Sử Dấu ấn lịch sử phong trào Đồng khởi Bến Tre

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Hoàng Thanh
Cuộc Đồng Khởi Bến Tre đã qua đi 55 năm (17/1/1960-17/1/2014), những người trong cuộc, những nhân chứng lịch sử, thế hệ hôm nay của Bến Tre và cả mai sau luôn nhớ về thời khắc lịch sử "Đồng Khởi Bến Tre": Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ và tay sai đã đàn áp, đánh phá khốc liệt phong trào cách mạng trong tỉnh. Có thể nói đây là giai đoạn máu và nước mắt. Chúng lập nhiều cơ sở, liên tục đánh phá cơ sở cách mạng, đàn áp, bắn giết những người kháng chiến và đồng bào ta vô cùng dã man, tàn ác, không trừ một thủ đoạn thâm độc nào. Có thể nói, đêm trước Đồng khởi nổ ra, trên 3 dãy cù lao xứ dừa là một cảnh tượng điêu tàn, đổ nát, nhân dân Bến Tre sống trong cảnh máu và nước mắt, tang tóc, đau thương không sao kể siết. Lòng căm thù giặc sôi trào, dồn nén trong lòng mọi người.

5344_1612015_7752.jpg

Đội quân tóc dài (huyện Mỏ Cày) tham gia đấu tranh trong phong trào Đồng Khởi năm 1960. (Ảnh TL)

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương, cuối năm 1959 đầu năm 1960 nhân dân ta ở miền Nam đã vùng lên khởi nghĩa đồng loạt phá kìm. Nhất là dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, hàng vạn đồng bào đã đoàn kết, chung lòng, sáng tạo với sự kết hợp phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”, làm nên cuộc Đồng Khởi long trời lở đất trên quê hương Bến Tre vào ngày 17/1/1960. Cao trào Đồng Khởi tại ba xã (Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp - huyện Mỏ Cày) tỉnh Bến Tre bùng lên thành ngọn lửa, thành phong trào lan rộng ra cả huyện, cả tỉnh, ở các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đặc biệt làm thay đổi cục diện ở miền Nam, phá vỡ một mảng lớn hệ thống chính quyền cơ sở của địch.
Phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam, được nhân dân cả nước và một số nước trên thế giới biết đến; được xem là một sự kiện lịch sử trọng đại, một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mốc son lịch sử mà quá trình phong trào Đồng khởi Bến Tre làm nên, khi nhìn lại và đánh giá về nó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đã viết và nói: ... "Nhân dân miền Nam đã vùng lên như triều dâng thác đổ, đã chuyển sang thế tiến công với phong trào "Đồng Khởi" mở đầu từ Bến Tre, thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng để lãnh đạo cuộc đấu tranh cho đến thắng lợi hoàn toàn. Bước đầu vào đầu những năm sáu mươi, cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân ta nhằm đánh đổ chính quyền tay sai Mỹ và thống nhất đất nước đã khiến bọn xâm lược Mỹ phải thú nhận: "Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới mà chính quyền Mỹ phải đương đầu với một cố gắng phát triển rất tốt của Cộng sản nhằm lật đổ một chính phủ thân phương Tây"" (Trích "Nước Việt Nam là một dân tộc Việt Nam". Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện sử học -Nxb Khoa học xã hội, 1976 - trang 207 - 208).

5344_1612015_7753.jpg

Súng ngựa trời do công binh xưởng tỉnh Bến Tre tự chế, dùng trong phong trào Đồng Khởi năm 1960. (Ảnh TL)

Trong bài Tổng kết của đồng chí Hoàng Văn Thái - Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tỉnh Bến Tre từ ngày 12 đến 17/7/1982 có đoạn viết: ... “Phong trào Đồng Khởi Bến Tre đã mở đầu cho cuộc tấn công và nổi dậy lần thứ nhất của cách mạng miền Nam, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của chính quyền Mỹ - Diệm, rõ ràng phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu; nó đã có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam và xứng đáng đựợc gọi là quê hương Đồng Khởi với tất cả nội dung và tính chất của nó”.
Trong "Thư vào Nam của đồng chí Lê Duẩn - Nxb Sự thật - Hà Nội, 1995" chú thích 4, trang 396 - 397, trích thư của đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương gửi đồng chí Mười Cúc về phong trào “Đồng Khởi”: "... Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương, cuối năm 1959 đầu năm 1960 nhân dân ta ở miền Nam đã vùng lên khởi nghĩa đồng loạt…. Cuối năm 1959 tại nhiều nơi ở Nam Bộ, quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kìm, khiến cho bộ máy tề ngụy ở hàng trăm thôn, xã phải tan vỡ. Đặc biệt, đêm 17/1/1960, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Từ đó làn sóng "Đồng Khởi" như nước vỡ bờ tràn lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh ở Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ. Trong phong trào nổi dậy của quần chúng, các lực lượng vũ trang cách mạng đã ra đời và phát triển. Thắng lợi của phong trào “Đồng Khởi” là bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện cách mạng miền Nam, là thất bại lớn đầu tiên của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam nước ta. Chính trong cao trào cách mạng đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời...".
Trong sách tư liệu lịch sử "Những chặng đường thắng lợi vẻ vang" tác giả Phạm Văn Đồng - Nxb Sự thật, Hà Nội. 1985 (trang 444), Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về Đồng Khởi Bến Tre "... Những chuyển biến cách mạng to lớn ở miền Nam được tạo ra do phong trào Đồng Khởi của quần chúng và nhân dân miền Nam cuối năm 1959 đầu năm 1960. Phong trào này bắt đầu từ tỉnh Bến Tre và nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam. Giữa tháng 1 năm 1960, cuộc khởi nghĩa đồng loạt nổ ra tại ba huyện Minh Tân, Mỏ Cày, Thạnh Phú làm cho bộ máy kìm kẹp của địch bị tan rã, nhiều xã được hoàn toàn giải phóng. Qua cuộc Đồng Khởi này, trung đội giải phóng quân đầu tiên của Bến Tre đã đảm đương nhiệm vụ cùng nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chính trị và quân sự, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, bảo vệ quyền làm chủ, phát huy những thắng lợi đã giành được"…

5344_1612015_7754.jpg

Lực lượng du kích Bến Tre trong những ngày đầu Đồng Khởi ở Bến Tre 1960. (Ảnh TL)

Trong phim tư liệu "Bến Tre Đồng Khởi", Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về cuộc Đồng Khởi nổi tiếng ở Bến Tre: "... Theo tôi biết chị Ba Định cùng nhân dân và Đảng bộ Bến Tre đấu tranh trong những năm ác liệt nhất, chị kiên cường bất khuất, là người phụ nữ đã tham gia lãnh đạo cuộc Đồng Khởi nổi tiếng ở Bến Tre. Cũng trong thời gian đó hình thành sự đấu tranh rất sáng tạo, rất mới là trước sự khủng bố ác liệt như vậy, mà có thể nói hình thành được đội quân tóc dài, kết hợp chính trị, quân sự, binh vận làm thất bại âm mưu của địch, bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền lợi của nhân dân ta. Nhắc đến việc làm đó mình cũng thấy rằng như vậy là có thể địch cắm đồn bót nơi này nơi kia nhưng mà lòng dân là theo Cụ Hồ. Cho nên đây là một hình thức, là một nghệ thuật vận động toàn dân, mà đây là đàn ông, mà đây là phụ nữ, trẻ con, tất cả đều tham gia cả, những hình thức này có thể là độc đáo...".
Đánh giá về những bài học kinh nghiệm từ Đồng Khởi Bến Tre 1960, cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) đã đánh giá cao sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm khi vận dụng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng của Tỉnh ủy và nhân dân Bến Tre trong phong trào Đồng Khởi tại địa phương và những bài học kinh nghiệm từ Đồng Khởi Bến Tre năm 1960 (Bản chép từ băng ghi âm lưu ở kho lưu trữ của Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre ngày 17/7/1982): "... Sau cái tết đầu năm 1960, ta đưa phong trào nổi dậy ở nhiều nơi trong đó có Bến Tre…. Lúc bấy giờ Xứ ủy chúng tôi rất vui mừng mà nói, băn khoăn thì bây giờ Bến Tre đã tìm ra được cái phương thức này đây! Lập tức chúng tôi đem cái kinh nghiệm này phổ biến chỉ đạo cho các nơi áp dụng để làm. Và sau đó mới có cái từ là Đồng Khởi. Và qua Đồng Khởi mà xây dựng ba lực lượng: lực lượng quân sự, lực lượng chính trị và lực lượng binh vận; ba mũi giáp công, mà không phải giáp công rời rạc nhau, mà giáp công ngay ở trong một cuộc đấu tranh, ba mũi giáp công ngay từ một người quần chúng. Đó là cái đặc biệt! Đây là cái thế mạnh! Thế mạnh tổng hợp mà chính từ cái thế mạnh tổng hợp đó nó phát triển lên thì nó sẽ thành ra là nổi tiếng dậy từng phần, kết hợp ba mũi giáp công và tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Chính trung ương về sau này nêu vấn đế tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên cơ sở ba mũi giáp công này, cũng là trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của phong trào, mà trong đó cái phần đóng góp của Bến Tre là rất quan trọng..." .

5344_1612015_7755.jpg

Tái hiện hình ảnh "Đội quân tóc dài" trong phong trào Đồng Khởi năm 1960 tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. (Ảnh: QN)

Ngày 16/1/2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi đến toàn thể đồng bào và Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhân kỷ niệm 40 năm Đồng Khởi (17/1/1960 - 17/1/2000), trong đó có đoạn viết: “… Trong 2 năm 1959 – 1960, nhân dân miền Nam đã bất ngờ vùng dậy, 6 triệu rưỡi dân của 1.000 xã ở Nam Bộ, 4.400 thôn ở Khu 5 đã giành được quyền làm chủ dưới các mức độ khác nhau…. Trong công cuộc Đồng Khởi vĩ đại ấy, nhân dân và Đảng bộ Bến Tre là một trong những lá cờ đầu anh dũng nhất, quyết liệt nhất, mưu trí nhất, sáng tạo nhất, với đội quân tóc dài anh hùng, với lực lượng tại chỗ góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, từ thế gìn giữ lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược, làm rung chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thống trị của Mỹ - ngụy…”.
Ngày 16/6/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết về Đồng Khởi Bến Tre: “…Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thiêng liêng của chúng ta là sự nghiệp anh hùng của một dân tộc anh hùng. Có thể nói trên cả nước ta, địa phương nào cũng anh hùng, mỗi đơn một vẻ, có những chiến công chung và có những chiến công riêng tiêu biểu cho địa phương mình rất đáng trân trọng. Người trong cuộc, tôi xin được khẳng định chiến công chống chính quyền ngụy tay sai của Mỹ, tiêu biểu khởi đầu là phong trào Đồng Khởi của nhân dân và các chiến sĩ kiên trung của Bến Tre, đặc biệt là của các chị em được mệnh danh là “Đội quân tóc dài”, những người đã anh dũng vùng lên, cùng nhau nổi dậy thành một phong trào đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, phá thế kềm kẹp, làm thay đổi cục diện trên địa bàn lúc bấy giờ. Trong đó miền Nam nhiều nơi cũng có phong trào tương tự nhưng về quy mô thì chưa có nơi nào như Bến Tre (ít nhất cũng riêng của Nam Bộ). Sự Đồng Khởi ở Bến Tre đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào nhân dân nổi dậy đấu tranh nhiều địa phương khác ở Nam Bộ. Tôi có vinh dự lớn lúc đó là “người trong cuộc” và có điều kiện theo dõi bước phát triển quan trọng này trong quá trình kháng chiến của Bến Tre đã được chứng minh trong nhiều văn kiện của Đảng và những tác phẩm văn học nghệ thuật ghi nhận là “Quê hương Đồng Khởi”, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre có quyền tự hào về điều này…”.
Cũng trong phim tư liệu “Bến Tre Đồng Khởi”, Thượng tướng Trần Văn Trà nói về Đồng Khởi Bến Tre: “…Cuộc Đồng Khởi 1959 – 1960 ở Nam Bộ là một giai đoạn chiến lược vô cùng quan trọng, một chuyển biến về chiến lược của cả cuộc cách mạng. Cho nên đây là mốc chiến lược đầu tiên mà ta vượt qua những khó khăn để đi lên thế ổn định. Thế thì không chỉ Bến Tre làm đồng khởi đâu, nhiều tỉnh cũng làm đồng khởi, có khi có nơi làm đồng khởi trước nữa kia. Nhưng mà Bến Tre tiêu biểu hơn ở chỗ là cuộc Đồng Khởi Bến Tre thật sự là một cuộc đồng khởi, một cuộc khởi nghĩa có nhân dân rõ ràng. Có nhân dân, tuy rằng vũ trang không có bao nhiêu, nhưng nó rất tiêu biểu ở cái chỗ huy động được toàn dân đứng lên cướp chính quyền từ một số xã rồi mới lan rộng ra các huyện cả tỉnh…”.

Nhà sử học – giáo sư Trần Văn Giàu có bài viết đăng trên "Báo Đồng Khởi thứ bảy số Xuân 1989" : … “Kỳ công của Bến Tre mà lịch sử hiện nay và trăm năm sau đã và sẽ khắc trên bản đồng, là cuộc Đồng Khởi năm 1960 mở đầu một cao trào vũ trang đấu tranh dài 15 năm đi đến toàn thắng của kháng chiến chống Mỹ. Tôi biết có nhiều nơi “tranh chấp” (trong số các nhà viết sử thôi) cái danh hiệu Đồng Khởi. Là một người chép sử, tôi nhận xét rằng ở mấy nơi miền Trung và miền Nam hồi đó ngay cả trước năm 1960 nữa, quả có những cuộc vũ trang đấu tranh giành quyền làm chủ, nhưng Đồng Khởi (với tên gọi của phong trào) như là cuộc nổi dậy mang tính quần chúng. Cuộc nổi dậy có tác động lâu dài, rộng lớn và đưa lại nhiều bài học kinh nghiệm rất cơ bản, là thành tích của đồng bào Bến Tre, Mỏ Cày – đại biểu xứng đáng cho cuộc quật khởi chung trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long. Không phải vô cớ mà Bến Tre, Mỏ Cày cũng là cái nôi sản sinh những chiến sĩ cách mạng độc đáo như tản cư ngược, như đạo quân tóc dài…, đều là những sản phẩm trực tiếp của Đồng Khởi cả…”.
Sự thật, Đồng Khởi ở Bến Tre vào ngày 17/1/1960 là rất vĩ đại, rất kỳ diệu, thần kỳ, như huyền thoại và cũng rất đại chúng, do quần chúng làm lại rất lạ, rất hay, rất tài giỏi. Nếu không phải là người cách mạng, không phải là người Cộng sản thì không làm sao làm được! Cuộc Đồng Khởi Bến Tre đã diễn ra vô cùng oai hùng, quật khởi, là một kỳ công độc đáo, khi được lĩnh hội Nghị quyết 15 của Trung ương kết hợp với nghệ thuật lãnh đạo sáng tạo, mưu trí của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre thời bấy giờ với phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi giáp công” đã cùng với đồng bào Bến Tre làm nên cuộc Đồng Khởi long trời lở đất. Giờ đây, ôn lại lịch sử vẻ vang của quê hương, nhớ lại những móc son, dấu ấn lịch sử của ngọn đuốc Đồng Khởi năm 1960, mà Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã làm nên thời hoa lửa đó trong thời đại Hồ Chí Minh, sẽ mãi mãi chiếu sáng, vang vọng đến muôn đời sau và sẽ luôn là niềm tự hào và trở thành ngày hội truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ người dân Bến Tre.
Năm 2015, kỷ niệm 55 ngày Bến Tre Đồng Khởi (17/1/1960-17/1/2015) và cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ Bến Tre lần thứ IX nhiệm kỳ (2010- 2015), với chủ đề: “Phát huy tinh thần Đồng Khởi; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; tích cực huy động mọi nguồn lực; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững”. Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về việc phát động Phong trào thi đua "Đồng khởi mới", phong trào sẽ được phát động rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà, biến tinh thần Đồng Khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào Đồng Khởi trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra xung lực chính trị mới, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, toàn diện hướng tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Phương châm của phong trào thi đua "Đồng khởi mới" là: đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2015, trong đó tập trung vào 3 khâu đột phá đó là:

5344_1612015_7757.JPG

Di tích Đồng Khởi Bến Tre tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. (Ảnh TTr)

- Xây dựng thành phố Bến Tre đạt tiêu chí đô thị loại II; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội để thị trấn Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam trở thành đô thị loại IV; đầu tư xây dựng, nâng cấp và công nhận 20 trung tâm xã đạt chuẩn đô thị loại V.
- Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo ra phong trào “Nhà nhà thi đua, người người thi đua” chung tay xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 đạt 45 xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt ít nhất 10 tiêu chí (trong đó có tiêu chí thu nhập, giao thông nông thôn và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội).
- Tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng chi bộ.
Tiếp bước và phát huy mạnh mẽ truyền thống phong trào "Đồng khởi", thế hệ những người đang tiếp nối, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ra sức học tập, lao động, sáng tạo làm theo gương các thế hệ đi trước; nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, cùng chung sức, chung lòng thi đua trong phong trào “Đồng Khởi mới”. Nhất là thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình, cần phấn đấu nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa, xứng đáng nhiều hơn nữa, bằng những việc làm cụ thể hiệu quả, thiết thực trong xây dựng quê hương. Đặc biệt, là cùng đồng hành, trách nhiệm với các cấp, các ngành phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, để người dân tỉnh nhà hiểu, cùng tham gia thực hiện có hiệu quả và đạt kết quả theo tinh thần phát động thi đua "Đồng khởi mới" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, để lập thành tích chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước, Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.


Nguồn: bentre.gov.vn
 
Top Bottom