Văn Đề ôn thi THPT QG 2019 (số 9 thầy Trịnh Quỳnh)

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
804
1,014
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:​
Mẹ và Hamer đi chợ, họ muốn mua một ít rau về ăn. Trên đường đi, hai mẹ con nhìn thấy một người rất xấu xí, đang rao bán đồ gốm ở lề đường. Hamer nói với mẹ bằng giọng miệt thị:
―Mẹ ơi, người kia thật xấu xí. Mẹ nghe xong không nói gì.
Sau đó, họ đến chỗ bán rượu nhìn thấy những chum rượu được xếp ngay ngắn, thẳng hàng, mẹ chỉ vào và hỏi:
―Con trai, con thấy những vò rượu ấy có xấu không?
Hamer đáp:
―Xấu ạ, cũng xấu như người mẹ con mình vừa gặp trên đường ấy. Họ lại đến chỗ bán đồ bằng bạc. Tất cả những đồ đựng bằng bạc đó sáng lấp lánh khiến mọi người hoa mắt.
Mẹ lại chỉ về phía đồ bạc ấy và hỏi:
―Những đồ bằng bạc ấy có đẹp không?.
Hamer kích động nói:
―Đương nhiên là đẹp ạ, đẹp hơn gấp nghìn lần so với những đồ gốm xấu xí kia.
Mẹ nói:
―Đồ bạc tuy rất đẹp, nhưng lại không thể đựng được rượu ngon. Đồ gốm mặc dù xấu xí, nhưng lại đựng được những loại rượu thơm ngon cho chúng ta uống. Giống như dung mạo con người cũng vậy, vẻ bề ngoài xấu xí nhưng có thể chứa đựng một trí tuệ siêu việt.
Hamer nhớ lời mẹ dặn, từ đó về sau cậu không cười nhạo người khác nữa.
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ Do Thái đã dạy trẻ không được coi thường, miệt thị người khác. Người Do Thái cho rằng, Thượng Đế tạo ra con người rất công bằng, mỗi người đều bình đẳng như nhau, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Vì thế, không được khinh miệt người khác, vì bản thân họ cũng có những điều tốt đẹp. Dân tộc Do Thái coi việc giúp đỡ người nghèo là một nghĩa vụ, cho dù ở trong hoàn cảnh nào, mọi người cũng đều giúp đỡ người nghèo. Làm như vậy, họ đã giúp cho cả dân tộc Do Thái trở nên giàu có và hùng mạnh.
Người Do Thái ở bất cứ thời đại nào cũng thực hiện theo nguyên tắc: Không kỳ thị bất cứ ai. Cha mẹ luôn dạy con cái biết tìm ra những ưu điểm của người khác, để bản thân học tập, noi theo. Trong dân tộc Do Thái, người giàu có thể làm bạn với người nghèo, học giả có thể làm bạn với kẻ ăn mày. Họ không phân biệt cao thấp giàu nghèo, con người luôn học tập, đối xử bình đẳng với nhau. Vì thế, mọi người luôn tôn trọng và cùng nhau tiến bộ. Khi tôn trọng người khác, bạn cũng sẽ nhận được sự tôn trọng.

(Theo Phương pháp giáo dục con của người Do Thái, NXB Văn hóa thông tin, 2014)
Câu 1. Nhận xét ban đầu Hamer về một người xấu xí đi đường thể hiện thái độ như thế nào?
Câu 2. Vì sao sau lời mẹ dặn, Hamer không cười nhạo người khác nữa?
Câu 3. Theo anh/chị khi tôn trọng người khác đem lại những lợi ích gì đối với mỗi cá nhân và dân tộc?
Câu 4. Bài học của người mẹ Do Thái trong đoạn văn bản trên mà anh/chị thấy ý nghĩa nhất? Vì sao?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)


Từ nguyên tắc Không kỳ thị bất cứ ai được nhắc đến trong văn bản, anh/chị hãy viết đoạn văn

khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về điều đó?
Câu 2. (5,0 điểm)

Trong tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân miêu tả người lái đò khi vượt thác:
Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía của đá ấy. Bốn năm bọn thuỷ quân nơi cửa ải nước bờ bên trái liền xô ra định níu con thuyền vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến và sau khi vượt thác:
― Đêm ấy nhà đò đót lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi".

(Người lái đò sông Đà - Ngữ văn lớp 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
Phân tích hình ảnh người lái đò sông Đà trong hai lần miêu tả trên. Từ đó nhận xét về cách nhìn con người của Nguyễn Tuân.
 

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
804
1,014
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ
Phần I:
Câu 1: Nhận xét ban đầu Hamer về một người xấu xí đi đường thể hiện thái độ kì thị, coi thường người khác.
Câu 2: Sau lời mẹ dặn, Hamer nhận ra:
+ Dung mạo hay vẻ bề ngoài không quyết định bản chất bên trong của mỗi người.
+ Không nên đánh giá và tỏ thái độ trước bất cứ ai thông qua vẻ bề ngoài.
Câu 3: Khi tôn trọng người khác sẽ đem lại những lợi ích:
+ Đối với cá nhân: tìm ra ưu điểm của người khác, tôn trọng và khen ngợi người khác chân thành từ đó bản thân sẽ tiến bộ, đồng thời khai thác được thế mạnh của người đối diện mà mình hợp tác. Có thể giao lưu và kết bạn với nhiều người, tăng thêm vốn sống và sự hiểu biết...
+ Đối với dân tộc: con người sẽ được đối xử bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo. Dân tộc sẽ đoàn kết, yêu thương gắn kết giữa các tầng lớp để cùng phát triển.
Câu 4: Hs bày tỏ quan điểm theo suy nghĩ riêng của bản thân. Dưới đây là một vài gợi ý:
+ Vẻ bề ngoài xấu xí nhưng có thể chứa đựng một trí tuệ siêu việt
+ Khi tôn trọng người khác, bạn cũng sẽ nhận được sự tôn trọng.
+ Việc giúp đỡ người nghèo là một nghĩa vụ, cho dù ở trong hoàn cảnh nào, mọi người cũng đều giúp đỡ người nghèo.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)

Đoạn văn có bố cục: rõ ràng , lôgic, có thể có nhiều ý khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau
+ Nguyên nhân của sự kì thị: do sự khác biệt giữa bản thân với người khác về điều kiện, hoàn cảnh sống; vẻ bề ngoài, sở thích tính cách bên trong. Từ đó dẫn đến thái độ coi thường, thiếu tôn trong. Căn bản do sự thiếu hiểu biết, chưa tìm hiểu rõ đối phương khi giao tiếp hay do quá đề cao bản thân mà không nhận ra giá trị của người khác.
+ Mọi người đều có điểm tốt và điểm xấu. Nhìn nhận ra bản chất tốt đẹp của người khác là cách chúng ta học hỏi, trau dồi bản thân cũng là cách ta cảm mến và yêu thương người khác.
+ Hãy xóa bỏ khoảng cách giữa con người bởi vì tất cả chúng ta đều bình đẳng, chấp nhận sự khác biệt trong mỗi người để hòa nhã hơn trong giao tiếp.
+ Thái độ sống chân thành sẽ tạo nên mối quan hệ tốt, sự giao tiếp hiệu quả là điều kiện thành công của mỗi người.
Câu 2: (5,0 điểm)
1. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề nghị luận
Nhân vật ông lái chắc chắn sẽ bị mờ nhạt nếu như tác giả chỉ miêu tả ông trong cuộc mưu sinh phẳng lặng trên sông nước hiền hòa. Người lái đò trong tác phẩm thực sự trở thành hình tượng chân thật và sông động là sự ký thác ý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân, văn sĩ suốt một đời say mê kiếm tìm và khẳng định cái đẹp. Hình tượng ông lái đò đẹp một cách kiêu hãnh trong mối tương quan đồng hiện với nhân vật sông Đà dữ dằn mà kỳ vĩ.
– Dẫn ra vấn đề cần nghị luận
Nguyễn Tuân đã xây dựng một hình tượng người lái đò đầy xuất sắc với hai vai trò nổi bật, vừa là một chiến sĩ can trường trên mặt trận sông nước với vũ khí duy nhất là mái chèo, vừa là một người

nghệ sĩ tài hoa hằng ngày vẫn viết nên bản những bản hùng ca tuyệt đẹp về sức mạnh của những con người lao động. Hai đoạn văn miêu tả chi tiết cảnh người lái đò vượt thác và cuộc sống bình dị sau khi giáp mặt với thiên nhiên hung dữ đã tập trung thể hiện điều đó.
2. Thân bài
1. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm
Tuỳ bút "Người lái đò sông Đà" là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân viết sau Cách mạng, được in trong tập "Sông Đà" (1960). Ở tuỳ bút này, người lái đò sông Đà là một hình tượng độc đáo, hấp dẫn mang rõ dấu ấn phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Cuộc sống của người lái đò là “cuộc chiến đấu” hằng ngày với thiên nhiên Tây Bắc, có nhiều lúc trông nó ra thành diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một của con người. Trong cuộc mưa sinh đày gian khổ ấy, phẩm chất của người lái đò được bộc lộ một cách rõ nét, thể hiện qua “cuộc chiến đấu gian lao” trên chiến trường Sông Đà, trên một quãng thủy chiến ở mặt trận Sông Đà.
2. Cảm nhận về người lái đò sông Đà
a. Đoạn 1: Ông lái đò là người rất mực tài trí, dũng cảm trong những chuyến vượt thác đầy hiểm nguy.
- Nguyễn Tuân đã có dụng ý nghệ thuật sâu xa là để cho người lái đò xuất hiện trên một hoàn cảnh đầy thử thách khốc liệt. Nguyễn Tuân khẳng định "Ông muốn ghi cái đoạn này cái hình ảnh chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà, trên một quãng thuỷ chiến ở mặt trận sông Đà".
+ Ở vòng vây thứ nhất: Thác Sông Đà mở ra “năm của trận”, có bốn “cửa tử”, một “cửa sinh”. Cửa sinh nằm “lập lờ ở phía tả ngạn”. Khi con thuyền xuất hiện, phối hợp với đá, nước thác reo hò làm “thanh viện” cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt. Có hòn đá trông nghiêng thì y như là đang hỏi cái thuyền “phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến”. Hòn đá khác thì lùi lại một chút và “thách thức” cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào. Không một chút nao núng, ông đò hai tay giữ mái chèo để khỏi bị hất lên khi sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Nhìn thấy con thuyền và người lái đò, mặt nước “hò la vang dậy”, ùa vào mà “bẻ gãy cán chèo”, võ khí của người lái đò. Sóng nước thì như thể quân liều mạng, vào sát nách mà “đá trái mà thúc gối” vào bụng và hông thuyền, có lúc chúng “đội cả thuyền lên”. Nước bám lấy thuyền như đô vật “túm lấy thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra”… Ông đò đã bị thương, nhưng ông “cố nén vết thương”, hai chân vẫn “kẹp chặt lấy cuống lái”. Cuộc chiến đã đến hồi quyết liệt, sóng nước “đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm” vào chỗ hiểm. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy “ngắn gọn tỉnh táo” của người cầm lái. Và ông lái đò đã phá xong cái “trùng vi thạch trận” vòng thứ nhất của thác Sông Đà.
+ Không một chút nghỉ tay, ông lái đò tiếp tục phá luôn vòng vây thứ hai của thác Sông Đà. Ở vòng thứ hai này, thác Sông Đà lại “tăng thêm nhiều cửa tử” để đánh lừa con thuyền. Vẫn chỉ có một cửa sinh. Nếu ở vòng thứ nhất, cửa sinh nằm “lập lờ phía tả ngạn”, thì ở vòng thứ hai này, cửa sinh lại “bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn”. Đó chính là khó khăn, thách thức đối với người lái đò. Nhưng ông lái đò đã “thuộc qui luật phục kích” của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Ông hiểu rằng cưỡi lên thác Sông Đà phải “cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”. Cuộc chiến của ông lái đò ở vòng thứ hai đã bắt đầu. Nắm chặt cái bờm sóng đúng luồng, ông đò ghì cương lái bám chắc lấy luồng nước đúng mà “phóng nhanh vào cửa sinh” rồi “lái miết một đường chéo” về phía cửa đá ấy. Thấy con thuyền tiến vào, bốn năm bọn thủy quân bên bờ trái liền “xô ra” định níu con thuyền “lôi vào tập đoàn cửa tử” mà tiêu diệt. Nhưng ông lái đò vẫn “nhớ mặt” bọn này, đứa thì ông tránh mà “rảo bơi chèo lên”, đứa thì ông “đè sấn lên mà chặt đôi ra” để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền, chỉ còn vẳng tiếng reo hò của của sóng thác luồng sinh. Tuy vậy, bọn chúng vẫn “không ngớt khiêu khích”, dù cái thằng đá tướng đứng ở cửa vào đã “tiu nghỉu cái mặt xanh lè” vì bị thua cái thuyền du
kích nhỏ bé.
+ Vượt qua vòng thứ hai, ông lái đò còn phải vượt qua vòng thứ ba nữa. Ở vòng vây thứ ba này, thác Sông Đà ít cửa hơn nhưng bên phải bên trái đều là “luồng chết” cả. Cái “luồng sống” ở chặng thứ ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ. Ông lái đò đã hiểu điều đó. Ông cứ “phóng thẳng thuyền” chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền của ông đò “vút qua” cổng đá cánh mở cánh khép với ba tầng cửa: cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng. Con thuyền của ông đò “như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái lượn được”. Vượt qua vòng vây thứ ba cũng là vượt qua hết thác Sông Đà. Ông lái đò như một người chỉ huy lão luyện, đầy bản lĩnh và kinh nghiệm. Ông là một nghệ sĩ tài hoa với nghề vượt thác leo ghềnh.
+ Nguyễn Tuân đã mô tả một cách chân thật vừa trân trọng, vừa yêu thương, vừa cảm phục nhân vật ông lái đò vô cùng hiên ngang, trí dũng trong cuộc chiến đấu với những con sóng, con thác đầy hung dữ, nguy hiểm. Cuộc vượt thác, dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân diễn ra như một trận đánh dữ dội có nhiều hồi, nhiều đợt, mỗi đợt lại có những thử thách ác liệt khác nhau, dòng sông bày ra những thạch trận hiểm hóc khác nhau: "Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục trong lòng sông...để vồ lấy con thuyền. Đá bày ra thạch trận trên sông với những boongke chìm và pháo đài nổi, phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thủy thủ ngay ở chân
thác".
- Nghệ thuật: Kho từ vựng giàu có và vốn kiến thức văn hoá khoa học phong phú, uyên bác như quân sự, võ thuật, thể dục thể thao, điện ảnh...của Nguyễn Tuân được dịp huy động để miêu tả cuộc thuỷ chiến ác liệt giữa người lái đò và sóng thác sông Đà "Sóng nước thúc gối vào bụng và hông thuyền...có lúc chúng đội cả thuyền lên...sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất". Có lúc tưởng như ông lái đò sẽ bị con thuỷ quái sông Đà vô cùng hung bạo ấy nuốt chửng. Nhưng ông lái đò vẫn không hề nao núng, trái lại vẫn bình tĩnh chủ động chiến đấu một cách dũng cảm đầy mưu trí
như một vị chỉ huy tài trí tuyệt vời, điều khiển con thuyền lần lượt vượt qua các thác ghềnh như "Phá cái trận đồ bát quái của dòng sông hung bạo"..."Dòng nước hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên
sông Đà". Nhưng người lái đò vẫn "Cưỡi lên thác sông Đà...đến cùng như là cưỡi hổ".
B. Đoạn 2: Sau khi vượt thác – bến bờ bình yên
- Khi vượt qua thác lũ, mọi việc vất vả, nguy hiểm xèo xèo tan trong trí nhớ những người lái đò. Họ coi việc đối mặt với sóng nước hung bạo, hiểm nguy là chuyện thường nhật, thường tính, không có gì đáng nói. Khi đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, học chỉ bàn về cá dầm xanh, cá anh vũ... Ông lái đò cũng như đồng nghiệp của mình còn gắn bó thiết tha với làng bản quê hương. Họ thường treo bu gà trống có bộ lông đẹp vá giọng gáy hay ở đuôi thuyền để đi đựờng xa, qua bờ này bến khác, có tiếng gù gáy đem theo, nó đỡ nhớ nương ruộng bản mường mình...
+ Với Nguyễn Tuân, chủ nghĩa anh hùng đâu chỉ ở nơi giáp mặt với quân thù, mà có thể xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống lao động của những con người bình thường giản dị, không tên tuổi, ở ngay cả những nơi xa xôi, hẻo lánh của Tổ quốc. Cuộc sống lao động của người lái đò vô danh nơi hoang vu kia xứng đáng là một thiên anh hùng ca lao động.
3. Nhận xét về cách nhìn con người của Nguyễn Tuân
- Một đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân là "thiên nhiên hay con người đều được chú ý khám phá ở phướng diện văn hóa, mĩ thuật của nó". Vì thế, ta còn bắt gặp ở đây hình ảnh một ông lái đò rất mực tài hoa, nghệ sĩ bên cạnh vẻ đẹp của lòng dũng cảm và bản lĩnh cao cường trước thử thách của thiên nhiên.
- Nếu như trước cách mạng tháng Tám, con người Nguyễn Tuân hướng tới và ca ngợi là những “con người đặc tuyển, những tính cách phi thường”, có phần xa lạ với nhiều người, thì sau Cách mạng, ông hướng ngòi bút của mình đến những con người lao động bình thường đang âm thầm cống hiến cho đất nước. Ông phát hiện ra nét tài hoa nghệ sĩ của họ được thể hiện ngay trong công việc lao động vô cùng nguy hiểm nhưng cũng vô cùng cao cả của mình. Nguyễn Tuân gọi đó là "Cái thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí con người Tây Bắc". Nhà văn dành cho người lao động cái nhìn trân
trọng, tin tưởng, yêu thương.
3. Kết bài
Nguyễn Tuân đích thực là một nghệ sĩ tài hoa bậc thầy trong việc ngợi ca những con người lao động trong gian lao nguy hiểm nhưng đầy vinh quang, điển hình là hình tượng ông lái đò trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" với nhiều nét đẹp và cả chất nghệ sĩ trong nghề.
 
Top Bottom