Văn 9 Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ Văn (Chung) THPT Chuyên Biên Hòa Hà Nam 2020-2021

dangtiendung1201

Cựu Mod Toán
Thành viên
24 Tháng mười hai 2018
1,272
1,359
191
20
Thái Bình
THCS Lương Thế VInh-Thành phố Thái Bình

Trần Tuyết Khả

Cựu Mod Văn | Cựu phó CN CLB Địa
Thành viên
13 Tháng hai 2018
2,356
6,278
616
20
Hà Nội
Trường THPT Hoài Đức A
Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ Văn (Chung) THPT Chuyên Biên Hòa Hà Nam 2020-2021
I. Đọc hiểu
Câu 1:
Các phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên là: tự sự xen lẫn miêu tả
Câu 2:
Trong đoạn văn trên có các nhân vật: anh thanh niên, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư
Anh thanh niên "giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ" vì: anh rất mừng vì có khách đến chơi nhưng lại đến giờ họ phải rời đi
Còn nhà hoạ sĩ "tặc lưỡi đứng dậy" vì: ông tiếc nuối, không thể nói chuyện thêm với anh thanh niên, không thể cảm nhận thêm vẻ đẹp từ con người anh và đặc biệt, ông chưa kịp vẽ lại vài nét về anh
Câu 3:
- Các nhân vật đã gặp nhau trong hoàn cảnh thật đặc biệt: trên chuyến xe từ Hà Nội đi Lào Cai, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư và bác lái tình cờ quen được nhau, bởi vậy, bác lái xe đã giới thiệu cho họ về anh thanh niên. Trong 30 hút ngắn ngủi, ba con người đã gặp nhau, nói chuyện và trở nên thân thiết.
- Hoàn cảnh gặp nhau thật đơn giản nhưng lại là cơ hội thuận lợi để tác giả trình bày bức chân dung nhân vật chính một cách tự nhiên và tập trung. Đồng thời, tình huống gặp gỡ đã tạo ra điều kiện để nhân vật chính hiện lên qua sự quan sát, suy nghĩ của các nhân vật khác, đặc biệt là ông họa sĩ già. Vì vậy mà nhân vật được miêu tả một cách khách quan chân thực
Câu 4:
Qua đoạn trích trên, chỉ với một câu thoại, vài từ ngữ miêu tả nhưng anh thanh niên đã hiện lên là một con người cởi mở, chân thành, biết quan tâm đến người khác và có lòng hiếu khách. Anh rất vui khi mọi người đến thăm nhà, nhưng thời gian thì có hạn nên anh trân trọng từng giây, từng phút khi được nói chuyện với họ. Khi chỉ còn ít phút nữa, anh không cố gắng níu giữ mà "chạy ra phía sau nhà" để lấy quà biếu mọi người. Bởi vẻ đẹp tâm hồn của anh mà cả ông hoạ sĩ và cô kĩ sư đều tiếc nuối khi phải rời đi. Anh chính là tiêu biểu cho những con người lao động thầm lặng với tâm hồn, tình cảm mới đẹp làm sao!
Thanh phần cảm thán: làm sao
II. Làm văn
Câu 1:
- Dẫn dắt vấn đề
- Giải thích
+ Thời gian là một khái niệm trừu tượng, khó ai có thể định nghĩa nó một cách chính xác và cụ thể. Tuy nhiên, ta có thể hiểu nôm na, thời gian là sự tiến triển đi từ quá khứ tới tương lai theo một chiều, không bao giờ quay lại, và nó là vô tận
- Bàn luận
+ Thời gian là vô cùng quý giá, có thể nói, thời gian quý giá hơn vàng bạc hay tất cả giá trị vật chất nào.
+ Thời gian không thể cân đo, đong đếm như những vật hiện hữu được. Giá trị của thời gian nằm ở việc ta đã sử dụng nó ra sao.
+ Thời gian trôi đi, không bao giờ quay lại, mọi thứ cũng thay đổi dần theo thời gian. Đối với con người, thời gian là quá trình trưởng thành, phát triển, hoàn thiện bản thân và học cách vượt qua cám dỗ, bản lĩnh phá bỏ mọi giới hạn, rào cản
+ Có những nỗi đau, mất mát sẽ không bao giờ mất đi, nhưng theo thời gian, nó sẽ trở nên nhạt nhoà, phai dần.
+ Không nhưng thế, thời gian còn là thước đó giá trị bản thân. Nếu bạn có những ý tưởng, sáng tạo độc đáo, đem lại lợi ích to lớn thì bạn sẽ mãi ghi tên tuổi của bản thân vào lịch sử, vang danh muôn đời, nhưng nếu không làm được, bạn sẽ dần phai mờ, sau này, có lẽ cũng sẽ không ai nhớ đến bạn
- Mở rộng vấn đề
+ Quý trọng thời gian là rất tốt nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sống gấp gáp, vội vàng, luôn chạy theo thời gian mà quên đi bản thân cần nghỉ ngơi
+ Trân trọng thời gian là khi ta sử dụng nó vào mục đích đúng đắn, biệt phân chia thời gian hợp lý, biết kết hợp giữa thời gian cho bản thân và mọi người xung quanh
+ Ngày nay, thế hệ trẻ dường như đã quên đi giá trị của thời gian. Nhiều bạn trẻ dùng phần lớn thời gian của mình vào những thứ vô bổ như chơi game quá nhiều, dành thời gian cho mạng xã hội mà đáng lẽ trong khoảng thời gian đó, họ nên học bài, làm việc...
- Liên hệ bản thân
+ Biết quý trọng thời gian của mình, sắp xếp thời gian vào những việc bổ ích, không lãng phí thời gian vào những thứ vô bổ, sống hết mình
+ Phê phán những cá nhân không biết quý trọng thời gian
Câu 2:
MB:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Thanh Hải, bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” và đoạn trích
TB:
1. Cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên và đất trời
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc

- Tác giả sử dụng phép đảo ngữ đặt từ "mọc" lên đầu câu nhằm nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Trung tâm của bức tranh xuân là bông hoa tím biếc hiện lên giữa không gian bao la của dòng sông xanh. Nhưng bông hoa ấy không hề lẻ loi, đơn chiếc, nó đang vươn lên với một sức sống mạnh mẽ. Điều kỳ diệu là tác giả đã sử dụng gam màu chất đặc trưng của xứ Huế đó là sắc tím mộng mơ kết hợp với màu xanh tạo nên một bức tranh xuân nhẹ nhàng, đằm thắm
- Bức tranh xuân ấy trở nên rộn rã tươi vui với sự xuất hiện của tiếng chim chiền chiện
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời

+ Những cách nói rất Huế "ơi", "chi" tạo nên âm điệu ngọt ngào, tha thiết, thể hiện cái nhìn trìu mến của tác giả đối với cảnh vật thiên nhiên
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng

+ "giọt long lanh" ở đây có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Ta có thể hiểu đó là những giọt mưa mùa xuân, giọt sương sớm mai trong sáng rơi xuống từng nhành cây kẽ lá như những hạt ngọc. Cũng có thể hiểu "giọt long lanh" ở đây theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: đó là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện. Cho dù hiểu theo cách nào thì hai câu thơ cũng thể hiện cảm xúc say sưa ngây ngất của nhà thơ trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân
+ Thái độ nâng niu trân trọng đối với mùa xuân của tác giả càng được thể hiện rõ nét qua động từ "hứng" đi liền với đại từ "tôi"- cái tôi cá nhân đang hiện diện để tận hưởng, giao hòa với mùa xuân
2. Cảm xúc về mùa xuân của đất nước
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ

- Từ mùa xuân của thiên nhiên đất trời tác giả lại khám phá thêm vẻ đẹp của mùa xuân đất nước với hai đối tượng rất cụ thể. Đó là "người cầm súng" và "người ra đồng". Đây là hai lực lượng tiêu biểu làm hai nhiệm vụ quan trọng là chiến đấu và lao động, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Họ là những người làm nên lịch sử, làm nên mùa xuân
- Hình ảnh hoán dụ "người cầm súng" là tượng trưng cho người chiến sĩ gợi hiện thực chiến tranh gian khổ đi liền với "lộc giắt đầy trên lưng" mang lại cái nhìn mới, gợi liên tưởng đến cành lá ngụy trang trên lưng người chiến sĩ và cũng là ẩn dụ trong mùa xuân mà họ mang lại cho đất nước
- Hình ảnh hoán dụ "người ra đồng" gợi không khí lao động khẩn trương ở hậu phương, đi liền với "lộc trải dài nương mạ" khiến người đọc hình dung ra những cánh đồng màu mỡ và bàn tay gieo trồng sự sống
- "Lộc" ở đây gắn liền với người cầm súng và người ra đồng đã tạo nên sức gợi cảm và nhiều tầng liên tưởng
+ Lộc là những chồi non nhành non của cây cối mùa xuân đang trỗi dậy trên khắp đất trời sau một mùa đông lạnh lẽo
+ Lộc còn có nghĩa ẩn dụ là sức sống, thế vươn lên, sự phát triển của đất nước sau những năm tháng bị chiến tranh tàn phá
- Điệp từ "Lộc" đi cùng với các từ "giắt đầy", "trải dài" đã gợi lên và gây ấn tượng với một sắc xuân bất tận, một sắc xuân tràn trề đang dâng tràn mọi ngả đường của đất nước và rạo rực trong lòng người
- Hai câu thơ tiếp theo cho ta thấy khí thế của mùa xuân đất nước
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao

+ Tác giả đã tất khéo léo khi sử dụng nghệ thuật điệp cấu trúc câu, lối so sánh trực tiếp "tất cả như" cùng hai từ láy "hối hả", "xôn xao" gợi tả không khí khẩn trương, rộn ràng, sôi nổi, náo nức, say mê công việc của những con người làm nên mùa xuân đất nước. Mùa xuân được tạo nên từ cái hối hả của công cuộc lao động khẩn trương ấy ở con người
- Từ những con người và nhiệm vụ cụ thể của đất nước, nhà thơ Thanh Hải đã suy nghĩ về sức sống và lịch sử của dân tộc
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước

+ Tính từ "vất vả", "gian lao" và nghệ thuật nhân hóa đã đúc kết quá khứ lịch sử dân tộc đầy đau thương mất mát song rất đáng để tự hào. Đồng thời khiến hình ảnh đất nước trở nên gần gũi mang vóc dáng của người mẹ, người chị tần tảo, cần cù
+ Biện pháp so sánh "đất nước như vì sao" là một hình ảnh độc đáo tạo nên hình ảnh đất nước rất khiêm nhường nhưng cũng rất tráng lệ. Đây chính là niềm tin tưởng niềm tự hào về tương lai tươi sáng của đất nước
+ Cùng với biện pháp so sánh, điệp từ "đất nước" được lặp đi lặp lại đã khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của dân tộc Việt Nam, đồng thời cho ta thấy sự khiêm nhường của tác giả: đất nước ta chỉ là vì sao chứ không phải mặt trời rực rỡ nhưng vì sao đó luôn trường tồn bất diệt và đi lên không ngừng nghỉ
3. Nhận xét, đánh giá
- Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là lời ngợi ca quê hương, đất nước của Thanh Hải. Nó vang lên như một khúc ca ca ngợi quê hương Việt Nam
- Chỉ với ba khổ thơ với những hình ảnh đặc sắc, những nghệ thuật tiêu biểu, Thanh Hải đã vẽ nên mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, vẽ lên cả mùa xuân đất nước
KB:
- Khẳng định giá trị của bài thơ
- Cảm nghĩ của bản thân
 
Top Bottom