinh được phát hiện, nhóm nghiên cứu nhanh chóng quan sát nó từ đài thiên văn Asiago tại Miền bắc nước Ý và xác định rằng đó là siêu tân tinh loại Ic. Mazzali giải thích: “Đây là siêu tân tinh được tạo ra từ ngôi sao đã cạn kiệt hiđrô và mất lớp ngoài cùng giàu Heli trước khi nổ tung; đó là loại siêu tân tinh duy nhất có sự xuất hiện của tia Gama (trong thời gian dài). Vật thể này vì vậy trở nên đặc biệt thú vị”.

Trước đó không lâu, một nhóm các nhà thiên văn học độc lập đã công bố trên tạp chí Nature rằng SN 2008D là một siêu tân tinh bình thường. Tia X được phát hiện vì đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học may mắn bắt gặp một ngôi sao đang nổ tung. Mazzali và các đồng nghiệp lại có ý kiến ngược lại: “Quan sát của chúng tôi và phương pháp mô hình hóa cho thấy đây là một sự kiện bất thường, cần được tìm hiểu rõ hơn về khía cạnh vật thể nằm ở ranh giới giữa siêu tân tinh bình thường và một vụ nổ tia Gama”.

Nhóm nghiên cứu thành lập một chiến dịch theo dõi để kiểm soát sự phát triển của siêu tân tinh, sử dụng cả kính viễn vọng ESO và kính viễn vọng quốc gia nhằm thu thập một lượng lớn dữ liệu. Hoạt động của siêu tân tinh chỉ ra rằng đó là một hiện tượng năng lượng cao, mặc dù không mạnh như một vụ nổ tia Gama. Tuy nhiên, sau một vài ngày quang phổ của siêu tân tinh bắt đầu thay đổi. Cụ thể, những dòng Heli xuất hiện, cho thấy ngôi sao gốc không bị ăn sâu như những vụ nổ tia Gama.

Trong nhiều năm, Mazzali và nhóm nghiên cứu đã phát triển các mô hình lý thuyết để phân tích thuộc tính của siêu tân tinh. Khi áp dụng cho SN2008D, các mô hình của họ cho thấy sao gốc khi mới sinh lớn gấp 30 lần Mặt trời, nhưng tại thời điểm vụ nổ diễn ra, nó co nhỏ lại và chỉ lớn gấp 8-10 lần mặt trời. Kết quả của sự vỡ vụn của ngôi sao to như vậy là một lỗ đen.

Massimo Della Valle, đồng tác giả, cho biết: “Vì độ lớn và năng lượng đi kèm nhỏ hơn bất cứ vụ nổ tia Gama nào từng được biết đến, chúng tôi nghĩ rằng sự vỡ vụn của ngôi sao này tạo ra một tia yếu, và với sự có mặt của lớp Heli, việc giữ độ chuẩn trực cho tia này càng trở nên khó khăn. Vì vậy, khi nó xuất hiện từ bề mặt của sao, tín hiệu rất yếu”.

Đồng tác giả Stefano Valenti thêm vào: “Giả thuyết của chúng tôi dẫn tới kết luận rằng hoạt động tia Gama giống như vụ nổ tồn tại trong tất cả các siêu tân tinh hình thành nên lỗ đen”.

Guido Chincarini, đồng tác giả và điều tra viên trưởng nghiên cứu của Ý về vụ nổ tia Gama, giải thích: “Với các thiết bị tia X và tia Gama ngày càng trở nên tiên tiến, chúng ta dần khám phá ra các thuộc tính đa dạng của của các vụ nổ sao. Vụ nổ tia Gama là hiện tượng dễ khám phá nhất. Chúng ta thẩy rằng có nhiều biến đổi về cùng một chủ đề kết nối những sự kiện đặc biệt này với những hiện tượng bình thường hơn”.

Tuy nhiên đây là những khám phá quan trọng trong công cuộc hoàn thành bức tranh tổng thể về việc làm thế nào các ngôi sao lớn kết thúc vòng đời của chúng, tạo ra các vật thể đậm đặc, cũng như đưa các nguyên tố hóa học mới vào khí vũ trụ để tạo ra những ngôi sao mới.
 
T

truonghan_h

Liệu có người ngoài Trái Đất?

Frank Drake, người sáng lập cuộc nghiên cứu khoa học tìm kiếm các nền văn minh ngoài trái đất, tin rằng có tối thiểu 200 nền văn minh phát triển cao đang giấu mình ở đâu đó trong thiên hà của chúng ta. Các môn đồ của Drake ước tính con số đó hiện nay là 10.000 đến 1 triệu! Tuy vậy, trong suốt cuộc nghiên cứu kéo dài 30 năm qua, các nhà khoa học vẫn chưa khám phá được bất kỳ tin tức hay dâu hiệu nào từ không gian.
Mạng máy tính khổng lồ nhất thế giới được nối với SETI (cuộc nghiên cứu trí thông minh ngoài trái đất). Bất cứ ai dowload một chương trình máy tính SETI @home sẽ có thể xử lý dữ liệu được cung cấp bởi kính thiên văn radio khổng lồ nhất thế giới hiện nay đặt tại Arecibo, Puerto Rico. Kính thiên văn nhận các tín hiệu từ toàn bộ các dải thiên hà nhưng không có thời gian để phân loại hết. Hơn 5 triệu PC trên toàn thế giới tham gia vào dự án.

Các kính thiên văn mạnh nhất đều chĩa lên bầu trời để lùng sục tín hiệu sự sống trong chòm sao Tau Whale, Eridan’s Epsilon, và khối cầu số 13 trong chòm sao Hercules. Nhưng cho đến bây giờ thì mọi nỗ lực tìm kiếm bất kỳ trí thông minh nào trong không gian đều kết thúc thất bại. Cơ quan quản lý Hàng không và Vũ trụ quốc gia Mỹ dang tiến hành một dự án mới mang tên Cyclops với giá 10 tỷ USD. 1000 kính viễn vọng sẽ được lắp đặt cách nhau khoảng 15 km. Các kính viễn vọng này sẽ được điều chỉnh hoà nhịp để thu nhận các tín hiệu “lang thang” trong phạm vi 1000 năm ánh sáng.
Con người đã nhiều lần thu hút sự chú ý của người ngoài hành tinh bằng cách gửi đi đủ loại thông điệp và đồ vật vào không gian bao la. Các capsule chứa các toạ độ của trái đất trong ngân hà; các hằng số vật lý cơ bản và mã ADN;các băng ghi âm nhạc Bach; các bức tranh kim tự tháp Ai Cập đã được gửi vào không gian trên các con tàu vũ trụ. Nhưng hoàn toàn không nhận được sự trả lới nào từ người ngoài hành tinh.
Một tín hiệu radio từ trái đất phải mất 10.000 năm để đến được các ngôi sao gần nhất, và do đó hãy còn quá sớm để mất kiên nhẫn. Hơn nữa, có tới 200 tỷ ngôi sao trong một dải ngân hà. Thời gian yêu cầu để giải quyết vấn đề toàn cầu tuỳ thuộc vào sự tiến bộ trong vi điện tử và công nghệ kính viễn vọng radio.

Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học Canada tiến hành cho thấy trái đất non trẻ hơn các hành tinh tương tự trong các hệ mặt trời khác đến 2 tỷ năm. Nhà thiên văn học lừng danh Josef Schklovsky là một người tích cực ủng hộ vấn đề những nền văn minh ngoài trái đất. Tuy nhiên ông đã thay đổi ý kiến vào lúc cuối đời và đã đi đến kết luận không vui: con người là duy nhất trong vũ trụ. Một số nhà khoa học hoài nghi cũng chia se quan điểm này. Hai nhà nghiên cứu Peter Word và Đonal Brownley tin rằng một hành tinh và hệ mặt trời của nó có thể gặp một số điều kiện tất yếu để trở thành một vị trí thích hợp cho sự sống mà chưa kể đến trí thông minh. Gần như không thể gặp được tất cả các điều kiện tất yếu này – một hành tinh có thể nằm trong một vành đai mà ở đó nước là chất lỏng; nằm trong một vành đai khí khổng lồ để duy trì quỹ đạo của nó; một vệ tự nhiên tinh khổng lồ từa tựa như mặt trăng là cần thiết để ổn định cái trục (người ta chưa khám phá các vệ tinh như thế trong vùng lân cận của các hành tinh khác);một vị trí đặc biệt trong thiên hà, một cấu tạo vỏ đặc biệt, một vùng nhiệt độ thuận lợi của một ngôi sao...

Seth Shostak, nhà thiên văn học hàng đầu của Viện SETI ở California, đánh giá rằng tiến bộ nhanh chóng trong các lĩnh vực này sẽ cho phép con người khám phá sự thông minh trong thiên hà của chúng ta trong vòng 20 năm nữa. Cuộc nghiên cứu có thể vô ích đối với sao Hoả và Europe – một vệ tinh tự nhiên lớn của sao Mộc. Các dữ liệu thu thập được cho thấy sao Hoả có các trữ lượng lớn băng và nước cổ. Nhưng sao Hoả không có bầu khí quyển. Đương kính của Europe nhỏ hơn trái đất 4 lần. Vệ tinh này được Galileo khám phá năm 1610. Cách đây vài năm,tàu thăm dò mang tên Galileo đã thu thập được dữ liệu quan trọng về Europe: vệ tinh này được bao bọc bởi tầng băng dày bên trên đại dương có độ sâu 50 km. Có lẽ trái đất và Europe là hai nơi duy nhất trong hệ mặt trời có trữ lượng nước khổng lồ. Ngoài ra, Europe còn có bầu khí quyển chứa oxygen. Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm xem oxygen về mặt sinh học có nguồn gốc như oxygen trên trái đất không.
 
T

truonghan_h

Giải mã bí ẩn nhân sao Thuỷ

Sao Thuỷ tí hon, hành tinh trong cùng của hệ mặt trời, dường như có một cái nhân nửa rắn. Phát hiện có thể giúp giải thích về từ trường yếu của hành tinh này.


Các nhà khoa học sử dụng một kỹ thuật gần giống với việc đo ánh sáng chiếu ra khỏi một quả cầu trong sàn nhảy để phát hiện thấy nhân sao Thuỷ ít nhất là nửa lỏng.

Do kích cỡ nhỏ của mình - sao Thuỷ nhỏ hơn 40% so với trái đất - các định luật vật lý phỏng đoán rằng nhân của nó phải lạnh và đã hoá rắn từ lâu. Tuy nhiên, một kỹ thuật radar cải tiến mới khi đo tốc độ quay của sao Thuỷ đã tìm thấy những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ hành tinh này chứa cả phần vật chất rắn và nửa rắn.

"Phần nhân lỏng nói cho chúng ta biết vài điều rất quan trọng về nhiệt độ của hành tinh này", nhà thiên văn Jean-Luc Margot, một trợ lý giáo sư tại Đại học Cornell nói. "Một hành tinh có kích cỡ sao Thuỷ đáng lý phải lạnh đi rồi. Nó đúng ra đã phải bức xạ tất cả nhiệt của mình trong thời gian dài như vậy".

Phát hiện đã giúp giải thích về từ trường yếu của sao Thuỷ, do tàu thăm dò Mariner 10 tìm ra trong chuyến bay gần nó vào giữa thập niên 1970. Đó là bởi một nguyên tắc để một hành tinh sinh ra từ trường là nó phải có nhân kim loại ở dạng lỏng hoặc nửa lỏng, giống trái đất.

Phát hiện cũng làm nảy sinh những nghi vấn mới thậm chí còn khó hiểu hơn: Đó là những yếu tố nào đã giữ cho nhân sao Thuỷ đủ nóng để duy trì trạng thái bán rắn trong hàng tỷ năm như vậy. Một khả năng là các nguyên tố nhẹ giữ nhiệt, như sulfur, đã đóng vai trò ở đây. Tuy nhiên, các nhà khoa học bối rối là bằng cách nào các nguyên tố nhẹ đó có thể cô đặc ở một nơi gần với mặt trời đến vậy.

Những câu trả lời tiếp theo có thể đến khi tàu thăm dò Messenger của NASA bay tới hành tinh tí hon này. Con tàu dự kiến sẽ thực hiện 3 chuyến tạt ngang trước khi bay vào quỹ đạo ổn định để nghiên cứu lâu dài vào năm 2011.
 
T

truonghan_h

"Cỗ máy đẻ sao" trong Vũ trụ.

Thiên hà "Baby Boom" cách chúng ta 12,3 tỷ năm ánh sáng, được đặt biệt danh này vì đang đẻ hàng loạt vì sao cùng lúc.

Các nhà thiên văn đã khám phá ra một cỗ máy đẻ sao đặc biệt - một thiên hà ở rất xa đang phun ra những vì sao ở tốc độ đáng kinh ngạc, khoảng 1.000 đến 4.000 vì sao mỗi năm.

Với tốc độ này, thiên hà nói trên chỉ cần khoảng 50 triệu năm, không phải là quá dài theo thời gian vũ trụ, là đủ để mọc ra một thiên hà tương đương với hầu hết các thiên hà khổng lồ chúng ta thấy ngày nay.

"Hãy so sánh, Milky Way của chúng ta chỉ sản sinh ra trung bình 10 ngôi sao mỗi năm", phát ngôn viên của Cơ quan Vũ trụ Mỹ cho biết.

Phát hiện mới đi ngược lại với giả thuyết phổ biến nhất hiện nay về sự thành tạo của thiên hà. Theo giả thuyết đó, có tên là Mô hình Hierarchical, các thiên hà đẻ sao một cách chậm chạp nhờ hấp thụ những mảnh vụn tí hon của các thiên hà khác, chứ không phải theo cách bùng nổ như quan sát thấy trong thiên hà "Baby Boom" mới được tìm ra.
 
B

boboiboydiatran

5 bí ẩn về sao Diêm Vương
Sao Diêm Vương cách xa trái đất đến nỗi những điều mà con người biết về nó chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, trong vòng vài năm tới mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn khi phi thuyền New Horizon của NASA đến được thiên thể này vào tháng 7.2015 theo dự kiến. Cho đến nay, hiện có 5 điều cực kỳ bí ẩn về sao Diêm Vương, từng được tính là hành tinh thứ 9 của hệ Mặt trời trước khi bị Liên đoàn Thiên văn quốc tế đánh tụt hạng xuống hành tinh lùn vào năm 2006.

Nhầm lẫn về kích thước

Khi được phát hiện vào năm 1930, sao Diêm Vương ban đầu được cho rằng lớn hơn sao Thủy và có thể vượt cả trái đất. Giờ đây giới thiên văn biết được nó chỉ khoảng 2.352 km bề ngang, nhỏ hơn trái đất đến 20%, trong khi khối lượng của nó chỉ bằng 0,2% hành tinh chúng ta.

Quỹ đạo mất trật tự

Sao Diêm Vương có quỹ đạo ê-líp dẹt bất thường, không giống như 8 hành tinh trong hệ mặt trời. Trung bình hành tinh lùn sẽ phải mất đến 248 năm để hoàn thành quỹ đạo dài 5,87 tỉ km xung quanh sao trung tâm. Quỹ đạo bất thường có nghĩa là trong vòng vài năm, quỹ đạo của sao Diêm Vương sẽ cắt sao Hải Vương. Điều này khiến sao Diêm Vương ở gần trái đất so với sao Hải Vương, hành tinh thứ 8 tính từ mặt trời. Nhưng đừng vội lo lắng, 2 hành tinh này sẽ không bao giờ va vào nhau dù quỹ đạo hay trùng lặp.

Nhiệt độ âm trường kỳ

Vì ở quá xa mặt trời, sao Diêm Vương là một trong những nơi lạnh lẽo nhất trong hệ mặt trời, với nhiệt độ bề mặt luôn giữ ở mức -225 độ C. Bề mặt của nó được bao phủ thường xuyên bởi băng nitơ. Khi nhìn ở khoảng cách đủ gần, bề mặt hành tinh lùn có thể biến thành những núi băng đầy khí lạnh, phía dưới lòng đất cũng có thể đang hiện diện một đại dương khổng lồ.

Các vệ tinh

Sao Diêm Vương có 4 mặt trăng: Charon, Nix, Hydra và một vệ tinh nhỏ xíu mới được phát hiện gần đây được đặt tên là P4. Trong khi While Nix, Hydra, P4 khá nhỏ, Charon lại to bằng nửa sao Diêm Vương. Cũng do kích thước ấn tượng của Charon, một số nhà thiên văn học cho rằng sao Diêm Vương và Charon là một cặp hành tinh lùn, hay còn gọi là hệ nhị phân. Đây là từ chỉ 2 thiên thể bị lực hấp dẫn khóa chặt lại với nhau. Charon luôn quay một phía bề mặt về sao Diêm Vương, và sao Diêm Vương cũng luôn quay một mặt về Charon. Có thể hình dung theo kiểu nếu một người đứng ở phía bề mặt gần của sao Diêm Vương, Charon sẽ lơ lửng trên bầu trời mà không chuyển động; nếu người này đi về phía bề mặt bên kia, anh ta sẽ không thể nhìn thấy Charon.

Khí quyển trong suốt

Dù nhỏ hơn cả mặt trăng của trái đất, hành tinh lùn kỳ quái này cũng xoay xở để giữ được một khí quyển mỏng manh, cấu tạo chủ yếu từ ni-tơ, mê-tan và CO, dày khoảng 3.000 km.

Nguồn : link
 
B

boboiboydiatran

sao hoả

Mặt trăng đến từ đâu?

Các nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới từ lâu đã có nhiều giả thuyết về sự hình thành của mặt trăng. Ngày nay, các nhà khoa học lại có suy nghĩ khác về những gì thực sự xảy ra. Rất nhiều bằng chứng chỉ ra rằng nó được sinh ra sau một tác động khổng lồ. Theo giả thuyết này, vào khoảng 4,5 tỷ năm về trước, một thiên thạch có kích cỡ bằng sao Hỏa va vào Trái đất- khi đó vẫn còn trẻ với bề mặt nóng chảy- và từ vụ va chạm đó tạo ra mặt trăng của chúng ta.

Tuy nhiên vẫn có điều chưa hợp lí. Vụ va chạm trên lý thuyết này đáng lẽ sẽ phải để lại những đặc điểm cụ thể trên mặt trăng, nhưng không có gì đặc biệt được phát hiện. Lượng vật chất trên mặt trăng - ví dụ như nước đóng băng - không thực sự phù hợp với viễn cảnh về dung nham nóng chảy.

Tại sao mặt trăng có "hai mặt"?


Chỉ có một bán cầu của mặt trăng đối diện với Trái đất. Chúng ta biết khá nhiều về bán cầu đó, với những vùng tối được gọi là biển hay 'maria' tạo nên bởi mac-ma nguội. Điều kì lạ là các 'biển' của mặt trăng hầu như không xuất hiện ở phía bên kia, theo như quan sát của các tàu thăm dò và các phi hành gia của tàu Apollo 8. Phần tối hơn này cũng lỗ chỗ hơn do các miệng núi lửa.
Bán cầu không đối diện với Trái đất có lớp vỏ dày khoảng 15 km, dày hơn vỏ của bán cầu còn lại. Lớp vỏ mỏng hơn cũng dễ bị nứt vỡ hơn do tác động của thiên thạch, khiến cho mac-ma sâu bên trong mặt trăng trào lên, tạo thành các 'maria'. Nhưng ngay cả sự chênh lệch về độ dày của lớp vỏ hai bán cầu cũng là một bí ẩn.

Tại sao mặt trăng lại to hơn khi ở gần đường chân trời?

Kích cỡ cùa mặt trăng không thay đổi, cho dù nó có đang ở đường chân trời hay lơ lửng trên đầu chúng ta. Tuy nhiên, một mặt trăng ở thấp xuất hiện với kích cỡ lớn hơn rất nhiều so với một mặt trăng trên cao. Đây là một trò lừa của não bộ, được biết đến như ảo ảnh mặt trăng hay ảo ảnh Ponzo, tuy ảo ảnh này đã được chứng kiến nhiều từ thời cổ đại, chưa có giả thuyết nào về nó được chấp nhận rộng rãi.

Một giả thuyết cho rằng chúng ta đã quen nhìn thấy mây trên đầu chúng ta, cách chúng ta khoảng vài km, trong khi đó mây ở đường chân trời có thể xa chúng ta đến hàng chục km. Nếu một đám mây ở đường chân trời to bằng một đám mây ở phía trên, mặc dù khoảng cách giữa nó và chúng ta là rất lớn, ta sẽ có cảm giác nó trở nên khổng lồ. Vì mặt trăng ở đường chân trời cũng to như mặt trăng khi ở trên, não bộ tự động tạo ra sự gia tăng kích cỡ tương tự.

Theo một giả thuyết khác, mặt trăng trông có vẻ lớn hơn ở đường chân trời là vì chúng ta thường so sánh nó với những cái cây hay vật thể khác ở gần trên Trái đất. Khi mặt trăng ở trên không, với bối cảnh rộng lớn của không gian bên ngoài, mặt trăng trông có vẻ nhỏ bé.

Tại sao mặt trăng 'xanh' ?




Mặt trăng có nhiều nước hơn chúng ta nghĩ. Nước đá đã được tìm thấy ở độ sâu vài mét trong những miệng núi lửa gần hai cực. Nghiên cứu cho rằng phía trong mặt trăng thậm chí còn ẩm ướt hơn (mặc dù vẫn cực kì khô hạn so với Trái đất hiện nay). Gần đây, những lần kiểm tra mẫu đá các phi hành gia lấy về từ mặt trăng còn cho thấy dấu hiệu của nước.

Băng trên sao chổi cũng có thể là một nguồn cung cấp nước đáng kể khi chúng đâm vào mặt trăng, nhưng các nhà khoa học vẫn không thể tính được chính xác lượng nước có trên đó. Họ tin rằng một phần lượng nước có thể được hình thành ngay trên mặt trăng do proton trong gió mặt trời tương tác với oxit kim loại trong đá mặt trăng.

Mặt trăng có đơn độc?

Các nhà thiên văn học tin rằng Trái đất thực tế có hai mặt trăng. Một mặt trăng chúng ta đều biết đến, còn mặt trăng còn lại là một tiểu hành tinh rất nhỏ, không lớn hơn một cái xe ô tô, đã từng quay quanh Trái đất một thời gian trước khi biến mất vào khoảng không. Dựa vào số lượng và sự phân bố các tiểu hành tinh trong hệ mặt trời, các nhà nghiên cứu ước tính có ít nhất 1 tiểu hành tinh, với chiều dài tối thiểu là 1 mét, quay quanh Trái đất. Chúng có thể không phải là cùng một tiểu hành tinh mà là nhiều tiểu hành tinh khác nhau luân phiên làm 'mặt trăng tạm thời'.

Theo như mô hình lý thuyết, trọng lực của Trái đất 'bắt' những tiểu hành tinh này khi chúng đi ngang qua. Chúng thường quay quanh Trái đất khoảng 9 tháng trước khi trở lại với con đường cũ của chúng.

Nhưng rất khó để nhận ra những tiểu hành tinh này. Chúng trở nên quá nhỏ khi ở xa, quá nhanh và mờ khi ở gần, vì vậy chúng ta không thể biết chắc chúng có ở đó hay không. Nếu những quan sát sau này chứng minh rằng Trái đất thực sự có một mặt trăng thứ 2, có lẽ các nhà khoa học sẽ tính đến chuyện xây dựng một con tàu vũ trụ để đem mặt trăng đó về Trái đất.


nguồn link
 
Last edited by a moderator:
B

boboiboydiatran

sao thiên vương

Vào năm 1846, khi các nhà thiên văn hoc Châu Âu tranh cãi về cái gọi là hành tinh thứ 8 đã được tìm thấy, chúng thực ra được đặt tên là Sao Hải Vương (SHV) theo tên vị thần biển La Mã. Cái tên hóa ra lại hợp với SHV vì chúng ta biết rằng nó có màu xanh đại dương với những đốm trắng và xanh đậm chạy ngang qua những đám mây.

Giống như Sao Thiên Vương, các nhà thiên văn phân loại SHV là hành tinh băng khổng lồ - 1 thế giới to gấp 4 lần đường kính trái đất với khí quyển dày hầu hết là Hidro và Heli trộn với 1 ít nước, amoniac và các thành phần khác.

Nếu sao thiên vương cách xa 1.76 tỷ dặm tính từ mặt trời, SHV nằm xa hơn 1 tỷ dăm nữa- 30 lần từ trái đất đến mặt trời.

Khí quyển bất trị

Các nhà thiên văn đã hy vọng SHV sẽ trông khá là tẻ nhạt-1 thế giới không thời tiets, không đặc trưng trong băng giá dày đặc. Thay vào đó, Voyager hé lộ một bầu khí quyển hỗn loạn với mây sáng lăn tăn và những cơn bão mãnh liệt. Ngạc nhiên là, những cơn gió nhanh nhất từng được ghi lại trong hệ mặt trời đều diễn ra ở SHV, lên đến khoảng 1300 dặm ( khoảng 2100 km) một giờ.

Đằng sau hoạt động khí tượng này hóa ra là từ nội nhiệt của SHV, có thể nóng hơn cả Sao thiên vương “Khi bạn đi xa khỏi măt trời đến sao mộc, sao thổ, sao thiên vương đều lạnh hơn khí quyển của hành tinh trước nó," Heidi Hammel, phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu về thiên văn (AURA), một tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại Washington, D.C. nói. "Nhưng khi bạn đến SHV nó sẽ ấm như sao thiên vương" (Nói theo 1 cách tương đối, cả 2 sẽ lạnh ở khoảng -355 độ F (-215 độ C).)

NHững nguồn nhiệt hành tinh điển hình, bao gồm nội nhiệt còn lại từ quá trình hình thành và sự phân rã của các nguyên tố phóng xạ có thể góp phần vào nhiệt độ SHV

Vành đai nặng nề

SHV như các hành tinh khổng lồ anh em khác, có hệ vành đai. Nhưng thay vì có cấu trúc hình vòng nổi bật , vành đai của SHV mập mạp 1 cách khó hiểu, với phần vật chất hình cầu tạo hình vòng cung của vành đai ngoài. "Những hòn này là những nơi nhiều vành đai bị dính vào nhau” Hammel nói.

Sự ảnh hưởng của lực hấp dẫn từ những mặt trăng nhỏ có thể gây ra sự tạo thành thông thường của vành đai. Nhưng những quan sát của Hammel và đồng nghiệp trong những năm gần đây cho thấy quá trình này hóa ra quá chặt chẽ. “ Những vị trí của các vòng cung liên quan đến nhau đã thay đổi theo nhiều cách mà chúng ta không thể hiểu nổi”

Từ trường hỗn loạn

Khi Voyager 2 phát hiện ra từ trường kỳ lạ ở sao thiên vương, các nhà khoa học phát hiện ra sự va chạm nào đó đã va vào cạnh của hành tinh cũng đã góp phần tạo nên từ trường này. Khi Voyager 2 đo đạc từ trường của SHV , nó cũng có nguồn gốc từ vùng xa trung tâm và cũng không thẳng hàng với chiều quay của hành tin như các hành tinh khác.

"Không ai ngờ những từ trường bắt nguồn từ trung tâm hành tinh và nghiêng ở những góc kỳ cục như vậy," Hammel nói.

Giả thuyết tốt nhất, Hammel nói, là từ trường được tạo nên không phải từ lõi SV như trái đất, sao mộc và các hành tinh khác. Thay vào đó, nó phát ra từ lớp dẫn điện giữa lõi và bề mặt– "một lớp phủ bằng nước mặn,"

Mặt trăng bị bắt giữ cáu kỉnh?

Trong 13 mặt trăng của SHV, Triton cho đến giờ vẫn là lớn nhất và duy nhất đủ khối lượng để có hình cầu. Lạ kỳ là. Triton có quỹ đạo thụt lùi, tự quay hướng ngược lại với hành tinh và các mặt trăng khác. Thêm nữa, quỹ đạo có góc thay vì 1 mặt phẳng quanh xích đạo như các vệ tinh điển hình.

Nhưng đặc điểm này cho thấy Triton không tạo nên quanh SHV. Thay vào đó , trọng lực của hành tinh có thể đã bắt giữ Triton, thiên thể đá và băng bay ngang qua từ Vành đai Kuiper, dải các thiên thể gồm cả Sao DIêm Vương bên ngoài khu vực của SHV. "Giả thuyết hàng đầu là về vụ bắt giữ," Candice Hansen, nhà khoa học kỳ cựu ở Viện khoa học hành tinh ở Tucson, Ariz nói.
 
Last edited by a moderator:
B

boboiboydiatran

sao thuỷ

Sao thủy, hành tinh gần nhất với măt trời, qua nhiều thế kỷ, vốn đã rất khó để nghiên cứu. Các kính thiên văn đã phải chống lại ánh sáng chói chang của măt trời, trong khi các tàu du hành - bị kéo bởi lực hấp dẫn của mặt trời- phải đốt cháy nhiều nhiên liệu để giảm tốc độ mỗi 1 lần vụt qua hành tinh nhỏ này.

Sao lại đặc đến vậy?

Sao thủy là hành tinh đặc thứ 2 trong hệ mặt trời, chỉ ít hơn trái đất 1 chút. Các nhà khoa học nghĩ rằng sao thủy phải có lõi khổng lồ tạo nên 2/3 khối lượng nó, trên Trái đất , lõi chỉ chiếm 1/3. Sự va chạm giữa các thiên thể đá trong thuở đầu lịch sử của hệ mặt trời có thể đã đánh bật 1 số lớp ngoài ít đặc hơn của sao thủy, để lại chỉ những thứ nặng, Sean Solomon, giám đốc ban từ tính điạ cầu của Viện Carnegie, Washington, và trưởng điều tra nhiệm vụ Messenger, đã nói.

Từ trường

Ngoài Trái Đất, sao thủy là hành tinh đá duy nhất của hệ mặt trời bên trong có từ trường rõ rệt (cho dù chỉ mạnh bằng khoảng 1% trái đất) . Sự tồn tại của từ trường không chỉ là một câu hỏi bình thường về hành tinh-từ trường bảo vệ những sinh vật khỏi ảnh hưởng của bức xạ từ mặt trời và bên ngoài hệ.

Các nhà nghiên cứu tin rằng từ trường của sao thủy được tạo nên bởi cùng quá trình động lực như trái đất, được điều khiển bởi sự chuyển động của kim loại lỏng dẫn điện trong lõi ngoài của hành tinh.

Thủy tinh băng đá?

Sao Thủy bị mặt trời làm khô cạn khó có thể là nơi tìm thấy được băng đá. Nhưng 1 số miệng núi lửa tại các cực của sao thủy có vẻ nằm trong vùng bóng tối vĩnh cửu và thủy ngân ở những miệng núi lửa đó hạ xuống -280 độ F. Những cái bẫy băng sâu này như Solomon gọi, có thể giữ nhiều băng hơn nhiều lượng dự trữ trên mặt trăng. Trong khi vẫn không có nhiều nước, nó vẫn chứng tỏ rằng ở trong hệ mặt trời "nước ở mọi nơi, ít nhất là ở dạng phân tủ", Solomon nói.

Màn khí quyển bền bỉ

Cho dù nó là hành tinh nhỏ nhất và vì thế có ít trọng lực, nó cũng có khí quyển , mặc dù rất mỏng. Thậm chí còn kỳ lạ hơn là Sao thủy đang mất đi khí quyển, phần khí tạo nên chiếc đuôi của sao chổi đang hình thành đuôi của hành tinh. "Theo 1 cách nào đó trên sao thỷ, khí quyển tự tái tạo một cách liên tục," Solomon nói. Các nhà khoa học nghĩ rằng các vật chất bị bắt lại từ những "cơn gió mặt trời" -dòng các điện tử bức xạ khỏi măt trời- tạo nên, cũng như bụi bị đánh bật ra bởi ảnh hưởng của các thiên thạch nhỏ.

Kẻ đem đến ngày tận thế?

Sao Thủy có quỹ đạo kỳ cục nhất trong số các hành tinh trong hệ mặt trời. Những mô phỏng vi tính cho thấy ít tỷ năm nữa , qỹ đạo này sẽ trở nên còn kỳ quái hơn và sao thủy có khoảng 1% cơ hội va chạm với sao kim hay mặt trời. Phiền phức hơn nữa là song song với lực hấp dẫn của các hành tinh khổng lồ hệ ngoài, quỹ đạo hỗn loạn của sao thủy có thể phá vỡ quỹ đạo của các hành tinh bên trong như sao kim hay sao hỏa và khiến chúng đâm vào Trái đất - một cơn đại hồng thủy của ngày tận thế thật sự.
 
Top Bottom